o Donepezil (Aricept) được dùng để điều trị trong tất cả các giai đoạn của bệnh Alzheimer.
o Rivastigmin (Exelon) được dùng để điều trị bệnh Alzheimer's trong giai
đoạn nhẹ và vừa.
o Galantamin (Razadyne) được cấp phép dùng để điều trị bệnh Alzheimer
trong giai đoạn nhẹ và vừa.
Các thuốc kháng thụ thể N: Memantin (Namenda) giúp điều hòa hoạt động của glutamate, một loại chất chuyển dẫn truyền thần kinh khác liên quan đến quá trình ghi nhớ và học hỏi. Loại thuốc này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép dùng để điều trị bệnh Alzheimer trong giai đoạn vừa và nặng.
- Điều trị các triệu chứng liên quan đến hành vi
Nhiều người cho rằng sự thay đổi trong hành vi của bệnh nhân Alzheimer là điều khó khăn và đáng lo lắng nhất. Sự thay đổi này bao gồm bối rối, lo âu, gây hấn và xáo trộn giấc ngủ. Có hai loại liệu pháp điều trị đối với các triệu chứng liên quan đến hành vi: liệu pháp không sử dụng thuốc và liệu pháp sử dụng thuốc. Liệu pháp điều trị không dùng thuốc nên được ưu tiên áp dụng trước.
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác nặng đi kèm thì cần điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm (nhóm Thuốc tái thu hồi chọn lọc serotonin/SSRI) và thuốc an thần (thuốc an thần mới). Việc điều trị này phải do thày thuốc chuyên khoa tâm thần đảm nhiệm. Khi bệnh nhân có kích động, trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác nặng thì phải nhập viện để điều trị.Một số thuốc thường dùng ở Việt Nam: Haloperidol 1mg, 2 mg; Rosperdal 2 mg; Olanzapine 10 mg.
Có thể bạn quan tâm!
- Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer, người chăm sóc và đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp không dùng thuốc - 2
- Tình Hình Sa Sút Trí Tuệ Và Bệnh Alzheimer Tại Việt Nam
- Gánh Nặng Và Chất Lượng Cuộc Sống Của Người Chăm Sóc
- Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer, người chăm sóc và đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp không dùng thuốc - 6
- Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer, người chăm sóc và đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp không dùng thuốc - 7
- Chỉ Số Đánh Giá Hiệu Quả Can Thiệp
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
- Điều trị các bệnh phối hợp: Nếu bệnh nhân có các bệnh kèm theo thì cũng cần điều trị đồng thời các bệnh đó ngay như tăng huyết áp, đái tháo đường,…
1.3.2. Một số biện pháp không dùng thuốc đối với bệnh Alzheimer
Việc nghiên cứu các biện pháp điều trị không dùng thuốc trong bệnh Alzheimer trở lên cấp thiết hơn do hiệu quả hạn chế của các thuốc điều trị và hậu quả từ việc chăm sóc tốn kém và ít hy vọng trên khắp thế giới [55]. Các biện pháp không dùng thuốc có thể cải thiện chức năng nhận thức, hoạt động hàng ngày, có thể làm giảm các rối loạn tâm thần và hành vi, có thể làm chậm mức độ tàn phế và nhu cầu nhập viện của bệnh nhân; do đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer và những người chăm sóc họ. Có thể chia thành các nhóm biện pháp chính: Luyện tập về trí nhớ và nhận thức; Liệu pháp hướng thực tại; Liệu pháp hoạt động và Luyện tập thể lực nâng cao thể trạng.
1.3.2.1. Luyện tập về trí nhớ và nhận thức
Mục đích của việc luyện tập là nhằm cải thiện thời gian hoàn thành các hoạt động hàng ngày (ADL) hơn là học thực hiện các hoạt động mới [55].
Các chương trình luyện tập kích thích trí nhớ được phát triển để bù trừ việc suy giảm nhận thức và phối hợp với một số kỹ năng cần thiết được huy động trong quá trình học như các khả năng mã hóa và nhớ lại. Những khả năng này bị biến đổi một cách điển hình trong bệnh Alzheimer gây ra các vấn đề về trí nhớ và suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Mục đích lý thuyết của các chiến lược kích thích nhận thức là cải thiện hoặc hỗ trợ các chức năng đã bị phá hủy để bệnh nhân dễ dàng học các điều mới. Những chiến lược khác nhau này không được sử dụng để tăng cường hoặc cải thiện các vùng không bị phá hủy (như trí nhớ implicit) để thực hiện và cải thiện khả năng học. Một số chương trình luyện tập trí nhớ thường được đề cập trong y văn:
- Phương pháp học không mắc lỗi (errorless learning approach);
- Kỹ thuật khoảng thời gian nhớ lại (spaced retrieval technique);
- Các chiến lược mã hóa đặc hiệu với sự hỗ trợ nhận thức (Encoding Specificity With Support at Retrieval) trong việc nhớ tình tiết;
- Kỹ thuật gợi ý về điều đã quên (vanishing cues technique);
- Kỹ thuật hình ảnh thị giác (visual imagery techniques);
- Các hỗ trợ trí nhớ bên ngoài (external memory aids);
- Cặp đôi bệnh nhân – người chăm sóc (patient-caregiver dyads) đối với các sự kiện đáng nhớ, nhắc lại trí nhớ tích cực và các bài tập nhận biết, tương tác giải quyết tình huống, các bài tập hội thoại có chủ đích.
Một số chiến lược điều trị được cho rằng giúp dễ dàng cho quá trình mã hóa: các chiến lược mã hóa đặc trưng với sự hỗ trợ nhận thức trong trí nhớ tình tiết, sự kiện (Encoding Specificity with Support at Retrieval), phương pháp học không mắc lỗi (Errorless Learning) và kỹ thuật hình ảnh thị giác (Visual Imagery techniques). Các chiến lược khác được phát triển nhằm tăng cường khả năng nhớ lại: kỹ thuật khoảng thời gian nhớ lại hay còn gọi là kỹ thuật giãn khoảng thời gian nhắc lại hay nhớ lại (expanding rehearsal method, expanded retrieval practice), kỹ thuật gợi ý về điều đã quên (vanishing cues technique); các trợ giúp trí nhớ từ bên ngoài (external memory aids)như các sách ghi nhớ, hướng dẫn, máy tính, NeuroPage, hệ thống loa gọi nhắc… Cuối cùng, chương trình luyện tập theo cặp bệnh nhân – người chăm sóc (Dyad Approach) là dạng trợ giúp “lắp ghép trí nhớ” (“prosthetic memory”) mà trong đó người chăm sóc hoặc người nhà bệnh nhân trở thành người thực hiện các chương trình luyện tập kích thích trí nhớ nội tại khác nhau cho bệnh nhân Alzheimer. Các chương trình luyện tập trí nhớ có thể tiến hành riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau.
1.3.2.2. Liệu pháp định hướng thực tại
Định hướng thực tại (Reality Orientation/RO) là một trong những chiến lược quản lý được sử dụng rộng rãi nhất đối với việc giao tiếp của những người mắc bệnh Alzheimer nhằm mục đích giúp đỡ những người bị mất trí nhớ và mất định hướng bằng cách làm cho họ nhớ lại thực tại về chính bản thân họ và môi trường xung quanh họ. Nó có thể được sử dụng với từng cá nhân và theo nhóm. Bệnh nhân được định hướng về môi trường xung quanh họ bằng cách sử dụng hàng loạt các vật liệu và hoạt động.Các phương tiện được sử dụng để định hướng như cột gắn bảng chỉ đường, các ghi nhớ và các trợ giúp trí nhớ khác. Cũng có ý kiến lo ngại định hướng thực tại có thể nhắc cho người bệnh nhớ đến sự thoái hóa của họ.Cũng có tác giảcho thấy có sự thay đổi ban đầu theo chiều hướng tích cực về tính tình của bệnh nhân tham gia luyện tập. Spector và cộng sự đã đưa ra những bằng chứng liên quan tới hiệu quả có tính thuyết phục trong cuộc tranh luận này [127]. Hơn nữa, dựa trên cơ sở những phát hiện tích cực, các tác giả đã đề nghị rằng đã đến lúc cần thực hiện luyện tập định hướng thực tại. Các tác giả đã phát triển một chương trình thử nghiệm về hiệu quả của biện pháp này. Các vật liệu sử dụng trong việc định hướng và học lại thường dễ tìm và không đắt tiền. Điều quan trọng là sự sắp đặt tại nơi bệnh nhân sống (ví dụ trong phòng ngủ hoặc phòng khách). Các đồ vật cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ và cùng theo một trật tự nhất định cơ bản. Lý tưởng nhất là các phòng có cửa sổ để cho bệnh nhân có thể nói về thời gian và thời tiết. Nên có đồng hồ to và lịch để dễ nhìn, nên động viên bệnh nhân đeo đồng hồ có hiển thị ngày tháng và có sẵn các vật giúp kích thích trí nhớ bệnh nhân nhớ như báo, tạp chí, đài, ti vi. Nên có bảng dán lịch hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Nên đặt những kỷ vật thuộc về gia đình xung quanh bệnh nhân như: những bức ảnh gia đình, những khoảnh khắc đáng nhớ, những đồ vật yêu thích....Vào những dịp lễ, căn phòng cần
được trang hoàng phù hợp với tính chất của ngày lễ hội đó. Có thể giúp cho bệnh nhân định hướng về vị trí bằng những dấu hiệu, mũi tên chỉ hướng, đèn điện, mầu sơn cửa để giúp bệnh nhân định hướng tốt hơn.
Nên tổ chức các lớp tập hướng thực tại cho bệnh nhân. Điều này giúp người chăm sóc được thư giãn. Các buổi tập cần thực hiện ở cùng một địa điểm, trong thời gian ngắn khoảng 15 - 20 phút mỗi buổi tập và thực hiện vài buổi/tuần. Dụng cụ thường sử dụng trong các buổi tập là bảng tập hướng thực tại. Có thể sử dụng bảng gỗ sồi, bảng gỗ có mặt bọc nỉ, bảng đen hoặc bất kỳ bề mặt nào có thể dễ dàng thay đổi thông tin hàng ngày. Một loại bảng hướng thực tại điển hình là bệnh nhân và người chăm sóc cùng nhau điền những điều cần trả lời về hiện tại. Điều quan trọng là bảng hướng thực tại cần thực hiện đúng thực tế.
Hình 1.2. Bảng luyện tập định hướng thực tại
(Sản phẩm minh họa của Hãng Nasco- Fort Atkinson, Tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ)
Một loại vật liệu luyện tập định hướng thực tại khác là đồng hồ đồ chơi có thể dùng tay quay kim, album ảnh, quân bài phát sáng với chữ hoặc ảnh, những quyển sách khổ lớn, bảng chữ cái có từ tính, bộ chữ cái, bản đồ, bộ ghép hình, bộ đồ chơi về thức ăn, những đồ vật quen thuộc, đồ vật với những hình lớn, hoa quả, que nhựa, từ điển...
1.3.2.3. Liệu pháp hoạt động
Những thay đổi về mặt chức năng của bệnh nhân của bệnh nhân Alzheimer là không thể đảo ngược được. Suy giảm những hành vi đặc hiệu như là tự chăm sóc và những sinh hoạt hàng ngày (ADLs) là do suy giảm kỹ năng nhận thức và thể lực. Bệnh nhân Alzheimer có thể gặp nhiều khó khăn khi phải mặc quần áo, chải chuốt, đi lại, ăn uống, tắm giặt, đi vệ sinh. Trong khi đó, trong một ngày tiêu biểu của bệnh nhân Alzheimer có thể có lú lẫn, quên, nhầm lẫn, những thất bại do suy giảm trí nhớ, khó khăn trong giao tiếp hoặc là suy yếu thể lực. Suy yếu thể lực ở bệnh nhân Alzheimer thường do mất khả năng thực hiện các kỹ năng đã có trước đó. Sự suy giảm này đặt ra yêu cầu trợ giúp về mặt thể lực để thực hiện các công việc như là việc giám sát, nhắc nhở bệnh nhân thực hiện một số việc hoặc trông chừng để họ không tự gây nguy hiểm cho bản thân.
Liệu pháp hoạt động (Ocupatinal Therapy - OT) thường dựa trên giáo dục cho người chăm sóc và thích nghi về mặt môi trường nhằm đạt được sự độc lập tối đa về mặt chức năng, an toàn và tình trạng hạnh phúc của bệnh nhân Alzheimer (American Occupational Therapy Association - AOTA, 1994).
Liệu pháp hoạt động tập trung vào việc làm chậm sự suy giảm, duy trì sự độc lập về mặt chức năng, sự tham gia xã hội và chất lượng cuộc sống của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Liệu pháp hoạt động đối với bệnh nhân Alzheimer giúp cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của họ. Các chiến lược chăm sóc được khuyến cáo cho các cặp bệnh nhân – người chăm sóc được chia làm ba nhóm chính:
- Thay đổi môi trường bao gồm bất kỳ sự thay đổi hoặc thêm vào môi trường xung quanh bệnh nhân Alzheimer. Thay đổi môi trường xung quanh thường được khuyến cáo: dán lên tường các chỉ dẫn dễ thấy như các số
điện thoại cấp cứu được, dán nhãn các ngăn kéo hoặc các phòng thường sử dụng, sử dụng hộp nhắc việc có gắn pin, đặt một cái chuông hay máy theo dõi ở cửa căn hộ.
- Phương pháp hỗ trợ dựa vào người chăm sóc bao gồm xây dựng lịch hoạt động hàng ngày cho bệnh nhân Alzheimer hoặc huy động họ tham gia các việc vặt trong nhà như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp bát đĩa, dọn giường. Mỗi hoạt động được chia ra thành nhiều bước nhỏ và đưa ra hướng dẫn từng bước để gợi ý cho bệnh nhân khi họ không tập trung hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng bệnh nhân sử dụng các hướng dẫn dễ nhìn hoặc các thiết bị hỗ trợ.
- Phương pháp hỗ trợ dựa trên cộng đồng là việc huy động các nguồn lực sẵn có ở địa phương. Người chăm sóc được khuyến cáo tham gia các nhóm được Hội Alzheimer hỗ trợ. Các dịch vụ hỗ trợ như phân phối thức ăn tại nhà cho các bệnh nhân Alzheimer sống độc thân thường hay bỏ ăn bữa trưa, dọn dẹp nhà cửa, nội trợ, các chương trình ban ngày, thông tin về các chương trình trợ tài chính đối với một số trường hợp khó khăn như sự trợ giúp về thuốc men và giảm giá các dịch vụ nội trợ.
1.3.2.4. Luyện tập thể lực
Việc giảm trương lực cơ bám xương cũng góp phần làm giảm sức bền và sức mạnh của cơ và khả năng thực hiện các chức năng của những bệnh nhân Alzheimer. Luyện tập thể lực (Physical exercise) có thể giúp cải thiện tình trạng chức năng và tăng cường cơ bắp vốn đã suy yếu theo tuổi tác. Rèn luyện thường xuyên và các chương trình luyện tập sức mạnh cơ có thể mang lại những lợi ích cho sức mạnh, thể lực cho người mắc bệnh Alzheimer. Triển khai những chương trình luyện tập thường xuyên có thể cải thiện trương lực cơ, việc đi lại, chức năng hoạt động, giảm lo âu, kích động, áp lực, căng thẳng. Luyện tập kết hợp với huấn luyện cho người chăm sóc các kỹ thuật quản lý các triệu chứng về hành vi, tâm thần của bệnh nhân giúp cải thiện sức khỏe thể lực và sự trầm cảm của bệnh nhân Alzheimer [131].
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 6 năm 2013.
2.1. Mục tiêu 1
Mô tả thực trạng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer được chẩn đoán và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 và gánh nặng chăm sóc, chất lượng cuộc sống của người chăm sóc họ.
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu
2.1.1.1. Bệnh nhân Alzheimer
- Tiêu chuẩn lựa chọn:
Bệnh nhân Alzheimer được các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Sách Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần, xuất bản lần thứ tư có sửa đổi (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fourth Edition, Text Revision/DSM-IV-TR) tại Khoa Tâm thần kinh của Bệnh viện Lão khoa Trung ương.