Thứ nhất, mô hình giả định rằng tỷ lệ lao động tỷ lệ lao động thu hút từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp tương ứng với tỷ lệ vốn tích lũy của khu vực này. Nhưng trên thực tế, khi khu vực công nghiệp có tích lũy cao, nhưng lại sử dụng vào những ngành sản xuất có hàm lượng vốn cao, ít sự dụng lao động. Bên cạnh đó, trong điều kiện toàn cầu hóa, với lượng tích lũy cao, khu vực công nghiệp không nhất thiết phải đầu tư trong nước, mà họ cũng có thể đầu tư vào các quốc gia có nhiều lao động, nhưng giá lại thấp hơn so với trong nước. Điều này không giúp giải quyết việc làm ở khu vực nông nghiệp
Thứ hai, mô hình giả thiết nông thôn là khu vực dư thừa lao động còn thành thị thì không. Trên thực tế, thất nghiệp vẫn có thể xảy ra ở khu vực thành thị, đặc biệt trong tình hình kinh tế hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn, khủng hoảng kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, nông thôn cũng có thể tự giải quyết tình trạng dư thừa lao động thông qua các hình thức tự tạo việc làm tại chỗ như: thâm canh, tăng vụ… mà không cần phải chuyển ra thành phố.
Thứ ba, mô hình giả định rằng khu vực công nghiệp không phải tăng lương cho số lao động từ nông thôn chuyển sang khi ở đây dư thừa lao động. Trên thực tế, ở các nước đang phát triển mức tiền công ở khu vực công nghiệp vẫn có thể tăng lên đáng kể cả khi ở nông thôn dư thừa lao động vì khu vực công nghiệp đòi hỏi tay nghề lao động cao hơn. Bên cạnh đó còn phải nhắc tới vai trò của công đoàn khi họ gây sức ép để khu vực công nghiệp phải tăng lương cho người lao động.
Lý thuyết nhị nguyên của Lewis giải thích quá trình và cơ chế chuyển dịch co cấu của nền kinh tế từ khu vực nông nghiệp với năng suất thấp và dư thừa lao động sang khu vực công nghiệp có năng suất cao và có khả năng tự tích lũy. Về cơ bản lý thuyết này đã phản ánh được một số quy luật khách quan của sự chuyển dịch giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa chuyển dịch dân cư và đô thị hóa trong quá trình phát triển kinh tế của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mô hình này đã có một số hạn chế do các giả thuyết đưa ra không phù hợp với thực tế của các nước đang phát triển hiện nay. Phê phán quan điểm dư thừa
lao động trong nông nghiệp của lý thuyết Lewis, các nhà kinh tế đại diện cho trường phái tân cổ điển cho rằng trong quá trình chuyển dịch và phát triển kinh tế cần đầu tư cho cả hai khu vự nông nghiệp và công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp và khu vực công nghiệp cần đầu tư theo chiều sâu. Như vậy, lý thuyết của trường phái tân cổ điển nhấn mạnh đến động lực tích lũy ở cả hai khu vực kinh tế trong đó khu vực công nghiệp cần được ưu tiên, quan tâm nhiều hơn.
1.3.2.2. Mô hình Châu Á gió mùa của Harry T.Oshima
Trên cơ sở những giả thuyết mang tính kế thừa và phát triển của Lewis, quan điểm thống nhất với trường phái tân cổ điển và dựa trên những đặc điểm kinh tế của các nước Châu Á, Oshima đã đưa ra lý thuyết mới về mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế do nông nghiệp chiếm ưu thế sang nền kinh tế công nghiệp trong điều kiện cụ thể của các nước đang phát triển thuộc khu vực Châu Á gió mùa. Oshima cũng đưa ra những nội dung cụ thể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế để hướng tới một nền kinh tế phát triển.
Harry T.Oshima là nhà kinh tế Nhật Bản, ông nghiên cứu mối quan hệ giữa hai khu vực dựa trên những đặc điểm khác biệt của các nước Châu Á với các nước Âu- Mỹ, đó là một nền nông nghiệp lúa nước có tính thời vụ cao. Chính vì vậy theo quan điểm của ông, vào thời gian cao điểm của mùa vụ vẫn có hiện tượng thiếu lao động, khi nhàn rỗi thì lại dư thừa lao động. Với quan điểm hướng tới một nền kinh tế phát triển, ông đã chia nền kinh tế theo 3 giai đoạn:
Có thể bạn quan tâm!
- Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2015-2025 - 2
- Vai Trò Của Cơ Cấu Kinh Tế Trong Quá Trình Phát Triển Kinh Tế
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế
- Thực Trạng Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Trong Quá Trình Công Nghiệp Hoá, Hiện Đại Hoá Trên Địa Bàn Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa- Vũng
- Thực Trạng Về Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Của Huyện Tân Thành Trong Quá Trình Công Nghiệp Hoá, Hiện Đại Hoá Giai Đoạn 2004 - 2015
- Giá Trị Sản Xuất Và Sản Lượng Thủy Sản Của Huyện Tân Thành
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Giai đoạn bắt đầu của quá trình tăng trưởng: trong giai đoạn này cần phải tạo việc làm cho thời gian nhàn rỗi theo hướng tăng cường đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Theo ông, do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp ở Châu Á là tính thời vụ cao, và sản xuất theo hướng độc canh, nhỏ lẻ, phân tán, chính vì vậy tình trạng thất nghiệp tạm thời của lao động cũng trở nên phổ biến. Vì vậy để giải quyết được tình trạng này, đòi hỏi cần phải giải quyết được tình trạng thất nghiệp thời vụ ở nông thôn; Biện pháp hợp lý nhất để thực hiện mục tiêu này là đa dạng sản xuất
nông nghiệp, xen canh, tăng vụ trồng theo rau, củ, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và đánh bắt cá, trồng cây lâm nghiệp. Trong giai đoạn này, chính phủ cần có sự hỗ trợ đối với khu vực này thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kênh mương, hệ thống tưới tiêu, vận tải nông thôn, hệ thống giáo dục và điện khí hóa nông thôn. Từ đó tiến hành cải tiến các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn như: hợp tác xã, tổ chức dịch vụ nông thôn, thành lập các tổ chức tín dụng nông thôn.
Tất cả các biện pháp này đòi hỏi sự đầu tư đổi mới không nhiều so với đầu tư vào công nghiệp, tuy nhiên trong giai đoạn này lại rất phù hợp vì nó giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời có thể tạo thêm lượng ngoại tệ thông qua xuất khẩu nông sản.
Dấu hiệu để kết thúc giai đoạn này: lượng nông sản sản xuất ra ngày càng nhiều với quy mô lớn, nhu cầu cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp do vậy cũng lớn lên tương ứng, điều này đặt ra nhu cầu đối với các ngành công nghiệp và dịch vụ cũng phải phát triển tương ứng để phục vụ nhu cầu này.
Giai đoạn hai: hướng tới việc làm đầy đủ bằng đầu tư phát triển đồng thời cả nông nghiệp và công nghiệp. Theo ông, giai đoạn này cần đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp và cả dịch vụ theo chiều rộng, cụ thể: tiếp tục đa dạng hóa nông nghiệp theo quy mô lớn, xen canh, tăng vụ nhằm tạo sảng lượng nông sản ngày càng lớn. Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, sản xuất nông cụ thường, nông cụ cầm tay, nông cụ cải tiến cho nông nghiệp, phân bón thuốc trừ sâu, giống và các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp. Song song với đó, để đảm bảo hiệu quả các hoạt động trên đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ sản xuất, vận chuyển, bán hàng đến các dịch vụ hỗ trợ tài chính, tín dụng và các ngành có liên quan khác.
Như vậy, với sự phát triển của nông nghiệp đã tạo ra điều kiện để mở rộng thị trường, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển; Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi tốc độ tăng trưởng việc làm có dấu hiệu lớn hơn tốc độ tăng trưởng lao
động, dẫn đến tiền lương thực tế tăng lên. Đó chính là dấu hiệu để bắt đầu giai đoạn thứ ba, giai đoạn sau khi có việc làm đầy đủ.
Trong giai đoạn này, yêu cầu đặt ra là phát triển các ngành kinh tế theo chiều sâu nhằm giảm nhu cầu về lao động. Theo ông, kết thúc giai đoạn thứ hai, các ngành trong nền kinh tế đã ngày càng phát triển, dẫn đến nhu cầu về việc ngày càng cao trong tất cả các ngành; Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Để giải quyết được vấn đề này, theo Oshima cần phải đầu tư phát triển theo chiều sâu toàn bộ các ngành kinh tế. Trông nông nghiệp, cơ khí hóa và các phương pháp công nghệ sinh học cần được áp dụng nhằm nâng cao năng suất và giảm tải nhu cầu về lao động. Trong điều kiện này, lao động ở khu vực nông thôn có điều kiện để chuyển sang các ngành công nghiệp mà vẫn không làm giảm sản lượng ở ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ sẽ làm cho máy móc dần thay thế cho con người làm cho sản lượng ngày càng tăng nhưng nhu cầu về lao động lại có xu hướng giảm.
Như vậy sự quá độ từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp được hoàn thành và nền kinh tế chuyển sang giai đoạn tiếp theo đó là quá độ từ công nghiệp sang dịch vụ. Giai đoạn này kết thúc tức là nền kinh tế đã phát triển đến giai đoạn cao nhất.
Qua việc nghiên cứu các mô hình kinh tế, tác giả rút ra được một số nhận định như sau:
Nền kinh tế trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn ứng với nó là cơ cấu ngành với những đặc trưng khác nhau; Việc nhận định đúng đắn các giai đoạn phát triển kinh tế giúp chúng ta có được định hướng và những nhiệm vụ cho các giai đoạn tiếp theo. Qua đó đưa ra được những giải pháp trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp với quá trình phát triển.
Nền kinh tế bao gồm nhiều ngành, trong mỗi giai đoạn, các ngành này có vai trò và vị trí khác nhau và có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau; Việc xem xét vị trí và vai trò của mỗi ngành cần phải đặt nó trong tổng thể toàn bộ nền kinh tế, quan hệ hữu cơ của nó đối với các ngành khác, từ đó mới có cơ sở để đưa ra
những chính sách phù hợp để điều chỉnh cơ cấu lao động, tiền lương, đầu tư nhằm tạo ra động lực phát triển của toàn nền kinh tế.
Việc nghiên cứu các mô hình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước thế giới thức ba; Tuy nhiên việc nghiên cứu áp dụng các mô hình này vào thực tiễn cần phải uyển chuyển và linh hoạt, sáng tạo tùy thuộc vào tình hình của từng quốc gia.
1.3.2.3. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Rostow
Theo nhà kinh tế học người Mỹ Walter W. Rostow, quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia được chia thành 5 giai đoạn và ứng với mỗi giai đoạn đó một trạng thái cơ cấu ngành đặc trưng. Cụ thể từng giai đoạn của quá trình phát triển như sau:
Giai đoạn 1: Xã hội truyền thống. Giai đoạn này là giai đoạn đầu tiên của sự phát triển, là giai đoạn dựa trên khoa học và công nghệ tiền Newton, như các xã hội săn bắn và hái lượm của Adam Smith hay các xã hội phong kiến của K.Marx. Đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là nền kinh tế được thống trị bởi sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động thấp do chủ yếu sản xuất bằng công cụ thủ công, tích lũy gần như bằng 0. Cơ cấu ngành kinh tế trong thời kỳ này là cơ cấu nông nghiệp thuần túy
Giai đoạn 2: Chuẩn bị cất cánh. Giai đoạn này được coi như thời kỳ quá độ giữa xã hội truyển thống và sự cất cánh với nội dung cơ bản là chuẩn bị những tiền đề phục vụ cho giai đoạn cất cánh của nền kinh tế: những hiểu biết về khoa học – kỹ thuật lần đầu được áp dụng trong sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp; giáo dục được mở rộng và có những cải tiến phục vụ cho yêu cầu mới của sự phát triển; Nhu cầu đầu tư tăng lên thúc đẩy hoạt động của các ngân hàng và tổ chức huy động vốn.Tiếp đó giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước phát triển đã thúc đẩy hoạt động trong ngành giao thông, thông tin liên lạc. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này được vượt qua được phạm vi giới hạn của một nền kinh tế với những đặc trưng truyền thống, năng suất thấp. Cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này là nông – công nghiệp.
Giai đoạn 3: Cất cánh. Đây là giai đoạn trung tâm trong sự phân tích các giai đoạn phát triển của Rostow; Giai đoạn này thể hiện nền kinh tế đã bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Theo Rostow, cất cánh là giai đoạn mà các lực cản của xã hội truyền thống và các thế lực chống lại sự phát triển đã bị đẩy lùi, các lực lượng tạo ra sự tiến bộ về kinh tế đang lớn mạnh và trở thành lực lượng thống trị xã hội. Những yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự cất cánh:
- Huy động được nguồn vốn đầu tư cần thiết.
- Tỷ lệ tiết kiệm tăng lên ít nhất chiếm 10% trong thu nhập quốc dân thuần
túy.
- Khoa học, kỹ thuật tác động mạnh vào nông nghiệp và công nghiệp.
- Công nghiệp giữ vai trò là đầu tàu, có tốc độ tăng trưởng nhanh, đem lại
lợi nhuận lớn và lợi nhuận này lại được tái đầu tư phát triển sản xuất, thông qua nhu cầu thu hút công nhân, kích thích phát triển khu vực khu vực đô thị và các lĩnh vực dịch vụ.
- Khu vực nông nghiệp được áp dụng kỹ thuật mới và được thương mại hóa tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và lối sống của người nông dân.
Cơ cấu ngành kinh tế của giai đoạn này là công nghiệp – nông nghiêp – dịch vụ; Theo Rostow, giai đoạn này kéo dài 20-30 năm.
Giai đoạn 4: Trưởng thành. Đặc trưng cơ bản của giai đoạn này:
- Tỷ lệ đầu tư tăng liên tục, lên tới 20% thu nhập quốc dân thuần túy.
- Khoa học – kỹ thuật mới được áp dụng trên toàn bộ các hoạt động kinh tế.
- Nhiều ngành công nghiệp mới, hiện đại được xuất hiện và phát triển.
- Nông nghiệp được cơ giới hóa, đạt năng suất lao động cao.
- Nhu cầu xuất, nhập khẩu tăng mạnh, sự phát triển trong nước hòa đồng vào thị trường quốc tế.
Theo Rostow, giai đoạn này dài tới 60 năm và cơ cấu ngành kinh tế của giai đoạn này là công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp.
Giai đoạn 5: Tiêu dùng cao. Giai đoạn này có 2 xu hướng cơ bản về kinh
tế:
Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, dân cư giàu có dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tinh vi, cao cấp.
Thứ hai, cơ cấu lao động thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ dân cư đô thị và lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn. Về mặt xã hội, các chính sách kinh tế hướng vào phúc lợi xã hội nhằm tạo ra nhu cầu cao về hàng tiêu dùng lâu bền và các dịch vụ xã hội của các nhóm dân cư. Theo Rostow, đây là giai đoạn lâu nhất và cơ cấu ngành kinh tế giai đoạn này có dạng dịch vụ - công nghiệp.
Lý thuyết “cất cánh” của Rostow đã chỉ ra rằng quá trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải trải qua 5 giai đoạn tuần tự và ứng với mỗi giai đoạn là một dạng cơ cấu ngành kinh tế đặc trưng thể hiện bản chất phát triển của giai đoạn đó. Như vậy, lý thuyết này đã chỉ ra một sự lựa chọn hợp lý về dạng cơ cấu ngành kinh tế tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển nhất định của mỗi quốc gia.
Mô hình các giai đoạn kinh tế của Rostow còn một số hạn chế như: khó nhận biết giữa các giai đoạn, chỉ nhấn mạnh đến tăng trưởng nhưng không đề cập đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững trong nền kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu mô hình này còn một số hạn chế đối với các nước thế giới thứ 3: không thể hiện được vai trò của viện trợ, đầu tư của nước ngoài đối với các nước thế giới thứ 3, quan hệ giữa nền kinh tế với các thể chế, chính trị. Và cuối cùng, mô hình này không đề cập đến vấn đề chu kỳ, khủng hoảng trong nền kinh tế. Tuy còn những hạn chế, nhưng mô hình đã chỉ ra một sự lựa chọn hợp lý về dạng cơ cấu ngành tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển của từng quốc gia.
Như vậy, hầu hết các lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều coi vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là một trong những nội dung quan trọng của sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa. Các lý thuyết này chỉ ra rằng: hình thức chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của các nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra rất phong phú, đa dạng và khó tìm thấy một khuôn mẫu chung duy nhất cho mọi quốc gia. Đồng thời, các lý thuyết cũng nêu ra những quan điểm mang tính nguyên tắc là phải xây dựng một cơ cấu kinh tế có sự liên kết, thúc đẩy,
lôi kéo lẫn nhau trong quá trình phá triển. Nhiều lý thuyết còn nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước trong việc đánh giá và khai thác các nguồn lực bên trong và bên ngoài để tìm ra một cơ cấu kinh tế riêng và thích hợp cho nước mình.
1.4. Kinh nghiệm của một số địa phương về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và bài học kinh nghiệm cho huyện Tân Thành
1.4.1. Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của một số địa phương
1.4.1.1. Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh
Trong thời gian vừa qua Thành phố đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách toàn diện cả về mặt chất và mặt lượng. Trong giai đoạn 2008 - 2010, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhóm giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường đô thị; hoàn tất ban hành các chương trình, đề án và dự án của chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đưa vào hoạt động.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp công nghệ cao; đồng thời, thành phố cũng thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, thủ tục xuất nhập cảnh đối với chuyên gia y tế nước ngoài đến Việt Nam; chế độ khuyến khích hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phân cấp mạnh và đồng bộ hơn cho thành phố trong việc thu hút và cấp phép cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao; cơ chế phối hợp với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, tổng công ty Nhà nước trực thuộc bộ - ngành Trung ương trên địa bàn thành phố; xây dựng mạng thông tin liên kết về nghiên cứu khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố; hỗ trợ thành phố trong quy hoạch và xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước, trung tâm thương mại quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
1.4.1.2. Kinh nghiệm của Đồng Nai
Với vị trí địa lý thuận lợi: nằm ở vùng Đông Nam Bộ, là 1 trong 3 tỉnh nằm trong tam giác kinh tế (thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương), Đồng Nai có độ tăng trưởng trung bình 10 năm (1999-2009) đạt 13% khá cao so với bình