Chính quyền Kennedy và cuộc chiến tranh Việt Nam 1960 – 1963 - 13

dân miền Nam cuộc chiến tranh hóa học lại càng được tăng cường trở nên ác liệt.

Cuộc chiến tranh hóa học là một đặc điểm của “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ thí điểm ở miền Nam Việt Nam. Phụ trách cuộc chiến tranh hóa học là Delmorc, một viên tướng Mỹ nằm trong Bộ chỉ huy quân sự của Harkins.

Trong thời gian từ tháng 8 – 1961 đến cuối năm 1962, Mỹ - Diệm trước tiên và chủ yếu rải chất độc hóa học xuống vùng rừng núi bị nghi là căn cứ cách mạng, rải dọc theo các trục giao thông quan trọng về mặt chiến lược, rải xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm. Vì lúc đầu, giới quân sự Mỹ cho rằng, người Việt Nam muốn tiến hành chiến tranh du kích lâu dài thì phải dựa vào vùng rừng núi rậm rạp, từ đó xuất quân đánh các đường giao thông hay các đồn bốt. Trong thời gian này, máy bay Mỹ - Diệm rải chất độc hóa học trên 50 lượt, ở 11 tỉnh: Quảng Ngãi, Komtum, Bình Định, Trà Vinh, Gia Lai, Biên Hòa, Bà Rịa, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, hai bên đường 13, 14, 15, xung quanh các căn cứ Biên Hòa, Đà Nẵng.

Sang năm 1962, giới quân sự Mỹ nhận ra rằng, du kích xuất phát từ trong nhân dân và được dân che chở, nên Mỹ - Diệm rải chất hóa học nhiều hơn xuống vùng đồng bằng, đặc biệt là vùng mà Mỹ - Diệm không thể kiểm soát được. Càng về cuối năm 1962 – sang năm 1963 thì số lần rải chất độc hóa học ngày càng nhiều, khối lượng rải xuống ngày càng lớn và tác dụng phá hoại ngày càng tăng. Ví dụ: lần Mỹ - Diệm rải chất độc hóa học xuống hai bên đường số 13 (Biên Hòa) làm hư hỏng 82 mẫu cao su, 15 mẫu cà phê, 77 mẫu vườn cây ăn quả, 5 mẫu hoa màu, 40 mẫu trồng quýt, 259 mẫu ruộng. Người bị ngợp thở, chảy máu cam, cây ăn quả úa lá, rụng hoa, sượng trái, khoai củ thối dần [21, tr.149]. Một, hai ngày sau khi rải chất độc hóa học thì Mỹ - Diệm lại đi càn quét lùa dân vào “ấp chiến lược” và nói rằng vào đó mới khỏi chất độc hóa học.

Từ đầu năm 1963, trọng tâm rải chất độc hóa học của Mỹ - Diệm là vùng châu thổ sông Cửu Long, chủ yếu là các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Bạc Liêu. Quân Mỹ - Diệm tiến hành rải đi, rải lại không kể ngày đêm ở khu vực này với một cường độ lớn.

Từ năm 1961 đến đầu năm 1963, Mỹ - Diệm tiến hành rải chất độc hóa học ở 43 vùng khác nhau, trên độ cao nhất là quận Trà Bồng thuộc Quảng Nam, thấp nhất là quận Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Cuộc chiến tranh hóa học Mỹ - Diệm tiến hành không những gây ra những tổn thất to lớn về người và của cho nhân dân miền Nam mà còn thực sự là một tội ác chiến tranh nghiêm trọng.

Tóm lại, từ năm 1960 đến 1963, với sự viện trợ và chỉ đạo của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã có lực lượng quân đội mạnh được trang bị vũ khí hiện đại để thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Liên tiếp các cuộc hành quân càn quét lớn nhỏ để gom dân lập ấp chiến lược, tiêu diệt lực lượng cách mạng, nhanh chóng bình định miền Nam đã được Mỹ - Diệm tiến hành. Bên cạnh đó Mỹ còn thực hiện cuộc chiến tranh hóa học sử dụng những chất độc hại để phá hoại ruộng vườn, tàn sát nhân dân. Với nhiều cố gắng Mỹ - Diệm đã đạt được những kết quả nhất định, gây tổn thất lớn cho lực lượng cách mạng, làm đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Tuy nhiên những mục tiêu Mỹ - Diệm đề ra không thể thực hiện do vấp phải sự đấu tranh mạnh mẽ của quân dân miền Nam.

2.3.3.3. Kinh tế

Từ năm 1961 – 1963, cùng với viện trợ quân sự, Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Diệm về kinh tế đặc biệt là viện trợ nông phẩm ế thừa nhằm bóp nghẹt thị trường miền Nam. Bên cạnh đó, Mỹ - Diệm đẩy mạnh thực hiện “chiến tranh kinh tế” – một bộ phận của “chiến tranh đặc biệt” nhằm tàn phá, làm cho nền kinh tế miền Nam Việt Nam trở nên kiệt quệ.

* Viện trợ kinh tế:

Ngoài việc tăng cường quân sự và tích cực chuẩn bị chiến tranh, Kennedy còn đề ra một “chương trình hành động” về kinh tế - tài chính để đối phó với nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế mới đang đe dọa nền kinh tế Mỹ và tăng cường dùng kinh tế chi phối các nước khác. Trong bản “Thông điệp đặc biệt” gửi Quốc hội Mỹ đầu năm 1961, Kennedy đã đề ra một chương trình hành động gồm “bốn biện pháp khẩn cấp” và mười bốn biện pháp thi hành trong thời gian dài”. Trong đó “biện pháp khẩn cấp số một” được đề ra là “xuất khẩu nông phẩm thừa”. “Biện pháp lâu dài” số một cũng là “tăng cường xuất khẩu”. Trong thời gian này sản xuất thừa đang đe dọa nền kinh tế Mỹ, thêm vào đó chính sách chạy đua vũ trang và “viện trợ nô dịch” đối với nước ngoài lại làm cho nền kinh tế Mỹ thường xuyên bị hao hụt hàng năm vài tỷ đôla. Chính vì thế biện pháp “xuất khẩu hàng hóa” đặc biệt là “xuất khẩu nông phẩm thừa” chính là biện pháp quan trọng để cải thiện tình hình kinh tế Mỹ. Kennedy tuyên bố biến nông phẩm thừa của Mỹ thành công cụ có ý nghĩa trong chính sách ngoại giao. Miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa ế thừa của Mỹ, trong năm 1960 - 1963 lại càng được tăng cường do Kennedy chọn đây là nơi thí nghiệm cuộc “chiến tranh đặc biệt”.

Trong thông cáo chung 8 điểm giữa Johnson và Diệm ngày 13-5-1961 cũng đề ra một “chương trình phát triển kinh tế dài hạn”. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm sử dụng có hiệu quả nhất những tài nguyên của miền Nam và Mỹ vào cuộc chiến tranh. Theo điều ước này, Mỹ buộc Diệm thực hiện một chương trình động viên toàn lực để thực hiện chiến tranh. Còn tài nguyên của Mỹ chính là các dụng cụ trang bị của bộ máy chiến tranh Mỹ ở Thái Bình Dương và kho “nông phẩm thừa”. Cho nên ngay khi kí hiệp nghị này, Mỹ

triệt để khai thác các nông phẩm ế thừa tung vào miền Nam để thực hiện kế hoạch mị dân quy mô lớn nhằm làm rối loạn cơ sở cách mạng nông thôn.

Sau khi kế hoạch Staley – Taylor được đề ra, hiệp nghị quân sự - kinh tế bổ sung giữa Nothing và Diệm cũng được kí kết (6-12-1961) để tăng cường thêm các biện pháp về kinh tế - tài chính chưa được để cập cụ thể. Trong đó ngoài việc tăng cường viện trợ, Mỹ cũng yêu cầu chính quyền Diệm gánh phí tổn chiến tranh tới mức cao nhất. Chính quyền Diệm ra sức vơ vét tiền của của nhân dân trước hết bằng thu thuế các loại. Năm 1961, Mỹ - Diệm quyết định tăng hối suất từ 35 đồng miền Nam lên 74 đồng bằng 1 đôla Mỹ. Thêm vào đó, chính quyền Diệm lập thêm thuế “đảm phụ an ninh”. Theo đó, thuế sản xuất trước đánh 15%, 25% và 30% thì tăng thêm tương ứng là 18%, 30% và 42%. Cũng theo thuế “đảm phụ an ninh” hàng nhập khẩu tùy loại chịu thêm thuế từ 20% đến 100%: thuế vải lụa tăng từ 40% đến 100%, thuốc lá 50%, giấy in 10%, dược phẩm 65%, thuốc tây từ 20% đến 60%... Chính sách của Mỹ - Diệm làm cho trong 6 tháng cuối năm 1961, tình hình vật giá của miền Nam tăng vọt, hàng hóa đồng loạt tăng gấp đôi, gấp ba: giá thịt lợn từ 50, 60 đồng tăng lên 120, 130 đồng có lúc giá chợ đen lên tới 250 đồng/kg, giá gạo từ 4,5 đồng lên 7 đồng rồi vọt lên 13 đồng/kg… Nhờ đó ngân sách của Diệm phục vụ cho cuộc chiến tranh được tăng cường. Tháng 10-1961, Diệm cho thông qua dự án ngân sách năm 1962 lên tới 23 tỷ đồng miền Nam (tăng 7 tỷ so với năm 1961) và tăng lên 27 tỷ đồng trong năm 1963.

Bảng 2.2: Viện trợ nông phẩm của Mỹ từ năm 1961 – 1964


Năm

Tổng số (triệu USD)

1961

9,5

1962

32,2

1963

53,1

1964

63,7

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Chính quyền Kennedy và cuộc chiến tranh Việt Nam 1960 – 1963 - 13

(Nguồn: Đặng Phong (2004), Kinh tế miền Nam thời kì 1955 - 1975, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.171)

Sự viện trợ kinh tế, chính sách “xuất khẩu hàng hóa ế thừa” và chính sách tổng động viên tài lực cho cuộc chiến tranh của Mỹ - Diệm đã hủy hoại nghiêm trọng nền kinh tế miền Nam Việt Nam, biến kinh tế miền Nam thành nền kinh tế phụ thuộc với tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu ngành kinh tế mất cân đối. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

* Chiến tranh trên mặt kinh tế:

Bên cạnh thực hiện chính sách viện trợ kinh tế, Mỹ còn thi hành hình thái chiến tranh kinh tế ở miền Nam Việt Nam và được đặc biệt tăng cường trong “chiến tranh đặc biệt”.

Tướng Mỹ, Wheeler, tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đi thăm Sài Gòn và trước khi rời thành phố đã phát biểu: “Quân sự chỉ là một phần ba giải pháp đối với vấn đề chiến thắng cộng sản ở miền Nam Việt Nam”. Một phần ba giải pháp khác là vấn đề chính trị, một phần ba còn lại là vấn đề kinh tế.

Tờ báo “Cách mạng quốc gia” của Diệm ngày 23-2-1962 cũng viết: “Nếu chỉ dùng quân sự trong trận chiến đấu để giành thắng lợi với cộng sản thì không đủ, mà tiến hành chiến đấu trên cả mặt trận kinh tế và chính trị”.

Một đặc điểm trong “chiến tranh đặc biệt” là trong lúc Mỹ - Diệm thực hiện những biện pháp quân sự là chủ yếu thì đồng thời cũng hết sức chú trọng tới các biện pháp về kinh tế, chính trị, xã hội. Chiến tranh kinh tế là một bộ phận của “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Theo lý luận về “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ thì hoạt động quân sự là chủ yếu khi bắt đầu tiến hành chiến tranh, nhưng hoạt động quân sự đó phải nhằm mục đích chính trị. Còn chiến tranh kinh tế tuy không đóng vai trò quyết định, không trực tiếp tiêu diệt lực lượng cộng sản nhưng lại tạo điều kiện thiết yếu để giành thắng

lợi về quân sự và chính trị. Vì vậy, chiến tranh kinh tế có một ý nghĩa chiến lược.

Trong quá trình thực hiện, Mỹ - Diệm tìm cách đánh vào nhân dân về mặt kinh tế, nhất là ở các vùng Mỹ - Diệm không kiểm soát được, nhằm triệt hạ mọi nguồn sinh sống của nhân dân, từ gạo, muối đến mắm, vải bông, nông cụ, thuyền bè… để buộc nhân dân vì muốn sống mà phải khuất phục về mặt chính trị. Mỹ - Diệm lập kế hoạch nhằm tạo ra những “vùng không có lương thực”, cắt đứt mọi tiếp tế cho những vùng này, khi nào dân đầu hàng thì mới mở đường tiếp tế lương thực. Mỹ - Diệm cũng có kế hoạch tạo ra những “vùng lương thực hạn chế” để dân không có lương thực nuôi du kích. Những “chiến dịch đói” được Mỹ - Diệm thực hiện bằng cách cho lực lượng quân chủ lực, quân bảo an bao vây những vùng giải phóng về mặt kinh tế; mở những cuộc hành quân phá hoại ruộng nương, hoa màu, giết súc vật, đốt thóc lúa của nhân dân.

Đồng thời với việc đánh chiếm các vựa lúa, Mỹ - Diệm hướng nhiều ngành công nghiệp vào việc phục vụ chiến tranh. Lập khu công nghiệp Thủ Đức gồm nhà máy nhiệt điện, xi măng, kho dự trữ than, một giang cảng nhằm phục vụ căn cứ quân sự Biên Hòa, Sài Gòn và một số căn cứ khác gần đó. Thêm vào đó Mỹ - Diệm còn chuyển hướng 15 nhà máy vào việc sản xuất dây thép gai để phục vụ cho việc lập “ấp chiến lược”, xây dựng đồn bốt.

Harkins lập ra kế hoạch để bình định 10 tỉnh đồng bằng Nam Bộ. Dưới khẩu hiệu “triệt để động viên tài nguyên quốc gia” và “tăng cường tiềm lực chiến tranh”, Mỹ - Diệm sử dụng nhiều lực lượng quân sự tiến hành càn quét những tỉnh phì nhiêu, đông dân để giành lấy kho người, kho của. Đó là mục tiêu chính của những chiến dịch được mệnh danh là: “bảo vệ mùa màng” ở Hậu Giang từ cuối năm 1961 sang đầu năm 1962, chiến dịch “Châu thổ” tháng 3 - 1962 ở đồng bằng sông Cửu Long, chiến dịch “Giữ lúa” ở Nam,

Ngãi, Bình, Phú tháng 4 – 1962, chiến dịch “An Lạc” tháng 10 – 1962 ở Lạc Thiên (Đắc Lắc).

Ở những vùng cai trị, Mỹ - Diệm đặt ra nhiều thể lệ gắt gao để kiểm soát lúa gạo của nhân dân như: cấm nhân dân đặt kho lúa ngoài đồng, cấm giữ bồ lúa riêng trong nhà. Ở nhiều nơi, Mỹ - Diệm bắt buộc các gia đình tập trung lúa vào một nơi trong đồn lính rồi phát khẩu phần cho mỗi gia đình, có những vùng “kém an ninh” thì mỗi gia đình chỉ được giữ số gạo ba ngày, nhiều lắm là năm ngày ăn, có vùng nông dân bị bắt buộc bán lúa với một giá rẻ mạt. Mỹ - Diệm không cho lập nhà máy xay xát gạo ở những nơi xa đồn điền, chợ búa, quy định mức trữ gạo ở các đại lý bán gạo, các kho lương thực ở các đồn điền. Ở đồn điền Dầu Tiếng, từ tháng 7 – 1962, Mỹ - Diệm giảm một phần ba số gạo thường phát cho công nhân do sợ công nhân nhịn ăn tiếp tế cho du kích. Cuối năm 1962, Mỹ - Diệm cấm thương gia và tư nhân vận chuyển gạo từ Sài Gòn lên miền Đông Nam Bộ, từ Nam Bộ lên Tây Nguyên.

Hơn nữa, Mỹ - Diệm còn thực hiện chiến thuật “đốt sạch” với những cuộc hành quân đốt phá mùa màng. Ví dụ: Trong cuộc càn quét ở Phan Thiết ngày 10-1-1962, Mỹ - Diệm đốt 8.500 tạ lúa, 100 tạ gạo. Tháng 3 - 1962, ở vùng chiến thuật 2, quân Mỹ - Diệm đốt của dân 1.070 tạ gạo, 6.500 tạ lúa. Ngày 22-4-1962, tại Bình Định, 30 mẫu hoa màu bị đốt cháy bằng bom và xăng thả từ máy bay. Tháng 12 - 1962, 40 mẫu lúa đang chín tới ở Châu Đốc cũng bị đốt cháy bằng bom và xăng. Trong tháng 5 - 1962, quân Mỹ - Diệm đốt 6.000 tạ lúa, phá 1.500 mẫu vườn, đốt hơn 3.000 nóc nhà ở ba tỉnh Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa. Đầu năm 1963, quân Mỹ - Diệm cướp 20.000 giạ lúa, phá hủy tại chỗ 10.000 giạ. Trong chiến dịch “Hải Yến” ở Bình Định, cướp và giết 1.300 trâu bò [21, tr.146].

Cuộc chiến tranh kinh tế của Mỹ - Diệm thực hiện đã tịch thu và phá hủy một khối lượng lớn lương thực, hoa màu và gia súc của nhân dân miền

Nam Việt Nam, tổn hại nghiêm trọng đến việc sản xuất và đời sống của nhân dân miền Nam.

Tóm lại, bên cạnh các biện pháp về chính trị, quân sự, Mỹ còn chú trọng đến kinh tế trong “chiến tranh đặc biệt”. Chính sách viện trợ kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh chủ yếu bằng nông phẩm ế thừa để phá hoại nền kinh tế miền Nam. Cuộc chiến tranh kinh tế cũng được tăng cường với những chính sách kiểm soát gắt gao lương thực, những cuộc hành quân đốt phá mùa màng, đánh chiếm vùng phì nhiêu nhằm khuất phục nhân dân, triệt đường tiếp tế cho lực lượng cách mạng. Những chính sách của Mỹ - Diệm làm cho quần chúng nhân dân lâm vào tình cảnh khổ cực nhưng không ngăn cản được sự phát triển cách mạng miền Nam.

Tóm lại, bước vào những năm 60, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển. Kennedy trúng cử Tổng thống Mỹ đã tiến hành điều chỉnh chiến lược toàn cầu, trong đó chiến lược quân sự “Phản ứng linh hoạt” được nhấn mạnh là biện pháp hữu hiệu để đối phó với tình hình mới. Mỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, lấy miền Nam làm nơi thí điểm cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Kế hoạch Staley – Taylor nhanh chóng được vạch ra với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện kế hoạch, Mỹ huy động tới 16.000 cố vấn quân sự, hàng tỉ đôla, tăng số lượng quân đội Sài Gòn lên tới hơn 50.000 và trang bị thêm nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Chính quyền Diệm trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho những mục đích của Mỹ. Trong quá trình cầm quyền, những chính sách của chính quyền Kennedy càng làm cho Mỹ dính líu sâu hơn vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022