Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 2

hướng dẫn. Đề tài khái quát những vấn đề chung về công bố thông tin trên TTCK Việt Nam, đưa ra thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện.

Các đề tài nêu trên đã đóng góp những kết luận khoa học quan trọng trong quá trình nghiên cứu pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin trên TTCK. Tuy nhiên, các đề tài đều được làm trước khi Thông tư số 52/2012/TT- BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 5/4/2012, do đó tính đến thời điểm hiện tại, chưa có đề tài luận văn nào khai thác những điểm mới tại Thông tư 52/2012/TT-BTC về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng(kể cả công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng chưa niêm yết). Do đó, những vướng mắc khi công ty đại chúng thực thi các quy định pháp luật và cơ chế công bố thông tin theo quy định mới chưa được đề cập. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng tại một số quốc gia có TTCK phát triển như Mỹ, Australia, Hàn Quốc… nhằm đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế; đồng thời đưa ra một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay là vấn đề cần được xem xét toàn diện và có tầm quan trọng không chỉ đối với công ty đại chúng mà còn đối với cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Có thể nói, đây là một vấn đề mới, có tính ứng dụng cao và đòi hỏi có những nghiên cứu toàn diện.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu:

Trên cơ sở làm rõ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK và đánh giá thực trạng công bố thông tin của các công ty đại chúng hiện nay, luận văn đưa ra phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật cùng những giải pháp khác nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng.

Nhiệm vụ nghiên cứu:

- Nghiên cứu những vấn đề chung về công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK và kinh nghiệm của một số nước nhằm rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam;

- Phân tích quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK;

- Đánh giá thực trạng công bố thông tin của công ty đại chúng tại Việt Nam hiện nay, từ đó tìm ra những khó khăn, bất cập cả về khía cạnh pháp lý lẫn thực thi nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng;

- Đưa ra một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

4. Tính mới và những đóng góp của đề tài

- Những vấn đề cơ bản về công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK;

Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 2

- Quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK;

- Những vướng mắc, bất cập của pháp luật và thực trạng áp dụng pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK;

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công bố thông tin của công ty đại chúng tại một số quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Australia, Hàn Quốc và đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế;

- Đưa ra một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng phù hợp với thực tế TTCK Việt Nam hiện nay.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu:

Đề tài nghiên cứu các khía cạnh về công bố thông tin đối với công ty đại chúng theo pháp luật Việt Nam. Các nghĩa vụ công khai thông tin khác không

được quy định theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán không thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Phạm vi nghiên cứu:

Đề tài chủ yếu làm rõ quy định pháp luật và thực tế tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK trong thời gian từ năm 2010 đến nay thông qua sự so sánh những điểm mới và tác động sau khi ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC so với Thông tư 09/2010/TT-BTC trước đây. Việc nghiên cứu thực tiễn tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng hiện nay chủ yếu đối với các công ty niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK Hà Nội và SGDCK thành phố Hồ Chí Minh).

6. Phương pháp nghiên cứu

- Điều tra và thu thập tài liệu để tổng hợp và phân tích theo phương pháp luận logic;

- Phương pháp so sánh;

- Khảo sát thực tế nhằm đưa ra các đánh giá, khuyến nghị thích hợp;

- Tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực công bố thông tin cho công ty đại chúng.

7. Kết cấu của luận văn

Luận văn được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề chung về công bố thông tin của công ty đại chúng và pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Chương 2: Thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Chương 3: Phương hướng, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG VÀ PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG TRÊN THỊ TRƯỜNG

CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM


1.1. Công ty đại chúng và công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán

1.1.1. Khái quát chung về công ty đại chúng

1.1.1.1. Khái niệm công ty đại chúng

Thuật ngữ “công ty đại chúng” (CTĐC) có nguồn gốc từ triết lý pháp luật phương Tây, họ lấy cá nhân (người) làm chủ thể pháp luật trong các giao dịch để quy nạp mọi tổ chức kinh doanh dưới tiêu chí “pháp nhân”. Tùy theo pháp luật từng quốc gia mà các tổ chức kinh doanh được định hình thành ba loại chính: (i) công ty, (ii) hợp danh, (iii) cá nhân kinh doanh. Tiếp đó, các học giả phương Tây tiếp tục chia công ty thành hai hình thức công ty nội bộ (private company hay privately held corporation) và công ty đại chúng (public limited company) [25]. Công ty nội bộ thường là dạng công ty quy mô nhỏ, có địa bàn, phạm vi hoạt động hẹp, được sở hữu bởi một số ít người (thường có dưới 50 người), không được huy động vốn rộng rãi, chịu sự giám sát và có yêu cầu minh bạch (về sổ sách, báo cáo) không cao, ít có khả năng bị thâu tóm và một số đặc điểm khác tùy theo pháp luật mỗi nước. Hình thức công ty nội bộ cũng được xem là giai đoạn tích lũy để chuẩn bị trở thành công ty đại chúng (thông qua phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng – Intial Public Offering hay gọi tắt là IPO) khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng để phát triển lớn mạnh. Ngược lại với hình thức công ty nội bộ, công ty đại chúng thường có địa bàn, phạm vi hoạt động rộng, có số cổ đông và quy mô vốn lớn. Thuật ngữ “công ty đại chúng” có thể

được quy định tại Luật Công ty (như Anh, Mỹ, Úc...) hoặc tại Luật Chứng khoán (như Ba Lan, Hungary…) trên cơ sở phân biệt với loại hình công ty nội bộ.

Ở Anh và nhiều nước theo hệ luật của Anh, công ty nội bộ được phân biệt với công ty đại chúng trên phương diện vốn. Luật công ty 2006 của Anh (the Companies Act 2006) quy định công ty nội bộ hay gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phần (private company limited by share) được tổ chức theo dạng cổ phần, có vốn thành lập nhỏ (chỉ cần một bảng Anh vốn cổ phần ban đầu là đủ). Còn công ty đại chúng (public limited company, viết tắt là Plc và bắt buộc phải ghi sau tên công ty) cần số vốn tối thiểu 50.000 bảng Anh, được huy động vốn và giao dịch cổ phần không hạn chế, số cổ đông tham gia không giới hạn và có tối thiểu hai thành viên quản trị thường trực.

Theo pháp luật Mỹ hay Úc, công ty đại chúng và công ty nội bộ được phân biệt chủ yếu trên số lượng cổ đông. Theo Luật Công ty 2001 của Úc (the Corporations Act 2001), công ty nội bộ (proprietary limited company, viết tắt sau đuôi tên công ty là Pty ltd và phân biệt với đuôi Ltd (không có Pty) của công ty đại chúng) là công ty có số cổ đông tối đa là 50 và các cổ đông phải là người ngoài, không làm việc cho công ty. Ngoài ra Điều 112 Luật Công ty Úc quy định các công ty đại chúng phải có ít nhất ba giám đốc và ít nhất một thư ký công ty, chỉ có công ty đại chúng mới có quyền huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Còn tại Mỹ, công ty đại chúng có tên gọi C. Corporation (công ty cổ phần có trên 100 cổ đông) nhằm phân biệt với S. Corporation - hình thức công ty chỉ được phát hành một loại cổ phần duy nhất, có số cổ đông không vượt quá 100 và cổ đông phải là cá nhân mang quốc tịch Mỹ.

Ngoài cách phân biệt dựa trên yếu tố vốn hay quy mô cổ đông, nhiều quốc gia định nghĩa công ty đại chúng theo hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng như tại khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán Ba Lan,“Công ty đại chúng là công ty có cổ phiếu của ít nhất một lần phát hành được chấp thuận cho giao dịch ra công chúng” hoặc theo quy định tại Điều 110 Luật Chứng khoán Bungari thì

“Công ty đại chúng là công ty đã phát hành ra công chúng lần đầu hoặc đăng ký với Ủy ban Chứng khoán về việc phát hành với mục đích tham gia giao dịch tại thị trường chứng khoán được quản lý”.

Từ các cách định nghĩa về công ty đại chúng trên cho thấy “công ty đại chúng” là doanh nghiệp đạt đến quy mô vốn và cách thức quản trị nhất định. Công ty có thể tổ chức dưới hình thức CTĐC ngay từ khi mới thành lập hoặc thông qua “bước chuyển” trong hoạt động thị trường chứng khoán - thủ tục phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO). Để xác định một công ty là CTĐC, các quốc gia thường căn cứ vào những tiêu chí nhất định như sau:

(1) Là tổ chức thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng;

(2) Là tổ chức có quy mô vốn lớn;

(3) Là tổ chức có số lượng lớn người sở hữu chứng khoán;

(4) Là tổ chức có chứng khoán giao dịch tại thị trường có quản lý (hay những công ty có chứng khoán niêm yết tại SGDCK).

1.1.2.2. Phân loại công ty đại chúng (dưới góc độ công bố thông tin)

Dưới góc độ công bố thông tin, tùy từng quốc gia sẽ phân loại công ty đại chúng theo tiêu chí niêm yết hoặc theo tiêu chí quy mô. Cụ thể như sau:

Nếu xét theo quy mô công ty, công ty đại chúng được phân loại gồm:

(i) Công ty đại chúng thông thường là công ty đáp ứng được các yêu cầu về tính đại chúng như có số lượng người sở hữu chứng khoán hoặc có quy mô vốn hoặc tổng giá trị các khoản nợ cao hơn các doanh nghiệp thông thường khác.

(ii) Công ty đại chúng quy mô lớn là các công ty đáp ứng được các tiêu chí về quy mô vốn, giá trị các khoản nợ hoặc quy mô cổ đông cao hơn so với các công ty đại chúng thông thường. Do đó, các công ty đại chúng quy mô lớn có trách nhiệm minh bạch thông tin cao hơn so với các công ty đại chúng khác.

Nếu phân loại theo tiêu chí niêm yết chứng khoán, công ty đại chúng gồm:

(i) Công ty đại chúng niêm yết là các công ty có chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

(ii) Công ty đại chúng không niêm yết là công ty đáp ứng tiêu chí về tính đại chúng nhưng không có chứng khoán niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Theo cách thức phân loại này, các công ty niêm yết phải chịu nghĩa vụ công khai thông tin nghiêm ngặt hơn các công ty đại chúng không niêm yết.

Kinh nghiệm quốc tế về phân loại công ty đại chúng:

Tùy từng quốc gia mà công ty đại chúng được phân loại theo tiêu chí quy mô công ty hoặc theo tiêu chí niêm yết, từ đó đặt ra các yêu cầu về CBTT phù hợp cho mỗi loại hình công ty.

Tại Mỹ - TTCK được coi là phát triển bậc nhất hiện nay, công ty đại chúng được phân loại theo quy mô, bao gồm: công ty công bố thông tin quy mô nhỏ (smaller reporting companies) và công ty đại chúng quy mô lớn (larger public company). Theo đó, công ty CBTT quy mô nhỏ là công ty có giá trị cổ phiếu lưu hành trong công chúng (public equity float) dưới 75 triệu USD hoặc công ty có mức doanh thu hàng năm dưới 50 triệu USD trong năm tài khóa gần nhất. Còn công ty đại chúng quy mô lớn là công ty có giá trị cổ phiếu lưu hành trong công chúng vượt quá 75 triệu USD hoặc doanh thu hàng năm vượt quá 50 triệu USD trong bất cứ năm tài khóa nào. Mức 75-50 triệu USD này được đánh giá lại 5 năm một lần tùy theo điều kiện lạm phát. Các công ty đại chúng quy mô lớn phải thực hiện nghĩa vụ CBTT nghiêm ngặt hơn các công ty có quy mô nhỏ. Còn công ty quy mô nhỏ có thể lựa chọn việc tuân thủ nghĩa vụ CBTT dành cho các công ty CBTT quy mô nhỏ hoặc các công ty quy mô lớn.

Tại Nhật Bản, Luật doanh nghiệp (Company Act) năm 2005 thay thế một phần Luật Thương mại (Commercial Code) quy định các loại hình doanh nghiệp, trong đó công ty cổ phần là đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan tới CBTT. Các công ty cổ phần bao gồm các công ty lớn và các công ty thông thường. Các công ty lớn (large company) được định nghĩa tại điểm vi Điều 2 Luật doanh nghiệp, là công ty thỏa mãn một trong hai điều kiện sau: (i) công ty có vốn hóa từ 500 triệu Yên trở lên (capitalized at ¥500 million

or more) hoặc (ii) có nợ từ 20 tỷ Yên trở lên vào thời điểm cuối năm tài chính (liabilities is at ¥20.000 million or more). Điểm khác biệt là các nhà lập pháp Nhật Bản coi tổng giá trị các khoản nợ cũng là căn cứ xác định quy mô công ty, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Còn tại Hàn Quốc - một trong mười TTCK phát triển nhất thế giới, công ty đại chúng được phân loại dựa trên yếu tố niêm yết, bao gồm công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng không niêm yết. Các công ty niêm yết trên SGDCK Hàn Quốc (Korea Stock Exchange - KSE) chịu trách nhiệm CBTT chặt chẽ hơn so với các công ty đại chúng khác không niêm yết. Tuy nhiên, nghĩa vụ CBTT của các công ty niêm yết trên KSE lại được phân biệt trên cơ sở quy mô của chính công ty đó. Với vai trò là một sàn giao dịch có tổ chức duy nhất ở Hàn Quốc, KSE được tổ chức thành ba (03) khu vực: Khu vực giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán phái sinh. Khu vực cho cổ phiếu được chia thành hai khu vực: Khu vực thứ nhất (KOSPI) dành cho các công ty có quy mô lớn, khu vực thứ hai (KOSDAQ) là dành cho các cổ phiếu mới được niêm yết hoặc cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ được giao dịch. Quy định về CBTT cũng dựa trên cơ sở Bảng niêm yết, trong đó các công ty niêm yết tại Bảng niêm yết chính KOSPI (gồm các công ty có vốn cổ phần từ 10 tỷ won trở lên) có nghĩa vụ CBTT cao hơn so với các công ty niêm yết trên Bảng KOSDAQ (gồm các công ty có vốn cổ phần từ 3 tỷ won trở lên). Ngoài ra, các quy định liên quan tới CBTT đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt đối với các công ty có quy mô lớn (large-sized corporation - các công ty có tổng tài sản trên 2 nghìn tỷ won), theo đó các công ty này phải chịu nghĩa vụ CBTT với mức độ nghiêm ngặt hơn các công ty khác.

Như vậy, các quốc gia có thể phân loại công ty đại chúng theo tiêu chí quy mô (như Mỹ, Nhật Bản…) hoặc tiêu chí niêm yết (như Hàn Quốc), tuy nhiên ngày nay cách phân loại công ty đại chúng theo tiêu chí niêm yết không được nhiều thị trường áp dụng bởi cách thức này tạo ra một khoảng cách khá lớn về trách nhiệm công khai thông tin giữa các công ty niêm yết và các công ty không

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2022