Căn cứ xác lập quyền sở hữu chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - 10

sản riêng của chồng chị theo điều 33 của Luật Hôn nhân và gia đình. Bây giờ thì chính chồng chị đòi ly hôn và tranh chấp mãi anh T. mới chịu cấp dưỡng cho con 500.000 đồng/tháng nhưng anh không muốn chị đến lấy từng tháng mà anh sẽ gộp lại trả một lần. Tổng cộng theo cách tính của anh là 95 triệu đồng, anh sẽ trả khi có đủ! Chị T.H. hoàn toàn trắng tay sau cuộc hôn nhân này” (Nguồn: Báo Người lao động, ngày 22/9/2007)

Thực tế này, đặt ra câu hỏi, nên chăng pháp luật có quy định về việc kê khai các tài sản riêng của các bên trước khi kết hôn để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên. Ngoài các tài sản trên, các tài sản khác mà vợ chồng có được ngoại trừ các tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng sẽ là các tài sản chung của vợ chồng, thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Thứ sáu, mặc dù pháp luật quy định các tài sản tạo lập, thu nhập được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, thông thường các bên cũng không thể biết được thu nhập của bên kia có được trong thời kỳ hôn nhân là bao nhiêu, các tài sản đó đang nằm ở đâu. Chính vì vậy, các bên thường hay tự ý sử dụng, định đoạt thu nhập của mình. Việc nhập bao nhiêu thu nhập này vào khối tài sản chung để chi dùng là do sự quyết định của người nhận được thu nhập. Thậm chí có nhiều trường hợp ở nông thôn, thu nhập của người chồng được người chồng tự ý quyết định sử dụng vào việc rượu chè, cờ bạc, tiêu dùng cá nhân, trong khi đó đời sống gia đình thì rất khó khăn. Đây là thực trạng đặt ra mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Thêm vào đó, còn có những trường hợp, mặc dù tài sản là do cả hai bên cùng nhau tạo lập nên nhưng trong quá trình chung sống, đã cùng nhau thỏa thuận để một người quản lý, nắm giữ. Đến khi chia tay, một bên cũng không thể nắm được tài sản chung của vợ chồng có bao nhiêu để phân chia. Ví dụ trường hợp của anh Nguyễn Đ., Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, khi ly hôn đã đến tư vấn tại Phòng tư vấn pháp luật của Hội Phụ nữ đã tâm sự như sau: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng tôi tạo lập rất nhiều tài sản

chung. Tuy nhiên, vợ tôi là người nắm giữ tất cả tài sản. Ngoài nhà đất và xe, còn nhiều tiền, vàng mà cô ấy đang cất giữ hoặc gửi ở các ngân hàng. Hiện nay, chúng tôi đang làm thủ tục xin ly hôn. Trước tòa, cô ấy khai rằng tài sản chung của vợ chồng chỉ có nhà và xe, còn các khoản khác cô ấy chối phăng, nói là đã dùng vào việc chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Tôi có yêu cầu tòa án điều tra, xác minh việc vợ tôi đã gửi tiền ở các ngân hàng, nhưng toà nói rằng muốn được phân chia tài sản, chính đương sự phải cung cấp chứng cứ cho tòa, tòa án không có nghĩa vụ phải điều tra xác minh nữa”. Đúng là theo quy định tại Điều 79 Bộ Luật Tố tụng dân sự thì “Đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ, để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp” Tuy nhiên, trong trường hợp này, rất khó để anh Đ. có thể có được các chứng cứ chứng minh về những tài sản chung của hai vợ chồng đang được cất giữ ở đâu đó.

Thứ bảy, trong thực tế, nhiều trường hợp để tẩu tán những tài sản do các hành vi trái pháp luật mà có, tài sản mà vợ, chồng chưa đủ căn cứ xác lập quyền sở hữu, tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hoặc của người khác, hai bên vợ chồng đã cùng nhau bàn bạc thỏa thuận chia tài sản khi ly hôn hoặc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Tòa án do quá chú trọng sự thỏa thuận của vợ chồng đã công nhận những thỏa thuận trên, gây khó khăn rất nhiều cho việc đảm bảo quyền, lợi ích của công dân cũng như đảm bảo tài sản thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Một trong những ví dụ điển hình của trường hợp này là việc giải quyết ly hôn của TAND quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh, đã công nhận sự thỏa thuận giữa Phùng Long Thất (đang thuộc diện điều tra trong vụ án Tân Trường Sanh) với vợ của y. Trong đó, Phùng Long Thất có thỏa thuận, hầu hết tài sản trong gia đình thuộc về người vợ. Đây là thỏa thuận có mục đích tẩu tán tài sản, do tắc trách trong điều tra, TAND quận 5 đã công nhận thỏa thuận này, dẫn đến bản án đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và bị hủy.

Như vậy, không những chính các bên vợ chồng trong nhiều trường hợp không thể biết hết được tài sản chung của vợ chồng thực sự là bao nhiêu, ở đâu mà ngay cả Tòa án cũng không thể biết được những vấn đề này. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án cũng chỉ có trách nhiệm điều tra, xác minh khi các đương sự có yêu cầu Toà án phân chia tài sản. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, xuất phát từ tinh thần của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/8/2002 của TANDTC thì Tòa án cũng có quyền điều tra, xác minh lại sự thỏa thuận của các đương sự, nếu thỏa thuận đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội (ví dụ, một bên bị lừa dối, cưỡng ép hoặc thỏa thuận liên quan đến tài sản đang có tranh chấp, không đủ chứng cứ để xác lập quyền sở hữu hợp pháp hoặc thỏa thuận chia tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản ...). Song, để phát hiện được các dấu hiệu trái pháp luật, đạo đức xã hội trong thỏa thuận của đương sự, kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, một mình Tòa án không thể thực hiện, nếu không nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, chứng cứ để kết luận tính hợp pháp của thỏa thuận mà các đương sự đưa ra.

Thứ tám, mặc dù pháp luật đã quy định rõ tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử của TAND các cấp cho thấy, nhiều vụ việc mặc dù đã qua nhiều cấp xét xử, vẫn còn bộc lộ những vướng mắc, thiếu sót trong việc áp dụng các quy định về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng dẫn đến sai lầm trong xác định tài sản chung, tài sản riêng. Ví dụ, trong công văn gửi TANDTC năm 2001, TAND tỉnh Lào Cai đã đưa ra một vướng mắc trong việc xác định khoản tiền mà người vợ nhận trợ cấp một lần khi thôi việc trong thời kỳ hôn nhân, nay ly hôn người chồng có yêu cầu được chia số tiền đó vì cho rằng số tiền đó là tài sản chung của vợ chồng. Vướng mắc của TAND tỉnh Lào Cai trong trường hợp này là khoản tiền trợ cấp một lần không phải

chỉ tính trong thời gian tồn tại hôn nhân mà được tính trên cơ sở thời gian làm việc của người lao động và thời gian còn lại sau khi nghỉ việc (bao gồm cả thời gian trước khi người vợ kết hôn và thời gian sau khi nghỉ việc). Trong vụ việc này, có thể thấy TAND tỉnh Lào Cai đã gặp lúng túng do chưa thực sự hiểu rõ các căn cứ xác lập quyền sở hữu chung của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 27 Luật HNGĐ năm 2000, những thu nhập hợp pháp mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, nhà làm luật chỉ quan tâm đến thời điểm phát sinh tài sản chứ không căn cứ vào phương thức làm ra tài sản đó (tất nhiên ngoại trừ các phương thức làm ra tài sản trái pháp luật và đạo đức xã hội thì không được pháp luật của Nhà nước công nhận). Do đó, TANDTC đã trả lời và sau này Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP cũng đã khẳng định các khoản tiền trợ cấp phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, khi vợ chồng ly hôn mà có tranh chấp thì xác định là tài sản chung để chia cho các bên, nhưng có xem xét đến công sức của người nhận trợ cấp thôi việc để chia cho họ phần giá trị tài sản lớn hơn là hợp lý.

Mặt khác, trên thực tế một số Toà án lại xác định căn cứ phát sinh tài sản của vợ chồng dựa trên suy luận “quan hệ nhân quả - cái này là kết quả của cái kia” dẫn đến những quyết định không phù hợp với pháp luật. Ví dụ, vụ việc được giải quyết tại TAND thành phố Việt Trì liên quan đến tranh chấp tài sản khi ly hôn giữa chị Phan Thu H và anh Trần Khắc L về khoản tiền 55.000.000 đồng do anh L nhận được theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hai nước Cộng hòa Iraq và Cộng hoà XHCN Việt Nam đền bù cho người lao động Việt Nam về nước trước thời hạn vì lý do chiến tranh (quyết định có hiệu lực từ tháng 6/1995). Trong vụ việc này, TAND thành phố Việt Trì cho rằng không thể căn cứ vào thời điểm có hiệu lực quyết định đền bù cho người lao động Việt Nam ở Iraq về nước trước thời hạn để xác định có phải tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay không. Mà theo Tòa án này, sở dĩ anh L nhận được quyết định đền bù có

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

hiệu lực vào tháng 6/1995 là do sự kiện anh L đi lao động hợp tác ở Iraq từ năm 1989 đến năm 1991 do chiến tranh, anh phải về nước trước thời hạn. Do đó, phải xác định khoản tiền có tranh chấp là tài sản riêng của anh L vì được phát sinh trước khi kết hôn (anh L và chị H kết hôn vào năm 1993). Liên quan đến vấn đề này, theo tôi cần vận dụng các điều 241 và 254 BLDS trong đó Điều 241 quy định rõ “Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với thu nhập do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có thu nhập đó” Điều 254 BLDS cũng quy định “Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác”. Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, quyết định của TAND thành phố Việt Trì là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài vướng mắc trên, một số Tòa án còn gặp lúng túng trong việc vận dụng căn cứ xác định khối tài sản chung được quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật HNGĐ năm 2000: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”. Căn cứ xác định tài sản mang tính chất suy đoán pháp lý này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những tranh chấp mà một bên vợ, chồng có yêu cầu về tài sản riêng, nhưng bản thân họ không có chứng cứ hoặc có nhưng chứng cứ không rõ ràng. Tuy nhiên, một số Tòa án trong quá trình giải quyết đã không bám sát quy định trên dẫn đến thiếu sót trong bản án, quyết định của mình. Ví dụ, TAND quận Ba Đình – Hà Nội khi giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn giữa anh Phạm Quý T và Chị An thị P về ngôi nhà số 18 phố Sơn Tây – Hà Nội (3/2001), đã xác định ngôi nhà đó thuộc sở hữu riêng của anh T với các lý do: Giấy tờ mua nhà này đứng tên anh T vào ngày 22/10/1991 và theo anh T: nguồn gốc ngôi nhà là do bà M (mẹ anh) bán nhà số 34 phố Nguyễn Trường Tộ rồi cho anh tiền để mua. Tuy nhiên, trên thực tế, chính bà M (mẹ của anh

Căn cứ xác lập quyền sở hữu chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - 10

T) cũng xác nhận bà không uỷ quyền cho anh T mua nhà số 18 phố Sơn Tây và cũng không có tài liệu gì có thể chứng minh là bà đã cho anh T tiền để mua nhà này. Với những tình tiết trên, không đủ chứng cứ để khẳng định anh T có quyền sở hữu riêng đối với nhà số 18 phố Sơn Tây. Vì vậy, bản án phúc thẩm số 54/LHPT ngày 24/5/2001 của TAND thành phố Hà Nội đã sửa án sơ thẩm theo hướng: Xác định nhà số 18 Sơn Tây là tài sản chung của anh T và chị P để chia theo pháp luật (nguồn TAND thành phố Hà Nội).

Thứ chín là việc xác định quyền sở hữu chung của vợ chồng trong trường hợp chia một tài sản mà vợ (chồng) có quyền sở hữu chung theo phần với người khác. Ví dụ, cha chồng có hai con trai. Cha chết để lại một căn nhà. Chồng cùng với em trai có quyền sở hữu chung theo phần đối với căn nhà đó, mỗi người một nửa. Tiến hành phần chia tài sản chung, vợ (chồng) được nhận trọn tài sản với điều kiện trả tiền chênh lệch cho người thứ ba ấy. Tài sản được chia trong trường hợp này là của riêng hay của chung? Về vấn đề này, hiện có ba quan điểm như sau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, trước khi chia, vợ (chồng) chỉ có một phần quyền trừu tượng đối với tài sản chứ không có trọn quyền sở hữu đối với tài sản cụ thể. Bởi vậy, tài sản được chia coi như là tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân và là tài sản chung. Trong tài sản chung đó phần đóng góp của vợ (chồng), tương ứng với phần quyền sở hữu trước đây đối với tài sản chung, và phần đóng góp này được ghi nhận để tính giá trị phần quyền của vợ (chồng) trong khối tài sản chung được chia sau khi hôn nhân chấm dứt.

- Quan điểm thứ hai cho rằng vợ (chồng) có quyền sở hữu đối với một nửa tài sản; một nửa còn lại được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, một nửa tài sản thuộc khối tài sản riêng, một nửa còn lại thuộc khối tài sản chung

- Quan điểm thứ ba cho rằng việc phân chia chỉ nhằm chấm dứt tình

trạng sở hữu chung theo phần, còn quyền sở hữu đối với tài sản được xác lập cho vợ (chồng) kể từ ngày bắt đầu tình trạng sở hữu chung theo phần. Thế thì, tài sản được chia phải là của riêng vợ chồng, thì khối tài sản riêng “nợ” khối tài sản chung số tiền đó và phải thanh toán nợ khi thanh toán và phân chia tài sản chung.

Thứ mười là việc xác định các tài sản có được có mối quan hệ chặt chẽ với nhân thân như tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp chồng bị một người khác đánh trọng thương và được bồi thường một số tiền để bù đắp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm hay trường hợp người vợ được bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm về nhân phẩm, danh dự, v.v… số tiền này là của chung hay của riêng? Có thể nghĩ rằng trong trường hợp sức khỏe bị xâm hại, khối tài sản chung của gia đình thường ứng trước chi phí thuốc men và điều trị bệnh, bởi vậy, phần tiền bồi thường thiệt hại dùng để hoàn trả chi phí thuốc men và điều trị bệnh đã được ứng trước, không trở thành tài sản chung hay tài sản riêng, mà tự nó vốn là tài sản chung. Phần bù đắp thu nhập bị mất trong thời gian điều trị và dưỡng bệnh thay thế cho thu nhập, do đó, cũng phải là tài sản chung. Thế nhưng, phần bồi thường đối với tổn thất về thân thể hay những bồi thường đối với danh dự, nhân phẩm là tài sản chung hay tài sản riêng? Cả luật và thực tiễn áp dụng pháp luật đều chưa trả lời câu hỏi này. Thường các nhà áp dụng pháp luật đều thừa nhận đó là tài sản chung, do có được trong thời kỳ hôn nhân.

Thứ mười một là việc xác định quyền sở hữu chung của vợ chồng đối với phần hùn, cổ phần trong công ty khi những tài sản này là do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. Mặc dù theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đây là những tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nên đương nhiên thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng. Tuy nhiên, đối với công ty, chỉ người nắm giữa phần hùn hoặc cổ phần mới là thành viên công ty và là người có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết tại các cuộc họp của các thành viên công ty, chỉ các hoa lợi, lợi tức gắn liền với

phần hùn hoặc cổ phần là tài sản chung của vợ và chồng.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 11/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí