kinh tế Nam Định có thế mạnh: những ngành sử dụng nhiều lao động, ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy hải sản... Các biện pháp để huy động vốn từ bên ngoài bao gồm:
- Mở rộng quan hệ với các tỉnh, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mở rộng quan hệ là bước đầu tiên để tạo khả năng huy động vốn. Các tổ chức cá nhân chỉ có thể đầu tư vào tỉnh khi quan hệ giữa họ với địa phương được xác lập. Quan hệ có thể được mở rộng bằng nhiều hình thức hợp tác khác nhau.
- Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, ở một số ngành, lĩnh vực có thể sử dụng chính sách ưu tiên đặc biệt cho đầu tư nước ngoài. Tỉnh cần xây dựng danh mục các dự án, khối lượng vốn cần thu hút vốn đầu tư, công khai hóa và kêu gọi các cá nhân, tổ chức chính phủ và phi chính phủ đầu tư để thực hiện. Đồng thời với việc công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tỉnh cần tạo và chỉ ra những quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào tỉnh.
- Hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, khi thị trường vốn được xây dựng và hoàn thiện, các nguồn vốn không chỉ từ ngoài nước mà từ nội bộ nền kinh tế của tỉnh cũng được huy động hiệu quả hơn. Việc phát triển thị trường vốn như thị trường chứng khoán, hệ thống tín dụng còn tạo điều kiện cho khả năng tự do di chuyển vốn dễ dàng từ ngành này sang ngành khác, nâng cao khả năng thu lợi cho nhà tư bản, thu hút đầu tư mạnh hơn.
- Áp dụng các luật một cách linh hoạt, cải cách các thủ tục hành chính trong huy động vốn, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục huy động vốn.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các khoản ODA. Quản lý sử dụng vốn đầu tư hiệu quả là việc làm tạo niềm tin vững chắc nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục an tâm đầu tư.
Bên cạnh việc huy động vốn, cần sử dụng vốn một cách có hiệu quả. Vốn được huy động phải được cho vay nhanh chóng, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ để vốn nhanh chóng được đến những nơi cần vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Cần phải kết hợp cho vay vốn với hỗ trợ biện pháp sử dụng vốn, đảm bảo cho người vay vốn không những trả được cả vốn lẫn lợi tức, thoát nghèo mà còn có tích lũy tái đầu tư từng bước vươn lên giàu có.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Thuận Lợi, Khó Khăn Trong Quá Trình Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Của Tỉnh Nam Định
- Một Số Quan Điểm Và Phương Hướng Cơ Bản Trong Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Của Tỉnh Nam Định Đến Năm 2020
- Một Số Giải Pháp Nhằm Thúc Đẩy Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Của Tỉnh Nam Định
- Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Nam Định - 14
Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.
Với các nguồn vốn từ nước ngoài, cần quản lý sử dụng có hiệu quả, tập trung vào các dự án trọng điểm, hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
3.3.3. Phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có vai trò quyết định trong quá trình lao động sản xuất. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của nguồn nhân lực càng được đề cao hơn. Đào tạo nguồn nhân lực được coi là khâu quyết định triển vọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa “rút ngắn” và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đảm bảo về số lượng và chất lượng, được đào tạo ở những nghề nghiệp chuyên môn nhất định, có cơ cấu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.
Để phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế về nguồn nhân lực trong tỉnh. Nam Định cần thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo về tốc độ tăng dân số và số lượng lao động hợp lý. Bên cạnh đó cần phải sử dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trước hết, cần quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh, phù hợp với xu hướng chuyển dịch của cơ cấu ngành kinh tế. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành là cơ cấu lao động xã hội phải chuyển dịch theo hướng giảm cả mức tuyệt đối và tỷ
trọng lao động nông nghiệp, tăng tuyệt đối và tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ. Trình độ của đội ngũ lao động chuyển dịch theo hướng trí tuệ ngày càng cao và chuyển dịch linh hoạt cho phù hợp với cơ cấu nhiều loại quy mô và trình độ của công nghệ. Tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển kỹ thuật cần có cơ cấu chất lượng lao động theo trình độ tương ứng. Để có nguồn nhân lực như vậy cần phải căn cứ vào nhu cầu mỗi loại lao động mà thực hiện các giải pháp chuyển biến đào tạo nhằm cung cấp nguồn lao động thích ứng với nhu cầu thị trường sức lao động theo cơ cấu ngành kinh tế. Thực tế cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân còn rất thấp, một lượng lao động lớn còn chưa qua đào tạo, nhất là ở khu vực nông thôn. Cơ cấu lao động của tỉnh không phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Tình trạng đó làm cho các ngành kinh tế ở tỉnh chỗ thiếu vẫn cứ thiếu lao động, chỗ thừa vẫn cứ thừa. Để đảm bảo đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần có chiến lược quy hoạch đào tạo phù hợp với chiến lược chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh.
Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý các doanh nghiệp, sắp xếp lại và nâng cao trình độ cán bộ quản lý Nhà nước. Chú trọng xây dựng nhân lực có kỹ thuật, có trình độ cho sản xuất kinh doanh. Do xuất phát là một tỉnh nông nghiệp, lại bị ảnh hưởng lâu dài của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước còn thiếu và yếu về cả số lượng và trình độ kỹ thuật, năng lực quản lý, khả năng sáng tạo để đưa ra những quyết định đột phá. Tỉnh có thể thúc đẩy liên kết đào tạo với các nước tiên tiến để xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, công nhân kỹ thuật cao, cán bộ kinh doanh giỏi.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Xây dựng các cơ chế khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề, mở rộng dạy nghề bằng nhiều hình thức thích hợp. Có chính
sách đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Cùng với việc mở rộng cơ sở đào tạo, cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong tỉnh, đổi mới chương trình, phương pháp, nội dung giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi.
Thứ tư, phải bố trí sử dụng hợp lý hiệu quả nguồn nhân lực để phát huy cao độ khả năng và nhiệt tình lao động của mọi người lao động. Thực tế là nhiều lao động có trình độ, được đào tạo ở trong và ngoài tỉnh, muốn về địa phương làm việc, nhưng không thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo của mình. Thực trạng đó, làm cho lao động đã đào tạo sẽ ở lại công tác ở các địa phương khác, hoặc phải làm trái ngành nghề được đào tạo. Điều đó gây cho Nam Định khó khăn trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Thứ năm, cần cải thiện môi trường làm việc, có chế độ ưu đãi thích hợp để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật đến công tác và làm việc lâu dài tại Nam Định, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ sáu, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng cửa quyền, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Tình trạng này làm suy giảm lòng tin trong nhân dân, giảm sút uy tín trong con mắt của các nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của tỉnh nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng.
3.3.4. Phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường
Khoa học công nghệ vốn được coi là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực trạng khoa học công nghệ của nền kinh tế Nam Định rất lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm và sức năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất ra trong tỉnh. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh cần:
Thứ nhất, lựa chọn hướng phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu ngành kinh tế. Ở góc độ toàn diện nền kinh tế quốc dân, Đảng ta đã chủ trương có bốn chương trình ưu tiên về công nghệ là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới. Trong điều kiện là một tỉnh nông nghiệp, nguồn lực hạn hẹp, chưa thể triển khai đồng thời cả bốn chương trình bởi vậy phải cân nhắc lựa chọn thứ tự ưu tiên cho phù hợp. Trước mắt, tỉnh cần tập trung cho nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động nhằm khai thác thế mạnh của tỉnh. Nâng cao chất lượng của các công trình khoa học, gắn phát triển khoa học, công nghệ với sản xuất; ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học - kỹ thuật và tin học vào sản xuất và các lĩnh vực khác như: quản lý, điều hành... Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các khâu chế biến nông thuỷ sản và các ngành công nghiệp chế tác khác.
Thứ hai, tăng cường gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với hoạt động kinh tế theo quan hệ thị trường. Đây là giải pháp tốt nhất để khoa học - công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành. Để gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động kinh tế thực sự theo cơ chế thị trường cần có những chuyển biến cụ thể sau: các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và các đơn vị sản xuất kinh doanh phải thực sự trở thành những chủ thể tham gia trên thị trường khoa học công nghệ; ký kết hợp đồng nghiên cứu giữa cơ quan khoa học với doanh nghiệp.
Thứ ba, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và cho các doanh nghiệp đầu tư đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Công nghệ mới thường có chi phí lớn về vốn, có nhiều rủi ro. Để đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu và triển khai cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, có hiệu quả kinh tế cao, những cá nhân có những sáng chế có khả năng áp dụng vào sản xuất hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thực tế kinh nghiệm của nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, những tấm gương làm kinh tế giỏi là mô hình mẫu và hỗ trợ nhân dân ở các địa phương phát triển kinh tế đã đưa lại hiệu quả rất cao.
Thứ năm, có các biện pháp quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn, lỏng, khí trước khi thải ra môi trường. Thực tế cho thấy sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thường kéo theo sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới khả năng phát triển bền vững. Để phát triển bền vững, tỉnh cần quan tâm phát triển công nghệ xử lý chất thải.
3.3.5. Xây dựng cơ chế, chính sách
- Đề nghị Trung ương chú trọng đầu tư các công trình quy mô vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 109/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2006 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nguồn vốn tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của tỉnh rất ít ỏi, để xây dựng những công trình quy mô vùng, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tạo tiền đề thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cần có sự đầu tư của Trung ương. Sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư này sẽ đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh.
- Đề nghị Trung ương cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ với Nam Định cũng như một số tỉnh khác ở Nam đồng bằng sông Hồng có tỷ trọng nông nghiệp cao, nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đóng góp phần quan trọng vào an ninh lương thực của vùng và của cả nước.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, hạn chế tiến tới xóa bỏ tàn dư của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chuyển mạnh sang cơ chế kế hoạch hóa định hướng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung tồn tại trong một thời gian dài đã tạo nên sự trì trệ, ỷ lại, kém năng động trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Thực trạng đó làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Công nghệ chậm đổi mới, chất lượng, chủng loại, giá cả của hàng hóa không bám sát được yêu cầu của thị trường. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cần phải xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong tất cả các ngành kinh tế. Với khu vực kinh tế nhà nước, cần tiếp tục đổi mới theo hướng giao, bán, khoán, cho thuê, cổ phần hóa doanh nghiệp... để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường cơ chế khoán trong các khu vực kinh tế khác. Đồng thời với việc thực hiện cơ chế kế hoạch hóa định hướng, tỉnh cần phải tăng cường quản lý, đảm bảo các chủ thể kinh tế hoạt động và phát triển đúng định hướng.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách triệt để, thông thoáng tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Hạn chế chung của Việt nam là thủ tục hành chính rườm rà, là rào cản với đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thời gian qua, thủ tục hành chính đã bước đầu được cải cách, nhưng vẫn vô cùng phức tạp. Công tác hành chính cần cải cách theo hướng giảm bớt sự chồng chéo, phức tạp đó.
- Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về các cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới, sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, của khủng hoảng kinh tế... Từ sự nhận thức đó, nhân dân và doanh nghiệp có thêm căn cứ để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, đưa ra các quyết định kinh tế hiệu quả nhất.
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất một cách hợp lý để tạo vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Thời gian qua, công tác dồn điền, đổi thửa đã đưa lại tác dụng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho đưa
máy móc vào cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, ruộng đất vẫn phân tán manh mún, sản xuất vẫn độc canh cây lúa, còn mang nặng tính tự cung tự cấp... Để tiếp tục mở rộng sản xuất trên quy mô lớn, cần phải khuyến khích tập trung ruộng đất một cách hợp lý.
Nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng tại các làng nghề, thúc đẩy các làng nghề phát triển. Nam Định có một số làng nghề nổi tiếng cả nước, các làng nghề hiện khó khăn về kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc,... ảnh hưởng lớn đến thị trường và quy mô sản xuất, từ đó cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
3.3.6. Phối hợp phát triển giữa Nam Định với các tỉnh trong vùng
Xây dựng kế hoạch phối, kết hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là với các tỉnh trong tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tour du lịch, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác hệ thống thuỷ nông, chuyển giao công nghệ...
Các tỉnh trong vùng có những thế mạnh khác nhau trong phát triển kinh tế xã hội, có thể phối hợp với Nam Định định để khai thác tốt thế mạnh của các thế mạnh của tỉnh. Đồng thời việc phối hợp với các tỉnh trong vùng cũng tạo điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh, tạo đà để hàng hóa trong tỉnh vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Nam Định có thể phối hợp với Ninh Bình để xây dựng tuyến du lịch tín ngưỡng từ chùa Bái Đính của Ninh Bình, sang Phủ Dầy, đền Trần Nam Định. Phối hợp với du lịch cảnh quan ở Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) với du lịch nghỉ dưỡng biển ở Quất Lâm, Hải Thịnh của Nam Định. Để có được sự phối hợp trong phát triển kinh tế, tỉnh cần có quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống giao thông thuận tiện, có hệ thống nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn và có các sản phẩm dịch vụ kèm theo phong phú.