Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 5

cho phép vợ chồng được phép ly thân nhưng “bản án tuyên bố ly thân không chấm dứt chế độ cộng đồng tài sản(Điều 66).

Sắc luật số 15/64 không quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên vợ, chồng chết trước mà chỉ quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn hoặc ly thân. Đối với BLDS năm 1972 thì việc chia tài sản chung của vợ chồng được cho phép trong cả ba trường hợp: khi vợ hoặc chồng chết, khi ly thân và khi ly hôn. Theo Điều 92, 94 Sắc luật số 15/64 và Điều 200, 201 BLDS năm 1972 tài sản được chia theo các điều khoản của hôn ước nếu vợ chồng có lập hôn ước trước khi kết hôn; nếu không có hôn ước thì chia theo nguyên tắc tài sản của bên nào vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đó, tài sản của vợ chồng được chia đôi, mỗi người một nửa. Trong trường hợp ly hôn thì người nào có lỗi sẽ bị mất hết những quyền lợi mà người kia dành cho hoặc theo hôn ước từ khi kết hôn. Và khi vợ chồng ly thân, tài sản được chia như khi vợ chồng ly hôn, tuy nhiên không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng mà chỉ làm chấm dứt chế độ tài sản chung của vợ chồng (gọi là chế độ biệt sản). Ngoài ra, BLDS năm 1972 cho phép vợ chồng khi lập hôn ước có thể lựa chọn chế độ biệt sản trong khi hôn nhân đang tồn tại hoặc vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo chế độ biệt sản khi có lý do chính đáng và phải được Tòa án công nhận bằng một bản án biệt sản. (Điều 165- BLDS năm 1972)

Có thể nhận thấy rằng, theo pháp luật HN&GĐ ở miền Nam nước ta trước năm 1975 thì chế độ tài sản chung của vợ chồng vẫn bảo vệ quyền gia trưởng của người chồng trong gia đình, chưa thể hiện được quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Ngoài ra, chế độ tài sản của vợ chồng luôn theo khuynh hướng coi trọng vấn đề tài sản hơn là yếu tố tình cảm gắn bó trong quan hệ vợ chồng.

Ở miền Bắc, những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất đã tạo điều kiện vật chất cần thiết cho sự hình thành các quan hệ sản xuất mới và cho sự

hình thành cơ sở kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dưới tác động của chế độ kinh tế mới, quan hệ tài sản của vợ chồng đã có những thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, chế độ HN&GĐ phong kiến lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân dân nên cần phải xóa bỏ triệt để những tàn tích đó và xây dựng chế độ HN&GĐ mới, chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa. Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/05/1950 và Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 không còn đáp ứng được tình hình phát triển của giai đoạn cách mạng lúc này. Do đó, cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã chính thức thông qua dự luật HN&GĐ ngày 29/12/1959 với hai nhiệm vụ cơ bản: xoá bỏ những tàn tích của chế độ HN&GĐ phong kiến lạc hậu và xây dựng chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa. Việc ban hành HN&GĐ năm 1959 là một bước phát triển để hoàn thiện dần hệ thống pháp luật HN&GĐ Việt Nam.

Với mục tiêu nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình, theo Luật HN&GĐ năm 1959, trong quan hệ sở hữu đối với tài sản chung của vợ và chồng không tồn tại chế độ tài sản ước định mà chỉ tồn tại chế độ tài sản pháp định là chế độ cộng đồng toàn sản: “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, sử dụng và hưởng thụ ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” (Điều 15). Như vậy, tất cả những tài sản của vợ, chồng đều thuộc sở hữu chung, không tồn tại tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Khối tài sản này bao gồm tài sản mà vợ, chồng có trước và trong thời kỳ hôn nhân kể cả tài sản vợ, chồng được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng, không phân biệt về nguồn gốc tài sản. Vợ và chồng có quyền bình đẳng ngang nhau khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung.

Sở dĩ pháp luật quy định chế độ cộng đồng toàn sản để áp dụng trong thời kỳ này là vì: xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội ở miền Bắc lúc bấy giờ chưa phát triển dẫn đến tình trạng tài sản riêng của công dân cũng còn hạn

chế; đồng thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng: xóa bỏ tình trạng coi rẻ quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình, xây dựng một mô hình gia đình mới trong xã hội, trong đó vợ, chồng bình đẳng, mọi người cùng yêu thương, quý trọng, giúp đỡ nhau tiến bộ, thực hiện tốt chức năng của gia đình, không nên đặt vấn đề tài sản làm trọng.

Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong Luật HN&GĐ năm 1959 đã có sự quy định cụ thể hơn so với các văn bản pháp luật về HN&GĐ trước đó. Theo đó, có hai trường hợp chia tài sản: khi vợ, chồng chết trước (Điều

16) và khi vợ chồng ly hôn (Điều 29). Tài sản chung của vợ chồng được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình, Khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích của việc sản xuất (Điều 29). Ngoài ra, Điều 28 còn quy định “Khi ly hôn, cấm đòi trả của” nhằm xóa bỏ một trong những tập tục lạc hậu của chế độ HN&GĐ phong kiến trước đây.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Việc quy định chế độ tài sản chung của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản theo Luật HN&GĐ năm 1959 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ này. Tuy nhiên, Luật không quy định chi tiết về cách chia tài sản giữa vợ chồng như thế nào và sự bình đẳng ở đây còn mờ nhạt, không rõ ràng. Mặc dù vậy, chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 1959 vẫn được coi là cơ sở để từng bước xây dựng quyền bình đẳng giữa vợ chồng trong quan hệ HN&GĐ.

Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 5

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi (30/4/1975), đất nước được giải phóng hoàn toàn, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 quy định việc thi hành thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước (trong đó có Luật HN&GĐ). Luật HN&GĐ năm 1959 chính thức thay thế hệ thống pháp luật về HN&GĐ ở miền Nam nước ta dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn.

Trong gần 30 năm áp dụng, Luật HN&GĐ năm 1959 đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xóa bỏ những tàn tích của chế độ HN&GĐ phong kiến và lạc hậu cũ, xây dựng chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta những năm 80 của thế kỷ XX đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống HN&GĐ. Tài sản riêng của người dân ngày càng nhiều lên, nếu tiếp tục duy trì chế độ cộng đồng toàn sản sẽ tạo điều kiện để các tư tưởng xấu có cơ hội phát triển (kết hôn vì mục đích tài sản), ảnh hưởng tới những nhu cầu riêng và sự độc lập cần được tôn trọng của mỗi bên vợ chồng, làm xấu đi bản chất tốt đẹp của hôn nhân XHCN là dựa trên tình yêu chân chính. Mặt khác, Hiến pháp năm 1980 ban hành đã quy định và bảo đảm về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng (Điều 63, Điều 64), về bảo hộ quyền sở hữu của công dân (Điều 27). Với điều kiện kinh tế - xã hội và pháp lý như vậy, trên tinh thần kế thừa các nguyên tắc dân chủ và tiến bộ của Luật HN&GĐ năm 1959, ngày 29/12/1986 Quốc hội nước CHXHCNVN khoá VII đã thông qua Luật HN&GĐ mới và Luật có hiệu lực kể từ ngày 03/01/1987.

Cũng như Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 ghi nhận chế độ tài sản pháp định làm căn cứ duy nhất xác định chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, chế độ tài sản pháp định được áp dụng trong thời kỳ này không phải là chế độ cộng đồng toàn sản như trước đây mà là chế độ cộng đồng tạo sản với phạm vi thành phần khối tài sản chung của vợ chồng hẹp hơn rất nhiều so với chế độ cộng đồng toàn sản mà Luật HN&GĐ năm 1959 áp dụng. Theo quy định tại Điều 14 của Luật HN&GĐ năm 1986 và Nghị quyết 01/HĐTP ngày 20 tháng 1 năm 1988 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số qui định của Luật hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng bao gồm các khoản thu nhập như sau:

- Tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền hưu trí, tiền thu nhập về sản

xuất ở gia đình và các thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng, không phân biệt mức thu nhập của mỗi bên;

- Các tài sản mà vợ chồng mua sắm được bằng những thu nhập nói trên;

- Tài sản mà vợ chồng được cho hoặc được thừa kế chung.

Đồng thời Luật còn ghi nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng đối với những tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 16). Ngoài ra, pháp luật còn ghi nhận trường hợp nếu có lý do chính đáng, tài sản riêng của vợ, chồng có thể được mở rộng thông qua việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 18).

Luật HN&GĐ năm 1986 cũng đã có những quy định nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung. Theo đó, tài sản chung được sử dụng để đảm bảo những nhu cầu trong gia đình, do đó, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý tài sản đó. Việc mua, bán, cho hoặc vay, mượn và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản có giá trị lớn (như: nhà ở, gia súc chăn nuôi như trâu, bò, tư liệu sinh hoạt có giá trị lớn như máy thu hình, tủ lạnh, xe máy v.v...) thì phải có sự thoả thuận của cả hai vợ chồng. Nếu là việc mua, bán, cầm cố tài sản mà pháp luật quy định phải có hợp đồng viết (như việc mua, bán nhà) thì vợ và chồng đều phải ký vào hợp đồng và nếu chỉ có một bên ký thì phải có sự uỷ nhiệm của vợ, chồng cho mình ký thay (Điều 15 Luật HN&GĐ năm 1986 và Điểm 3 của Nghị quyết 01/HĐTP ngày 20 tháng 1 năm 1988 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số qui định của Luật hôn nhân gia đình).

Về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng, Luật HN&GĐ năm 1986 đã dự liệu “Nguyên tắc chia đôi tài sản chung” của vợ chồng trong cả ba trường hợp: ly hôn, một bên vợ hoặc chồng chết trước và trong thời kỳ hôn nhân (Điều 17, 18, 42):

- Trường hợp vợ, chồng chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi, phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế; vợ, chồng có quyền thừa kế của nhau. Lúc này, tài sản chung được chia bình quân, mỗi bên vợ, chồng được một nửa giá trị tài sản mà không cần phải dựa vào công sức đóng góp của vợ, chồng đối với khối tài sản chung.

- Trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi có lý do chính đáng, hoặc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án cũng áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng của mỗi bên. (Điều 29).

Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1986 đã ghi nhận chế độ cộng đồng tạo sản là hoàn toàn phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho vợ, chồng có thể chủ động trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, ngăn ngừa các trường hợp kết hôn không lành mạnh, việc kết hôn chỉ nhằm vào khối tài sản sẵn có của bên kia.

Mặc dù chế định về tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 1986 được áp dụng đã phát huy hiệu quả điều chỉnh các quan hệ tài sản vợ chồng trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, quy định chi tiết và rõ ràng hơn trước về quyền bình đẳng giữa vợ chồng trong việc chia tài sản, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tôn trọng và tuân thủ. Song, trong quá trình thi hành Luật, nó cũng đã bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế không còn phù hợp cần được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Quy định về căn cứ xác định tài sản của vợ chồng trong Luật HN&GĐ năm 1986 còn mang tính nguyên tắc chung, có tính khái quát cao, chưa quy

định cụ thể về hình thức sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng; chưa quy định vấn đề đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung; chưa quy định rõ chế độ pháp lý đối với loại tài sản đặc biệt là quyền sử dụng đất; chưa đưa ra nguyên tắc suy đoán về xác định tài sản trong trường hợp khi có tranh chấp một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu về tài sản riêng nhưng không đủ chứng cứ để chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của mình; Luật HN&GĐ năm 1986 cũng chưa quy định cụ thể về hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản chung có còn tồn tại không? Những tài sản do vợ, chồng tạo ra, các thu nhập về nghề nghiệp hoặc thu nhập hợp pháp khác phát sinh sau khi chia thuộc tài sản chung hay riêng? Chưa có quy định về căn cứ xác định nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng, cũng như trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với các nghĩa vụ tài sản trong gia đình…

Các văn bản giải thích hướng dẫn các quy định mang tính nguyên tắc trong Luật HN&GĐ năm 1986 của Chính Phủ, TANDTC và các cơ quan liên quan còn chậm, thiếu và chưa có sự thống nhất cao. Do vậy, trong hoạt động xét xử các tranh chấp về tài sản của vợ chồng đã gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực thi pháp luật HN&GĐ.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường với sự đa dạng và phức tạp của các giao dịch dân sự và kinh tế đã có những tác động không nhỏ đến quan hệ sở hữu trong gia đình, đặc biệt là quan hệ sở hữu tài sản của vợ và chồng. Một số quy định của Luật HN&GĐ năm 1986 không còn đáp ứng được tình hình thực tế, nhiều vấn đề mới phát sinh trong quan hệ tài sản giữa vợ, chồng đòi hỏi được pháp luật điều chỉnh.

Ngoài ra, trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhà nước ta đã ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực HN&GĐ (như BLDS năm 1995, Luật Đất đai năm 1993, Luật Thương

mại…). Do đó, các quy định của Luật HN&GĐ cũng cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 đã chính thức thông qua Dự Luật HN&GĐ năm 2000 ngày 9/6/2000.

Chế định tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 2000 được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, các quy định có liên quan của BLDS năm 2005, kế thừa và phát triển Luật HN&GĐ năm 1986, đồng thời bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để vợ chồng thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời giúp Toà án giải quyết hiệu quả những tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Theo đó, Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo hôn ước mà áp dụng chế độ tài sản cộng đồng pháp định: chế độ cộng đồng tạo sản. Vợ chồng có quyền sở hữu chung đối với thu nhập hợp pháp do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung hoặc được thừa kế chung (Điều 27). Bên cạnh đó, Luật HN&GĐ năm 2000 cũng khẳng định quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng đối với thu nhập hợp pháp của mỗi bên trước khi kết hôn hoặc tài sản mà mỗi bên được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 32). Các quy định trên là cơ sở pháp lý cho việc xác định quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân, bao gồm cả khi vợ chồng tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2000 là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí