2.1. Những bài viết đánh giá về các tập thơ
1. Đọc tập thơ “Thư mùa đông” Trần Mạnh Hảo nhận thấy, thơ Hữu Thỉnh cô đọng, hàm súc, giàu chất trí tuệ, mang màu sắc thơ cổ điển phương Đông “ý tại ngôn ngoại”, thiên về cảm nhận, do đó “khả năng dồn nén tư tưởng, cảm xúc, dồn nén chữ nghĩa” [21, 103]. Bài viết của tác giả đã chỉ ra nét tiêu biểu của ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh, tuy nhiên tác giả chưa phân tích, lí giải cặn kẽ đặc điểm ấy được biểu hiện như thế nào, trên những phương diện gì?
2. Một trong những người đầu tiên nghiên cứu thơ Hữu Thỉnh phải kể đến là Thiếu Mai. Với bài viết “Hữu Thỉnh trên đường tới thành phố”, Thiếu Mai đã chỉ ra nét đặc sắc trong trường ca Hữu Thỉnh: Dường như “thấp thoáng đằng sau câu thơ của Hữu Thỉnh dáng dấp của ca dao, nhưng rò ràng thơ anh không rập khuân theo ca dao, không bị ca dao lấn át”. Nhìn chung tác giả đã nhận ra được chất dân gian trong trường ca “Đường tới thành phố”, tuy nhiên tác giả chưa phân tích sâu sắc, cặn kẽ những đặc điểm ấy [42].
3. Cùng hướng tiếp cận trên, Mai Hương đã lí giải, phân tích, chứng minh sự thành công của Hữu Thỉnh khi vận dụng vốn văn học dân gian: “Hữu Thỉnh có khả năng vận dụng thông minh, sáng tạo vốn văn học dân gian. Cách nghĩ và cách nói bằng hình ảnh của quần chúng được anh tiếp nhận tự nhiên và thành công” [27, 112]. Đây là đóng góp và cũng là thành công của Hữu Thỉnh. Bài viết đã có những kiến giải khoa học, xác thực, rò ràng trong việc chỉ ra dấu ấn của ca dao trong trường ca “Đường tới thành phố”.
4. Cùng hướng tiếp cận thơ Hữu Thỉnh như tác giả thiếu Mai và Mai Hương, khi đọc “Trường ca biển” Hữu Đạt cho rằng “Thơ Hữu Thỉnh có nhiều cái mới mà không xa cái truyền thống, thậm chí có khi tái tạo lại cái đó có từ trong truyền thống mà vẫn có dấu hiệu riêng về phong cách của mình” [12, 163]. Tác giả thấy được trường ca này là một sáng tạo về hình tượng và ngôn ngữ thơ ca. Bài viết đã bước đầu chỉ ra những cách tân nghệ thuật trên cơ sở truyền thống trong thơ Hữu Thỉnh.
5. Ngoài ra còn có bài viết “Dài rộng với thời gian” của Đặng Hiển với những nhận định khá xác đáng về đặc điểm, nội dung tập thơ “kết hợp nhuần nhuyễn tính trữ tình và triết lí”. Đặc biệt tác giả đi sâu khai thác đặc sắc nghệ thuật tập thơ, đó là sự kết hợp tính dân tộc với tính hiện đại từ ngôn ngữ tới hình ảnh, trong đó “sử dụng rộng rãi một cách sáng tạo các biện pháp tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, chuyển đổi cảm giác” [26, 16]. Nó khẳng định phong cách thơ Hữu Thỉnh một cách độc đáo trong nền thơ ca Việt Nam đương đại.
2.2. Những bài viết nhận xét, đánh giá chung về nhà thơ Hữu Thỉnh
1. Lưu Khánh Thơ trong bài viết “Hữu Thỉnh – một phong cách thơ sáng tạo”. Sau khi khảo sát từ tập thơ “Âm vang chiến hào”, trường ca “Sức bền của đất”, “Những người đi tới biển” đã nhận định: Thơ ông có “giọng điệu tươi mát, hồn nhiên, tinh tế”. Tác giả đã phát hiện ra ảnh hưởng của chất liệu văn hóa dân gian đến thơ Hữu Thỉnh, cùng những tìm tòi, sáng tạo của nhà thơ: “Hữu Thỉnh tiếp thu truyền thống dân tộc không những chỉ là ở những cách nói, cách ví von, so sánh, mà còn ở cách tư duy, liên tưởng độc đáo, ở một âm hưởng xa xôi khó nhận biết...đó là nguyên nhân khiến cho Hữu Thỉnh có những câu thơ đa nghĩa, có tính hàm ẩn cao, mới lạ trong cách diễn đạt, bất ngờ trong cảm xúc” [59, 410]. Cuối cùng tác giả rút ra kết luận khá xác đáng về phong cách thơ Hữu Thỉnh: “Đằm thắm, hồn hậu, nghiêng về phía rợp mát. Cái trầm lắng yêu thương lấn át cái ồn ào sôi sục” [59, 421].
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm trường ca Hữu Thỉnh - 1
- Các Chặng Đường Phát Triển Của Trường Ca Việt Nam Hiện Đại
- Quá Trình Sáng Tác Của Nhà Thơ Hữu Thỉnh
- Người Lính Khi Đối Diện Với Hiện Thực Khốc Liệt Của Chiến Tranh
Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.
2. Trong cuốn Thơ Việt Nam hiện đại PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã cho rằng: một trong những đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của Hữu Thỉnh nói chung và trường ca nói riêng là mang đậm màu sắc dân gian. “Trong làng thơ, anh nổi tiếng là người mê và thuộc nhiều ca dao tục ngữ...Hữu Thỉnh có thể nói chuyện say sưa suốt ngày về ca dao. Anh phân tích thấu đáo, cặn kẽ, hiểu biết từng cái hay, cái đẹp của những câu ca dao như một người chuyên
nghiên cứu văn học dân gian. Vốn kiến thức phong phú này đã làm Hữu Thỉnh thêm giàu có, tạo thuận lợi cho những tìm tòi sáng tạo của thơ anh. Hữu Thỉnh tiếp thu truyền thống dân tộc không những chỉ là ở cách nói, cách ví von, so sánh mà còn ở cách tư duy, cách liên tưởng độc đáo, ở một âm hưởng xa xôi khó nhận biết” [35, 411].
3. Nguyễn Đăng Điệp đã nhận thấy một số sự thay đổi trong cấu trúc thơ, dòng thơ, tứ thơ của Hữu Thỉnh để tạo nên sự mới mẻ trong thơ: “Mô hình câu thơ, sự vật hiện tượng đem ra để so sánh thường nhỏ bé, tương quan sự xuất hiện của những con số, tứ nằm ngay trong đơn vị câu”, giọng điệu thì trầm lắng suy tư và cuối cùng tác giả nhận xét “Xuất phát từ nền móng văn học dân gian nhưng....đã xử lí chất liệu truyền thống bằng cái nhìn hiện đại nhằm tạo nên những đột phá về thi pháp thể loại” [15, 226].
4. Từ góc độ thi pháp, Trúc Thông đã phân biệt cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh với ba biểu hiện: “Người lính cách mạng mà tình yêu nước rất cụ thể trong tình yêu thương rất mực quê hương, đồng đất; người bảo toàn và đấu tranh phát triển nhân cách và nhà thơ của một thế hệ”. Song nhìn vào toàn bộ sáng tác thơ Hữu Thỉnh ta thấy “ba nhân vật trữ tình ấy trộn hòa, xoắn bện, hiển hiện chỉ trong duy nhất một con người – nhà thơ, người lính Hữu Thỉnh”. Tác giả đã phát hiện và nhận định “chất liệu văn hóa dân gian ngàn năm đã thấm dưỡng linh hồn những câu thơ, chữ thơ. Những mảng dữ dội của đời sống thật, sự khỏe khoắn của thể trạng tâm hồn con người tham gia trực tiếp vào đời sống ấy đã bồi đắp nên chất hiện đại cho những dòng thơ mềm mại. Giữ vững và làm tươi mới hơn câu thơ Việt trong cuộc vật mình đổi mới ngôn ngữ thơ đang dần dà mà quyết liệt diễn ra trong toàn bộ nền thơ ta, đó là đóng góp đáng trân trọng của thế hệ nhà thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh là một trong số đại biểu xứng đáng nhất” [68].
5. Xuất phát từ đặc trưng thể loại, sau khi khảo sát các tập thơ Tiếng hát trong rừng, Thư mùa đông, trường ca Đường tới thành phố, Trường ca biển, Lý Hoài Thu tìm hiểu sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh và chỉ ra tư duy thơ đích thực của ông: “Một trong những tiềm năng thơ Hữu Thỉnh là sự nhạy cảm trực giác... dĩ nhiên là không thể bắt bằng sự quan sát của thị giác, sự lắng nghe âm thanh của thính giác nhưng nhiều khi chúng bị đẩy lại và thay thế bằng cảm giác” [69, 45]. Bằng cái nhìn khái quát, tác giả nhận thấy “Thơ Hữu Thỉnh giàu sức mạnh nội lực gắn bó máu thịt với đời sống tâm linh và truyền thống thơ ca dân tộc Việt Vam...Thơ anh có sự kết hợp phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lí và độ cảm xúc tràn trào, giữa sự hiền hòa lắng đọng và mãnh liệt sục sôi, giữa khả năng viết những tác phẩm trường ca dài và thơ trữ tình ngắn” [69].
Nhìn chung những bài viết chỉ khái quát những nét chính trong thơ Hữu Thỉnh hoặc mới tập trung vào một số khía cạnh nổi bật trong các tác phẩm cụ thể. Bởi vậy rất cần có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống về trường ca Hữu Thỉnh. Tuy vậy những ý kiến nhận xét, đánh giá của những người nghiên cứu đi trước là những định hướng và gợi mở vô cùng quý giá cho chúng tôi khi thực hiện đề tài của mình.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Ở cả hai chặng đường sáng tác trước và sau 1975 Hữu Thỉnh đều có những đóng góp đáng kể cho nền thơ hiện đại. Bên cạnh những tập thơ: Tiếng hát trong rừng, Thư mùa đông, Thương lượng với thời gian; Hữu Thỉnh còn có những bản trường ca: Sức bền của đất, Đường tới thành phố, Trường ca Biển….
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào các bản trường ca nhưng cũng khảo sát cả các tập thơ của tác giả :
Âm vang chiến hào, Nxb Quân đội nhân dân, H.,1975.
Thơ Hữu Thỉnh, Nxb Hội nhà văn, H., 1998.
Thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, H., 2000.
Thương lượng với thời gian, Nxb Hội nhà văn, H., 2006.
Bên cạnh đó luận văn còn tìm hiểu sáng tác ở các thể loại khác của Hữu Thỉnh để hiểu rò hơn hành trình sáng tạo của tác giả.
Ngoài ra chúng tôi còn mở rộng phạm vi khảo sát và tham khảo các tập thơ, trường ca của thế hệ các nhà thơ chống Mĩ để đối sánh, tìm ra những nét tương đồng và khác biệt trong trường ca Hữu Thỉnh.
4. Đóng góp của luận văn
Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu trường ca Hữu Thỉnh, luận văn chỉ ra những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong Trường ca của ông. Qua đó nhằm khẳng định những đóng góp nổi bật về mặt thể loại trường ca cho thơ ca Việt Nam hiện đại của tác giả. Luận văn còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho những độc giả quan tâm, yêu thích thơ Hữu Thỉnh nói riêng và cho việc giảng dạy thơ Việt Nam hiện đại trong nhà trường nói chung.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phân tích - tổng hợp
- Đối chiếu - so sánh
- Thống kê – phân loại
- Thi pháp học
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được cấu tạo thành ba chương:
Chương 1: Một số vấn đề lí luận về thể loại trường ca và quá trình sáng tác của Hữu Thỉnh
Chương 2: Thế giới hình tượng trong trường ca Hữu Thỉnh
Chương 3: Đặc sắc nghệ thuật trong trường ca Hữu Thỉnh
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ THỂ LOẠI TRƯỜNG CA VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC CỦA HỮU THỈNH
1.1. Những tiền đề lý luận
1.1.1. Khái niệm trường ca
Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra khái niệm: “Trường ca là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Trường ca cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi thời cổ và trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả” [44]. Như vậy trường ca một thời dùng để chỉ các sử thi dân gian như sử thi Đam San, nay thường dùng để chỉ các sáng tác thơ dài của các tác giả như “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh.
Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học cho rằng “Trường ca có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình. Chúng được soạn bằng cách xâu chuỗi các bài hát sử thi và truyện kể hoặc bằng nới rộng một vài truyền thuyết dân gian (Ahoyler) hoặc bằng cách cải biên các cốt truyện cổ xưa trong tiến trình tồn tại của sáng tác dân gian. Trường ca với tư cách một thể loại tổng hợp, trữ tình – tự sự, hoành tráng cho phép kết hợp những chấn động lớn, những cảm xúc trầm sâu và những quan niệm về lịch sử vẫn là một thể loại hiệu năng của thơ ca thế giới” [4].
Như vậy, khái niệm trường ca có nguồn gốc từ văn học phương Tây “trường ca là thuật ngữ văn học dịch từ chữ pòeme của Liên Xô” [25], đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỉ XX, dùng để gọi tên những sáng tác dân gian có tính chất sử thi và có độ dài như Đam San, Xinh Nhã...Theo cách gọi này thì trường ca đồng nhất với sử thi, anh hùng ca (Iliats, Ôđixê, Ramyana, Mahabharata...) hoặc các khan của Tây Nguyên. Tuy
nhiên trường ca hiện đại không thể là sự vận động tự nhiên của các trường ca trong lịch sử như sử thi, anh hùng ca. Mặc dù có những điểm giao thoa song trường ca với tư cách là một thể lọai văn học độc lập luôn có những đặc trưng khu biệt với sử thi, truyện thơ và thơ dài. Điều dễ nhận thấy là trường ca và sử thi đều là những tác phẩm có “tầm vóc” lớn lao cả về hình thức lẫn nội dung, có sức ôm chứa những vấn đề trọng đại của dân tộc và thời đại. Thế nhưng trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại có sự khác biệt nhất định so với trường ca truyền thống (sử thi). Kế thừa các sử thi cổ, trường ca trong văn học hiện đại không chỉ ca ngợi những anh hùng kiệt xuất, đứng đầu và là đại diện cho khí phách, tâm hồn, sức mạnh của một bộ tộc, dân tộc cụ thể, mà còn thể hiện chân dung, tầm vóc của dân tộc ấy trong chiều dài của lịch sử, chiều rộng của không gian, dưới ánh sáng của một hệ quy chiếu mang tính thời sự, thời đại và nhân loại.
Vì vậy, muốn chỉ ra đặc thù của trường ca cần phải gắn liền với bối cảnh thời đại và bối cảnh văn học mà nó ra đời. Trường ca hiện đại Việt Nam ra đời và phát triển trên nền hiện thực sôi động của các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Có thể thấy rò rằng, sự nghiệp cách mạng Việt Nam phát triển theo xu hướng ngày càng dữ dội, quyết liệt (trong chống giặc ngoại xâm) và ngày càng đổi mới (trong cuộc đấu tranh chống cái lạc hậu, cũ kĩ để xây dựng đất nước theo xu hướng hiện đại, tiếp cận các nước trong khu vực và trên thế giới). Đây là tiền đề xã hội thúc đẩy sự phát triển của văn học nói chung và cả trường ca nói riêng: “Thời đại chúng ta là thời đại của các bản trường ca. Thực tiễn cách mạng trên đất nước ta là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho ai muốn viết trường ca” [30].
Trong các kết quả nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi nhận thấy quan niệm về trường ca của tác giả Đào Thị Bình (“Thể trường ca trong văn học Việt Nam từ 1945 đến cuối thế kỉ XX” – LATS, 2008) là khá xác đáng:
“Trường ca thường là các tác phẩm trữ tình có dung lượng lớn hoặc vừa, có khả năng tổng hợp và phát huy những ưu thế nổi trội của cả ba loại
hình: trữ tình, tự sự và kịch. Với kiểu kết cấu và phát triển theo hướng đan xen nhiều kiểu kết cấu hoặc kết cấu phức hợp, trường ca có thể bao quát và miêu tả những mảng hiện thực lớn ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ngôn ngữ, giọng điệu phong phú, đa dạng, giàu chất trí tuệ, vừa mang âm hưởng hào hùng của sử thi vừa thấm đẫm hơi thở của cuộc sống” [7].
1.1.2. Một số ý kiến về trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại
Trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại ra đời từ yêu cầu của hiện thực cuộc sống dân tộc, từ khát vọng của một lớp thế hệ nhà văn muốn ghi lại thời đại hào hùng trong lịch sử. Hàng trăm trường ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ra mắt bạn đọc thu hút sự quan tâm của giới sáng tác và phê bình văn học. Trong một thời gian dài từ 1980, 1981, 1982... nhiều cuộc hội thảo về trường ca diễn ra sôi nổi. Tạp chí Văn nghệ quân đội và tạp chí Văn học là hai diễn đàn để các nhà nghiên cứu trao đổi về vấn đề này. Đã có nhiều bài viết công phu được đăng tải ở đây. Nhìn chung, những người quan tâm đều cố gắng đi sâu vào thực tiễn thể loại để tìm ra những nét đặc thù của trường ca hiện đại. Về cơ bản các bài viết thường đi theo hai hướng: Thứ nhất là đi tìm định nghĩa, thứ hai là cố gắng tìm ra các đặc điểm thể loại hoặc nói về một đặc điểm nào đó.
Về vấn đề định nghĩa trường ca có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có thể lược qua những bài viết tiêu biểu như: Nhiều tác giả nêu ra vấn đề tên gọi trường ca nhưng cuối cùng đều thừa nhận như một thực tế và xem “mỗi tác phẩm là một cách định nghĩa của tác giả về chính thể loại đó” [64] (Hữu Thỉnh); Tác giả Từ Sơn lại cho rằng “các tác phẩm dài hơi nên gọi là truyện thơ”. Về khái niệm “Trường ca” Lại Nguyên Ân lại cho rằng “trường ca là một hiện tượng giao thoa giữa tự sự và trữ tình” [2] (Bàn góp về trường ca). Tác giả Đỗ Văn Khang lại khẳng định “trường ca trong văn học Việt Nam