nhân vật. Nhà văn khi xây dựng nhân vật phải biết tất cả ngoại hình, diện mạo, cả tư cách tính tình. Công việc của người viết văn là sắp xếp, kết hợp những điều quan sát được những ấn tượng, những ý nghĩ, nói chung là kinh nghiệm sống của mình thành những hình tượng, những tính cách.
Lan Khai đã xây dựng một hệ thống nhân vật phong phú và đa dạng. Cho nên, nhân vật của ông dù là người dân miền núi hay miền xuôi, là nông dân hay trí thức, là những nam nhi hay sơn nữ... ở hạng người nào cũng có cuộc sống riêng, có những nét tính cách khó trộn lẫn. Nhà văn biết cách đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh, tình huống đặc biệt: quan tâm nhân vật ở thế giới bên trong, biết khai thác những bi kịch đau đớn cá nhân, biết cách để nhân vật tự thể hiện mình. Vì thế, những thủ pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng chủ yếu khi xây dựng nhân vật trong truyện ngắn là: nghệ thuật miêu tả ngoại hình và nghệ thuật miêu tả tâm lý.
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Ngoại hình là tất cả những dáng vẻ bên ngoài của nhân vật gồm hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong...Nhà văn có thể khắc họa ngoại hình nhân vật thông qua ngôn ngữ người kể chuyện và đôi khi gián tiếp thông qua ngôn ngữ một nhân vật nào đó trong tác phẩm. Đọc truyện ngắn Lan Khai, chúng tôi thấy ông dành nhiều tâm huyết và những say mê để sáng tạo chân dung người phụ nữ và những chàng trai thành những hình tượng sinh động gắn liền với quan niệm thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc Việt Bắc.
3.2.2.1.Vẻ đẹp của những người phụ nữ
Thành công lớn nhất trong miêu tả ngoại hình nhân vật là Lan Khai đã xây dựng chân dung của những người phụ nữ miền sơn cước. Ông dành nhiều tâm huyết và niềm say mê sáng tạo chân dung người phụ nữ thành nhiều hình tượng sinh động. Cái đẹp đi liền với sự khỏe khoắn, cái đẹp của thể chất phải đi với tâm hồn tươi trẻ, cái đẹp hiện lên từ các hành động. Đó là hình ảnh cô Nhình mới mười tám tuổi xuân như một nàng tiên giữa đại ngàn, như một bà
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 9
- Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 10
- Tình Huống Éo Le, Gay Cấn Giàu Kịch Tính
- Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 13
- Nghệ Thuật Sử Dụng Những Yếu Tố Kỳ Ảo
- Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 15
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
chúa trong mơ, sắc đẹp của nàng dường như làm cho thiên nhiên cũng không thể vô tình: "Cô Nhình có thể gọi là một bông hoa hiếm của rừng xanh. Cái áo chàm điểm những đường thêu dịu bó sát lấy mình cô, cái hình mềm mại, tròn trặn như một đoạn song non. Chiếc xiêm thêu ngắn để hở hai bắp chân xinh và hai gót đỏ như son. Mấy vuông khăn cài những miếng trám vàng đỏ quấn sơ ngoài mái tóc đen như lưu ly. Cặp môi thắm như một nụ hồng. Đến cái dáng đi thì thật tuyệt. Nó là cái dáng đi của một bà chúa trong mơ" [61, 43]. Hay khi miêu tả dáng vẻ bề ngoài của Pàng Nhả trong truyện ngắn cùng tên, tác giả chú ý khắc họa những nét như: "Tầm vóc phải khoảng, cử chỉ dịu dàng cũng như nói cười chẳng bao giờ thô bạo. Hai bàn tay nhỏ nhắn đều đặn, hai bàn chân cũng xinh xinh khác hẳn chân các cô sơn nữ khác. Mái tóc đen như đêm không có trăng sao thường buông lòa xào xuống trán. Mấy chiếc vòng bạc lớn ôm tròn lấy cái cổ cao ba ngấn. Qua nếp áo chàm mỏng như sương lam, khuỷu tay chống xuống gối, bàn tay đỡ dưới cằm, Pàng Nhả nhìn thăm thẳm chân trời, linh hồn xa vắng...Nét mặt Pàng Nhả biểu hiện cái vẻ đẹp thuần khiết của gái sơn lâm. Màu da tươi thắm, hai mắt long lanh như hai ngôi sao buổi quang trời. Miệng hơi rộng thường điểm một nụ cười nồng nàn như buổi trưa hè, và cũng vì vậy, cặp môi hoa lựu, người ta luôn luôn nhận thấy cái tia sáng ươn ướt của hai hàm răng ngọc. Mũi thì nhỏ và thẳng, lúc nào cũng thổn thức như hô hấp riêng một thứ không khí say sưa. Đến cái cằm thon thon đầy đặn thì dù ai khó lính cũng phải chịu là nét bút kỳ tuyệt của thiên công" [61, 90 - 91]. Đấy còn là nàng tiên Lô Hli trong Tiền mất lực: "Lô Hli còn trẻ và đẹp lắm, cái đẹp kín đáo của bông hoa rừng. Hai mắt ngây thơ nhìn như chép lấy bài thơ bằng hình sắc phô bày ra ở quanh mình" [61, 70]. Miêu tả hình ảnh người vợ trong Sóng nước Lô Giang thì Lan Khai khắc họa "khuôn mặt trái xoan, khóe mắt bồ câu lấp lánh, nụ cười âu yếm" [61, 108 -109].
Trong các truyện ngắn Khảm khắc, Bên rừng xuân, Giông tố, Cô Bụt, Chiếc xe trên đường, nhà văn đã miêu tả ngoại hình người phụ nữ qua nét mặt,
nụ cười, mái tóc, làn môi...hiện lên với dáng vẻ yêu kiều, diễm lệ, tình tứ nhưng cũng mang nét đặc trưng riêng của những cô gái sơn lâm. Tác giả tả nét mặt của nàng Khao thì "ngẩn ngơ", đôi má nàng Thi thì "ửng đỏ", khuôn mặt cô tiểu Mai "trẻ trung", cô Bụt có khuôn mặt "trẻ tươi " hay khuôn mặt người thiếu nữ "trắng muốt như ngọc ngà". Khi tả vẻ đẹp của đôi mắt của những người phụ nữ, tác giả như đi sâu khám phá thế giới tâm hồn của họ. Với nàng Khao "hai mắt lừ đừ", nàng Kham "trong và sắc", cô lục sao "những cái liếc mắt đắm say", cô Thi "đôi mắt long lanh và trong suốt như lòng suối", cô tiểu Mai "hai mắt long lanh", cô Bụt "đôi mắt to lóng lánh và đen như cặp hạt huyền nhìn thăm thẳm", vẻ đẹp của văn sĩ Mộng Đào "mắt long lanh như muốn thâu hết tình yêu ở cõi đời". Đặc biệt, tác giả hết lời ca ngợi vẻ đẹp của mái tóc khỏe khoắn, trẻ trung của nàng Kham "đen và dài", thiếu nữ trong Chiếc xe trên đường "tóc mây đen nhánh, như tựa trên không sa xuống, như tự dưới suối nhô lên...khiến cho khách triền miên trong giấc mơ buồn tẻ". Còn miêu tả nụ cười lại hiện ra vẻ đẹp tâm hồn và tính cách nhân vật. Nụ cười của cô lục sao "nụ cười tình tứ", người thiếu phụ trong Chiếc xe trên đường có cái cười "đằm thắm chứa chan tình tứ như đưa tâm hồn khách lên mấy từng mây cao ngất của trời xanh". Về dáng hình thì mỗi người mang một vẻ đẹp lạ, Mai Kham "người tầm thước và mềm mại, trong diệu đi cách đứng nàng nghiễm nhiên là một đóa danh hoa ở núi rừng"; cô Thi là một người tuyệt đẹp, một thứ đẹp "dã man" như ru vào cõi mộng ...như đang thu gọi hết tình yêu của nhân loại. Đôi môi tươi thắm như còn đang tiếc một nụ cười trong giấc mơ xuân...Thi, đáng yêu và đáng kính. Thi, ngây thơ và diễm lệ, một người đáng để chàng cho hết cả tâm hồn". Cô tiểu Mai "Tuy ăn vận nâu xồng mà, nước da trắng nõn, cặp môi tươi thắm". Vẻ đẹp của văn sĩ Mộng Đào - Dung "người tầm thước mềm mại, lẫn trong bộ áo màu, nàng có một vẻ đẹp nhân từ, kín đáo"...
Tất cả nét mặt, mái tóc, nụ cười, ánh mắt, làn môi và dáng dấp của các
cô sơn nữ đã tạo nên một chân dung tuyệt đẹp. Đó là những vẻ đẹp tươi sáng, mạnh mẽ, thông minh kết tinh từ vẻ đẹp truyền thống đồng thời cũng mang màu sắc riêng tạo nên những đóa hoa rừng thật nên thơ và tuyệt diệu.
Bên cạnh đó, hình tượng những người phụ nữ còn là những con người gắn bó với xứ sở lâm tuyền từ bao đời. Đó là chân dung những cô sơn nữ khỏe mạnh, hồn nhiên, chất phác, hòa hợp với thiên nhiên và gắn kết với cộng đồng như hình tượng cô sơn nữ Luýt So từ biệt mối tình với chàng trai tỉnh lị hào hoa là Hai Tàu trở về với làng Bản Luộc dễ khơi dậy trong lòng người ý thức về nguồn cội.
3.2.2.2.Vẻ đẹp của những chàng trai
Bên cạnh chân dung những người phụ nữ xinh đẹp như những bông hoa muôn sắc màu là chân dung những chàng trai mang vẻ đẹp của núi cao rừng thẳm. Đó là Lo Trồng (Pàng Nhả), người chồng (Sóng nước Lô giang), Lìu Khắc (Khảm khắc), Luýt So (Tiếng sáo đêm thu), Khâu (Bên rừng xuân), họa sĩ Vân (Lẩn sự đời), anh tài xế Cáp (Một việc tự tử), phạm nhân Thanh (Khổ tình), anh chàng họ Vũ (Đào rụng)...
Mặc dù ở dưới xuôi lên nhưng thầy cai thơ lại Biên có dáng vẻ khỏe mạnh, và cường tráng "Tuổi trẻ, lại dòng dõi thi thư, thày cai chỉ vì bực với bọn kỳ mục trong làng mà đầu quân. Trong cái bộ áo nhà binh, thầy cai vẫn có cái vẻ nho nhã. Khuôn mặt dài, màu da sáng, trán cao, mắt sáng và ngay thẳng như biểu lộ hết tâm tình người thiếu niên anh tuấn" [61, 43].
Bên cạnh đó còn là những người con của núi rừng, của nắng và gió, vạm vỡ, khỏe khoắn, giầu sức mạnh như Ma Thái Ảnh (Con bò dưới thủy tề), Khán (Mũi tên dẹp loạn). Lan Khai miêu tả Ma Thái Ảnh với đôi mày cau có, vẻ mặt hằm hằm. Tuổi trẻ, vóc người cao và dài, gân guốc. Với sức vóc như vậy, anh sẵn sàng đối đầu với con thú dữ. Hay chàng Khán còn trẻ tuổi "cao lớn, khỏe mạnh, đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân quấn xà cạp, tay cầm chiếc nỏ cánh dâu. Chàng ngẩn nhìn, lộ ra một khuôn mặt bầu
bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày rậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mấy sợi râu non" [61, 49]. Với dáng hình như vậy, tác giả cho chúng ta thấy Khán đã có dáng dấp khỏe mạnh, đậm chất đương rừng. Khi miêu tả nụ cười ta cũng hình dung được sức lực và tính cách của anh: "mỉm cười một cách rất dữ tợn". Hành động của anh cũng thể hiện rõ phong thái của những người quen sống với rừng. Lúc giao chiến với con báo, anh rất nhanh nhẹn: "Cái bóng lùn nhả vụt lên, vùng chạy được mấy bước, đoạn ngã vựt xuống. Chàng trẻ tuổi nhả xổ lại, nhẹ nhàng như một con báo". [61, 50].
Đặc biệt trong Tiền mất lực, tác giả nhấn mạnh hình ảnh chàng trai trẻ Tôđay dũng cảm vượt lên hoàn cảnh, giành lại tình yêu cho mình. Chàng gặp và yêu Lô Hli bằng tình yêu chân thành, thắm thiết và mong muốn nên vợ nên chồng. Vì cảnh ngộ nghèo khó nên anh đã không được phép lấy Lô Hli. Tuy nhiên, anh không chịu bất lực trước hoàn cảnh, bất chấp việc gia đình Lô Hli gả bán cô cho một kẻ giàu, có thế lực trong vùng. Tôđay vẫn giành trọn tình cảm của mình cho người mình yêu. Sau đó anh đã cùng Lô Hli bỏ trốn vào rừng sinh sống. Khi thầy lục sự đem lính đến vây bắt, thì chàng cùng người yêu tự sát để bảo vệ tình yêu.
Việc đặt các nhân vật trong những hoàn cảnh khác nhau như vậy, Lan Khai đã miêu tả khá thành công nhân vật là các chàng trai với từng dáng vẻ, số phận khác nhau. Đó là những bức tranh chân thực về cuộc sống của người dân miền núi trước cách mạng.
Với việc miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ và của những chàng trai sinh sống tại nơi rừng thẳm một cách sinh động đã chứng tỏ nghệ thuật khắc họa nhân vật của Lan Khai rất tinh tế và gây ấn tượng cho người đọc. Điều đó góp phần tạo nên thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai độc đáo, hấp dẫn. Vấn đề con người miền núi trong sáng tác của Lan Khai là vấn đề đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, là mối quan hệ giữa con người với môi trường sống là
sự gắn kết cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Qua những thiên truyện đường, rừng nhà văn cho chúng ta thấy cộng đồng các dân tộc miền núi luôn tiềm tàng sức mạnh bên trong để tự bảo vệ mình. Nghèo khó, tối tăm và bất công xã hội có ở mọi lúc mọi nơi, nhưng sự nỗ lực của con người vẫn có thể tìm ra hạnh phúc.
3.2.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật
Tâm lý là phản ánh tâm trạng, thái độ của con người trước điều kiện hoàn cảnh khách quan. Thủ pháp khắc họa tâm lý nhân vật không phải là mới mẻ mà đã được các tác gia văn học thời trung đại đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật. Tiêu biểu là Nguyễn Du đã rất thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý của Thúy Kiều trong Truyện Kiều. Trong văn học hiện đại xuất hiện Hoàng Ngọc Phách với tác phẩm Tố Tâm. Hoàng Ngọc Phách đi sâu phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Đạm Thủy và Tố Tâm. Thành tựu nổi bật hơn phải kể đến những tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn. Nhà văn Nhất Linh từng nói: "Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề trong lẫn bề ngoài. Diễn tả được một cách sinh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh, tế nhị của tâm hồn". Chủ nghĩa hiện thực cũng đã mở ra khả năng to lớn trong việc khám phá tâm lý con người. Đêtơrốp cho rằng: "Không thể là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa mà lại không phơi bày toàn bộ thế giới nội tâm con người trong quan hệ nhân quả bên trong họ, những con người sống trong quan hệ nhân quả bên trong họ, những con người sống trong những điều kiện tâm lý và xã hội nhất định" [4, 196].
Hay Tôlxtôi cho rằng: "Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên được sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được" [5, 240].
Như vậy, con người trong sự miêu tả của nhà văn là một trong những tâm điểm mà qua đó phong cách nhà văn được bộc lộ sáng rõ. Xây dựng nhân
vật, ngoài biệt tài miêu tả ngoại hình nhân vật, Lan Khai còn chứng tỏ khả năng miêu tả tâm lý nhân vật hết sức tinh tế. Lan Khai đã thể hiện cái nhìn nhiều chiều về con người, về cuộc sống. Trong truyện ngắn của Lan Khai, nhân vật nào cũng có đời sống tâm hồn rất phong phú. Nhà văn đã chạm vào thế giới bên trong tâm hồn nhân vật để diễn tả tinh tế các cung bậc tâm trạng của từng nhân vật. Vì vậy, nhân vật hiện lên sống động như hiện thực.
Chẳng hạn trong truyện Đôi vịt con, tác giả miêu tả sinh động tâm trạng và suy nghĩ của Thầy cai Biên và cô Nhình. Thầy Biên thuộc dòng dõi thi thư, trong bộ áo nhà binh, vẻ lại nho nhã. Thầy là người dưới xuôi chuyển lên làm quan ở nơi ma thiêng nước độc, với một đám đông tính tình, phong tục, tập quán, ngôn ngữ đều khác hẳn với thày. Thày Biên tự coi như một kẻ cô độc, tệ hơn nữa, như một kẻ đi đày. Nỗi buồn tha hương càng nung nấu trong lòng, thày vẫn rình cơ hội tốt để về dưới xuôi. Nhưng một ngày kia, chỉ vì một sự gặp gỡ, thày Biên bỗng thay đổi hẳn tính tình: "Cảnh rừng xanh núi đỏ, cảnh đèo heo gió hút, Biên nhận thấy đây là một cảnh có nhiều thú vị đặc biệt, nhiều cái rất nên mộng nên thơ. Thày cai không buồn nữa, không nhớ nhà nữa. Trái lại, thày rất sẵn sàng đem cái thổn thức của lòng mình đáp lại tiếng gọi huyền bí của sơn lâm, nếu tiếng gọi ấy cất lên từ miệng cô Nhình" [61, 44 - 45]. Hai năm sau, thày Biên và cô Nhình kết duyên vợ chồng. Thày Biên về xuôi lo việc gia đình thì cuộc ái ân đến lúc phân ly. Hai vợ chồng đều buồn. Thày Biên đoán rõ tấn bi kịch trong lòng vợ nên hết sức khuyên giải, vỗ về để vợ mình tin ở sự đoàn viên. Khi lo xong mọi việc thày Biên giật mình nghĩ đến vợ con. Thày lo ngại bồn chồn và tưởng tượng ả những cảnh thê thảm. Nhưng nỗi buồn ấy thể hiện rõ ở cô Nhình, bởi cô yêu chồng lắm nên cô lo lắng, hoảng hốt nhìn chồng, nhìn dải đường xa đầy những bí mật. Vì yêu chồng quá đến độ sinh ngờ vực sự chung thủy của chồng, tâm sự cô Nhình thực đã "đến điều đau khổ" [61, 45]. Đau đớn cũng như yêu đương, cái cảm tình của cô gái sơn lâm chỉ ngấm ngầm trong lòng.
Trong Người hóa hổ, Lan Khai tập trung phân tích diễn biến tâm trạng của người con trai trong một gia đình nghèo ở động Mèo Đen. Khi người mẹ hóa hổ thì tâm hồn anh đau lắm "Hai dòng nước mắt tràn ướt hai gò má xanh xao. Tấm lòng con đau đớn, tủi cực bao nhiêu thì thương xót mẹ già bấy nhiêu. Phải, tuy con anh bị chết thảm vì tay mẹ anh, song anh ta không hề oán trách vì anh biết rằng lúc bà ăn thịt cháu, chính là lúc bà mất hẳn tính người" [61, 67]. Hơn nữa, lúc vào rừng tìm mẹ, anh càng đau đớn, anh luôn dằn vặt và tự giận chính mình: "Khi anh đứng trước cái cảnh hoang vu tịch mịch quanh mình càng đau lòng thương mẹ. Trời ơi, tuổi già gần kề miệng lỗ, nếu mẹ chết ngay đi được lại còn được mát mẻ tấm thân và cũng đỡ cho lòng anh phải đau thẹn biết chừng nào! Rồi anh tự giận mình không biết lo xa, để đến nỗi con anh phải chết thảm chết hại, mẹ anh phải lẩn lút vào rừng. Chỉ vì anh vụng tính nên ngoài cái khổ mất mẹ, vợ chồng anh còn phải đeo thêm cái khổ mất con...An hôm mặt khóc thút thít hồi lâu, thề rằng không tìm thấy mẹ thì không bao giờ trở về" [61, 68].
Các truyện Pàng Nhả, Sóng nước Lô Giang, Khảm Khắc, Tiếng sáo đêm thu, Bên rừng xuân,...ít nhiều tác giả cũng diễn tả được trạng thái tinh thần của từng nhân vật ở những cung bậc khác nhau. Đó là vẻ hồn nhiên, sôi động của những cô gái Thổ vui vẻ với công việc bắt tôm cá trên con thuyền độc mộc ở mặt hồ Trai. Các cô vừa làm vừa đùa nhau hát vang cả rừng cây. Đó là công việc nhưng vui vẻ, hứng thú nên các sơn nữ cho là thú tiêu khiển sau những giờ làm việc nặng nhọc ở trên nương. Bên cạnh đó ta còn bắt gặp sự bâng khuâng của Pàng Nhả. Thường nhật, nàng hay vui cười nhưng hôm ấy nàng âm thầm, lặng lẽ. Nàng có tâm sự, nàng có những ý nghĩ não nùng. Tâm hồn nàng luôn hướng về Lo Trồng. Câu chuyện Lo Trồng bị chết hụt dưới tay Bạch Sẩu - anh trai nàng cứ đè xuống trái tim nàng như một gánh nặng.
Trong Sóng nước Lô Giang, Lan Khai miêu tả tâm trạng đau lòng trước cảnh vợ chồng ly tan, con thơ phải lìa mẹ do thủ đoạn tàn khốc của bọn giặc