Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 15


linh động và tươi sáng" (Ma thuồng luồng).

Không gian kỳ lạ ấy cũng báo cho chị chàng một điều gì đó ẩn hiện trong cuộc đời chị "Một đêm, chị ta ngồi quay sợi khuya bên cạnh bếp. Ánh lửa tàn như cố níu cái vẻ tiều tuỵ chung quanh cho khỏi đắm chìm trong bóng tối. Nó muốn cho chị chàng luôn luôn thấy rõ cái mặt thật của đời mình." (Con thuồng luồng nhà họ ma).

Cách xây dựng những không gian có yếu tố lạ ấy đã giúp chúng ta tưởng tượng ra thế giới rừng thiêng thật hoang sơ, lạ lùng. Nhưng điều đó giúp ta tưởng tượng phong phú về bức tranh thiên nhiên và con người chốn sơn lâm ấy.

3.4.2. Nhân vật kỳ ảo

Loại truyện ngắn truyền kỳ thường được gọi là những truyện lạ đường rừng như: Người lạ, Ma thuồng luồng, Người hóa hổ, Đôi vịt con, Con thuồng luồng nhà họ ma, Con bò dưới thủy tề và Gò thần là những tác phẩm ít nhiều mang dấu vết của truyện cổ dân gian (được hình thành từ ba nguồn chính: Thời thơ ấu của Lan Khai tiếp thu được từ vốn kho tàng truyện cổ tích của người mẹ, tác giả đã tự bạch: "Không một ngày nào, những khi mẹ con được gần gũi hú hý với nhau, mà mẹ tôi lại đã không kể cho tôi nghe ít nhất là một sự tích về cái thời mà Bụt còn năng hiện xuống trần để can thiệp vào nhân sự, hoặc cái lai lịch não nùng của bà Chúa Ba, hoặc sự tu kiên quyết của bao kiếp luân hồi của Phật tổ?Mẹ tôi kể bằng một giọng chìm chìm, bí mật và đầy thi vị, trong khi một vẻ mơ màng say đắm hiện long lanh trong hai mắt mẹ tôi...Ngồi nghe mẹ kể tôi đã sống hiển hiện cuộc đời các nhân vật lạ lùng của những chuyện cổ tích ấy" [62, 13]. Đồng thời tác giả lại được người cha truyền cho từ cái kho điển tích và truyện cổ của văn chương trung đại và tác phẩm Liêu trai chí dị trong văn học Trung Hoa của Bồ Tùng Linh. Mặt khác những năm tháng sống hòa đồng với đồng bào trong các thôn bản và những cuộc hàng trình trong thế giới sơn lâm đã giúp Lan Khai thu lượm được các


câu chuyện cổ từ kho báu ấy). Đó là những câu chuyện huyền hoặc dị kỳ. Điều đó được tác giả tập trung thể hiện ở thế giới hình tượng nhân vật. Truyện ngắn Lan Khai có nhân vật người thực, có nhân vật là thú, hay có nhân vật nửa người nửa ma, nửa người nửa thú được thể hiện bằng bút pháp liên tưởng và gợi tả, so sánh ví von.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Trước tiên, Lan Khai dựng lên chân dung nhân vật người thực (nhân vật có yếu tố kỳ ảo). Đây là những người trần mắt thịt có thực trong cuộc sống. Nhà văn đã khắc họa chân dung, số phận, cuộc đời những nhân vật này qua lăng kính ảo. Các nhân vật được pha trộn sự lạ lẫm, bất thường. Đó là các nhân vật cô gái lạ trong Người lạ, bác thầy cúng trong Ma thuồng luồng, Ma Thái Ảnh trong Con bò dưới thủy tề, thầy cai Biên trong Đôi vịt con, chàng trẻ tuổi trong Mũi tên dẹp loạn. Họ đều là những con người trong đời thực, có suy tư, trăn trở, có cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Tất cả đều là những con người thực nhưng ít nhiều được kỳ ảo hóa. Lan Khai chủ yếu đi sâu miêu tả ngoại hình nhân vật, đôi khi xen một vài cử chỉ, lời nói.

Trong Người lạ: "Cô ta đẹp một cách một cách dị thường: mặt dài thon thon, da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ và phủ một lượt tơ như vỏ đào non, lông mày rậm, vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng. Cô ta nhìn một cách lấm lét đáng nghi, miệng cười như đốt lòng người. Nhưng… đến hai hàm răng thì ghê quá! Răng người đâu mà nhọn hoắc như cái răng mèo! Y phục không ra Kinh không ra Mán, chẳng phải Khách chẳng phải Nùng. Toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương" [61, 16]. Cô gái lạ có những cử chỉ và lời nói gần với người thực: "Cô ta thấy ông Hội Cảnh hốt hoảng, chỉ cười. "Tiếng nói líu ríu như tiếng chim", "quắc mắt" nhìn ông Hội Cảnh và hỏi "anh ở đây một mình, có sợ không?", Cô ta ra vẻ nghĩ ngợi, sau dịu dàng nói: "Anh này cục tính quá!...Nhưng thôi! Rừng xanh, nếu anh còn lai vãng thì một ngày kia ta sẽ còn gặp nhau". Cô ta đứng dậy xuống chòi, đi lửng lơ ở không trung

Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 15


như người đi lên một cái thang vô hình" [61, 17].

Truyện Ma thuồng luồng kể về một gia đình có hai vợ chồng bác thầy cúng đều xấp xỉ ba chục tuổi và một đứa con. Tác giả miêu tả hình dáng người chồng: "Chồng, hơi thấp nhưng cả ngang, chân tay gân guốc, đi đứng mạnh dạn. Đầu anh ta vuông, tóc rẽ tre, cổ to như cổ trâu, nét mặt tròn và đều đặn, nước da hung hung. Nếu chẳng có cái miệng cười thực thà thường phô hai hàm răng trắng nhởn, vẻ mặt anh chàng có lẽ dữ tợn vì cái trán gồ, cái mũi tèn tẹt, cặp lông mày chổi sể và đôi mắt ốc nhồi sáng quắc" [61, 20]. Và đứa con được tả: "Con hay quặt quẹo, thân thể gầy còm, chân tay ngẳng nghiu, nước da bung bủng, nổi cơ đồ nhất có chăng là cái bụng trái mít điểm cái rốn lồi". Tuy vậy, con vua vua dấu, con chúa chúa yêu, cái đầu cá trê lơ phơ mấy sợi tóc vấy “cứt trâu”, cái mặt ngơ ngác, cái mắt lúc nào cũng như loè lửa sốt và cái miệng cười mếu máo kia vẫn là cái vui sướng, cái yêu thương, cái hi vọng của hai cuộc đời tối tăm góp lại dưới mái lều tranh" [61, 21].

Truyện Con bò dưới thủy tề đặc tả về Ma Thái Ảnh "ngồi bó gối, đôi mày cau có, vẻ mặt hằm hằm. Tuổi trẻ, vóc người cao và mảnh, chân tay dài, gân guốc. Đầu tuy bé mà cổ rất to, mặt lưỡi cày, da bánh mật điểm mấy nốt rỗ huê. Cái trán thót và ngắn không đủ chỗ cho cặp lông mày chữ bát rậm rì che trên đôi mắt voi. Cái mũi ghé nhòm cái mồm rộng, cặp môi thường mím chặt, hoạ hoằn nở một nụ cười khi đắc chí" [61, 32].

Truyện Đôi vịt con kể chuyện thầy Biên: "Biên quay nhìn vào phía trong định ngủ thì tự nhiên nổi cơn đau bụng dữ dội. Cả nhà hốt hoảng vội đón thày chạy chữa tíu tít. Vô công hiệu! Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất" [61, 47].

Tác phẩm Mũi tên dẹp loạn kể về việc anh Khán (chàng trẻ tuổi) bắn chết vua Mèo: "Thì ra một chàng trẻ tuổi cao lớn, khoẻ mạnh, đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân quấn xà cạp , tay cầm chiếc nỏ


cánh dâu. Chàng ngẩng nhìn, lộ ra khuôn mặt bầu bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày dậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mất sợi dâu non. Chàng có vẻ lo ngại nhưng quả quyết, tự hồ đang nghĩ ngợi một chuyện gì quan trọng lắm" [61, 49].

Truyện Người hóa hổ, Lan Khai miêu tả hai người con của bà lão: "Con trai bà lão độ ba mươi, hình thù cũng xấu xí như mẹ. Anh ta cử động chậm chạp, ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng, ăn mặc bẩn thỉu, quần áo nửa tháng anh ta chưa buồn thay. Hai hàm răng anh cáu bẩn, môi anh ướt nhớp nháp, lúc nào cũng ngậm cái điếu can bằng đất. Vợ anh ta thì thấp bé xủn xoẳn, nét mặt choắt vì cái khăn quấn hàng trục vòng quanh mái tóc, mắt nhỏ tí, sáng lấp lánh như mắt dơi. Quanh năm, chị ta mặc cái áo xanh dài quá gối, ngoài khoác cái áo bông ngắn cụt tay. Hai cổ chân tù hãm trong đôi kha cặt trắng, bàn chân to như lưỡng cày, xù xì da cóc. Chị ta cũng như chồng, lầm lỳ ít nói, có chăng những lúc đùa giỡn cùng con, chị mới nhoẻn miệng cười" [61, 62]. Lan Khai xây dựng những nhân vật người thực nhưng có sử dụng những yếu tố kỳ ảo nhằm tạo nên chân dung những con người vừa thực vừa ảo, vừa thân quen vừa xa lạ nhằm kích thích sự tò mò của người đọc.

Bên cạnh những nhân vật người thực, Lan Khai còn xây dựng những nhân vật nửa người nửa thú (nhân vật kỳ ảo). Đây là những nhân vật "phi nhân" hoặc "bán nhân". Xây dựng lên những nhân vật bán nhân, nhà văn muốn dẫn dắt người đọc theo mạch chảy của tác phẩm, tạo ra không khí kỳ lạ thậm chí ma quái nhưng vẫn cuốn hút người đọc. Qua đó, nhà văn muốn gửi gắm vấn đề nhân sinh hay lẽ sống ở đời. Tìm hiểu những nhân vật này ta thấy bóng dáng của truyện cổ tích thần kỳ. Những nhân vật bán nhân này cũng được tác giả chú ý miêu tả ngoại hình. Nhân vật có nhiều chi tiết kỳ lạ và quái gở. Có thể nói, đây là nhân vật bị vật hóa trong tác phẩm. Có nhân vật rất ác nhưng có nhân vật cũng đáng yêu.

Ở truyện Ma thuồng luồng nhân vật nửa người nửa thú được miêu tả như


sau: "Ừ, cái gì mà người chẳng ra người, thú chẳng ra thú, mình trần như nhộng, tóc tai không có, da dẻ nhợt nhạt như kẻ chết trôi, nhớt dề dề nhỏ xuống, chân tay ngắn ngủi chẳng tầy gang. Nó ngồi vắt vẻo trên xà nhà mắt nhìn xớn xác như muốn tìm đường chốn...Quái ác nghe hỏi chỉ nhe bộ răng nhọn hoắt cười nhăn nhở và chỉ chớp mắt nó ườn ra thành một con thuồng luồng cực lớn, nằm chật cả gian buồng” [61, 25].

Ở Con thuồng luồng nhà họ ma là nhân vật lạ: "Lạ quá! Chị thấy một vật nửa người nửa rắn tự ngoài vào, vừa đi vừa khóc sướt mướt. Chị lấy làm ngờ ngợ. Nhà chị xưa nay khách khứa rất hiếm. Nhất là khi người khách kỳ khôi nọ thì thực chưa từng thấy đến bao giờ. Chị vừa toan hỏi, người lạ đã đến gần và nói qua tiếng thổn thức: Mẹ ơi, mẹ cứu Cuổng với! Ngoài ngòi bây giờ có một con thuồng luồng trắng ở Đài Thị mới về, nó định chiếm chỗ của con. Giờ Ngọ ngày mai, con với nó đánh nhau to. Được, chẳng nói làm gì, nếu thua, con sẽ một là bị chết, hai là bị đuổi đi nơi khác, bấy giờ thì mẹ con sẽ mãn kiếp xa nhau… Vậy mai mẹ giúp con một tay, mẹ đem dao ra bờ ngòi, chờ lúc hai bên đánh nhau, hễ thấy khúc trắng nổi lên thì mẹ chém, mẹ nhớ nhé!...” [61, 29].

Trong Người hóa hổ xuất hiện bà mẹ "tuổi đã già lắm, đầu lơ phơ mấy sợi tóc sương, răng móm sạch, quai hàm dưới đưa sát lên hàm trên, làm cho khổ mặt đã ngắn lại càng ngắn thêm. Hai má trũng, đổ vừa hai chén nước. Da mặt nhăn như mặt ruộng cày. Mắt hoắm vào, kèm nhèm, dấp dính. Cặp môi mím chặt lại, kéo dài ra thành một nét ngậm ngùi, đau khổ. Chân tay khẳng khiu, lưng còng, dáng đi lẩy bẩy tựa hồ không còn đủ sức mang cái gánh nặng của năm tháng chồng chất lên mình [61, 61 - 62].

Và "Cứ như lời mẹ anh đã nói nhỏ cùng anh thì sau mỗi cơn sốt, suốt mình bà đau nhức không sao chịu được. Những chỗ kín tự nhiên mọc rất nhiều lông lá và ở cùng xương sống nhòi ra một mẩu thịt mỗi ngày mỗi dài thêm. Những ngón tay, ngón chân dần dần co quắp lại, móng dài ra và nhọn


hoắt [61, 64]. Quả nhiên người con trai thấy "mẹ anh ngồi trơ vơ ở cửa hang với một nắm lông gà. Bà cụ bấy giờ đã mất hết áo xống. Toàn thân lông lá mọc đầy, sắc đỏ như lông bò non. Người nom gầy trơ xương, hai cái vú đã cạn sữa buông thõng xuống như hai cái bị bẹp, mồm miệng máu me loe loét, hai mắt hốt hoảng như đã mất hết trí khôn [61, 68].

Ngoài việc miêu tả nhân vật ở những nét ngoại hình, Lan Khai còn sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh liên tưởng. Thủ pháp này được sử dụng khá phổ biến trong các sáng tác vì nó có vai trò quan trọng góp phần định giá giá trị của các nhân vật cùng những sự kiện diễn ra trong tác phẩm. So sánh đối chiếu vẻ đẹp của các nhân vật với cái được so sánh là những hình ảnh mang tính chất khác thường, siêu thực. Điều này thể hiện sự sáng tạo của nhà văn trong việc đưa chất liệu kỳ ảo vào câu chuyện. Lan Khai sử dụng thủ pháp so sánh, liên tưởng để xây dựng nhân vật kỳ ảo làm cho người đọc tò mò, muốn khám phá: "lòng đen mắt đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng", "miệng cười như đốt lòng người", "răng nhọn hoắc như cái răng mèo", "toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương", "Tiếng nói líu ríu như tiếng chim", "cổ to như cổ trâu", "cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày dậm", "da mặt nhăn như mặt ruộng cày", "toàn thân lông lá mọc đầy, sắc đỏ như lông bò non", "hai cái vú đã cạn sữa buông thõng xuống như hai cái bị bẹp", "hai mắt hốt hoảng như đã mất hết trí khôn", "mắt sáng lấp lánh như mắt dơi", "bàn chân to như lưỡng cày", "mình trần như nhộng", "da dẻ nhợt nhạt như kẻ chết trôi, nhe bộ răng nhọn hoắt cười nhăn nhở"...Tác giả còn dùng một loạt từ láy làm tăng sức hấp dẫn của truyện: "thon thon, mòng mọng, lấm lét, líu ríu, lửng lơ, hung hung, quặt quẹo, ngẳng nghiu, bung bủng, lơ phơ, ngơ ngác, cau có, hằm hằm, bầu bầu, kèm nhèm, dấp dính, co quắp lại, nhọn hoắt, loe loét, xấu xí, chậm chạp, lạnh lùng, nhớp nháp, xủn xoẳn, xù xì, lầm lỳ". Và các từ ngữ kết hợp nghe rất lạ làm cho truyện trở nên kỳ dị, huyền bí: "hàm răng trắng nhởn, cái mũi tèn tẹt, cặp lông mày chổi sể và đôi mắt ốc nhồi sáng quắc", mà "cổ rất to, mặt lưỡi


cày, đôi mắt voi, mũi sư tử". Thủ pháp này làm tăng hiệu quả lạ hóa cho cốt truyện, đồng thời cũng góp phần tạo cho mạch truyện sức hấp dẫn, lôi cuốn.

Sự hấp dẫn về bút pháp miêu tả vẫn luôn là đặc tính cơ bản làm nên giá trị độc đáo của những truyện ngắn Lan Khai. Có thể nói trong nền văn xuôi hiện đại, Lan Khai là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đi sâu khám phá thế giới thiên nhiên, đã xây được những hình tượng nghệ thuật hết sức sinh động mang “những phẩm chất tinh tuý của thơ ca và nhạc hoạ”. Và dưới ngoài bút của mình, Lan Khai đã viết lên những “bản tình ca bất tận của thiên nhiên ban tặng con người”, đã đi vào “mọi ngõ ngách suối khe, đến từng ngọn cỏ, lá cây, nhị hoa, tiếng hót của vượn chim muôn loài, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng của con người trước thiên nhiên hoang dã và tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn hằng sinh tồn” (Trần Mạnh Tiến). Ông xứng đáng là những nhà văn “mới mẻ”. Ông đã tạo nên một thế giới muôn hình vạn trạng, linh hoạt, rõ nét in đậm vào hồn người đọc. Đặc biệt sự pha trộn giữa cái mới mẻ, hiện đại với những yếu tố thuộc về truyền thống mang bản sắc của miền núi đã tạo nên giọng điệu riêng của những Truyện đường rừng. Trong nhiều trang văn, người đọc hay bắt gặp cái gần gũi của truyện cổ dân gian, gặp cái kì ảo trong các truyện trung đại đan cài với những nỗi đau lớn, chua chát của hiện thực đương thời. Có nhiều trang viết lại thấm đẫm chất thơ thể hiện qua cái “tôi” trữ tình bày tỏ tình cảm, tình yêu mặn mà trong sáng hồn nhiên; nhiều lúc lại là nỗi buồn, sự cô đơn về những kỷ niệm đẹp đã qua, về một thế giới hiện thực ẩn sâu trong tâm hồn con người. Điều đó đã chứng tỏ Lan Khai đã biết kế thừa một cách linh hoạt các tinh hoa truyền thống của dân tộc và thế giới.


KẾT LUẬN


Quá trình đi sâu tìm hiểu đề tài Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai (qua khảo sát tập Lan Khai tuyển truyện ngắn do Trần Mạnh Tiến sưu tập và tuyển chọn), chúng tôi rút ra các kết luận sau:

1. Trong giai đoạn văn học 1930-1945, sự xuất hiện của cây bút Lan Khai trên văn đàn đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong đời sống văn học. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học dân tộc nước nhà bằng những tác phẩm truyện ngắn có giá trị. Ông là người viết truyện đường rừng thuộc hàng đầu trong cả nước. Ngoài ra, ông còn viết nhiều truyện tâm lý xã hội đạt được thành tựu đáng kể. Những đóng góp của Lan Khai cho nền văn học hiện đại Việt Nam là rất đáng trân trọng. Tìm hiểu đặc điểm truyện ngắn Lan Khai là một việc làm có ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc về một nhà văn bản lĩnh và tài năng, đồng thời thấy được những đóng góp tiêu biểu của ông cho sự hiện đại hóa văn học. Đối với nghệ thuật, Lan Khai khẳng định trách nhiệm của người cầm bút: "Nghệ thuật sinh ra bởi sự bó buộc, nó sống nhờ phấn đấu và chết vì tự do" [58, 37]. Việc tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Lan Khai cho thấy ông là một nhà văn rất nhất quán trong quan niệm nghệ thuật nhưng lại rất đa dạng trong thể loại, bút pháp sáng tác.

2. Qua sáng tác của Lan Khai, một bức tranh toàn cảnh về quê hương Việt Bắc đầy hoang dã đã được dựng lên với những địa danh, những nhân vật vừa cụ thể vừa mang màu sắc huyền bí của chốn "lâm tuyền". Nhiều truyện đã đem đến cho độc giả những phút giây thoải mái để hòa mình cùng thiên nhiên, khám phá những vùng đất thâm u, hoang sơ nhưng kỳ bí và nên thơ. Từ đó, chúng ta hiểu biết hơn về phong tục, tập quán, về đời sống tâm hồn của những dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc. Tác giả ca ngợi thiên nhiên hoang sơ, kỳ

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 17/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí