đại. Trường ca Việt cổ, theo quan niệm của các nhà nghiên cứu là một hình thức tự sự có vần, dung lượng phản ánh rộng lớn, tổng hợp hiện thực khách quan làm nên tính đồ sộ của tác phẩm. Phong cách trang trọng, phóng khoáng, nhiều yếu tố kỳ vỹ. Xung đột chiến tranh là trung tâm tác phẩm. Trường ca hiện đại vẫn giữ được các đặc trưng cơ bản trên nhưng được phát triển theo hướng trữ tình hoá, yếu tố tự sự, cốt truyện giảm, cảm xúc cá nhân gắn với những chấn động lịch sử lớn lao.
Bên mạch cảm hứng chính về dân tộc, trong tác phẩm trường ca xuất hiện một mạch ngầm là những suy tư rất riêng của cái tôi nghệ sĩ, dẫn dắt người đọc hướng đến chiều sâu số phận con người. Những suy tư đó thường xuất hiện ở từng phần của trường ca như một sự lặp lại đầy ám ảnh, kéo cảm xúc đi về phía suy tư, trầm lắng. Ngô Văn Phú mở đầu trường ca của mình: “Tôi chạy loạn về quê- Sống bên bà ngoại- Cây dâu bóng toả nửa vườn- Tôi đi hái lá- Cho tầm mùa xuân”. Thanh Thảo trong “Những người đi tới biển” cũng chọn sự khởi đầu đầy suy tư: “Khi con thưa với mẹ- mưa bay mờ đồng ta- Ngày mai con đi- chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ”. Hữu Thỉnh lựa chọn Mẹ làm điểm tựa cho cảm xúc: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng- Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”; “Nếu mẹ biết chỉ còn đêm nay-Đêm nay nữa là con vào thành phố- Mẹ sẽ khóc- Rồi mẹ đi nhóm lửa- Tưởng sáng ra là con đã có nhà”…Cách cấu trúc trường ca như vậy đã mở ra chiều hiện thực thứ hai cho tác phẩm, hiện thực chiều sâu số phận con người trong bề dày thăm thẳm với nỗi khổ và niềm đau, bên cạnh một hiện thực mang tính khái quát và hoành tráng về sự vận động của số phận tổ quốc.
Trong thơ đã xuất hiện khuynh hướng phi sử thi hoá. Sự không thuần khiết của sử thi là kết quả của cái nhìn đầy đủ, tỉnh táo và hiện thực đối với chiến tranh. Nhà thơ đứng từ nhiều góc độ hiện thực, nhập nhiều vai và nói bằng nhiều giọng. Không còn giàn đồng ca như trước kia, thơ ca giờ đây cố gắng thể hiện những nét riêng biệt của đối tượng. “Con
ngừơi sử thi vốn vẫn tồn tại trong vô vàn các quan hệ và các bình diện: tập thể- cá nhân, lý tưởng- hiện thực, tiền tuyến- hậu phương, sống- chết, được- mất, cho- nhận, cống hiến- hưởng thụ(…), nếu trước đây con người đó được nhìn nghiêng về mặt dân tộc, tập thể, lý tưởng, chiến trường, cống hiến thì giờ đây những cảm nhận đã nghiêng về trục đối lập”(56- tr 92). Nhiều vấn đề về hiện thực đã được nhìn nhận lại bằng cái nhìn suy tư hơn và nhiều day dứt hơn.
Chúng tôi cho rằng sự không thuần khiết của cảm hứng sử thi sau 1975 dưới sự chi phối của điều kiện lịch sử xã hội và sự thay đổi của đời sống thẩm mỹ trong văn học chính là một bước đệm để chúng ta bước vào thời kì đổi mới với các xu hướng thơ thế sự đời tư, hiện đại chủ nghĩa…đa dạng, phức tạp, nhưng cũng phần nào phản ánh được đời sống xã hội hôm nay.
1.1.2. Đời sống xã hội những năm sau đổi mới( Đại hội Đảng VI. 1986) và sự tồn tại của hai xu hướng thơ ca: Xu hướng quay về thế sự đời tư và xu hướng hiện đại chủ nghĩa.
1.1.2.1. Đời sống xã hội những năm sau đổi mới.
Đại hội VI, 1986 là nỗ lực của Đảng và nhà nước nhằm đổi mới trên nhiều phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội; là sự dũng cảm thừa nhận sai lầm và là quá trình lột xác đầy quyết liệt để đưa đất nước tiến lên thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây cũng là thời kỳ chúng ta mở rộng giao lưu, tiếp xúc với quốc tế, đưa đất nước đi vào quỹ đạo chung của quá trình phát triển, hội nhập đang diễn ra không chỉ trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà ở khắp các quốc gia để mỗi nước trở thành thành viên của ngôi nhà chung thế giới.
Chúng ta đã thay thế nền kinh tế quan liêu bao cấp (duy trì trong suốt những năm tháng chiến tranh và không còn phù hợp với đời sống thời bình) bằng nền kinh tế thị trường đầy năng động. Tính chất cởi mở và cạnh tranh của nền kinh tế thị trường là động lực thúc đẩy sự phát triển
của xã hội- một môi trường sáng tạo, cạnh tranh tích cực, giải phóng cá nhân, tạo nên bộ mặt mới lạ, sôi động trên đất nước Việt Nam. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã làm thay đổi tận gốc rễ nền sản xuất, kiến tạo lại cơ sở hạ tầng xã hội. Trên nền tảng kinh tế đó, nhiều giá trị xã hội đã được đánh giá lại, nhiều quan niệm cũng đã được thay đổi.
Có thể bạn quan tâm!
- Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 1
- Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 2
- Đổi Mới Còn Là Nhu Cầu Nội Tại Của Bản Thân Văn Học.
- Sự Lật Trở Các Giá Trị Hiện Thực, Con Người, Xã Hội.
- Sự Mở Rộng Phản Ánh Các Trạng Thái Xã Hội Trên Bình Diện Đạo Đức.
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Người Việt Nam của những năm cuối thế kỷ XX sử dụng Computer, Internet, di chuyển trên xe ô tô và xe máy đời mới của nước ngoài, mua hàng tiêu dùng của mọi quốc gia trong siêu thị. Trước kia, nếu người ta đồng nhất cái nghèo với sự trong sạch thì giờ đây vươn lên làm giàu trở thành nỗ lực chung của toàn xã hội. Song song với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá là dòng người từ nông thôn ra thành phố để học tập, lao động và thử vận may trong nhiều lĩnh vực. Thông tin và kinh tế thị trường đã đến với mọi gia đình trên khắp đất nước, làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ có tính chất truyền thống, đưa con người vào cuộc sống hiện đại. Đời sống văn hoá cũng có nhiều thay đổi. Từ một nền văn hoá mang đậm tính cộng đồng, làng quê, đã hình thành một nền văn hoá dân tộc, hiện đại.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Chúng ta cởi mở hơn trong tiếp nhận, giao lưu văn hoá, kinh tế với các nước trong khu vực cũng như các nước Phương Tây. Bên cạnh những sản phẩm vật chất du nhập từ nước ngoài được người Việt Nam sử dụng thì các sản phẩm tinh thần cũng đựơc ta chú ý.
Ý thức cá nhân gắn với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Tư bản. Ở Việt Nam, ý thức cá nhân manh nha trong thời kỳ phong kiến nhưng không có cơ hội để phát triển thực sự hài hoà với ý thức cộng đồng xã hội. Diện mạo của nó đang hình thành nhưng chắc chắn không thể là chủ nghĩa cá nhân cực đoan và suy đồi. Có thể nói, ý thức cá nhân của con người hôm nay là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài vì sự tiến bộ
và vì những giá trị nhân văn cuả loài người. Cơ sở pháp lý của ý thức cá nhân trong con người Việt Nam đương đại là “Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng ghi nhận trong “Tuyên ngôn độc lập”(1945) và định hướng vì con người của Đảng cộng sản Việt Nam tại đại hội VI, 1986. Ý thức cá nhân còn xuất hiện từ mặt trái của lối sống tập thể, bình quân, máy móc, triệt tiêu tính năng động của con người: Từ sự khủng hoảng của mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu cũ đã bắt đầu ý thức cá nhân mới. Người ta nhận ra rằng phải làm chủ cuộc đời mình, vượt thoát khỏi những bao cấp, những bài học giáo điều, ấu trĩ để nhận thức thế giới như nó đang tồn tại. Ý thức cá nhân cũng hướng người ta đến chỗ giải quyết hài hoà mối quan hệ:lý tưởng và thực tiễn, cá nhân và xã hội, cống hiến và hưởng thụ…con người sống thiết thực hơn, duy lí hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi có ý nghĩa tiến bộ trên nhiều phương diện xã hội, đưa đất nước gia nhập vào ngôi nhà chung thế giới, nền kinh tế cũng kéo theo nó nhiều mặt tiêu cực. Lối sống cá nhân, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, bất chấp tất cả, hưởng thụ tức thời…là nguyên nhân hình thành những mặt trái của xã hội. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng và các tệ nạn khác phát triển. Sự học đòi văn hoá lai căng cũng làm cho nhiều giá trị truyền thống bị biến dạng và mai một. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta phủ nhận những giá trị mà nền kinh tế thị trường mang lại. Vấn đề là phải xây dựng nhanh chóng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân chủ để chế ngự mặt trái của nền kinh tế thị trường, đảm bảo cho những ưu điểm của nó phát triển.
Trên cơ sở của một xã hội được đặt vào quỹ đạo hoà bình, hữu nghị và phát triển đã xuất hiện những tiền đề cho sự đổi mới văn học nói chung và thơ ca nói riêng.
Có thể nói, thơ ca từ sau 1986 hình thành là kết quả không nhỏ của quá trình hội nhập với thế giới hiện đại sau những năm dài phân cách
tương đối giữa hai phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà cho rằng: “Hiện đại hoá được hiểu như quá trình gia nhập vào quỹ đạo chung của các nền văn học đã được quốc tế hoá như quá trình hội nhập vào dòng chảy của các nền văn học tiên tiến đương đại trên thế giới”.
Cùng với những giá trị vật chất, giá trị tinh thần của một dân tộc đã trở thành tài sản chung của các dân tộc. Giờ đây trong điều kiện cuộc sống hội nhập quốc tế, văn học Việt Nam sẽ phải trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Chúng ta cũng đang nỗ lực xây dựng một nền văn học của cái mới, của đương thời, hợp thời của thế kỷ XXI theo đúng tinh thần hiện đại hoá văn học. Trong cuộc sống hiện tại, khi nhân loại đang có xu hướng “Làng toàn cầu” thì một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng cách không ngừng gìn giữ và phát huy bản sắc của mình. Đồng thời người ta nhận ra mối quan hệ không phải là đối lập mà là cộng thông giữa các phạm trù cá nhân, dân tộc, nhân loại. Trong phần tinh hoa của nó, văn học dân tộc có giá trị toàn nhân loại. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng. Giao lưu, hội nhập, cộng sinh văn hoá là tiền đề phát triển của văn học Việt Nam đương đại. Đó cũng chính là tiền đề của nền thơ ca đương đại phức tạp và đa dạng.
1.1.2.2. Những xu hướng chính của thơ Việt Nam từ sau 1986.
Từ 1986 đến nay, thơ Việt Nam hình thành và phát triển theo hai xu hướng cơ bản: Thơ quay về với vấn đề nhân sinh thế sự và sự xuất hiện của mảng thơ mang xu hướng chủ nghĩa hiện đại. Sở dĩ chúng tôi không phân tách hai xu hướng thơ trên theo hai phần riêng biệt vì cho đến nay chúng vẫn đồng tồn tại. Sau sự xuất hiện của trường ca, chúng ta thấy rằng trường ca dường như không trở lại, như một thể loại có tính chất lịch sử, cuối những năm tám mươi là sự trở lại của cảm hứng thế sự đời tư như một tất yếu của thơ sau chiến tranh. Và những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ XX là sự xuất hiện ồ ạt của các tác giả có xu hướng
hiện đại chủ nghĩa, kể cả ở phương diện sáng tác và lý luận. Cho đến nay, thơ ca vẫn không ngừng tìm kiếm để đạt được những giá trị đẹp đẽ trên nhiều phương diện. Nhưng theo cách hình dung của chúng tôi, hai xu hướng thơ trên vẫn đóng vai trò chủ đạo, và vì vậy chúng tôi chọn làm đối tượng nghiên cứu cơ bản của thơ Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Bên cạnh cảm hứng thế sự đời tư sẽ trình bày ở chương sau, chúng tôi sẽ cố gắng phác thảo lại xu hướng thơ theo chủ nghĩa hiện đại để chúng ta có thể hình dung lại một chặng đường thơ từ 1975 đến 2000.
Trong những năm đầu thập niên chín mươi trở lại đây nổi lên một xu hướng sáng tác tự nhận là “Thơ hiện đại” mà thực chất là thơ hiện đại chủ nghĩa. Gọi là thơ hiện đại không thật chính xác vì nếu chấp nhận cách gọi này thì sẽ phải hiểu rằng ngoài xu hướng này là thơ không hiện đại.
Trên thực tế, chúng ta đã tiến hành quá trình hiện đại hoá văn học từ đầu thế kỷ XX với sự khởi đầu của phong trào Thơ mới 1932-1945. Thơ cách mạng đã tiếp thu thành quả của Thơ mới và hiện đại hoá theo hướng khác, mang đến cả những cách tân về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, sự tìm tòi theo hướng hiện đại hoá không phải bao giờ cũng được chấp nhận. Mong muốn thơ Việt Nam tiếp tục hiện đại hoá để hội nhập vào thơ đương đại thế giới phải được xem là một nhu cầu thẩm mỹ chính đáng chứ không phải là vọng ngoại, là sùng bái Phương Tây. Nhưng quan niệm thế nào là thơ hiện đại và hiện đại hóa thơ theo hướng nào lại được hiểu khác nhau.
Những năm 1975-2000 là giai đoạn thơ ca trăn trở hịên đại hoá, mà điều dễ hiểu nhất là sự tăng cường tính sáng tạo trong thơ. Chúng ta đang cố gắng mở rộng phạm vi sáng tạo trong thơ “Làm thơ chỉ biết có thơ thôi không được. Làm thơ với chất sống không đủ. Phải có văn hoá nữa”. Thơ đang nỗ lực chuyển sang chuyên nghiệp hoá cao độ và hiện đại hoá đang diễn ra với những thành tựu và thể nghiệm.
Trong quá trình nỗ lực tìm đường và đổi mới thơ, vào những năm chín mươi, trong thơ Việt Nam xuất hiện một lớp nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện đại. Tiêu biểu là Hoàng Hưng với Người đi tìm mặt, Ngựa biển, Đặng Đình Hưng với Bến Lạ, Ô mai, Lê Đạt với Bóng chữ, Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa và một số nhà thơ trẻ khác.
Xu hướng thơ hiện đại chủ nghĩa đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và gây nên những cuộc tranh luận ồn ào, đặc biệt, cuộc tranh luận trên báo Văn nghệ 1994. Một số ý kiến bốc lên ca ngợi đây thực sự là những sáng tạo, tiên phong thể hiện nỗi khát khao tự nhận thức triệt để của con người hiện đại; là cuộc phơi bày tận cùng bản ngã “để cho ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian, thời gian, giống như trong giấc mơ hoà tấu những ngôn ngữ của trí tuệ, tình cảm, trực giác, tiềm thức, tâm linh. Những ý kiến trái ngược cho đây là trò chơi “bịt mắt, bắt dê” giữa tác giả và người đọc “ngõ hầu lần mò, dắt díu nhau về phía sau của mặt trăng, phía toàn bản năng và những cơn hôn mê ú ớ”.
