Người Lính Khi Đối Diện Với Hiện Thực Khốc Liệt Của Chiến Tranh


Nếu Bằng Việt quan niệm sáng tác thơ ca là quá trình đi từ ngoại cảnh đến nội tâm, từ cuộc sống khách quan đến cuộc sống chủ quan, là sự va chạm với hiện thực sắc cạnh tác động đến tâm hồn và cuối cùng là sự tư duy trí tuệ. Thì Hữu Thỉnh lại có những quan niệm cụ thể hơn:

“Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”: Trên những chặng đường hành quân gian khổ, người chiến sĩ trẻ - nhà thơ Hữu Thỉnh đã không quên ghi lại những giây phút, những thời khắc một đi không trở lại nơi chiến trường ác liệt. Phải chăng đó cũng chính là quan niệm về thơ ca của một người chiến sĩ, là những tuyên ngôn về thơ được nảy sinh từ chính hiện thực khốc liệt. Chính vì vậy ông quan niệm làm thơ là ghi lại cuộc đời mình và của dân tộc. Ông cho rằng “chiến tranh là một hiện tượng xã hội đột xuất. Ở đó lịch sử chảy xiết hơn. Phản ánh cuộc chiến tranh đó vừa là trách nhiệm vừa là niềm say mê của mỗi chúng tôi. Chiến tranh ra bài thi nhập môn cũng là nơi thử sức lâu dài của mỗi người. Sự gắn bó tự thân với cuộc chiến đấu, sống hết mình trong thử thách hy sinh là cử chỉ đầu tiên của một người cầm bút trung thực. Thơ ca của thế hệ chống Mỹ là tiếng nói sống động và tự tin của những người trong cuộc. Người ta bắt gặp rất nhiều trường hợp nhân danh, nhưng mọi sự nhân danh đều tìm được sự cảm thông của người đọc vì nó được đảm bảo bằng chỗ đứng của người viết. Thơ ở đây được đảm bảo bằng máu” [18, 417]. Không có trang nhật kí nào có thể vừa ngắn gọn lại vừa đầy đủ, chân thực hơn những dòng thơ của người chiến sĩ vừa trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu vừa cầm bút ghi lại những khoảnh khắc diễn ra trong cuộc đời mình ở thời điểm đặc biệt ấy:

Gạo chỉ mang đủ mười ngày còn dành mang súng Còn mang thuốc

Còn mang nhau

Mang bao nhiêu tai biến dọc đường.

(Đường tới thành phố)


Câu thơ thật chân thực minh chứng rất rò quan niệm thơ ca của Hữu Thỉnh. Đọc thơ Hữu Thỉnh người đọc cảm thấy tác giả không cố ý làm thơ mà chỉ việc nhìn, nghe và ghi chép lại. Dường như đó chính là tiếng nói của sự sống chứ không phải là tiếng nói của thơ ca. Hữu Thỉnh đã “chuyển sự sống chung thành nỗi niềm riêng của chính mình”. Qua thơ Hữu Thỉnh, cuộc sống chiến trận đã hiện lên với dáng vẻ sinh động và thật nhất. Nhà thơ không phải là người đứng ngoài cuộc tưởng tượng về chiến tranh mà thực sự sống giữa chiến trường. Hiện thực cuộc sống kháng chiến chính là chiếc nôi nuôi dưỡng hồn thơ Hữu Thỉnh, cho nhà thơ những cảm nhận phong phú để làm nên những hình ảnh thơ đa dạng, trong sáng, đậm màu sắc dân gian. Với ông không có thứ thơ như những “dây bìm trang trí”:

Thơ không phải những dây bìm trang trí Kéo nhòe đi những rễ cây tứa nhựa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.

Bão động rừng sao thơ chỉ rung rinh?

(Đường tới thành phố)

Đặc điểm trường ca Hữu Thỉnh - 5

Với Hữu Thỉnh, và những người cầm bút như ông thơ phải là hơi thở, là tiếng nói chân thành được lấy từ hiện thực cuộc sống, bởi vậy họ muốn:

Nhưng đừng viết về chúng tôi như cốc chén đứng trên bàn; xin hãy viết như dòng sông chảy xiết.

(Đường tới thành phố)

Vâng! Hãy viết về người lính cách mạng như dòng sông chảy xiết. Chừng như không có sự so sánh nào gợi mà đúng hơn thế! Câu thơ thật thấm thía và dứt khoát. Đó là sự lựa chọn của những anh hùng, những người con yêu thơ và luôn tỉnh táo sống vì mục đích cao cả.

Thơ phải là ngọn lửa sưởi ấm trái tim mình (Thơ là bữa tiệc của tâm hồn [65, 160]): Hiện thực chiến trường quả là khốc liệt, người lính sẽ gục ngã trước hiện thực nếu không có “tiếng hát át tiếng bom”, và dù nếu không có


tiếng hát thì thơ sẽ là nơi cho những chiến sĩ trẻ gửi gắm một tâm sự, một niềm tin hay đôi khi đó chỉ là một cảm xúc rất đỗi bình thường:

Một bức thư nhà Hôm nay ta đọc

Trong chiến hào chuẩn bị tiến công

Ta mới hiểu thêm từng chữ từng dòng chưa bao giờ hiểu hết

(Chính Hữu)

Thơ ca sẽ là đôi cánh giúp người lính quên đi những nghiệt ngã trước mắt, hướng đến ngày mai tươi sáng. Là một nhà thơ cầm súng Hữu Thỉnh thấm thía ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời, nhất là thơ ca trong kháng chiến. Với Hữu Thỉnh thơ như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người lính trên những chặng đường hành quân đánh giặc. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê hương và nhớ người yêu dấu:

Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa

(Đường tới thành phố)

Trong chiến tranh, hoàn cảnh đôi khi bắt họ phải lựa chọn giữa đạn và sách, họ đã chọn đạn. Nhưng như thế không có nghĩa là người lính sẽ phải đoạn tuyệt với sách vở, với thơ ca. “Không có sách chúng tôi làm ra sách”. Không thể mang theo sách, họ tự làm ra sách của mình, bằng cách:

Chúng tôi vừa đi vừa nhẩm dọc đường Thơ cứ đến và mưa chiều mau ngớt

(Đường tới thành phố)

Thơ ca đã giúp họ quên đi những khó khăn, nhọc nhằn vất vả của cuộc chiến. Người lính và nhà thơ đã hoà làm một. Họ viết về mình, về những đồng đội của mình, về một thời điểm lịch sử oanh liệt của dân tộc để thấy tự hào về sự có mặt của mình trong dòng chảy lịch sử đó. Người lính trong thơ


ông ý thức rất rò sức mạnh của thơ ca đối với cuộc chiến đấu của mình và đồng đội. Khó khăn, vất vả, bom đạn, chết chóc không làm cho người lính chùn bước, có thể nói đó là nhờ vào một phần không nhỏ của thơ ca. Vì vậy mà họ luôn chờ đón thơ ca mỗi ngày: “Thơ hãy đến góp một vài que củi / Cho em nhận ra anh, đồng đội nhận ra mình”. Sức mạnh của thơ ca giống như sức nóng của lửa đem lại hơi ấm cho mỗi người lính qua mỗi chặng đường hành quân đầy mưa gió: “chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy / Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa”. Ngọn lửa thơ ca người lính dùng để sưởi ấm tâm hồn mình qua mỗi chặng đường đánh giặc chính là ngọn lửa được duy trì từ nhiều thế hệ nên họ “sưởi bằng ngọn lửa của mình” nhưng “lại thấy ấm” từ thơ của thế hệ đi trước. Chính sự chuẩn bị của những thế hệ nhà thơ đi trước đã tạo nên một tài sản chung mà thơ trẻ may mắn được thừa hưởng. Sự thành công của mỗi nhà thơ, trước hết phải từ sự cố gắng nỗ lực chủ quan của chính nhà thơ đó. Nhưng mặt khác, là thế hệ đi sau các nhà thơ luôn có sự kế thừa từ những thế hệ đi trước. Điều đó không tạo nên sự “lặp lại” mà tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thơ ca và bản lĩnh của mỗi nhà thơ.

Bên cạnh đó Hữu Thỉnh còn dồn tâm huyết để cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu luận phê bình văn học – Lý do của hy vọng. Đây có thể coi là đứa con tinh thần của nhà thơ, nó là những đánh giá, thẩm bình về văn chương. Hơn thế nó còn chứa đựng những ý kiến quí báu về nghề thơ...Chúng tôi rất tâm đắc với một số quan điểm của ông trong cuốn tiểu luận này, như các bài: Góp thêm vài ý nghĩ về thơ, đây là những quan điểm của nhà thơ về thơ. Nhà thơ đã lí giải, cắt nghĩa thơ là gì.. rồi đi đến kết luận: mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Hay bài viết Thơ là nơi trú ngụ của tâm hồn thể hiện niềm vui rất riêng tư của nhà thơ khi những đứa con tinh thần của mình được bạn đọc tin yêu và quí mến...


Không chỉ vậy, Hữu Thỉnh còn cho rằng thơ có được là do “nhập cuộc, dấn thân”, “chắt lọc kinh nghiệm”. Chính vì thế người đọc dễ dàng nhận thấy thơ ông “ngồn ngộn cuộc sống”. Làm thơ là cách tốt nhất để Hữu Thỉnh “ghi lại” những hình ảnh, những màu sắc, những thanh âm đa dạng của cuộc đời. Song để làm nên những độc đáo trong phong cách thơ Hữu Thỉnh ta không thể không nói đến ảnh hưởng của văn học dân gian đối với thơ ông. Chính ngôi đền thơ ca dân gian đã giúp cho thơ ông có nét gần gũi và độc đáo so với các nhà thơ cùng trang lứa. Với Hữu Thỉnh cội nguồn dân gian truyền thống luôn là nơi ông tìm về, là nguồn sống tạo nên bản sắc thơ ông. Tìm cái lớn lao trong cái bình thường nhỏ bé, cái kì diệu trong cái mộc mạc đơn sơ...chính là nét riêng, chỉ ở Hữu Thỉnh mới có.


Chương 2

THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG TRONG TRƯỜNG CA HỮU THỈNH

Hình tượng nghệ thuật là trung tâm của tác phẩm văn học, là nơi nhà thơ gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình. Sự chiếm lĩnh đời sống của nhà thơ chỉ được thể hiện thông qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng là nơi nhà văn, nhà thơ gửi gắm, kí thác tâm tư, tình cảm, cũng như tư tưởng của mình. Như vậy, hình tượng nghệ thuật là sự thống nhất giữa nhân tố chủ thể và khách thể đời sống. Tuy vậy không phải hình tượng nào cũng là hình tượng nghệ thuật. Chỉ có hình tượng nào nhằm thể hiện một quan niệm, một tư tưởng của nhà thơ về con người, về cuộc đời mới trở thành hình tượng nghệ thuật. Qua việc khảo sát, tìm hiểu trường ca của Hữu Thỉnh, chúng tôi nhận thấy có một số hình tượng nổi bật sau:

2.1. Hình tượng người lính

Hình tượng người lính trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên với vẻ đẹp đời thường, không tô vẽ: Đó là những ngày tháng gian khổ, cái khốc liệt, máu lửa có thể “tướp da, đỏ máu” mà nhà thơ đã trải qua. Nó thể hiện chân dung tinh thần của nhà thơ trong những ngày trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Đó còn là chân dung tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ. Như Hữu Thỉnh có lần nói: “Thơ ca của thế hệ chống Mĩ là tiếng nói sống động và tự tin của những người trong cuộc. Người ta bắt gặp khá nhiều trường hợp nhân danh, nhưng mọi sự nhân danh đều tìm được sự cảm thông của người đọc vì nó được đảm bảo bằng chỗ đứng của người viết. Thơ ở đây được đảm bảo bằng máu” [18, 417]. Hình ảnh người lính là một chủ đề xuyên suốt các tập thơ của Hữu Thỉnh, nó trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh, như một niềm thôi thúc khôn nguôi. Hình tượng người lính được nhà thơ nhìn nhận qua nhiều góc độ khác nhau.


2.1.1. Người lính khi đối diện với hiện thực khốc liệt của chiến tranh

Đã có một thời văn chương và thơ ca cách mạng “kị” viết về sự thật, về những mất mát hy sinh của dân tộc, cá nhân. Song sự thật vẫn mãi là sự thật, mà không có sự thật nào lại dai dẳng, ám ảnh như sự thật về chiến tranh. Là một người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, Hữu Thỉnh cũng như bao người lính khác luôn bị ám ảnh bởi hiện thực hãi hùng ấy. Khi chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, con người ngày nay sống trong êm ấm hạnh phúc, ta có đủ tỉnh táo và can đảm nhìn lại chặng đường gian khổ đã qua. Bởi chính niềm thôi thúc ấy nên không chỉ trong trường ca mà cả những sáng tác thơ của ông đều viết về sự thật. Cùng với quan điểm ấy, trong Trường ca sư đoàn Nguyễn Đức Mậu viết:

Xin đừng ai chối từ sự thật Chúng ta nhìn trong suốt cuộc đời nhau

Trong chiến tranh tinh thân dân tộc bao giờ cũng phát triển ở mức cao nhất. Bi kịch anh hùng là một đặc điểm lớn và nó không hoàn toàn trái ngược, mâu thuẫn với tính chất anh hùng ca, tính chất ngợi ca, khẳng định. Đương nhiên, hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các nhà thơ chuyển tải theo nghĩa thực của nó. Đã từng là người lính trực tiếp tham gia chiến tranh, cầm bút và cầm súng là hai nhiệm vụ không phải ai cũng dễ hoàn thành. Đặc biệt khi phản ánh chiến tranh ở khía cạnh hiện thực càng không hề đơn giản chút nào. Cảm nhận chung khi đọc ba trường ca của Hữu Thỉnh là ông đã có cái nhìn về chiến tranh bằng con mắt của người từng trải, từng đi qua cuộc chiến tranh, không ai khác chính ông có những cảm nhận thật nhất về những gì mình đã chứng kiến, đã trải qua. Viết về hình ảnh người lính khi đối diện với hiện thực khốc liệt của chiến tranh tác giả như có dịp trải lòng mình, có dịp được tưởng niệm lại những kí ức một thời máu lửa.


Đó là cuộc sống người lính với bao khốn khó: Phơi chiếc khăn sương sớm mai rửa mặt Ngủ nhát gừng giữa hai đợt tấn công Tay thêm chai mỗi bận moi hầm

Ném cho nhau những khẩu phần khô khốc

(Sức bền của đất)

Có những cuộc hành quân “mưa trơn quá chân tuồi ra khỏi dép”. Và cả những vết thương theo suốt cuộc đời người lính “hai vết thương vì rừng, ba vết thương vì pháo”. Những đợt sốt rét rừng đeo đẳng họ:

Mưa tối mặt áo quần dán chặt Trận rét rừng xoắn tím cả làn môi

(Đường tới thành phố)

Nếu Chính Hữu miêu tả những khó khăn gian khổ của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với bao thiếu thốn, gian khổ áo rách, quần vá...những trận sốt rét ớn lạnh thì Hữu Thỉnh khắc họa hình ảnh người lính trong trận sốt rét rừng xoắn tím cả làn môi. Hình ảnh người lính hiện lên trong câu thơ của ông thật tội nghiệp. Những trận hành quân trèo đèo, lội suối, đội cả những trận mưa rừng mà đi. Đã không ít người lính phải bỏ lại thân mình sau những cuộc hành quân.

Đâu chỉ vậy, người lính còn phải đối mặt với những rình rập của kẻ thù:

Thằng sống sót rình bắn anh sau gáy Thằng viện binh gào đại bác tầm xa

(Sức bền của đất)

Hay những đợt tấn công dữ dội của người lính trong trận giáp lá cà:

Báng súng gẫy Lưỡi lê quăm

Trong trận giáp lá cà Giặc chạy rồi

Anh dựa vào gốc cây ô môi mà thở

(Sức bền của đất)

Xem tất cả 127 trang.

Ngày đăng: 04/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí