Cảm Hứng Đời Tư Trong Thơ Việt Nam 1975-2000.

Đối lập với trạng thái xã hội hiện hữu, con người sống cùng với cái xấu, cái ác, con người chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường; trở về với truyền thống, con người được giải thoát khỏi những ràng buộc của hoàn cảnh sống, được cởi mở lòng mình, biểu hiện mình một cách tự nhiên nhất. Thơ sau chiến tranh đặc biệt quan tâm mô tả cuộc sống tinh thần tự nhiên của con người trong ý nghĩa khởi nguồn của sự tồn tại. Đó là con người trong sáng nhất, con người được sống, được yêu trọn vẹn mà không chịu sự ràng buộc, toan tính. Ở đó, sự lấm láp cũng trở nên đáng yêu, con người chia sẻ với nhau bằng tình yêu giản dị, hồn nhiên: Thuở ấy tôi mới lên mười- Còn em lên bảy theo tôi cả ngày- Quần em dệt kín bông may- áo tôi đứt cúc mực dây tím bầm(Phạm Công Trứ). Ở đó, con người không bị ám ảnh bởi thực tại buồn “ điệu múa cổ cũng chậm buồn theo đói”, mà được trải lòng trong đồng vọng với thiên nhiên. Có lẽ, cuộc đời được nhìn ngắm qua đôi mắt tuổi thơ là khi cuộc đời xanh non nhất. Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng- Cỏ và lúa, và hoa hoang cỏ dại- Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải- Bờ ruộng bùn lấm tấm chân cua(Nguyễn Duy).

Nếu như thực tại là những trăn trở, những uẩn khúc, và mỗi câu thơ viết ra là một suy ngẫm, là một triết lý hay sự thức nhận thì trở về với thiên nhiên con người bị cuốn trôi trong sự giao cảm ngọt ngào, những câu thơ cũng bị lôi léo, tuôn chảy: Đi dọc sông Hương- Đi cùng sông Hương- Tôi như đứa trẻ con bị lạc- Ngu ngơ trôi- Quên cả phố nhà- Như cơn gió- Không biết nơi dừng lại- Cứ theo sông- Vỗ mãi tới bờ xa(Lâm Thị Mỹ Dạ). Con người chú ý đến thiên nhiên như một phút lặng, phút hồi tưởng, lãng quên mọi ưu tư, nhịp sống ồn ào, vội vã của đời thường để hướng tới cái cao đẹp, cái thanh khiết, cái chất thơ của đời sống. Đây không phải là sự thoát li, chạy trốn, mà là một cấu trúc khác về mối quan hệ với thiên nhiên, là sự trở về với giá trị vĩnh cửu, thân quen của tự nhiên, là ý thức về môi sinh và sinh thái. Thiên nhiên là nguồn thôi thúc

khát vọng của cảm xúc về cái đẹp, về hạnh phúc, về tình yêu trong sự tinh khiết và bình yên. Lăng tẩm chùa chiền lẩn khuất dưới bóng thông- Khói sương cổ tích- Bất chợt hoa- áo dài thiếu nữ- Bất chợt lá- Chiếc hôn thiên nhiên tươi rói( Nguyễn Trọng Tạo). Trong sự tĩnh lặng đó, con người cảm nhận được từng nhịp thở, từng sự biến đổi tế vi của cuộc sống, cũng là lắng nghe những rung cảm của bản thân mình và hiểu mình hơn.

Trong chiều thời gian, không gian quá khứ, con người thực hiện cuộc hành trình đi tìm chính mình. Môtip trở về xuất hiện trong thơ khá nhiều. Trở về Thái Nguyên mà Ý Nhi reo lên như trẻ thơ về nhà mình với mẹ và bao điều thân thiết: Ta đã trở về, đã trở về- Ôi con đường nhỏ ven đồi lau xám. Hoàng Phủ NgọcTường đắm mình trong không gian vĩnh cửu của thiên nhiên: Anh trở về ngụp lặn trên sông- Tắm đời mình trong cội nguồn sâu thẳm(Dòng sông đời mẹ). Những dòng sông tắm mát tuổi thơ cũng là dòng sông gột rửa những lỗi lầm day dứt của tuổi trưởng thành. Giây phút cảm động nhất là giây phút con người tìm lại được chính mình, tìm lại được cảm xúc, lòng trắc ẩn.

Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là sự trở về khơi nguồn cảm xúc của vầng trăng, là sự ám ảnh khôn nguôi của một thời kỷ niệm, là sự vỡ oà của vùng cảm xúc con người trong va chạm với vầng trăng. Bằng kết cấu so sánh, Nguyễn Duy đã kể một câu chuyện bất thường về sự đứt gãy giữa cái hiện đại và cũ xưa: Sự biến ảo của đời người trong tương quan với cái vĩnh hằng chung thuỷ của vầng trăng. Vầng trăng trở đi trở lại trong thơ, lúc nào cũng trọn vẹn: “Vầng trăng- tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa”, “trăng tròn vành vạnh”, con người lại bất thường, có lúc gắn bó, lúc lại vô tâm: Vầng trăng đi qua ngõ- như người dưng qua đường”, rồi giật mình gặp lại vầng trăng của hồn đất hồn quê. Trong suốt bài thơ, người ta không thể tìm đâu những câu thơ đầy chất sống như khoảnh khắc giao cảm con người vầng trăng:…Đột ngột vầng trăng tròn-Ngửa mặt lên nhìn mặt- Có chút gì rưng rưng- Như là đồng là bể – Như là

sông là rừng. Cả một thời tuổi trẻ, thời quá khứ xôn xao ùa về. Hai câu thơ như là đồng là bể - Như là sông là rừng gặp lại hai câu thơ “Hồi nhỏ sống với đồng – Với sông rồi với bể” là cuộc gặp gỡ giữa mình với chính mình. Vầng trăng như gõ nhịp vào miền cảm xúc của con người, khơi dậy trong con người những gì thiêng liêng nhất, đánh thức cái chất sống, cái “bản năng ruộng đồng” ở con ngưòi hiện đại, lãng quên và vô tâm.

Trong thơ Nguyễn Duy người ta thấy xuất hiện hai con người: một Nguyễn Duy chất chưởng giọng điệu hiện đại thị thành: Xa nhau cực nhớ cực thèm – Ai về Hà Nội gửi em đôi nhời – Cô đầu thời các cụ chơi – ta đây cơm bụi bia hơi lè phè (Cơm bụi ca); một Nguyễn Duy nồng hậu với quê nhà. Quay về với mẹ, với cha ông, với làng quê, đồng ruộng, thơ Nguyễn Duy trở nên réo rắt xôn xao khác thường với một mẫn cảm lạ kì, như thể chạm vào là tuôn chảy: Rơm rạ ơi ta trở về đây – Gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu – Mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu – Vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình (Về đồng). Và da diết rưng rưng: Bần thần hương huệ thơm đêm- Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn- Chân nhang lấm láp tro tàn- Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào( Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…). Quê nhà đánh thức trong Nguyễn Duy con người nhà quê nguồn cội của mình, nó được thực hiện bằng những cuộc trở về :“Về đồng”, “về làng”, là sự tưởng nhớ, mến thương đối với miền quê khốn khó nhọc nhằn (Đò lèn, Cầu bố, Thơ tặng người ăn mày, Về làng…), là niềm day dứt khôn nguôi về sự lãng quên của mình: Ta đi mơ mộng trên đời- Để cha cuốc đất một đời chưa xong(Về làng).

Cũng như Nguyễn Duy, rất nhiều nhà thơ coi mỗi cuộc trở về với nguồn cội là một cơ hội để soi ngắm lại nhân cách của mình sau những va chạm đến trơ lì đối với thực tại và chốn phù hoa. Lòng trắc ẩn, sự thành thật và trách nhiệm là những gì con người tìm lại được sau những thờ ơ, vô tâm, dối trá ở đời. Phải chăng làng quê là cái nôi nuôi dưỡng, gìn giữ và khẳng định nhân cách của con người?

Trở về với truyền thống, thơ ca mở ra một không gian mang đậm màu sắc văn hoá dân gian với những triết lý về phong tục, đồng thời khẳng định vẻ đẹp tinh thần mang tính nguồn cội: Con người sống với nhau đâu chỉ bằng chính trị, giai cấp, mà phần lớn bằng đạo lý, văn hoá ở đời. Do đó, trong cuộc trở về, con người cảm nhận được sự bình yên, bền vững của tinh thần. Mẹ chính là một biểu tượng đẹp đẽ nhất, đặc trưng nhất của văn hoá làng quê.

Dường như có một “Văn hoá Mẹ” ở trong thơ. Mẹ là làng quê hay làng quê là mẹ. Cái màu mướt xanh của đồng ruộng cũng là màu mướt xanh của nhân cách mẹ. Nhớ về làng quê là nhớ về mẹ: Mẹ tôi tóc bạc răng đen- Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê(Mẹ tôi- Nguyễn Trọng Tạo). Mẹ hoá thân trong cánh cò như sự gặp gỡ của đức chịu thương chịu khó: Bà và mẹ hoá cánh cò cánh vạc( Về đồng- Nguyễn Duy). Mẹ là một hoá thân của làng quê hay là một tích tụ những giá trị văn hoá đẹp đẽ của làng quê?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Không dưng màu áo nâu của Mẹ lại xuất hiện trong thơ nhiều đến vậy, và mang nhiều giá trị thẩm mỹ đến vậy: Áo sồi nâu, mấn bùn nâu(Nguyễn Trọng Tạo), Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa(Nguyễn Duy), Áo nâu còn thẫm mưa phùn- Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non(Lê Đình Cánh). Bên cạnh sự nhắc gợi về sự giản dị, hy sinh, về con người ruộng đồng ở mẹ, chiếc áo nâu xuất hiện và tồn tại vững bền như một niềm đinh ninh giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường đã khẳng định sức sống mãnh liệt của màu quê hương nơi mẹ.

Nhưng nhớ về mẹ, nhiều người nhớ nhất tiếng ru da diết ngọt ngào, đẹp và bao dung như tâm hồn mẹ. Mẹ ru cái lẽ ở đời- Sữa nuôi phần xác hát ru phần hồn(Nguyễn Duy), À ơi…đi suốt cuộc đời- Vẫn nghiêng cánh võng những lời mẹ ru(Chu Thị Thơm). Tiếng ru còn là một ứng xử của mẹ đối với cuộc đời: Câu ca ru lúa- câu Kiều ru con; ru rồi lại ru, mẹ ru lúa, mẹ ru con hay mẹ ru cả cuộc đời này?

Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 7

Trở về với Mẹ trong vùng văn hoá dân gian, thơ ca tìm kiếm những giá trị đạo đức giản dị mà cao cả, đó là đức hy sinh âm thầm lặng lẽ và thái đội bao dung đối với cuộc đời. Vẻ đẹp dó mang đậm thiên tính nữ ở con người nhà quê nguyên uỷ nơi mẹ. Chỉ trong những vần thơ về mẹ chúng ta mới có thể bắt gặp tiếng vọng nghĩa tình, tiếng nói tri ân cảm động thế này: Cò ơi thôi đùng khóc nữa- Mày hãy đi mò cái tép con tôm- Có mò thấy ước mơ của mẹ- Giọt mồ hôi hạt thóc giấu trong bùn( Ngày giỗ mẹ- Trương Nam Hương). Chúng ta tìm thấy nơi mẹ trái tim bao dung đối với con người, đối với cỏ cây vạn vật. Mẹ đã hoá thành cổ tích, thành huyền thoại bởi vẻ đẹp tinh thần: Thương mẹ một đời khốn khổ- Vần giàu những tiếng ru nôi(Trong lời mẹ hát- Trương Nam Hương).‌

2.2. Cảm hứng đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000.

2.2.1. Hành trình đi tìm bản ngã.

Sự kiếm tìm con người cá nhân là hành trình dằng dặc và nhiều thăng trầm của văn học. Chỉ đến những năm ba mươi của thế kỷ XX, với sự ra dời của chủ nghĩa lãng mạn mà tiếng nói đại diện của nó là “thơ mới” thì con người cá nhân mới được khẳng định một cách mạnh mẽ.

Cảm hứng đời tư trong thơ Việt Nam sau chiến tranh là sự kế tiếp những giá trị tinh thần đã đạt được từ phong trào Thơ mới. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, thơ ca cũng đã có những nỗ lực để tự thay đổi và tồn tại với tư cách là một giai đoạn văn học độc lập.

Khác với khuynh hướng thoát li thực tại như trong Thơ mới, con người cá nhân trong thơ hôm nay luôn ý thức sâu sắc về trạng thái xã hội hiện hữu. Đối diện với thực tại, đặt mình ở những phương diện cuộc sống khác nhau, dù trong sự đối diện với chính mình, với cõi thời gian không gian vô tận, hay với cõi tâm linh thì mục đích của thơ ca bao giờ cũng chỉ để tìm kiếm con người cá nhân, cá thể ở những chiều sâu nhất và thành thực nhất.

2.2.1.1. Ta là ai?

Trở về với đời thường, thơ đòi hỏi sự thức tỉnh những nhu cầu cá thể, khẳng định cá tính. Đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Ta là ai” là một khao khát nhận diện chính mình, là ý thức về vị trí của mình trong cuộc đời này, dẫu sự tồn tại đó là nhỏ bé, thậm chí vô hình: Ta là ai, như ngọn gió vô hình- Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt(Chế Lan Viên). Và nghiệt ngã: Trải mình ra mà chà sát, dẫm đạp…lặng lẽ hình thành một cá tính(Lê Huy Quang).

Mô típ trở về với bản thể bộc lộ ngay từ tựa đề nhiều tập thơ: Viết cho mình(Trịnh Bích Ba, Bùi Kim Anh), Một chấm xanh(Phùng Khắc Bắc), Tự bạch(Lê Huy Quang), Bài ca số phận(Nguyễn Thị Hồng Ngát), Tôi vẽ mặt tôi(Lê Minh Quốc), Tôi gọi tôi(Đinh Thu Vân)…Mỗi nhà thơ đều cố gắng tìm cách phác hoạ chân dung đích thực của mình: Vẽ tôi một nét môi cười- Một dòng nước mắt một đời phù du(Hoàng Phủ Ngọc Tường). Có cái tôi tột cùng khổ đau trên nẻo đừơng tìm kiếm chính mình: Sao ta là người- Quằn quại chứng nhân chính mình quằn quại(Lâm Thị Mỹ Dạ), Tôi uống bao nhiêu phiền muộn- Dài dặc sao cuộc kiếm tìm(Dương Kiều Minh). Có cái tôi đi đến tột cùng cuộc khảo nghiệm tâm hồn để nhận ra cái thực chất của bản thân: Giản đơn và rối ren- Lớn lao và hạn hẹp- Tôi đứng kề bên giới hạn của mình(Ý Nhi). Cái tôi giờ đây đã nhận ra sự nhỏ bé hữu hạn của mình: Tôi nhỏ nhoi tồn tại chính mình- Nhân danh một chính mình tồn tại(Thạch Quỳ). Cũng có khi là một cái tôi tự tin, hy vọng, nhưng rất tội nghiệp: Bởi tôi tin bản thân nỗi khổ đau- Có bước đi riêng trong bóng tối- Lý do để tôi chờ đợi- Là sự kiếm tìm- Một thứ ánh sáng riêng(Đỗ Trọng Khơi).

Đã không còn trong thơ tư thế cái tôi ngạo nghễ trong nỗi cô đơn: Ta là Một, là Riêng- là thứ Nhất- Không có chi bè bạn nổi cùng ta(Xuân Diệu) để mong tìm kiếm một thế giới riêng, đối lập với thực tại; giờ đây nhà thơ ý thức rất rõ về chính mình, nhận ra mình trong cõi mênh mông này chỉ là một thứ ánh sáng riêng. Nhà thơ khắc khoải đi tìm cái tôi độc

lập đó với nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời. Do đó, trong hành trình trở về với chính mình, thơ thiếu vắng tiếng nói du dương bay bổng mà trở nên lắng sâu hơn, tỉnh táo hơn, và vì thế, cũng đời hơn.

Trước đây trong chiến tranh, vấn đề cá tính, nhu cầu hạnh phúc cá nhân chưa thể là vấn đề có tầm quan trọng. Nay con người cá nhân đang đựơc xem xét với những chiều sâu mới. Đời sống cá nhân, cá tính phải trở thành một đối tượng nhận thức, thể hiện. Nó đòi hỏi sự đánh giá riêng và đồng thời đánh giá theo lợi ích của cộng đồng xã hội. “Cá tính đang trở thành một hiện tượng thẩm mỹ quan trọng hơn một nhu cầu cá thể hoá”(51- tr91), Một ý thức biết tự khẳng định mình giữa bao la buồn vui, dòng người xuôi ngược(Người đàn bà ngồi đan- Ý Nhi), một tình yêu hết mình(Tự hát- Xuân Quỳnh), một tâm hồn biết nén chịu mà phong phú(Đi dón cơn mưa- Vũ Tú Nam), những khao khát sống giản dị, chân thật hết mình(Khoảng cách giữa lời- Bằng Việt)…đều có thể bồi đắp cho tâm hồn con người hôm nay. Cái tôi không đơn giản chỉ là sự tách biệt, mỗi nhà thơ đang nỗ lực tìm mình trong muôn mặt của đời thường với những góc độ riêng của cuộc sống, để thấy rằng cái tôi cũng là đối tượng để khám phá, để nhận thức thực tại xã hội. Cùng với con người đời tư, nhân vật trữ tình có xu hướng trở về với giọng điệu tâm tình nhỏ nhẹ của đời thường, tiếng nói với bạn bè, người thân và với chính mình.

Đối diện với thực tại cuộc sống muôn màu, tự đặt mình trong nhiều mối quan hệ khác nhau để soi ngắm, cái tôi trong thơ hậu chiến là con người phức hợp về trạng thái tình cảm. Cái phức hợp đó thường được biểu hiện qua các cực đầy mâu thuẫn trong số phận: Thiếu nữ đã là người đàn bà ở tuổi bốn mươi- Cam chịu và cuồng nộ- Mong mỏi và buồn nản- Đem cho và nhận về- Kiếm tìm và đánh mất- Giản đơn và rối ren- Lớn lao và hạn hẹp(Ý Nhi); là sự tồn tại nhiều trạng thái tinh thần trong một con người: Dữ dội và dịu êm- ồn ào và lặng lẽ(Xuân Quỳnh); là những cảm nhận khác nhau của con ngưòi trước một thực tại, một cảnh huống,

vừa mãnh liệt tin yêu lại vừa bất ổn lo âu: Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại- Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên(Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại).

Trong thơ Xuân Quỳnh xuất hiện cái tôi đa dạng, phong phú và đầy tinh tế. Một cái tôi quyết liệt với hạnh phúc, quan niệm hạnh phúc phải là những gì nắm chặt ở trong tay nên khát khao mãi về mái ấm với những gì rất đời thường, cụ thể, mang đậm màu sắc xếp đặt của bàn tay người phụ nữ: Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ; Chiếc áo mắc trên tường màu hoa sau cửa kính- Nồi cơm reo trên ngọn lửa bếp đèn(Bầu trời đã trở về). Nhưng cũng là một Xuân Quỳnh khắc khoải trong không gian thời gian vời vợi: Em lo âu trước xa tắp đường mình- trái tim đập những điều không thể nói- Trái tim đập cồn cào cơn đói- Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn(Tự hát). Bên cạnh sự ý thức về những gì cụ thể, nắm bắt được, con người còn tìm kiếm mình trong chiều sâu thẳm nội tâm, và thể hiện mình một cách rõ ràng ở phần dự cảm, cảm giác. Xuân Quỳnh có tài viết được những câu thơ như thế này: Vừa nghe tiếng còi tàu- Lòng đã Nam đã Bắc(Sân ga chiều anh đi). Thời gian, không gian dường như nứt vỡ thành nhiều mảnh, nhiều chiều trong cõi lòng ngổn ngang vì xa cách của người phụ nữ đa cảm.

Sự nỗ lực tìm kiếm chính mình đã mở ra trong thơ một thế giới tinh thần phong phú. Cái tôi của những trạng thái đối lập, cái tôi phức hợp, và một cái tôi mang chiều sâu tâm linh, vượt ra ngoài những lô gích thông thường, biểu hiện ở phần dự cảm, phần cảm giác, ở sự đứt gẫy của thực tại mà có lẽ sự ý thức về những bất trắc của cuộc đời đã cho phép dòng ý thức con người cá nhân đi đến miền tâm thức. Xuất hiện nhiều hơn trong thơ những cây bút nữ, cũng có nghĩa là xuất hiện nhiều hơn những tâm tư người phụ nữ. Hơn ai hết, họ viết về mình một cách rõ nhất. Có lẽ đây cũng là lý do cái tôi trong thơ được mở rộng hơn ở phần dự cảm, linh

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí