Số lượng câu chữ có hạn nhưng lại có “sức chứa”, “sức mở” lớn cũng là một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn. Khi bàn về dung lượng truyện ngắn trong cuộc trao đổi về truyện ngắn năm 1992 trên báo Văn nghệ. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhấn mạnh: “Dung lượng truyện ngắn hiện nay rất lớn, trong độ ba trang mấy nghìn chữ mà rõ mặt cuộc đời, một kiếp người, một thời đại…Các truyện ngắn bây giờ rất nặng, dung lượng của nó là dung lượng của cả một cuốn tiểu thuyết, bởi vì cái đặc sắc của thể loại buộc nó phải dồn nén lại, cho đến sắc lịm, nhọn hoắt. Như vậy dung lượng hay chất lượng nghệ thuật của truyện ngắn bình đẳng với tiểu thuyết” [31- 3].
Điều cốt yếu đối với truyện (truyện ngắn cũng như tiểu thuyết) là con người, là nhân vật “Trong một tác phẩm nếu là truyện ngắn, do lệ thuộc vào số trang eo hẹp, cốt truyện tập trung, sự kiện dồn dập, đường dây chặt chẽ, cho nên số lượng phân phối nhân vật cũng không phải nhiều” [6 - 26]. Truyện ngắn thường ít nhân vật, nhà văn không thể miêu tả quá trình phát triển tính cách của nhân vật từ trưởng thành, biến đổi, đấu tranh hay dằn vặt như trong tiểu thuyết, mà chỉ đi sâu vào một vài khía cạnh, một thời điểm trong cuộc đời nhân vật. Dù không được khắc họa sắc nét về ngoại hình, lý lịch nhưng người ta vẫn hình dung được gương mặt tinh thần tương đối trọn vẹn của nhân vật và gây được một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và con người.
Trong truyện ngắn, kết cấu rất quan trọng – mà trước hết là sự sắp xếp các yếu tố cốt truyện. Nhà văn Ma Văn Kháng đã ý thức rất rõ về điều này: “Vấn đề là anh tổ chức sao cho truyện ngắn của anh thành một lát cắt gọn ghẽ. Như người ta vẫn nói, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã so sánh với tiểu thuyết: “Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn là cái mặt cắt của dòng đời. Vì thế mà cũng như kịch ngắn, truyện ngắn đòi hỏi ở người viết một công việc tổ chức và cấu trúc truyện hết sức nghiêm ngặt. Quả thực có một thứ kỹ thuật tinh xảo – kĩ thuật viết truyện ngắn. Nó cũng giống như kĩ thuật của người làm pháo, dồn nén tư tưởng vào trong một cốt truyện thật ngắn gọn, thật tự nhiên”.
Truyện ngắn là thể loại năng động, dễ bắt kịp hơi thở thời đại, có khả năng là tiếng nói nhanh nhạy nhất, phản ánh thời sự các vấn đề nóng hổi của thời đại, con người một cách chính xác. Vì là một thể loại năng động, bén nhạy, nên truyện ngắn hiện nay mang trong mình nhiều dấu hiệu không ổn định, cách xây dựng truyện ngắn
hiện nay uyển chuyển đa dạng hơn, xu hướng tự nới mở, không ngừng cách tân trong cách thức diễn đạt, khiến truyện ngắn linh hoạt hơn. Và đây cũng chỉ là những khả năng, đặc điểm mang tính bản thể của thể loại truyện ngắn.
Với những khả năng, đặc điểm đó, truyện ngắn đã tạo cho bản thân thể loại những giá trị riêng biệt. Mỗi truyện ngắn đều gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người, nói như D. Boulanger là: “Đánh thức và cuốn hút cả năm giác quan của người đọc”. Tạo được ấn tượng nổi bật nhất, sâu sắc nhất và những chiều sâu chưa nói hết, đó chính là điều khiến truyện ngắn luôn hấp dẫn bạn đọc.
1.1.2. Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trong dòng chảy của truyện ngắn nữ đương đại
Thập niên 90 của thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XIX là khoảng thời gian được mùa của truyện ngắn. Trong đó có sự đóng góp của các cây bút nữ. Người ta nói nhiều đến một nền văn học “mang gương mặt nữ”. “Đã hình thành một tỉ lệ giữa phái yếu và đấng mày râu là 2/3 – một tỉ lệ đáng gờm bởi nhìn vào đó sẽ thấy truyện ngắn trẻ hôm nay và văn chương nói chung mang gương mặt nữ” ( theo Bùi Việt Thắng).
Bên cạnh thế hệ nhà văn đã trưởng thành trong chiến tranh như: Lê Minh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê…., là thế hệ nhà văn mới phát lộ tài năng. Đây là đội ngũ nhà văn đông đảo, trẻ tuổi, sung sức, tự tin và đầy nhiệt huyết. Có thể kể đến những gương mặt quen thuộc với bạn đọc như: Võ Thị Hảo, Lý Lan, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy….Với nhiệt huyết và sáng tạo không ngừng họ xứng đáng là đội ngũ kế cận thế hệ đàn chị của mình.
Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong những cây bút nổi lên ngay từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Những năm 90 độc giả yêu thích văn chương đã thực sự sửng sốt và ngỡ ngàng khi xuất hiện một truyện ngắn mà tác giả của nó chưa có tên tuổi: Hậu thiên đường. Cái nhìn của một nhà văn trẻ - một cô gái trẻ thật táo bạo, thật mới nhưng cũng thật buồn, mang đậm hơi thở cuộc sống, có sức hút kì lạ. Tác phẩm ấy như tiếp sức cho chị viết một loạt các truyện ngắn có tiếng vang khác: Cõi mê; Biển ấm; Phù thủy; Xin hãy tin em; Của để dành…Và cho đến thời điểm này, trên văn đàn Việt Nam hiện đại, cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ đã không còn xa lạ, thậm chí chị đã
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 1
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 2
- Một Số Phương Diện Nổi Bật Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Chiều Về Cuộc Sống Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Diện Về Con Người Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
tạo được một phong cách riêng độc đáo, không lẫn với bất cứ nhà văn nào. Truyện ngắn của chị gợi nên biết bao trăn trở trong mỗi người về con người và cuộc đời này.
Trong dòng chảy chung của văn xuôi nữ thời kì đổi mới, so với Võ Thị Hảo ngọt ngào dịu nhẹ, Y Ban thâm trầm sâu sắc, Phan Thị Vàng Anh sắc sảo, trí tuệ thâm thúy, Lý Lan hồn hậu sắc sảo, Nguyễn Ngọc Tư sâu lắng mượt mà…thì Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định mình với phong cách viết dịu dàng mà mạnh mẽ, đằm thắm mà táo bạo. Là người phụ nữ từng trải, chị sống sâu sắc, mạnh bạo và dám thách thức. Chị là một nhà văn giàu nội lực với vốn sống phong phú đã cho ra đời những tác phẩm thu hút được nhiều độc giả. Đọc tác phẩm của chị người ta sẽ thấy gần gũi, thân quen nhưng cũng không kém phần thấm thía, sâu sắc.
Xuất hiện kịp thời khi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn chương đã thay đổi từ sau đổi mới, Nguyễn Thị Thu Huệ có dịp đi vào những vấn đề rất đỗi dung dị, bình thường nhưng không hề tầm thường, những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống hiện đại đầy biến động. Đó là vấn đề tình yêu và hôn nhân, gia đình cùng những mâu thuẫn, xung đột xoay quanh tạo nên những bi kịch xã hội. Khác với một số đề tài của các nhà văn đương thời khác như Võ Thị Hảo, Phạm Thị Hoài…là đi vào dư âm của cuộc chiến tranh, bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh. Đây cũng là điểm khác của chị so với những nhà văn đó, đặt trong sự đổi mới của văn học Việt Nam nói chung. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng đã đụng chạm đến những vấn đề cấm kị của văn học, tình yêu đã chớm mang màu sắc nhục thể nhưng đằm thắm, kín đáo, nhẹ nhàng. Đây là điểm mà các nhà văn trẻ sau này như Nguyễn Ngọc Tư, và đặc biệt là Đỗ Hoàng Diệu khai thác một cách mạnh bạo, công khai hơn.
Từ khi bước vào nghiệp văn chương, Thu Huệ cùng với những tác phẩm của mình đã dành được thiện cảm của người đọc và giới phê bình, giảng dạy văn học. Gần đây nhất là giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho tập truyện ngắn Thành phố đi vắng (2012). Tập truyện đánh dấu sự trở lại của Thu Huệ sau hơn năm năm vắng bóng trên đàn và ghi dấu những đổi thay rõ nét trong đề tài và lối viết của chị. Truyện ngắn của Thu Huệ hôm nay đã đi sâu vào phản ánh những góc khuất, những mảng vỡ vô hình của cấu trúc văn hóa đô thị đang ăn sâu vào đời sống của những con người hiện đại. Cùng với các cây bút nữ trong dòng chảy của văn xuôi nữ đương đại,
Nguyễn Thị Thu Huệ và các trang viết của chị đã góp phần làm nên diện mạo của văn học Việt Nam đương đại trong quá trình đổi mới và hội nhập hôm nay.
1.2. Khái quát về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
1.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác
1.2.1.1. Cuộc đời
“ Làm được những việc mình yêu thích, có được những thứ mình cần do chính bàn tay mình làm ra. Viết văn, viết kịch, làm phim, đọc sách làm cho cuộc sống của tôi phong phú. Nhưng điều quan trọng hơn là những tác phẩm của tôi được độc giả tiếp nhận và yêu thích, đó là một sự đền bù vô giá.” [53]. Đây chính là những chia sẻ của nữ nhà văn tài hoa Nguyễn Thị Thu Huệ khi nói chuyện về cuộc sống và công việc của mình.
Nguyễn Thị Thu Huệ sinh ngày 12 tháng 8 năm 1966 tại Hà Nội. Hiện nay, chị đang sinh sống ở Hà Nội và làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Bố chị mất khi chị mới 17 tuổi. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là mẹ chị, bà qua đời năm 2013. Cái tên Huệ là do chính bà đặt cho con, theo tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Huệ đã được trình làng năm 1964. Cuốn tiểu thuyết Huệ “đứa con tinh thần” mang bao hoài bão, khát vọng của bà, giờ đây được gửi gắm vào đứa con đầu lòng và duy nhất Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị đã không phụ sự kì vọng đó, đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của mình trên con đường văn chương, tiếp bước những ấp ủ từ người mẹ yêu quý.
Ngay từ khi còn nhỏ Thu Huệ sớm đã bộc lộ năng khiếu văn chương và hội họa, nhưng chị lại mê hội họa hơn và thích trở thành họa sĩ. Thu Huệ từng tâm sự:“Mình không nghĩ sau này sẽ trở thành nhà văn, thế hệ bọn mình lúc đấy hồn nhiên lắm, không bao giờ có ước mơ phải trở thành một người nổi tiếng, giàu sang gì đâu” [55]. Nhưng niềm say mê và tài năng đã đưa chị đến với văn chương. Khi vừa tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp, chị giấu bố mẹ đăng hai truyện ngắn Mưa trái mùa và Mùa hoa sấu rụng trên Báo Văn Nghệ khiến văn đàn xôn xao một thời. Nhưng con đường trở thành nhà văn của chị bị ngắt quãng khi chị lập gia đình và dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con cái. Sau hai năm ở nhà trông con, chị quyết định vào làm biên tập viên sân khấu tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Cuộc sống nhàn
hạ cứ thế trôi đi nếu không có một lần chị thấy mẹ buồn. Bà tủi thân vì thấy nhiều người bằng tuổi con mình đã có tiếng tăm, còn con mình dường như quên hẳn văn chương. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sự nghiệp viết văn của Thu Huệ. Hiểu được tâm tư và sự kì vọng của mẹ, vậy là chị viết, viết như điên, cứ mỗi chiều sau khi cơm nước xong, chị đạp xe lên cơ quan, mượn chiếc máy chữ và lạch cạch gõ đến tận khuya:“Lúc đó tôi đã viết như lên đồng, ý tưởng tuôn trào như không kịp nghĩ”. Và kết quả năm truyện ngắn Hậu thiên đường, Biển ấm, Bảy ngày trong đời, Tình yêu ơi, ở đâu?, Minu xinh đẹp gửi đi dự thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội khiến Ban giám khảo không biết chọn truyện nào đạt giải nhất.
Sau đó chị chuyển sang làm tại hãng Phim Truyền hình Việt Nam. Liên tiếp các truyện ngắn của chị được chuyển thể thành phim và gây được tiếng vang lớn. Đầu tiên là Của để dành, sau đó là Nước mắt đàn ông cũng đến với khán giả và đoạt huy chương vàng liên hoan phim Truyền hình. Chị trở thành “Của để dành” của các đạo diễn với nhiều truyện ngắn rất đời thường bởi dường như ai đọc cũng cảm giác có mình trong đó. Sau sáu tháng làm việc ở đây, chị được đề bạt làm trưởng phòng phim, Xưởng trưởng xưởng II của hãng Phim Truyền hình. Sau đó với năng lực của mình, chị đã vươn lên đứng ở vị trí Giám đốc của VTC9 Let’s Việt (2008), một kênh chuyên về phim Truyền hình Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Huệ mặc dù rất bận rộn với công việc quản lý nhưng không vì thế niềm đam mê văn chương, nhu cầu được viết của chị giảm bớt. Chị vẫn miệt mài viết, miệt mài sáng tạo vì văn chương đã trở thành người bạn tinh thần của chị: “Văn chương luôn làm ấm lòng tôi, viết và đọc là điều không thể thiếu trong cuộc sống” và“ Văn chương đối với tôi là người bạn chung thủy có thể chia sẻ với mình nhiều điều” [54].
1.2.1.2. Sự nghiệp sáng tác
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thế hệ cầm bút, xuất hiện từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Thu Huệ được coi là nhà văn nữ độc đáo và tài hoa, hào hiệp và mạnh mẽ, một cây bút chuyên tâm với truyện ngắn. Không đao to búa lớn, không gây dư luận ồn ào hay những tranh cãi nảy lửa trong giới phê bình nhưng tác phẩm của
chị vẫn có sức hấp dẫn riêng. Thu Huệ thể hiện những vấn đề nhức nhối của cuộc sống nhân sinh một cách giản dị tự nhiên như chính đời sống hàng ngày, nó như những thước phim sống động, chân thực về cuộc sống. Vì vậy, tác phẩm của chị “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ lan tỏa, thấm thía vào tâm hồn bạn đọc một cách tự giác.
Hơn 20 năm cầm bút, Thu Huệ đã tạo dựng được phong cách riêng, không lẫn với bất cứ nhà văn nào. Cho đến nay chị đã có trong tay bảy tập truyện ngắn: Cát đợi (1992); Hậu thiên đường (1993); Phù thủy (1995); 21 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2001); Nào, ta cùng lãng quên (2003); 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2006) và Thành phố đi vắng (2012).
Thu Huệ cũng là người có duyên với các giải thưởng và được đánh giá cao tại các hội đồng chấm giải. Chị đạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội 1986 (Một khoảng đời chờ đợi); Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền Phong 1993 (Những đêm thắp sáng); Giải nhất cuộc thi truyện ngắn NXB Hà Nội 1994, cùng năm đó chị cũng đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cho chùm tác phẩm gồm 5 truyện ngắn (Hậu thiên đường, Biển ấm, Minu xinh đẹp, Bảy ngày trong đời, Tình yêu ơi, ở đâu?) và nhận thưởng của Hội Nhà văn cho tập truyện Hậu thiên đường. Năm 2012, Thu Huệ được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho tập truyện ngắn Thành phố đi vắng.
Theo dõi hành trình sáng tác văn chương của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng ta nhận thấy chị đã có những thay đổi ít nhiều so với thời Hậu thiên đường. Nếu như khi mới bước chân vào làng văn, Thu Huệ được độc giả nhớ đến những câu chuyện viết về cuộc sống hiện đại muôn hình vạn trạng nhưng mối quan tâm lớn nhất, trở thành tâm điểm hút xoáy những vấn đề khác chính là phụ nữ, những vấn đề xoay quanh số phận của người phụ nữ (Hậu thiên đường; Biển ấm; Cõi mê; Nào, ta cùng lãng quên”...). Trong xã hội hiện đại, nỗi ám ảnh phái yếu trong truyện của chị không phải là tiền tài, danh vọng, không phải bổn phận và trách nhiệm, càng không phải những giá trị đạo đức mà xã hội mặc nhiên khoác lên vai họ mà chính là tình yêu. Những nhân vật phụ nữ của Thu Huệ dù già hay trẻ, dù đã yên ấm gia đình hay đang đổ vỡ, dù thiếu nữ hay thiếu phụ đều có một điểm chung nhất, đó là những tâm hồn khát
yêu, luôn luôn tất tả trên hành trình khám phá, kiếm tìm tình yêu, dâng hiến, hi sinh cho tình yêu đến kiệt cùng tuổi trẻ và hạnh phúc.
Với cái nhìn của một nhà văn trẻ - một cô gái trẻ thật táo bạo nhưng cũng thật tinh tế, thật mới nhưng cũng thật buồn, mang đậm hơi thở cuộc sống, Thu Huệ đã tỏ ra sắc sảo, nhạy bén trong việc phát hiện những thói tật xấu xa của cuộc đời và đôi khi nhìn đời không khỏi bi quan, u ám. Chị đã nhanh chóng nhận thấy những vết rạn trong tế bào xã hội, những gia đình tan vỡ, những ông bố, bà mẹ ngoại tình, những người mẹ đơn thân, những đứa trẻ bơ vơ, cô đơn và cô độc. Mỗi gia đình nhỏ như con thuyền tròng trành trong bão, có thể lật úp, có thể rạn vỡ, có thể tan tác mà rất ít khả năng giữ được nguyên lành. Có thể thấy, mỗi truyện ngắn của chị như một vết cứa sắc vào lòng độc giả, đầy gợi mở suy tư về thân phận con người, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những trang viết không bình lặng đó vẫn hiện lên niềm tin yêu, tin tưởng vào con người, vào hạnh phúc và tình yêu.
Với Thành phố đi vắng, tập truyện gần đây đã ghi dấu những đổi thay rõ nét trong cảm hứng và lối viết của chị. Ở tập truyện mới nhất này, Thu Huệ quan tâm nhiều đến vấn đề đô thị hiện đại. Thay vì kiếm tìm tình yêu, tập truyện là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại. Tình người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh trong đời sống đương đại. Chị chia sẻ “Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi, và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lắng kính của tôi, những ngày tháng này. Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can. Tuy vậy, tôi chưa mất hẳn niềm tin vào con người. Rải rác ở đâu đó vẫn còn những người đau đáu làm điều tốt, làm ra những thứ có ích cho cộng đồng” [51].
Xuyên suốt các câu chuyện trong Thành phố đi vắng là cảm thức về sự mất mát trong đời sống con người. Đó là sự lạnh lùng thờ ơ, thói vô cảm và tội ác với nhiều bộ mặt khác nhau. Con người sống với nhau ngày càng mất đi những sợi dây kết nối, họ đã thực sự “đi vắng” trong chính sự tồn tại của mình. Thu Huệ chia sẻ
“Tôi luôn bị ám ảnh về những dòng chảy đang xoay chuyển những thế hệ người Việt theo hướng xấu đi, đang đi xuống. Sự thanh cao, phẩm chất đáng quý của người Việt một là dần bé lại, hai là bị đè nén trước sự trần trụi và thô tục, sự suy cấp đạo đức, bế tắc không lối thoát trong khi vẫn phải sống chứ không chết hay tìm ra một giải pháp khác. Sự bất an, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt văn hóa cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc...Những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay bằng sự hào nhoáng phô trương của trang phục, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống...” [51]. Cùng với lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm xúc tối đa, mỗi truyện ngắn trong tập sách của chị hiện diện như một bản tường thuật về đời sống. Giống một nhà quay phim, nhà văn hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau cặm cụi, tỉ mỉ ghi hình. Không tham dự, không phán quyết, không dự đoán, mỗi truyện ngắn đưa độc giả tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị đương đại cùng những vấn đề của nó, như trong các truyện ngắn: (Xmen có mùi trường đua; Cú mèo và rượu hoa; Không thể kết thúc; Sống gửi thác về; Của cha, của con những cành vạn niên thanh; Thu xếp cuối đời; Thành phố đi vắng...).
Nguyễn Thị Thu Huệ đã tâm sự “Tôi không có ý định là phải thay đổi phong cách, hay phải làm mới mình. Nếu có sự thay đổi, có lẽ do trong đầu mình cảm nhận đời sống này, chiêm nghiệm về những gì đang diễn ra xung quanh thay đổi, nên khi viết ra thì thành như vậy. Nhân vật, câu chuyện dẫn dắt cách kể và tôi bị họ cuốn đi. Tôi sống trong đời sống của họ, thấm thía sự tan nát của họ, và buồn bã cùng họ” [52]. Yêu mến, tìm hiểu, nghiên cứu những truyện ngắn của chị, từ những truyện ngắn đầu tiên của thời Hậu thiên đường đến Thành phố đi vắng dễ dàng nhận thấy đã có sự thay đổi trong cách viết của chị. Bên cạnh những nét sắc sảo và táo bạo, bén nhạy và tinh tế, là sự trưởng thành, già dặn của một người từng trải với những chiêm nghiệm suy tư về những giá trị cuộc đời và con người. Với ngòi bút sắc sảo và mạnh mẽ cùng trực cảm phụ nữ tinh nhạy, tập truyện mới nhất này đã cảnh báo một đời sống của “vô cảm, ích kỉ và thù hận và gián tiếp dự báo một tội ác kinh hoàng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức” (Nguyễn Quang Thiều).
Đã hơn hai mươi năm cầm bút, nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn luôn là cây bút nữ không (chưa) mệt mỏi trên hành trình sáng tạo văn chương.