Đổi Mới Còn Là Nhu Cầu Nội Tại Của Bản Thân Văn Học.

một ám ảnh nào đó. Và vì vậy, với thơ chủ nghĩa hiện đại “âm nhạc đi trước mọi cái”. Nó tạo nên thế giới ngôn ngữ thơ nhiều ấn tượng, biến ảo khôn lường, chú ý đến vẻ đẹp của ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả. Khi sự chú ý hình thức đến mức cực đoan, nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của thơ.

Đối với các nhà thơ chủ nghĩa hiện đại thì thơ chính là sự lựa chọn chốc lát, trở về cuộc sống tức thì, thu mình vào cuộc sống tâm linh, chẳng cần bận tâm tới ý thức, tới những gì đã định sẵn. Ở đây ta thấy cái vô lý, buông xuôi, than vãn. Quay về với đời thường vô nghĩa nhàm chán, buồn bực rồi thèm muốn vô biên nhưng chỉ là huyễn tưởng thất vọng: họ phơi bày bản năng uẩn ức, chửi thề, phá ngang, thách thức số phận; họ nửa tỉnh nửa say để trở thành điên loạn. Trong thực chất thơ theo xu hướng này không chỉ đi vào quỹ đạo thơ tượng trưng, mà còn có thể thấy những đặc điểm của chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh và thấp thoáng quan niệm hậu hiện đại.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thực sự khách quan, chúng ta thấy rằng thơ xu hướng hiện đại chủ nghĩa hiện đại Việt Nam thời kỳ sau 1975 cũng có những đóng góp đáng kể. Với tư duy đổi mới nền văn học thơ hiện đại chủ nghĩa có thể xa rời thực tế lịch sử nhưng không xa rời thế giới tinh thần vi diệu, phức tạp của con người. Đặc biệt đáng ghi nhận là ý thức tìm tòi, sáng tạo những giá trị thơ mới mẻ, góp phần thúc đẩy hành trình thơ ca nhân loại tiến về phía trước. “Có thời kỳ do những định hướng, do những yêu cầu của đất nước, thơ chúng ta nhiều khi dài dòng mô tả kể lể, nói cho hết và nói cho đủ, thiên về phản ánh trực tiếp đời sống, trong những cái giống như, cái có lý, nên đã hạn chế khả năng biểu hiện, sức tưởng tượng phong phú và những liên tưởng độc đáo của thơ”(39- tr394). Mở rộng chiều kích và chú ý những đặc trưng thơ, thơ hiện đại Việt Nam có thêm phẩm chất mới, diện mạo mới. Thơ cần có nhiều tìm tòi để nói được những điều sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ

hồ nhất của tâm hồn con người. Thơ phải thực nhưng cũng cần phải ảo, có ý thức và cả vô thức, tiềm thức, tâm linh, có cảm và có nhận. Điều này cũng đã xuất hiện nhiều trong thơ cổ Á Đông và thơ cổ Việt Nam nói riêng. Vấn đề chỉ là giới hạn sử dụng. Biết ứng xử một cách tinh tế, lịch sự sẽ có được một cộng hưởng nên thơ.

Thơ xu hướng hiện đại chủ nghĩa là con đẻ của nền văn minh kỹ trị chống lại chính tính chất cực đoan lý tính của thời kỳ hậu công nghiệp. Ở góc độ này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của xu hướng thơ hiện đại chủ nghĩa trong những năm gần đây không phải là điên loạn mà có thể hiểu và ít nhiều đồng cảm. Nó phản ánh tâm trạng của một bộ phận trí thức, văn nghệ sỹ trước thực trạng xô bồ, phức tạp, “vô nghĩa lý” của xã hội loài người những năm cuối thế kỷ XX. Thực trạng đó phơi bày ở nhiều nước và ở ngay các đô thị lớn ở nước ta. Những người xem cuộc sống đang diễn ra một cách hỗn mang, phi lý, đã tìm thấy ở chủ nghĩa hiện đại trong văn học Phương Tây sự đồng điệu. Tâm sự của Hoàng Hưng rất đáng được chú ý: “Những băn khoăn về mỹ học kỳ ngộ với tâm trạng thực tại vừa đầy sức sống vừa dung tục của đời sống đô thị Sài Gòn những năm tám mươi đã đưa tới loạt thơ bất thường mà tôi gọi là thơ vụt hiện”.

Cũng cần thấy rằng xu hướng thơ hiện đại chủ nghĩa hôm nay còn mang nặng những biểu hiện hình thức chủ nghĩa, cực đoan, dung tục. Đa số các nhà nghiên cứu nghiêng về ý nên xem nó là một hướng mở của thơ Việt Nam. Sự tìm tòi đổi mới đang đặt lại bản chất thơ là gì và hướng phát triển của thơ Việt Nam đương đại. Chúng ta sẵn sàng cổ suý cho những khuynh hướng tìm tòi thực sự vì thơ. Vấn đề phức tạp là nhiều nhà thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa nhất quyết coi đó là hướng đổi mới duy nhất, hợp quy luật phát triển của thơ ca nhân loại và biểu dương một cách thiếu thuyết phục những bài thơ, câu thơ khó chấp nhận về mặt thẩm mỹ. Thậm chí có người còn có tham vọng “đổi gác” cho cả nền thơ.

Với tất cả những quan điểm đó của thơ xu hướng hiện đại chủ nghĩa, chúng tôi cho rằng những tìm tòi của cái tôi hiện đại chủ nghĩa cần nhiều thời gian để thẩm định, bên cạnh một số giá trị đã được định hình của trường ca mười năm sau chiến tranh và vị trí nổi bật của cảm hứng thế sự đời tư mang đậm tính thời sự, tồn tại như một tất yếu của thơ sau chiến tranh. Đó cũng chính là diện mạo thơ Việt Nam 1975-2000, phong phú và phức tạp.‌

1.2. Đổi mới còn là nhu cầu nội tại của bản thân văn học.

Đổi mới là nhu cầu tất yếu của thơ Việt Nam sau chiến tranh, phản ánh những đòi hỏi của xã hội và bản thân văn học. Bên cạnh mối quan hệ với đời sống, sự đổi mới của thơ sau 1975 còn được nhìn nhận từ các yếu tố về độc giả, nhà văn, quan niệm về hiện thực…với tư cách là các yếu tố nội sinh của văn học.

1.2.1. Quan niệm về hiện thực và vai trò của chủ thể sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

1.2.1.1. Quan niệm về vai trò chủ thể sáng tạo

Thử một phép so sánh nhỏ, có thể thấy trước mốc Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ở những năm đầu sau chiến tranh, văn nghệ vẫn phải chịu những kiểm soát gắt gao và nhiều khi là những quan niệm ấu trĩ, hẹp hòi. Sau Đại hội VI, nhiều vấn đề của văn nghệ đã được nhìn nhận lại, được giải phóng khỏi những mối ràng buộc ngoài văn học, và hơn hết là được phát triển theo tinh thần dân chủ. Bây giờ là lúc người nghệ sĩ có thể nói đến “tự do sáng tác”, “tự do sáng tạo”.

Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 4

Đã có một thời, nhiều nhà thơ đã phải “đóng vai”. Chế Lan Viên viết: “Đóng giỏi trăm vai mà đánh mất vai mình”(Di cảo thơ). Từ chối sự riêng tư của người nghệ sĩ, thơ ca mất đi một phần sự thành thực, cũng có nghĩa là đánh mất đi phần tâm huyết, phần tinh tuý nhất của thể loại. Có lẽ, nhà thơ Anh Ngọc cũng đã ý thức sâu sắc về vần đề này nên viết: “Có một thời ta mê hát đồng ca”. Có một thời, những vấn đề của dân tộc, tổ quốc, nhân dân được ưu tiên hàng đầu. Đó là vấn đề thuộc về lịch sử và là

lẽ tất nhiên khi đất nước rơi vào chiến tranh. Nhưng sẽ không là bình thường khi chúng ta cực đoan từ chối sự thể hiện thế giới nội tâm riêng tư và những đau khổ, hạnh phúc vốn rất nhân văn của mỗi cá thể. Tình trạng đó còn kéo dài cả một thập niên sau chiến tranh và là nỗi day dứt của nhiều nhà thơ tâm huyết với nghề. Lời nhắc nhở của nhà thơ Thạch Quỳ: “Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá” chính là một sự thức tỉnh về ý thức xã hội trong giai đoạn thơ ca này. Khi đời sống thực tại đầy rẫy những bất công phi lý, số phận nhân dân ghì sát đất thì những bài đồng ca mê đắm đôi khi lại là tội lỗi. Một khó khăn kép được đặt ra đối với lĩnh vực thi ca lúc này là: khi mà tự do tư tưởng và dân chủ xã hội chưa được nhận thức dúng đắn, và sự tìm tòi của người nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức thì nhiều vấn đề về hiện thực cũng không được biểu hiện một cách thành thực.

Đại hội VI đã cởi trói cho thi ca trên nhiều phương diện. Vai trò của chủ thể sáng tạo đã được nhìn nhận toàn diện hơn. Nhiều nhà thơ say sưa bàn về đổi mới. Nhà thơ Thái Giang chủ trương “tự do cho cả người viêt lẫn người đọc”. Lâm Thị Mỹ Dạ quyết liệt: “Hãy đi đến tận cùng cái tôi của ta”. Thu Bồn thận trọng hơn trong cách nói hình ảnh nhưng đầy gợi mở về cách tân thi ca: “Thơ xin trọn đời là thơ nhưng sức vóc hơn xưa, giản dị hơn xưa, lắng đọng hơn xưa. Thơ có thể là dao, là búa tạ, nhưng cũng có thể là kim chỉ, là em. Thơ viết trên lá tre rì rào, thơ tạc trên đá, thơ mọc trên vầng trăng khuyết, thơ ngủ trên ngực em, thẹn thùng má đỏ, hạnh phúc hay đau khổ xin tặng hết cho thơ”. Nhu cầu được viết khác, được thành thực với lòng mình là nhu cầu chính đáng và cần được thừa nhận của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là quy luật của nghệ thuật. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến lòng khao khát được thành thực lại trở nên quyết liệt và dữ dội như bây giờ. Có thể nói, những năm tám mươi đã hình thành cảm hứng sự thật trong cả thơ ca và văn xuôi. Nhiều vấn đề hiện thực đã được mổ xẻ và được lật trở lại. Giờ đây, người nghệ sĩ đã có

quyền viết về những vấn đề mình trăn trở và ưa thích. Nhiều người nói đến quyền được buồn trong thơ. Thậm chí có người cực đoan khi quan niệm: “Một người chỉ thực sự là chính mình trong căn nhà của nó, thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về với ngôi- nhà- ở- đời của nó là nỗi buồn”. Sự thật thì trong thơ không chỉ có nỗi buồn mà còn gắn bó với nhiều trạng huống khác như hạnh phúc, tình thương yêu, lý tưởng và những niềm hân hoan…Sự cực đoan thái quá đôi khi dẫn thơ vào ngõ cụt, và vấn đề của thơ bây giờ chính là phải làm thế nào để điều phối được cái chung và cái riêng, cái cá nhân và tập thể, tạo nên một môi trường văn học hài hoà, vừa phổ quát lại vừa sâu sắc.

1.2.1.2. Quan niệm về hiện thực.

Đại hội VI của Đảng kêu gọi đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hoá trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hoá đã thấm sâu và đựoc thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học. Bên cạnh sự biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hoá của các quan niệm về vai trò, vị trí của nhà văn là những biến đổi sâu sắc về hiện thực với tư cách là đối tượng được phản ánh, khám phá của văn học. “Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó còn là hiện thực của đời sống hàng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp, chằng chịt, đan dệt những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Hiện thực, đó còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch”(43 - tr51).

Thế giới tâm linh giờ đây cũng được đề cập nhiều trong thơ và trở thành một thực thể thẩm mỹ. Hướng về cõi tâm linh, các nhà thơ có thể giãi bày những nỗi niềm sâu kín nhất một cách thành thực và có thể bộc bạch được cả những điều ám ảnh, những dự cảm mơ hồ về số phận, tình yêu mà đôi khi chúng ta không thể lý giải được bằng lý trí. Khi thế giới

tâm linh trở thành đối tượng thẩm mỹ sẽ dẫn đến sự thay đổi hình thức nghệ thuật trong thơ. Cái mơ hồ, vô thức, huyền ảo chi phối đến tư duy ý thức. Cái thực hoà lẫn với cái ảo, cái phi lý và hợp lý đan cài vào nhau mở ra miền linh thiêng, hư vô và bí ẩn của thế giới tinh thần con người.

Quan niệm thơ để nói chí, thơ để tỏ lòng “Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm- đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” hàng ngàn năm ăn sâu vào tâm thức người Việt, ảnh hưởng đến thơ hiện đại giờ đây cũng đã thay đổi. Có một thời gian dài “Thơ mới” bị đánh cho tơi bời vì cách học hỏi những hình thức lạ lẫm của thơ ca Phương Tây và bị đánh giá là “vị nghệ thuật” cũng xuất phát từ thói quen làm thơ và đọc thơ như vậy. Vai trò chủ thể sáng tạo thay đổi, hiện thực thay đổi thì hình thức thơ tất nhiên cũng phải có những biến đổi. Người ta cho rằng thời gian văn học được coi là cái mã thông điệp kéo dài đã quá lâu. Nay đã đến lúc phải coi văn học là cái mã không có thông điệp. Nhiều bài thơ đôi khi chỉ tạo nên một cảm giác mơ hồ về tồn tại, một sự sắp đặt hay lắp ghép ngôn từ. Tất nhiên, ở đây còn có nhiều điều phải bàn nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều là: giá trị bài thơ không chỉ là cái được nói mà còn ở cách nói. Thơ hiện đại là khi nó hiện đại cả hình thức và nội dung.

Đại hội VI và tinh thần dân chủ chấp nhận mọi sáng tạo, cách tân trên các phương diện xã hội cũng như văn học, vấn đề là chúng ta có thể cách tân đến đâu, nỗ lực như thế nào để tạo lập cho mình một vị trí vững vàng trong văn học dân tộc.

1.2.2. Quan niệm chức năng văn học và sự hình thành của lớp độc giả kiểu mới.

Theo quan niệm truyền thống, văn học được mô tả tập trung ở: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ. Và thực tế, chúng ta có lí do để nhấn mạnh chúng.

Nhưng kể từ năm tám mươi trở lại đây, chức năng văn học cũng như thơ ca đã có những thay đổi. Theo giáo sư Phong Lê, “chức năng giải

trí chưa bao giờ được ghi trong lí luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cho đến trước 1980, ở ta có được nói đến một cách dè dặt khoảng trước 1980. Chỉ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới và phe xã hội chủ nghĩa tan rã, cơ chế bao cấp bị xoá bỏ, nền kinh tế thị trường xuất hiện, các mối giao lưu được mở ra thì văn học giải trí mới xuất hiện ồ ạt và tràn ngập như cả một cơn dịch kéo dài không chờ lí luận, không cần lí luận biện hộ và bảo vệ” (42- tr 692).

Chuyển mọi nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của con người ra thị trường, đưa công chúng lên vị trí số một trong chọn lựa, văn học phải chịu một thử thách ghê gớm, và cái phản ứng, cái động thái đầu tiên cho sự tồn tại là phải “chiếm” thị trường, hoặc “chiều” theo thị trường. Chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta chứng kiến sự ra đời ồ ạt của các loại sách một cách thiếu chọn lọc và thiếu kiểm soát đến như vậy. Mỗi năm có hàng ngàn tuyển thơ được xuất bản. Cánh cửa cho tự do sáng tác đã thực sự mở. Người viết viết cho các nhu cầu xã hội được mở ra đa dạng, đồng thời cũng viết cho những gì mình yêu thích hoặc viết riêng cho bản thân. Sách được các nhà xuất bản liên kết xuất bản cũng có, sách tự tác giả bỏ tiền ra lo vốn liếng vật tư cũng có…Người đọc thực sự mất phương hướng trong việc chọn lựa một cuốn sách có giá trị trong khi trong hàng ngàn cuốn sách chỉ có vài cuốn đọc được. Nhất là ở thời điểm mà các phương tiện nghe nhìn đang lấn át văn hoá đọc và đang cướp đi hàng ngàn độc giả thơ.

Cuộc sống hiện đaị vội vã và chạy đua với thời gian, với nhiều người, đọc sách bây giờ chỉ để giải trí. Những cuốn sách hay nhiều khi bị bỏ quên và những best-seller đôi khi không thực sự là một cuốn sách tốt mà chỉ đáp ứng được thị hiếu của người đọc đương thời. Trong cuộc chạy đua để chiếm thị phần đó, nhiều tác giả khó tránh khỏi tình trạng sáng tác những tác phẩm tầm thường để phục vụ cho thị hiếu tầm thường của một lớp công chúng nào đó. Thiên chức văn chương nếu cuối cùng là hướng

tới cái đẹp, có nói đến cái chân- thiện thì cũng phải thông qua cái đẹp, thì cũng phải là cái đẹp được tiêu thụ, tức là cái đẹp có giá, trong khi chúng ta thường quen nghe nghệ thuật và cái đẹp tinh thần là vô giá.

Chức năng văn học biến đổi kéo theo sự biến đổi về tính chất văn học. Chúng ta từng biết đến khái niệm chức năng văn học là “vai trò, tác dụng của văn học đối với đời sống xã hội; giá trị của văn học đối với đời sống tinh thần của con người”(22- tr 86). Văn học vốn được tôn vinh như những giá trị thanh lọc tâm hồn con người. Nhưng những năm cuối thế kỷ XX này, trong cuộc sống bề bộn, phức tạp và cũng không ít những hoài nghi về các giá trị tinh thần, thì văn chương đồng thời tồn tại hai xu hướng: một cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của công chúng và sự kiếm sống của tác giả; và một cho nhu cầu tinh thần và khát vọng sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, thẩm mỹ của cả người viết và người đọc.

Thơ ca của chúng ta không nằm ngoài những quy luật chung đó của thời kỳ kinh tế thị trường. Người làm thơ hôm nay đang nỗ lực tìm một lối thoát giữa cái đẹp muốn là vĩnh cửu và cái giá của cái đẹp thời thượng luôn luôn bị phá giá và không mấy khi ăn khớp với nhau. Chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng, so với văn xuôi, thơ ca những năm sau chiến tranh có những bước đi chệch choạc hơn nhiều. Hơn 1/4 thế kỷ, chúng ta vẫn tiếp tục tìm đường nhưng chưa tìm thấy một hướng đi có ý nghĩa cách mạng, vẫn còn ngổn ngang các nhân tố, các xu thế đan xen nhau, với các giá trị còn chưa được xác lập. Chúng ta không thể xoá bỏ chức năng giải trí trong văn học vì đó là xu thế tất nhiên của nhân loại trong thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp. Nhưng tại sao chúng ta không có quyền tin tưởng vào những tác phẩm văn học vừa hợp với thị hiếu người đọc lại vừa mang giá trị vĩnh cửu vốn là thuộc tính của nó? Bởi vì, xét cho cùng, sáng tác văn chương có giá trị bao giờ cũng mang trong nó tính lịch sử và tính nhân loại.

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí