Những Con Người Miền Núi Tài Hoa, Khẳng Khái, Trọng Nghĩa Khinh Tài.

“Bây giờ tốc tác hạt mưa

Đồng đội dậy rào rào cuốn võng Chỗ mặt trận lên ì ầm tiếng súng

Giặc bắn từ ban mai nhằm chúng cơn mơ”

(Y Phương - Cơn mưa ban mai)

Y Phương đã chọn cây nghiến làm biểu tượng cho con người miền núi kiên cường bất khuất: “Nghiến là loài cây thân gỗ, cứng cáp và bền chắc hơn sắt thép không bao giờ bị gỉ, mối mọt. Người dân quê tôi dùng nó làm nhà và các vật dụng khác. Hàng trăm năm dùng không hề suy chuyển. Nghiến chỉ phù hợp với vùng núi đá. Chúng mọc kham khổ từ tấm bé. Rễ cây cứ bám chắc vào núi đá. Nó hút mùn từ xác lá mẹ. từ tầng tầng địa y. Nó uống sương ăn nắng từ trời. Nghiến sống đời hàng ngàn năm tuổi” [13,195]

2.2.1.3. Những con người miền núi tài hoa, khẳng khái, trọng nghĩa khinh tài.

Tính cách con người hình thành từ những điều kiện nào? Có nhiều điều kiện nhưng có lẽ quan trọng nhất là do môi trường văn hóa mà anh ta được thụ hưởng. Tính cách, phẩm chất của con người miền núi cũng thế. Môi trường văn hóa của vùng đất Cao Bằng được tạo ra từ vị trí địa lí, truyền thống văn hóa, đặc điểm về lịch sử nhiều “dông bão” đã tạo ra những phẩm chất đặc biệt của con người sống cheo leo nơi vách đá, đại ngàn. Y Phương từng diễn tả giản dị và chính xác về điều này: “Hai phần đất một phần đá. Đá và đất tác động hình thành tính cách người. Cương nhu là hai mặt đối lập, nhưng thống nhất. Chúng bổ sung và tương hỗ cho nhau” [14,35].

Bởi vậy, người miền núi vừa hiền hòa nhân hậu vừa kiên cương bất khuất, vừa tài hoa nghệ sĩ vừa rắn rỏi, trọng nghĩa khinh tài, sự im lặng nhã nhặn bề ngoài và đời sống nội tâm dữ dội, sôi sục bên trong.

Ở phẩm chất loại hình thứ ba của con người miền núi này, chúng ta gặp gỡ chúng trong hàng loạt tản văn: “Cây nghiến xanh trong lòng Hà Nội”, “Nhà thơ Bàn Tài Đoàn: Tiếng cười ngỡ tiếng suối reo”, “Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: chiếc lá ngọt dần lên đỉnh”, “Nhà văn Hoàng Quảng Uyên: Cơm nhan”... vv..

Qua hàng loạt chân dung văn học (một tiểu loại của thể tản văn), Y Phương đã “chấm phá” thành công hình ảnh con người miền núi tài hoa, có khí phách, trọng nghĩa khinh tài, dấu “lõi nghiến” cứng cỏi thật sâu trong vẻ mềm mại, hồn nhiên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Đó là nhà thơ Bàn Tài Đoàn - một “đỉnh núi” của thơ ca dân tộc Dao, thích uống nước lã chảy ra từ đầu nguồn, ăn cơm với trám đen, sống giản dị khiêm nhường, đón tiếp bạn bè bằng tiếng cười nồng hậu. Nhà thơ viết thơ tình cho các đôi trai gái và đặc biệt không bao giờ lấy tiền: “Thỉnh thoảng lại thấy có đôi trai gái trẻ măng người Dao Tiền rọt rẹt vào nhà. Khách bước đến mép bàn. Chủ nhà hỏi” Lấy mấy bài? Khách bảo: Hai. Thấy đôi trai gái lục xục túi áo, bác Đoàn dủng dẳng: Mai lủng xèn, không cần tiền” [13, 210]

Đó còn là nhà thơ Pờ Sảo Mìn – nhà thơ duy nhất của dân tộc Pa Dí (một dân tộc chỉ có hai ngàn người). Đây là một nhà thơ rất giỏi võ nghệ: “Vắt áo chàm lên vai, lão chờn vờn đi như nắng trên đường Hà Nội. Có lúc nhớ nhà quá, lão bèn vừa đi vừa múa quyền. Hai tay lão liên tiếp ra đòn. Khiến những chiếc lá vàng rơi không sao tiếp đất. Tay phải chém tay trái gạt (...) khiến cho đám lá vàng bị nát bươm” [13,213].

Đặc sắc tản văn Y Phương - 6

Chính Pờ Sảo Mìn từng tự họa chân dung mình trong thơ: “Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo

Uống nước nguồn trong veo (...)

...Con trai người Pa Dí

Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng Dáng ngang tàng vẻ quấy đạp trần gian”

Tản văn của Y Phương đã chỉ đúng cái “thần” của con người miền núi tài hoa, trọng nghĩa khinh tài mà nặng tình nặng nghĩa với quê hương gian khó: “Pờ lặng lẽ ngồi xuống, tay phải bật nắp bầu rượu, tay trái thành kính rót cho đá một miếng, rót cho mình một miếng. Cứ như thế. Pờ và quê hương trò chuyện hỏi han” [13, 218].

Cuộc rượu kì lạ ấy kéo dài “từ giờ thìn của ngày hôm trước kéo sang tận giờ mùi của ngày hôm sau”, có biết bao thương nhớ, trân trọng trong những giọt rượu rót mời đá núi quê hương ấy?! Nếu ai đó không biết yêu quê hương của mình thì cũng sẽ không biết yêu bất cứ điều gì trên thế gian này. Pờ Sảo Mìn ngang tàng,

giỏi võ, thơ và hát rất hay, lúc nào cũng cười tưởng vô tư đến vô tâm. Nhưng không, ẩn bên trong quả núi ngẩng cao đầu ngạo nghễ ấy là một nguồn nước yêu thương tràn trề ngọt lành.

Chúng ta còn gặp những phẩm chất tương đồng như thế trong các bức chân dung con người miền núi khác như Bế Thành Long, Cao Duy Sơn, Trần Hùng, Từ Ngàn Phố... Tất cả hợp lại thành hình ảnh con người miền núi vừa anh hùng vừa nghệ sĩ, vừa giàu yêu thương vừa quật cường trong im lặng thẳm sâu , như chính quê hương Cao Bằng của Y Phương vậy.

2.2. Cảm hứng chủ đạo trong tản văn của Y Phương.

Cảm hứng chủ đạo được Từ điển Thuật ngữ Văn học định nghĩa: “Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định gây tác động đến cảm xúc của người tiếp nhận tác phẩm (...) biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [49,44,45] Cảm hứng chủ đạo trong tản văn của Y Phương cũng là một tình yêu đắm say,

lòng tự hào mãnh liệt dành cho quê hương và con người miền núi. Tình cảm, cảm xúc ấy gắn bó với một tư tưởng xác định: Hãy bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình. Hãy làm tất cả để quê hương và con người miền núi không bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trước mặt trái của cơ chế thị trường!

Cảm hứng chủ đạo ấy trở thành “linh hồn” trong tản văn của Y Phương, chi phối, quyết định diện mạo mọi cấp độ nội dung và hình thức của tác phẩm. Qua khảo sát và đánh giá ,chúng tôi phân chia cảm hứng chủ đạo trong tản văn của Y Phương thành một số kiểu loại sau đây.

2.2.1. Cảm hứng ngợi ca và khát vọng bảo tồn bản sắc văn hóa Tày trước “mặt trái” của cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa.

Bản sắc văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa Tày nói riêng là toàn bộ các thuộc tính văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành, phát triển và “sàng lọc” qua ngàn đời để trở thành phẩm chất văn học - “Hộ chiếu văn hóa” của từng dân tộc để đối thoại với thế giới, là “chiếc neo” kì diệu neo giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của từng cộng đồng dân tộc. Trong thời đại “Toàn cầu hóa” với sự “xâm lăng văn hóa” của các nước phát triển với các nước đang

phát triển như Việt Nam, trong cơn lốc xoáy từ “mặt trái” của cơ chế thì trường, văn hóa Tày nói riêng (và văn hóa Việt Nam nói chung) đang đứng trước nguy cơ bị “bào mòn” và bị làm mai một dần những giá trị tốt đẹp. Cũng như các nghệ sĩ chân chính khác, trong tản văn của mình, Y Phương đã gióng lên “tiếng chuông báo động” khẩn thiết về tình trạng “xuống cấp” về văn hóa trong thế hệ trẻ hôm nay.

Trong cảm hứng nghệ thuật này, chúng ta gặp hai tư tưởng nghệ thuật song hành - hô ứng với nhau: ngợi ca những phẩm chất văn hóa tốt đẹp bao nhiêu thì phê phán các hiện tượng “xuống cấp” về văn hóa bấy nhiêu, bởi đó là hai mặt của một vấn đề, tương tự như câu thơ mà Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”.

2.2.1.1. Yêu quý, tự hào và ngợi ca những phẩm chất văn hóa tốt đẹp của dân tộc Tày nói riêng, của đồng bào miền núi nói chung.

Trong hai tập tản văn của Y Phương, chúng ta được gặp gỡ với rất nhiều biểu hiện cụ thể của phẩm chất văn hóa ấy. Bằng cái nhìn yêu mến, trân trọng, tự hào, Y Phương đã làm sống dậy, hiện hữu như bằng xương bằng thịt những nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc mình: Tết Thanh minh linh thiêng mà gần gũi, trang phục của người con gái Tày với màu chàm bền bỉ, tấm vải “Rằm khấu” chú rể biếu mẹ vợ trong ngày cưới để tỏ lòng biết ơn, thành ngữ “Rễ người dài” thật sâu sắc của người Tày, văn hóa ẩm thực độc đáo với bánh cuốn, rượu ngô, rau tập tàng bánh Áp chao..., văn hóa tâm linh nhắc nhở cháu con nhớ công ơn tổ tiên ông bà, văn hóa võ thuật, dân ca với các điệu Lượn làm say đắm lòng người...Y Phương từng khái quát thật cô đọng về vẻ đẹp, sức mạnh của văn hóa dân tộc truyền thống; và nỗi bất hạnh khủng khiếp khi mất đi truyền thống văn hóa ấy: “Truyền thống văn hóa là cả một quá trình tiếp nối nhiều thế hệ. Trải qua hàng trăm hàng ngàn năm mới hình thành, ổn định và phát triển. Với văn hóa không thể đi tắt đón đầu. Kẻ nào coi thường, khinh rẻ truyền thống văn hóa dân tộc, thì kẻ đó lãnh đủ nỗi bất hạnh (...) Nỗi bất hạnh không rõ hình thù. Không có màu sắc. Không tỏa mùi vị. Nỗi bất hạnh sẽ xui khiến con cái cháu chắt họ nhuốm đầy tội ác” [131, 148]

Trong cảm hứng ngợi ca và tự hào này, Y Phương sung sướng giới thiệu về văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Tày: “Các món ăn của người Cao Bằng có nhiều loại, nhiều kiểu ăn. Nhưng không thể không nhắc đến vịt quay, phở chua, bánh áp chao, xôi ngũ sắc, chân giò hầm hạt dẻ, thịt bò xào rau dạ hiến, thịt ba chỉ nặm khau...”[14, 57]. Nếu chỉ miêu tả cái khéo của cách chế biến, cái ngon của món ăn thì văn hóa ẩm thực ấy chưa thật đặc sắc, bởi dân tộc nào chẳng có những món ăn ngon của mình? Đọc tùy bút của Nguyễn Tuân, kí của Vũ Bằng, chúng ta từng gặp bao món ăn ngon và cách ăn ngon?! Nhưng tản văn của Y Phương, khi miêu tả về văn hóa ẩm thực của Cao Bằng, còn đem đến một điều thú vị khác: người bán hàng cẩn trọng, nâng niu và nồng hậu như muốn trao gửi tình cảm của mình vào món ăn đang chế biến: “Lá bánh cuốn cất tiếng thở khoan thai như người. Khi cánh tay cô chủ quán nhịp nhàng trải bánh ra, đặt nhân thịt vào, người nghe thấy bột gạo kêu thóp thép. Cô chủ quán đặt cái bánh nhẹ nhàng như cắm bông hoa vào lọ” [14,58]. Và người ăn đâu chỉ ăn bánh mà còn là nhận tình nhận nghĩa, “ăn” cái tình cảm của những con người phúc hậu nơi quê hương trao gửi cho mình.

Sau văn hóa ẩm thực, Y Phương cũng miêu tả thật tài hoa những lễ tết hội hè, chợ búa của người Tày ở Cao Bằng. Điều kì diệu là trong tất cả những sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấy, tình người nhân ái dành cho thiên nhiên, cho đồng loại, cho muôn loài luôn thắm thiết đậm đà. Đi chợ không phải để mua bán mà để ngắm nhau, tìm nhau cho đỡ “Đói người”: “Đi chợ khắc có tiền. Vung tay khắc có bạn. Họ đi chợ là để tiêu buổi tâm tình. Uống với nhau bát rượu gạo. Nhìn thấy mặt nhau là đỡ khát” [14,9].

Trong rất nhiều cái tết của người Tày, có một cái tết đặc biệt tên là “tết Vía trâu”, cái tết thể hiện lòng biết ơn của con người miền núi với con vật đã vất vả để mang lại no ấm cho mình, nhân văn và ân tình xiết bao, con người đối xử với con trâu còn thế, đối xử với đồng loại sẽ tốt đẹp hơn nhiều: “Tết vía trâu gợi cho con người lòng biết ơn sâu sắc. Tất thảy những ai giúp đỡ mình qua cơn đói khát, giúp làm tan nỗi buồn phiền, đều phải biết ơn” [14,67].

Có một phong tục đẹp đẽ mà nhiều dân tộc không có, một phong tục thể hiện tầm văn hóa rất cao, sâu sắc và tinh tế, vừa nhân văn vừa mang ý nghĩa giáo dục to lớn: trong ngày cưới, chú rể sẽ dâng tặng mẹ vợ một tấm vải “Rằm khấu”, sính lễ nhỏ bé, không có giá trị kinh tế cao nhưng lại vô cùng quý giá bởi vì: “một tấm vải mà ai xin dứt khoát không cho. Ai nài mua, dứt khoát không bán! Mọi người chỉ được ngắm nhìn, bình phẩm, nghĩ ngợi liên tưởng thôi. Một tấm vải mà ta cầm vào, như cầm trong tay một dòng sông. Dòng sông ân đức” [13, 125]. Tấm vải ấy do tự tay người mẹ chú rể dệt, nhuộm để thể hiện, không chỉ sự tri ân với bà thông gia, cũng không chỉ gửi gắm lòng biết ơn của chú rể với người mẹ thứ hai đã sinh thành, nuôi dạy và trao cho mình một “Bông hoa rừng” xinh đẹp, nết na, tấm vải và hành động trao tặng ấy còn tượng trưng cho một cuộc “Bàn giao thế hệ” giữa mẹ chồng với nàng dâu. Để từ đấy nàng dâu sẽ tiếp bước mẹ chồng thực hiện sứ mệnh cao quý và cũng là trách nhiệm nặng nề: làm vợ, làm mẹ. Người Việt có châm ngôn “Phúc đức tại mẫu” cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy. Y Phương đã ngợi ca và tự hào về những phẩm chất văn hóa của dân tộc mình, nhưng đồng thời, nhà văn cũng thảng thốt lo âu về sự “xuống cấp” văn hóa đang diễn ra trên quê hương mình, phê phán những hiện tượng lệch lạc, tiêu cực về văn hóa cũng là một phương thức bảo tồn văn hóa.

2.2.1.2. Cảm hứng phê phán các hiện tượng tiêu cực về văn hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều trên quê hương miền núi.

Trong hàng loạt tản văn, bằng thủ pháp tương phản, Y Phương luôn đặt các phương diện văn hóa vào thế đối xứng “xưa” và “nay” để tiếc nuối vẻ đẹp văn hóa một thời đã mất, phê phán những hiện tượng tiêu cực về văn hóa đang hiện diện trong hiện tại. Đây là sự đổi thay làm mất mát về văn hóa qua hình ảnh một cái “Giếng chàm”: xưa - giếng đông vui tấp nập, nơi nhuộm những tấm vải chàm thân thương ngàn đời của người Tày, nay: “Dù cả đời im lặng, giếng chàm thăm thẳm hun hút mà hiểu được con người. Chả hiểu vì sao, ngày nay người làng tôi ít chỉnh trang, sửa sang lại giếng chàm (...) bây giờ không còn làm vải, trồng chàm để làm gì! Trông kìa ở đáy giếng nước đọng đỏ hoe như khóc. Giếng chàm ơi”[14,37].

Đó là sự đổi thay đáng ghê sợ trong “Bắt khách” khi đồng tiền lên ngôi: “Đồng tiền biến con người xuống thành quỷ” [13,36]. Trong “Áo tân thời bước vào cửa Vóng”, ta gặp sự biến mất những phong tục tốt đẹp trong lễ cưới, để hiện diện những nghịch cảnh bi hài. So sánh áo tân thời hở hang của cô dâu người Tày hôm nay, được tác giả gọi là “dâu tây”, bao tiếc nhớ vẻ đẹp của văn hóa truyền thống được gửi vào dòng hoài niệm: “ Ngày cuối cùng của đời thanh nữ, cần phải mặc trang phục cổ truyền của dân tộc. Đó là niềm tự hào chính đáng. Những người phụ nữ Tày mặc áo Tày, họ không chỉ đẹp một cách dung dị, chân phương, mà còn thiêng liêng cao quý. Thiêng liêng vì nó là sản phẩm sáng tạo của tổ tiên ông cha giống nòi người Tày để lại. Cao quý vì là sản phẩm tự tay mình trồng bông dệt vải” [13, 123].

Đáng buồn hơn, cũng đau đớn hơn là tệ nạn nghiên hút ma túy đã hoành hành tận nơi bản xa rừng vắng.: “Cái chết trắng” đã gieo rắc bao thảm cảnh: “Ông già bẩy tám mươi lầm lũi khiêng đòn. Họ vừa ôm bụng ho vừa còng lưng mang vác con cháu mình đi chôn” [13,96]

Trong hành trình “Đổi mới” của dân tộc, kinh tế và văn hóa là “đôi cánh” để dân tộc “bay lên”. Nếu kinh tế gắn với sự đổi thay chóng mặt thì văn hóa gắn với sự bảo tồn bản sắc song song với học tập tinh hoa của văn hóa ngoại nhập. Nhưng quá trình bảo tồn và học tập ấy đang diễn ra với nhiều bất cập đáng lo ngại. Đó chính là “thông điệp” mà Y Phương muốn gửi gắm tới bạn đọc, đặc biệt với thế hệ trẻ của dân tộc mình.

2.2.2. Cảm hứng chiêm nghiệm - triết lí về lẽ sống ở đời, về mối quan hệ giữa văn hóa và nhân cách, về số phận của con người.

Trong tác phẩm văn học, bắng phương thức gián tiếp hay trực tiếp, các nhà văn đều gửi gắm vào sáng tạo nghệ thuật của mình những triết lí nhân sinh sâu sắc. Với tản văn, do nguyên tắc tự biểu hiện trực tiếp của “cái tôi” tác giả, những triết lí nhân sinh được trình bày cô đọng trong hoặc sau mỗi câu chuyện kể. Nhà văn Băng Sơn đã đúc rút một triết lí nhân sinh trong tản văn “Hoa xuân”: “Người ta thường nói “người là hoa của đất” ta còn có thể hiểu: Đất nở hoa cũng là nở ra những đóa hoa tâm hồn cho con người sống thêm tốt đẹp” [55]. Nguyễn Ngọc Tư lại triết lí

trong “Sư tử không ăn cỏ”: “Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh giữa lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo”.[51]

Với nguyên tắc nghệ thuật tự biểu hiện trong tản văn, Y Phương cũng hay triết lí sau bao chiêm nghiệm ngọt ngào thì ít đắng cay thì nhiều của mình. Chỉ có một điểm khác biệt giữa Y Phương với nhiều nhà văn viết tản văn khác: Y Phương thường kín đáo gửi gắm các triết lí nhân sinh của mình qua các hình ảnh mang tính biểu tượng, hoặc qua các hình ảnh được đặt vào thế đối sánh hay so sánh liên tiếp. Trong những câu văn mang tính khẩu ngữ tự nhiên và sinh động, các hình ảnh mang tính biểu cảm và tạo hình cao xuất hiện, trong đó hàm chứa các triết lí nhân sinh mới đọc qua tưởng lời nói bâng quơ, hoặc lời độc thoại của nhân vật người trần thuật. Chính bởi đặc điểm này, các triết lí nhân sinh của Y Phương không mang tính bác học mà mang tính bình dân, giản gị, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Các triết lí nhân sinh ấy hướng vào một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Chiêm nghiệm và triết lí về lẽ sống thuần hậu của con người miền núi. Trong “Thư gửi bạn chăn trâu”, Y Phương đã triết lí về đức tính “nhường nhịn”

của người Tày và coi đó là một phẩm chất văn hóa cao quý: “Nhường nhịn là đức tính tốt đẹp từ đời ông tổ. Chả thế mà ngày nay còn có cánh đồng mang tên tổng Nhượng bạn. Có đám ruộng mang tên Nà Slâm. Nà Slâm nghĩa là đám ruộng có trái tim. Trái tim biết phải trái, biết đến đâu là đù. Cái ngưỡng của lòng người chỉ bấy nhiêu thôi” [13, 9]. Phải có nhân cách lớn, bản lĩnh lớn mới có được đức tính “nhường nhịn” ấy.

Khi bàn về việc gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc trong thời đại “Thế giới phẳng”, Y Phương viết thật ngắn gọn, thật hình ảnh: “Muỗi. Tôi không nghĩ thế. Cơm tính đằng cơm. Rượu tính đằng rượu. Khác đường khác tính. Người miền núi chúng tôi vẫn nói vậy. Rượu dẫu có hấp dẫn và ngon, nhưng không thay thế được cơm. Và ngược lại” [13, 21]

Qua thủ pháp so sánh ngầm với hai hình ảnh có tính biểu tượng là “Cơm” và “Rượu”, nhà văn đã triết lí thật đúng và hay: văn hóa nhân loại dẫu hay đến mấy nhưng là của nhân loại. Văn hóa của mỗi dân tộc được ví như “Cơm”, dù “rượu” kia ngon đến mấy cũng không thay thế “Cơm” được. Và “cơm” cũng không thể thay thế cho “Rượu”. Cách nói bằng hình ảnh của Y Phương tưởng mộc mạc nôm na mà sâu sắc, thâm thúy đến vậy.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023