Khó Khăn Trong Việc Xác Định Người Thừa Kế Do Một Số Quy Định Của Pháp Luật Còn Thiếu Hoặc Không Rõ Ràng

Tại đơn khởi kiện đề ngày 2-9-1993 và những lời khai tiếp theo tại Tòa án, ông Quách Miêng yêu cầu được chia căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang và thửa đất thổ mộ có diện tích 1985 m2 là di sản của cụ Quách Minh và cụ Lý Thị Hiền.

Vợ chồng cụ Minh và cụ Hiền có 7 con chung gồm các ông, bà: Quách Tín (trú tại Trung Quốc), Quách Lệ Vân (trú tại Mỹ), Quách Liêm (trú tại Pháp), Quách Lệ Nhơn (trú tại Úc), Quách Hoàng (chết, không có vợ con), Quách Trí và Quách Miêng. cụ Minh và cụ Hiền có con nuôi là bà Quách Lệ Chu.

Sinh thời, cụ Minh và cụ Hiền tạo lập được nhiều nhà đất tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Trước năm 1973, hai cụ đã phân chia một số nhà đất cho các con. Năm 1973, ông Trí bán căn nhà 39 Bạch Đằng, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (do cụ Minh và cụ Hiền cho) và về chung sống cùng hai cụ tại căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tháng 5-1973 cụ Minh chết không có di chúc.

Ngày 31-12-1974, cụ Hiền lập tờ "Tổng kết tài sản, cũng là chúc ngôn tổng quát" và "Tờ cho đứt đất thổ cư và phố trệt" phân chia tài sản và được các con của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý, có xác nhận của chính quyền nơi cụ Hiền sinh sống (phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Trong các văn bản nêu trên, cụ Hiền thể hiện ý chí để lại căn nhà số 2 (nay mang số 2A) Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang làm di sản thờ cúng "ngày nay cũng như ngày mai và vĩnh viễn được để lập hương hỏa", "căn nhà và phần đất này được xem như bất khả xử phân".

Ngày 27-5-1978, cụ Hiền lập giấy hiến cho Nhà nước 27 căn nhà và 2 thửa đất, trong đó có nhà đất mà cụ Minh và cụ Hiền đã phân chia cho các con chung của hai cụ. Các con của cụ Hiền không phản đối về việc này.

Tài sản của cụ Hiền và cụ Minh còn lại căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trên diện tích đất 483,53 m2 và thửa đất thổ mộ 1985 m2 (ngang thất Cao Đài) tại đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1980, cụ Hiền chết; ông Trí trực tiếp quản lý toàn bộ di sản của cụ Minh và cụ Hiền. Ông Trí đã kê khai, nộp thuế đối với đất thổ mộ. Ngày 1-3- 1990 Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang đã xác nhận ông Trí và bà Tô Thị Tám (vợ của ông Trí) là chủ sở hữu đối với thửa đất thổ mộ ngang thất Cao Đài tại "Giấy xác nhận đất hoa màu" do ông Quách Trí lập.

Ông Miêng khởi kiện yêu cầu được chia căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và thửa đất thổ mộ có diện tích 1985 m2 nêu trên.

Ông Trí không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của ông Miêng vì căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là di sản dùng để thờ cúng; phần đất thổ mộ ông trực tiếp quản lý, canh tác, nộp thuế, kê khai và đã được xác nhận là chủ sử dụng đất năm 1990. Trong quá trình quản lý, sử dụng thửa đất thổ mộ, ông có bán cho một số người và có chia một phần tiền, vàng cho ông Miêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Bà Quách Lệ Chu không yêu cầu chia thừa kế.


Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 11

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/DSST ngày 25-7-1995, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu của ông Quách Miêng được chia thừa kế căn nhà số 2A đường Nguyễn Đình Chiểu theo pháp luật.

- Xử: Chia cho ông Quách Miêng được hưởng kỷ phần bằng 1/6 của căn nhà số 2A bằng 77.881.381đ.

- Chấp nhận yêu cầu của ông Quách Miêng được hưởng phần nhà sau của căn nhà số 2A có diện tích bằng 111,19m2 có giá trị bằng 126.185.816 đ. Ông Quách Miêng phải có nghĩa vụ giao lại cho 5 thừa kế là Quách Tín, Quách Lệ Vân, Quách Lệ Nhơn, Quách Trí, Quách Liêm số tiền chênh lệch giá trị là 48.304.435đ khi nào 5 thừa kế này có yêu cầu thì ông Miêng phải giao.

- Khi sử dụng phần diện tích nhà sau ông Miêng phải mở lối đi riêng không gây ảnh hưởng đến phần nhà trước.

- Bác yêu cầu của ông Quách Miêng xin được chia tiền, vàng do ông Quách Trí sang đất.

- Giao Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá giải quyết theo thẩm quyền việc tranh chấp khu đất vòng mộ tại số 18 khu phố 3, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang giữa ông Quách Miêng và ông Quách Trí.

- Về án phí: Ông Quách Miêng phải chịu 5% án phí giá ngạch đối với kỷ phần di sản ông được hưởng là 3.894.700đ. Ông Miêng đã tạm ứng trước 1.000.000đ, ông phải nộp thêm 2.894.700đ.

Ngày 1-8-1995, ông Miêng kháng cáo yêu cầu được phân chia thửa đất mộ, số tiền, vàng do ông Trí bán đất và đề nghị xem xét lại về án phí.

Ngày 4-8-1995, ông Trí kháng cáo không đồng ý chia di sản thừa kế vì căn nhà 2A Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là nhà hương hỏa để thờ cúng.

Qua vụ án trên có thể thấy:


- Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế của cụ Minh và cụ Hiền, nhưng lại không đưa các ông, bà Quách Tín, Quách Lệ Vân, Quách Liêm, Quách Lệ Nhơn là con chung của cụ Minh và cụ Hiền đang định cư ở nước ngoài vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Ông Miêng khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế di sản của cụ Minh và cụ Hiền là căn nhà số 2A Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nhưng ông Miêng cũng thừa nhận là căn nhà nêu trên cụ Hiền đã lập di chúc để lại làm di sản thờ cúng và di chúc của cụ Hiền được các con chung của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý.

Như vậy, việc chia thừa kế đối với căn nhà nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là trái quy định của pháp luật về thừa kế. Tòa án đã không đưa các con của người để lại di sản thừa kế đang định cư ở nước ngoài vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời, trong quá trình giải quyết, cơ quan xét xử đã thiếu sót trong việc áp dụng quy định của luật tố tụng dân sự về xác định người tham gia tố tụng.

Trong một số vụ án hình sự có nội dung bồi thường thiệt hại, trường hợp người bị hại chết, những người thừa kế theo pháp luật của người bị hại cần được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra. Thực tế người chết có những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ nhất nhưng cơ quan điều tra đã không xem xét thấu đáo, không xác định đầy đủ diện những người được hưởng thừa kế của người chết nên đã không triệu tập những người này để họ tham gia tố tụng, ghi nhận ý kiến của họ về vấn đề cần giải quyết. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp người chết có vợ nhưng lại chung sống với người phụ nữ khác và có con nhưng cơ quan điều tra chỉ làm việc với người vợ mà bỏ quên quyền lợi của người con mà người chết đã chung sống với người phụ nữ khác, hoặc người chết còn cha, mẹ nhưng họ cũng không được triệu tập để tham gia tố tụng.

Vụ án 2: Tòa án xác định không đúng diện thừa kế đã ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn dân sự trong vụ án hình sự:

Nguyễn Quốc Sang lái xe ô tô gây ra tai nạn giao thông làm chết anh Nguyễn Ngọc Phan Tâm, anh Vũ Quốc Nam cùng với hai con anh Nam là cháu Vũ Thu Hà, Vũ Văn Quãng cùng 7 người khác bị thương.

Sau tai nạn, chủ xe ô tô là bà Nguyễn Thị Thoại đã bồi thường cho gia đình anh Vũ Quốc Nam 100.000.000đ. Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc bà Thoại tiếp tục bồi thường 12.600.000đ và bị cáo Sang bồi thường 2.000.000đ cho gia đình anh Nam (do anh Vũ Quốc Đông - em trai anh Nam đại diện); bà Thoại cấp dưỡng nuôi con anh Nam (theo giấy khai sinh) mỗi tháng 200.000đ đến khi cháu tròn 18 tuổi. Sau khi xét xử sơ thẩm, anh Đông kháng cáo đề nghị xử lại phần dân sự.

Bản án phúc thẩm tuyên buộc bà Thoại bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh Nam là chị Nguyễn Thị Phin số tiền 63.000.000đ (350.000đ/tháng x 180 tháng) và tiền mất thu nhập của anh Nam 1.500.000đ/tháng x 6 tháng là 9.000.000đ; tổng cộng là 72.000.000đ; ghi nhận sự tự nguyện của bà Thoại trợ cấp để nuôi con của anh nam là cháu Vũ Anh Tuyết mỗi tháng 200.000đ cho đến khi cháu trưởng thành; bà Thoại nộp án phí dân sự sơ thẩm 3.600.000đ.

Tại Kháng nghị số 04/2009/HS-TK ngày 06/05/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường tổn thất tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Nam và tiền án phí dân sự để xét xử phúc thẩm lại với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam khoản tiền tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000đ (350.000đ x 36 tháng) là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này, buộc bà Thoại bồi thường cho cả 03 người chết là 180 tháng lương (60 x 3 người), với số tiền

63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người là không đúng thực tế. Về thu nhập bị mất: Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì các khoản bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi

dưỡng, chăm sóc người bị thiết hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Anh Nam đã chết ngay sau khi bị tai nạn giao thông, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định buộc bà Thoại bồi thường tiền mất thu nhập của anh Nam được tính trong thời gian 06 tháng, mỗi tháng 1.500.000 đồng, với tổng số tiền 9.000.000 đồng là không đúng.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/HS-GĐT ngày 03/09/2009, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nhận xét trong vụ án này, một gia đình có ba người chết là anh Nam cùng hai con, nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn có những sai lầm như sau:

Về xác định tư cách người tham gia tố tụng: Sau khi anh Nam chết, ngoài chị Nguyễn Thị Phin là người thân gần gũi nhất, thì anh Nam còn có mẹ (bút lục 297). Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh để đưa mẹ của anh Nam tham gia tố tụng, mà xác định anh Vũ Quốc Đông là em trai anh Nam (được chị Phin ủy quyền) là người đại diện hợp pháp của người bị hại và quyết định buộc bị cáo, bị đơn dân sự bồi thường cho gia đình anh Nam là chưa đầy đủ và chính xác. Tòa án cấp phúc thẩm đã không khắc phục được sai lầm nêu trên, mà còn buộc bị đơn dân sự bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ anh Nam là không đúng, vì những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Nam gồm mẹ, vợ và con mới sinh cùng được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do anh Nam bị thiệt hại về tính mạng. Riêng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do cháu Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quãng bị thiệt hại về tính mạng thì chỉ có chị Phin (là mẹ của hai cháu) được hưởng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tính luôn cả ba trường hợp để buộc bị đơn dân sự bồi thường cho chị Phin là không đúng.

Về phần bồi thường dân sự: Ngoài tiền chi phí mai táng là 100.000.000 đồng mà bà Thoại bồi thường cho gia đình anh Nam, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam

khoản tiền tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Nam, nhưng khoản tiền bù đắp về tinh thần Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000 đồng là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này buộc bà Thoại bồi thường cho cả ba người chết là 180 tháng lương với tổng số tiền là 63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người cũng chưa phù hợp với thực tế. Ngoài việc bồi thường chi phí mai táng cho gia đình anh Nam, thì bị đơn dân sự còn phải bồi thường cho nhiều người khác, do đó khi giải quyết khoản tiền bù đắp về tinh thần đối với gia đình anh Nam, ngoài việc xác định vị thế của người bị hại trong gia đình, thì Tòa án cần xem xét, quyết định cho phù hợp với thực tế để đảm bảo khả năng thi hành án.

Vì những lý do nêu trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án hình sự phúc thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Nam, tiền án án phí dân sự và bản án hình sự sơ thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định.

3.1.2.2. Khó khăn trong việc xác định người thừa kế do một số quy định của pháp luật còn thiếu hoặc không rõ ràng

- Quyền thừa kế cho người được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, một số vấn đề mới nảy sinh nhưng pháp luật hiện hành chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh kịp thời, trong đó có việc xác định quyền thừa kế cho người được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại. Đây cũng là vấn đề xảy ra khá nhiều trong quá trình giải quyết về thừa kế của cơ quan xét xử.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cha mẹ đẻ và con đẻ được thừa kế theo pháp luật của nhau. Tuy nhiên, ngày nay, khi nền y học phát

triển vượt bậc, ngày càng có nhiều người mong muốn được sinh con theo phương pháp khoa học hiện đại như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm… Thực tế có những đứa trẻ ra đời theo phương pháp này nhưng không được sự đồng thuận của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (người vợ tự ý nhờ thụ tinh nhân tạo mà người chồng không biết hoặc thụ thai sau khi chồng đã chết do giữ lại tinh trùng của chồng trong ngân hàng tinh trùng...). Tuy vậy, vấn đề này pháp luật dân sự chưa có quy định cụ thể khiến Tòa án gặp nhiều lúng túng khi giải quyết tranh chấp về thừa kế có liên quan. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có khung pháp lý cho việc xác định cha mẹ cho con sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.


Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này".

Giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế không có quan hệ huyết thống, do đó căn cứ để hưởng thừa kế là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha mẹ, con.

Như vậy, theo tinh thần Điều 679 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên, quan hệ "chăm sóc, nuôi dưỡng" là một thuật ngữ rất chung chung, khó xác định cụ thể, đặc biệt là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Các tiêu chí để xác định thế nào là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế cũng như những căn cứ đánh giá thời gian nuôi dưỡng, mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào đều không được quy định cụ thể.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 06/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí