Cạnh tranh giữa hàng dệt may Việt Nam và Trung Quốc - cơ hội và thách thức - 11


Trung tâm này ra đời bước đầu sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu về nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp dệt may trong nước.


2 - Về phía Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS)

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ra đời nhằm mục đích thông qua các hoạt động của mình tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành dệt may và của từng doanh nghiệp thành viên. Hiệp hội sẽ là đầu mối trao đổi thông tin trong và ngoài nước về những vấn đề kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực dệt may nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng thành viên Hiệp hội cũng như của toàn ngành để nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Hiệp hội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về khoa học công nghệ, môi trường và về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý; bảo vệ và điều hoà lợi ích của từng thành viên và của ngành dệt may Việt Nam trong các vụ tranh chấp với đối tác nước ngoài.

Hiện tại, Hiệp hội đã đưa ra mục tiêu đối với ngành dệt may Việt Nam là phải đạt 10 - 12 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2010. Do đó, đòi hỏi Hiệp hội phải đảm bảo sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên để đưa toàn ngành dệt may phát triển mạnh hơn nữa. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực cũng như tài chính, VITAS vẫn tích cực phấn đấu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hỗ trợ tích cực các hội viên, thực sự là cầu nối giữa Cộng đồng doanh nghiệp dệt may với các Cơ quan quản lý Nhà nước, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên. Hiệp hội phải luôn luôn bám sát những thắc mắc, trăn trở, nguyện vọng, đề xuất của các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh lên các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ, đồng thời Hiệp hội tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách, chiến lược phát triển ngành cùng Bộ Công Thương, xây dựng cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hàng dệt may với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, bình đẳng, giảm bớt các thủ


tục phiền hà cho doanh nghiệp. Điển hình là việc áp thuế nhập khẩu xơ sợi tổng hợp là 5% của Bộ Tài Chính sau nhiều lần làm việc và trình bày, mức thuế đã giảm xuống còn 3%.

Hiệp hội nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của ngành, của doanh nghiệp và của sản phẩm dệt may Việt Nam, phối hợp với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường, kêu gọi đầu tư. Do thực hiện cam kết không trợ cấp cho các hoạt động xuất khẩu nên việc thực hiện các chương trình khảo sát, tham gia hội chợ còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2006, Hiệp hội đã triển khai 8 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 925.420 USD. Theo dự kiến, trên 130 doanh nghiệp và 15 chi hội dệt may trong toàn quốc sẽ tham gia các chương trình khảo sát, xúc tiến thành lập văn phòng đại diện kết hợp với trung tâm giới thiệu sản phẩm dệt may tại CHLB Đức, tham gia Hội chợ Magic Show tại Las Vegas (Hoa Kỳ), kết hợp với khảo sát thị trường, hội chợ thời trang CPD tổ chức tại Duseldossf (CHLB Đức), khảo sát thị trường Tây Ban Nha, tham dự triển lãm tại Hong Kong, Đài Loan.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh các cụm công nghiệp dệt may như: nhà máy dệt nhuộm Yên Mỹ, khu liên hợp dệt nhuộm Hoà Khánh, khu công nghiệp Phố Nối, Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Khu công nghiệp Bình An, theo hướng tập trung vào lĩnh vực dệt nhuộm, đầu tư hoàn tất khâu vải và phụ liệu để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho may xuất khẩu nhằm tiến tới tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm may mặc lên 50% vào năm 2010, giảm tỷ lệ gia công.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.

Cũng như các ngành kinh tế khác, ngành dệt may Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và đầy đủ với các nền kinh tế khu vực và thế giới, chịu sự chi phối bởi các luật lệ chung, cho nên công tác đối ngoại là hết sức cần thiết, bởi


Cạnh tranh giữa hàng dệt may Việt Nam và Trung Quốc - cơ hội và thách thức - 11

vậy, Hiệp hội phải tích cực tham gia vào các tổ chức dệt may quốc tế như: Liên đoàn Dệt may ASEAN, Hội các nước xuất khẩu dệt may châu Á - Thái Bình Dương, Liên đoàn may mặc châu Á; tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế về dệt may, tham gia vào các dự án do nước ngoài tài trợ như Dự án VIE61/94 về xây dựng Chiến lược xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam...; tích cực tham gia cuộc vận động phản đối chương trình giám sát và tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.

Đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách hiện nay để nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trong thương mại quốc tế. Hiệp hội đã cử nhiều cán bộ của các doanh nghiệp hội viên sang học tập về kỹ thuật, quản lý... tại Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, bổ sung kiến thức cho các nhà thiết kế thời trang... nhưng hiện tại do kinh phí còn hạn chế nên còn nhiều kế hoạch đào tạo của Hiệp hội không thực hiện được.


3 - Về phía doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp dệt may thì nhiệm vụ cơ bản hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, và phải chấp nhận cạnh tranh với họ bằng chất lượng và giá cả sản phẩm. Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với khách hàng khi lựa chọn sản phẩm. Nhiều khi do hạn chế về khả năng thanh toán thì khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm rẻ nhưng thực chất trong thâm tâm họ vẫn mong muốn có được sản phẩm chất lượng tốt. Chất lượng sản phẩm góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm, giữ được khách hàng lâu hơn bất cứ yếu tố nào khác. Mặt khác, hiện tại Việt Nam không thể cạnh tranh được với các mặt hàng cấp thấp của Trung Quốc hay Ấn Độ. Do đó, tập trung vào chất lượng sản phẩm là xu hướng chính của ngành dệt may Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kêu gọi các thành viên tập trung vào việc gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu


để nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó có thể đối mặt với việc những nhãn hiệu lớn của nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thực chất, dòng hàng cao cấp có chất lượng cao hiện chưa mang lại hiệu quả cao ở Việt Nam do mức thu nhập của người tiêu dùng còn hạn chế. Song điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp cứ ngồi chờ cho đến khi nhu cầu lớn và hàng may mặc nước ngoài tràn lan trong thị trường nội địa thì mới bắt đầu lo. Tại thị trường nội địa chúng ta cũng đã có những nhãn hiệu cao cấp như: Viettien, Vie Laross, Vee Sendy, T-up của công ty may Việt Tiến, Sanding, Besosi của công ty May Sài gòn 2 hoặc các sản phẩm đắt tiền của công ty May 10.

Tạo nhãn hàng cao cấp, chất lượng cao cũng là cách tạo nên giá trị thương hiệu - một yếu tố làm nên sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành may Việt Nam trước kia chưa có những thương hiệu đủ mạnh để có thể làm chủ sân nhà. Nhưng giờ đây, sức mạnh của thương hiệu là cứu cánh cho các doanh nghiệp may Việt Nam trước sức ép cạnh tranh sau hội nhập. Để có thể tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm tới với khách hàng, nói cho họ những lợi ích mà sản phẩm đem lại cho khách hàng. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm và có khi còn giới thiệu nó tới những người khác. Có thể nói, chính việc chấp nhận sản phẩm để sử dụng là cách tạo nên thương hiệu cho sản phẩm. Song muốn xây dựng thương hiệu riêng không phải là dễ, vì vậy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẵn sàng liên kết để phát triển, chứ không còn làm lẻ tẻ, đơn độc như trước. Hiện nay, tại thị trường trong nước và nước ngoài, hầu như mọi người đều biết tới thương hiệu như An Phước, May 10, Việt Tiến, May Nhà Bè, May 28, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công... đây là những công ty chủ yếu cung cấp dòng sản phẩm áo sơmi sang trọng cho khách hàng. Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu đã khó nhưng việc giữ vững thương hiệu đó trong tâm trí của


khách hàng lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp phải đầu tư tiền bạc công sức vào việc duy trì thương hiệu cho những sản phẩm đã có mặt trên thị trường, đồng thời phải tìm tòi nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để đưa ra các dòng sản phẩm mới, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn để củng cố thương hiệu của doanh nghiệp vững chắc hơn. Mẫu mã kiểu dáng thực sự là vấn đề không hề đơn giản. Cái này không chỉ cứ bỏ tiền ra là có được mà nó phụ thuộc vào tính sáng tạo của con người. Về điều này thì người Việt Nam không hề thiếu. Người dân Việt Nam vốn được biết tới là những người có đầu óc thông minh, đã tạo ra rất nhiều dấu ấn trong nhiều lĩnh vực. Thế nhưng nếu đi so sánh với những mặt hàng của Trung Quốc về mẫu mã kiểu dáng sản phẩm thì chắc chắn phần thua sẽ thuộc về chúng ta. Hàng hoá của Trung Quốc mà đặc biệt là sản phẩm may mặc có mẫu mã vô cùng đa dạng và phong phú, phù hợp với những sở thích thay đổi liên tục của người tiêu dùng. Trong khi đó, thời trang Việt Nam mới chỉ dừng lại ở thời trang biểu diễn, ấn tượng, mang đậm màu sắc thương hiệu, còn thời trang ứng dụng mới chính là thời trang chuyên nghiệp, được sự đón nhận của người tiêu dùng thì hoàn toàn chưa có tiếng nói tại thị trường trong nước. Không những thế, đội ngũ thiết kế vải còn là khá xa lạ trong ngành thời trang may mặc Việt Nam. Chính việc thiếu đội ngũ này đã dẫn đến chất liệu vải nghèo nàn, chỉ xoay quanh chất liệu gấm., thổ cẩm, lụa, nhung... Nhiệm vụ của các doanh nghiệp lúc này là thành lập Trung tâm đào tạo chuyên ngành dệt may nhằm đào tạo các chuyên viên cao cấp về: Thiết kế thời trang, cán bộ mặt hàng, tiếp thị thời trang, tổ trưởng - chuyền trưởng, quản lý chất lượng, quản lý kho hàng, quản lý xuất nhập khẩu; thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế để tìm kiếm những nhân tài còn chưa nổ rộ. Bên cạnh đó, cũng cần hợp tác với các hãng thời trang nổi tiếng để đầu tư vào khâu thiết kế, chuyển nhượng quyền thương hiệu, tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt, vượt trội, đẳng cấp cao hơn.


Giá cả cũng đang là một vấn đề nan giải. Như chúng ta đã biết, giá cả sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài phải chịu chênh lệch tỷ giá và thuế nhập khẩu đã đẩy mức giá hàng may mặc lên cao, Ngoài ra, giá các dịch vụ công cộng ở Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều nước như: giá điện (ở Việt Nam thường cao hơn 2,4 đến 3,6 lần so với các nước trong khu vực), nước, Internet... Để giảm giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp phải đưa ra các biện pháp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất cố định trong quản lý, giảm tiêu hao năng lượng điện trong sản xuất, chia sẻ giữa các doanh nghiệp các chi phí tiếp thị, chi phí thông tin thị trường. Triệt để thực hiện chủ trương tiết kiệm 10% chi phí của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). Và một nhiệm vụ quan trọng là phải phối hợp với Nhà nước và Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) để đầu tư phát triển các vùng nguyên phụ liệu dệt may, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong cả nước.

Theo ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sản phẩm dệt may sẽ tăng được giá trị khi kèm theo nó sự sáng tạo và dịch vụ hoàn hảo. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự biến mình thành nhà sản xuất, thiết kế chứ không nên là người gia công, và giá cả đối với sản phẩm dệt may không phải là yếu tố quyết định. Do đó, các doanh nghiệp phải chú trọng vào việc phát triển mạng lưới tiêu thụ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) có thể là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp dệt may trong cả nước để hình thành hệ thống cửa hàng - siêu thị kinh doanh thời trang dệt may ở cả các thành phố lớn lẫn các tỉnh thành khác trong cả nước. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (60%). Song xuất khẩu sang thị trường này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Vừa được dỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch khi gia


nhập WTO thì Việt Nam lại có nguy có phải chịu biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Nếu điều này xảy ra thì hàng dệt may vào Mỹ sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá, đồng thời các đối tác sẽ hạn chế đặt hàng từ Việt Nam do đa số các nhà kinh doanh rất ngại động chạm tới pháp luật mà đây lại là vấn đề liên quan đến quốc gia, liên quan đến cả ngành dệt may nội địa. Vì vậy, nhiệm vụ của các doanh nghiệp là phải điều tra, tìm hiểu những thị trường mới, những bạn hàng ngoài Hoa Kỳ để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu vào nước này nhưng vẫn đẩy mạnh giá trị xuất khẩu của mình. Một phương pháp mới và hiệu quả mà chưa có nhiều doanh nghiệp dệt may sử dụng là sử dụng thương mại điện tử B2B và B2C. Với phương pháp này, các doanh nghiệp có thể tìm được những đối tác nhanh chóng ở cách chúng ta thậm chí là tới nửa vòng trái đất. Hiện thương mại điện tử cũng đang được nhiều quốc gia sử dụng trong buôn bán quốc tế và đã mang lại khá nhiều lợi ích.

Những giải pháp trên đây có thể chưa giải quyết được hết những khó khăn đang đặt ra với ngành dệt may Việt Nam, nhưng cũng đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành này. Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung nâng cao vị thế của mình bằng những sản phẩm cao cấp, với những chiến lược đầu tư lâu dài nhằm xây dựng thương hiệu, lập kênh phân phối và tìm đối tác trực tiếp từ nước ngoài…

KẾT LUẬN

Dệt may là ngành công ngiệp quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều năm qua, ngành dệt may đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước. Từ năm 2000 đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân trên 20/năm, thu hút gần 2 triệu lao động, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính tới tháng 9/2007, dệt may đã “vượt mặt” dầu khí trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong cả nước.


Tháng 11/2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có rất nhiều cơ hội và thách thức đặt ra đối với nền kinh tế cũng như với riêng ngành dệt may. Trong đó, phải đặc biệt kể tới sức ép cạnh tranh từ “người láng giềng khổng lồ” - Trung Quốc, nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Xét về mọi mặt, Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong so với chúng ta. Song, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải hiểu một điều là cạnh tranh chính là động lực để tồn tại và phát triển. Chính sức ép cạnh tranh của Trung Quốc sẽ là đòn bẩy thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam. Vấn đề là ngành dệt mayViệt Nam có biết tận dụng những ưu thế của đất nước mình để đưa ra giải pháp khắc phục những thách thức đang đặt ra hay không. Và doanh nghiệp cũng không đứng ngoài vòng xoáy đó. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cho mình chiến lược trong bối cảnh mới, đồng thời liên kết lại để tăng sức cạnh tranh, đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp gia tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu.

Trên đây là những nhận xét của em về ngành dệt may Việt Nam và khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Do kiến thức cũng như kinh nghiệm còn hạn chế nên bài viết còn sơ sài nhiều thiếu sót mong các thầy cô giáo chỉ bảo thêm.

Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn cô giáo TS. Từ Thuý Anh đã tận tình giúp đỡ em hoàn thành khoá luận này.


Em xin chân thành cảm ơn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS. PTS. Tô Xuân Dần, PTS . Vũ Chí Lộc, Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế, 1999.

2. GS. TS. Bùi Xuân Lưu, Giáo trình Kinh tế ngoại thương,

2002.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2022