CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG Biên soạn Ts. Bùi Thị Nga 2008 - 15

Tránh thải Giảm thải Tái sử dụng

Tái chế

Xử lý

Thải bỏ


V.2.8. Sử dụng nước và tái sử dụng nước

Ở Việt Nam nguồn nước ngọt có được nhờ vào nước mưa hằng năm, với đặc điểm lượng mưa hằng năm từng vùng khác nhau, nơi cao tới hơn 2.000 mm, nơi thấp chỉ 600 - 700 mm; nhưng lượng mưa đó không phân đều trong năm mà tập trung vào một số tháng trong năm, trong tháng cũng chỉ tập trung vào một số ngày. Có những trận mưa hàng trăm ly trong ngày gây nên lũ lụt và nạn xói mòn đất nghiêm trọng; đồng thời tình trạng mưa phân bố không đều trong năm cũng gây nên những đợt hạn hán khắc nghiệt kéo dài. Vụ hạn từ cuối năm 2004 đến 2005 kéo dài tới mười tháng ở các tỉnh cực nam Trung Bộ và Tây Nguyên không những đã gây nên thiệt hại to lớn cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của cư dân trong vùng. Với những đặc điểm thiên nhiên và thiên tai kể trên, đòi hỏi chúng ta muốn có nền sản xuất, nhất là nông nghiệp, bền vững và ổn định cuộc sống của nhân dân, phải xây dựng một chiến lược sử dụng nước có cơ sở khoa học kết hợp kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trên thế giới và trong nước để sử dụng nguồn nước tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất.

Chiến lược sử dụng nước là một công trình khoa học mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực. Các nước trên thế giới và nước ta nhiều năm cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực chống xói mòn. Nhưng trong những năm của thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, do khai thác thiên nhiên, phát triển kinh tế thiếu khoa học, lãng phí tài nguyên, làm mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, nạn lũ lụt, hạn hán xảy ra hằng năm ngày càng trầm trọng, nạn thiếu nước ngọt cho cuộc sống và sản xuất đang trở thành nguy cơ số một của thế giới. Việt Nam cũng đang vấp phải tình trạng tương tự. Ðã đến lúc, các nước cần tính đến chiến lược nhằm từng bước giải quyết một cách cơ bản vấn đề bức xúc này. Nội dung cơ bản của chiến lược sử dụng nước bao gồm:

- Giải pháp giữ nước, giữ tại chỗ, giữ từng chặng, triệt để hạn chế lượng nước mưa chảy ra biển. Ðịa hình phần lớn các tỉnh nước ta đều có độ dốc đổ ra Biển Ðông, nếu không có những giải pháp giữ nước thì sau mỗi trận mưa tạo dòng chảy trên mặt đất chiếm tới 90% lượng nước mưa, làm xói mòn hàng chục tấn đất mùn và lượng nước mưa quý hiếm đó

nhanh chóng theo sông chảy ra biển. Các giải pháp giữ nước tại chỗ và từng chặng bao gồm tích trữ nước mặt, tăng lượng nước ngầm. Tổng thể các giải pháp là một hệ thống hoàn chỉnh chia nhiều bước, thực hiện trong nhiều năm; nhỏ và dễ làm trước, to và khó làm sau, tùy theo khả năng huy động nhân lực, tài lực của nhân dân và nhà nước. Trước mắt cần tổ chức một chương trình nghiên cứu xây dựng hệ thống giải pháp được bố trí thành hệ thống kế hoạch, chia bước hằng năm, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sản xuất bền vững và ổn định đời sống xã hội. Mỗi khi tạo được các công trình trữ nước lớn, nhỏ hay các đập tràn dâng mức nước, cần có kế hoạch sử dụng có hiệu quả nguồn nước mới được tạo nên, lấy hiệu quả kinh tế của bản thân nó để tạo điều kiện thực hiện tiếp kế hoạch của giai đoạn sau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

- Sử dụng nước hợp lý, phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cần hình thành một chương trình nghiên cứu khoa học để làm cơ sở phân phối nguồn nước quý hiếm này cho các lĩnh vực sử dụng như: cho cư dân thành thị và nông thôn, cho các ngành kinh tế quốc dân.

- Chống ô nhiễm nguồn nước sạch, hiện tượng khá phổ biến ở nước ta hiện nay là sử dụng nước lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước; đồng thời nước thải không xử lý càng làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước sạch. Nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là tăng cường tuyên truyền, nâng cao dân trí về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch, thực hiện các biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước sạch. Ba giải pháp trên bao gồm một hệ thống các giải pháp mang tính tổng hợp, cần được tiến hành đồng bộ mới đạt được yêu cầu hỗ trợ lẫn nhau, chi phí thấp, hiệu quả cao.

CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG Biên soạn Ts. Bùi Thị Nga 2008 - 15

- Tái sử dụng nước thải trong sinh hoạt cũng như trong các lĩnh vực sản xuất để quay vòng sử dụng nước nhằm tiết kiệm nguồn nước cho cộng đồng, không chỉ đem lại lợi ích về môi trường mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những vung khan hiếm nước hay thiếu nước sạch. Khái niệm tái sử dụng nước (TSDN) trong quá trình sản xuất và sinh hoạt đã có từ rất lâu. Những hoạt động tái sử dụng đã góp phần làm giảm giá thành và giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, vai trò của tái sử dụng như là nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu giá rẻ càng trở nên quan trọng hơn. Nguồn nước đầu vào cho tái sử dụng nước có thể coi là vô tận, vì có sản xuất là có nước thải và có cơ hội cho tái sử dụng. Mặc khác, tái sử dụng còn là một giải pháp hữu hiệu làm giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí xử lý chất thải và do đó hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, TSDN góp phần làm giảm các thiệt hại môi trường do nước thải gây ra, đồng thời nâng cao uy tín và giúp gắn mác sinh thái cho các sản phẩm của công ty. Xét trên tổng thể, thực hiện tốt biện pháp TSDN đem lại môi trường trong sạch hơn, cải thiện sức khỏe cộng đồng và là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Các lợi ích của việc TSDN không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Nhiều khi, những lợi ích môi trường và xã hội gián tiếp còn to lớn hơn những lợi ích kinh tế đo đếm được. Chẳng hạn, tái chế giúp khôi phục và duy trì một môi trường trong sạch và lành mạnh, nhờ vậy giảm các chi phí chữa bệnh và chi phí do nghỉ ốm. Môi trường trong lành cũng giúp phát triển ngành du lịch, kéo theo là các hoạt động kinh tế khác như nhà hàng, khách sạn, thương mại, cơ sở hạ tầng... Về lâu dài, việc duy trì sự phát triển bền vững quan trọng hơn nhiều so với tăng trưởng nóng trong một thời gian ngắn với chất lượng phát triển thấp, gây áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng và gây ra những vấn đề môi trường trầm trọng. Một xã hội phát triển bền vững là xã hội không những đảm bảo được các nhu cầu hiện tại của mình mà còn có khả năng đảm bảo nhu cầu cho các thế hệ tương lai. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và quan trọng

hơn là chúng có thể được tái sinh (Trần Hữu Uyển & Trần Việt Nga, 2000). Trong sản xuất bền vững lý tưởng, các nguyên, vật liệu được sử dụng trong những vòng khép kín với số chu kỳ vô hạn. Điều hiển nhiên là chúng ta chỉ có thể tiệm cận chứ không bao giờ đạt tới khái niệm sản xuất bền vững lý tưởng này. Nhưng "tiệm cận" đã là quá tốt so với tình hình hiện nay (Nguyễn Văn Ngừng, 2004).


V.3. MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Môi trường không khí là phần không gian bao quanh trái đất. Gồm nhiều lớp khí khác nhau. Năng lượng từ mặt trời chuyền qua khí quyển đến môi trường không khí thông qua sự trao đổi điện từ, phóng xạ, đối lưu, sự bay hơi, và cuối cùng là sự biến đổi nhiệt độ theo mùa theo độ cao và thời gian. Môi trường không khí là môi trường cực kỳ quan trọng trong sự phát triển và sinh tồn của nhân loại (Jorgensen, 1989). Là loại môi trường rất nhạy cảm, rất dễ biến đổi và lan truyền, sự lan truyền này không ở trong phạm vi một vài quốc gia, có thể lan rộng khắp cả châu lục. Môi trường không khí tuân theo những qui luật về môi trường khí hậu riêng của nó. Khi môi trường không khí bị ô nhiễm sẽ có ảnh hưởng trên qui mô rộng và gây nhiều bất lợi cho con người và sinh vật. Mối quan hệ giữa khí quyển và chất lượng môi trường không khí:

Tầng trên cùng của khí quyển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bề mặt trái

đất tránh được các tia tử ngoại từ mặt trời.

Khí quyển tương đối trong suốt để cho ánh sáng hiện hữu làm nóng bề mặt trái đất và ánh sáng này sẽ được sinh vật và thực vật sử dụng cho quá trình quang tổng hợp, và nó được dự trữ như dạng năng lượng tiềm ẩn trong các hợp chất hóa học hữu cơ.

Vòng quay của trái đất gây ra sự thay đổi hướng gió sự thay đổi này đã làm cho khối khí di chuyển quay vòng theo hình xoắn ốc. Khối khí trôn ốc này được đốt nóng dần bởi nhiệt độ và áp suất và năng lượng sẳn có trong hơi nước, từ đó có thể tạo ra bảo có sức tàn phá lớn.

Gió mùa cũng có thể tạo ra bảo, đó là sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa đại dương và đất liền. Gió mùa thường kèm theo mưa lớn kéo dài và đưa đến lũ lụt, nhưng gió mùa cũng mang lại độ ẩm cần thiết cho các vùng đất canh tác, mà những vùng này là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho con người trên thế giới.

Có nhiều biện pháp khả thi có thể kiểm soát thời tiết, nhưng không có hiệu quả do bởi các hoạt động của con người kể cả ý thức và vô thức. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo rằng các chất khí gây ô nhiễm mà con người thải vào bầu khí quyển sẽ được năng lượng bức xạ giữ lại và gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu điều này là bằng chứng rỏ ràng nhất con người đã phá vở cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên. Hiểu biết và vận dụng cũng như bảo vệ sự trong lành của bầu khí quyển là trách nhiệm của mọi người, là việc làm thiết thực nhất của hành tinh chúng ta vì sự sống còn của cộng đồng.

V.3.1. Nguồn và tác nhân gây ô nhiễm không khí‌

V.3.1.1 Các nguồn gây ô nhiễm chính

a. Họat động trong tự nhiên.

Ô nhiễm trong tự nhiên đó là sự bốc hơi từ quá trình phân giải chất hữu cơ, bão cát, tro khói, núi lửa, sự phát tán của phấn hoa...

b. Họat động của con người.

- Ô nhiễm do giao thông được sản sinh từ ống khói, ống xã của các xe trong đó chứa nhiều chất khí CO, NO, NO2; những hạt bụi chì, các hợp chất của benzen và dẫn xuất của benzen gây ra ung thư. Giao thông càng phát triển thì ô nhiễm không khí càng nặng. Theo tổ chức đo lường chất lượng không khí trên thế giới cho biết, ô nhiễm không khí đã làm cho bệnh đường hô hấp tăng lên gấp đôi. Ngoài ra ô nhiễm không khí gây nhiều thiệt hại cho sinh vật và tài sản của nhân dân. Ở các nước phát triển, nước Pháp được xem là nước bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất, kế đến là Mỹ, Úc, Nhật, Bỉ.

- Ô nhiễm công nghiệp gây ra từ ống khói của các nhà máy, nhất là các nhà máy có trang thiết bị lạc hậu, chưa có bộ phận xử lý chất thải. Mỗi ngành công nghiệp tạo ra những nguồn gây ô nhiễm khác nhau:

+ Ô nhiễm không khí từ nhà máy lọc dầu: HC, SOx, COx, NOx.

+ Nhà máy cao su chất dẻo tạo ra các chất có khả năng gây ung thư cao.

+ Nhà máy thuốc lá tạo bụi và mùi hôi nicotine.

+ Nhà máy điện và lò nung tạo ra SOx, NOx, CO2, CH4.

+ Nhà máy sơn tạo ra nhiều bụi và hỗn hợp hydrocacbon.

+ Các nhà máy chế biến thực phẩm tạo ra bụi và amoniac.

Ở Việt Nam. nhất là ở TPHCM ô nhiễm không khí chủ yếu là do các hoạt động công nghiệp, bởi vì theo thống kê có khoảng 700 nhà máy công nghiệp, 30.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, và hàng trăm cơ sở đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề lớn về môi trường ở TPHCM khi bước vào thế kỹ 21.

- Ô nhiễm do sinh hoạt: đốt củi than để sưởi ấm . Quá trình đốt cháy này đã tạo ra CO2 và CO. Ngoài ra hút thuốc lá cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Trong khói thuốc có khoảng 22 chất độc, ngoài ra có một số chất gây ung thư không những cho người nghiện, mà cho cả những người xung quanh đó. Công trình xây dựng do nhu cầu ngày càng tăng. Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm đáng kễ về bụi, tiếng ồn.

- Ô nhiễm do nông nghiệp chủ yếu là do đốt rừng làm rẫy, làm cho khí CO2 tăng lên nhiều, tạo hiệu ứng nhà kính. Khí CH4 tạo ra do sự phân hũy các chất hữu cơ, nguồn này đáng kể sản sinh ra từ trang trại chăn nuôi hoặc từ các đống rác xử lý không đúng kỹ thuật. Các chất này không những gây ô nhiễm môi trường, làm tăng hiệu ứng nhà kính và phá hũy tầng ôzon. Các vùng rừng nhiệt đới, đất ướt là nơi có dồi dào các nguồn gây ô nhiễm như đã nêu trên.

V.3.1.2 Các tác nhân gây ô nhiễm chính‌

a Dẫn xuất của Cacbon.

Dẫn xuất cacbon có tỉ lệ lớn trong các khí gây ô nhiễm môi trường không khí, chúng bao gồm:

- CO2 có từ các động cơ, các lò nung nguyên liệu, lò sưởi, quá trình quang hợp hô hấp của thực vật... CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như gây trở ngại cho hô hấp, tổn hại cho sự trao đổi của phổi với cơ quan khác. Nếu trầm trọng làm giảm sự khả năng vận chuyển oxy trong máu đến các tế bào khác.

- CO do các hoạt động lên men yếm khí, đốt rừng trong vùng ẩm ướt, đốt nhiên liệu, kỹ nghệ, giao thông đi lại. CO là chất không mùi không màu tồn tại ở nhiệt độ -192oC. Do vậy tuổi thọ của nó trong khí quyển rất lâu từ 4-5 năm. Con người rất nhạy cảm với CO, nếu như bị ngộ độc sẽ làm giảm hồng cầu, hay quên, trầm trọng sẽ gây tử vong nếu như nồng độ CO vượt quá 2%.

- CHx, là thành phần quan trọng của ô nhiễm không khí. Có nguồn gốc nhân tạo từ các máy nổ, lò đốt công nghiệp. Nó cũng có thể hình thành từ tự nhiên khi có điều kiện thích hợp.

b. Dẫn xuất của S.

- SOx, đến từ sự khai thác dầu mõ, kỹ nghệ cơ khí, đốt nhiên liệu....Chủ yếu có SO2 và SO3. Chúng là những chất không màu có mùi đặc trưng. Hoạt tính của nó lệ thuộc vào độ ẩm, chất xúc tác, cường độ ánh sáng măt trời.

- H2S là chất gây mùi hôi khó chịu, nó có nguồn gốc từ sự dư thừa chất hữu cơ, các quá trình tinh chế dầu mỏ, các khu vực chế biến thực phẩm. Ở nồng độ thấp gây nhức đầu khó chịu, nhưng ở nồng độ cao, sẽ gây nhiễm độc đường hô hấp.

c. Dẫn xuất của N

NO và NO2 thường gặp trong các đô thị công nghiệp, những nhà máy hóa học chế tạo H2SO4, sự sản xuất nylon, các động cơ nổ, dầu cặn. Dẫn xuất của N có từ tự nhiên trên phạm vi toàn cầu, nguồn nhân tạo chỉ đến từ một số vùng bị ô nhiễm, đặc biệt ở các trung tâm đô thị, cao gấp 10-15 lần vùng nông thôn. NO2 ở nồng độ 15-50 ppm sẽ gây nguy hiểm cho tim và phổi.

- NOx trở thành chất gây ô nhiễm trong khí quyển, mà còn tham gia vào các quá trình quang hoá, gây nên phản ứng khác làm ảnh hưởng tầng ozon và hiệu ứng nhà kính.

- NH3 có trong các thiết bị làm lạnh, các nhà máy sản xuất phân đạm, acid nitric, các quá trình phân giải chất hữu cơ. Chúng có mùi khó chịu, gây viêm đường hô hấp cho người và động vât. Dễ hòa tan trong nước, nên gây độc cho các loài thủy sinh vật.

d. Các chất gây ô nhiễm không khí đặc biệt

- Chì là chất quan trọng gây ô nhiễm không khí. Có nguồn gốc từ các động cơ nổ, từ không khí xâm nhập vào môi trường đất, vào cây, nước và vào cơ thể qua

chuỗi thực phẩm. Chì có ảnh hưởng đến gan thận, đường tiêu hóa, và thần kinh.

- Thủy ngân, do các kỹ nghệ khai thác quặng mỏ, thiêu đốt than, kỹ nghệ tạo chất kiềm, bảo quản hạt giống đã đưa lượng lớn thủy ngân vào môi trường.

e. Các hợp chất hữu cơ.

Các hợp chất hữu cơ được sinh ra trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn ở các động cơ, và quá trình sản xuất ở nhà máy lọc dầu. Các sự cố rò rỉ các đường ống dẫn khí đốt, trong các ngành công nghiệp như: sơn, in, dệt, nhuộm. Chúng là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, thường rất độc với người, do chúng có khả năng gây ung thư. Một số chất hữu cơ khác có mùi rất khó chịu, có thể gây độc cho con người.

f. Các hợp chất chứa halogen.

Các hợp chất HF và SiF4 có từ quá trình sản xuất phân bón phốtphát, công nghiệp sứ, luyện nhôm, sản xuất gạch....Chúng gây ra bệnh sụn xương, viêm phế quản, tổn thương răng. Các chất HCl, Cl2 sinh ra trong quá trình gia công chế biến có sử dụng clo.


V.3.2 Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí

V.3.2.1 Ảnh hưởng ô nhiễm không khí trên thời tiết khí hậu.

- Làm giảm cường độ ánh sáng, tăng nhiệt độ, làm trái đất nóng dần lên. Sự tác hại này có qui mô toàn cầu.

- Gây ra sự thay đổi thời tiết thất thường, có thể giảm nhiệt độ trung bình hàng năm ở

vùng bắc bán cầu.

- Gia tăng hiệu ứng nhà kính, gây sự bất ổn về thời tiết trong phạm vi toàn cầu.

- Lỗ hổng tầng ozon ngày càng lớn, tạo điều kiện ánh sáng tử ngoại xâm nhập gây ung thư da, đục thuỷ tinh thể, giảm khả năng miễn nhiễm, hoặc gây chết cho nhiều sinh vật.

- Các chất ô nhiễm gây ra hiện tượng mưa acid, làm tăng độ acid trong đất và nước. Gây tác hại rất lớn cho hệ sinh thái. Phá hủy các vật liệu của khí, sinh, thủy, địa quyển. Tạo ra biến đổi rất lớn trong hệ sinh thái.

- Thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra hàng năm là rất lớn, tác động xấu trên nhiều mặt khác nhau, rất dễ lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

V.3.2.2 Tác động đến sức khỏe con người

- Tạo nên một số bệnh nghề nghiệp, chủ yếu trên cơ quan hô hấp và trên da. Ngoài ra gây ra bệnh dị ứng trên da và một số cơ quan khác. Có thể gây ra bệnh ung thư khi nhiễm nặng các chất phóng xạ hoặc kim loại nặng.

- Gây ra sự suy yếu cơ quan thần kinh.

V.3.2.3 Tác động đến sự phát triển của thực vật.

- Giảm khả năng quang hợp do giảm cường độ sáng và tổn hại đến thân lá.

- Giảm kích thước cây, biểu hiện bất thường như phình to, xoắn lại,... Tạo ra sự dị dạng cho cây.

- Thay đổi màu tạo ra màu khác thường của thân hay lá.

V.3.2.4 Tác hại trên công trình xây dựng, nguyên vật liệu‌

- Có tác hại trên công trình xây dựng trên mặt đất, ngành may, dệt, thủy tinh...

- Làm thay đổi màu hay hóa đen, hoặc dẫn đến ăn mòn vật liệu. Gây thiệt hại trầm trọng về mặt kinh tế.

- Mất tính co giãn của nguyên vật liệu, giảm chất lượng.

- Gia tăng sự ăn mòn kim loại do SO2, hoặc do ẩm ướt.

- Phân hũy đá thành dạng dễ hòa tan và dễ bị rửa trôi.

V.3.2.5 Tác hại trên tài nguyên rừng

- Giảm nhanh chóng diện tích rừng do sự thay đổi bất thường về khí hậu cũng

như sự xáo trộn hệ sinh thái. Khảo sát trong năm 1980, mật độ cây, sản lượng cây con giảm khoảng 50% trong vòng 15 năm.

- Mưa acid gây thiệt hại trên chồi, và rễ từ đó làm giảm chức năng của hệ sinh thái rừng, gây ra sự suy thoái rừng.

- Dễ dàng gây ra sự cháy rừng hàng loạt do sự khắc nghiệt của khí hậu.


V.3.3 Một số ảnh hưởng của ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu

V.3.3.1 Mưa acid

Rất nhiều nguồn ô nhiễm tự nhiên hoặc nhân tạo đưa vào khí quyển dạng khí mang tính acid như SO2, NOx, HCl... Trong quá trình tạo mưa, các acid này phản ứng với hơi nước trong khí quyển sinh ra các acid như là: H2SO4, H2SO3, HNO3. Các giọt mưa này mang tính acid, pH thấp có khi cá biệt pH=2. Những acid này sẽ theo mây di chuyển khắp nơi, và theo mưa rớt xuống đất gây các tác hại sau:

- Làm tăng độ acid của đất, hủy diệt rừng, mùa màng, gây nguy hiểm đối với sinh vật trên trái đất, làm hư hỏng nhà cửa, cầu cống và các công trình lộ thiên cũng như công trình ngầm.

- Mưa acid làm tăng khả năng hòa tan của một số kim loại nặng, gây ô nhiễm hóa học.

Gây nhiễm độc cho con người thông qua chuỗi thực phẩm.

- Tác hại của mưa acid là đa quốc gia, do vậy ảnh hưởng của nó rất nghiêm trọng đối với sự sống của sinh vật.

V.3.3.2 Hiệu ứng nhà kính

Cùng với việc tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, thì lượng CO2 thải ra càng nhiều, và chúng được tích lũy dần trong khí quyển. Lượng CO2 được hấp thu bởi quá trình quang hợp bị giảm do diện tích rừng bị giảm nhanh, đưa đến lượng CO2 trong khí quyển tăng nhanh. Dần dần hình thành lớp khí CO2 dày đặc bao quanh trái đất. Lớp này đã giữ nhiệt từ bức xạ mặt trời, và làm cho nhiệt độ của trái đất tăng lên. Đây được gọi là hiệu ứng nhà kính. Ngoài CO2 có các chất khác cũng góp phần gia tăng hiệu ứng nhà kính như: CH4, CFC. Trong khí

quyển hàm lượng hai chất này thấp hơn rất nhiều lần so với khí CO2, nhưng khả năng giữ nhiệt của hai chất này khá mạnh hơn CO2. Tác hại của hiệu ứng nhà kính:

- Nhiệt độ tăng, làm tan lớp băng ở hai cực, do vậy mực nước biển sẽ tăng lên, dễ gây ra lũ lụt đối với các quốc gia có bờ biển thấp.

- Nhiệt độ tăng, làm tăng các quá trình chuyển hóa sinh học và hóa học, gây nên sự mất cân bằng về lượng và chất trong cơ thể sống.

- Làm mất cân bằng sinh thái do các hiện tượng mất cân bằng CO2 của đại dương và khí quyển

- Theo dự báo nhiệt độ trái đất sẽ tiếp tục tăng nếu như hiện tại ta không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính.

V.3.3.3 Tầng ôzôn và lỗ thủng tầng ôzôn

Quá trình hình thành và phân hũy ôzôn diễn ra đồng thời nên chu trình tồn tại của nó trong khí quyển rất ngắn. Lượng ôzôn cao nhất ở tầng bình lưu ở độ cao 25 km, với nồng độ khoảng 5-10 ppm. Tầng ôzôn bị suy giảm là do các khí thải vào bầu khí quyển có sự hiện diện của khí trơ. Dưới tác dụng của tia hồng ngoại chúng phân ly thành các nguyên tử tự do. Các nguyên tử này sẽ tạo nên phản ứng với ôzôn và biến ôzôn thành oxy. Một số các chất khác có khả năng tham gia vào các phản ứng phân hũy ôzôn như: CO, CH4, NOx và các hợp chất hữu cơ. Như vậy, sự giảm nồng độ ôzôn ở các cực trái đất mà các nhà khoa học ghi nhận được, có thể là do các chất sinh ra từ hoạt động con người như: CH4, NOx, HCl, Cl2...Tác dụng của tầng ôzôn: bảo vệ cho mọi sinh vật tránh khỏi tai họa do bức xạ của tia tử ngoại. Nếu như tầng ôzôn bị suy giảm thì nó sẽ gây ra thảm họa đối với mọi hệ sinh thái trên trái đất.


V.3.4 Ô nhiễm không khí trong gia đình

- Do khói thuốc.

- Các hoá chất được sử dụng trong các vật dụng trong nhà như: trần nhà, sơn tường, các loại thảm có chứa các chất chống mối mọt, chống vi khuẩn, nấm, côn trùng gây hại.

- Do sinh hoạt bừa bãi không hợp vệ sinh không đúng khoa học nên thường xảy ra hiện tượng thừa khí CO2, hoặc các khí độc khác.

- Do khí đốt từ các bếp hoặc do sưởi ấm.

Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong nhà đôi lúc rất cao vượt rất nhiều lần nồng độ của ô nhiễm không khí. Do vậy, ở các nước đang phát triển, việc thiết kế xây dựng rẻ, hiệu quả, không ô nhiễm không chỉ tiết kiệm trên tài nguyên mà còn có tác động lớn trên sức khỏe. Đây là vấn đề rất bức xúc cho sự an sinh của cộng đồng.


V.3.5 Các khu vực đô thị và ô nhiễm không khí do đô thị hóa

- Ô nhiễm tại các thành phố lớn thường tập trung trong diện tích nhất định nên gây tác hại càng lớn đến sức khỏe con người.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/11/2023