Hiệu Quả Đối Với Chất Lượng Cuộc Sống Của Trẻ


người bệnh thông qua việc chỉ đánh giá các chỉ số về bệnh tật như triệu chứng, chỉ số về chức năng hô hấp, số lần nhập viện, số thuốc cắt cơn phải dùng, số ngày nghỉ học nghỉ làm, tỉ lệ tử vong…. của người bệnh hen. Chất lượng cuộc sống là một chỉ số đầu ra riêng biệt, nó độc lập với các chỉ số đánh giá khác do vậy nó cần phải được đánh giá riêng rẽ, bằng những công cụ đặc biệt. Đánh giá CLCS cho người bệnh hen cần phải được thực hiện ở mỗi lần thăm khám để từ đó giúp các thày thuốc chọn lựa các biện pháp can thiệp phù hợp với mỗi bệnh nhân. Điều này không chỉ giúp nâng cao và duy trì kiểm soát hen mà còn nâng cao CLCS cho người bệnh [73].

Coffman cũng có nhận xét, nếu như tất cả các nghiên cứu đều chứng tỏ GDSK có thể nâng cao hiểu biết của trẻ về bệnh hen thì ảnh hưởng của giáo dục sức khỏe đến tình trạng bệnh, số ngày nghỉ học và nhất là đến CLCS của trẻ cho đến nay vẫn tồn tại những kết quả trái ngược nhau [50].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, GDSK cho trẻ bị hen tại trường học do nhân viên y tế và giáo viên thực hiện đã có tác dụng nâng cao hiểu biết về bệnh hen cho trẻ, giảm triệu chứng ban ngày cũng như ban đêm của trẻ, giảm tỉ lệ trẻ phải nghỉ học vì hen, nâng tỉ lệ đạt kiểm soát hen cho trẻ nhưng kết quả tác động của biện pháp GDSK mà chúng tôi áp dụng đến CLCS của trẻ vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên theo đánh giá của rất nhiều tác giả thì trường học vẫn là môi trường lí tưởng để tiến hành các khóa huấn luyện về bệnh hen cho trẻ [49] bởi vì giáo dục sức khỏe về hen trong các trường học không chỉ giúp trẻ bị hen nâng cao kiến thức và kỹ năng xử trí bệnh mà còn giúp các thành viên khác trong nhà trường có được những hiểu biết nhất định về bệnh hen. Theo Horner, với tỉ lệ trẻ em mắc hen vẫn đang tăng cao thì việc tiến hành các khóa hướng dẫn GDSK về bệnh hen cho trẻ ở các trường học là hết sức cần thiết


nhằm cung cấp kiến thức về bệnh hen cũng như kiến thức và kĩ năng tự quản lí bệnh hen cho trẻ, giúp các thành viên trong trường học có thái độ tích cực đối với những trẻ bị hen [65]. Các thành viên nhà trường nên biết rằng nếu có trẻ bị hen theo học nhà trường cần phải tạo môi trường thuận lợi cho trẻ và do vậy giáo dục sức khỏe trong các trường học là công việc cần phải được triển khai và duy trì.

Hình thức các khóa giáo dục sức khỏe được áp dụng trong trường học ở khắp nơi trên thế giới, qua tìm hiểu của chúng tôi là hết sức phong phú: Cicutto tổ chức buổi GDSK cho trẻ bị hen ở các trường tiểu học với thời gian 50 phút 1 buổi và 1 lần 1 tuần trong 6 tuần liên tục bao gồm cả hướng dẫn về bệnh hen và cách sử dụng thuốc dạng xịt. Costa tổ chức chương trình cắm trại kéo dài 5 ngày để giáo dục về hen cho trẻ với các nội dung: giới thiệu những kiến thức về bệnh, cách sử dụng thuốc dạng hít và các hoạt động thể lực, thời gian mỗi buổi hướng dẫn là 20 phút 1 ngày trong 5 ngày liên tục. Theo chúng tôi, để cho chương trình GDSK về bệnh hen phù hợp với điều kiện Việt Nam, các buổi GDSK cho trẻ bị hen tại trường được chúng tôi tổ chức 1 tháng 1 lần bắt đầu vào đầu năm học (tháng 9) trong 4 tháng liền, thời gian của mỗi buổi GDSK là 40 phút tương đương 1 tiết học. Thời điểm thực hiện trong tháng là do nhà trường quyết định và thường chọn vào các ngày sinh hoạt tập thể để không ảnh hưởng đến lịch học của các em học sinh. Có một số lí do để chúng tôi lựa chọn thời gian bắt đầu hướng dẫn trẻ là tháng 9 đến tháng 12.

Thứ nhất, trong nghiên cứu này YTXH cơn hen thường gặp nhất của trẻ là do thay đổi thời tiết. Khí hậu của Hà Nội bắt đầu có những thay đổi bất thường vào tháng 9 và kéo dài đến tháng 3, đây là thời gian chuyển mùa vì thế hướng dẫn GDSK vào thời điểm này sẽ giúp các nhân viên y tế và các em học sinh có cơ hội trao đổi và phát hiện các YTXH cơn hen của các em hơn.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Thứ hai, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới, các em quay lại trường học sau một thời gian nghỉ hè do vậy lúc này nhân viên y tế cần dành thời gian trao đổi với các em về diễn biến của bệnh hen trong khi các em nghỉ học.

Thêm vài đó, có sự thay đổi về số học sinh theo học ở trường, một số em học sinh chuyển trường, khối lớp lớn kết thúc khóa học và số học sinh đầu cấp mới nhập trường vì thế nhân viên y tế cần tập hợp lại số học sinh mắc hen tiếp tục theo học ở trường.

Đặc điểm dịch tễ học bệnh hen phế quản ở trẻ em 13-14 tuổi và hiệu quả can thiệp bằng giáo dục sức khỏe ở hai quận của Hà Nội - 14

Trong các nghiên cứu can thiệp người thực hiện chương trình GDSK cho các em học sinh trong các nhà trường cũng rất đa dạng. Buổi GDSK mà Levy tổ chức ở các trường học có sự tham gia của cha mẹ các em [79]. Bruzzese thành lập nhóm chăm sóc hen cho trẻ trong các trường học gồm 1 điều dưỡng của trường học, 1 bác sĩ chỉ có thời gian làm việc 2 ngày trong 1 tháng ở trường, 1 nhân viên sức khỏe cộng đồng, 1 giáo viên và 1 cha mẹ học sinh. Ông nhận xét hoạt động của nhóm gặp khó khăn vì các thành viên thiếu thời gian dành cho việc này, vì thế tác giả đề xuất hình thức và thời gian của các khóa hướng dẫn GDSK về hen trong các trường học như thế nào là hiệu quả cần phải được nghiên cứu [39].

Nghiên cứu của chúng tôi chọn người hướng dẫn trẻ chính là các nhân viên y tế trường học và một số giáo viên nhà trường. Hiện nay tại tất cả các trường học trên địa bàn hai quận Thanh Xuân, Long Biên đã có nhân viên y tế trường học được biên chế chính thức và làm việc toàn thời gian ở trường. Không giống như trong nghiên cứu của Bruzzese khi ông thấy nhóm của ông không có nhiều thời gian cho việc hướng dẫn và quản lí bệnh hen cho trẻ tại trường học [39] chúng tôi không gặp trở ngại gì về nhân lực để thực hiện GDSK về bệnh hen cho các em học sinh tại các trường trong nghiên cứu này vì nhóm phụ trách bao gồm cả nhân viên y tế và 1-2 giáo viên nhà trường.


Trong 1 năm theo dõi, một số trường học mà chúng tôi triển khai có nhân viên y tế nghỉ làm việc vì nhiều lí do: ốm đau, thai sản thì chính các thày cô giáo trong nhóm sẽ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn GDSK cho các em học sinh và thậm chí là xử lí các tình huống cấp cứu cho các em. Hoạt động của các nhóm ở trường học trong 1 năm chứng tỏ ưu điểm của việc có các thày cô giáo trong nhóm đó là: do bản thân là các giáo viên của nhà trường nên các thày cô giáo trong nhóm sẵn có kĩ năng sư phạm, có hiểu biết về từng học sinh của trường và đã được tham gia khóa tập huấn về bệnh hen và kĩ năng xử dụng thuốc chữa hen dạng hít, các thành viên của nhóm nhận thức được việc làm của họ có ích cho các em học sinh nên họ đã hoàn thành buổi GDSK cho các em rất tốt, ở một số trường các giáo viên cũng đã góp phần hỗ trợ thành công các em học sinh bị hen xử trí cơn hen gắng sức ngay tại trường.

Bruzzes cho rằng hình thức và chương trình GDSK về hen cho trẻ cần được tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm của từng cộng đồng [39]. Do trước đây chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam về lĩnh vực này nên chúng tôi không có điều kiện để so sánh về hình thức và cách thức tổ chức các hoạt động của khóa giáo dục sức khỏe cho trẻ nhưng theo Wheeler, lựa chọn các thành viên phù hợp tham gia vào chương trình quản lí hen trong các trường học là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của chương trình [113]. Theo quan sát của chúng tôi, hiệu trưởng chính là người giúp xác định các thành viên tham gia nhóm quản lí hen trong các trường học phù hợp nhất.

Gần đây Chan đã tận dụng ưu thế tuyệt vời của truyền thông kĩ thuật số trong các hoạt động giáo dục sức khỏe về hen cho các em học sinh và người chăm sóc trẻ. Theo ông, việc sử dụng internet và các trang mạng được thiết kế sinh động sẽ dần trở nên phổ biến trong tương lai khi thực hiện hướng dẫn truyền thông về bệnh hen. Ông đánh giá những ưu điểm mà cách thức truyền đạt thông tin bằng phương pháp này mang lại đó là: thuận tiện, không mất


thời gian, trẻ và cha mẹ có thể chia sẻ thông tin bất cứ lúc nào mà không cần phải bận tâm đến thời gian và khoảng cách [45]. Qua quan sát cơ sở vật chất các trường học, chúng tôi thấy ở tất cả các trường học tham gia vào nghiên cứu đều có phòng học đa chức năng có lắp đặt máy vi tính và hệ thống mạng internet. Đây có thể là một gợi ý cho việc thiết kế xây dựng chương trình GDSK về bệnh hen có sử dụng máy tính và internet trong các trường học cho trẻ ở nước ta trong tương lai.

Hạn chế của đề tài

Sau 1 năm tiến hành nghiên cứu, chúng tôi cũng thấy nghiên cứu có một số hạn chế còn tồn tại. Trước hết, nghiên cứu chỉ thực hiện điều tra dịch tễ về bệnh hen trên đối tượng là các em học sinh đang học tại các trường học do vậy có khả năng đã bỏ sót những trẻ không đến trường. Thứ hai là nghiên cứu chọn chủ đích 2 quận vào nghiên cứu và không thực hiện can thiệp có đối chứng một cách ngẫu nhiên do vậy việc khái quát hóa kết quả nghiên cứu phần nào bị ảnh hưởng. Thứ ba là nghiên cứu không đưa cha mẹ trẻ vào trong nhóm để tham gia giáo dục sức khỏe cho trẻ tại trường nên điều đó có thể đã làm hạn chế tác động của giáo dục sức khỏe đến các chỉ số đầu ra nhất là đối với chất lượng cuộc sống. Một hạn chế nữa của đề tài này đó là thời gian tác động chỉ trong 4 tháng và theo dõi trong 12 tháng còn ngắn nhất là với nhóm trẻ chưa được kiểm soát hen.

Tuy nhiên nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam áp dụng biện pháp can thiệp giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho các trẻ bị hen sử dụng nguồn nhân lực sẵn có ở các trường học là đội ngũ nhân viên y tế và giáo viên. Với những kết quả đạt được và những hạn chế vẫn còn tồn tại của đề tài chúng tôi cho rằng đây sẽ là tiền đề để triển khai các nghiên cứu can thiệp sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo cho việc quản lý hen cho trẻ em lứa tuổi học đường được liên tục và nâng cao hiệu quả kiểm soát hen cho trẻ em trong cộng đồng.


KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học bệnh hen ở trẻ 13-14 tuổi ở hai quận của Hà Nội và hiệu quả của chương trình giáo dục sức khỏe tại trường cho trẻ bị hen chúng tôi rút ra được một số kết luận sau:

5.1 Đặc điểm dịch tễ học bệnh hen của trẻ

- Tỉ lệ được chẩn đoán hen của trẻ ở quận Thanh Xuân là 4,3% tương đương với quận Long Biên là 3,5% (p>0,05); Tỉ lệ được chẩn đoán hen ở nam là 4,4% cao hơn so với nữ là 3,5% (p<0,05).

- Tỉ lệ đang khò khè ở trẻ em quận Thanh Xuân là 8,0% thấp hơn quận Long Biên là 10,3% (p<0,05); Tỉ lệ khò khè nặng ở trẻ quận Thanh Xuân (3,8%) tương đương với quận Long Biên (3,9%) với p>0,05; không có sự khác biệt về tỉ lệ đang khò khè và khò khè nặng giữa nam và nữ.

- Có 29% trẻ đang bị khò khè ở quận Thanh Xuân và 24,1% trẻ đang bị khò khè ở quận Long Biên được chẩn đoán mắc hen. Trẻ khò khè nặng được chẩn đoán mắc hen ở quận Thanh Xuân là 31,9% còn ở quận Long Biên là 33,3%.

- Khoảng 70% trẻ bị hen phát hiện được yếu tố làm xuất hiện cơn hen trong 12 tháng vừa qua trong đó gần 50% trẻ có từ 2 yếu tố trở lên. Các yếu tố làm xuất hiện cơn hen thường gặp nhất là thay đổi thời tiết, cảm sốt, gắng sức, khói thuốc lá...

- Khoảng 40% những trẻ bị hen phát hiện yếu tố làm xuất hiện cơn hen là lông súc vật có vật nuôi trong nhà.


5.2 Hiệu quả can thiệp bằng giáo dục sức khỏe

5.2.1 Hiệu quả với tình trạng bệnh hen

- Trước can thiệp không có sự khác biệt giữa 2 quận về các đặc điểm triệu chứng bệnh hen: quận can thiệp tỉ lệ trẻ có triệu chứng ban ngày là 25,6%, triệu chứng ban đêm là 15%, ở quận chứng các tỉ lệ này lần lượt là 35,7% và 20,6% (p>0,05), giáo dục sức khỏe đã làm giảm triệu chứng ban ngày và triệu chứng ban đêm của trẻ ở quận can thiệp sau 1 năm, có sự khác biệt so với nhóm chứng (p<0,05).

- Có sự tăng tỉ lệ trẻ đạt kiểm soát hen tốt ở quận can thiệp từ 88,7% lên 94,6% sau 1 năm, mức tăng có ý nghĩa so với nhóm chứng (p<0,05).

5.2.2 Hiệu quả đối với tình trạng nghỉ học vì hen

- Giáo dục sức khỏe làm giảm tỉ lệ trẻ phải nghỉ học vì hen ở quận can thiệp từ 11,3% xuống còn 2,3% sau 1 năm, mức giảm có ý nghĩa so với nhóm chứng (p<0,05).

5.2.3 Hiệu quả đối với kiến thức về bệnh hen

Giáo dục sức khỏe có tác dụng nâng cao hiểu biết về bệnh hen của trẻ. Tỉ lệ trẻ có kiến thức tốt ở quận can thiệp tăng từ 2,3% lên 13,5% sau khi được giáo dục sức khỏe, có sự khác biệt so với nhóm chứng (p<0,05)

5.2.4 Hiệu quả đối với chất lượng cuộc sống của trẻ

Có sự suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ bị hen. Theo thời gian chất lượng cuộc sống của trẻ ở cả quận can thiệp và quận chứng đều tăng.

Giáo dục sức khỏe nâng cao điểm chất lượng cuộc sống lĩnh vực triệu chứng cho trẻ ở quận can thiệp từ 60,45 ± 11,17 lên 66,05 ± 7,21 sau 1 năm, có sự khác biệt so với nhóm chứng với p<0,05.

Giáo dục sức khỏe không có tác động cải thiện chất lượng cuộc sống lĩnh vực hạn chế hoạt động, cảm xúc và chung cả 3 lĩnh vực cho trẻ.


KIẾN NGHỊ


1. Cần triển khai những nghiên cứu tiếp theo để xác định tỉ lệ mắc hen và xu hướng mắc hen ở trẻ em.

2. Mô hình giáo dục sức khỏe tại trường về bệnh hen nên được triển khai rộng hơn cho các trường trung học cơ sở của Hà Nội, chú ý phát hiện và theo dõi các trường hợp hen chưa được kiểm soát. Cần duy trì hoạt động giáo dục sức khỏe về bệnh hen cho trẻ hàng năm và coi đây là hoạt động y tế thường xuyên trong các nhà trường.

3. Cần xem xét vai trò của hệ thống phòng máy đa chức năng ở các trường, xây dựng những mô hình quản lí bệnh hen cho học sinh có sự tham gia của cha mẹ và có sử dụng thiết bị máy tính, internet phù hợp với các cấp học.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 04/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí