Bản Sắc Văn Hóa Tày - Miền Thương Nhớ Sâu Thẳm Nhất Trong Tản Văn Của Y Phương.

Những câu thơ “biết ứa nước mắt” là cách nói hình ảnh của Trần Mạnh Hảo nhằm khẳng định nét đặc sắc nhất của thơ Y Phương: tình yêu thương thành thực và mãnh liệt dành cho con người, cho quê hương, đất nước và dân tộc mình. Nếu thiếu đi tình yêu thương thành thực và mãnh liệt ấy, mọi kĩ xảo ngôn từ là vô nghĩa.

Có thể nói những nhận định về thơ của Y Phương đã gợi ý rất nhiều cho chúng tôi khi tìm hiểu tản văn của Y Phương. Có thể ví phong cách nghệ thuật Y Phương là một gốc cây vững chãi, đầy sức sống đã sinh ra hai nhánh cây mạnh khỏe là thơ và tản văn của ông. Tuy mang đặc trưng thể loại khác nhau nhưng giọt máu nào chảy ra từ một trái tim chẳng đỏ thắm?! Những gì ông không nói hết được bằng thơ thì gửi vào tản văn (và ngược lại).

1.2. Tản văn của Y Phương

Với hai tập tản văn “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm” (2009); “Kungfu người Co Xàu” (2010), Y Phương đã in một dấu ấn mới, thành công mới trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Chúng tôi thấy có những “mạch nguồn” cảm hứng sau đây trong Tản văn của Y Phương.

1.21. Bản sắc văn hóa Tày - miền thương nhớ sâu thẳm nhất trong Tản văn của Y Phương.

Có thể nói, cảm hứng nghệ thuật đóng vai trò trọng tâm trong Tản văn là cảm hứng hoài niệm, là nỗi nhớ về những cảnh, những người, những sự kiện đã qua - những đối tượng thẩm mĩ có khả năng lay động và ám ảnh mạnh mẽ trong hồi ức của người viết. Rồi từ nỗi thương nhớ tưởng chừng rất riêng tư ấy, khi nó đạt tới tính điển hình, người đọc sẽ ít nhiều tìm thấy bóng dáng tâm hồn và cuộc đời mình trong đó. Và đó mới là những tản văn hay, đủ sức neo đậu lâu dài trong trái tim độc giả. Tác giả có thể trực tiếp hoặc gián tiếp khái quát những triết lí nhân sinh, những bài học đạo lí cho con người, hoặc chiêm nghiệm về một hiện tượng xã hội nào đó rồi rút ra kinh nghiệm để người đọc cùng chia xẻ, tâm đắc. Tản văn của Y Phương đã đạt được hiệu quả nghệ thuật ấy. Cảm hứng hoài niệm trong Tản văn của Y Phương được khơi nguồn từ nhiều đối tượng thẩm mĩ. Nhưng đối tượng thẩm mĩ trung tâm nhất là bản sắc văn hóa Tày. Nói bản sắc văn hóa Tày chứ không phải là

truyền thống văn hóa Tày là bởi vì trong dòng văn hóa Tày mênh mông ấy, nhà văn chỉ chọn lựa những nét văn hóa đặc sắc nhất đã kết tinh thành bản sắc, đã trở thành đối tượng thẩm mĩ để mình thương nhớ không nguôi. Trong bản sắc văn hóa ấy, tản văn của Y Phương là những tiếng gọi thầm tha thiết, vọng về quá khứ, tìm về một số phương diện văn hóa sau đây.

Thứ nhất: văn hóa ẩm thực của người Tày.

Văn hóa ẩm thực của người Tày được tái hiện trong nhiều tản văn. Trong tản văn “Tết về làng người trời”, Y Phương tự hào giới thiệu về một đặc sản trong nhiều văn hóa ẩm thực của quê hương Cao Bằng - vùng đất mà theo tác giả: “Tôi thấy người Cao Bằng sành ăn vào loại nhất nhì nước Nam mình. Bởi nơi đây, từng tiếp thu hai luồng văn hóa ẩm thực lớn. Đó là nguồn văn hóa của người Hán và người Việt. Cộng với bản địa làm nên một vùng văn hóa lưỡng, tam hợp tiếp biến độc đáo” [13, 86]. Để chứng minh cho nhận định ấy, nhà văn đã giới thiệu về “Giò Mục Mã” với bao vui sướng tự hào: các công đoạn làm giò, cách thức ăn giò của người sành ăn... và thú vị nhất là cái ngon của giò Mục Mã - một sản phẩm văn hóa ẩm thực của quê hương: “Bóc giò ra ta thấy có màu trắng pha màu hồng nhạt. Mặt ngoài rỗ như tăm châm. Giò có mùi thơm, vị ngọt. Cắn ngập cả hai hàm răng nghe tiếng rốp chen tiếp rập. Nước miếng tứa ra kẹp chặt lấy cùi giò” [13,86]. Bên cạnh đó, bằng thủ pháp so sánh liên tưởng độc đáo, nhà văn thương nhớ về rượu và hơi rượu nồng nàn của vùng đất biên thùy này: “Hơi rượu trong sương lan nhanh ra hai mép sông. Nước sông len lén trôi chỉ sợ mùi rượu thức (...) Hạt rượu lăn tới đâu, ta yêu người xưa người xa tới đấy” [13,88]. Hình như đấy không chỉ là rượu nữa mà là một phần “hồn vía” của vùng quê này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Đặc biệt tản văn “Rau tập tàng quê ngoại” kể về chuyện ẩm thực mà không phải để nói về ẩm thực. Bát canh rau tập tàng trong bữa ăn nghèo của một tuổi thơ xa lắc lại mang một vẻ đẹp kì diệu, vẻ đẹp của tình yêu thương cha mẹ dành cho con khiến bát canh rau Tập Tàng lung linh huyền ảo:“ Bát canh xanh như một bể nước con. Bể nước lúc nào cũng nghi ngút bốc khói. Khói bò lan ra miệng bát, rồi vòng vèo trèo lên mâm cơm. Từ mâm cơm khói trèo lên đầu người (...) Nhờ có hương thơm rau tập tàng bay ra lan tỏa, làm cho mâm cơm nhà tôi đẹp một cách lạ lùng. Cha mẹ nhìn nhau qua làn khói trắng đục, mỏng như sữa và mỏng tang...”

[13,141]. Người đọc nghĩ nhà văn sẽ từ bát canh rau tập tàng ấy mà ôn nghèo kể khổ, mà ngợi ca tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, sẽ biến bữa cơm nghèo thành bữa cơm tình nghĩa. Nhưng không! Cấu tứ của tác phẩm đột ngột chuyển hướng bởi một liên tưởng bất ngờ: ăn nhiều rau thì người thiện, ăn nhiều thịt thì người dễ ác hơn: “Nhờ ăn cơm ăn rau nên trí tuệ con người thông mình sáng láng, tính tình người nhu mì hiền lành. Còn loài thú chỉ biết ăn thịt. Nên chúng ngu ngốc, dốt nát và cực kì hung ác (...) hễ ai cả đời nghiện thịt, đôi khi họ cũng nổi khùng lên, tính ác gần như loài thú” [13,142 - 143].

Đặc sắc tản văn Y Phương - 4

Thứ hai: Nỗi thương nhớ những phong tập tập quán đặc sắc của người Tày như cưới hỏi, văn hóa chợ, lễ tết, ma chay...

Y Phương thương nhớ về những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình đang mai một dần trước “cơn bão” của văn minh đô thị, mặt trái của cơ chế thị trường. Tản văn “Áo tân thời bước vào cửa vóng” được cấu tứ từ tâm trạng vừa hoài niệm về cái đang phôi pha, vừa bứt rứt về cái mới hình như không hề ăn nhập với tâm hồn Tày - văn hóa Tày truyền thống - nó như cái áo tân thời của người Kinh đang bước qua cửa ngôi nhà sàn cổ kính của người Tày. Để từ sự trớ trêu ấy, nhà văn như bay ngược thời gian, tìm về với lễ cưới hỏi truyền thống của người Tày: “Vẫn còn đâu đó cảnh gồng gánh chăn hồng thêu thổ cẩm. Vẫn còn đâu đó cảnh cho nồi nhôm vào tủ, chậu đồng dùng cho vào dậu. Vẫn còn đâu đó cảnh khiêng vác hòm xiểng bằng gỗ thông Bảo Lạc. Cả đám quá cưới cồng kềnh xanh xanh đỏ đỏ theo cô dâu về nhà chồng (...) bóng dáng mẹ ta, chị ta, em gái ta trong sắc áo chàm ở các lễ hội và cưới xin” [13,122-123]. Và còn rất nhiều phong tục tập quán của người Tày đã được tác giả tái hiện với bao thương nhớ và có phần ngậm ngùi tiếc nuối: Tết Anh cả, Thanh minh trong tiết tháng ba, Còn một cái tết vía trâu, Khai pác Kin gò, Tết về làng người trời, Bản nhạc mùa thu... Tất cả những phong tục tập quán ấy như “Phù sa” ngọt lành bồi đắp cho tâm hồn tác giả.

Thứ ba: Văn hóa tâm linh của người Tày.

Trong hàng loạt tản văn của Y Phương, văn hóa tâm linh của người Tày đã trở thành “Điểm tựa giá trị”, thành cội nguồn cho cảm hứng sáng tạo. Đó là các tản văn “Ánh sáng đêm giao thừa”, “Nháo nhào ma xay thóc”, “Về làng Đá”...

Trong tản văn “Người bé nhỏ, hồn nó lớn”, Y Phương tái hiện quan niệm về “Hồn” mà người Tày gọi là “Khoăn”, về mẹ Hoa và bàn thờ mẹ Hoa trong các gia đình người Tày, quan niệm “ Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” không chỉ của người Tày mà của cả cư dân ở châu Á (“Về làng Đá”). Đặc biệt, trong tản văn “Nháo nhào ma xay thóc”, Y Phương miêu tả thật sinh động quan niệm về một loại “ma” chỉ có trong văn hóa tâm linh của người Tày: “Ma xay thóc là linh hồn của những đứa trẻ chẳng may mà chết. Chúng nó đùa nghịch hơn thuở còn trên dương thế. Trời đất quay cuồng trong tiếng hét hú. Trong guồng chân chạy. trong vòng tay cấu véo. Làm ma nên chúng chẳng coi ai ra gì” [13,81].

Thứ tư: Tiếng Tày và dân ca Tày.

Ít có nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam nào viết về tiếng nói của dân tộc mình một cách ngưỡng mộ và thương mến như Y Phương. Tiếng Tày không chỉ còn là ngôn ngữ - một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất mà là máu, nước mắt, sự sống của nhà văn: “Khi tới bến xe Mỹ Đình, xuống xe, bà cụ nháo nhào tìm gặp tôi (...) cụ nói với tôi bằng tiếng Tày Quảng Nguyên rành rọt. Tôi nghe thân thiết như mẹ đẻ, như chị gái. Tiếng mẹ mình xuất hiện ở một nơi xa lạ, tự nhiên tôi nổi hết da gà” [13,39]

Với tản văn “Vẫn còn một nơi sạch sẽ”, tiếng Tày được ví với tiếng quê hương ngọt lành đang tha thiết gọi những đứa con xa trở về: “Chú Bình (...) vồn vã chào hỏi tôi bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nghe xúc động buốt nhói tận buồng tim lá gan. Vì đã khá lâu, anh em tôi mới được hàn huyên chuyện trò bằng tiếng Tày (...). Nghe như có tiếng róc rách con suối dòng thác ven rừng. Như tiếng đồng cỏ dưới chân núi Hoa (...) Ôi! Thân thương da diết dâng lên mùi hương đồng quê ta” [13,182]

Chính tiếng Tày ấy là chất liệu để hình thành dân ca Tày - con thuyền mộc mạc mà tinh tế, chở tâm hồn Tày từ quá khứ, qua hiện tại và đến tương lai. Tản văn “Bản nhạc mùa thu” đã làm sống lại phong tục hát đối đáp bằng các điệu hát Lượn:

“Hôm nay đi chợ trời tối rồi Khắp làng hỏi trọ mãi không thôi Chủ nhà thương tình mới cho trọ Giờ này chủ bản hỏi gì tôi

Cuộc hát bén lên. Họ cò cưa từ đầu hôm tới sáng” [13,107]. Chính dân ca Tày nói riêng, văn học dân gian Tày nói chung đã trở thành chất liệu văn hóa cho sáng tác của nhà văn, là “dòng sông” ân tình để tâm hồn nhà văn đi về, “ngụp lặn” trong đó mà nhận lại cho mình bao tinh túy ngọt lành.

Thứ năm: Văn hóa võ thuật và truyền thống anh hùng của người Tày.

Tản văn “Kungfu người Co Xàu” là tản văn đặc sắc nhất. Nó lôi cuốn người đọc trước hết bởi cái lạ: - người Tày có Kungfu?

Sau chút hoài nghi và bỡ ngỡ, chúng ta say mê cùng tác giả trở về với văn hóa võ thuật và truyền thống anh hùng của người Tày ở Co Xàu. Đó là những thế võ

– những vũ khí độc đáo chưa gặp ở bất cứ dân tộc nào: chiếc khăn mặt nhúng nước hoặc nhúng nước vôi, ớt bột thì sẽ trở thành một vũ khí đặc biệt: “Chiếc khăn cuộn chặt lấy vòng cổ, vòng tay, làm đối phương đánh rơi dao kiếm” [13,72]. Đó còn là “Miếng công lực bí truyền” đánh địch bằng khí công. Nhưng kì lạ nhất là người Co Xàu huấn luyện trâu, bò, dê, ngựa hợp sức tấn công kẻ cướp, huấn luyện Hổ và thu phục chúng bằng thuốc phiện để chúng giết giặc. Tiếp nối truyền thống cha ông đánh đuổi kẻ cướp, giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, người Co Xàu trong chống Pháp cũng đã lập một sự tích anh hùng: năm 1947, ông Hứa Văn Khả đã làm ra khẩu đại bác hoàn toàn bằng gỗ nghiến, đặt tên là Sàng Là: “Khẩu súng Sàng Là nện xuống đầu giặc Pháp khi chúng đang hành quân qua đèo” [13,76]

1.2.2. Những kỉ niệm thân thương với người thân, bạn bè gắn bó cùng quê hương miền núi.

Có rất nhiều tản văn của Y Phương được khơi nguồn cảm hứng từ những kỉ niệm máu thịt này: Thư gửi bạn chăn trâu, Chị em, Ở Đà Tẻ tôi có một que tăm, Tắc Kè nhớ núi, Lớp vỡ lòng...

Kỉ niệm với những người thân đã cách biệt cùng tác giả đã trở thành đối tượng thẩm mĩ để gợi thương gợi nhớ. Điều đặc biệt để những người thân ấy trở thành nhân vật văn học trong Tản văn của Y Phương là họ đều gắn bó máu thịt với văn hóa Tày, trở thành một “sắc màu” đẹp đẽ trong bức tranh văn hóa Tày đa sắc thái. Nhân vật người chị trong “Chị em” là một nhân vật như thế: “Quê hương tươi rói hiện lên nét mặt người kể. Chiều đến góc nào cũng thấy người chị tôi rơn rớn

xanh. Một màu xanh cỏ cây, sông suối, núi non hiền hòa. Một màu xanh non tươi tận tụy. Một màu xanh chịu đựng và gắng gỏi. Quê hương phập phồng lên hơi thở. Thở càng sâu quê hương càng xa” [13,15]. Người chị ấy đã hóa thành quê hương, thành biểu tượng cho vẻ đẹp tinh thần “hiền hòa”, “chịu đựng và gắng gỏi” của người phụ nữ Tày. Chỉ kể một câu chuyện nhỏ về người chị của mình, tác giả cho người đọc thấy cả vẻ đẹp văn hóa của quê hương và vẻ đẹp ở cả ngoại hình cũng như trong tâm hồn người phụ nữ dân tộc mình. Tài năng và tâm huyết của nhà văn được thể hiện qua từng chi tiết, con người tưởng chừng rất nhỏ bé ấy. Thì ra một tác phẩm văn học hay không phụ thuộc vào dung lượng của nó lớn hay nhỏ, vài trang hay vài nghìn trang, kể về điều vĩ đại hay điều bình thường. Tản văn đặt cạnh tiểu thuyết thì chỉ như một “giọt nước” đặt cạnh “đại dương”. Nhưng qua “giọt nước” ấy ta sẽ thấy cả “bầu trời”!

Viết về bạn bè thân thiết, Y Phương cũng đã có những trang việt thật xúc động. “Thư gửi bạn chăn trâu” làm sống lại một thời thơ ấu thơ trong trẻo và lung linh. Những kỉ niệm nghịch ngợm tuổi học trò, thủa chăn trâu đốt lửa nướng khoai trên đồng, được tái hiện gắn với những nét đặc trưng riêng của miền núi, được đặc tả bằng bút pháp vừa tự sự vừa trữ tình, tạo ra một “hương vị” riêng chỉ có trong tản văn Y Phương: “Mùi khoai nướng đánh thức các cơ quan khứu giác, vị giác, đồng loạt lổm ngổm đòi ăn. Trời ơi! Nhai cái thứ này ngọt từ kẽ răng ngọt xuống đến gót chân. Thơm từ vải áo chàm đến chiếc móng tay (...) Hai dái tai rung rinh sáng như hai nụ điện. Ngon qua. Ngon đến mức cắt hai màng tai rơi ra mà không biết đau” [13,12]. Còn biết bao chân dung bạn bè, đặc biệt là bạn văn chương của nhà văn được tái hiện qua cái nhìn nghệ thuật vừa đằm thắm nghĩa tình, vừa có phần tinh nghịch, hài hước: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Pờ Sảo Mìn, Trần Đăng Khoa, Cao Duy Sơn, Hoàng Quảng Uyên, Trần Hùng... Đọc những tản văn ấy, chúng ta không chỉ thấy các đối tượng trần thuật mà còn gặp nhân vật người trần thuật vừa nhân ái, tình nghĩa, vừa hóm hỉnh và có phần tinh quái: “Úi trời! Cái chỗ ý rắn đanh, nhọn hoắt như một con ốc núi. Con ốc núi vừa ăn no phè lè. Nó chình ình ra cả ba chiều bốn mặt. Con ốc núi bèn nghiêng bên này, lắc bên kia (...). Giời ạ. Thế có phí của tôi không? Cho em xin tí thần đồng đi...Khoa” [13,235].

1.2.3. Những trải nghiệm trong cuộc đời của Y Phương.

Y Phương từng là một anh giải phóng quân vào miền Nam chiến đấu, làm nghề tự do, chủ tịch Hội Văn nghệ Cao Bằng, nhà thơ, nhà văn... Những trải nghiệm có cả ngọt ngào và đắng cay đã trở thành “Nguồn sống” để từ đó dòng sông cảm hứng chảy say đắm theo hai nhánh: thơ và tản văn. Trong tản văn, Y Phương nhớ về đồng đội và những gian khổ hi sinh ở chiến trường (“Trảy Khu Tư”), nhớ về những ngày tháng bao cấp đói khổ, làm đậu phụ và nấu rượu bán (“Tiếng ve cay đắng”), rồi nỗi xót xa ngậm ngùi khi chứng kiến mặt trái của cơ chế thị trường như cơn lũ cuốn phăng bao điều tốt đẹp trong truyền thống văn hóa của quê hương (“Bắt khách”, “Bơm kim tiêm rải trắng nương ngô”, “Áo tân thời bước vào cửa Vóng”, “ Giỏ nhà ai”...)

Trong những trải nghiệm của một cuộc đời nhiều va đập, giàu vốn sống có một “mảng” đời sống được nhà văn dành nhiều tâm huyết nhất, nó đã trở thành “Cái nôi” để “ru” nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn: đó là nỗi cô đơn, có phần bơ vơ lạc lõng của một con người miền núi tha hương đang từng giờ, từng ngày vọng cố hương. Hàng loạt tản văn của Y Phương đã ra đời từ “ngọn nguồn” này: Nhúng xuống thành phố; Tiếng ve cay đắng; Núi non chất ngất; Những người đàn bà hút Sục Dín; Vẫn còn một nơi sạch sẽ...vv..

Ngay trong phong trào thơ Mới Việt Nam 1932 - 1945, chúng ta đã bắt gặp nỗi nhớ “Nhà quê” của Nguyễn Bính:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê”

(Nguyễn Bính)

Gần đây, Đồng Đức Bốn dù đã “Ra tỉnh” khá nhiều mà vẫn không thôi thương nhớ cảnh quê, người quê, tình quê:

“Chăn trâu cắt cỏ trên đồng

Rạ rơm thì ít gió dông thì nhiều Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai cháy để cả chiều thành tro”

(Đồng Đức Bốn)

Và còn có rất nhiều truyện ngắn, ký văn học viết về nỗi thương nhớ đồng quê của những đứa con nông dân đã trở thành người của đô thị phồn hoa.

Cũng nỗi nhớ thương ấy, nhưng trong tản văn của Y Phương, chúng ta gặp một cường độ mãnh liệt hơn của cảm xúc, tình cảm, một khát vọng trở về cháy bóng và thành thực hơn: “Hà Nội đây thực sự là một rừng buồn (...). Bốn chục năm tôi nhưng cá xa sông, như ong xa rừng. Nhớ về quê, lòng tôi như ngày mưa ám khói. Đang từ một nơi vắng vẻ, tôi đến chốn thị thành nhộn nhịp. Từ vách đá treo leo, tôi đến ở những tòa nhà đông đúc. Bạn biết không, tôi như que thử. Nhúng xuống thành phố mà tôi vẫn cứ xanh một màu rừng” [13,32]. Có nhiều người con của nông thôn lên thành phố đã đổi thay, hoặc cố đổi thay để thích nghi với đời sống đô thị. Họ vẫn ít nhiều thương nhớ bờ tre mái rạ, giếng nước, gốc đa, nhưng hỏi họ có trở về nơi ấy? Không thể! Vì nơi ấy không có nước máy và điều hòa nhiệt độ. Điều ấy cũng không xấu! Nhưng Y Phương không thể thay đổi để thích nghi, bởi sau cái “vỏ” con người thị thành là vẹn nguyên một tâm hồn miền núi mãi mãi “Xanh một màu rừng”. Bởi vậy, nhà văn mới có thể diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng của mình nơi thành phố qua một chi tiết nghệ thuật đắt giá: những củ khoai lang từ Cao Bằng xuống Hà Nội đang ngơ ngác, thui thủi trên nền đá hoa: “Những củ khoai lạ lẫm, ngơ ngác. Củ nào cũng im thin thít không dám thở (...). Tôi biết chúng đang nhớ đất, nhớ làng” [13,13]

* *

*

Như vậy, các cảm hứng nghệ thuật trong tản văn của Y Phương có sự “cắm rễ” sâu xa vào các “mạch nguồn” cơ bản như đã trình bày ở trên: bản sắc văn hóa Tày là miền thương nhớ sâu thẳm nhất, những nét đẹp văn hóa ấy được biểu hiện qua các phương diện văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh, các phong tục tập quán tốt đẹp như cưới hỏi, lễ hội, lễ tết, văn hóa chợ của người Tày vừa có nét riêng vừa mang đặc điểm chung của văn hóa vùng cao, tiếng nói và dân ca Tày với các điệu hát Sli, hát Lượn , nhưng đẹp đẽ nhất là tâm hồn Tày với sự nhân hậu, tình nghĩa thủy chung, sóng đôi với sự dũng cảm, mưu trí, anh hùng.

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 18/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí