Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 2


định: “Tiểu thuyếtGió hoang Bến đời đã thành công trong việc khám phá thế giới tâm hồn con người miền núi phong phú bằng niềm cảm thông sâu sắc. Nhà văn đi vào đời tư, số phận của từng nhân vật. Nhà văn nâng niu từ hạnh phúc nhỏ nhoi, nhà văn đớn đau trước sự rạn nứt hay tan vỡ của tình yêu, nhà văn phẫn uất trước sự tráo trở hay phản trắc của con người. Ma Trường Nguyên nhìn đời tư bằng cái nhìn nhân hậu có tính nhân văn sâu sắc” [30, tr.36]. Trong luận văn tốt nghiệp đại học Hình tượng nhân vật phụ nữ trong một số tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên tác giả Trần Thị Hạnh cũng khẳng định: “Qua việc xây dựng hình tượng người phụ nữ, tác giả thể hiện tình thương, sự cảm thông sâu sắc với số phận của những người phụ nữ và dường như còn có chút gì đó là sự nể phục, trân trọng đối với những phẩm chất cao quý của họ: đảm đang, tháo vát, giàu lòng vị tha, đức hi sinh... Họ tuy nghèo nhưng không hèn, luôn giữ được lòng tự trọng và có ý thức bảo vệ nhân phẩm, càng khó khăn càng cố gắng vươn lên bằng ý chí và nghị lực, không chịu khuất phục trước sóng gió cuộc đời” [5, tr.64].

Như vậy, về phương diện nội dung của tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, một số người nghiên cứu đã chú ý tới cảm hứng về cuộc sống, thiên nhiên, con người miền núi và cảm hứng nhân văn. Tuy nhiên, vấn đề cảm hứng trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên mới chỉ được đề cập ở mức độ khái quát chứ chưa được nghiên cứu, phân tích ở mức độ chuyên sâu. Chính vì thế, trong luận văn này, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện hơn về những cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.

Về phương diện nghệ thuật:

Cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện là một vấn đề được một số tác giả đề cập đến. Tác giả Lâm Tiến có nhận xét về nghệ thuật tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, dù chỉ mới ở nhận xét hết sức khái quát: “Cấu trúc trong tiểu thuyết thường có sự đan xen giữa các nhân vật, các sự kiện, giữa không gian và thời gian làm cho câu chuyện khỏi đơn điệu. Những phong tục, tập quán, những lễ hội, lễ cưới, những câu chuyện cổ tích, huyền thoại,... hòa quyện trong các trang viết làm tăng thêm sức sống, làm phong phú, sâu sắc thêm tâm hồn, tính cách con người


miền núi” [34, tr.5]. Trong đề tài nghiên cứu khoa học Đặc điểm tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên qua tiểu thuyết Rễ người dài, tác giả Nguyễn Thị Lan đã khai thác và phân tích khá kĩ nghệ thuật xây dựng cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện trong tiểu thuyết Rễ người dài của nhà văn Ma Trường Nguyên. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này mới chỉ dừng ở việc khảo sát một trong tám cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ma Trường Nguyên.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên được các tác giả Bùi Như Lan, Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Lan quan tâm. Tác giả Bùi Như Lan đã nhấn mạnh sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Ma Trường Nguyên. Đó là“thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, bút pháp hiện thực, với vài nét chấm phá ...” [9, tr.21], là sự “khéo léo miêu tả môi trường thiên nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn với hoàn cảnh cộng hưởng trong thế giới nội tâm của nhân vật”, “lối viết chân phương, giản dị nhưng sâu sắc trong cách nhìn nhận, thể hiện và khám phá đời sống nội tâm nhân vật” [9, tr.22]. Trong luận văn tốt nghiệp đại học tác giả Trần Thị Hạnh khai thác nghệ thuật xây dựng nhân vật người phụ nữ trong ba cuốn tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên là Gió hoang, Bến đời Mùa hoa hải đường. Đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Nguyễn Thị Lan nghiên cứu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Rễ người dài. Như vậy, có thể thấy: nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên cũng chưa được các tác giả nghiên cứu, khảo sát trên diện rộng trong toàn bộ hệ thống tiểu thuyết của nhà văn mà chỉ mới dừng ở việc tìm hiểu một vài cuốn tiểu thuyết.

Nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên được các tác giả Vũ Đình Toàn và Nguyễn Thị Lan phát hiện và khai thác. Theo tác giả Vũ Đình Toàn thì: “Nhà văn đã bộc lộ trực tiếp những phẩm chất tinh thần, những quan niệm về thiên nhiên, xã hội của người miền núi qua ngôn ngữ nhân vật” “Nhà văn đã khai thác vẻ đẹp ngôn ngữ và kiểu tư duy độc đáo của người miền núi qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca” [37, tr.42]. Tác giả Nguyễn Thị Lan đã khai thác ngôn từ nghệ thuật trong tiểu thuyết Rễ người dài theo hệ thống từ ngữ gắn với cuộc sống và con người miền núi, ngôn từ giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Tác giả khẳng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

định: “Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên mang đậm dấu ấn Tày. Ma Trường Nguyên chủ yếu sử dụng thứ ngôn ngữ tiếng Việt khá nhuần nhụy, uyển chuyển mà không làm mất đi cách cảm, cách nghĩ, điệu hồn của người miền núi. Đồng thời ngôn ngữ của Ma Trường Nguyên giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh so sánh, đậm chất thơ...” [10, tr.86].

Như vậy, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: Các công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Ma Trường Nguyên ít nhiều đã đề cập đến những đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu về đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên cơ sở khảo sát toàn bộ các sáng tác của ông. Do vậy việc nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu và toàn diện về Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là một việc làm cần thiết.

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

- Phạm vi tài liệu nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.

Mũi tên ám khói (1991) Gió hoang (1992)

Tình xứ mây (1993) Trăng yêu (1993)

Bến đời (1995)

Rễ người dài (1996)

Mùa hoa hải đường (1998) Phượng hoàng núi (2012)

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đọc thêm tiểu thuyết của một số tác giả khác như: Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Triều Ân... để so sánh đối chiếu.


4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn chỉ ra và làm rò những đặc điểm của tiểu thuyết Ma Trường Nguyên trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó góp phần khẳng định nét riêng trong phong cách và vị trí của nhà văn đối với văn học các dân tộc thiểu số nói riêng, với văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây: Phương pháp thống kê, phân loại

Phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại Phương pháp khái quát, tổng hợp

Phương pháp so sánh, đối chiếu

6. Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận Thư mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam và tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. Chương 2: Những cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.


PHẦN NỘI DUNG


Chương 1

VĂN XUÔI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VÀ TIỂU THUYẾT CỦA MA TRƯỜNG NGUYÊN

1.1. Khái quát về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại

Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam là một nền văn xuôi còn rất trẻ. Bắt đầu hình thành từ những năm 50 của thế kỉ XX, trải qua hơn 60 năm vận động và phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có được một đội ngũ người viết khá đông đảo, đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần làm giàu cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Với tâm huyết và sự tìm tòi không mệt mỏi của các cây bút, văn xuôi dân tộc thiểu số đã có những đổi mới căn bản trên các phương diện đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ,… theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp, từng bước bắt kịp với đời sống văn học chung của cả dân tộc. Không chỉ là làn gió mới được phả ra từ những cây bút trẻ mà ngay cả những cây bút gạo cội ở mảng văn học này cũng không ngừng cách tân, làm mới chính mình. Chúng tôi lựa chọn góc độ bao quát sự phát triển của mảng văn học này từ những tiêu điểm cơ bản sau đây: sự phát triển và đặc điểm của lực lượng sáng tác qua các giai đoạn; những đặc điểm lớn trên phương diện đề tài, chủ đề; những đặc điểm về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ.

1.1.1. Sự phát triển lực lượng sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số

Về lực lượng sáng tác, có thể nhận thấy số lượng tác giả văn xuôi dân tộc thiểu số đã phát triển và ngày càng đông đảo. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, sự phát triển của mảng văn học này được khơi nguồn bởi những tác giả người Kinh. Các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Ngọc là những người có công trong việc khai phá mảng đề tài dân tộc thiểu số đầy hứa hẹn này, đồng thời cũng là những người đặt viên gạch đầu tiên cho một giai đoạn văn học mới, giai đoạn có sự đóng góp và vai trò quan trọng của chính các nhà văn người dân tộc thiểu số. Những sáng tác về đề tài miền núi của họ như những dấu ấn đầu tiên, thôi thúc nhu cầu cần phải có một mảng văn học viết về đồng bào các dân tộc thiểu số do chính những người


con của các dân tộc ấy sáng tác. Đúng như Tô Hoài thừa nhận: “Cho tới nay tôi viết một số tác phẩm đề tài miền núi. Các anh liệt sĩ (Hoàng Văn Thụ, Vừ A Dính), cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Bắc (Vợ chồng A Phủ, Họ Giàng ở Phiềng Sa). Tôi cho rằng dẫu tôi đã cố gắng, nhưng những tác phẩm ấy chỉ đạt tới đôi nét chấm phá của một bức kí họa thông qua cảm xúc mới mẻ của mình. Tôi không thể có được tâm hồn và những hiểu biết để thể hiện như Đinh Ân (Mường), Vi Hồng (Tày), Mã Thế Vinh (Nùng), Mã A Lềnh (Mông). Văn học các dân tộc thiểu số có thực sự phong phú, lớn mạnh phải do chính các nhà văn dân tộc ấy xây dựng, góp phần vào nền văn học đa dân tộc của chúng ta” [33, tr.19]. Sự khai phá, mở đường của các tác giả người Kinh đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và ngày càng trưởng thành của hàng loạt các cây bút người dân tộc thiểu số. Bắt đầu là Nông Viết Toại với Boỏng tàng tập éo (1952), tiếp đó là Nông Minh Châu với Ché Mèn được đi họp (1959), Y Điêng với Em chờ bộ đội Awa Hồ (1960), Hoàng Hạc với Ké Nàm (1964), Triều Ân với Tiếng khèn A pá (1968), Vi Thị Kim Bình với Những bông huệ (1968),… Có thể nói, nhờ được đắm mình trong hiện thực lịch sử lớn lao, đầy say mê của dân tộc và cách mạng, lại hợp lưu cùng tinh thần lãng mạn của thời đại, các nhà văn đã sáng tạo nên những tác phẩm văn xuôi độc đáo, đầy chất thơ. Những con người miền núi mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, giàu tình yêu quê hương, yêu đời, yêu người với một trái tim lãng mạn, hăng say đi từ khổ đau đến ánh sáng là mẫu nhân vật trung tâm trong các tác phẩm văn xuôi giai đoạn này. Nói như các tác giả Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hảo thì “đây là giai đoạn mà ý thức dân tộc được nâng cao trong từng cây bút dân tộc thiểu số” [38, tr.77].

Kể từ sau năm 1975, khi hòa bình, thống nhất đất nước, và đặc biệt là từ sau 1986, lực lượng sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Chính sự lao động miệt mài và tự đổi mới của các cây bút thế hệ thứ nhất và thứ hai, và sự xuất hiện của những cây bút trẻ đầy nhiệt tình và tâm huyết đã góp phần làm nên diện mạo mới cho mảng văn học quan trọng này. Ở các vùng Việt Bắc và Tây Bắc là sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ nhà văn. Bắt đầu từ thời kì đổi mới, bên cạnh Triều Ân, Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Mã A


Lềnh, Sa Phong Ba... những cây bút đang rất sung sức trong sáng tạo đã có sự xuất hiện thêm nhiều gương mặt văn xuôi mới. Đó là các cây bút người Mường như Hà Trung Nghĩa với Hoàng hôn (tập truyện, 1995) và Lửa trong rừng sa mu (tiểu thuyết, 1996), Bùi Minh Chức với Sự tích một câu nói (tập truyện, 2001) và Hà Lý với Ngọt đắng vị Mường (tập truyện, 2002). Trong lực lượng viết, tác giả người Tày luôn chiếm số đông. Ngoài các nhà văn đã nêu như Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hà Lâm Kỳ, Bùi Thị Như Lan, Hữu Tiến, còn có Đoàn Lư với Kỉ niệm về một dòng sông (tập truyện, 1997) và Ngựa hoang lột xác (tập truyện, 1998); Hoàng Hữu Sang với Người đánh gấu trên núi Suối Mây (tập truyện, 1997) và Cửa rừng (tiểu thuyết, 2000). Ngoài ra có thể kể đến các cây bút Tày khác như Hoàng Luận, Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Tương Lai, Đoàn Ngọc Minh, Vi Thị Thu Đạm, A Sáng... Đóng góp cho văn xuôi còn có các cây bút người Nùng như Hoàng Quảng Uyên với Vọng tiếng non ngàn (kí, 2001), Địch Ngọc Lân với Ngôi đình bản Chang (tiểu thuyết, 1999) và Hoa mí rừng (tiểu thuyết, 2001). Như vậy, cho đến nay Việt Bắc và Tây Bắc vẫn là hai miền đất vàng của văn chương miền núi, nơi ngưng tụ nguồn mạch chính của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tuy chưa có được những tài năng xuất sắc, những phong cách đích thực, nhưng những cây bút trên đã thực hiện được sứ mệnh nuôi giữ ngọn lửa văn chương của dân tộc mình. Là nhà văn dân tộc Tày, hiện sống ở Hà Nội nhưng Cao Duy Sơn vẫn chung thủy với đề tài miền núi. Với một hành trình từ Người lang thang (1992), Cực lạc (1995), Những chuyện ở lũng Cô Sầu (1996), Hoa mận đỏ (1999), Những đám mây hình người (2002), Đàn trời (2006) đến Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện ngắn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, giải thưởng văn học ASEAN năm 2009), Chòm ba nhà (2009), Cao Duy Sơn đã khắc vào tâm khảm bạn đọc những dư vị sâu lắng về các mối quan hệ của con người với đủ đầy ân oán, thiện ác, từ đó thể hiện những quan niệm nhân sinh, phương cách ứng xử nhân ái và cao thượng.

Ở khu vực miền Trung, một số cây bút đại diện cho dân tộc mình cũng xuất hiện. Đó là các cây bút dân tộc Thái ở Nghệ An như La Quán Miên với tập truyện


Hai người trở về bản (1996), Kha Thị Thường với tập truyện Lũ núi (2003) và Lang Quốc Khánh với tập kí Những miền thương nhớ (2005). Truyện của La Quán Miên đặt ra vấn đề nhân quả, báo ứng từ sự phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, phát hiện cái bí ẩn thuộc về đời sống tâm linh ở miền núi. Tôn trọng còi tự nhiên linh thiêng, bảo tồn động vật hoang dã, đó là thông điệp mà nhà văn đề xuất. Khu vực miền Trung còn có các cây bút dân tộc Mường ở Thanh Hóa là Hà Thị Cẩm Anh và Bùi Nhị Lê. Qua tập truyện Nước mắt của đá (2005), Hà Thị Cẩm Anh thể hiện sự cảm thông với những con người là nạn nhân của hủ tục, định kiến ở bản mường. Và cũng như La Quán Miên, nữ nhà văn đã cất lời kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên một cách đầy tâm huyết.

Ở Tây Nguyên trước kia chỉ có Y Điêng, nay có Hlinh Niê (tức Linh Nga Niê Kđăm, người Êđê) với tập truyện Con rắn màu xanh da trời (1997) và tập kí Trăng Xí Thoại (1999), Kim Nhất (người Bana) với các tập truyện Động rừng (1999), Hồn ma núi (2002) và Niê Thanh Mai (người Êđê) với tập truyện Về bên kia núi (2007).

Ở phía Nam, lần đầu tiên có sự xuất hiện tác phẩm văn xuôi của một số dân tộc như truyện kí Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (1994) của Lý Lan (người Hoa), tiểu thuyết Chân dung cát (2006) của Inrasara (nhà thơ dân tộc Chăm), tập truyện ngắn Chăm Hri (2008) của Trà Vigia (người Chăm).

Điểm qua lực lượng sáng tác và những thành tựu của các cây bút văn xuôi dân tộc thiểu số kể từ sau năm 1975, và đặc biệt là sau 1986, chúng ta nhận thấy tuy chưa có những tài năng lớn nhưng cũng có thể nhìn thấy từ đó những tín hiệu rất đáng mừng vì sự tiếp nối giữa các thế hệ người cầm bút, vì sự phân bố trên từng vùng miền, từng dân tộc để đặt niềm tin vào những bước bứt phá mạnh mẽ của mảng văn học này trong những năm đầu của thế kỷ mới này.

1.1.2. Sự phát triển trên các phương diện đề tài, chủ đề của văn xuôi các dân tộc thiểu số

Trong hành trình phát triển của mình, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có sự mở rộng đề tài, chủ đề, tuy chưa thực phong phú. Giai đoạn trước năm 1975, khi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022