Sự gây hại quan trọng nhất của D. citri hiện nay là do chúng truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh vàng lá gân xanh (greening) cho cây có múi. Do đó, rầy chổng cánh trở thành đối tượng dịch hại nguy hiểm nhất hiện nay cho nhiều vùng trồng cây có múi trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, bệnh hiện diện trên khắp các vùng trồng cây có múi từ Bắc đến Nam và trầm trọng nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng truyền bệnh từ cây bệnh sang cây khỏe qua kim chích và nước bọt.
Triệu chứng vàng lá gân xanh: trên các chồi non, phiến lá thường hẹp, mọc thẳng đứng, lá có màu vàng nhưng gân lá còn xanh hoặc lá bị vàng loang lỗ. Trái nhỏ, tâm trái bị lệch, hạt nhỏ và thường bị nâu đen. Trong vườn có cây bệnh nặng, có cây lại không bệnh. Trên cây có nhánh bệnh, có nhánh không biểu hiện triệu chứng. Khi bị nhiễm nặng, một số cành sẽ bị chết khô. Cây cằn cỗi, trái nhỏ, năng suất giảm rõ rệt.
* Thiên địch:
Trong điều kiện tự nhiên của nhiều vùng tại Đông Nam Á, thành phần thiên địch của rầy chổng cánh rất phong phú, quan trọng nhất là các loài ong ký sinh Tamarixia radiata và Diaphorencyrtus. Các công trình nghiên cứu của Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã ghi nhận kiến vàng Oecophylla smaragdina có khả năng hạn chế cao sự bùng phát của rầy chổng cánh và tỉ lệ bệnh greening cũng rất thấp so với những vườn không có sự hiện diện của kiến vàng.
d) Sâu vẽ bùa Phyllocnistis citrella Stainton
Họ Gracillariidae, Bộ Cánh Vảy (Lepidoptera)
* Phân bố và ký chủ
Sâu xuất hiện nhiều ở các vùng trồng cam, quít trên thế giới như Ấn Độ, Nepal, Nhật, Pakistan, Philippines, Trung Quốc, các vùng miền bắc châu Úc, Việt Nam.
Loài sâu này chủ yếu gây hại trên nhóm cây Cam, Quít, Chanh, nhưng mức độ thiệt hại khác nhau tùy theo giống.
* Đặc điểm hình thái và sinh học
Có thể bạn quan tâm!
- Ấu Trùng Và Nhộng Của Miểng Kiếng Xanh
- Thành Phần Côn Trùng Hại Quan Trọng Trên Khoai Môn
- Thành Phần Côn Trùng Hại Quan Trọng Trên Cây Có Múi
- Thành Trùng Ngài Ophideres Fullonia Clerck Và Triệu Chứng Gây Hại
- Thành Trùng Va Ấu Trùng Rầy Idiocerus Niveosparsus Lethierry
- Sự Gây Hại Của Sâu Ăn Bông (A. Thalassodes Falsaria ,b.comibaena Sp. )
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
Ngài rất nhỏ, dài khoảng 2 mm, sải cánh rộng từ 4 - 5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt, hơi có ánh bạc. Cánh trước có dạng hình lá liễu, gốc cánh màu xám nhạt, phần còn lại màu trắng bạc hơi ngả vàng. Từ gốc cánh có hai vân dọc màu đen kéo dài đến giữa cánh. Khoảng 1/3 về phía đầu cánh có 1 vân xiên giống hình chữ Y. Phần đầu cánh có rìa lông khá dài màu đen. Cánh sau rất hẹp, màu xám đen, 2 rìa lông bên ngoài rất dài màu xám nhạt. Thời gian sống của ngài từ 4 - 5
ngày. Một ngài cái đẻ từ 40 - 50 trứng.
Hình 2.9: Thành trùng sâu vẽ bùa
Trứng hình bầu dục dẹp, rất nhỏ, khoảng 0,20 - 0,30 mm. Trứng mới đẻ trong suốt, sắp nở có màu trắng đục hơi ngả vàng. Thời gian ủ trứng từ 2 - 7 ngày.
Sâu mới nở dài khoảng 0,5 mm, thân màu xanh nhạt, gần như trong suốt, đầu màu nâu. Sâu lớn đủ sức dài khoảng 4 mm, màu vàng xanh, cơ thể không còn trong suốt. Mình sâu dẹp, có 13 đốt, hai đầu thon nhỏ, chân ngực và chân bụng đều thoái hóa, đốt cuối có hình ống dài. Ở giai đoạn chuẩn bị hóa nhộng, cơ thể sâu không còn dẹp mà chuyển sang dạng hình ống màu trắng ngả vàng đục. Sâu có 4 tuổi, phát triển trong thời gian từ 5 - 20 ngày tùy điều kiện ngoại cảnh.
Hình 2.10: Ấu trùng sâu vẽ bùa bên trong đường đục
Nhộng dài từ 2 - 3 mm, hai đầu thon nhỏ, lúc mới hình thành màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu nâu vàng với một gai rất nhỏ trên đầu. Nhộng phát triển trong thời gian từ 7 - 15 ngày.
* Tập quán sinh sống và cách gây hại
Ngài ít bị thu hút bởi ánh sáng đèn. Ban ngày ngài lẩn trốn trong tán lá cây,
ban đêm bay ra hoạt động và đẻ trứng, mạnh nhất từ 19 - 21 giờ. Từ 12 - 15 giờ sau khi bắt cặp ngài cái bắt đầu đẻ trứng. Khoảng 85% số trứng được đẻ trong vòng 2 ngày đầu. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, trung bình 2 - 3 trứng trên một lá hay một chồi non. Phần lớn trứng tập trung hai bên gân chính. Ngài thích đẻ trứng ở những vườn cam, quít dưới 4 năm tuổi.
Sâu mới nở đục ngay vào dưới biểu bì lá và tiếp tục đục ăn thành những đường ngoằn ngoèo như đường vẽ trên các lá bùa nên sâu có tên gọi là “sâu vẽ bùa”. Sâu sống bên trong đường đục và cạp ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục. Lớp biểu bì khi mới bị tách khỏi lớp nhu mô thường trong bóng, do đó rất dễ nhầm lẫn với vệt chất nhầy của ốc sên để lại trên mặt lá khi di chuyển. Sâu đục ăn tới đâu thường bài tiết phân đến đấy, nên vệt phân là một đường liên tục, giống như sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, sau thành màu nâu sẫm. Đường đục kéo dài và lớn dần theo tuổi sâu. Đặc điểm của sâu này là đường đục của một con sâu ngoằn ngoèo khắp mặt lá nhưng không bao giờ cắt ngang hoặc nhập chung vào đường đục của những sâu khác sống trên cùng một lá. Sâu chỉ có thể sống được trong điều kiện ẩm độ không khí cao nhưng khi mưa to, gió lớn, lớp biểu bì trên đường đục bị rách sâu sẽ chết sau một thời gian ngắn. Khi lớn đủ sức sâu thường đục ra bìa phiến lá nhả tơ, dệt kén kéo bìa lá lại che kín tổ kén. Cũng có đôi lúc sâu hóa nhộng ngay giữa phiến lá nhưng vẫn có khả năng kéo cả phiến lá che tổ kén. Tổ kén sâu vẽ bùa có màu rỉ sắt. Sau khi bướm vũ hóa thì võ nhộng thường nhô một phần ra ngoài tổ kén.
Lá bị sâu tấn công sẽ quăn queo làm hạn chế rất lớn sự quang hợp, chồi non ngừng tăng trưởng. Ngoài ảnh hưởng trên, những vết thương do sâu đục trên bề mặt lá hoặc chồi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri phát triển mạnh, gây ra bệnh loét cho cây cam, sau cùng các chồi non sẽ bị hủy diệt.
Các lá cam, quít hay chanh quăn queo, co rúm do sâu vẽ bùa tạo nên còn là nơi trú ẩn của nhiều loài sâu hại khác.
Hình 2.10: Triệu chứng gây hại của sâu vẽ bùa
* Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số
- Thức ăn: giống cây có lá cứng, mật độ túi tinh dầu trên lá cao thường ít bị loài sâu này tấn công. Sâu thích các vườn ươm hay vườn cây dưới 4 năm tuổi.
- Thời tiết: nhiệt độ nóng và khô các chồi non bị mất nước, sâu có thể bị hại đến 50%. Mưa nhiều đường đục bị rách, sâu bị chết nhiều.
- Thiên địch: ở giai đoạn sâu non và nhộng có thể bị Ong thuộc các họ Encyrtidae, Eulophidae ký sinh.
e) Các loài rầy mềm
Họ Rầy mềm (Aphididae) - Bộ Cánh đều (Homoptera)
Trên cam quít có 2 loài rầy mềm gây hại chủ yếu: Toxoptera aurantii và
Toxoptera citricidus.
* Phân bố.
Rầy mềm được ghi nhận xuất hiện ở các quốc gia trồng cam quít trên thế giới như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nhật, Sri - Lanka, Trung Quốc, Philippines, châu Úc.
* Ký chủ
Ngoài cam quít, các loài rầy mềm còn gây hại trên cây chanh, nhưng không quan trọng, trên mãng cầu, mít. Riêng loài Toxoptera aurantii còn có thể sống trên cây cacao, cây thuộc họ bầu ,bí, dưa ...
* Đặc điểm hình thái và sinh học
+ Toxoptera aurantii Boyer de Fonscolombe
Thành trùng có 2 dạng như các loài rầy mềm khác:
- Dạng có cánh: chân và râu đầu màu vàng nâu hơi nhạt, cuối mỗi đốt màu nâu. Râu đầu 6 đốt, ngắn hơn cơ thể. Cơ thể dài từ 1,44 - 1,80 mm. Vòi chích hút kéo dài đến đốt chậu chân sau. Ống bụng dài màu nâu đến nâu đỏ gần như nâu sẫm.
- Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,70 - 1,80 mm, màu nâu đỏ. Râu đầu 6 đốt.
Hình 2.11: Rầy mềm không cánh Toxoptera aurantii Boyer de Fonscolombe
+ Toxoptera citricidus Kyrkaldy
Thành trùng có 2 dạng:
- Dạng có cánh: cơ thể từ màu nâu đỏ đến đen, nhưng ngực đậm hơn. Râu đầu ngắn hơn cơ thể, màu nâu đỏ, chân và đoạn cuối của râu màu trắng, các đoạn nối các đốt râu cũng màu trắng. Chiều dài cơ thể từ 1,6 - 2,1 mm, rộng từ 0,8 - 1 mm. Vòi chích hút kéo dài khỏi đốt chậu chân sau, đốt cuối vòi nhọn và hẹp. Các chân màu sậm, riêng đốt chày màu nhạt. Bụng màu nhạt, có nhiều đốm đậm nằm rải rác. Ống bụng dạng trụ màu đậm.
- Dạng không cánh: cơ thể màu nâu đỏ, lớn hơn dạng có cánh, chiều dài từ 1,7 - 2,1 mm, rộng từ 1,1 - 1,35 mm. Trên cơ thể có nhiều lông dài và nhiều đốm màu rải rác.
Loài này thường đẻ con. Một rầy mềm cái có thể đẻ từ 1 - 16 con trong một ngày và đẻ trên 100 con trong suốt thời gian sống là 12 - 33 ngày.
Ấu trùng lột xác 4 lần trong khoảng thời gian từ 4 - 16 ngày tùy điều kiện môi trường và thức ăn. Dạng có cánh phát triển khi mật số nhiều và thức ăn không còn thích hợp và dạng không cánh hình thành khi thức ăn non mềm, điều kiện thời tiết thích hợp. Rầy mềm hoàn thành vòng đời khoảng 3 tuần, nếu điều kiện thích hợp có thể có 12 thế hệ trong một năm.
Hình 2.12: Rầy mềm Toxoptera citricidus Kyrkaldy
* Tập quán sinh sống và cách gây hại
Cả ấu trùng và thành trùng đều gây hại cho cây bằng cách chích hút nhựa lá và cành non làm giảm khả năng tăng trưởng của cây, lá non bị cong và biến dạng. Đồng thời sự gây hại của rầy mềm cũng làm cho trái bị chín sớm và giảm phẩm chất. Ngoài ra phân do rầy mềm thải ra có chứa đường sẽ thu hút nấm đen tới đóng trên thân hay lá sẽ làm giảm khả năng quang hợp của cây.
Rầy mềm còn là tác nhân truyền bệnh "Tristeza". Lá bị bệnh “Tristeza" trông rất giống triệu chứng cây bị thiếu dưỡng chất và rễ cây bị suy yếu, tiếp theo là chết các cành non.
Hình 2.13: Rầy mềm gây hại trên hoa và trái non
* Biện pháp phòng trị
Rầy mềm có rất nhiều thiên địch. Nếu thiên địch không khống chế được mật số rầy có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông dụng để trị; tuy nhiên rầy rất dễ phát triển mật số trở lại vì khả năng sinh sản rất cao và vì vậy nên rầy mềm có thể truyền bệnh từ cây này sang cây khác một cách dễ dàng.
f) Các loài rệp sáp
Có nhiều loài rệp sáp gây hại cam quít ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu gồm các loài sau:
+ Rệp sáp mềm xanh lục Coccus viridis (Green)
(Coccidae, Homoptera)
* Phân bố và ký chủ
Rệp sáp mềm có diện phân bố khá rộng, đã phát hiện được tại nhiều vùng trồng cam quít trên thế giới. Ở nước ta các vùng trồng cam quít đều có loài này hiện diện và đây là loài gây hại nguy hiểm cho cam quít.
Ngoài cam, chanh, quít, bưởi chúng còn có thể phá hại trên ổi và một số loại cây ăn trái khác.
* Đặc điểm hình thái và sinh học
Rệp cái trưởng thành của loài này có cơ thể hình bầu dục khá đều đặn (gần như đối xứng hai bên), màu xanh lục hơi ngả vàng, hơi dẹp so với các loài rệp sáp khác, dài 3-4 mm. Về phía đầu có hai đốm mắt đen nhỏ. Chân khá phát triển, có thể nhìn thấy từ mặt trên và có thể di chuyển được.
Con cái sinh sản mà không cần bắt cặp. Trứng nở bên trong mai sáp mỏng và ấu trùng tuổi 1 có chân để bò đi tìm chỗ cố định, lột xác sang tuổi 2 và sau đó thì trưởng thành. Vòng đời vào khoảng 4-6 tuần lể.
Hình 2.14: Rệp sáp mềm xanh lục Coccus viridis (Green)
* Tập quán sinh sống và cách gây hại
Loài này có khả năng di chuyển không những ở thời kì rệp non mới nở mà cả ở giai đoạn chuẩn bị đẻ trứng, nhưng chỉ phát tán một khoảng cách ngắn đến các cành lá gần nơi sinh sống. Chúng tấn công chủ yếu là ở các chồi non, lá non
hoặc trái non.
Rệp thường được các loài kiến bảo vệ để ăn mật, trong đó có cả kiến vàng. Tài liệu cho biết kiến ăn mật có thể làm hạn chế tỉ lệ chết của ấu trùng tuổi 1 vì nếu mật tích luỹ nhiều quá có thể lây bệnh hoặc dính chân rệp non trong khi di chuyển.
+ Rệp sáp giả Planococcus citri (Risso)
Họ Pseudococcidae - Bộ cánh đều (Homoptera)
Thành trùng hình thon, dài khoảng 3 mm, màu vàng nhạt đến vàng cam với 18 đôi tua sáp 2 bên hông và 1 đôi phía sau đuôi. Chất sáp chỉ bao phủ phần lưng của cơ thể. Một rệp cái đẻ từ 300 - 500 trứng.
Trứng màu vàng, nằm trong 1 túi do rệp cái tiết ra. Trứng được đẻ trên trái, lá hay chỗ nứt của vỏ. Thời gian ủ trứng từ 3 - 6 ngày.
Rệp gây hại bằng cách chích hút phần non cũa cây. Phân của rệp thu hút nấm đen tơi bám quanh nơi rệp định cứ làm ảnh hưởng đến quang hợp.
Hình 2.15: Rệp sáp Planococcus citri (Risso) và sự gây hại trên trái
+ Rệp dính Unaspis citri (Comstock)
Bộ Homoptera - Họ Diaspidae
* Phân bố
Rệp dính có nguồn gốc từ châu Á nhưng hiện nay chúng xuất hiện và gây hại tại nhiều vùng trồng cây có múi trên thế giới thuộc châu Á, châu Úc, châu Phi, Trung và Nam Mỹ. Tại Việt Nam rệp dính xuất hiện từ năm 1962, tuy nhiên chúng chỉ thành dịch hại phổ biến và quan trọng trong vài năm gần đây.
* Ký chủ
Ký chủ chính của rệp dính là các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh,… Tuy nhiên, rệp dính còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như mít,