Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 12

Trên thực tế, tuy không cùng chung sống với nhau nhưng một trong hai bên vẫn có hoạt động nuôi dưỡng với sự quan tâm và yêu thương thật sự, hoặc tuy không có hoạt động nuôi dưỡng, chỉ có sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên về tinh thần nhưng mối quan hệ đó rất gần gũi, sâu nặng. Trong trường hợp này thì việc xác định giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con không thường chỉ mang tính chủ quan, cảm tính.

Như vậy, quy định thiếu cụ thể tại Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã gây rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình xét xử của Tòa án.

3.1.2.3. Vướng mắc trong xác định quyền hưởng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị về bản chất về bản chất không phải là thừa kế theo hàng nhưng có liên quan mật thiết với thừa kế theo hàng thừa kế. Giải quyết triệt để vấn đề thừa kế thế vị sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết quan hệ thừa kế theo pháp luật.

Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị, cụ thể là:

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống [27].

Quy định nêu trên nếu được hiểu theo câu chữ thì cháu hoặc chắt không được hưởng thừa kế thế vị nếu cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt trong trường hợp còn sống cũng không có quyền hưởng do bị tước, cho dù điều kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt đã chết trước hoặc cùng thời điểm với ông bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, ngoại. Cụ thể là Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hành vi vi phạm của người không được

quyền hưởng thừa kế của người để lại di sản. Trong trường hợp này các cháu, chắt sẽ không được hưởng thừa kế thế vị.

Quy định trên cho thấy quy định của pháp luật hiện hành đã không có sự kế thừa bản chất của thừa kế di sản với mục đích di sản của thế hệ trước chuyển cho thế hệ sau, trong trường hợp thế hệ trước qua đời. Mục đích của thừa kế là nhằm bảo vệ khối di sản của thế hệ trước sau khi chết được để lại cho các con, các cháu có quan hệ huyết thống xuôi. Các cháu hoặc các chắt được thừa kế thế vị nhận di sản của ông, bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, ngoại là căn cứ vào sự kiện cha hoặc mẹ của cháu đã chết trước hoặc cùng chết vào một thời điểm với ông, bà hoặc các cụ nội, ngoại. Tuy nhiên, quy định cháu được hường phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống đã không đảm bảo sự nhất thể hóa của pháp luật về thừa kế. Hơn nữa, hành vi trái pháp luật của người là cha, là mẹ trong quan hệ thừa kế theo trình tự hàng không thể đồng nhất với quy định về thừa kế thế vị của các cháu, các chắt. Quyền thừa kế thế vị của các cháu hoặc các chắt nội, ngoại không thể bị pháp luật tước bỏ khi giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự với tư cách cá nhân và hành vi của họ hoàn toàn độc lập nhau. Nói cách khác, các cháu không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm về hành vi của cha mẹ.

Qua phân tích, đánh giá những bất cập của một số quy định về diện và hàng thừa kế theo pháp luật, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện những quy định về diện và hàng thừa kế, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng, làm cơ sở áp dụng giải quyết các tranh chấp về thừa kế theo pháp luật hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

3.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ DIỆN THỪA KẾ VÀ HÀNG THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Hoàn thiện những quy định về diện và hàng thừa kế theo pháp luật có thể xem xét ở các vấn đề về người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế theo pháp luật, thừa kế thế vị.

Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 12

3.2.1. Về người thừa kế theo pháp luật

3.2.1.1. Người thừa kế được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại

Việc công nhận cha và quyền thừa kế cho những đứa trẻ sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong việc đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ mà còn mang lại tình thương yêu cho trẻ. Nếu xảy ra tranh chấp xuất phát từ vấn đề này sẽ hình thành suy nghĩ tiêu cực, gây mặc cảm cho những đứa trẻ.

Vì vậy, nên chăng trong thời gian tới cần bổ sung quy định cụ thể về thừa kế đối với những người được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại. Như vậy, khi phát sinh ra tranh chấp về thừa kế liên quan đến những người này thì nhà áp dụng pháp luật mới có cơ sở để giải quyết thấu tình đạt lý, nâng cao hiệu quả của công tác xét xử.

3.2.1.2. Thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Điêu 679 Bộ luật Dân sự quy định con riêng và cha, mẹ kế được thừa kế theo pháp luật của nhau (ở hàng thứ nhất) và con của người con riêng còn được thừa kế thế vị trong trường hợp người đó chết trước cha kế, mẹ kế.

Quy định chung chung tại Điều 679 đã dẫn đến sự không thống nhất giữa những nhà áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ việc có liên quan. Trong thực tiễn áp dụng nhiều trường hợp rất khác nhau. Nếu một trong hai bên chết, có trường hợp có trường hợp Tòa án cho người còn sống hưởng thừa kế nhưng có trường hợp chỉ trích công sức nuôi dưỡng, lo ma chay cho họ. Nhiều trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu con riêng được thừa kế vì tuy có ăn ở chung nhưng cơ quan xét xử nhận định bố dượng, mẹ kế không coi như con. Bên cạnh đó, có một thực tế khác là con riêng và bố dượng, mẹ kế đã có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con nhưng khi bố dượng, mẹ kế mất, vì không muốn con riêng được hưởng di sản mà những người thừa kế

khác không thừa nhận quan hệ nuôi dưỡng đã có. Trong trường hợp này thì quyền lợi của con riêng sẽ khó có thể được giải quyết và bảo vệ thỏa đáng.

Vì những lý do đó, pháp luật về thừa kế cần bổ sung quy định cụ thể về hưởng thừa kế giữa con riêng, bố dượng và mẹ kế để tránh tình trạng hiểu không nhất quán và áp dụng không thống nhất, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người có quyền hưởng di sản thừa kế.

3.2.2. Về hàng thừa kế theo pháp luật

3.2.2.1. Hàng thừa kế thứ hai

Điểm b Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Có thể thấy tại hàng thừa kế thứ hai, pháp luật quy định gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ bề trên và bề dưới với người để lại di sản là ông bà nội, ngoại và các cháu ruột mà người để lại di sản là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Những người có quan hệ huyết thống bàng hệ là anh, chị, em ruột của người để lại di sản.

Theo quy định trên, pháp luật đã quan tâm đến cơ cấu đối xứng về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ thừa kế theo hàng, vì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại được thừa kế của cháu ruột, do vậy, ngược lại cháu nội, ngoại phải được thừa kế theo pháp luật của ông, bà nội ngoại trong cùng một hàng. Tuy nhiên, quy định như vậy đã làm phức tạp thêm cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thứ hai, bởi vì cháu đã được thừa kế thế vị theo Điều 677 Bộ luật Dân sự, do vậy việc quy định cho các cháu nội, ngoại của người để lại di sản trong hàng thừa kế thứ hai là không thực sự hợp lý. Nếu quy định như pháp luật hiện hành thì cháu là một chủ thể được ưu tiên hưởng di sản thừa kế, nếu không thừa kế thế

vị thì thừa kế theo hàng khi có đủ các điều kiện nhận di sản hoặc theo hàng thừa kế thứ hai hoặc thừa kế thế vị hưởng di sản của ông, bà nội, ngoại. Quy định này được xem là một sự đổi mới về nội dung pháp luật thừa kế. Tuy nhiên, sự bổ sung này rất hiếm xảy ra trong đời sống thực tế, do vậy hiệu quả điều chỉnh của quy định này không cao.

Với phân tích trên, nhằm hoàn thiện quy định về hàng thừa kế thứ hai, cần thiết phải sửa đổi theo hướng: Không quy định cho cháu nội, ngoại được hưởng di sản ở hàng thừa kế thứ hai của người để lại di sản là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Theo giải pháp này, hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

3.2.2.2. Hàng thừa kế thứ ba

Điểm c Khoản 1 Điều 676 quy định hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Cũng như hàng thừa kế thứ hai, xuất phát từ cơ cấu đối xứng về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ thừa kế theo hàng, các cụ nội, ngoại được thừa kế theo hàng thừa kế thứ ba của chắt và chắt cũng được thừa kế theo hàng thừa kế thứ ba của cụ nội, ngoại.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chắt là một chủ thể được ưu tiên hưởng di sản thừa kế, nếu không thừa kế thế vị thì thừa kế theo hàng khi có đủ các điều kiện nhận di sản hoặc theo hàng thừa kế thứ ba hoặc thừa kế thế vị hưởng di sản của các cụ nội, ngoại. Tuy nhiên, cũng như phân tích đối với trường hợp các cháu ở hàng thừa kế thứ hai, chắt đã được thừa kế thế vị theo Điều 677 Bộ luật Dân sự, do vậy việc quy định cho các chắt của người để lại di sản trong hàng thừa kế thứ ba là không cần thiết. Vì lẽ đó, pháp luật về thừa kế nên sửa đổi theo hướng: Không quy định cho chắt nội, ngoại được hưởng di sản ở hàng thừa kế thứ ba của người để lại di sản là các cụ nội, ngoại.

3.2.3. Về thừa kế thế vị

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các cháu của người để lại di sản, thừa kế thế vị cần thiết phải đặt ra trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản nhưng người con đó khi còn sống đã bị kết án về một trong các hành vi theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005. Bởi lẽ xét theo hệ thân thuộc, cháu không có lỗi và cũng không chịu trách nhiệm về hành vi độc lập của bố, mẹ. Thiết nghĩ nên quy định cho cháu, chắt được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ khi còn sống có một trong các hành vi theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005, cần sửa điều 677 về "Thừa kế thế vị" theo hướng: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu thay cha, mẹ hưởng phần di sản của ông, bà; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt thay cha, mẹ hưởng phần di sản của các cụ" [27].

Như vậy, để các quy định về thừa kế nói chung, diện và hàng thừa kế theo pháp luật nói riêng phát huy hiệu quả trong thực tiễn đòi hỏi phải cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế định thừa kế nói chung, các quy định về diện và hàng thừa kế nói riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân và có tính tương thích với pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các vấn đề về người thừa kế, hàng thừa kế, thừa kế thế vị...được sửa đổi, bổ sung sẽ giúp cho việc giải quyết các tranh chấp được dễ dàng, giảm những sai sót đáng tiếc, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, việc hiểu và áp dụng đúng pháp luật cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xét xử các vụ án thừa kế. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về thừa kế, cần có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hoặc Thông tư liên ngành để việc áp dụng pháp luật được thống nhất giữa các ngành, giữa Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới, giữa các Thẩm phán khi xét xử các vụ án thừa kế.

KẾT LUẬN


Nghiên cứu về một hiện tượng xã hội hay một sự kiện pháp lý cần xem xét một cách toàn diện trong sự vận động và phát triển của các hiện tượng, sự kiện đó để tìm ra quy luật phát triển và bản chất của chúng, qua đó sẽ điều chỉnh pháp luật các quan hệ xã hội có hiệu quả.

Nghiên cứu về thừa kế, diện và hàng thừa kế theo pháp luật dưới nhiều góc độ sẽ làm rõ sự phát triển của quan hệ thừa kế có quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là với quan hệ sở hữu. Vai trò của chế định thừa kế là điều chỉnh các quan hệ sở hữu tài sản nhằm bảo vệ quyền thừa kế của cá nhân, củng cố quan hệ hôn nhân, gia đình và các giá trị văn hóa truyền thống.

Ở nước ta, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, do đó mọi hoạt động của Nhà nước đều lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng chủ đạo. Trong việc quản lý xã hội và điều chỉnh pháp luật, Nhà nước xuất phát từ quyền con người, lấy đó là mục đích điều chỉnh pháp luật. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến các quyền tự do, dân chủ và các quyền dân sự, kinh tế của nhân dân. Từ việc quan tâm đó, Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các quyền chính trị, dân sự, kinh tế của con người. Trong các quyền kinh tế thì quyền lao động, quyền sở hữu và thừa kế tài sản của cá nhân được Nhà nước tạo các cơ hội bình đẳng để mọi người thực hiện và thỏa mãn các nhu cầu phù hợp với năng lực và khả năng của từng người.

Như vậy, quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước bảo hộ. Tính chất đặc trưng của quyền này là sự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho cá nhân hoặc tổ chức theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tại các Bộ luật ở nước ta trước đây, những quy định về quyền thừa kế, diện và hàng thừa kế theo pháp luật có giá trị rất lớn trong việc góp

phần điều chỉnh và ổn định các quan hệ xã hội phát sinh. Các quy định này đã có sự kế thừa, hoàn thiện và phát triển qua các thời kỳ lịch sử cùng với sự phát triển và thay đổi về kinh tế, xã hội của đất nước.

Xuất phát từ cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế, pháp luật dân sự nước ta xác định người tham gia các quan hệ tài sản thay vị trí của người chết trong các quan hệ tài sản chỉ có thể là người còn sống vào thời điểm cái chết của người có tài sản xảy ra. Thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự năm 2005 xác định diện thừa kế dựa trên các quan hệ: Hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong diện thừa kế không phải ai cũng được hưởng như nhau mà căn cứ vào mức độ quan hệ gần gũi pháp luật đã chia thành ba hàng thừa kế. Theo quy định, người thừa kế trước hết là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái. Các cháu, chắt có thể được hưởng thừa kế nếu vào thời điểm mở thừa kế cha, mẹ của họ - những người có quyền hưởng thừa kế không còn sống. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang bằng nhau, hàng gần loại trừ hàng xa và không thể có hai người thừa kế ở hai hàng khác nhau cùng được hưởng di sản theo pháp luật.

Có thể thấy, vấn đề xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự năm 2005 xuất phát từ quan điểm coi gia đình là tế bào của xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi thành viên và sự ổn định trong gia đình. Thông qua quyền thừa kế nhằm giáo dục tinh thần, đảm bảo truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của các thành viên trong gia đình cũng như của toàn xã hội.

Về mặt kinh tế, quy định về thừa kế theo pháp luật nói chung, diện và hàng thừa kế theo pháp luật nói riêng tạo điều kiện cho mọi cá nhân yên tâm sản xuất, kinh doanh làm giàu hợp pháp cho cá nhân công dân, phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/11/2023