thiên đường. Năm 2012, chị được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho tập truyện ngắnThành phố đi vắng.
Với những tập truyện đặc sắc của mình, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã góp phần cách tân nền văn xuôi đương đại Việt Nam. Truyện ngắn của chị có khả năng phản ánh các vấn đề gay gắt, nóng bỏng của xã hội hiện đại, đặc biệt có khả năng khai thác chiều sâu những góc khuất “thế giới bên trong” con người. Để làm được điều này, nhà văn phải có quan niệm mới mẻ về hiện thực cuộc sống và con người, cũng như có sự táo bạo trong cách viết, cách xử lý vấn đề. Đây là những yếu tố quyết định làm nên những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ.
1.3. Nghiên cứu truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ lâu nay đã có một vài chuyên luận, nhưng đi sâu tìm hiểu truyện ngắn của cây bút tài hoa này nhằm nhận diện đặc trưng nghệ thuật vẫn còn những khoảng trống. Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ làm đối tượng nghiên cứu, với mong muốn góp một cách nhìn khẳng định những thành tựu của truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ và vị trí của chị trong đời sống thể loại nói riêng và đời sống văn học đương đại Việt Nam nói chung.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Những ý kiến nhận xét về thể loại truyện ngắn
Trong cuộc sống hiện đại đầy sôi động, gấp gáp, khi mà thời gian được coi là “vàng”, thì truyện ngắn là một trong các thể loại đi đầu trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực cuộc sống một cách nhanh nhẹn, sắc bén. Với dung lượng nhỏ, gọn, hàm súc, truyền dẫn thông tin nhanh, truyện ngắn đã phù hợp với sự kiên nhẫn có hạn của người đọc khi mà con người ngày càng bị dồn ép về mặt thời gian. Với những thế mạnh đó truyện ngắn luôn được người đọc đón nhận một cách hào hứng và cũng thu hút được sự quan tâm của giới lý luận phê bình.
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng (1986) đã nhận định: “Truyện ngắn như một “trinh sát viên” đã trườn tới, đột vào các ngõ ngách sâu nhất của đời sống để khám phá và phát hiện...Giống như loại kính hiển vi có độ phóng cực mạnh, truyện ngắn giúp chúng ta nhìn sâu hơn và thấy rõ ràng hơn cuộc sống của con người trong
những biểu hiện phong phú và phức tạp nhất của tư tưởng, tình cảm và tâm lý” [40- 10]. Còn nhà văn Nguyên Ngọc (1991) thì nhận xét: “Theo tôi, trong đại trà, có thể hiện nay truyện ngắn đang vượt qua tiểu thuyết. Nó sớm đạt tính khái quát xã hội cao hơn. Nó đi thẳng vào những vấn đề thân phận con người, thế giới bên trong của con người, ý nghĩa nhân sinh lẽ sống con người ở đời sâu và sắc hơn. Tức là có vẻ như nghịch lý, nó lại có tính tiểu thuyết cao hơn những cuốn sách dày cộp có ghi rõ trên bìa là tiểu thuyết hẳn hoi” [30-12].
Tác giả Bích Thu (1996) trong một bài viết đã ghi nhận: “truyện ngắn từ sau 1975, nhất là trong thời kì đổi mới dường như lúc nào cũng đáp ứng được tâm lý thị hiếu của độc giả không chỉ bởi sự nhỏ, gọn của hình thức mà còn do sự chuyển tải nhanh nhậy những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hôm nay” [45-32]. Ở bài viết này, tác giả còn đưa ra nhận định “Với đặc trưng cơ bản của thể loại, truyện ngắn đã tạo cơ sở cho sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người....Văn học sau 1975, nhất là ở truyện ngắn đã đề cập đến vị trí và giá trị của con người cá nhân” [45-34]. Tác giả chỉ ra “trên địa hạt truyện ngắn, nhà văn đã khắc họa chân dung những con người vừa đẹp đẽ, cao thượng, vừa đời thường, trần thế, luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện. Đó chính là nét nổi bật mang đậm ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người, tạo nên tiếng nói đa thanh trong truyện ngắn hôm nay” [45-35].
Nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh (1996) nhận định: “không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn “lên ngôi”, trở thành mũi nhọn của văn xuôi hiện nay. Sự hàm súc cô đọng, sự khai thác theo chiều sâu số phận và nội tâm con người, tính tập trung của chủ đề và triết lý, những gợi mở...tạo cho truyện ngắn hiện nay một chất lượng mới vượt ra ngoài cái khung chật hẹp của thể loại” [1-31].
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 1
- Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ Trong Dòng Chảy Của Truyện Ngắn Nữ Đương Đại
- Một Số Phương Diện Nổi Bật Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Chiều Về Cuộc Sống Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Tóm lại: Qua các ý kiến nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu về thể loại “nhỏ” này đã cho thấy những đặc trưng và khả năng của thể loại trong việc khai thác số phận cá nhân, cũng như phản ánh những vấn đề của đời sống, của con người được nhìn nhận mang tính khái quát triết lý xã hội cao. Những ý kiến đó thực sự là những tư liệu quý, những định hướng ban đầu, giúp chúng tôi trong việc tiếp cận và triển khai đề tài.
2.2. Những ý kiến bàn về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Đến với truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ người đọc sẽ bắt gặp những đề tài, những ý tưởng, những cách viết khá táo bạo và mới mẻ, cũng như thấy ở nữ nhà
văn này một vốn hiểu biết, một vốn sống phong phú và nhiều nét sắc sảo, độc đáo. Truyện ngắn của chị hiện nay thu hút được sự chú ý của độc giả cũng như giới nghiên cứu phê bình.
Nguyễn Văn Lưu phê bình về tập Cát đợi đã nhận xét: “Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ có một chất gì đó vỡ ra ào ạt, khuấy đảo sôi sục cảm xúc trong người đọc” [23-217].
Lý Hoài Thu đã nhận ra nét riêng trong một số truyện ngắn dự thi của Thu Huệ: “những cuộc săn đuổi, tìm kiếm đích thực của tình yêu dường như được nâng lên để đẩy đến tận cùng của ý đồ” [48]. Phát hiện này cũng đồng thời chỉ ra mảng đề tài rộng lớn mà Thu Huệ dành bút lực để trải nghiệm.
Hồ Phương cũng đưa ra nhận xét về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ: “Trong các tác giả trẻ, Thu Huệ là cây bút hết sức sắc sảo. Đọc Huệ tôi ngạc nhiên lắm, sao còn ít tuổi mà Huệ lại lọc lõi thế. Nó như con mụ phù thủy lão luyện. Nó đi guốc trong bụng mình. Ruột gan mình có gì hình như nó cũng biết cả” [35].
Kim Dung thì cho rằng: “Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ luôn có hai mặt – vừa “bụi bặm” trong tả chân, vừa trữ tình đằm thắm, văn của chị vừa táo bạo vừa thanh khiết. Một cái gì đó thuần nhất, không đơn giản thậm chí có khi còn đối chọi nhau trong văn Nguyễn Thị Thu Huệ” [4-108].
Về văn phong của Nguyễn Thị Thu Huệ, Đoàn Hương ghi nhận: “Huệ lại có lối viết văn như bị “lên đồng”. Trong truyện ngắn của mình không phải là cô “kể” cho chúng ta nghe mà là cô “lôi” chúng ta đi theo nhân vật. Đó là phong cách độc đáo của Nguyễn Thị Thu Huệ” [19-7].
Theo Bùi Việt Thắng: “Truyện ngắn Thu Huệ hấp dẫn rộng rãi người đọc trước hết vì giàu chất đời” và “những truyện ngắn hay của Thu Huệ là nhờ người viết biết bứt lên được trên cái có thực đến tận cùng để tìm tòi cái gì đó cao hơn con người, đó là đời sống tâm hồn vốn không rõ ràng, rành mạch, vốn bí ẩn khó giải thích bằng lý trí” [42]. Ngoài ra tác giả còn nhận xét về các phương diện khác như đề tài “Thu Huệ quan tâm đến gia đình trong xã hội hiện đại đang tồn tại và tan rã như thế nào, bởi những nguyên nhân nào”; tình huống “tuy hẹp nhưng đặc sắc”; ngôn ngữ “có độ căng của nhịp điệu”; câu thường ngắn, cấu trúc đơn giản; “ hoạt trong giọng
điệu: lúc bạo liệt, lúc thật thà, lúc thâm trầm triết lý, có lúc đỏng đảnh lại có lúc dịu dàng đến bất ngờ”.
Nguyễn Việt Hòa phê bình tập truyện: Nào, ta cùng lãng quên của Nguyễn Thị Thu Huệ, đã đưa ra nhận xét: “Chất lãng mạn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ tương đối đặc biệt, nó toát ra từ tâm hồn người đang đứng giữa ranh giới thiếu nữ - phụ nữ” [11].
Nhìn nhận Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn nữ “độc đáo và tài hoa”, Hồ Sỹ Vịnh đã tìm hiểu truyện ngắn của Thu Huệ trên bình diện thi pháp và chỉ ra rằng: “Nhà văn này đã vượt ra ngoài phương thức miêu tả vừa thực, vừa hư, vừa trần thế, vừa ảo mộng, chuyện hiện tại, chuyện dĩ vãng nhằm tạo dựng một cuộc sống có dung tích, khai thác chiều sâu những góc khuất uẩn khúc “thế giới bên trong” của con người” [50-7].
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết Báo cáo giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012 đã ghi nhận “(Thành phố đi vắng) đã thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tạo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đặt chị vào vị trí những nhà văn Việt Nam đương đại viết truyện ngắn tiêu biểu” [56].
Gần đây nhất, nhà văn Nhật Tuấn trong bài viết Một thành tựu văn xuôi hiện đại, nhân đọc Thành phố đi vắng đã nhận thấy: “(Thành phố đi vắng) thực sự rất đáng ghi nhận như một tín hiệu đáng mừng, một thành tựu mới trong văn xuôi hiện đại” [49-19].
Vũ Thị Tố Nga ở đề tài Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đã xem xét một cách khá toàn diện về các truyện ngắn của Thu Huệ và chỉ ra “tư duy hướng nội là một đặc điểm định tính đã phần nào chi phối các phương thức diễn đạt. Nhiều hình thức nghệ thuật đã được Thu Huệ khéo léo đan cài và sử dụng phù hợp trong việc biểu đạt tâm trạng – đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Bằng lối viết hết mình đến cạn kiệt...chúng ta thấy được nỗi say đắm của chị với cuộc đời và con người” [29-108].
Ngoài ra còn có luận văn Nhân vật nữ trong truyện ngắn Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ và luận văn Đặc điểm phần mở đầu truyện ngắn của tác giả Y
Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ, đó là những đề tài có liên quan nhưng khác về góc độ và nhiệm vụ nghiên cứu với đề tài của chúng tôi.
Nhìn chung qua các bài viết, có thể thấy Nguyễn Thị Thu Huệ được đánh giá là tác giả có khả năng nắm bắt và phản ánh hiện thực nhạy bén, sâu sắc, có giọng văn đặc biệt. Nhưng một điều có thể nhận thấy là các ý kiến phần lớn bàn về truyện ngắn của Thu Huệ nói chung mới là những nhận xét, đánh giá mang tính khái quát ở những khía cạnh khác nhau mà hầu như chưa tìm hiểu và xem xét truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ một cách hệ thống. Cho đến nay chưa có đề tài nào nghiên cứu chuyên biệt về đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Chọn đề tài này, chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở thành tựu của người đi trước, từ đó triển khai vấn đề để làm nổi bật đặc điểm về nội dung và hình thức trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, trên cơ sở đó ghi nhận đóng góp của chị với thể loại truyện ngắn nói riêng và với văn học Việt Nam đương đại nói chung.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trên phương diện nội dung và nghệ thuật.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn khảo sát trên phạm vi các tập truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Thị Thu Huệ:
- Cát đợi ( Nhà xuất bản Hà Nội – 1992)
- Hậu Thiên Đường ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 1993)
- Phù thủy (Nhà xuất bản Văn học – 1995)
- 21 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2001)
- Nào, ta cùng lãng quên (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2003)
- 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ ( Nhà xuất bản Văn học – 2006)
- Thành phố đi vắng ( Nhà xuất bản Trẻ - 2012)
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu:
Nhận diện đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật.
Khẳng định thành tựu và những đóng góp của Nguyễn Thị thu Huệ với thể loại truyện ngắn và với văn học Việt Nam đương đại.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Khảo sát và tìm hiểu cách nhìn cuộc sống và con người trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Tìm hiểu nghệ thuật thể hiện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Khẳng định vị trí của Nguyễn Thị Thu Huệ trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp khảo sát, thống kê.
- Phương pháp so sánh đối chiếu
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp liên ngành
Các phương pháp nghiên cứu trên không tách rời nhau mà tương tác, bổ sung cho nhau trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài.
6. Đóng góp của luận văn
- Nghiên cứu một cách hệ thống về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Tìm hiểu và chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ.
- Ghi nhận thành tựu và đóng góp của Nguyễn Thị Thu Huệ với truyện ngắn Việt Nam đương đại.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trong bối cảnh của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại
Chương 2: Hiện thực cuộc sống và con người trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Chương 3: Nghệ thuật thể hiện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
NỘI DUNG
Chương 1
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ TRONG BỐI CẢNH CỦA TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Một số vấn đề lý thuyết về truyện ngắn
1.1.1. Giới thuyết về truyện ngắn
Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một loại hình thức tồn tại chỉnh thể. Không phải ngẫu nhiên mà sau nhan đề tác phẩm người ta thông báo ngay tên thể loại. Điều này có ý nghĩa, nói tới thể loại là nói tới một cách tổ chức tác phẩm, một kiểu tái hiện đời sống và một kiểu giao tiếp nghệ thuật.
D. Gronopxki trong sách Đọc truyện ngắn viết: “Truyện ngắn là một thể loại muôn hình muôn vẻ, biến đổi không ngừng”. Thật vậy, bởi xung quanh thuật ngữ này có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Từ điển văn học giải thích “Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ; truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội” [39 -137]. Trong 150 thuật ngữ văn học thì truyện ngắn được xác định là “thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết các phương diện đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền mạch không nghĩ” [2 - 359]. Các định nghĩa trên bổ sung cho nhau làm nổi bật rõ những đặc trưng cơ bản nhất của truyện ngắn.
Đặc điểm cơ bản nhất của truyện ngắn để phân biệt với truyện dài, tiểu thuyết là “ngắn”. Nhà văn Nguyên Ngọc, giải thích cái ngắn trong truyện ngắn như sau: “Sở dĩ truyện ngắn ngắn, sở dĩ người ta có thể viết ngắn là vì người ta đã biết quá nhiều. Qúa nhiều đến mức có thể tước bỏ tất cả những gì phù phiếm, không cốt lõi, không quan trọng. Phải có rất nhiều nguyên liệu thì mới có thể chưng cất. Truyện ngắn vì nó là tác phẩm nghệ thuật chưng cất, chứ không phải là nguyên liệu thô” [26 - 14].