Vai Trò Của Kỷ Luật Lao Động, Trách Nhiệm Vật Chất Trong Việc Ổn Định Quan Hệ Lao Động

Về chủ thể áp dụng, trách nhiệm vật chất do người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động là cá nhân hoặc tổ chức có khả năng sử dụng thuê mướn lao động. Người lao động là cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật lao động. Chủ thể áp dụng trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế là pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh. Các bên căn cứ vào các quy định của pháp luật thoả thuận trách nhiệm bồi thường, trong trường hợp khi có tranh chấp xảy ra mà các bên không thoả thuận được thì trách nhiệm bồi thường sẽ do cơ quan tài phán quyết định.

Về căn cứ áp dụng, trong trách nhiệm vật chất, hành vi vi phạm của người lao động là những hành vi vi phạm kỷ luật lao động, còn trong trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế thì hành vi vi phạm là hành vi của một bên chủ thể đã xử sự trái với những nội dung đã cam kết trong hợp đồng kinh tế hoặc hành vi trái với những quy định của pháp luật. Đó là những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ theo hợp đồng.

Về thiệt hại vật chất, thì trong trách nhiệm vật chất, tài sản bị thiệt hại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng, lưu giữ của người lao động, còn trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế, tài sản bị thiệt hại có thể của một hoặc hai bên chủ thể của quan hệ hợp đồng kinh tế.

Trong áp dụng trách nhiệm vật chất chỉ khi nào người lao động có lỗi trong hành vi gây thiệt hại tài sản mới phải bồi thường. Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động. Lỗi để áp dụng trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế là lỗi suy đoán, nghĩa là, khi một bên không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ hợp đồng thì đương nhiên bị coi là có lỗi. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật thì bên vi phạm được xét giảm, miễn trách nhiệm tài sản.

Về nguyên tắc bồi thường, trách nhiệm vật chất trong luật lao động được áp dụng theo nguyên tác bồi thường những thiệt hại trực tiếp, bồi thường từng phần. Còn trong trách nhiệm tài sản, bên vi phạm phải bồi thường không chỉ thiệt hại trực tiếp mà cả những thiệt hại gián tiếp, bao gồm giá trị số tài sản mất mát, hư hỏng kể cả tiền lãi phải trả cho ngân hàng hoặc cả các khoản thu nhập trực tiếp và thực tế không thu được do vi phạm hợp đồng với đầy đủ

chứng cứ rõ ràng, hợp lệ; số chi phỉ để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra.

1.1.2. Vai trò của kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong việc ổn định quan hệ lao động

Với sự tiến hoá của loài người, con người trong xã hội đã không còn sống và hoạt động riêng lẻ, mà có sự hợp tác chia sẻ với nhau. Nếu con người thực hiện các hoạt động lao động sản xuất đơn lẻ, tách biệt thì mỗi người tự sắp xếp quá trình lao động của mình, hoạt động của một người không liên quan đến hoạt động của những người khác. Song, do những yêu cầu, điều kiện của quá trình lao động, mục đích lợi nhuận, thu nhập… mà con người luôn cùng nhau thực hiện công việc, cùng làm việc. Hơn nữa, con người sống trong cộng đồng, không thể tách rời nhau, mọi hoạt động của các cá nhân đều tác động tới các cá nhân khác. Chính quá trình lao động chung của con người đòi hỏi phải có trật tự, nền nếp để hướng các hoạt động của từng người vào việc thực hiện kế hoạch chung và tạo ra kết quả chung của cả nhóm người. Đây là yêu cầu khách quan cho sự ra đời của hoạt động quản lý. Mục đích và nhiệm vụ của quản lý là điều khiển, chỉ đạo hoạt động chung của con người, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân tạo thành hoạt động chung thống nhất của cả tập thể và hướng hoạt động chung đó theo những phương hướng thống nhất, nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

Để hoạt động quản lý đạt được mục đích thì tập thể, tổ chức phải có những phương tiện buộc mỗi người phải hành động theo những nguyên tắc nhất định, phải phục tùng những khuôn mẫu, những mệnh lệnh nhất định. Cái phương tiện để điều khiển, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của các cá nhân để tạo ra trật tự, nền nếp trong quá trình lao động chung của một nhóm người chính là kỷ luật lao động. Sản xuất ngày càng phát triển, cùng với nó là trình độ phân công, tổ chức lao động trong xã hội ngày càng cao và vì vậy, kỷ luật lao động ngày càng quan trọng.

Kỷ luật lao động có vai trò rất lớn trong việc củng cố, ổn định quan hệ lao động trong xã hội. Thực hiện tốt các quy định về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất là cơ sở để tổ chức lao động khoa học và có hiệu quả, nâng cao năng xuất lao động và xây dựng, hoàn thiện người lao động mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Kỷ luật lao động là cơ sở để tổ chức lao động khoa học và có hiệu quả trong từng đơn vị và trên toàn xã hội. Không có kỷ luật lao động, hoặc kỷ luật lao động lỏng lẻo sẽ không bao giờ tổ chức được lao động cho có hiệu quả, có sức mạnh, không thể nào bảo đảm mọi người, mọi tập thể tự giác và có trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ lao động. Thông qua việc duy trì kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có thể bố trí sắp xếp lao động một cách hợp lý, để ổn định sản xuất, ổn định đời sống người lao động và trật tự xã hội nói chung. Kỷ luật lao động là công cụ đảm bảo cho lao động có hiệu quả để phát triển kinh tế; đảm bảo cho tổ chức lao động được chặt chẽ, trở thành một khối thống nhất, vững mạnh. Kỷ luật lao động ràng buộc các cá nhân trong tập thể lao động, tạo ra sự tác động phụ thuộc lẫn nhau trong sản xuất, từ đó tạo ra sự tự giác cùng nhau lao động nhịp nhàng, ăn khớp và thống nhất. Thêm vào đó, kỷ luật lao động còn tác động tới mỗi cá nhân người lao động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ lao động của cá nhân đối với tập thể, được thể hiện bằng kết quả lao động.

Kỷ luật lao động còn là một nhân tố quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phảm, tiết kiệm nguyên vật liệu… "Việc nâng cao hiệu quả sử dụng kỹ thuật mạnh lệ thuộc trực tiếp vào trình độ kỷ luật lao động trong các tập thể sản xuất. Phân tích mối liên hệ giữa kỷ luật lao động, tập thể sản xuất và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phép xác định quy luật phổ biến là: trình độ kỷ luật lao động trong tập thể càng cao thì quá trình sản xuất càng ổn đinh, tính liên tục của nó càng bền vững, tốc độ quay vòng quỹ sản xuất ngày càng nhanh, mức độ sinh lợi của vốn ngày càng cao"7.

Chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo pháp Luật lao động Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng tại một số doanh nghiệp - 4

Mặt khác, kỷ luật lao động còn là một căn cứ cụ thể để người lao động tự rèn luyện để trở thành người công nhân của xã hội hiện đại, có tác phong công nghiệp, là cơ sở để họ đấu tranh với những tiêu cực trong lao động sản xuất. Kỷ luật lao động cũng là thước đo, là tiêu chuẩn để người lao động phấn đấu nâng cao trình độ, ổn định công việc và thu nhập của mình, thông qua đó trình độ lao động, năng suất lao động và đời sống xã hội được nâng cao.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, vấn đề kỷ luật lao động ngày càng trở nên quan trọng. Trật tự, nền nếp của một doanh nghiệp và ý thức tuân thủ kỷ luật của người lao động là những yếu tố cơ bản để duy trì quan hệ lao động ổn định, hài hoà. Đó cũng là điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất

khẩu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, mọi quy phạm pháp luật lao động đều hướng tới việc duy trì kỷ luật lao động, ổn định quan hệ lao động trong xã hội. Trong Bộ luật lao động ở nước ta, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất là một nội dung quan trọng.

1.1.3. Sự hình thành và phát triển của chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất trong pháp luật lao động Việt nam

Cách mạng Tháng tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của pháp luật Việt nam nói chung và các quy định của pháp luật về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất nói riêng. Ngay từ ngày đầu thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã rất coi trọng vấn đề giáo dục công nhân viên chức tuân thủ kỷ luật lao động, bởi Đảng ta nhận thấy rằng tuyệt đại bộ phận công nhân viên chức đều xuất thân từ nông dân, từ quân nhân, chưa quen với tác phong công nghiệp, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của kỷ luật lao động trong sản xuất công nghiệp có tổ chức, nên dễ xuê xoa, lỏng lẻo trong việc chấp hành. Trong suốt quá trình xây dựng đất nước, nhiều chính sách, văn bản quy định về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất được ban hành đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề kỷ luật lao động. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã ghi nhận: “Phải làm cho dân thấm nhuần quan điểm lao động XHCN, tự giác phục tùng kỷ luật lao động mới, căm ghét bóc lột và kiên quyết trừ bỏ mọi tàn tích của tư tưởng bóc lột của giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản… Phải xây dựng tác phong mới, khẩn trương, hoạt bát, trật tự chống lại lề thói uể oải, lề mề, luộm thuộm trong lao động và sinh hoạt, những lề thới ấy là tàn tích của xã hội cũ”8.

Lịch sử hình thành và phát triển của chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất trong pháp luật lao động Việt Nam được ghi nhận ở những mốc quan trọng sau đây:

- Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bao gồm 10 chương với 187 điều. Mục đích của Sắc lệnh này là để quy định trong toàn cõi Việt Nam những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các

công nhân việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do.

Chương 9 của Sắc lệnh gồm 9 điều, từ điều 175 đến điều 193, quy định về hình phạt. Hình thức phạt quy định trong Sắc lệnh gồm: hình thức "phạt bạc" và "phạt giam 7 đến 15 ngày". Mức phạt bạc thấp nhất là 10đ, và mức cao nhất là 10.000đ. Ngoài ra, những người phạm tội ngăn trở, công việc làm của các viên chức lao động, hoặc vũ mãn hay bạo động đối với những người ấy đều bị truy tố theo các điều khoản trong hình luật thi hành cho các uỷ viên tư pháp công an.

- Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức. Quy chế gồm 7 chương, 92 điều khoản định rõ nghĩa vụ, quyền lợi của công chức cùng các thể lệ về việc tổ chức, quản trị và sử dụng các ngạch công chức trong toàn quốc. Chương thứ năm của Quy chế gồm có 17 điều khoản quy định về kỷ luật áp dụng cho công chức vi phạm kỷ luật. Điều 56 quy định 7 hình thức “trừng phạt” là: cảnh cáo, khiển trách, hoãn dự thăng thưởng trong thời hạn một hoặc hai năm, xoá tên trong bảng thăng thưởng, giáng một hay hai trật, từ chức bắt buộc, cách chức. Chương thứ năm cũng quy định về thủ tục xử lý kỷ luật của hội đồng kỷ luật, hồ sơ kỷ luật, trình tự xử lý công chức vi phạm hình luật, công chức bỏ việc.

Sắc lệnh số 77/SL gồm có 8 chương, 60 điều quy định về chế độ cho công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến. Chương 6 của Sắc lệnh quy định về kỷ luật bao gồm: 5 hình thức “trừng phạt”, trình tự thủ tục xử lý kủ luật công nhân phạm kỷ luật, công nhân phạm lỗi thuộc hình luật, công nhân bỏ việc.

- Nghị định 195/CP ngày 31/12/64 của Hội đồng chính phủ, ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước.

Điều lệ về kỷ luật lao động bao gồm 4 chương 17 điều quy định cụ thể kỷ luật lao động ở các xí nghiệp, cơ quan nhà nước; mọi công nhân viên chức Nhà nước phải chấp hành, không được vi phạm. Điều 2 của Điều lệ quy định nội dung kỷ luật lao động gồm 5 điều sau đây:

1- Thực hiện đúng định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất, chương trình công tác với chất lượng tốt nhất.

2- Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và chế độ trách nhiệm được quy định trong sản xuất và công tác, tôn trọng các qui trình về công nghệ, về kỹ thuật an toàn lao động.

3- Thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy xí nghiệp, cơ quan; sử dụng đầy đủ và hợp lý thì giờ làm việc của Nhà nước đã quy định.

4- Bảo vệ của công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguyên liệu, vật liệu, thời gian, đề cao cảnh giác cách mạng, giữ bí mật Nhà nước.

5- Giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi làm việc.

Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước đã quy định về các hình thức kỷ luật tại điều 5, gồm có bốn hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác, và buộc thôi việc.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho tài sản nhà nước cũng được quy định tại điều 7: Những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc phạm kỷ luật lao động mà gây ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường sự thiệt hại đó cho công quỹ. Việc bồi thường nhằm bù đắp lại những sự thiệt hại về tài sản của Nhà nước, nhưng có chiếu cố đến tình hình đời sống của công nhân viên chức.

Thủ tục thi hành kỷ luật lao động được quy định tại điều 9: việc xét để đề nghị xử lý công nhân viên chức phạm kỷ luật lao động do Hội đồng kỷ luật của xí nghiệp, cơ quan phụ trách. Thành phần Hội đồng kỷ luật gồm: Giám đốc xí nghiệp hay thủ trưởng cơ quan chủ trì; Một đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, một đại biểu công nhân hay viên chức.

Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan có quyền quyết định thi hành kỷ luật công nhân viên chức trong xí nghiệp, cơ quan mình theo đúng chế độ phân cấp quản lý công nhân, viên chức sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng kỷ luật xí nghiệp cơ quan.

Khi quyết định kỷ luật công nhân viên chức, thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và Ủy ban hành chính địa phương biết.

Công nhân viên chức bị thi hành kỷ luật có quyền yêu cầu cấp có thẩm quyền xét lại.

- Nghị định số 49/CP ngày 4/9/1968 của Hội đồng chính phủ ban hành Chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản Nhà nước, tại Điều 1 quy định: "Công nhân, viên chức làm việc lâu dài hay tạm thời trong xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, dù ở cương vị nào, đều có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước, tự mình không xâm phạm và kiên quyết không để ai xâm phạm; gặp trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiên tai, địch họa hay một nguyên nhân nào khác đe dọa gây thiệt hại thì tự giác bảo vệ, chủ động góp phần lớn nhất của mình vào việc ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại".

Theo quy định tại Nghị định số 49/CP thì trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức được áp dụng như sau:

Căn cứ bồi thường: trường hợp công nhân viên chức có lỗi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu nhiều người có lỗi thì tất cả những người có lỗi phải bồi thường.

Mức bồi thường: Mức bồi thường được cân nhắc dựa vào nhiều yếu tố như mức độ lỗi, mức độ thiệt hại, và có cân nhắc hoàn cảnh xảy ra thiệt hại với tinh thần, thái độ công tác của người phạm lỗi.

Nếu làm hư hỏng tài sản của Nhà nước thì tùy tình hình phải bồi thường cả hay một phần sự thiệt hại, nhưng mức bồi thường tối đa không quá 3 tháng lương và phụ cấp lương của người phạm lỗi.

Nếu để mất tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường toàn bộ sự thiệt hại đã gây ra. Trường hợp có lý do chính đáng, có thể xem xét bồi thường mức thấp hơn.

Cách bồi thường: Trừ dần vào lương hàng tháng không dưới 10% và không quá 30% số lương và phụ cấp lương hàng tháng của người phạm lỗi.

Thủ tục xử lý: Những vụ do vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, đều do xí nghiệp, cơ quan có trách nhiệm quản lý tài sản bị thiệt hại xử lý, trừ trường hợp miễn giản mức bồi thường nói tại điều 12 và 14 do thủ trưởng cơ quan đề nghị và do cơ quan cấp trên quyết định sau khi bàn bạc với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp.

- Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002

Kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng và Hiến pháp về lao động, sử dụng và quản lý lao động, ngày 23-6-1994 Quốc hội nước CHXHCH Việt nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Bộ Luật lao động của nước CHXHCN Việt nam và đến năm 2002 Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung. Nội dung quy định về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất sẽ được trình bày cụ thể ở phần 1.2.‌

1.2. NỘI DUNG CỦA CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT TRONG PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG HIỆN HÀNH

1.2.1. Chế độ kỷ luật lao động

1.2.1.1. Nội dung của kỷ luật lao động

Trong một đơn vị, người lao động và người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Thông qua việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, hoạt động của đơn vị sẽ được tiến hành theo một trình tự nhất định, kỷ luật lao động được duy trì. Liên quan trực tiếp đến vấn đề kỷ luật lao động, trách nhiệm cơ bản của người sử dụng lao động là phải tạo ra và duy trì kỷ luật lao động; nghĩa vụ của người lao động là tuân thủ kỷ luật lao động.

Nội dung của kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động được hiểu là những nghĩa vụ phải tuân theo của người lao động, được quy định trong nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể hay trong pháp luật lao động.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2023