Chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 - 20


cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi (1833-1835) ở Nam Kỳ. Lý giải nguyên nhân này, có ý kiến cho rằng do quy định về số năm tại ngũ của cả võ quan và binh lính quá dài, hoặc các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục dẫn đến việc võ quan và binh lính không có thời gian nghỉ ngơi. Một mặt nào đó tình trạng lính bỏ trốn khỏi quân ngũ chứng tỏ sự bất ổn của tình hình chính trị cũng như những chính sách của nhà nước đối với binh lính trên thực tế vẫn còn ít nhiều hạn chế ảnh hưởng đến tinh thần của họ.

Nhiều chính sách của chế độ đãi ngộ còn mang tính nhất thời

Thông thường chế độ của nhà nước được hiểu là những quy định được ghi thành văn bản, được nhà nước ban hành và thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, ngoại trừ một số chính sách như; lương cho võ quan được triều Nguyễn ban hành trong chế độ chung dành cho quan lại, quân điền cho binh lính và một vài chế độ trợ cấp với chiến sĩ trận thương, trận vong được ban hành đầu triều Nguyễn, dưới thời vua Gia Long, hầu hết các chính sách được bổ sung ở các đời vua sau có những chính sách đến triều Minh Mệnh, thậm chí triều Tự Đức mới được ban hành.

Nhiều định lệ ban hành không phải từ sự bàn bạc hay quyết sách của nhà vua mà xuất phát từ việc vua ban cấp cho một đối tượng rồi từ đó theo lệ thi hành. Từ thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức các vị vua nhà Nguyễn đã rất nhiều lần thực hiện ban thưởng cho quan binh có công đánh dẹp các cuộc nổi dậy và chống giặc ngoại xâm nhưng không quy chuẩn thành định lệ về định mức thưởng phạt. Ngay cả chế độ phụ cấp cho binh lính đi sai phái cũng không có quy định rõ ràng mà triều đình thường dựa vào trường hợp tương tự đã ban cấp để áp dụng cho những trường hợp sau. Tài liệu Châu bản còn chép về việc bộ Hộ tâu lên vua Minh Mệnh trường hợp ở tỉnh Quảng Trị: “Tập tâu của tỉnh Quảng Trị trình bầy việc các tên Trần Văn Hòa, Đào Văn Sự nguyên là lính lần này được về tỉnh sai phái, việc được cấp tiền, gạo bao nhiêu chưa có lệ định. Vâng kiểm tra thấy năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) nguyên có các tên Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hiến, Võ Văn Thuyên về tỉnh sai phái đều được cấp hàng tháng tiền 1 quan, gạo 1 phương. Nay bọn Trần Văn Hòa cũng xin cấp lương ăn như vậy để đủ chi dùng. Bộ thần xét thấy các tên về tỉnh sai phái việc cấp tiền, gạo hàng tháng vẫn chưa định thành lệ. Vâng kiểm tra thấy bọn Nguyễn Văn Huyên năm trước về tỉnh Quảng Trị chịu sai phái và bọn Nguyễn Văn Tuấn gồm 52 tên năm nay được phái giao đến Trấn Tây sai phái đều được cấp mỗi tháng 1 quan tiền và 1 phương gạo. Nay tỉnh đó dựa theo năm trước đã làm trình xin chi cấp nghĩ nên chuẩn cho theo y đã xin. Cung nghĩ phụng chỉ: Chuẩn y lời xin” [52; tờ143 quyển 13 ngày 17 tháng 3 năm Thiệu Trị 1 (1841)].


Điều này, một mặt phản ánh sự linh hoạt nhất định trong việc thực hiện chế độ đãi ngộ cho quân đội, mặt khác, cũng cho thấy tính nhất thời, thậm chí thiếu khả thi trong việc thực hiện chế độ đãi ngộ dành cho võ quan và binh lính triều Nguyễn mà cơ sở sâu xa là khả năng chi dùng ngân sách ngày càng khó khăn, eo hẹp của vương triều Nguyễn.

Tổ chức quân đội hoàn bị, lực lượng quân đông, chế độ đãi ngộ đối với quân đội toàn diện hơn các triều đại trước nhưng quân đội triều Nguyễn vẫn không ngăn nổi những cuộc đấu tranh nổ ra liên tục và khắp mọi miền tổ quốc của các tầng lớp nhân dân. Theo Phan Huy Lê trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 3, trong thời gian từ 1802 đến 1884 có khoảng 450 cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình (Gia Long 73 cuộc, Minh Mệnh 234 cuộc, Thiệu Trị 58 cuộc và Tự Đức khoảng 100 cuộc). Ngay từ khi vương triều lập ra, nhân dân khắp Bắc kỳ đã nổi lên chống đối triều đình. Quân đội dưới thời Minh Mệnh đông về số lượng, hoàn chỉnh về tổ chức và ưu ái về chế độ đãi ngộ nhưng đây lại là thời kỳ nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nhất. Trong 7 năm (1840-1847) cầm quyền vua Thiệu Trị cũng phải huy động lực lượng đánh dẹp tới 58 cuộc khởi nghĩa.

Dưới triều Tự Đức, mặc dù triều đình và nhân dân phải chống ngoại xâm nhưng khởi nghĩa chống triều đình không vì thế mà suy giảm. Những cuộc nổi dậy không chỉ đơn thuần là khởi nghĩa nông dân mà còn gồm nhiều thành phần xã hội khác. Ví dụ cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát (là một trí thức nho học) khởi nghĩa Lê Văn Khôi (là một võ quan) Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Phải chăng quân đội triều Nguyễn chưa đủ mạnh? Có thể lý giải vấn đề này bằng bối cảnh thành lập và mục đích xây dựng quân đội của vương triều Nguyễn. Năm 1802 triều Nguyễn được thành lập bằng một thắng lợi quân sự trước vương triều Tây Sơn để giành chính quyền. Ngay từ khi lên ngôi, triều Nguyễn đã gặp phải sự chống đối của các phe phái chính trị đối lập khác đặc biệt là cựu thần của dòng họ Lê và triều Tây Sơn. Để giữ vững uy quyền của dòng họ triều Nguyễn phải xây dựng một lực lượng quân đội mạnh để bảo vệ vương triều. Do đó quân đội triều Nguyễn bên cạnh bảo vệ độc lập dân tộc thì trấn áp các cuộc nổi dậy để bảo vệ vương quyền là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Ngoài ra, triều Nguyễn còn phải hao tổn sức người sức của để củng cố quân đội nhằm gây thanh thế với các nước láng giềng chống lại âm mưu xâm lược của quân Xiêm và bảo hộ Lào và Chân Lạp. Đây là lý do giải thích tại sao triều Nguyễn lên cầm quyền gặp lại sự chống đối của nhiều tầng lớp nhân dân như vậy.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

Tiểu kết chương 5


Chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 - 20

Chế độ đãi ngộ là một trong những chính sách quan trọng trong việc xây dựng lực lượng quân đội dưới triều Nguyễn. Được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chính sách đối với binh lính của các triều đại trước, các vị vua thời Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức đã hoàn thiện cho phù hợp với nền chính trị, tình hình xã hội và tiềm lực kinh tế của đất nước. Trong đó võ quan và binh lính là đối tượng luôn được được nhà nước quan tâm so với các thành phần khác trong xã hội. Kết quả lớn nhất của chính sách này là giúp vương triều Nguyễn quản lý đất nước, giữ được nền thống trị của vương triều.

Bên cạnh những giá trị tích cực, chế độ lương bổng của triều Nguyễn dành cho quân đội cũng không tránh khỏi những hạn chế như tính giai cấp và sự bất bình đẳng. Trong chế độ đối đãi ngộ dành cho quân đội, luôn có sự chênh phân biệt lớn giữa võ quan và binh lính, giữa phẩm hàm cao và thấp, giữa nguồn gốc thường dân và quý tộc.

Chế độ đãi ngộ dành cho quân đội là nỗ lực lớn của vương triều Nguyễn nhằm xây dựng chỗ dựa và nền tảng quyền lực cho nhà nước quân chủ chuyên chế. Tuy nhiên, do khó khăn ngày càng lớn của tình hình tài chính, sự ưu ái của nhà nước dành cho quân đội thông qua chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp, khen thưởng...dần dần bộc lộ mặt trái trở thành gánh nặng cho nền kinh tế xã hội của quốc gia.


KẾT LUẬN


Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về chể độ đãi ngộ của triều Nguyễn dành cho quân đội, tác giả luận án rút ra một số kết luận sau:

1. Chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với quân đội ra đời nhằm xây dựng một đội quân vững mạnh, đảm bảo sự ổn định chính trị của cho giai cấp cầm quyền. Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ khi họ Khúc xây dựng nền tự chủ đến Lý, Trần, Lê Sơ đã chứng minh rằng nền chính trị ổn định là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và văn hóa. Bên cạnh vai trò của vua là người cầm quyền quyết định mọi mặt của đất nước thì một trong những lực lượng giúp vua thực thi chính sách quản lý đất nước giữ vững sự ổn định (hoặc loạn lạc) của nền chính trị đó chính là quân đội. Do vậy, ý thức xây dựng một lực lượng quân đội mạnh và trung thành là yêu cầu thiết yếu của một quốc gia độc lập mà để có được điều đó thì việc đảm bảo đời sống của võ quan và binh lính cũng như sự động viên cả về vật chất và tinh thần của nhà nước đối với quân đội là việc làm đặc biệt quan trọng.

Khác với đánh giá trước đây cho rằng quân đội triều Nguyễn yếu kém lạc hậu, được xây dựng trên nền tảng của một vương triều khủng hoảng trầm trọng. Với những tư liệu cụ thể và khách quan và đáng tin cậy đã nêu, có thể thấy rằng so với các triều đại phong kiến trước, cùng với ý thức xây dựng nhà nước tập quyền triều Nguyễn rất có ý thức xây dựng một lực lượng quân đội chính quy vững mạnh để đảm bảo sự cầm quyền của dòng họ cũng như sự ổn định của quốc gia dân tộc. Điều này được minh chứng trước hết trong tổ chức quân đội dưới triều Nguyễn. Vương triều Nguyễn đã xây dựng được một lực lượng quân đội đông tổ chức hoàn chỉnh hơn so với các vương triều trước với đầy đủ các lực lượng quân như bộ binh, thủy binh, pháo binh, tượng binh. Trong đó, sự phát triển đặc biệt về tổ chức và số lượng của Thủy quân của triều Nguyễn so với Thủy quân các triều đại trước cho thấy triều Nguyễn rất coi trọng việc bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển như nhận định của Nguyễn Tường Phượng (1950) [161; 86], Đỗ Văn Ninh (1993) [155; 60], Hoàng

Lương (2016) [1153; 52]...

Nội dung của chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn qua các triều vua từ Gia Long đến Tự Đức ngày càng được hoàn thiện hơn so với các triều đại trước đó. Trên thực tế, định mức được ban cấp và các biện pháp nhằm trợ cấp đãi ngộ cho quân đội dưới triều Nguyễn đã đảm bảo phần nào đời sống vật chất cho binh lính. Thực tế chính sách lương bổng và trợ cấp của võ quan đối với quân đội


triều Nguyễn không hoàn toàn giống như nhận định trước đây của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng: Quân lính bị triều đình bạc đãi, võ quan bị triều đình xem rẻ. Trên thực tế, nguyên nhân thất bại của quân đội triều Nguyễn đối với thực dân Pháp bắt nguồn bắt nguồn từ sai lầm trong đường lối kháng chiến, sự thiếu quyết tâm kháng chiến của bộ phận lớn quan quân triều đình và sự thiếu chỗ dựa từ sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân.

Nguyên nhân thất bại của quân đội triều Nguyễn trước thực dân Pháp bắt nguồn từ tư duy chiến thuật vẫn còn theo binh pháp truyền thống, dù đã tiến bộ hơn thời kỳ trước nhưng trang bị vũ khí còn thô sơ và tư tưởng chủ hòa của vua quan phong kiến, sự thiếu chỗ dựa từ sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân đã ảnh hưởng tới quyết tâm kháng chiến đến cùng của triều Nguyễn.

2. Chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn cho võ quan và binh lính có tác động không nhỏ đến bộ phận binh lính - lực lượng có vai trò trực tiếp đối với sự ổn định chính trị của quốc gia. Trong đó, chế độ lương cho quan binh là chính sách quan trọng đảm bảo đời sống vật chất cho binh lính tập luyện và chiến đấu, duy trì sự ổn định của quân đội. Các hình thức phụ cấp và trợ cấp đặc biệt là trợ cấp cho binh lính khi đi làm nhiệm vụ có ý nghĩa động viên kịp thời tinh thần giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với binh lính tham gia trận mạc, những người có công với vương triều, những bệnh binh, tử sĩ, đối tượng như vợ góa, con côi của binh lính trận vong thực sự có ý nghĩa tích cực, phần nào ổn định đời sống cho một bộ phận dân chúng đồng thời ở một khía cạnh nhất định đã thể hiện tư tưởng nhân văn dưới sự cai trị của triều Nguyễn.

3. Chế độ đãi ngộ của vương triều Nguyễn dành cho võ quan và binh lính có thể hiểu rõ hơn tình hình chính trị, tiềm lực kinh tế, sự ổn định hoặc bất ổn của xã hội đương thời, đặc biệt là đối với những chính sách được nhà nước ưu tiên thực hiện dưới mỗi triều vua hoặc trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Khi mới thành lập vương triều, để ổn định tình hình đất nước, khẳng định sự cai trị của dòng họ, đồng thời đáp lại công lao của những người có công đối với vương triều, vua Gia Long đã có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đối với vùng đất Bắc Hà và các công thần, võ tướng. Sang thời Minh Mệnh, để củng cố nền chính trị và sự lớn mạnh của vương triều, nhà vua thực hiện việc điều chỉnh tăng định mức lương, ban thưởng hậu hĩnh cho những binh sĩ có công đối với đất nước đặc biệt là bộ phận võ quan đã giúp triều đình dập tan sự nổi dậy của các thế lực chống đối. Dưới triều Tự Đức, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, chế độ đãi ngộ đối với


những binh lính bị bệnh, trận thương, trận vong lại được nhà nước đặc biệt quan tâm. Có thể nói, chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với quân đội phần nào giúp chúng ta hình dung rõ hơn về bức tranh về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam trong thế kỷ XIX dưới sự cai trị của triều Nguyễn.

4. Chế độ đãi ngộ dành cho quân đội dưới triều Nguyễn có một số hạn chế như thể hiện sự phân biệt rõ rệt giữa các phẩm trật và nguồn gốc xuất thân của binh lính. Việc ban cấp từ định mức lương hàng tháng đến thưởng cho quan quân nhất là võ quan triều Nguyễn đều dựa trên phẩm trật cao thấp, càng phẩm trật cao thì càng được hưởng bổng lộc lớn. Ngoài ra, định lệ mức lương của binh lính triều Nguyễn dựa theo tiêu chí người trong và ngoài tông thất mà không dựa trên công trạng cụ thể cho thấy quan điểm rõ ràng của nhà nước nhằm bảo vệ bộ phận quan lại cao cấp cũng như lợi ích của bộ phận xuất thân từ hoàng tộc và những người có công lao đối với dòng họ Nguyễn. Những chính sách này có giá trị động viên tinh thần đối với người được ban cấp nhưng mặt trái của nó là làm tăng thêm sự bất bình đẳng, khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong xã hội nhất là đối với những lực lượng luôn có tư tưởng chống đối lại sự cai trị của triều Nguyễn như các cựu thần và con cháu của dòng họ Lê - Trịnh ở Bắc Hà, nhân dân vùng dân tộc thiểu số. Đây là những mâu thuẫn nội tại của nhà Nguyễn ngay từ khi vương triều được thành lập và sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của vương triều Nguyễn nhất là dưới thời kỳ nước Đại Nam phải đối mặt với sự xâm lược của thực dân Pháp.

Mặc dù đã cố gắng thực thi nhiều biện pháp để đảm bảo động viên tinh thần của võ quan và binh lính nhưng chế độ đãi ngộ dành cho quân đội dưới triều Nguyễn không tránh khỏi một số hạn chế trong nội dung chủ trương cũng như quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều quy định được ban hành xuất phát từ việc ban cấp cho một đối tượng cụ thể rồi mới đặt thành định lệ thi hành với những trường hợp tương tự. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ dành cho quân đội dưới triều Nguyễn vẫn không thể tránh khỏi tình trạng lính trốn quân ngũ và sự suy giảm về số lượng do không tuyển được binh lính, đặc biệt là dưới triều vua Tự Đức.

5.Những chính sách đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn không chỉ có ý nghĩa đối với đương thời mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức và xây dựng lực lượng quân đội hiện nay.

Chế độ khen thưởng của nhà nước dành cho quân đội hiện nay đã có nhiều điểm mới và tiến bộ. Tuy nhiên, trong xây dựng chính sách rất cần tham chiếu những biện pháp đãi ngộ của triều Nguyễn dành cho những binh sĩ hoàn thành


nhiệm vụ hoặc có công trạng đặc biệt. Trong chính sách khen thưởng cần có sự phân biệt giữa các nhiệm vụ và lấy tiêu chí về hiệu quả công việc và mức độ quan trọng đối với nền an ninh, quốc phòng để xem xét đánh giá.

Kinh nghiệm lịch sử từ việc nghiên cứu đề tài cho thấy, chế độ tiền lương và phụ cấp phải đảm bảo được mức sống cho quân đội, phù hợp với bối cảnh đất nước và điều kiện kinh tế quốc gia. Đồng thời, nhà nước phải có chế độ phụ cấp thêm cho những binh lính đi làm nhiệm vụ như phí đi đường, phụ cấp khi đi làm nhiệm vụ lâu ngày, phụ cấp cho binh sĩ đi là nhiệm vụ ở những vùng biên giới hoặc làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đối với những người lính đi làm những nhiệm vụ đặc thù như vậy, nhà nước cần có những chế độ phụ cấp riêng đảm bảo cho họ yên tâm công tác như tiền, gạo, quân trang quân dụng và y tế. Chế độ này có ý nghĩa thiết thực đối với binh sĩ đang đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo hiện nay.

Khảo cứu chế độ trợ cấp của triều Nguyễn dành cho binh lính trận thương, trận vong, bị bệnh hay tai nạn cũng như biện pháp trợ cấp cho gia đình cha mẹ vợ con của binh lính còn cho thấy đó là những chính sách có ý nghĩa nhân đạo, rất cần cho nhà nước Việt Nam hiện nay tham khảo trong việc xây dựng chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng hàng năm.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


A. Tài liệu thư tịch

1.Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu (bản dịch), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.Phan Huy Chú (2018), Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch), tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 101 tập 1, ngày 14 tháng 3 năm Gia Long thứ 4 (1805), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

4.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 99 tập 2, ngày 17 tháng 11 năm Gia Long thứ 11 (1813), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

5.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 167 tập 3, ngày 30 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

6.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 64 tập 39, ngày 19 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ 11(1830), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

7.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 221 tập 39, ngày 21 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

8.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 91 tập 68, ngày 19 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

9.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ số 62 quyển 77, ngày 5 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 21 (1941), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

10.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 16 quyển 63, năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

11.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 62 quyển 63, ngày 7 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

12.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 47 tập 63, ngày 19 tháng 3 năm Minh Mệnh 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

13.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 330 quyển số 79, ngày 3 tháng 11 năm Minh Mệnh 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

14.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 34 quyển số 63, ngày 1 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

15.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 70 tập 78, ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 21(1840), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

16. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 65 tập 65, ngày 08 tháng 2 Minh Mệnh năm thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

17. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 24 tập 19, ngày 07 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

18.Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 48 tập 79, ngày15 tháng 10 năm Minh Mệnh 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 06/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí