3.3.5. Mối liên quan giữa tần số hoạt nghiệm thanh quản với nhóm tuổi Bảng 3.3.5. Mối liên quan giữa tần số hoạt nghiệm thanh quản với nhóm tuổi
Số lượng | Tần số trung bình (Hz) | |
20-35 | 8 | 225,4 |
36-45 | 8 | 208,8 |
46-55 | 7 | 207,4 |
>55 | 4 | 210,3 |
Tổng | 27 | 213,0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Chức Năng Bảo Vệ Đường Hô Hấp Dưới
- Đối Tượng Và Phương Pháp Nghiên Cứu
- Mối Liên Quan Giữa Biên Độ Sóng Và Thời Gian Khàn Tiếng
- Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi hoạt nghiệm thanh quản và giải phẫu bệnh u nang dây thanh - 7
- Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi hoạt nghiệm thanh quản và giải phẫu bệnh u nang dây thanh - 8
Xem toàn bộ 64 trang tài liệu này.
Nhận xét: Tần số hoạt nghiệm thanh quản là 213,0Hz (27/29, 2 bệnh nhân không có kết quả tần số hoạt nghiệm thanh quản). Trong đó, tần số trung bình của nhóm tuổi 20-35 là 225,4 Hz; nhóm tuổi 36-45 là 208,8Hz. Và của nhóm tuổi 46- 55 và trên 55 tuổi có tần số trung bình lần lượt là 207,4Hz và 210,3Hz.
3.3.6. Mối liên quan giữa tần số hoạt nghiệm thanh quản với giới Bảng 3.3.6. Mối liên quan giữa tần số hoạt nghiệm thanh quản với giới
Số lượng | Tần số trung bình (Hz) | |
Nam | 11 | 165,5 |
Nữ | 16 | 245,6 |
Tổng | 27 | 213,0 |
Nhận xét: Tần số hoạt nghiệm thanh quản trung bình của nam giới là 165,5Hz và của nữ giới là 245,6Hz.
3.3.7.Kết quả giải phẫu bệnh
Bảng 3.3.7. Kết quả giải phẫu bệnh
Số trường hợp (N=29) | Tỷ lệ (%) | |
U nang nhầy dây thanh | 26 | 89,7 |
U nang dạng biểu bì lành tính | 3 | 10,3 |
Nhận xét: Tổn thương giải phẫu bệnh chủ yếu là u nang nhầy chiếm 89,7%, tổn thương u nang dạng biểu bì lành tính chỉ chiếm 10,3% các trường hợp.
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm dịch tễ u nang dây thanh
4.1.1. Phân bố theo độ tuổi
Trong 29 trường hợp nghiên cứu, tuổi thấp nhất là 22 tuổi, cao nhất là 67 tuổi, trung bình 43,38 ± 10,9 tuổi. Độ tuổi hay gặp nhất là từ 36 đến 45 tuổi chiếm 31,034%.
Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của nhiều tác giả. Theo Nguyễn Quang Hùng nghiên cứu 44 bệnh nhân u nang dây thanh thì tuổi hay găp là 30 đến 49 [7]. Theo Nguyễn Khắc Hòa, Trần Công Hòa và cộng tác viên [6] độ tuổi hay gặp nhất trong 315 trường hợp tổn thương lành tính ở dây thanh là 20-50 tuổi và chiếm 82,5%.
Điều này giải thích bởi 36-45 là độ tuổi lao động chính, nhất là những nghề phải sử dụng giọng nói ở cường độ cao, dẫn đến những tổn thương dây thanh như: phù nề, sung huyết. Do đó việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời giúp bệnh nhân khỏi bệnh là vô cùng quan trọng.
4.1.2. Đặc điểm về giới
Trong 29 trường hợp nghiên cứu có số trường hợp nữ giới (58,6%) nhiều hơn số trường hợp nam giới (41,4%) . Marc Bouchayer nghiên cứu trên 157 bệnh nhân u nang dây thanh số bệnh nhân nữ chiếm tới 120 và chỉ có 37 nam [40]. Tương tự trong nghiên cứu của Nguyễn Khắc Hòa [41], tỷ lệ nữ giới chiếm 64,5% tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu.
Trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn nữ làm nghề có liên quan đến giọng nói (7/17 trường hợp) như giáo viên, bán hàng, tư vấn viên những công việc mà trong xã hội nữ giới thường đảm nhiệm nhiều hơn do đó tỷ lệ nữ giới chiếm ưu thế hơn là hợp lý.
4.1.3. Phân bố theo nghề nghiệp sử dụng giọng nói
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 7/29 trường hợp (24,1%) có nghề nghiệp thường xuyên sử dụng tiếng nói để giao tiếp, gồm các nghề như: giáo viên, bán hàng, tư vấn viên, MC,….
Kết quả của chúng tôi thấp hơn Nguyễn Tuyết Xương [44] trong 50 trường hợp u lành tính dây thanh có 74% bệnh nhân liên quan đến sử dụng tiếng nói nhiều và Nguyễn Khắc Hòa [41] trong 45 trường hợp u nang dây thanh có 64% bệnh nhân liên quan đến nghề nghiệp sử dụng giọng nói.
Như vậy có thể thấy rằng tổn thương u nang dây thanh cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếng nói như các bệnh khác của thanh quản như viêm thanh quản mạn tính, hạt xơ dây thanh hay polyp dây thanh. Theo Phạm Thị Ngọc [5] cơ quan phát âm làm việc liên tục trong một ngày và sử dụng giọng quá tải trong quá trình làm việc gây nên các tổn thương thực thể trên hai dây thanh. Tuy nhiên, do sự hiểu biết còn hạn chế, ý thức giữ gìn giọng nói chưa tốt, nói không đúng cách. Đặc biệt nhiều bệnh nhân lạm dụng giọng vẫn cố nói có khi là hát ngay cả khi có bệnh về thanh quản. Vì vậy nhiêm vụ của chúng ta là giúp cho người bệnh thấy được hậu quả của việc lạm dụng giọng nói và cần kịp thời tư vấn giúp họ cách phát âm để phòng mắc bệnh.
4.2. Triệu chứng lâm sàng của u nang dây thanh
4.2.1. Lý do vào viện
Khàn tiếng là triệu chứng không của riêng u nang mà là triệu chứng sớm nhất của tất cả các bệnh lý về dây thanh. Bất kỳ tổn thương thực thể nào ở dây thanh đều ảnh hưởng đến sự rung động của dây thanh. Tùy vị trí của tổn thương, kích thước của tổn thương mà mức độ khàn tiếng sẽ khác nhau.
Theo Lê Văn Lợi [42] về mặt sinh lý khàn tiếng có thể do:
+ Các bờ của dây thanh không thẳng hàng
+ Tính đàn hồi của dây thanh không bình thường.
+ Khe thanh môn khép không kín.
Trong nghiên cứu của chúng tôi 100% bệnh nhân tới viện vì lý do khàn tiếng. Một số lý do ít gặp hơn là: nói hụt hơi chiếm 31% và nuốt vướng gặp trong 3,4% trường hợp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Khắc Hòa [41] khi có 100% bệnh nhân có khàn tiếng khi đến viện. Trong nghiên cứu của Phạm Hùng Mạnh, Võ Thanh Quang và Đào Đình Thi[19] có 35/35 bệnh nhân tới viện vì lý do khàn tiếng và không có bệnh nhân nào vào viện vì khó thở.
Khàn tiếng là triệu chứng sớm có thể xảy ra từ một vài ngày đến một vài tuần, tuy nhiên có bệnh nhân để khàn tiếng vài tháng hoặc vài năm mới đi khám bệnh. Khàn tiếng có thể gặp ở nhiều bệnh lý thanh quản như viêm thanh quản cấp hay mạn tính, lao thanh quản, nấm thanh quản...
Như vậy tất cả bệnh nhân u nang dây thanh đều có khàn tiếng và đa số đó là lý do duy nhất đưa người bệnh đi khám.
4.2.2 .Đặc điểm khàn tiếng
Khàn tiếng liên tục tăng dần gặp trong tất cả các trường hợp (29/29). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hà (2005) là 39/50 trường hợp hạt xơ dây thanh chiếm 78% [29].
Điều này có thể giải thích vì khàn tiếng trong nhóm bệnh các khối u lành tính dây thanh (trong đó có u nang dây thanh) có đặc điểm: khàn tiếng “mềm”, chủ yếu ở mức độ vừa khàn tiếng kéo dài, tăng dần. Còn trong ung thư thanh quản là khàn tiếng “cứng”, mức độ nặng do tổn thương lớp cơ dây thanh [45].
4.2.3. Thời gian khàn tiếng
Chúng tôi có 22/29 bệnh nhân (75,8%) đến trước 6 tháng, có 4/29 bệnh nhân (13,8%) đến từ 6-12 tháng chỉ có 3/29 trường hợp (10,3%) đến sau 12 tháng.
Kết quả này tương tự của Vũ Toàn Thắng [43] trong 60 ca nghiên cứu tỷ lệ đến khám trước 1 năm là 68,3%, cao hơn của Nguyễn Quang Hùng [7] 45,0% bệnh nhân u nang dây thanh bị bệnh từ 1 đến 2 năm và Nguyễn Khắc Hòa [6] số bệnh nhân mắc bệnh từ 1 đến 2 năm chiếm đa số.
Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi tương tự Vũ Toàn Thắng [43] nhưng tỷ lệ phát hiện sớm cao hơn Nguyễn Quang Hùng [7] và Nguyễn Khắc Hòa [6].
Điều này có lẽ do đời sống xã hội ngày càng phát triển vì vậy người dân có điều kiện chăm lo sức khỏe sớm. Cùng với sự tuyên truyền, phát hiện sớm các dấu hiệu của các bệnh lý thanh quản trên các phương tiện thông tin đại chúng, do vậy khi có biểu hiện khàn tiếng bệnh nhân đi khám sớm do vậy tỷ lệ phát hiện sớm ngày càng tăng.
4.2.4. Các triệu chứng cơ năng
Trong nghiên cứu của chúng tôi 100% bênh nhân có khàn tiếng. Dấu hiệu khàn tiếng được Sakaé [45] giải thích là do khối u lành tính của dây thanh làm giảm sự rung động của dây thanh và làm dây thanh khép không kín khi phát âm. Điều này dẫn đến bệnh nhân nói khàn và không rõ âm sắc.
Một triệu chứng cơ năng khác thường gặp trong nghiên cứu của chúng tôi là hụt hơi khi nói chiếm 48,3%. Do ảnh hưởng của khối u dây thanh, ở pha đóng thanh môn khép không kín gây hiện tương thoát hơi, áp lực hạ thanh môn giảm do đó bệnh nhân phải dùng nhiều hơi hơn khi nói nên nhanh mệt và giọng yếu.
Các triệu chứng ợ hơi, ợ chua và nóng rát vùng sau xương ức chiếm 17,2 % (5/29) bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Nguyên nhân có lẽ do hội chứng trào ngược họng thanh quản - một hội chứng mà ngày nay các nhà lâm sàng đã xác nhận là một trong các nguyên nhân gây nên các bệnh lý tai mũi họng.
Các triệu chứng khác như đau rát họng, ho khan và nuốt vướng cũng gặp với tần số thấp hơn lần lượt là 10,3% ; 6,9% và 3,4% tương ứng. Tỷ lệ gặp các triệu chứng này thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Nguyễn Khắc Hòa [41] trên 45 bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do nhóm nghiên cứu của chúng tôi có thời gian mắc bệnh ngắn hơn. Bệnh nhân thường đến viện khám sớm ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên là khàn tiếng.
4.2.5. Tiền sử
Qua 29 trường hợp khai thác bệnh sử và khám lâm sàng, thấy có 5/29 (17,2%) bệnh nhân có viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amydal mạn và viêm thanh quản mạn tính. Hút thuốc lá và uống rượu bia có 10/29 bệnh nhân chiếm 34,4%.
Viêm là yếu tố quan trọng tạo điều kiện hình thành u nang và là yếu tố thúc đẩy bệnh nặng lên. Nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiên cứu khác, theo tác giả Vũ Toàn Thắng [43] trong 60 ca u lành tính thanh quản có 50% bệnh nhân có viêm họng, viêm thanh quản hoặc viêm xoang sau. Theo Đặng Hiếu Trưng [53] trong 72 trường hợp u lành tính dây thanh, chứng viêm họng - thanh quản tái phát nhiều lần tới 83,3%. Có thể do ở nước ta khí
hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém dễ bị viêm mũi xoang, viêm họng – thanh quản. Tuy nhiên các đối tượng tham gia nghiên cứu của chúng tôi phần lớn thời gian mắc bệnh ngắn và vào viện khám trong giai đoạn sớm.
Rượu, thuốc lá cũng là nguy cơ gây nên u nang dây thanh. Theo nghiên cứu của Heipcke, Pascher và Rohrs có 30/50 trường hợp nghiện rượu và thuốc lá [47] gần tương đương với kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 10/29 bệnh nhân và do trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nữ giới chiếm nhiều hơn nam giới nên tỷ lệ sử dụng rượu bia và thuốc lá ít hơn.
Hội chứng trào ngược họng thanh quản là một trong những yếu tố liên quan đến nhóm bệnh khối u lành tính dây thanh. Trong hội chứng trào ngược họng thanh quản, dịch dạ dày trào ngược lên họng thực quản gây viêm thanh quản, viêm họng – thanh quản, viêm mũi xoang mạn tính... Là tiền đề hình thành các bệnh lý thanh quản mạn tính. Trong nghiên cứu của chúng tôi dù không ghi nhận trường hợp nào có tiền sử hội chứng trào ngược họng dà dày tuy nhiên qua khai thác có 5/29 bệnh nhân (17,2%) có tiền sử hay bị ợ hơi, ợ chua và nóng rát sau xương ức, các triệu chứng cơ năng thường gặp trên lâm sàng của bệnh. Tương đương với nghiên cứu của Vũ Toàn Thắng có 2 bệnh nhân u hạt bị trào ngược dạ dày họng thanh quản và tác giả Hoàng Thị Hòa Bình [54] trào ngược đơn thuần chiếm 13,3%.
Như vậy các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi xoang, viêm họng - thanh quản, viêm amydal mạn tính; hội chứng trào ngược họng - thanh quản và sử dụng rượu bia, thuốc lá là những yếu tố thuận lợi hình thành u nang dây thanh. Qua đó thấy rằng việc nhận thức đầy đủ về những yếu tố này có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành các khối u lành tính dây thanh góp phần quan trọng vào trong điều trị và phòng bệnh.
4.3. Kết quả cận lâm sàng
4.3.1 Vị trí khối u nang
Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy 96,6% khối nang nằm ở 1/3 giữa dây thanh, không gặp khối u nào ở 1/3 trước và 1/3 sau dây thanh. Chúng tôi ghi nhận 1/29 bệnh nhân có khối nang lớn xâm lấn toàn bộ 3 phần của dây
thanh. Tỷ lệ khối nang ở hai bên dây thanh phải và trái là tương đương nhau. Theo Nguyễn Quang Hùng nghiên cứu trên 44 bệnh nhân u nang dây thanh cũng cho tỷ lệ khối u ở 2 bên là như nhau, khối nang 1/3 giữa chiếm tỷ lệ cao nhất là 82,0%.`
Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ có 1/29 trường hợp có khối nang cả hai bên dây thanh. Trong nghiên cứu gồm 37 bệnh nhân của Zoran có 3 bệnh nhân có u nang 2 bên. Nguyễn Quang Hùng không báo cáo có trường hợp nào trong nghiên cứu của mình. Như vậy tỷ lệ gặp u nang 2 bên là rất thấp [7, 20].
Trong thực tế lâm sàng, nhiều tác giả nhận thấy phần lớn các khối nang xuất hiện ở những phần dây thanh có sự hoạt động chức năng mạnh, mặc dù ở chính những nơi đó lại rất ít tổ chức tuyến [20]. Hiện tượng lặp đi lặp lại trong thời gian dài dẫn đến tổn thương dây thanh mà nơi chịu chính là bờ tự do dây thanh, từ đó dẫn đến hình thành u nang dây thanh.
Vị trí 1/3 giữa dây thanh là vị trí đòi hỏi cao về độ mềm mại, tính thông thuận của niêm mạc dây thanh. Theo sinh lý phát âm, phần sóng rung động mạnh nhất cũng là 1/3 giữa [14]. Hơn nữa, theo cấu trúc vi thể của dây thanh thì tỷ lệ sợi chun và elastin lớp dưới niêm mạc (có tác dụng tăng sự đàn hồi trong rung động) tập trung nhiều ở 2/3 trước dây thanh hơn là 1/3 sau. Điều này có thể giải thích tại sao 1/3 giữa dây thanh là vị trí hay gặp nhất trong tổn thương u nang dây thanh.
4.3.2. Sóng niêm mạc
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 29 dây thanh có u nang trên tổng 29 bệnh nhân. Trong đó có 6,9% mất sóng niêm mạc trên khối nang và 78,6% có biên độ sóng giảm.
Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số tác giả khác: Shohet
[30] khi nghiên cứu 14 bệnh nhân u nang dây thanh có 93% mất sóng, 7% giảm sóng, Hirano [48] trong nghiên cứu của mình cũng đưa ra kết quả 100% mất sóng niêm mạc trên khối nang.
Như vậy có sự biến đổi về sóng niêm mạc ở bệnh nhân u nang dây thanh. Dựa theo thuyết thân vỏ của Hirano [48] thì quá trình viêm xảy ra ở niêm mạc, quá trình phát triển khối nang trong khoang Reinke’s và xu hướng
xơ hóa tổ chức xung quanh nang [49] đã làm thay đổi cấu trúc của lớp vỏ dây thanh gây tăng độ chắc của vỏ dây thanh, làm hạn chế hoặc mất sóng niêm mạc. Tác giả cũng đưa ra nhận định rằng xu hướng kích thước nang càng lớn thì biên độ sóng niêm mạc càng giảm. Điều đó có thể giải thích vì sao trong nghiên cứu của chúng tôi có 2/29 trường hợp mất sóng niêm mạc, đó có thể là do kích thước của nang quá lớn gây mất sóng.
Hơn nữa Monday [50] cũng chỉ ra rằng biểu mô niêm mạc phủ trên khối nang trở nên căng dãn ra, chuyển động của nó bị suy giảm dẫn đến hiện tượng giảm hoặc mất sóng niêm mạc.
4.3.3 Tình trạng tổn thương dây thanh âm đối diện
Dây thanh âm bên đối diện tổn thương gặp trong 5/29 trường hợp (17,2%). Trong nghiên cứu của Nguyễn Khắc Hòa [41] phần lớn đối tượng nghiên cứu gặp tình trạng dây thanh xung huyết, phù nề và có 62,8% dây thanh đối bên bị tổn thương kèm theo. Kết quả của chúng tôi thấp hơn nhiều so với nghiên cứu trước đó của Nguyễn Khắc Hòa do cỡ mẫu nhỏ, thời gian nghiên cứu ngắn, đây cũng là 1 hạn chế của đề tài.
Sự lạm dụng giọng, thói quen nói nhiều và gắng sức làm cho dây thanh luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến hiện tượng xung huyết, nề. Trong quá trình phát âm khối nang luôn va chạm và tiếp xúc với dây thanh đối bên gây nên phản ứng viêm đối bên. Trong nghiên cứu của Bouchayer cho kết quả 40% nang biểu bì có phản ứng viêm. Zoran cho tỷ lệ thấp hơn 20% ơ nang biểu bì và ở nang nhầy thường xuyên có phản ứng viêm [40,20].
4.3.4 Tính đối xứng
Trong hoạt động bình thường của thanh quản, chuyển động của hai dây thanh đối xứng. Một tổn thương bất kỳ nào ở 1 dây thanh cũng làm mất tính đối xứng. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 78,6% trường hợp mất đối xứng.
Kết quả nghiên cứu của tôi tương tự với Thomas [34] trong nghiên cứu 30 bệnh nhân có tổn thương lành tính dây thanh thấy có 27/30 trường hợp có mất tính đối xứng và với nghiên cứu của Nguyễn Khắc Hòa [41] khi có 100% bệnh nhân mất đối xứng.