tương ứng về Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Hiện nay, Luật doanh nghiệp chỉ quy định là Ban kiểm soát phải được thành lập ở công ty trách nhiệm hữu hạn có trên 11 thành viên, còn quyền, nghĩa vụ, chế độ làm việc của Ban kiểm soát cũng như Trưởng ban kiểm soát như thế nào là do Điều lệ công ty quy định. Theo chúng tôi, Luật doanh nghiệp dành quyền tuỳ nghi định đoạt các công việc quản lý nội bộ trong phạm vi nhất định cho doanh nghiệp là điều hợp lý, tuy nhiên độ tuỳ nghi trong quy định về Ban kiểm soát như thế này là quá rộng. Có thể chế độ làm việc của Ban kiểm soát thì để cho Điều lệ công ty quy định, nhưng trách nhiệm của Ban kiểm soát, những điều kiện tối thiểu cho thành viên Ban kiểm soát, ví dụ như thành viên Ban kiểm soát không phải là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), hay là người có liên quan của những người này thì cần phải được quy định trong luật. Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong phần lớn các công ty trách nhiệm hữu hạn ở Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) thường là những người sở hữu phần vốn góp lớn nhất trong công ty, chi phối rất lớn đến hoạt động của công ty. Ngay cả khi cùng các thành viên khác biểu quyết quyết định các vấn đề như sửa đổi, bổ sung Điều lệ, quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, khả năng chi phối của họ cũng rất lớn. Vì vậy, nếu Luật doanh nghiệp để tất cả các vấn đề về Ban kiểm soát cho Điều lệ công ty quy định thì đây có thể là kẽ hở để thành viên đa số (nắm giữ phần vốn lớn) lạm quyền để thành lập Ban kiểm soát theo hướng phục vụ cho mục đích riêng của mình, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các thành viên nắm giữ phần vốn góp thiểu số trong công ty. Chẳng hạn như thành viên Ban kiểm soát lại chính là cha, mẹ, vợ, chồng, con của Chủ tịch Hội đồng thành viên , Giám đốc (Tổng giám đốc) hay Kế toán trưởng công ty thì sự tồn tại của Ban kiểm soát chỉ còn là hình thức chứ không còn có tác dụng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, điều hành công ty.
Bên cạnh việc bổ sung quy định về điều kiện thành viên Ban kiểm soát, Luật doanh nghiệp cũng cần quy định cụ thể về thời hạn mà công ty phải thành lập Ban kiểm soát trong trường hợp công ty kết nạp thêm thành viên thứ 12 trở lên, để tránh tình trạng công ty kéo dài thời gian không thành lập Ban kiểm soát theo quy định mà lại không trái luật.
3.2.4. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các chức danh quản lý, điều hành trong công ty trách nhiệm hữu hạn
Quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của các chức danh quản lý, điều hành công ty cũng là một cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa những giao dịch tư lợi trong công ty. Qua tham khảo pháp luật công ty của nhiều quốc gia, chúng tôi thấy đây là một trong những biện pháp giám sát hoạt động của người quản lý, điều hành, bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong công ty rất được pháp luật chú trọng [Xem 24,30,37]. Tuy nhiên, như đã phân tích ở Chương 2, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các chức danh quản lý, điều hành trong công ty trách nhiệm hữu hạn chưa được Luật doanh nghiệp quy định đầy đủ.
Vì vậy, theo chúng tôi Luật doanh nghiệp cần bổ sung những quy định nhấn mạnh nghĩa vụ của người quản lý, điều hành công ty, trách nhiệm của người quản lý, điều hành khi vi phạm nghĩa vụ sau đây:
- Nghĩa vụ trung thành: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị (trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) có nghĩa vụ trung thành với công ty, hành động đầu tiên là vì lợi ích của công ty, không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của người khác mà làm phương hại đến lợi ích của công ty, không được tham gia vào các công việc mà lợi ích cá nhân và lợi ích của công ty bị xung đột (ví dụ như không được lạm dụng địa vị và quyền hạn của mình, sử dụng tài sản của công
ty và các thông tin thu thập được bằng chức vụ của mình để làm lợi cho bản thân mình và người khác; không được thành lập công ty khác để lợi dụng thâu tóm các cơ hội kinh doanh mà lẽ ra phải thuộc về công ty mà mình hiện đang làm người quản lý, điều hành…).
Có thể bạn quan tâm!
- Luật Doanh Nghiệp Còn Thiếu Các Quy Định Về Nghĩa Vụ Trung Thành, Trung Thực, Mẫn Cán, Cẩn Trọng Của Các Chức Danh Quản Lý Trong Công Ty Trách Nhiệm Hữu
- Những Yêu Cầu Và Định Hướng Chung Cho Việc Hoàn Thiện Pháp Luật Về Quản Lý Nội Bộ Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn
- Một Số Kiến Nghị Cụ Thể Nhằm Hoàn Thiện Chế Độ Pháp Lý Về Quản Lý Nội Bộ Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn
- Chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật doanh nghiệp - 17
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
- Nghĩa vụ trung thực: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị có nghĩa vụ trung thực trong khi thi hành nhiệm vụ của mình;
- Nghĩa vụ cẩn trọng: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị có nghĩa vụ hành động cẩn thận, thận trọng, đúng pháp luật trong việc lãnh đạo, điều hành công ty. Nếu người quản lý, điều hành mà hành động tắc trách, làm thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm.
- Nghĩa vụ mẫn cán: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị có nghĩa vụ hành động với hết khả năng, năng lực của mình vì lợi ích của công ty.
- Nghĩa vụ công khai các hoạt động kinh doanh riêng của người quản lý công ty và của người có liên quan với người quản lý công ty (như cha, mẹ, vợ, chồng, con…). Đây là một nghĩa vụ mà trong quá trình ban hành Luật doanh nghiệp chúng ta chưa đề cập tới. Về sau, nghĩa vụ này được quy định bổ sung trong Nghị định số 125/2004/NĐ-CP (đã dẫn).
- Nghĩa vụ công khai các thông tin quan trọng của công ty cho thành viên công ty một cách trung thực, đầy đủ, đặc biệt là tình hình tài chính và điều hành công ty. Đây cũng là nghĩa vụ mà người quản lý, điều hành công ty phải thực hiện. Bởi vì trong công ty trách nhiệm hữu hạn hiện nay, với cơ chế Hội đồng thành viên được triệu tập định kỳ mỗi năm một lần thì người sát sao nhất đối với các hoạt động của công ty là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc
(Tổng giám đốc). Chính vì vậy, nghĩa vụ công khai thông tin khi thành viên có yêu cầu là một biện pháp để tăng quyền kiểm soát công ty của các thành viên.
Quy định rõ ràng về nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, điều hành công ty sẽ là những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để đánh giá và điều chỉnh hành vi ứng xử của họ, ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền hạn được giao, gây thiệt hại cho công ty và thành viên công ty, đặc biệt là các thành viên thiểu số.
3.2.5. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thành viên công ty và bảo vệ quyền lợi của thành viên có phần vốn góp thiểu số
Thứ nhất, cần bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thành viên trong công ty, đặc biệt là quyền bình đẳng giữa thành viên trong nước và thành viên nước ngoài. Luật doanh nghiệp đã cho phép người nước ngoài góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn thì cũng cần phải thừa nhận quyền tham gia Hội đồng thành viên của họ, cũng như trong công ty cổ phần, cổ đông có quyền tham gia Đại hội đồng cổ đông (trừ những cổ đông tự nguyện từ bỏ quyền biểu quyết để hưởng thêm lợi ích về mặt kinh tế như cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại). Việc không cho người nước ngoài tham gia vào Hội đồng thành viên là vi phạm quyền tự do kinh doanh, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Vì nếu như vậy, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư, góp vốn được vào công ty trách nhiệm hữu hạn khi tìm được người có khả năng đại diện được cho mình để tham gia vào Hội đồng thành viên.
Do đó, bên cạnh việc quy định lại những người nào được gọi là người quản lý công ty, Luật doanh nghiệp còn phải thừa nhận quyền được tham gia Hội đồng thành viên của tất cả các thành viên, kể cả thành viên là người nước
ngoài. Điều này là phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập các tổ chức quốc tế, đó là nguyên tắc đối xử quốc gia (đối xử với nhà đầu tư nước ngoài như với nhà đầu tư Việt Nam) và nguyên tắc tối huệ quốc (đối xử như nhau giữa các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch khác nhau).
Thứ hai, cần phải quy định lại về điều kiện thành viên hoặc nhóm thành viên có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên. Hiện nay, để bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số, Luật doanh nghiệp quy định thành viên hoặc nhóm thành viên sở hữu trên 35% vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên. Tuy nhiên, như đã phân tích ở chương 2, tỷ lệ mà Luật doanh nghiệp quy định là quá cao, trong khi trên thực tế Điều lệ công ty không mấy khi quy định tỷ lệ nhỏ hơn quy định của luật, khiến cho quy định về bảo vệ thành viên thiểu số không có giá trị thực tiễn. Vì vậy, trên cơ sở tham khảo pháp luật của các nước và tình hình thực tiễn Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Luật doanh nghiệp nên quy định giảm tỷ lệ này, có thể xuống thành 25%, để những quy định bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số có giá trị thực sự trong thực tiễn.
3.2.6. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty trách nhiệm hữu hạn
Luật doanh nghiệp đã có tiến bộ vượt bậc so với Luật công ty 1990 trong việc giám sát các giao dịch tư lợi trong công ty, với mục đích là đảm bảo cho các giao dịch có nguy cơ tư lợi được thực hiện công bằng theo giá thị trường, không gây tổn hại đến lợi ích của công ty và của các thành viên thiểu số. Tuy nhiên, để việc giám sát các giao dịch tư lợi trong công ty được đầy đủ và chặt chẽ hơn, Luật doanh nghiệp cần bổ sung thêm một số đối tượng vào nhóm “người có liên quan” đã được quy định tại Điều 3.14 Luật doanh nghiệp.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 3.14, “người có liên quan” là những người có quan hệ với nhau trong trường hợp sau đây:
- Doanh nghiệp mẹ và doanh nghiệp con;
- Doanh nghiệp và người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp;
- Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty;
- Vợ, chồng, bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột của người quản lý doanh nghiệp, thành viên công ty, cổ đông có cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, quy định này trong thực tế chưa phản ánh được hết những những dạng giao dịch tư lợi, không ngăn ngừa và giám sát được đầy đủ các giao dịch tư lợi rất phổ biến hiện nay.
Vì vậy, chúng ta có thể nghiên cứu những gợi ý của Mekong Capital để bổ sung thêm những nhóm người có liên quan với doanh nghiệp, ví dụ như: người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ với công ty con; người được uỷ quyền đại diện cho người quản lý doanh nghiệp; những doanh nghiệp khác mà trong đó người quản lý doanh nghiệp hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con của người quản lý có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối đến hoạt động của doanh nghiệp khác đó…[31].
3.2.7. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một loại hình doanh nghiệp rất mới ở nước ta. Chính vì vậy, pháp luật về quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới chỉ được xây dựng ở bước đầu thử nghiệm, những vướng mắc trong việc thực hiện những quy định này là không thể tránh khỏi.
Như đã phân tích ở chương 2, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đoàn thể. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các doanh nghiệp này rất lúng túng trong việc lựa chọn mô hình tổ chức quản lý cho mình bởi lẽ:
- Không rõ Luật doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp tự do lựa chọn một trong hai mô hình quản lý là mô hình Hội đồng quản trị và mô hình Chủ tịch công ty, hay bắt buộc doanh nghiệp phải lựa chọn mô hình Hội đồng quản trị nếu có quy mô kinh doanh lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng?
- Nếu trường hợp Luật doanh nghiệp bắt buộc đối với doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn và ngành nghề kinh doanh đa dạng phải chọn mô hình Hội đồng quản trị thì “quy mô kinh doanh lớn”, “ngành nghề kinh doanh đa dạng” được xác định như thế nào? Quy mô kinh doanh là bao nhiêu thì được coi là lớn, kinh doanh mấy ngành, nghề thì được xác định là đa dạng thì hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể.
Điều này không những khiến cho doanh nghiệp rất lúng túng khi lựa chọn mô hình tổ chức quản lý cho mình, mà còn làm cho cơ quan đăng ký kinh doanh cũng rất lúng túng khi hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Theo chúng tôi, Luật doanh nghiệp nên để cho doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của mình, được tự do lựa chọn một trong hai mô hình tổ chức quản lý đã được luật quy định. Điều này có nghĩa là không cần quy định
các điều kiện về quy mô và ngành nghề kinh doanh nữa. Như thế, quyền tự do, tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định cơ cấu quản lý nội bộ được tôn trọng, pháp luật vẫn giữ được vai trò định hướng, hướng dẫn và điều chỉnh của mình.