Vậy thực chất thơ chủ nghĩa hiện đại cần được hiểu như thế nào? Trong các nhà thơ, nhà lý luận theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa, Hoàng Hưng và Lê Đạt là những người tích cực phát ngôn về mặt lý luận, khao khát làm một cuộc cách mạng thi ca mới. Giới thuyết thơ hiện đại, Hoàng Hưng giải thích: “Thơ hiện đại là nỗi khát khao tự nhận thức triệt để con người hiện đại. Nó đòi ghi hình trực tiếp diễn biến vật lộn sinh thành trong bóng tối của bản ngã, đề cao, tuân thủ tuyệt đối hoá mục đích sáng tạo ngôn ngữ của thơ, muốn tạo nghĩa mới cho con chữ, muốn sống lại sự trinh nguyên của con âm để cho ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian và thời gian, giống như trong giấc mơ hoà tâú những ngôn ngữ của trí tuệ, tình cảm, trực giác, tiềm thức, tâm linh”.
Đề cao vô thức, các nhà thơ hiện đại có ý thức xoá bỏ vần luật, cú pháp, thực hiện một thứ tự do không giới hạn cho ngôn ngữ: Mọi từ đều được tự do, chẳng cần nhịp, chẳng cần dấu ngắt câu, chẳng cần nghĩa, chỉ cần cắt dán ngẫu nhiên từ ở các báo ra để thành bài thơ: “Trắng vỗ ồ hô trúc bạch- Bước động ngày thon róc rách…Dắt ông cháu lích chích trái đồng”(Lê Đạt).
Nhà nghiên cứu Phạm Quốc Ca đã đặt vấn đề rằng: “Sự khó hiểu trong thơ hiện đại là một điều cần được bàn đến một cách thấu đáo. Mong muốn “đi vào miền hoang dã”, tìm tới “tâm lý học miền sâu” của con người, cố gắng đi tìm cái gì đấy như là một thèm khát gạt bỏ ý thức, tìm vào vô thức, thậm chí, một cách cực đoan đưa thơ vào vùng tối tăm bí hiểm. Xu hướng hiện đại chủ nghĩa ngày càng trở nên khó hiểu, xa rời người đọc(8- tr 130).
Trong thơ chủ nghĩa hiện đại hiện nay có khá nhiều yếu tố hiện sinh. Con người trong loại thơ này là hiện diện của buồn bã, cô đơn đến tuyệt vọng với cảm giác bất lực, mệt mỏi, chán chường, thiếu niềm tin, day dứt, đầy hoài nghi: “Sống chỉ còn như một thói quen; Ước nằm nghe mưa rồi chết; Chẳng biết hồn lạc về đâu”(Hoàng Hưng). Con người xa lạ với chính mình. Nếu như trong mạch thơ khác, con người luôn khẳng định ta là ai,ta là gì trong cõi đời thì con người ở đây lại là cái tôi không là ai cả: “Tôi vẫn phi tôi”(Dương Tường). “Có thể nói, sự giải phóng cá nhân khi đến cao độ, đến mức hoàn toàn vô nghĩa lý thì diện mạo cái cá tính độc đáo như một giá trị xã hội cũng trở nên mờ nhạt (56- tr131).
Ở một số tác giả còn xuất hiện yếu tố tượng trưng. Một trong những đặc điểm của thơ tượng trưng là không giải thích thế giới theo logic thông tục, kinh nghiệm mà theo logic siêu nghiệm. Thế giới trong thơ tượng trưng được dựng nên bằng ám thị, tức không phải bằng những hình thức cảm tính mà bằng những ẩn ngữ, những tín hiệu, không phải để phát biểu ý nghĩ tình cảm trực tiếp mà để tự sự vật gợi lên một cảm giác,