3.3. Giọng điệu
Giọng điệu là một trong những đặc điểm góp phần tạo nên phong cách nhà thơ, nó phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ cuả tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Nhà thơ không có giọng điệu riêng nếu không có một tâm hồn rung cảm trước mỗi số phận, mỗi con người, mỗi cuộc đời và đồng thời cũng không biết chia sẻ những buồn vui của con người.
Ngoài ra giọng điệu còn là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Mỗi nhà thơ có phong cách đều mang cho mình một giọng điệu riêng, độc đáo. Ta thấy một Nguyễn Bính dân dã quê mùa chìm ngập trong điệu nhạc của tâm hồn lãng mạn thì Tố Hữu trữ tình, chính luận lại tạo cho mình một dấu ấn riêng, đậm nét, một nét rất riêng, một nét rất Huế.
3.3.1.Giọng điệu trong thơ lục bát Nguyễn Bính
Từ lối tư duy hết sức dân dã, cách cảm cách nghĩ của nhà thơ luôn là của đông đảo những người bình dân, những người sáng tạo và giữ gìn dòng thơ dân gian mà Nguyễn Bính chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bé. Với kiểu tư duy của thơ ca dân gian – cụ thể và sinh động, cách diễn đạt mộc mạc, bình dị mà gợi cảm, thẫm đẫm hồn người chân quê. Từ cách cảm, cách nghĩ đó đã kéo theo giọng điệu mang đậm chất dân gian, dân tộc đậm đà. Hoài Thanh đã từng thốt lên: “Giá như Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm”…Nguyễn Bính làm thơ thật đơn giản, dễ dàng như những người nghệ sĩ dân gian thường gặp ở khắp vùng quê…Và cũng như nhiều nhà thơ tài năng khác của dân tộc. Nguyễn Bính biết cách làm giàu cho những sáng tác của mình trên mảnh đất văn hóa dân gian, từ đó khai thác và khơi nguồn cảm hứng để tạo nên những thi phẩm mới”.[9,335].
Âm điệu chung của thơ lục bát Nguyễn Bính là buồn. Bất cứ nói đến vấn đề gì, thơ ông cũng phảng phất giọng điệu buồn, buồn vì tình yêu, buồn vì tha hương, buồn
vì cuộc đời dâu bể.[9,334]…Có những câu thơ mang giọng điệu buồn thương, than vãn thật ai oán, não nùng:
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm thơ lục bát Nguyễn Bính - Tố Hữu - 10
- Cấu Trúc Bài Thơ, Khổ Thơ, Câu Thơ Trong Thơ Lục Bát Nguyễn Bính
- Ngôn Ngữ Trong Thơ Lục Bát Nguyễn Bính
- Đặc điểm thơ lục bát Nguyễn Bính - Tố Hữu - 14
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Thày đừng nhớ mẹ đừng thương Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi
Thày mẹ ơi!
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư
(Thư gửi thày mẹ)
Thơ Nguyễn Bính cũng thường là giọng kể lể, tâm sự của thơ ca dân gian. Từ xa xưa dù yêu thương hay căm ghét, khổ đau hay vui sướng, những con người đồng quê ấy đều mạnh dạn bày tỏ, phơi trải lòng mình công khai, điều đó gợi cảm giác tin cậy giữa người kể với người nghe. Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính như những câu chuyện nhỏ, những kỷ niệm thú vị và hấp dẫn, những nỗi buồn thương day dứt – trong đó giọng kể lể rò nhất ở các bài thơ dài nổi tiếng Lỡ bước sang ngang, Cô gái vườn Thanh, Hoa với rượu. Dù nói về mình hay thác lời cho bao số phận khác hình như bao giờ Nguyễn Bính cũng muốn thanh minh, lý giải dặng biện hộ cho những tình cảm phức tạp, tốt đẹp của con người mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Bức thư của thi sĩ gửi chị Trúc trong bài Xây hồ bán nguyệt, được viết bằng giọng điệu kể lể, giãi bày của thơ ca dân gian. Nỗi đắng đót của một tình yêu đơn phương và lỡ dở được bày tỏ chân thực. Đó là việc chàng trai có ý định:
Em đi kiếm gạch Bát Tràng
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Và rồi đi thật, đi cho tới lúc “xây hồ đủ gạch em thơ chị về” vì nàng mà quyết “Đã làm chưa chín nồi kê cũng làm”. Nhưng rồi tất cả chỉ là ảo mộng:
Trời gần trời có xa đâu
Thế nào em cũng qua cầu đắng cay Vì bằng thương đến em đây
Chúc cho em chóng mà xây được hồ
Với giá trị nhân văn cao đẹp, hài hòa, nhuần nhuyễn cùng với cái tài hoa trong giọng kể làm cho thơ lục bát Nguyễn Bính dễ tìm được sự cảm thông, giao hòa với mọi người
3.3.2.Giọng điệu thơ lục bát Tố Hữu
Tôi nhớ Xuân Diệu đã từng nhận xét: Đọc thơ Tố Hữu người ta cảm thấy một dấu hiệu riêng như nét mặt của những bài thơ, làm cho thơ Tố Hữu không trộn lẫn được với thơ người khác, cảm thấy một thứ nhạc tâm tình riêng bàng bạc thấm lấy các câu thơ nhiều khi thành một thứ thi tại ngôn ngoại của Tố Hữu. Cái nền nhạc đặc biệt đó theo ý tôi là lòng thương mến. Đúng vậy, thơ Tố Hữu nói chung, thơ lục bát Tố Hữu nói riêng nói về những cái chung lớn lao của thời đại, dân tộc, nhưng tiếng thơ ông lại là tiếng nói độc đáo, không lẫn với ai khác và từ lâu thấm sâu vào tâm hồn người đọc.
Trước tiên, ta bắt gặp trong thơ lục bát Tố Hữu một giọng điệu riêng, giọng ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến:
Mình đi có nhớ những nhà Hắt hiu lau xám đậm đã lòng son
(Việt Bắc) Con về thăm mẹ, mẹ ơi!
Tám mươi con vẫn là mười hai thôi
(Nghe cu cườm gáy)
Con ơi con ngủ cho ngoan Sang canh trăng lặn buổi tan mẹ về.
(Phá đường)
Nói về những nỗi niềm xưa, nhà thơ thường có giọng xót thương, thông cảm:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu. Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Ông thường dùng những từ ngữ thể hiện sự nâng niu, vỗ về trân trọng để nói về những tấm gương cách mạng:
Em là con gái Bắc Giang Rét thì mặc rét nước làng em lo
(Phá đường)
Cùng với giọng thơ thương mến là giọng say mê. Trong thơ Tố Hữu, ta luôn bắt gặp một con người say mê- say mê lý tưởng, say mê con người, say mê đất nước, say mê lãnh tụ, say mê tranh đấu. Niềm say mê thường làm cho câu thơ nhiều trùng điệp:
Giặc lùng, giặc quét, giặc vây Có dân, có Đảng đêm ngày vẫn vui
( Ba mươi năm đời ta có Đảng )
Tính chất tha thiết mến thương và tính chất say mê hòa quyện với chất nhạc. Tố Hữu rất thích tổ chức sắp xếp câu thơ sao cho âm điệu ngân nga, êm ái, nhịp nhàng, đầy nhạc tính:
Sáo kêu vi vút trên không Sáo kêu dìu dặt bên lòng Hồng quân
Sáo kêu réo rắt xa gần
Sáo kêu giục giã bước chân quân Hồng
(Tiếng sáo Ly Quê)
Những hiệp vần, những từ láy, những điệp từ làm cho khổ thơ đầy ắp chất nhạc. Những đặc điểm trên đây làm cho thơ lục bát Tố Hữu có diện mạo riêng, rất dễ nhận ra. Nhưng phong cách thơ ông không đơn điệu mà đa dạng. Thơ lục bát của ông vừa có phong cách của Thơ mới, vừa có phong cách dân gian, có phong cách cổ điển. Ông khéo léo kết hợp truyền thống với hiện đại, nội dung và hình thức, dân tộc và đại chúng. Vì thế, thơ lục bát của ông dễ cảm, dễ gần và dễ hiểu, nhận được sự yêu mến từ độc giả.
*
* *
Không chỉ ở nội dung mà nghệ thuật biểu hiện trong thơ lục bát của hai nhà thơ cũng có sự giống nhau ở việc kết hợp giữa cái cũ và cái mới, truyền thống với hiện đại- họ “không trở về với ca dao theo lối mô phỏng, viết những cái giống như ca dao mà quan trọng hơn là tìm được sự hòa hợp giữa hồn quê hương trong ca dao với những ý tưởng và tình cảm của cuộc đời mới”[24, 64] Tuy nhiên, ở Nguyễn Bính ta tìm thấy cái truyền thống nhiều hơn, cái chân quê nhiều hơn, cái mộc mạc giản dị nhiều hơn. Vẫn vận dụng thể thơ lục bát truyền thống nhưng cả hai tác giả đều có sự cách tân trong thể loại. Cả bài thơ có thể là sự kết hợp của nhiều thể thơ hoặc có sự biến thể trong các cặp lục bát. Về cách ngắt nhịp, Tố Hữu tôn trọng cách ngắt nhịp truyền thống hơn, Nguyễn Bính có sự linh hoạt hơn. Sự linh hoạt trong nhịp điệu thay đổi chính theo sự thay đổi của tâm hồn, tình cảm của nhà thơ. Ở Nguyễn Bính dòng chảy của tình cảm mạnh mẽ hơn ở Tố Hữu, nó chi phối nhiều hơn trong sáng tác của ông. Do ảnh hưởng của văn học dân gian mà cụ thể là ảnh hưởng của ca dao dân ca nên cả hai nhà thơ đều có ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, ngôn ngữ của đời sống. Nhưng nếu Nguyễn Bính với ngôn ngữ bình dị của người “nông thôn”với giọng thơ đặc trưng của người dân Bắc Bộ thì Tố Hữu lại mang ngôn ngữ của người cách mạng- ngôn ngữ thơ trữ tình chính trị và giọng đặc trưng của người Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là giọng của người dân xứ Huế. Chính sự khác biệt về nghệ thuật trong thơ lục bát của hai nhà thơ đã góp phần làm nên phong cách riêng của mỗi nhà thơ.
KẾT LUẬN
Từ quá trình tìm hiểu một cách khái quát về đặc điểm thơ lục bát của hai nhà thơ Nguyễn Bính và Tố Hữu. Tôi xin rút ra một số kết luận ban đầu như sau:
Lục bát là một thể thơ dân tộc, có nguồn gốc từ dân gian. Nó chính thức bước vào địa hạt của văn học viết khoảng thế kỉ XV và cho tới nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nó liên tục tự hoàn thiện để khẳng định vị trí của mình trong lòng độc giả cũng như lịch sử văn học nước nhà. Đặc biệt là từ phong trào Thơ mới, lục bát luôn có sự vận động, nó vừa kế thừa truyền thống vừa sáng tạo cho phù hợp với thẩm mĩ của người hiện đại.
Nguyễn Bính và Tố Hữu là hai nhà thơ lớn của dân tộc, hai hồn thơ đại diện cho hai trào lưu thơ lãng mạn và cách mạng của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Hai ông là những người có tài năng và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả. Họ có những đóng góp lớn cho sự phát triển thể loại và khẳng định vị trí của nó trong đời sống văn học. Trên nền tảng, hồn cốt của lục bát truyền thống, Nguyễn Bính và Tố Hữu đã biểu hiện tâm sự trữ tình, những cảm xúc, suy tư của con người cá nhân thời hiện đại.
Những sáng tác của Nguyễn Bính và Tố Hữu có cả trước và sau cách mạng tháng Tám 1945. Nhưng khi nhắc tới hai ông, ta nhớ tới Nguyễn Bính như người đại diện cho phong trào Thơ mới-thơ lãng mạn Việt Nam còn Tố Hữu thì tiêu biểu cho phong trào thơ trữ tình cách mạng. Việc tìm hiểu đặc điểm thơ lục bát của hai nhà thơ Nguyễn Bính và Tố Hữu ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng cũng như những khác biệt trong thơ hai ông. Trên phương diện nội dung, cả hai nhà thơ cùng có những mản đề tài về quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, về cách mạng với cảm xúc chân thành, sâu sắc, cùng mang hơi thở của cuộc sống đương đại, mang màu sắc hiện đại, nhưng nếu như Nguyễn Bính viết nhiều về quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, thì ở Tố Hữu lại thiên về tình cảm cách mạng. Chính vì thế ta gặp một hồn quê nhẹ nhàng, đằm thắm trong thơ lục bát Nguyễn Bính và một tình yêu sục sôi lý tưởng trong thơ lục bát Tố Hữu.
Trên phương diện hình thức, cả hai nhà thơ vừa tuân thủ những quy định mẫu mực của lục bát truyền thống nhưng cũng luôn cố gắng tìm tòi theo hướng hiện đại hóa, bắt kịp sự đổi thay của thơ ca hiện đại, có những thể hiện rất riêng về hình thức. Bên cạnh hình thức lục bát truyền thống, hai nhà thơ đều có cách tân, tạo ra những biến thể, hợp thể. Một số tác phẩm của họ có quy mô khá lớn như những trường ca, truyện thơ. Về ngắt nhịp, vần, ngôn ngữ, giọng điệu cũng là những dụng ý nghệ thuật nhằm đạt hiệu quả cao trong việc thể hiện nội dung và cảm xúc. Nếu như Nguyễn Bính với ngôn ngữ bình dị của người “nông thôn” với giọng thơ đặc trưng của người dân Bắc Bộ thì Tố Hữu lại mang ngôn ngữ thơ trữ tình chính luận và giọng đặc trưng của người Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là giọng quê hương-giọng của người dân xứ Huế. Và một điều ta không thể phủ nhận: Song song với tiến trình lịch sử dân tộc, thơ lục bát Tố Hữu là bước phát triển tiếp của thơ lục bát Nguyễn Bính ở cả phương diện nội dung cũng như nghệ thuật biểu hiện trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam
Tóm lại, lục bát hiện nay có sự đổi mới khá toàn diện, nó thỏa mãn những đòi hỏi nhu cầu thẩm mĩ của con người từng thời kì. Nội dung mở rộng phong phú, bám sát thực tế, lịch sử. Hình thức hiện đại, cách tân ở nhiều mặt: cấu trúc câu thơ, dòng thơ, khổ thơ, ngôn ngữ, nhịp điệu, giọng điệu… Tuy nhiên cho dù hiện đại thế nào thì lục bát vẫn gần gũi, quen thuộc, bình dị, mang hồn dân tộc, bản sắc dân tộc, tiếp tục đi vào đời sống con người hiện đại, khẳng định vị trí của nó trong nền văn học dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân, Từ Điển văn học (Từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX), NXB Giáo dục, 1999.
2. Nguyễn Bao, Tuyển tập Tố Hữu - thơ, NXB Văn học, H, 1990.
3. Phạm Thùy Dương, Khảo sát việc sử dụng từ ngữ địa phương trong thơ Tố Hữu, Luận văn cao học, Đại học sư phạm Thái Nguyên, 2008.
4. Nguyễn Thị Đào, Bằng trắc lục bát của Tố Hữu, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Vinh, 2004.
5. Phan Cự Đệ, Hà Văn Đức, Nguyễn Hoành Khung, Văn học Việt Nam 1930-1945, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1986.
6. Hà Minh Đức, Lý luận văn học, NXBGD, 2007.
7. Hà Minh Đức, Tuyển tập Tố Hữu – Thơ, NXB Giáo dục, H, 1994.
8. Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên, Thơ ca Việt Nam- hình thức và thể loại, NXB Khoa học xã hội, H, 1968.
9. Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương, Nguyễn Bính về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2001.
10. Nguyễn Xuân Đức, Đi tìm nguồn gốc thể lục bát - Tạp chí Văn học số 6 - 2004.
11. Nguyễn Xuân Đức, Về thể thơ lục bát trong ca dao - Tạp chí Văn học số 2 - 2002.
12. Nhiều tác giả, Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, H, 1986.
13. Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia, H, 1997.
14. Mai Hương, Nguyễn Văn Long, Vân Trang, Tố Hữu- thơ và cách mạng, NXB Hội nhà văn, H, 1996.
15. Mai Hương, Phong Lan, Tố Hữu về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007
16. Tố Hữu, Ta với ta, NXB Văn học, H, 2000.