Một Số Kiến Nghị Cụ Thể Nhằm Hoàn Thiện Chế Độ Pháp Lý Về Quản Lý Nội Bộ Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn


chung chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi có được sự phối hợp của các bộ phận pháp luật khác như pháp luật về kế toán, kiểm toán, thống kê, thuế… Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn ở Việt Nam không thể tách rời việc hoàn thiện các bộ phận pháp luật khác của hệ thống pháp luật kinh tế.

3.2. Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn

Xuất phát từ những yêu cầu và định hướng chung cho việc hoàn thiện pháp luật về quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn, qua việc phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:

3.2.1. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về cơ cấu quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên

Như đã phân tích ở những phần trên, với cách quy định của Luật doanh nghiệp như hiện nay thì quyền sở hữu và quyền quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn chưa có sự tách bạch. Người nào góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn đương nhiên trở thành người quản lý, trừ trường hợp người góp vốn là cá nhân, tổ chức nước ngoài không thường trú tại Việt Nam. Quy định này vừa hạn chế quyền góp vốn, đầu tư vào công ty trách nhiệm hữu hạn để hưởng lợi của rất nhiều đối tượng, đồng thời tạo nên sự bất bình đẳng về quyền giữa những người góp vốn là cá nhân, tổ chức Việt Nam với cá nhân, tổ chức nước ngoài, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Để loại trừ những nhược điểm trên, việc thiết kế một cơ cấu quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn theo hướng tách biệt giữa quyền sở hữu và quản lý trong công ty là điều cần thiết. Chúng tôi kiến nghị như sau:


Thứ nhất, Luật doanh nghiệp cần quy định lại những đối tượng được coi là người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên. Hiện nay, theo quy định của Luật doanh nghiệp, người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên bao gồm: thành viên Hội đồng thành viên (gồm cả Chủ tịch Hội đồng thành viên), Giám đốc (Tổng giám đốc). Nếu theo quy định này, người nào góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn đương nhiên trở thành người quản lý công ty. Chiểu theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật doanh nghiệp thì rất nhiều đối tượng sẽ có quyền góp vốn vào công ty cổ phần nhưng lại không được góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, ví dụ như cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…Vì những đối tượng này chỉ có quyền góp vốn chứ không có quyền quản lý doanh nghiệp. Quy định này là bất hợp lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh, đầu tư hưởng lợi chính đáng của rất nhiều người. Vì vậy, theo chúng tôi, Luật doanh nghiệp chỉ nên quy định người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc). Quy định như vậy sẽ giải quyết được các vấn đề bất cập nêu trên: tách bạch giữa quyền sở hữu với quyền quản lý trong công ty, mở rộng quyền đầu tư vào công ty trách nhiệm hữu hạn cho nhiều đối tượng, đảm bảo sự bình đẳng về quyền giữa những người góp vốn là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, khi Luật doanh nghiệp đã quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty mới là người quản lý, thì đương nhiên sẽ không còn lý do để không cho cá nhân, tổ chức nước ngoài góp vốn vào công ty tham gia vào Hội đồng thành viên. Nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn có quyền tham gia Hội đồng thành viên để cùng với các thành viên khác thảo luận, biểu quyết để quyết định các vấn đề quan trọng nhất của công ty, họ chỉ không được nắm giữ các chức danh quản lý như Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) mà thôi.


Thứ hai, Luật doanh nghiệp cần hướng tới sự đa dạng về mô hình quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn để cho phép các nhà đầu tư lựa chọn được mô hình phù hợp nhất với công ty mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Việc thiết lập cơ cấu tổ chức quản lý công ty về cơ bản là công việc nội bộ của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có quyền tự do thoả thuận, lựa chọn và xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý công ty do họ thành lập. Tuy nhiên, việc nhà nước thiết lập một khung pháp luật về quản lý nội bộ doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, định hướng cho các nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Song, trong thực tiễn kinh doanh đa dạng với môi trường kinh doanh luôn thay đổi như hiện nay, để phát huy hiệu quả điều chỉnh của mình và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiêp, khung pháp luật này cần đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt nhất định. Hiện nay, Luật doanh nghiệp quy định cơ cấu tổ chức quản lý cho các công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát (đối với công ty có trên 11 thành viên), trong đó Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên, là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty. Thực tiễn cho thấy cơ cấu này về cơ bản là phù hợp với phần lớn các công ty trách nhiệm hữu hạn hiện nay, với quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Tuy nhiên, dự kiến trong tương lai xuất hiện nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn với quy mô và số lượng thành viên lớn, cơ cấu tổ chức được quy định như hiện nay sẽ trở nên không phù hợp. Thử tưởng tượng, với một công ty trách nhiệm hữu hạn mà số lượng thành viên là 15, 20 người, chứ chưa cần đến con số tối đa là 50 thành viên như Luật doanh nghiệp quy định, để quyết định dự án đầu tư hay hợp đồng có giá trị lớn lại phải tập hợp tất cả các thành viên để họp và quyết định thì thời cơ kinh doanh của công ty có thể bị bỏ lỡ. Chính vì vậy mà pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới không có nhiều phân biệt về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, bởi vì sự khác nhau cơ bản giữa hai


Chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật doanh nghiệp - 15

loại công ty này chỉ là được phát hành hay không được phát hành cổ phiếu, công ty cổ phần phát hành cổ phiếu thì chịu thêm sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán [14].

Theo chúng tôi, để dành cho các nhà đầu tư cơ hội lựa chọn được một cơ cấu tổ chức phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của công ty mình, Luật doanh nghiệp nên cho phép các nhà đầu tư thoả thuận, lựa chọn một trong hai mô hình tổ chức quản lý sau đây:

- Mô hình không có Hội đồng quản trị: bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc).

- Mô hình có Hội đồng quản trị: bao gồm Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc).

Thực ra, khi chúng ta xây dựng dự thảo Luật doanh nghiệp (1999), có hai cách tiếp cận trong việc thiết kế cơ cấu quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn đã được đưa ra. Cách thứ nhất là luật quy định rõ và cụ thể hai trường hợp: trường hợp có Hội đồng quản trị và trường hợp không có Hội đồng quản trị với đầy đủ chức năng và quyền hạn của các cơ quan quản lý, điều hành. Cách thứ hai là luật chỉ quy định cụ thể cơ cấu phổ biến gồm Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) với đầy đủ chức năng, quyền hạn của các cơ quan này, còn nếu thành viên có lựa chọn cơ cấu khác, tức là thành lập thêm Hội đồng quản trị thì quyền hạn của các cơ quan do Điều lệ công ty quy định. Cách tiếp cận thứ nhất thì được đánh giá là tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư lựa chọn, nhưng lại gặp phải rắc rối ở kỹ thuật soạn thảo. Cách tiếp cận thứ hai thì có sự linh hoạt cao, tạo cho nhà đầu tư quyền tự do trong việc lựa chọn cơ cấu quản lý nội bộ của công ty mình, nhưng lại chưa tạo được khung khổ hướng dẫn cụ thể, sẽ tạo ra cơ hội cho một số nhà đầu tư lớn lạm dụng khả năng và vị thế của mình để thiết lập cơ cấu quản lý


làm lợi cho họ và hại đến các thành viên thiểu số [25]. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, để bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên công ty thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thiết lập được một cơ chế giám sát hợp lý đối với người quản lý, điều hành, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý nội bộ công ty chứ không chỉ dừng lại ở việc “gò” công ty trong một cơ cấu quản lý nội bộ cứng nhắc.

Khuyến khích tính đa dạng trong các mô hình quản lý nội bộ công ty cũng là xu hướng chung của pháp luật về quản trị công ty trên thế giới. Bởi vì như đã phân tích ở trên, không có một mô hình quản lý nào phù hợp cho các công ty trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Vì vậy, không nên cho rằng chỉ cần một cơ cấu quản lý nhất định là có thể phù hợp với tất cả các công ty hay có thể áp dụng cho các giai đoạn phát triển khác nhau của một công ty [29, tr.54]. Khi điều kiện của công ty thay đổi, cơ cấu quản lý cũng cần thay đổi cho phù hợp, để khai thác được tốt nhất các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của công ty. Chức năng của các nhà lập pháp là thiết kế những mô hình quản lý nội bộ công ty tốt nhất để giúp các nhà đầu tư sử dụng các nguồn lực của mình với hiệu quả cao nhất. Song, các nhà lập pháp cũng cần đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư về cơ cấu quản lý nội bộ công ty đa dạng, linh hoạt để dễ thích nghi với những điều kiện, hoàn cảnh mới, để không làm ảnh hưởng đến các cơ hội kinh doanh của công ty.

3.2.2. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về chế độ làm việc của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên

Với tư cách là một cơ quan bao gồm tất cả các thành viên công ty, cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty, chất lượng hoạt động của Hội đồng thành viên cũng tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của công ty. Từ


những vướng mắc trong quy định của Luật doanh nghiệp về chế độ làm việc của Hội đồng thành viên, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Luật doanh nghiệp cần quy định tăng số lần họp định kỳ của Hội đồng thành viên. Với vị trí và thẩm quyền của Hội đồng thành viên như quy định hiện nay, số lần họp định kỳ được quy định là ít nhất mỗi năm một lần là quá ít, làm ảnh hưởng đến các cơ hội kinh doanh của công ty. Quy định Hội đồng thành viên họp ít nhất mỗi năm 1 lần chỉ phù hợp với trường hợp cơ cấu tổ chức quản lý công ty có Hội đồng quản trị làm đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cũng như giữ nguyên chức năng của Hội đồng thành viên như hiện nay, thì Luật doanh nghiệp nên quy định tăng số lần họp định kỳ hàng năm của Hội đồng thành viên, có thể là họp ít nhất 2 quý một lần.

Thứ hai, Luật doanh nghiệp cần bổ sung những quy định về thời hạn tối thiểu gửi thư mời họp cũng như gửi trước chương trình và tài liệu cuộc họp cho các thành viên. Điều này Luật doanh nghiệp chưa đề cập tới, có thể làm ảnh hưởng đến quyền được thông tin và các quyền lợi chính đáng khác của thành viên công ty. Thời hạn tối thiểu có thể được quy định là 1 tuần đối với thư mời họp và 2 ngày đối với chương trình, tài liệu cuộc họp. Tất nhiên, Điều lệ công ty có thể quy định một thời hạn dài hơn, còn nếu Điều lệ không quy định thì áp dụng thời hạn tối thiểu mà luật quy định. Quy định cụ thể về những thời hạn này sẽ tạo điều kiện cho các thành viên không trực tiếp điều hành công ty chủ động hơn với chương trình, nội dung cuộc họp, đảm bảo quyền thông tin của các thành viên, đặc biệt là thành viên thiểu số.

Thứ ba, Luật doanh nghiệp cần quy định chặt hơn về điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên, đặc biệt là thành viên thiểu số trong công ty. Hiện nay điều kiện để tiến hành họp Hội đồng thành viên được Luật doanh nghiệp xác định dựa trên số


thành viên đại diện cho một tỷ lệ vốn điều lệ tối thiểu. Cụ thể, cuộc họp Hội đồng thành viên triệu tập lần thứ nhất chỉ được tiến hành khi có số thành viên tham dự đại diện cho ít nhất 65% vốn điều lệ tham dự, đối với cuộc họp triệu tập lần thứ hai thì tỷ lệ này là 50%. Luật doanh nghiệp cho phép Điều lệ công ty có thể quy định một tỷ lệ tối thiểu cao hơn luật. Tuy nhiên, qua tham khảo Luật của nhiều nước cho thấy, độ mở của Luật doanh nghiệp trong các quy định này như vậy là rộng, và trong thực tế rất hiếm trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ cao hơn luật. Việc quy định một tỷ lệ số vốn tối thiểu thấp như vậy để cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành, cùng với việc không quy định cụ thể về thời hạn gửi trước thư mời họp thì quyền lợi của nhiều thành viên, đặc biệt là các thành viên thiểu số rất dễ bị vi phạm. Vì vậy, Luật doanh nghiệp cần quy định một tỷ lệ cao hơn để cuộc họp Hội đồng thành viên có thể được tiến hành, có thể quy định là cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ nhất được tiến hành với điều kiện có số thành viên tham dự đại diện cho ít nhất 75% số vốn điều lệ của công ty. Quy định này sẽ tăng khả năng bảo vệ được quyền lợi của thành viên thiểu số trong thực tiễn.

Thứ tư, Luật doanh nghiệp cần quy định rõ ràng trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong trường hợp không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định. Hiện nay, Luật doanh nghiệp quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nhiệm vụ triệu tập họp Hội đồng thành viên thường kỳ hoặc bất thường nếu xét thấy cần thiết cho việc quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, hoặc theo yêu cầu của thành viên (nhóm thành viên) sở hữu trên 35% vốn điều lệ. Đã gọi là quyền và nhiệm vụ có nghĩa triệu tập họp Hội đồng thành viên là việc Chủ tịch Hội đồng thành viên được làm và phải làm, nếu phải làm mà lại không làm, gây thiệt hại đến lợi ích của công ty và các thành viên thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong trường hợp không triệu tập họp Hội đồng thành viên


theo quy định lại chưa được Luật doanh nghiệp đề cập tới. Điều này khiến cho trong thực tế Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể vì mục đích tư lợi, không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định để giải quyết các công việc quan trọng của công ty, mà tự ý giải quyết hoặc liên kết với Giám đốc (Tổng giám đốc) để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến điều hành công ty, gây thiệt hại cho công ty và các thành viên khác. Vì vậy, Luật doanh nghiệp nên quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong trường hợp không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định mà gây thiệt hại cho công ty.

3.2.3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về Ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn

Ban kiểm soát là một thiết chế quan trọng trong công ty, có chức năng giúp nhà đầu tư kiểm tra và giám sát toàn bộ hoạt động trong công ty. Hiện nay ở Việt Nam, với đa phần các công ty trách nhiệm hữu hạn có quy mô nhỏ và số lượng thành viên ít, chủ sở hữu cũng đồng thời là người quản lý, điều hành công ty, nên vai trò của Ban kiểm soát chưa thể hiện rõ. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khi quy mô và số lượng thành viên công ty tăng lên, không phải tất cả chủ sở hữu đều có khả năng trực tiếp tham gia quản lý, điều hành công ty. Khi đó, họ có thể thuê người điều hành và lập ra Ban kiểm soát để giám sát người quản lý, điều hành và các hoạt động tài chính, kế toán của công ty, nhằm ngăn chặn những hành vi lạm quyền của người quản lý, điều hành, xâm hại đến lợi ích của công ty và của các chủ sở hữu. Khi đó, vai trò của Ban kiểm soát sẽ trở nên đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, những quy định của Luật doanh nghiệp về Ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn khá lỏng lẻo, làm Ban kiểm soát không phát huy được chức năng vốn có của nó.

Theo chúng tôi, Luật doanh nghiệp cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát, có thể tham khảo hoặc áp dụng các quy định

Xem tất cả 145 trang.

Ngày đăng: 26/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí