Chế Độ Đãi Ngộ Của Triều Nguyễn Đối Với Quân Đội Trong Mối Tương Quan Với Các Triều Đại Trước


Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại vương triều. Chính vì vậy, triều Nguyễn vẫn phải thực hiện trợ cấp cho binh lính đi đánh dẹp và ban thưởng cho võ quan và binh lính có công như các triều vua trước.

Bên cạnh đó, thời kỳ này vua Tự Đức vẫn phải duy trì chế độ lương, phụ cấp và trợ cấp đối với quân lính như trước kia. Những chính sách về ruộng đất đối với binh lính, lương, khen thưởng đối với võ quan cấp thấp từ Ngũ phẩm trở xuống vẫn được duy trì.

Do vậy, chế độ đãi ngộ đối với quân đội trong 26 năm còn lại (từ 1858 đến 1884) của thời kỳ độc lập dưới sự cai trị của vua Tự Đức vừa có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước đồng thời vẫn duy trì những chính sách đãi ngộ của thời kỳ trước nhằm thực hiện song song hai mục tiêu: ổn định trật tự trong nước và chống ngoại xâm.

5.1.2. Chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với quân đội trong mối tương quan với các triều đại trước

So sánh với các triều đại trước, không khó để nhận thấy chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với quân đội từ năm 1802 đến năm 1884 nổi lên mấy điểm như sau:

Thứ nhất, chế độ đãi ngộ dưới Nguyễn được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chính sách lương bổng dành cho quân đội của các triều đại trước.

Chính sách đãi ngộ đối với võ quan và binh lính của triều Nguyễn không chỉ kế thừa một số nội dung của chính sách về lương, trợ cấp và khen thưởng mà còn kế thừa tính giai cấp trong chính sách ban cấp và sự quan tâm của nhà nước dành cho quân đội của các triều đại trước.

Trong thời kỳ quân chủ, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, ruộng đất là tư liệu sản xuất chính. Đây cũng là nguồn bổng lộc, tài sản quý nhất mà triều đình ban cấp cho quan lại cũng như những người có công lao đối với vương triều. Bắt đầu từ triều Trần, vua đã lấy ruộng đất ban cấp cho quý tộc (trong đó có bộ phận lớn là võ quan) làm bổng lộc. Những Thái ấp của các quý tộc Trần vừa giúp quý tộc đảm bảo cuộc sống vừa là nơi phát triển quân đội đồng thời làm phiên dậu cho kinh thành.

Thời Lê Sơ, việc chia ruộng đất làm bổng lộc cho võ quan và binh lính được thực hiện ngay từ khi Lê Lợi lên ngôi, sang thời vua Lê Thánh Tông chế độ này được cụ thể hóa bằng chính sách Lộc điền và quân điền. Thời Mạc, chiến tranh giữa các thế lực phong kiến nổ ra, binh sĩ là lực lượng được triều đình quan tâm ưu ái, vì vậy không chỉ quan lại mà binh lính cũng được hưởng ruộng lộc. Đặc biệt, dưới triều Lê Trung Hưng binh lính được chia thành nhiều hạng và hưởng định mức khác

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.


nhau về ruộng đất tùy theo vai trò và nhiệm vụ. Trong đó binh lính thân cận với nhà vua được hưởng nhiều quyền lợi hơn các ngạch binh khác.

Chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 - 17

Dưới triều Nguyễn, võ quan và binh lính ngoài được cấp lương bổng bằng tiền và gạo còn được triều đình ban thưởng bổng lộc và lương bằng ruộng đất. Không chỉ được hưởng ruộng quân điền theo chế độ chia cấp ruộng đất của làng xã mà dân đinh khi đi lính còn được hưởng lương bằng ruộng đất. Như vậy, có thể thấy triều Nguyễn đã tiếp tục kế thừa chính sách ban cấp cho binh lính bằng tư liệu quan trọng nhất của nền kinh tế nông nghiệp đó chính là ruộng đất.

Chế độ đãi ngộ đối với quân đội của triều Nguyễn kế thừa sự bảo vệ quyền lợi cho giai cấp cầm quyền của các triều đại trước

Ngay từ triều Trần, việc ban Thái ấp cho quý tộc (trong đó hầu hết là các võ tướng) đã thể hiện tư tưởng bảo vệ chế độ quân chủ quý tộc. Với chính sách này, các võ tướng là các quý tộc Trần làm chủ các Thái ấp. Bên cạnh được sử dụng một diện tích ruộng đất lớn họ còn có một số quyền lợi khác như được lập quân đội riêng. Tính giai cấp trong chính sách đối với quân đội được thể hiện rõ hơn dưới triều Lê Sơ. Khi đánh giá về việc vua Lê Thái Tổ đã thực hiện phép quân điền, tác giả Phan Huy Lê đã nhận xét:“Chế độ quân điền thời Lê có thể một phần nào xuất phát từ quyền lợi của binh lính - những người dân đã hy sinh chiến đấu, đưa Lê Lợi ngôi báu - chẳng hạn như ưu tiên cho quân lính được phần ruộng nhiều hơn dân thường” [148; 115].

Dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình ban hành chính sách Lộc điền cho võ quan. Trong chính sách này, có sự phân biệt về quyền lợi giữa quan lại có phẩm hàm cao (từ Tứ phẩm trở lên) và quan lại có phẩm hàm thấp (từ Ngũ phẩm trở xuống).

Theo đó, chỉ những quan lại cấp cao mới được hưởng chính sách Lộc điền, một phần của Lộc điền là Thế nghiệp điền được nhà nước ban cấp vĩnh viễn, trở thành tài sản riêng và võ quan mới có quyền sở hữu ruộng đất đó. Võ quan phẩm hàm thấp từ Ngũ phẩm trở xuống chỉ được hưởng ruộng quân điền.

Thời Lê Trung Hưng, nội dung bảo vệ quyền lợi cho gia cấp cầm quyền trong chính sách lương bổng và trợ cấp cho quân đội được biểu hiện rõ nét nhất. Sự ưu ái thể hiện ở việc ưu cấp cho những binh lính có công đối với vương triều, binh lính có xuất thân là quê cũ của dòng họ nhà vua và binh lính xuất thân hoàng tộc trong chính sách ruộng đất của triều Lê Trung Hưng năm 1711. Trong đó, ruộng công làng xã bất kể nhiều hay ít thì mỗi người lính vẫn được chia theo số ruộng quy định trước, sau đó


còn lại mới chia cho dân.

Ngoài ra, chế độ đối với quân đội dưới triều Nguyễn còn kế thừa những chính sách về việc khen thưởng cho quan binh sau khi thắng trận, ưu đãi đối với công thần và những người có công đối với vương triều của các triều đại trước. Những chính sách này đã đã được thực thi từ triều Lý Trần và trong đó chính sách đối với công thần là chính sách nổi bật dưới thời các chúa Nguyễn. Trong đó chế độ đãi ngộ đối với công thần, chúa Nguyễn đặc biệt ưu ái cho quan quân vùng Thanh - Nghệ Tĩnh đặc biệt là quân lính có gốc gác vùng Tống Sơn, đồng huyện với dòng họ nhà chúa, mà tổ tiên đã từng hỗ tòng chúa Nguyễn Hoàng và làm Tổng trấn xứ Thuận Hóa.

Dưới thời các chúa Nguyễn, các đinh tráng người huyện Tống Sơn thường được bổ làm quan chỉ huy. Theo Lê Quý Đôn,“Họ Nguyễn chuyên dùng người dòng họ mình, huyện mình và xứ Thanh Hoa. Chưởng dinh, Chưởng cơ, Cai cơ, Cai đội không phải hạng ấy thì không được sung tuyển. Con cháu họ đời đời được nhiêu miễn” [63;131]. Trên thực tế ngay cả Đội trưởng cũng chỉ bổ nhiệm người huyện Tống Sơn, hay người theo chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong [63;158].

Bên cạnh đó, việc ban cấp lương bổng cho võ quan theo phẩm trật cho võ quan được triều Nguyễn kế thừa từ chính sách ban cấp Lộc điền dưới triều vua Lê Thánh Tông. Quan lại phân được nhận số ruộng lộc nhiều ít khác nhau dựa trên phẩm hàm cao hay thấp. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ như cấp cấp tuất và ruộng đất cho võ quan và binh lính chết trận được tiếp nối từ triều chúa Trịnh Cương được ban hành năm 1707, chính sách đối với võ quan về hưu được chúa Trịnh ban hành vào năm 1720.

Theo chế độ này, võ quan về hưu được cấp bổng lộc gồm tiền nộp của một số xã (gọi là huệ dưỡng dân lộc) và tiền theo định lệ ban cấp của nhà nước đồng thời khi chết được cúng tế và nhận tiền tuất. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, phần quan chức chí thì Chánh nhất phẩm được cấp 500 tiền tuất và 200 tiền cúng tế.

Thứ hai, chế độ đãi ngộ đối với quân đội của triều Nguyễn là chế độ hoàn chỉnh nhất trong lịch sử xây dựng chính sách cho quân đội dưới thời kỳ quân chủ.

Trên cơ sở kế thừa chế độ đãi ngộ đối với quân đội của các triều đại trước, triều Nguyễn đã bổ sung và hoàn thiện hơn những chính sách lương bổng, trợ cấp và phụ cấp của triều đình cho quân đội so với các triều đại trước cả về định chế, cách thức, đối tượng và vật phẩm được ban cấp.

Xét những nội dung đã trình bày ở chương 3 và chương 4, dễ dàng nhận ra rằng, chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với quân đội được chuẩn hóa về định chế


ban hành so với các vương triều trước. Các triều đại trước Nguyễn, việc ban hành thành định chế mới dừng ở việc quy định định mức lương bổng cho võ quan và binh lính. Ví dụ, dưới triều Lê Sơ, triều đình mới chỉ ban hành chế định về chế độ Lộc điền cho quan lại có phẩm hàm cao và chế độ quân điền cho võ quan có phẩm hàm thấp và binh lính. Sang thời Mạc cũng mới chỉ có định lệ về ruộng “quan điền” cho binh lính.

Đến triều Nguyễn, không chỉ ban hành những định chế về bổng lộc cho võ quan và chế độ lương điền cho binh lính mà triều Nguyễn còn có những quy định rõ ràng về thủ tục nhận lương như thời gian, địa điểm, các bước và cơ quan chịu trách nhiệm cấp phát, các loại tiền được nhận với định mức lương cụ thể. Bên cạnh đó, triều Nguyễn còn có những quy định rõ ràng về định mức lương, phụ cấp, trợ cấp và khen thưởng cho các đối tượng khác nhau: võ quan đương chức, võ quan về hưu, binh lính tại ngũ và binh lính xuất ngũ, võ quan, binh lính gặp nạn trong quân ngũ và thân nhân võ quan và binh lính. Tuy thời điểm ban hành không thống nhất nhưng nhiều chế độ đãi ngộ cho võ quan và binh lính đã ban hành thành định chế thực thi trên cả nước.

Điều này chứng tỏ sự thống nhất trong quản lý của triều Nguyễn trong quản lý và chế độ đối với quân đội, như nhận xét của Hà Duy Biển (2015): “Cách tính lương bổng của quan lại Bộ Binh triều Minh Mệnh cho thấy sự chặt chẽ và cụ thể trong tính toán, dự liệu nhiều trường hợp đặc thù nhằm đảm bảo cho quá trình tính lương được chính xác, minh bạch và thống nhất. Các quy định này phần nào thể hiện tính nhân văn, khoan hậu đối với quan lại trung thành, tận tụy với vương triều” [117; 49].

Chế độ đãi ngộ đối với quân đội của triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 được mở rộng về đối tượng hơn so với chế độ lương bổng và trợ cấp đối với binh lính của các triều đại trước.

Như đã trình bày ở trên, dưới thời Lê Sơ, chính sách bổng lộc cho quan lại mới dừng lại ở việc ban cấp cho quan lại có phẩm hàm lớn (từ Tứ phẩm trở lên).

Dưới triều Nguyễn, tất cả quan lại từ gồm lục phẩm và mỗi bậc chia ra thành Chánh và Tòng đều được hưởng bổng lộc theo thứ bậc. Việc ban cấp bổng lộc cho cả võ quan có phẩm hàm thấp thể hiện sự động viên cả về vật chất và tinh thần của triều đình đối với bộ phận võ quan chiếm đa số đồng thời có ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của quân đội cũng như sự ổn định của tình hình chính trị đất nước.

Đây là bộ phận có vai trò trực tiếp tham gia các hoạt động đánh dẹp các cuộc nổi dậy trong nước và chống các thế lực bên ngoài nhất là đối với một triều đại có


nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền như triều Nguyễn. Đối với quân lính, không chỉ quân đội chính quy của nhà nước mà triều Nguyễn còn thực hiện chế độ lương và trợ cấp cho cả mộ binh, hương dõng đặc biệt là đối với binh lính tham gia chiến trận. Những đối tượng liên quan đến võ quan và binh lính như vợ, cha mẹ, con, cháu cũng được hưởng chế độ đãi ngộ của triều đình.

Đối với chế độ đãi ngộ, ngoài chế độ cho công thần và cấp tuất như thời kỳ trước, dưới triều Nguyễn còn thực hiện ban cấp đối với binh lính bị ốm đau, trận bị thương, trận vong cũng như chính sách đối với thân nhân của họ. Chính sách này cho thấy sự quan tâm của nhà nước không chỉ đối với binh lính có công mà còn đối với những người lính gặp hoạn nạn trong quân ngũ.

Chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với quân đội còn được cụ thể hóa về biện pháp thực hiện. Đặc điểm này được thể hiện ở cả cách thức và định mức ban cấp phù hợp đối với từng đối tượng.

Về cách thức thực hiện, triều Nguyễn đưa ra những quy định rõ ràng. Trong chế độ trợ cấp, định mức ban cấp đối với binh lính bị ốm, lính bị trận thương hay trận vong đều được quy định cụ thể. Võ quan và binh lính bị ốm được triều đình quy định cụ thể về việc chữa trị và sử dụng sau khi khỏi bệnh. Binh lính đi làm nhiệm vụ, tùy từng địa điểm và thời tiết mà nhà nước ban cấp vật phẩm phù hợp như đối với lính làm nhiệm vụ ở nơi giá rét thì ban cấp thêm áo, ở nơi nóng bức thì phát thêm thuốc men và dược liệu.

Về định mức, triều Nguyễn cũng đưa ra định mức cụ thể với từng đối tượng. Việc này được hiện thực hóa từ triều vua Gia Long đến triều vua Tự Đức. Dưới triều Gia Long, ngay khi lên ngôi, triều đình đã thực hiện chế độ đãi ngộ đối với công thần. Trong đó quy định rõ ràng, tùy theo năm tham gia, tùy theo cống hiến cho vương triều mà có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Sang triều Minh Mệnh, việc trợ cấp đi đường cho bộ binh, triều đình cũng quy định cụ thể quãng đường quy ra ngày đường, đối với những binh sĩ trận vong tùy theo sự cố gắng và công trạng mà chia ra các hạng khác nhau; chế độ lương điền cho binh lính cũng được quy định rõ ràng về định mức dựa trên số lượng công việc và nhiệm vụ được giao của từng ngạch binh.

Đến thời Tự Đức, triều đình có những quy định rõ ràng về chế độ cấp tuất đối với từng đội quân khi đi làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các chính sách của triều Nguyễn đối với quân đội có những điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ cũng như hoàn cảnh xã hội. Ví dụ mức lương triều


Gia Long đến Minh Mệnh võ quan phẩm hàm cao được điều chỉnh giảm đi, trong đó chính sách đối với võ quan phẩm hàm thấp tăng lên đảm bảo cho đời sống của võ quan cấp thấp và gia đình của họ. Những điều chỉnh này nhằm cân bằng hơn về khoảng cách quyền lợi giữa võ quan phẩm hàm cao, có trọng trách lớn đối với vương triều đồng thời động viên võ quan nhỏ, những người khi có chiến sự là đối tượng chủ yếu trực tiếp tham gia chiến trận.

Chế độ đãi ngộ cho võ quan và binh lính dưới triều Nguyễn còn phong phú hơn về vật phẩm thưởng cấp. Đối với binh lính, triều Lê Sơ, binh lính chỉ được cấp ruộng khẩu phần theo định mức chung của làng xã, sang thời Nguyễn, ngoài ruộng ban cấp theo lệ quân điền, binh lính còn được ban cấp lương điền. Với chế độ này, rõ ràng binh lính được ưu cấp hơn so với các triều đại trước.

Võ quan và binh lính khi đi làm nhiệm vụ đưới triều Nguyễn còn được nhận được nhiều khoản phụ cấp dựa theo tính chất của công việc. Chính sách này dưới thời kỳ trước không được tài liệu nào ghi lại. Ngoài ruộng đất, võ quan và binh lính còn được thưởng cấp phẩm hàm, vải lụa, châu báu, thẻ bài, thuốc men, quần áo... tùy trường hợp cụ thể. Ví dụ võ quan có công lao trong chiến trận như Tạ Quang Cự, Nguyễn Tri Phương... ngoài ban cấp tiền bạc còn được triều đình thăng thưởng phẩm hàm, vải lụa, ngọc...Hoặc khi ra trận bị ốm, trận thương, trận vong triều có chế độ trợ cấp ưu hậu đối với binh sĩ đặc biệt là đối với võ quan. Ngoài cấp tuất võ quan còn được ban cấp phẩm hàm, tế lễ, xây đền thờ, cho con cháu được hưởng một số quyền lợi như được ấm thụ, được học trường Anh Danh...

Có thể thấy, những chính sách lương, trợ cấp và khen thưởng của triều Nguyễn đối với quân đội bao gồm võ quan và binh lính được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chính sách sơ khai thực hiện dưới các thời Lý Trần và được thực hiện quy củ hơn dưới triều Lê Sơ, chịu tác động trực tiếp nhất là chính sách của triều Lê Trung Hưng.

Triều Nguyễn đã kế thừa những chính sách đó và trong quá trình thực hiện có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh lịch sử và tiềm lực kinh tế của vương triều. Không thể phủ nhận rằng, so với chính sách của thời kỳ trước, chính sách của nhà nước thời Nguyễn đối với quân đội được thực hiện toàn diện hơn, đội ngũ võ quan và binh lính cũng được triều đình ưu ái hơn.

5.2. Một số đặc điểm về chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn

5.2.1. Chế độ đãi ngộ đối với quân đội thể hiện sự phân biệt thứ bậc rõ rệt gắn với từng đối tượng cụ thể


Mục đích cuối cùng của chế độ đãi ngộ đối với quân đội là nhằm xây dựng một đội quân mạnh, trung thành với nhà nước, ổn định tình hình nội trị và chống các thế lực ngoại xâm đem lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Tuy nhiên dưới thời quân chủ, bảo vệ nhà nước trước hết là bảo vệ chế độ chuyên chế của vua và hoàng tộc. Do vậy trong chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với quân đội, binh lính xuất thân hay có quan hệ và gắn lợi ích đối với vua và hoàng tộc luôn được nhà nước bảo vệ quyền lợi không phải là việc đặc biệt. Đặc điểm này được thể hiện không những trong tổ chức của quân đội mà còn thể hiện trong chế độ đối với võ quan và binh lính.

Đối với tổ chức ngạch binh, một bộ phận con cháu trong hoàng tộc được tuyển vào làm lính Thân binh (vệ Tuyển Phong). Đây là ngạch binh bảo vệ trực tiếp cho vua và hoàng tộc đồng thời đây cũng là bộ phận được hưởng quyền lợi cao nhất trong các chính sách của nhà nước, từ lương, phẩm trật đến chế độ ban thưởng khác.

Ngoài ra, võ quan là người trong tôn thất khi đi đánh dẹp các cuộc nổi dậy hoặc đánh giặc ngoại xâm bị trận vong, trận thương định mức ban thưởng cũng cao hơn những võ quan khác. Điều này thể hiện mục đích của vua Nguyễn muốn duy trì và củng cố sự trung thành của bộ phận binh lính trong tôn thất đối với dòng họ của mình đồng thời cũng là một cách nhà nước duy trì sự cai trị của mình thông qua bộ phận thân tộc của dòng họ.

Bên cạnh đó, triều Nguyễn ban hành chế độ ban cấp ưu hậu đối với quân lính quê ở vùng Thanh - Nghệ nhất là đối lính quê ở Tống Sơn, quê hương của nhà Nguyễn. Chính sách này bắt nguồn từ chế độ ưu cấp của nhà Lê - Trịnh đối với quân ở Thanh Nghệ. Đây là bộ phận binh lính có công lớn cùng vua tham gia trận mạc trong nội chiến Lê – Mạc và giữ vững được vương triều, bộ phận này còn được gọi là quân Tam phủ. Ngay từ khi lập nước, dưới triều vua Gia Long, triều đình đã thực hiện nhiều chính sách ưu cấp đối với binh lính quê ở Tống Sơn.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), vua đã dụ cho bộ Binh: “Người Tống Sơn đều là chỗ thân thích quê hương, theo đức Thái tổ ta vào trấn phương Nam, lập nhiều công lao, con cháu đời đời cùng nước hưởng Phước. Nhưng vì vận nước suy sút, phải tản cư trong dân gian. Nay lấy lại đô cũ thì người ta ai cũng tìm người cũ” [89; 455] bèn cho ghi tên con cháu công thần ở Tống Sơn ở trong quân hay trong dân để lượng ghi dùng. Đồng thời vua Gia Long cho người liệt kê tổng công được 469 người công tính (họ nhà chúa) cùng con cháu các bề tôi cho tập ấm và miễn dao dịch.

Năm 1811 đời vua Gia Long, vua lệnh miễn tô thuế cho dân ở Tống Sơn


và cấp thêm tiền gạo cho binh lính. Thực lục cho biết, vua thấy Tống Sơn là đất thang mộc, cội gốc ở đó nên muốn ra ân đặc biệt, hạ chiếu cho phép từ nay tô thuế dao dịch đều được miễn, đồng thời thực hiện ban cấp:“Những binh ở vệ Tín uy Thị nội mỗi năm cấp cho mỗi người 12 phương gạo, như có sai phái việc quân thì cấp cho lương tháng khác (1 quan tiền 1 phương gạo), hằng năm cứ tháng 12 thì đòi về tập hợp ở Kinh. Tại trấn thì cấp quần áo, 3 quan tiền và một tháng tiền lương (1 quan 5 tiền), đến Kinh thì chiếu theo lệ lương của binh Tả hầu Hữu hầu và Trung nhất mà cấp. Rồi hạ lệnh cho các thành dinh trấn, phàm binh các đội thuyền Bính quê ở Tống Sơn thì quan thống quản không được sai bừa làm việc vặt, để tỏ phân biệt” [89; 812].

Năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà nước thống nhất tiền lương cho lính Thủ hộ có sự phân biệt giữa lính quê ở Thừa Thiên và lính Quảng Nam với lính quê ở Tống Sơn. Trong khi lính ở Tống Sơn được một tháng được 5 tiền, 1 phương gạo thì lính ở 2 địa phương còn lại mỗi tháng chỉ được mỗi người 1 phương gạo [95; 480].

Ngoài ra, đối với lính Thanh Nghệ - vùng đất khởi nghiệp của các chúa Nguyễn triều đình cũng có những chính sách ban cấp ưu hậu. Định lệ cấp lương năm Gia Long thứ 2 (1803) cho biết, triều đình ban cấp tiền lương tháng cho các biền binh Thanh Nghệ là lính hộ giá [89; 575]. Không chỉ được ban cấp lương, lính quê ở vùng đất này còn được triều đình ban cấp tiền may quần áo. Lính giản ở Thanh Nghệ từ năm Gia Long thứ 12 (1813) được lĩnh 3 quan vào tháng 12 hàng năm và tự đi may quần áo. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thực hiện chế độ ban thưởng riêng cho 1487 biền binh hai tỉnh Thanh, Nghệ đến Kinh thao diễn mỗi người 1 quan tiền, 1 đĩnh bạc.

Sự ưu ái đặc biệt này lý giải tại sao trong thời gian cầm quyền của vương triều Nguyễn, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp ở Bắc kỳ, Bắc Trung kỳ và Nam kỳ nhưng không có cuộc khởi nghĩa nào nổ ra ở vùng Thanh Hóa Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sự phân chia thứ bậc còn thể hiện ở sự ưu cấp của triều đình đối với binh lính làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ vua và Hoàng tộc. Trong định mức của chế lương bổng đối với binh lính, bộ phận thân binh và cấm binh luôn cao hơn các bộ ngạch binh khác. Như nhận định của tác giả Hoàng Lương (2017) về chính sách lương của binh lính dưới triều Minh Mệnh:“chính quyền Minh Mệnh một mặt vẫn giành sự ưu ái nhất định đối với bộ phận thân binh, cấm binh; mặt khác, yếu tố công bằng trong định lệ chi cấp giữa các ngạch quân bước đầu đầu được chú trọng” [153; 41].

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 06/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí