BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
------------
NGUYỄN THỊ HỒNG
ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 2
- Các Khuynh Hướng Truyện Ngắn Giai Đoạn 1930-1945
- Vài Nét Về Con Người Và Sự Nghiệp Sáng Tác Của Lan Khai
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
NGHỆ AN - 2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
NGUYỄN THỊ HỒNG
ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 60.22.34
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. ĐINH TRÍ DŨNG
NGHỆ AN - 2013
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 5
5. Phương pháp nghiên cứu 5
6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn 6
Chương 1. TRUYỆN NGẮN LAN KHAI TRONG BỨC TRANH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 7
1.1. Bức tranh chung của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 945. 7
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn 7
1.1.2. Thành tựu và khuynh hướng truyện ngắn giai đoạn 1930 - 1945 11
1.1.2.1. Thành tựu truyện ngắn giai đoạn 1930 - 1945 11
1.1.2.2. Các khuynh hướng truyện ngắn giai đoạn 1930 - 1945. 14
1.2. Vài nét về con người và sự nghiệp sáng tác của Lan Khai 22
1.2.1. Con người Lan Khai 22
1.2.2. Quan điểm sáng tác 26
1.2.3. Sự nghiệp sáng tác của Lan Khai 29
1.3. Truyện ngắn Lan Khai – một gương mặt lạ trong truyện ngắn
Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 33
1.3.1. Về nội dung. 34
1.3.2. Về hình thức 38
Chương 2. ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN LAN KHAI TRÊN PHƯƠNG DIỆN LỰA CHỌN ĐỀ TÀI VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO 40
2.1. Lựa chọn đề tài 40
2.1.1. Khái niệm đề tài 40
2.1.2. Hệ đề tài trong truyện ngắn Lan Khai 41
2.1.2.1. Đề tài “đường rừng” 43
2.1.2.2. Đề tài tâm lý xã hội 45
2.2. Cảm hứng 47
2.2.1. Khái niệm cảm hứng 47
2.2.2. Cảm hứng ngợi ca 49
2.2.2.1. Ca ngợi thiên nhiên 50
2.2.2.2. Ca ngợi con người 64
2.2.3. Cảm hứng phê phán. 68
2.2.3.1. Phê phán hiện thực đen tối 70
2.2.3.2. Phê phán hủ tục lạc hậu. 74
Chương 3. ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN LAN KHAI TRÊN MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT 77
3.1. Nghệ thuật xây dựng tình huống 77
3.1.1. Khái niệm tình huống 77
3.1.2. Tình huống éo le, gay cấn giàu kịch tính 79
3.1.3. Tình huống tâm lý, tâm trạng 81
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 82
3.2.1. Khái niệm nhân vật 82
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật 84
3.2.2.1. Vẻ đẹp của những người phụ nữ 84
3.2.2.2. Vẻ đẹp của những chàng trai 87
3.2.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật 89
3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ 95
3.3.1. Ngôn ngữ dân giã 96
3.3.2. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình 100
3.4. Nghệ thuật sử dụng những yếu tố kỳ ảo. 102
3.4.1. Không gian kỳ ảo. 105
3.4.2. Nhân vật kỳ ảo. 108
KẾT LUẬN 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO 118
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nói đến văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930 - 1945 chúng ta không thể không nói đến Lan Khai. Với cuộc đời chưa tròn bốn mươi tuổi, ông đã để lại một di sản lớn về văn học. Lan Khai là một cây bút đa tài, ông viết nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, tác phẩm nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, ký, thơ, câu đối, các công trình dịch thuật, sưu tầm văn học dân gian và hội họa...Tất cả góp phần tạo nên bức chân dung sống động về nghệ sĩ Lan Khai giàu tiềm năng sáng tạo. Dường như ở tất các lĩnh vực trên, Lan Khai đều để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp, đặc biệt là đối với người dân miền núi phía Bắc.
1.2. Lan Khai sinh ra và lớn lên giữa xứ sở của núi thần sông Gấm, nơi có những con người "áo chàm chân đất, mang tâm hồn phác thực" nhưng đẹp lạ lùng. Nơi đây là một trong những cái nôi của làn điệu dân ca miền núi, có nhiều sinh hoạt dân gian cổ truyền và nhiều phong tục tập quán. Do đó, hơn ai hết Lan Khai rất am hiểu về thiên nhiên, lịch sử và con người của vùng đất này. Như một sự kết tinh từ những âm thanh rì rào của bầy ong đi kiếm mật hòa trộn với gió đại ngàn và những vị ngọt của hương rừng, những trang viết của ông thấm đậm "chất đường rừng".
Hơn mười năm, Nguyễn Đình Khải (Lan Khai) sống và học hành ở đất Hà Thành nhưng cái "chất đường rừng" vẫn như một thứ nam châm cứ bám riết lấy cậu học trò này. Cái "men" của người nghệ sĩ cộng thêm "chất đường rừng" đã đưa bàn chân của người thanh niên với bộ áo chàm thân thuộc hành trình khắp đó đây, từ Tuyên Quang sang Bắc Cạn, Từ Hà Giang đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái...Từ đó Lan Khai đã gom góp, chắt lọc những gì gọi là "cốt lõi" của cuộc đời, là "tinh túy" nhất trong cuộc sống, những mong dành lại cho con cháu đời sau. Tuy nhiên, những điều người ta
nói về ông, dành cho ông chưa xứng đáng với công sức và sự đóng góp lặng thầm ấy. Mặt khác, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài nên nhiều di sản của Lan Khai bị lãng quên và thất lạc, hoạt động nghiên cứu về tác phẩm Lan Khai không liên tục. Mảng tiểu thuyết hay tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học đã được các nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi đánh giá cao về giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật. Riêng mảng truyện ngắn, chúng tôi nhận thấy, hiện nay những bài nghiên cứu, phê bình về tác giả này chưa nhiều, chỉ có một số bài giới thiệu sách trên báo, chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu khảo sát một cách toàn diện và hệ thống những mặt đóng góp của ông.
1.3. Là một người làm công tác giảng dạy nên việc thực hiện đề tài này thực sự là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học. Những kết quả đạt được của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo cho những người yêu văn học. Từ đó, có thể giúp họ hiểu thêm và yêu quý hơn văn học các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung, nhà văn Lan Khai nói riêng.
Những lý do trên đây là động lực khiến chúng tôi muốn đi sâu khám phá những giá trị tiềm ẩn, cũng như muốn khẳng định sự đóng góp về truyện ngắn của Lan Khai đối với truyện ngắn giai đoạn 1930 - 1945. Đồng thời, chúng tôi hy vọng góp thêm tiếng nói khẳng định vị trí của Lan Khai trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
2. Lịch sử vấn đề
Lan Khai có sức sáng tạo dồi dào, văn của ông có đặc trưng thẩm mỹ riêng, nhưng hiện nay nghiên cứu truyện ngắn Lan Khai đang là một vấn đề mới mẻ. Trước 1945 xuất hiện một số bài viết và công trình nghiên cứu của các tác giả Trần Huy Liệu, Hải Triều, Thiều Quang, Trương Tửu, Phạm Mạnh Phan, Kiều Thanh Quế, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan...về tác phẩm của Lan Khai. Các cây bút trên chủ yếu quan tâm tới các thể tài tiểu thuyết: về tâm lý xã hội, về lịch sử và truyện đường rừng của ông. Khoảng 20 năm từ
1945 - 1964 việc nghiên cứu về di sản của Lan Khai bị gián đoạn. Năm 1965, trong cuốn sách biên khảo Việt Nam văn học sử giản ước Tân biên, tập 3, Phạm Thế Ngũ đã chỉ ra những đóng góp xứng đáng cho văn học nước nhà của cây bút Lan Khai từ thể tài tiểu thuyết, nhất là những "Truyện đường rừng".
Từ 1968 – 1989, rải rác ở một số cuốn sách, các tác giả có đề cập tới di sản của ông, nhưng còn sơ lược và chưa chính xác.
Từ 1990 đến nay, nhiều tác phẩm của Lan Khai đã được tái bản, đồng thời không khí học thuật trong nước cũng ngày một đổi mới, di sản của ông được chú ý nhiều hơn, lần lượt xuất hiện một số cuốn sách và các bài viết về Lan Khai, tiêu biểu là những cây bút: Gia Dũng, Hoàng Dạ Vũ, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Vỹ, Ngọc Giao, Mỹ Huyền, Lan Phương... Các tác giả này đã cung cấp thêm những tư liệu về nhà văn và tác phẩm cùng mối quan hệ của Lan Khai với các nghệ sĩ khác trong giai đoạn 1930 - 1945.
Gần đây Nhà xuất bản Văn học đã tái bản trọn bộ Tạp chí Tao Đàn (1939) và xuất bản cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX - 1945. Cả hai cuốn sách có giới thiệu một số tác phẩm lý luận phê bình và tiểu thuyết của Lan Khai.
Trên góc độ công trình chuyên khảo hay một luận văn, đây là một đề tài còn khá mới. Chúng tôi nhận thấy, hiện nay những bài nghiên cứu, phê bình về truyện ngắn Lan Khai chưa nhiều.
Tìm hiểu mảng truyện ngắn của Lan Khai thì các nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan và Trần Mạnh Tiến đã có những nhận xét khá sâu sắc và xác đáng. Chẳng hạn như công trình Lan Khai - Nhà văn hiện thực xuất sắc, tác giả Trần Mạnh Tiến đã khảo sát khá đầy đủ về Lan Khai, cũng như đánh giá chuẩn xác về các tác phẩm của ông.
Đặc biệt, trong công trình Lan Khai- Truyện đường rừng (tác phẩm và chuyên khảo - 2004) Trần Mạnh Tiến đã khẳng định: "Các Truyện đường rừng của Lan Khai có quy mô phản ánh và dung lượng hiện thực khác nhau