được đặt lên hàng đầu, kể cả trong các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong Khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000: "Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng”.
- Chế độ tài sản chung của vợ chồng nhằm bảo đảm quyền lợi của gia đình, trong đó có lợi ích cá nhân của vợ, chồng và của người thứ ba tham gia vào các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Những quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng trước hết là bảo vệ quyền lợi của gia đình, qua đó duy trì và phát triển gia đình bền vững và đảm bảo ổn định xã hội. Đó là những lợi ích về vật chất được thực hiện trong các quyền về quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ chồng, quyền về cấp dưỡng giữa vợ và chồng, và quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng. Trong một số trường hợp, chế độ tài sản chung của vợ chồng còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba tham gia vào các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng (như tham gia vào các giao dịch dân sự hoặc bồi thường thiệt hại…).
- Xuất phát từ tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân cũng như sự chi phối bởi tình cảm giữa vợ và chồng mà khi “cơm lành, canh ngọt”, thì ranh giới giữa tài sản chung, tài sản riêng không mấy quan trọng, thậm chí nhiều cặp vợ chồng còn xóa nhòa ranh giới này. Vợ chồng cùng nhau quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản trong gia đình. Nhưng khi quan hệ vợ chồng phát sinh những mâu thuẫn gay gắt thì vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là vấn đề tài sản. Vì vậy, xác định quyền sở hữu đối với tài sản chung vợ chồng là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, tránh những mâu thuẫn xảy ra làm tổn thương đến tình cảm và sự đoàn kết trong gia đình.
Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, vợ chồng ngày càng tham gia rộng rãi vào các giao dịch dân sự, thương mại, làm cho vấn đề tài sản chung của vợ chồng ngày càng phức tạp. Các tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng, giữa vợ, chồng với người thứ ba ngày càng nhiều. Xác định quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng giúp cho vợ, chồng xác định được quyền và nghĩa vụ về tài sản đối với gia đình, đối với nhau và đối với con cái, là căn cứ để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ, chồng. Đồng thời còn xác định rõ trách nhiệm của các bên vợ, chồng trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản. Qua đó, tính minh bạch của các giao dịch dân sự mà một bên chủ thể là vợ, chồng được thể hiện rõ hơn, giúp người có quyền xác định được nghĩa vụ mà vợ chồng phải thực hiện được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung hay không. Vì vậy, việc xác định quan hệ tài sản của vợ chồng sẽ là tiền đề quan trọng tạo môi trường pháp lý thuận lợi, ổn định để vợ chồng tham gia các quan hệ xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba khi tham gia quan hệ tài sản với vợ chồng. Đồng thời, chế độ tài sản chung của vợ chồng còn là căn cứ pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Từ đó, tạo điều kiện để vợ chồng chủ động tham gia vào các quan hệ xã hội nhằm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững và thực hiện tốt các mục tiêu xã hội.
1.3. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chế độ tài sản chung của vợ chồng
Gia đình là tế bào của xã hội, sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình sẽ góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ xã hội. Gia đình thực hiện tốt chức năng kinh tế sẽ là cơ sở để thực hiện tốt các chức năng xã hội cơ bản khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội. Vì vậy, quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một vấn đề hết sức quan trọng, nó là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu về vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình.
Nhận thức được vị trí của gia đình trong xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm đến việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc qua việc ban hành, hoàn thiện các quy phạm pháp luật, điều chỉnh quan hệ HN&GĐ cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là các chế định liên quan đến tài sản, quyền sở hữu tài sản của vợ chồng.
Xuất phát từ nguyên lý của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử theo quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin thì tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ biện chứng, theo đó, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và ngược lại, nếu ý thức xã hội phản ánh đúng tồn tại xã hội thì nó sẽ định hướng đúng cho con người trong cải tạo hiện thực; nếu ý thức xã hội phản ánh không đúng tồn tại xã hội, thì nó sẽ làm cản trở quá trình cải tạo hiện thực của con người. Pháp luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, được hình thành từ một cơ sở hạ tầng phù hợp. Nếu pháp luật phù hợp với sự phát triển của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội thì mới có tính khả thi trong quá trình thực hiện pháp luật, từ đó, tạo cơ sở cho sự ổn định và phát triển của xã hội.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, bản chất của chế độ xã hội, cùng với các yêu cầu khách quan của nền kinh tế - xã hội chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để Nhà nước xây dựng chế độ tài sản chung của vợ chồng. Tương ứng với mỗi chế độ xã hội cụ thể là một chế độ HN&GĐ do Nhà nước quy định (trong đó chế độ tài sản chung của vợ chồng được thể hiện rõ nét nhất). Ở thời kỳ phong kiến, khi mà xã hội có sự đối kháng giai cấp, chế độ người bóc lột người cùng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” được thừa nhận, thì các quan hệ HN&GĐ, quan hệ giữa vợ và chồng cũng phản ánh sự bất công, bất bình đẳng giữa vợ chồng. Trong gia đình, vợ phụ thuộc chồng về mọi phương diện, người chồng là “gia trưởng”, người vợ là “nô lệ” trong gia đình. Điều 96 Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931 quy định: “chồng là người chủ
trương trong gia đình”, theo đó, người chồng có quyền đại diện cho quyền lợi của gia đình, có quyền ký kết bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến tài sản của vợ chồng. Ngược lại, người vợ chỉ được đại diện trong những nhu cầu gia vụ hoặc chỉ được ký kết hợp đồng nếu được chồng cho phép.
Có thể bạn quan tâm!
- Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 1
- Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 2
- Chế Độ Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Ở Nước Ta Từ Sau Cách Mạng Tháng Tám (1945) Đến Nay
- Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 5
- Căn Cứ Xác Lập Tài Sản Chung Của Vợ Chồng
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Cũng với lý thuyết này, để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thành công thì một trong những điều kiện tiên quyết mà cách mạng nước ta phải thực hiện đó là phải giải phóng phụ nữ. Vì “nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa” (Hồ Chí Minh). Như vậy, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ HN&GĐ được xây dựng trên cơ sở vợ, chồng bình đẳng trên mọi phương diện, bao gồm cả chế độ tài sản chung của vợ chồng.
Kể từ sau cách mạng tháng Tám (1945), nước ta bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, hệ thống pháp luật HN&GĐ không thừa nhận chế độ tài sản ước định (theo hôn ước) mà chỉ dự liệu chế độ tài sản pháp định (theo quy định của pháp luật). Cơ sở để Nhà nước ta xây dựng chế độ tài sản pháp định xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội và phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thực tế các quan hệ HN&GĐ ở nước ta. Quan điểm của các nhà làm luật chủ nghĩa xã hội cho rằng hôn nhân không phải là một khế ước (hợp đồng) như quan điểm của các nhà làm luật ở các nước tư sản.
Mặc dù ghi nhận chế độ tài sản pháp định nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng được quy định là khác nhau. Việc quy định chế độ cộng đồng toàn sản của Luật HN&GĐ năm 1959 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội lúc bấy giờ, khi mà nền kinh tế chưa phát triển, tài sản của vợ chồng không có nhiều; đồng thời đáp ứng với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của người vợ trong gia đình. Tuy nhiên, chế độ cộng đồng toàn sản đã không còn phù hợp khi mà nền kinh tế của đất nước đang phát triển theo cơ chế thị trường, tài sản của vợ, chồng đã trở nên phong phú hơn. Chính vì vậy, Luật HN&GĐ năm
1986 và Luật HN&GĐ năm 2000 quy định theo hướng thu hẹp phạm vi khối tài sản chung của vợ chồng so với chế độ cộng đồng toàn sản trước đây và ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng trước và trong thời kỳ hôn nhân. Chế độ cộng đồng tạo sản được áp dụng kể từ khi Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực cho đến nay.
Có thể khẳng định trong những năm vừa qua nền kinh tế xã hội của đất nước đã dành được những thành tựu đáng kể: đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, phát huy ngày càng tốt hơn các nguồn lực và tiềm năng trong nhân dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển năng động, sự tham gia của vợ chồng vào các giao dịch dân sự, thương mại ngày càng rộng rãi đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến tài sản vợ chồng ngày càng phức tạp. Các tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng, giữa vợ chồng và người thứ ba ngày càng nhiều và đây cũng là những tranh chấp chủ yếu hiện nay.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua, cùng với các quy định của pháp luật đã tạo cơ sở khuyến khích vợ chồng tham gia ngày càng sâu rộng vào các quan hệ dân sự và thương mại. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hình thức kinh doanh mà vợ chồng có thể lựa chọn đầu tư rất phong phú và đa dạng như: Kinh tế hộ gia đình, thành lập doanh nghiệp, tham gia thị trường chứng khoán, kinh doanh bất động sản, tham gia các hợp đồng cho thuê tài sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Vợ chồng có thể cùng nhau đầu tư kinh doanh hoặc có thể đầu tư kinh doanh riêng, mục đích của họ có thể vì lợi ích cá nhân hoặc vì lợi ích chung của cả gia đình. Vì vậy, việc xác định quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng trong những trường hợp này là hết sức khó khăn.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho quan hệ hôn nhân ngày càng phức tạp, các vụ ly hôn ngày càng tăng, trong các án kiện ly hôn tập trung chủ yếu ở các tranh chấp về tài sản. Vì vậy, giải quyết tốt vấn đề xác định quyền sở hữu tài sản của vợ chồng không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của vợ chồng, của người thứ ba tham gia các giao dịch với vợ chồng mà còn ổn định đời sống gia đình, góp phần ổn định các quan hệ xã hội khác, thúc đẩy kinh tế xã hội ngày càng phát triển.
Nhà làm luật, ngoài việc căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội để xây dựng chế độ tài sản chung của vợ chồng còn phải xem xét đến phong tục, tập quán và đạo đức xã hội. Bởi lẽ, nội dung của phong tục, tập quán chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chính của đời sống xã hội, trong đó có các quan hệ HN&GĐ. Đồng thời, đạo đức là một hiện tượng xã hội phức tạp, nó có tác động chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ với người khác, với cộng đồng và với chính mình nên nó có ảnh hưởng lớn đến các hành vi trong quan hệ HN&GĐ. Chính vì vậy, ngay trong lời nói đầu của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đã quy định về việc “giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về HN&GĐ”. Các quy tắc, xử sự của đạo đức, phong tục, tập quán được cụ thể hóa trong pháp luật sẽ tạo điều kiện cho pháp luật dễ dàng thực hiện trên thực tế, góp phần quan trọng vào củng cố, duy trì, phát triển gia đình bền vững; giữ gìn, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực. Trong trường hợp này, phong tục, tập quán, đạo đức tốt đẹp trở thành cầu nối tạo ra môi trường thuận lợi cho pháp luật đi vào cuộc sống.
1.4. Sơ lược về chế độ tài sản chung của vợ chồng qua các thời kỳ lịch sử
1.4.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Thời kỳ phong kiến
Ngay từ rất sớm, gia đình đã được tổ chức chặt chẽ và những quy định
về nó qua từng giai đoạn phát triển của đất nước mang những nét đặc trưng của lịch sử và thời đại. Dưới các triều đại phong kiến, pháp luật điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ chiếm một vị trí quan trọng, thể hiện rõ nét nhất là Bộ Quốc triều Hình (Bộ luật Hồng Đức) ban hành dưới triều Lê vào Thế kỷ XV và Bộ Hoàng Việt luật lệ ban hành dưới triền Nguyễn năm 1812. Tuy nhiên, chế định tài sản của vợ chồng không được quy định như một chế định riêng rẻ và cụ thể. Bởi lẽ người phương Đông vốn xem gia đình là thiêng liêng cao quý nặng về tinh thần hơn vật chất, yếu tố tài sản vì thế không được xem trọng trong các quan hệ gia đình, đồng thời theo thuyết tam tòng của tư tưởng Nho giáo, thân phận người phụ nữ luôn bị phụ thuộc bởi người cha đẻ hoặc người chồng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Vì vậy, người chồng trong quan hệ hôn nhân phong kiến là trụ cột của gia đình, là chủ gia đình, tài sản trong gia đình đương nhiên thuộc về người chồng, nên vấn đề tài sản chung hay riêng của vợ, chồng không cần thiết phải đặt ra.
Theo các quy định liên quan đến quan hệ tài sản của vợ chồng của Bộ Luật Hồng Đức và Bộ Hoàng Việt luật lệ, có thể nhận thấy chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ phong kiến là chế độ cộng đồng pháp định, cụ thể là chế độ cộng đồng toàn sản - mọi tài sản vợ chồng có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng, bao gồm: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng (gọi là phu điền sản); tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ (gọi là thê điền sản) và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (gọi là tần tảo điền sản). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản này được coi là của chung và đặt dưới sự quản lý của người chồng và chỉ được chia khi một bên vợ hoặc chồng chết trước mà không có con chung.
Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, quy định trong Bộ luật Hồng Đức đời nhà Lê có sự bình đẳng hơn so với quy định trong Hoàng Việt luật lệ đời nhà Nguyễn về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung. Về nguyên tắc, cả hai văn bản đều quy định tài sản chung do
người chồng quản lý, sử dụng vì mục đích gia đình nhưng theo pháp luật nhà Lê, người vợ cũng tham gia vào việc quản lý, sử dụng tài sản chung nhưng ở mức độ hạn chế. Cụ thể là người vợ được tham gia vào việc quản lý tài sản chung của vợ chồng; người vợ được tự do hành động trong các nhu cầu gia vụ bảo đảm đời sống chung của gia đình, sự đồng ý của người chồng trong trường hợp này là mặc nhiên; ngoài ra, trong trường hợp mua bán, cầm cố tài sản là “điền sản” thì trong văn tự bắt buộc phải có chữ ký của cả hai vợ chồng, hoặc trong trường hợp người chồng sử dụng tài sản chung không bảo đảm quyền lợi của các con và lợi ích của gia đình thì người vợ có quyền phản đối. Còn trong Hoàng Việt luật lệ thì người vợ hoàn toàn vô năng lực và đặt dưới quyền của chồng, tất cả tài sản trong gia đình bao gồm cả tài sản riêng của vợ và của chồng đều hợp thành một khối duy nhất thuộc quyền quản lý của người chồng.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, pháp luật về HN&GĐ ở Việt Nam mang đậm dấu ấn của BLDS Napoléon. Cùng với chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp đã tiến hành chia nước ta làm ba miền và mỗi miền ban hành và áp dụng các bộ luật riêng để điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ, trong đó có chế độ tài sản chung của vợ chồng:
- Bắc kỳ áp dụng BLDS năm 1931 (Dân luật Bắc kỳ);
- Trung kỳ áp dụng BLDS năm 1936 (Dân luật Trung kỳ);
- Nam kỳ áp dụng Tập Dân luật giản yếu năm 1883.
Trong thời kỳ này, pháp luật về HN&GĐ thực ra chỉ là công cụ pháp lý của nhà nước thực dân phong kiến nhằm củng cố và bảo vệ lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến và có chung đặc điểm là thừa nhận chế độ đa thê, thực hiện nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ chồng, đồng thời bảo vệ và củng cố quyền của người gia trưởng, đặc biệt là quyền của chồng đối với vợ: vợ ở đâu, làm gì phải được chồng ưng thuận, cho phép; toàn bộ tài sản trong gia đình đều thuộc quyền sở hữu và quyền quản lý của người chồng.