c) Phân biệt trách nhiệm kỷ luật lao động với trách nhiệm kỷ luật hành chính
Phân biệt trách nhiệm kỷ luật lao động và trách nhiệm kỷ luật hành chính có một ý nghĩa rất lớn. Trong thời kỳ quản lý hành chính quan liêu bao cấp ở nước ta hầu như toàn bộ người lao động trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước cũng được tuyển dụng vào biên chế nhà nước giống như những người làm việc trong cơ quan quản lý hành chính, và trách nhiệm kỷ luật được áp dụng hầu như giống nhau. Đến khi có Bộ luật lao động, thì mới có sự phân biệt rõ ràng đối với hai nhóm đối tượng điều chỉnh khác nhau. Thêm vào đó, hai nhóm đối tượng này khá gần gũi nhau, cho nên hiện nay vẫn còn tình trạng áp dụng nhầm lẫn các hình thức kỷ luật cho các đối tượng vi phạm. Việc phân biệt hai loại trách nhiệm này dựa vào các đặc điểm sau:
Thứ nhất, chủ thể của trách nhiệm kỷ luật trong luật lao động là người lao động ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Chủ thể của trách nhiệm kỷ luật trong luật hành chính là những người có chức vụ hay các cán bộ, công chức ở những nghề nghiệp riêng biệt có những vi phạm hành chính ở bất kỳ thời gian, không gian nào.
Thứ hai, người có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm kỷ luật lao động là người sử dụng lao động. Trong trách nhiệm kỷ luật hành chính, người có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm kỷ luật là nhà nước. Người đại diện nhà nước ra quyết định kỷ luật và cán bộ công chức bị kỷ luật có quan hệ trực thuộc.
Thứ ba, cơ sở của trách nhiệm kỷ luật lao động là những hành vi vi phạm nghĩa vụ lao động được quy định trong nội quy lao động. Cơ sở của vi phạm kỷ luật hành chính là những hành vi có lỗi, vi phạm các nguyên tắc và nghĩa vụ trong hoạt động công vụ đã được Nhà nước quy định, đó có thể là không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, sai lệch nghĩa vụ được giao phó.
Thứ tư, hình thức kỷ luật lao động trong luật lao động được quy định tại điều 84 Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung năm 2002 quy định những hình thức sau đây: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức; Sa thải. Công chức nhà nước khi vi phạm kỷ
luật thì phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.
Thứ năm, khi xử lý kỷ luật người lao động trong doanh nghiệp, các bên liên quan cùng tham gia buổi họp xử lý kỷ luật và có quyền tham gia ý kiến, song người sử dụng lao động trực tiếp quyết định hình thức kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Trong quan hệ hành chính, việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nhất thiết phải thông qua Hội đồng kỷ luật và được quyết định bằng biểu quyết theo đa số với hình thức bỏ phiếu kín.
Chúng ta thấy rằng luật hành chính và luật lao động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhiều quy phạm của hai ngành luật này đan xen vào nhau trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, giữa trách nhiệm kỷ luật trong luật lao động với trách nhiệm kỷ luật trong luật hành chính vừa có những điểm chung vừa có những nét khác biệt. Việc phân định rõ trách nhiệm kỷ luật trong luật lao động và luật hành chính là rất cần thiết để có thể lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp khi có vi phạm xảy ra.
1.1.1.4. Trách nhiệm vật chất
Có thể bạn quan tâm!
- Chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo pháp Luật lao động Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng tại một số doanh nghiệp - 1
- Chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo pháp Luật lao động Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng tại một số doanh nghiệp - 2
- Vai Trò Của Kỷ Luật Lao Động, Trách Nhiệm Vật Chất Trong Việc Ổn Định Quan Hệ Lao Động
- Thủ Tục Tiến Hành Xử Lý Vi Phạm Kỷ Luật Lao Động
- Vấn Đề Tạm Đình Chỉ Công Việc Của Người Lao Động
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
a) Khái niệm
Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là một loại trách nhiệm pháp lý do người sử dụng áp dụng đối với người lao động bằng cách bắt buộc người lao động phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của họ gây ra.
Trách nhiệm vật chất áp dụng đối với người lao động trong quan hệ lao động là một loại trách nhiệm pháp lý được quy định trong Luật lao động. Quy định về trách nhiệm vật chất trong luật lao động là thể chế hoá quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền sở hữu về vốn và tài sản trong doanh nghiệp. Điều 22 Hiến pháp nước ta đã quy định: "Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế… đều bình đẳng trước pháp luật, vốn và tài sản hợp pháp được Nhà nước bảo hộ" và Điều 58 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân".
Trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm làm thiệt hại đến tài
sản của người sử dụng lao động thì không những họ phải chịu trách nhiệm kỷ luật mà còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của họ gây ra.
Quy định về trách nhiệm vật chất trong luật lao động không những có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh đồng bộ các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo và tăng cường kỷ luật lao động.
b) Đặc điểm của trách nhiệm vật chất
Trách nhiệm vật chất trong luật lao động có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, trách nhiệm vật chất trong luật lao động chỉ áp dụng đối với một bên của quan hệ lao động đó là người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động.
Thứ hai, trách nhiệm vật chất chỉ phát sinh trong trường hợp người lao động thực hiện quyền vào nghĩa vụ lao động của mình khi tham gia vào quan hệ lao động.
Thứ ba, trách nhiệm vật chất do người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động.
Thứ tư, tài sản bị thiệt hại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu giữ hoặc chế biến… của người lao động dựa trên chức năng, nhiệm vụ của người lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm.
Sự phát sinh trách nhiệm vật chất có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động cũng như vấn đề tổ chức lao động sản xuất của các đơn vị sử dụng lao động. Do vậy để áp dụng trách nhiệm vật chất đúng đắn và hiệu quả, cần phải có những căn cứ cụ thể.
c) Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất
Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất là những điều kiện cần và đủ để người sử dụng lao động quy trách nhiệm vật chất đối với người lao động gây thiệt hại. Đó cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quan hệ bồi thường. Cũng như một số trách nhiệm pháp lý khác, trách nhiệm vật chất có 4 căn cứ:
- Có hành vi vi phạm kỷ luật lao động;
- Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động;
- Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại tài sản;
- Có lỗi của người vi phạm.
Có hành vi vi phạm kỷ luật lao động: Điều kiện đầu tiên để xác định trách nhiệm vật chất là hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động. Vi phạm kỷ luật lao động có nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ được giao hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ đó và như vậy là vi phạm các quy định của pháp luật và nội quy lao động mà đơn vị sử dụng lao động đã đề ra.
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động còn được thể hiện ở góc độ là người lao động không có trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ lao động và do đó dẫn đến thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động. Những hành vi vi phạm kỷ luật lao động bao giờ cũng xảy ra khi người lao động thực hiện nghĩa vụ sản xuất, công tác mà người sử dụng lao động giao cho.
Có thiệt hại tài sản cho người sử dụng lao động: Sự thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động là sự giảm bớt số lượng hoặc giá trị của tài sản đó. Xác định căn cứ này là tìm ra tài sản bị thiệt hại là tài sản gì, tài sản đó bị hư hỏng hay bị mất, số lượng và giá trị của sự thiệt hại là bao nhiêu.
Thiệt hại là một căn cứ quan trọng để áp dụng trách nhiệm vật chất. Bởi một mục đích quan trọng của việc áp dụng trách nhiệm vật chất là khôi phục lại tình trạng tài sản cho người sử dụng lao động. Để có thể khôi phục thì phải có thiệt hại thực tế xảy ra.
Nếu ở một số trường hợp trong trách nhiệm dân sự, đương sự phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thì ở trách nhiệm vật chất trong luật lao động, người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp mà không phải bồi thường những thiệt hại gián tiếp.
Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm kỷ luật và thiệt hại tài sản: Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm kỷ luật lao động và thiệt hại tài sản. Xác định quan hệ nhân quả này là quá trình chứng minh rằng sự thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động do hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây ra; hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động là nguyên nhân, còn sự thiệt hại về tài sản là kết quả tất yếu của nguyên nhân đó. Nếu
giữa hành vi vi phạm kỷ luật lao động và thiệt hại tài sản xảy ra không có mối liên hệ nhân quả này thì người vi phạm không phải bồi thường.
Xem xét mối quan hệ này, ngoài ý nghĩa làm căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất, còn có ý nghĩa xác định mức bồi thường thiệt hại. Cho nên, cần xác định chính xác mối quan hệ nhân quả này. Trong thực tế, một nguyên nhân có thể làm phát sinh nhiều hậu quả. Ví dụ: máy hỏng có thể dẫn đến những hậu quả như: sản phẩm bị hư hỏng, hệ thống dây chuyền bị hư hỏng, mạng lưới điện bị cháy nổ… Hay một hậu quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Ví dụ: máy hỏng có thể do những nguyên nhân: máy cũ, điện không ổn định, người lao động vận hành sai quy trình… Để đánh giá chính xác mối quan hệ nhân quả, cần phải đánh giá, xem xét diễn biến sự việc trong mối liên hệ sau: thứ nhất, hành vi vi phạm kỷ luật lao động phải xảy ra trước hậu quả thiệt hại tài sản về mặt thời gian; thứ hai, hành vi vi phạm kỷ luật lao động độc lập trong mối liên hệ với các sự kiện, hiện tượng khác, phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả thiệt hại tài sản; thứ ba, đối với hậu quả thiệt hại vật chất đã xảy ra phải chắc chắn rằng, đó là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại của hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Lỗi của người vi phạm: Xác định lỗi của người vi phạm là xác định một căn cứ quan trọng để áp dụng trách nhiệm vật chất. Trong trách nhiệm vật chất của người lao động, lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động. Nếu có lỗi người gây thiệt hại mới phải bồi thường; không có lỗi mặc dù có đầy đủ 3 căn cứ trên thì cũng không đủ điều kiện để áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất. Đó là trường hợp người lao động có làm thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động nhưng do tác động của các điều kiện khách quan không thể lường trước được hoặc vượt quá mức khắc phục của họ. Như vậy, họ không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm vật chất. Trường hợp nhiều người có lỗi cùng gây ra một thiệt hại thì phải căn cứ vào nghĩa vụ lao động cụ thể của từng người và các điều kiện của họ để xác định mức độ lỗi của cá nhân mỗi người một cách chính xác.
Lỗi có 2 loại, lỗi cố ý và lỗi vô ý, song các quy định riêng về trách nhiệm vât chất trong luật lao động chỉ áp dụng với lỗi vô ý, các trường hợp cố ý gây
thiệt hại sẽ áp dụng các quy định chung của bồi thường dân sự hoặc tuỳ từng trường hợp mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh việc xác định các căn cứ trên, còn cần phải tham khảo thêm các yếu tố như điều kiện khách quan, tài sản và hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý và sức khoẻ người vi phạm cũng như khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật của họ trước và trong khi vi phạm.
d) Phân biệt trách nhiệm vật chất với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật lao động
Trong các quy định của luật lao động, chúng ta gặp khá nhiều các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên trong quan hệ lao động. Trách nhiệm bồi thường chủ yếu tập trung vào 3 nội dung là: trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng; trách nhiệm bồi thường tính mạng, sức khoẻ; trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật lao động là loại trách nhiệm bồi thường phát sinh khi một trong các bên chủ thể gây thiệt hại cho bên kia trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ lao động, được các quy phạm pháp luật lao động điều chỉnh. Khi một bên trong quan hệ lao động mà có hành vi gây thiệt hại cho phía bên kia, thì việc bồi thường thiệt hại có thể được đặt ra phù hợp với các quy định của pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm vật chất quy định trong chế độ kỷ luật và trách nhiệm vật chất được phân biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở những điểm sau:
Về phạm vi áp dụng, trách nhiệm vật chất chỉ là một nội dung trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật lao động. Trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng trong trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động được quy định trong nội quy lao động hoặc vi phạm sự quản lý điều hành của người sử dụng lao động, còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng không chỉ đối với người lao động và còn đối với cả người sử dụng lao động khi vi phạm các quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong nội quy lao động, hợp đồng lao động và các quy định khác.
Về chủ thể áp dụng, trong trách nhiệm vật chất, thì bên có nghĩa vụ bồi thường là người lao động, và bên được bồi thường là người sử dụng lao động.
Còn trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chủ thể có nghĩa vụ bồi thường có thể là người lao động hay người sử dụng lao động.
Về nguyên tắc bồi thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung vừa theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời, ngang giá những thiệt hại xảy ra của luật dân sự, vừa theo nguyên tắc bồi thường một phần thiệt hại như bồi thường về tình trạng sức khoẻ cho người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bồi thường thiệt hại khi người lao động gây ra do sơ suất. Thông thường, nếu người bồi thường là người sử dụng lao động thì thường là theo nguyên tắc của luật dân sự, bồi thường những thiệt hại trực tiếp và cả những thiệt hại gián tiếp. Còn nếu người bồi thường là người lao động thì việc bồi thường có thể bồi thường một phần hoặc bồi thường toàn bộ. Trong khi đó, trong trách nhiệm vật chất người lao động thường chỉ phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp, và có thể bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại.
Tóm lại, trách nhiệm vật chất chỉ là một nội dung trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật lao động .
e) Phân biệt trách nhiệm vật chất trong luật lao động với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, việc phân biệt trách nhiệm vật chất trong luật lao động với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự giúp việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ được chính xác khi có hành vi gây thiệt hại về tài sản sảy ra. Việc phân biệt dựa vào các điểm khác biệt sau đây:
Về đối tượng và phạm vi áp dụng, trách nhiệm vật chất trong luật lao động chỉ áp dụng đối với người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự được áp dụng với mọi hành vi gây tổn hại đến những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Những tổn hại này có thể là tổn hại về vật chất và tổn hại về tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo luật dân sự có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về căn cứ áp dụng, hành vi vi phạm trong trách nhiệm vật chất chỉ giới hạn trong quan hệ lao động. Tức là người lao động chỉ khi nào đang thực hiện các quyền và nghĩa vụ lao động theo hợp đồng lao động mà có hành vi vi phạm nội quy lao động gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động thì mới phải chịu trách nhiệm vật chất. Những hành vi gây thiệt hại về tài s ản cho người sử dụng lao động ngoài phạm vi quan hệ lao động, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ lao động thì không thuộc phạm vi áp dụng trách nhiệm vật chất. Yếu tố lỗi trong trách nhiệm vật chất phải là lỗi vô ý. Nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại tài sản mà có lỗi cố ý thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo luật dân sự. Bồi thường thiệt hại theo quy định của luật dân sự được xác định trong trường hợp có các hành vi vi phạm hợp đồng dân sự, hay một số trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể do Bộ luật dân sự quy định. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự được áp dụng cho cả lỗi có ý và vô ý.
Về nguyên tắc bồi thường, trong trách nhiệm vật chất, việc bồi thường được thực hiện theo nguyên tắc: chỉ bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản, một số trường hợp chỉ bồi thường một phần thiệt hại, việc bồi thường thực hiện theo cách trừ dần vào lương. Trong khi đó, bồi thường thiệt hại theo quy định của luật dân sự là bồi thường toàn bộ, kịp thời nhằm khôi phục tình trạng ban đầu trước khi xảy ra thiệt hại. Việc bồi thường được áp dụng với cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp, và phải bồi thường cả những tổn hại về uy tín, nhân phẩm, danh dự.
g) Phân biệt trách nhiệm vật chất trong luật lao động với trách nhiệm tài sản trong luật kinh tế
Trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế được hiểu là sự gánh chịu hậu quả vật chất bất lợi của bên có hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế như: trả tiền phạt, tiền bồi thường… Trách nhiệm tài sản cũng có nhiều điểm giống trách nhiệm vật chất trong luật lao động, đó là đều nhằm đảm bảo sự ổn định của các quan hệ, đảm bảo trật tự trong quản lý, khôi phục lại lợi ích của các bên bị vi phạm, giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa các vi phạm pháp luật. Để phân biệt hai loại trách nhiệm này, chúng ta căn cứ vào những điểm sau đây: