Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Chất Lượng Cuộc Sống Dân Cư‌


Chỉ số HDI tiện lợi trong việc đánh giá một cách tổng quan CLCS dân cư của nơi đánh giá, đồng thời đây cũng là thước đo chung để so sánh giữa những quốc gia. Tuy vậy, chỉ số HDI không dùng để đánh giá CLCS dân cư ở phạm vi nhỏ.

Tổng hợp các quan niệm liên quan đến CLCS, tác giả sử dụng khái niệm: “Chất lượng cuộc sống là mức độ đáp ứng của các yếu tố tự nhiên – xã hội đối với đời sống con người”, trong đó đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về: lao động, thu nhập; lương thực, dinh dưỡng; giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe; nhu cầu sống tối thiểu; mức hưởng thụ văn hóa; môi trường sống.

1.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống dân cư‌

CLCS dân cư chịu ảnh hưởng đồng thời bởi 3 nhóm nhân tố: vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và điều kiện KT-XH, các nhân tố này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào CLCS dân cư, Trong đó, nhân tố KT-XH đóng vai trò quyết định.

1.1.2.1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

Vị trí địa lí: sự ảnh hưởng của vị trí địa lí đến các đặc điểm tự nhiên quy định rõ nét cách thức hoạt động cũng như sự thích nghi của con người đối với tự nhiên nơi đây. Song, yếu tố rõ nét mà vị trí địa lí tác động đến CLCS phản ảnh thông qua việc ảnh hưởng của vị trí đến hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa. Những vị trí thuận lợi trong hoạt động giao lưu về kinh tế, văn hóa tạo điều kiện cho người dân nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và ngược lại.

Phạm vi lãnh thổ phản ánh mức độ lớn, nhỏ của nơi phân tích. Mức độ lớn, nhỏ tạo ra những thuận lợi, khó khăn nhất định đến CLCS của dân cư. Những nơi có phạm vi lớn là điều kiện thuận lợi trong khai thác tài nguyên, phát triển đa dạng các loại hình và dễ dàng quy hoạch do diện tích lớn, song vì diện tích lớn, việc quản lí, đảm bảo phát triển đồng bộ lại là vấn đề cần đặt ra ngược lại đối với nhà quản lí trong nâng cao CLCS của dân cư.

1.1.2.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Là nhân tố cơ bản và là nền tảng quan trọng trong việc hình thành và phát triển KT-XH, ĐKTN và TNTN là nhóm nhân tố cần được phân tích một cách tổng hợp và có hệ thống để có bức tranh toàn cảnh về tác động của nó đến với CLCS.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.


Các nhân tố địa hình – khoáng sản, khí hậu, nguồn nước, sinh vật, đất đai, … là những nhân tố của ĐKTN và TNTN tác động trực tiếp đến CLCS của dân cư.

Chất lượng cuộc sống dân cư quận 6, thành phố Hồ Chí Minh - 4

Nhân tố địa hình tác động mạnh mẽ đến sự phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, văn hóa cũng như các điều kiện về hạ tầng, từ đó tác động mạnh mẽ đến CLCS của dân cư. Trong khi đó, yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, cư trú của người dân, những nơi khí hậu khắc nghiệt sẽ rất khó phát triển CLCS dân cư nếu không khắc phục các khó khăn do khí hậu gây ra. Song song đó, các nhân tố nguồn nước, sinh vật, đất đai ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như đến nguồn lương thực, thực phẩm một trong những nhân tố quan trọng để đánh giá CLCS của dân cư.

1.1.2.3. Điều kiện kinh tế - xã hội

Các điều kiện KT-XH được phân tích thông qua các yếu 4 nhóm nhân tố: dân cư và lao động, trình độ khoa học kĩ thuật, cơ sở vật chất kĩ thuật và cơ sở hạ tầng, thị trường và chính sách.

a. Dân số

Nhân tố dân số ảnh hưởng đến CLCS thông qua: quy mô, gia tăng, phân bố, cơ cấu.

- Quy mô dân số: dân số nhiều hoặc ít có tác động hai mặt đến CLCS, Dân số đông là cơ hội cho phát triển kinh tế khi nguồn lao động dồi dào và các hoạt động quy hoạch cơ sở hạ tầng (chợ, trường học, bệnh viện, đường sá,…) trở nên hiệu quả hơn; tuy nhiên một thực trạng chung cho thấy việc giải quyết các vấn đề về xã hội – môi trường đối với những khu vực quá đông dân cư chưa hiệu quả đã ảnh hưởng không nhỏ đến CLCS của người dân mà nó phản ánh vô cùng rõ nét qua sức ép của nó đến cơ sở hạng tầng, chất lượng môi trường sống, vấn đề việc làm,… Tuy vậy, việc dân số quá ít cũng gây ra những khó khăn không nhỏ khi mà nguồn lực hoạt động kinh tế không nhiều, việc đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng dễ gây lãng phí từ đó ít các chính sách đầu tư ảnh hưởng đến CLCS của dân cư. Có thể thấy, sự hai mặt của quy mô dân số tác động không nhỏ đến CLCS của con người. Việc duy trì một quy mô dân số phù hợp cùng những kế hoạch hợp lí sẽ giúp việc phát triển CLCS dân cư được hiệu quả hơn.


- Tỉ lệ gia tăng dân số nói chung sẽ tác động đến CLCS. Tỉ lệ gia tăng dân số quá cao sẽ dễ dẫn đến việc bùng nổ dân số, gây ra sức ép đối với việc đảm bảo CLCS, đặc biệt phản ảnh qua việc cung không đáp ứng đủ cầu. Tuy vậy, nếu tỉ lệ gia tăng dân số quá thấp dễ dẫn đến việc thiếu hụt lao động và lực lượng lao động kế thừa trong tương lai, không đảm bảo sự phát triển bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến CLCS của dân cư.

- Phân bố dân cư: phản ánh sự đông đúc, thưa thớt và mang tính so sánh ở những địa bàn nhất định. Ngoài ra, việc dân cư tập trung dựa theo tính chất dân cư (dân tộc, hoạt động kinh tế, …) cũng được phản ánh qua nhân tố này. Phân bố dân cư có tác động sâu sắc đến việc hình thành và phát triển các điểm dân cư hoặc lớn hơn, từ đó quy định nên các đặc điểm KT-XH, tác động mạnh mẽ đến CLCS của dân cư địa bàn đánh giá.

- Cơ cấu dân số gồm cơ cấu sinh học, cơ cấu xã hội và cơ cấu dân tộc.

+ Cơ cấu sinh học bao gồm cơ cấu dân số theo tuổi, theo giới. Cơ cấu dân số già hay trẻ ảnh hưởng đến CLCS thông qua những định hướng phát triển CLCS. Nếu như dân số trẻ, cần đầu tư cho các vấn đề về y tế, giáo dục và đào tạo nghề thì dân số già, cần quan tâm đến các hoạt động an sinh cho người cao tuổi cũng như những hoạt động y tế đặc thù. Bên cạnh đó, dựa vào cơ cấu theo tuổi, ta có thể đánh giá thực trạng dân số trong tương lai, nếu dân số hiện tại trẻ thì ngay bây giờ phải có những chính sách để phát triển, tạo việc làm trong tương lai, trong khi nếu cơ cấu dân số già thì cần phải có những chính sách phát triển dân số để đảm bảo lực lượng kế thừa. Tất cả phân tích về cơ cấu dân số hỗ trợ trong việc xây dựng các kế hoạch đảm bảo chất lượng dân số cũng như CLCS trong hiện tại và tương lai.

+ Cơ cấu xã hội gồm cơ cấu dân số theo lao động và theo trình độ văn hóa. Về lao động, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động nhiều hay ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phản ảnh cụ thể qua tỉ lệ phụ thuộc (số người trong độ tuổi lao động/ số người ngoài độ tuổi lao động). Tỉ lệ phụ thuộc càng cao đời sống càng khó khăn và ngược lại. Đối với cơ cấu theo trình độ văn hóa, đây là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá CLCS, tỉ lệ người biết chữ càng cao phản ảnh hoạt động giáo dục hiệu quả, CLCS nhờ đó mà cao lên.


+ Cơ cấu dân tộc: việc đa dạng thành phần dân tộc và phong tục tập quán, nơi ăn ở của từng dân tộc ảnh hưởng đến CLCS. Việc đa dạng về thành phần dân tộc sẽ giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân nói chung được tăng lên, tuy nhiên việc này cũng gây ra sức ép trong quản lí, đảm bảo phát triển đồng bộ cũng như việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột về dân tộc.

b. Trình độ khoa học kĩ thuật và trình độ phát triển kinh tế

Trình độ phát triển khoa học kĩ thuật cao mang đến một bức tranh về một cuộc sống tiến bộ, chất lượng cao. Với một nền khoa học kĩ thuật tiên tiến, các hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày được nâng cao, đặc biệt trong việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong kinh tế, giáo dục, y tế, …

Sự tăng lên trình độ khoa học kĩ thuật là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Trình độ phát triển kinh tế có tác động vô cùng to lớn đối với CLCS dân cư tại mỗi địa phương. Sự phát triển kinh tế ở mức cao giúp dân cư có một cuộc sống đầy đủ, sung túc và ngược lại, nếu trình độ phát triển kinh tế thấp dẫn đến thu nhập ít, đời sống nghèo nàn, bất ổn.

c. Cơ sở vật chất kĩ thuật và cơ sở hạ tầng

Việc đảm bảo đầy đủ CSVC trong các hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh tế sẽ giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động từ đó nâng cao CLCS dân cư. Trong khi đó, việc phát triển CSHT phù hợp với từng điều kiện cụ thể sẽ vừa tiết kiệm vừa mang lại hiểu quả trong giao thông, y tế, giáo dục, … nhờ đó mà CLCS cũng được tăng lên.

d. Thị trường và chính sách

Việc đảm bảo một thị trường với mức cung – cầu vừa phải và ít chênh lệch sẽ tạo hiệu quả trong nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế, hạn chế việc sản xuất dư thừa và cũng đồng thời việc đáp ứng nhu cầu của con người cũng đảm bảo. Chính vì thế, thị trường đã tác động gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế và việc sử dụng các sản phẩm sản xuất của con người.

Chính sách là một trong những yếu tố chủ quan vô cùng quan trọng trong việc định hướng nâng cao CLCS. Việc xây dựng các chính sách phát triển các thành phần về tự nhiên (khai thác, sử dụng tài nguyên, cải tạo đất, khai thác nguồn


nước,…), xã hội (xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện,…,) tạo điều kiện cho phát triển bền vững từ đó nâng cao CLCS dân cư, Cùng với đó, việc nghiên cứu về CLCS sẽ định hướng việc xây dựng các kế hoạch, chính sách trong tương lai.

1.1.3. Các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống dân cư vận dụng cho cấp quận‌

CLCS dân cư được thể hiện qua nhiều tiêu chí, tuy nhiên căn cứ vào phạm vi và điều kiện thực tế trong quá trình thu thập tài liệu và thực địa, tác giả lực chọn những tiêu chí sau để đánh giá CLCS dân cư cấp quận: lao động và thu nhập; lương thực và dinh dưỡng; giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe; mức độ cung ứng các nhu

cầu sống tối thiểu; mức độ hưởng thụ văn hóa; môi trường sống.

1.1.3.1. Lao động và thu nhập

* Lao động là một chỉ tiêu về con người mang ý nghĩa trực tiếp tác động đến CLCS dân cư của địa phương.

Lao động được xét trên 2 phương diện: số lượng và chất lượng.

- Về số lượng, một địa phương có hoạt động kinh tế – xã hội hiệu quả khi lực lượng lao động dồi dào đáp ứng một nền kinh tế đủ phát triển của địa phương vì đây là cơ sở cho quy mô và hình thức hoạt động kinh tế. Nghĩa là, số lượng lao động phải nhiều, song song đó khả năng tạo ra việc làm của nền kinh tế địa phương phải đủ lớn để đáp ứng nhu cầu được lao động của người lao động. Ngoài ra, tỉ lệ phụ thuộc được tính bằng thương số giữa những người trong độ tuổi lao động với những người ngoài độ tuổi lao động cũng phản ánh một cách toàn diện hơn tình hình CLCS dân cư tại địa bàn.

- Về chất lượng lao động, được xét chung với khía cạnh giáo dục, nó phản ánh trình độ kiến thức, tay nghề của lao động đáp ứng với công việc đang làm.

Dựa vào thực tế về số liệu điều tra và thực tiễn khảo sát tại địa phương tiêu chí lao động, vận dụng vào xem xét và phân tích sâu cho Quận 6 là tiêu chí tỉ lệ lao động trên tổng số dân.

* Thu nhập phản ánh khả năng tạo ra của cải và mức độ sử dụng giá trị lao động.


Thu nhập được xét bằng chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở địa phương cấp quận, thu nhập càng cao thể hiện khả năng tạo ra của cải, vật chất đáp ứng nhu cầu xã hội càng nhiều và cùng với đó là khả năng tạo ra tiền của riêng cho người lao động được phân tích. Thu nhập chi phối mọi mặt xã hội, không thể thiếu trong đánh giá cấp phường, xã. Thu nhập phản ánh CLCS dân cư thông qua:

- Thu nhập bình quân đầu người: Các số liệu điều tra về thu nhập bình quân đầu người cấp phường, quận chưa được thống kê, vì thế tác giả thực hiện điều tra thực tế thu nhập bình quân đầu người/tháng tại địa phương thông qua phiếu hỏi để phân tích chỉ tiêu này.

- Tỉ lệ hộ nghèo: Phản ánh mức sống của dân cư tại địa phương, tỉ lệ hộ nghèo càng cao thì mức sống dân cư càng thấp vì đây là đối tượng khó khăn về mặt kinh tế, đời sống nhiều mặt chưa đảm bảo và tạo ra một số áp lực nhất định về công tác xã hội.

1.1.3.2. Lương thực và dinh dưỡng

Lương thực và dinh dưỡng được đánh giá dựa trên khả năng sản xuất ra sản phẩm nông sản cơ bản phục vụ đời sống, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng thuộc mặt hàng thực phẩm và các chỉ tiêu về dinh dưỡng trẻ em. Có thể thấy, chỉ tiêu về hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa, sản phẩm thực phẩm cho cái nhìn về chất lượng bữa ăn của người dân, việc duy trì và phát triển

hoạt động này giúp tăng cường khả năng đáp ứng dinh dưỡng cho người dân.

Tỉ lệ trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng cũng thể hiện những vấn đề hiện hữu về lương thực và dinh dưỡng. Tỉ lệ thấp và giảm trong giai đoạn chứng tỏ vấn đề lương thực và dinh dưỡng ngày càng được cải thiện, nâng cao và ngược lại.

1.1.3.3. Giáo dục

Giáo dục với cấp mầm non và giáo dục phổ thông là chỉ tiêu đánh giá rõ nét khả năng xây dựng con người ở địa phương, từ đó tác động mạnh mẽ đến các yếu tố khác của xã hội nhất là CLCS.

Phân tích các tình trạng giáo dục cần quan tâm đến nhiều chỉ tiêu: số trường học, số lớp học, số giáo viên, số học sinh, trung bình học sinh mỗi lớp học và trung bình học sinh mỗi giáo viên.


Tuy nhiên do điều kiện thực tiễn, luận văn lựa chọn các tiêu chí sau để phân tích sâu:

- Trung bình học sinh mỗi lớp học: phản ánh quy mô và tổ chức của lớp học, mỗi lớp học càng đông thì khả năng đáp ứng chất lượng học tập của mỗi học sinh càng thấp, mức đầu tư chưa cao.

- Trung bình học sinh mỗi giáo viên: chỉ số càng thấp, độ quan tâm đầu tư và chất lượng giáo dục càng cao.

- Số lớp học trên tổng số dân: Chỉ số này phản ánh mức độ quan tâm và đầu tư cho giáo dục địa phương, Tỉ số càng cao thể hiện mức độ cao.

1.1.3.4. Y tế, chăm sóc sức khỏe

Tình trạng y tế được phản ánh qua các chỉ tiêu: số cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, …); số cán bộ y tế; số giường bệnh; số y, bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân; số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỉ lệ trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, tỉ lệ người bị nhiễm HIV.

Việc tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên nghiệp và vật chất tốt sẽ nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó, cần chú trọng công tác đảm bảo y tế từ phạm vi nhỏ đến lớn hơn, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng cho toàn bộ dân cư.

Chỉ số số giường bệnh trên 1 vạn dân và số bác sĩ trên một vạn dân giúp đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Với cùng điều kiện, so sánh các chỉ tiêu này giúp đánh giá mức đáp ứng của vật chất và con người lĩnh vực y tế trong công tác đảm bảo sức khỏe người dân.

Với cấp hành chính phường và Quận 6, căn cứ vào thực tiễn về số liệu và khảo sát thực tế có 2 tiêu chí phản ánh tình trạng y tế có thể dựa vào để phân tích sâu là: Tỉ lệ trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ và tỉ lệ người bị nhiễm HIV.

1.1.3.5. Mức độ cung ứng các nhu cầu sống tối thiểu

Được hiểu như tương quan giữa mức thu nhập và giá thành sản phẩm tiêu dùng.


Mức thu nhập đảm bảo chi trả đủ cho vật chất, dịch vụ vừa đủ sẽ đảm bảo cơ bản CLCS dân cư, và nếu mức thu nhập cao so với chi phí phải trả sẽ dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân cư.

1.1.3.6. Mức độ hưởng thụ văn hóa

Văn hóa đọc, âm nhạc, thể thao, … là những nhu cầu của con người. Việc đánh giá các cơ sở vật chất và tình hình đáp ứng các nhu cầu về văn hóa cho người dân trong giai đoạn nhất định sẽ giúp đánh giá chất lượng văn hóa địa bàn và chất lượng văn hóa dân cư.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong thi đua xây dựng hộ gia đình, địa bàn văn hóa cũng phản ánh rõ nét tình hình chất lượng đời sống văn hóa và xã hội của dân cư địa bàn đánh giá, nhờ đó mà CLCS dân cư cũng được đánh giá chi tiết, rõ nét hơn.

1.1.3.7. Môi trường sống

Dùng để phản ánh mức độ trong sạch hay ô nhiễm của môi trường tại nơi dân cư sinh sống.

Đối với địa bàn thành thị, không khí, nguồn nước và tiếng ồn là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong việc xây dựng một môi trường sống tốt.

Bên cạnh chất lượng, yếu tố mỹ quan đô thị cũng ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến đời sống dân cư.

Tóm lại, việc phân tích sâu để thấy được sự khác biệt về CLCS theo lãnh thổ (các cấp hành chính phường). Do hạn chế về số liệu không được cung cấp và sự chênh lệch một số tiêu chí không được thể hiện (ví dụ: mức sử dụng điện, nước, số giường bệnh, …), nên chúng tôi lựa chọn 8 tiêu chí sau để phân tích, đánh giá:

1. Tỉ lệ lao động trên tổng số dân: đánh giá được khả năng đáp ứng các nhu cầu về lao động, phản ánh tỉ lệ phụ thuộc. Tỉ lệ này càng cao khả năng cung ứng lao động cho phường càng cao và ngược lại.

2. Thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng: so sánh được mức thu, đánh giá được khả năng tạo ra của cải, tác động trực tiếp đến CLCS.

3. Tỉ lệ hộ nghèo: phản ánh được thu nhập của một bộ phận dân cư của phường, đồng thời đánh giá được hiệu quả của công tác giảm nghèo, phát triển toàn diện tình hình chất lượng dân cư của quận.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/01/2023