Tình Hình Nam Việt Nam Khi Kennedy Lên Nắm Chính Quyền.

- Thi hành chương trình viện trợ kinh tế và quân sự lớn, nhưng sẽ được giảm dần.

Sự thay đổi có ý nghĩa chiến lược này là nhấn mạnh khuynh hướng mạnh hơn của Mỹ trong việc đảm nhận gánh nặng chủ yếu của thế giới tự do, trong một cuộc xung đột không hạt nhân.

Theo chiến lược này, chính quyền Kennedy tiến hành phân chia lại lực lượng chiến lược, thay đổi biên chế đơn vị chiến thuật cơ bản cho phù hợp: một mặt tiếp tục tăng cường lực lượng hạt nhân, đặc biệt là lực lượng hạt nhân chiến lược; mặt khác gấp rút phát triển lực lượng vũ trang thông thường.

Về lực lượng hạt nhân chiến lược: Mỹ tăng số lượng máy bay ném bom từ 12 lên 40 phi đội, tên lửa vượt đại dương từ 28 lên 1054 chiếc từ năm 1961 đến năm 1968. Các loại máy bay ném bom chiến lược kiểu cũ bị loại bỏ, thay thế bằng các loại B52 và B47. Lực lượng hạt nhân chiến thuật được xây dựng từ những năm 50 vẫn được duy trì và bổ sung thêm một số loại tên lửa chiến thuật mới.

Về lực lượng vũ trang thông thường, tất cả các loại quân chủng đều được tăng cường. Tổng số quân từ năm 1961 là 2,5 triệu đến 1968 tăng lên 3,5 triệu, cụm lực lượng đặc biệt từ 3 cụm lên 7 cụm, quân số đặc biệt từ 1.800 người lên 5.000 người, hải quân đánh bộ từ 3 lên 4 sư đoàn, phi đội máy bay tấn công từ 61 chiếc lên 95 chiếc của không quân và từ 75 chiếc lên 81 chiếc của hải quân…

Số tiền viện trợ quân sự mỗi năm một giảm dần từ 1,353 tỷ đôla năm 1961 xuống còn 0,656 tỷ đôla năm 1968 nhưng viện trợ kinh tế vẫn xấp xỉ 2 tỷ đôla hằng năm. Tổng số ngân sách quốc phòng tăng lên nhiều: năm 1961 là 46,5 tỷ đôla lên 50,7 tỷ đôla năm 1964 và đến năm 1968 là 68,4 tỷ đôla. [24, tr.36]

Để phù hợp với học thuyết tác chiến mới, các sư đoàn được cải tổ từ sư đoàn 5 cụm nguyên tử thành sư đoàn gồm ba lữ đoàn và thêm một loạt sư đoàn mới gọi là sư đoàn bộ binh cơ giới hóa. Như vậy, lục quân Mỹ có 4 loại sư đoàn: sư đoàn bộ binh thường có 4 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn thiết giáp; sư đoàn không vận có 9 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn thiết giáp; sư đoàn bộ binh cơ giới có 7 tiểu đoàn bộ binh cơ giới và 3 tiểu đoàn thiết giáp; sư đoàn thiết giáp có 6 tiểu đoàn thiết giáp và 5 tiểu đoàn bộ binh cơ giới.

Mỹ cũng chuẩn bị phương án tiến hành cho từng loại chiến tranh có nguy cơ phải đối mặt:

1. Chiến tranh đặc biệt: 4 cấp

- Viện trợ quân sự, cố vấn quân sự

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

- Đơn vị bổ trợ, lực lượng đặc biệt

- Cố vấn đến cấp tiểu đoàn.

Chính quyền Kennedy và cuộc chiến tranh Việt Nam 1960 – 1963 - 9

- Đơn vị quy mô lữ đoàn

2. Chiến tranh cục bộ: 2 cấp

- Chỉ dùng vũ khí thông thường

- Dùng cả hạt nhân chiến thuật

3. Chiến tranh hạt nhân: 2 cấp

- Chỉ nhằm mục tiêu quân sự

- Đánh không phân biệt. [24, tr.38]

Mỹ vẫn tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống các liên minh quân sự với các nước đồng minh, mà trung tâm của hệ thống này là khối NATO với một mạng lưới dày đặc các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ các nước Tây Ây, Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì. Trong thời kì này, khu vực quân sự trọng yếu Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương thu hút hơn 60 vạn trong tổng số 1 triệu binh lính Mỹ ở nước ngoài. Mỹ biến Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Thái Lan, Nam

Việt Nam, Philippin và một số quần đảo khác ở đây thành những “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm”.

Vào những năm 60, chính quyền Kennedy tích cực thực hiện chiến lược quân sự mới. Trong khi giơ chiếc “lá chắn phòng ngự” là vũ khí nguyên tử đe dọa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đang tích cực giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc, Mỹ tích cực sử dụng “chiến tranh hạn chế” đánh thẳng vào những điểm nóng của phong trào giải phóng dân tộc, nơi mà Mỹ cho rằng đang uy hiếp đến quyền lợi và vị trí của mình trong “thế giới tự do”.

Tóm lại, khi chiến lược quân sự “Trả đũa ào ạt” của Eisenhower đã trở nên lỗi thời, Kennedy lên cầm quyền đã thay thế bằng chiến lược quân sự mới “Phản ứng linh hoạt”. Nội dung trong chiến lược này đề cao vai trò quan trọng của chiến tranh hạn chế nhằm bổ sung cho chiến tranh hạt nhân ít có khả năng xảy ra trong hoàn cảnh thế giới mới. Chính quyền Kennedy nhanh chóng sử dụng chiến tranh hạn chế để ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” thực hiện ở miền Nam Việt Nam chính là sự thí điểm của Mỹ để tiến tới mở rộng loại hình chiến tranh này.‌

2.3. Chính quyền Kennedy và cuộc chiến tranh Việt Nam.

2.3.1. Tình hình Nam Việt Nam khi Kennedy lên nắm chính quyền.

2.3.1.1. Tình hình trong vùng kiểm soát của Mỹ - Diệm.

Khi Kennedy lên nắm quyền thì ở miền Nam Việt Nam thời kì tạm ổn định của chính quyền Ngô Đình Diệm đã qua và thời kì khủng hoảng đã bắt đầu. Phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Năm 1960, cơn bão táp cách mạng nổi lên, trước hết là ở Nam Bộ và ở vùng rừng núi miền Trung Trung Bộ, chính quyền Diệm bị sụp đổ từng mảng.

Tại Bến Tre, ngày 17-1-1960, cuộc Đồng khởi nổ ra ở ba xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp, rồi nhanh chóng lan ra toàn huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạch Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Hàng vạn nhân dân xuống đường, vũ trang giáo mác truy lùng bọn ác ôn, quét sạch tổ chức kìm kẹp của địch. Chỉ trong tuần đầu, nhân dân 47 xã đã đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ - Diệm, giải phóng 150 ấp, bức rút 47 đồn bốt, diệt hơn 300 lính. Từ đó, phong trào lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ. Hầu hết chính quyền Diệm ở cơ sở tan rã hoặc bị tê liệt, 865 xã ở Nam Bộ và 3200 thôn ở miền núi khu V nhân dân đã giành được quyền làm chủ. Chính quyền Diệm, các tổ chức chính trị phản động ở đây bị tan rã, hàng ngàn binh lính, sĩ quan đầu hàng. Các khu trù mật, trại dinh điền, trại tập trung bị phá tan. Hầu hết ruộng đất được trả lại cho nhân dân. Lực lượng vũ trang cách mạng phát triển mạnh.

Nếu như trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1959, Mỹ - Diệm kiểm soát đại đa số các thôn xã ở miền Nam Việt Nam, thì đến năm 1960, Mỹ - Diệm chỉ còn kiểm soát được 300 xã trên tổng số 1300 xã ở Nam Bộ; 4000 thôn trên tổng số 9000 thôn của vùng rừng núi Nam Trung Bộ [21; tr.235].

Phong trào Đồng khởi ở nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở thành thị. Hàng vạn đồng bào đã kéo xuống đường biểu tình đòi quyền tự do, dân chủ, chống bắt lính, chống khủng bố, đòi hủy bỏ luật 10/59… Trong năm 1960, có hơn 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh nhân ngày 20-7, ngày đấu tranh thống nhất nước nhà. Trên khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, nhân dân đã xuống đường biểu tình chống chính sách xâm lược và gây chiến của Mỹ, đòi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam: từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công liên tục, đẩy chính quyền Diệm vào thời kì khủng hoảng. Ngày 11-11-1960, Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính thất bại nhưng cuộc khủng hoảng trong nội bộ chính quyền Diệm vẫn tiếp tục kéo dài. Sau cuộc đảo chính, uy thế của Ngô Đình Diệm giảm sút rò rệt. Lo sợ nguy cơ của một cuộc đảo chính mới, Diệm một mặt ra sức tiêu diệt các lực lượng đối lập đã gây ra và ủng hộ cuộc đảo chính, mặt khác tìm mọi cách lấy lại uy thế của mình bằng các “biện pháp dân chủ” như: bầu cử tổng thống, cải tổ chính quyền, nhưng vẫn tiếp tục không hợp tác với các tổ chức đối lập mặc dù các tổ chức đó đều là thân Mỹ.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Eisenhower hoàn toàn thất bại.

2.3.1.2. Tình hình trong vùng giải phóng.

Phong trào cách mạng có bước phát triển mới, phong trào đấu tranh của nhân dân từ chỗ bị đánh phá ác liệt, bị kìm kẹp và bị kiểm soát gắt gao đã phát triển mạnh mẽ lôi cuốn hàng triệu người tham gia vào các cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình làm thất bại một phần lớn chính sách khủng bố, tàn sát, bắt lính của chính quyền Diệm.

Cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ của nhân dân miền Nam cuối năm 1959 đầu năm 1960 làm tan rã chính quyền cấp xã của Diệm trên một diện rộng, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Với phong trào Đồng khởi hình thái lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành và phát triển. Căn cứ địa liên hoàn nối liền giữa các huyện, các tỉnh hình thành. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng nhân dân, chính quyền tự quản của quần chúng đã ra đời, giải quyết mọi việc ở thôn xã.

Lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng với bước tiến mới. Trên cơ sở đó ngày 20-12-1960, tại Tân Lập, huyện Châu Thành trong vùng căn cứ Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc toàn miền Nam đã họp, ra quyết định thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động 10 điểm:

1- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm – tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh, dân tộc, dân chủ.

2- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi, tiến bộ.

3- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện dân sinh.

4- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.

5- Xây dựng nền văn hóa, giáo dục dân tộc dân chủ.

6- Xây dựng một đội quân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

7- Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.

8- Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.

9- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

10- Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới. [22, tr.170]

Mặt trận ra đời đã thống nhất các lực lượng yêu nước chống Mỹ - Diệm ở miền Nam Việt Nam dưới một ngọn cờ chiến đấu chung, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử chiến đấu của nhân dân miền Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng tập hợp thêm lực lượng, ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo mọi mặt đấu tranh của quần chúng.

Trong quá trình đấu tranh của nhân dân miền Nam, vùng giải phóng và vùng phá thế kìm kẹp của Mỹ - Diệm dần được hình thành và ngày càng mở rộng, nhiều vùng trở thành những căn cứ địa vững chắc cho cách mạng.

Từ năm 1954 đến 1959, tuy Mỹ - Diệm kiểm soát đại đa số các thôn xã, nhưng một số thôn xã bề ngoài thì vẫn có ngụy quyền nhưng ở đó lực lượng vũ trang của nhân dân đã mạnh nên sức kìm kẹp của chính quyền Diệm bị hạn chế; đồng thời ở nhiều vùng rừng núi Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Mỹ - Diệm chưa đặt nổi bộ máy cai trị. Tuy vậy, ở các nơi này, nhân dân lúc đó chưa có bộ máy tự quản của mình.

Năm 1960, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, vùng tự do và vùng phá thế kìm kẹp của Mỹ - Diệm được mở rộng, bao gồm: 1.000 xã trên tổng số 1.300 xã ở Nam bộ, 5.000 thôn trên tổng số hơn 9.000 thôn ở miền rừng núi Trung Nam bộ [21; tr.234].

Vùng giải phóng là kết quả đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân. Bằng đấu tranh chính trị và vũ trang, nhân dân bắt địch rút đồn bốt hay trực tiếp hạ đồn bốt, nhân dân bức tề đầu hàng hay trực tiếp diệt tề. Ngụy quyền bị giải tán, nhân dân tự quản, cấp ủy của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thường làm nhiệm vụ quản trị vùng giải phóng của Ủy ban trung ương mặt trận. Vùng giải phóng trở thành nguồn cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ - Diệm.

Trong vùng giải phóng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra nhiều biện pháp bênh vực quyền lợi thiết thực của nông dân:

- Thực hiện giảm tô, đảm bảo nguyên canh, đảm bảo quyền sở hữu đất khai hoang cho người có công khai phá, bảo hộ quyền sở hữu chính đáng về ruộng đất đã được chia cho nông dân.

- Bãi bỏ khu trù mật, bãi bỏ chế độ bắt dân đi đinh điền. Đồng bào bị cưỡng bức vào khu dinh điền, khu trù mật được tự do trở về sinh sống làm ăn trên ruộng vườn của mình.

- Chia ruộng đất cho dân cày nghèo không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Chia lại công điền cho công bằng, hợp lý.

- Bằng thương lượng và giá cả công bằng, hợp lý, Mặt trận mua lại ruộng đất của điền chủ tùy theo mức độ đất của từng địa phương đem chia cho nông dân không có đất hoặc thiếu đất. Nông dân được chia ruộng đất không phải trả tiền và không bị ràng buộc bởi một điều kiện nào.

Những biện pháp của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam, làm cho người cày có ruộng để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng kháng chiến. Những biện pháp đó cũng là một cách hiệu nghiệm làm cho mọi người, kể cả những người kém hiểu biết cũng thấy được sự khác nhau cơ bản giữa chính sách của Mỹ - Diệm và chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về vấn đề ruộng đất và nông dân.

Tóm lại, khi Kennedy lên nắm quyền ở Mỹ thì ở miền Nam Việt Nam chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lâm vào khủng hoảng, vùng kiểm soát của Mỹ - Diệm ngày càng bị thu hẹp, phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân miền Nam có bước phát triển mạnh. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trở thành trung tâm đoàn kết và lãnh đạo phong trào cách mạng. Vùng giải phóng và vùng phá thế kìm kẹp của Mỹ - Diệm ngày càng mở rộng, ở đó nhân dân được hưởng những chính sách tiến bộ nên càng tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm dưới sự lãnh đạo của Mặt trận.

Xem tất cả 145 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí