Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 14


mẫu gốc độc đáo của những nhà thơ về biểu tượng này, đó là các biến thể của Đất và nằm trong hệ thống biểu tượng Đất. Với Vi Thùy Linh, Đất là biểu tượng cho người phụ nữ, là không gian cho những cuộc yêu, là đỉnh cao của sự sống và tình yêu hòa hợp. Linh luôn đặt nhân vật người tình ở giữa khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, nhà thơ sử dụng những biến thể của biểu tượng Đất như khu vườn, căn nhà, gian phòng, con phố, ruộng đồng, cánh rừng, núi, đồi…(Praha,Mơ ở Luxemburg, VN107, Ngôi nhà, Tản mạn trong tam giác biến ảo…) hay được nâng lên đến không gian của huyền tích, huyền sử (Thung lũng thanh,Đồng dao sông Thao, Yêu ở Rome…); từ trần giới đến vườn Địa đàng (Bài thơ đầu tiên cho Whitney, Paris Paris…). Phá vỡ mẫu gốc biểu tượng Đất, Linh sử dụng những biến thể của Đất tạo thành muôn kiểu những không gian của tình yêu thoát khỏi trần thế thông thường, gắn liền với những khao khát tình dục mãnh liệt và những nhu cầu duy trì giống nòi tự nhiên. Với Ly Hoàng Ly, biểu tượng Đất và những biến thể của nó không mở rộng thành những không gian rộng lớn bao bọc tình yêu trong những cuộc hoan lạc thể xác như Vi Thùy Linh, mà trở về với ý nghĩa mẫu gốc của biểu tượng, Đất là người mẹ tạo sinh vạn vật, mang thiên tính nữ: “Màu môi như màu đất/ Vì tôi như màu đất/ Và xuân ươm màu đất” (Xuân ở Nguyên Bình). Trong thơ Ly, ta còn thấy Đất gắn liền với nguồn cội của nỗi đau buồn và là nơi trú đậu cuối cùng của sự đơn côi (Đêm chảy lên trời, Lô lô, Hoa mưa, Lá trắng, Có thể…), Đất là biểu tượng của “cõi đời”, tạo ra số phận con người (Bao giờ), biểu tượng căn phòng trong thơ Ly Hoàng Ly trở thành không gian đặc trưng bó hẹp và giới hạn tâm trạng của cái tôi, đó là đỉnh cao của nỗi đau đớn và cô đơn (Nhà nghiêng, Phòng trắng…). Với Bùi Sim Sim, biểu tượng Đất cũng thể hiện đúng với ý nghĩa của nó, Đất là hình ảnh của người mẹ tạo sinh thế giới (Xuân cảm), những biến thể của Đất như: con đường, góc phố, miền, cõi, vùng… Đôi khi nhà thơ đưa độc giả đến với xứ cổ tích của tình yêu (Những bông hoa bật khóc) hay có lúc ta lạc vào không gian đặc quánh tình yêu và chất chứa nỗi niềm của “cõi thẳm riêng”, “miền kì lạ”, “cõi lang thang”, “miền tâm tư”, “cõi người”, “quán vắng”… Đó là những không gian của chiều sâu nội


cảm, của sự suy tư và những chiêm nghiệm, triết lý mang đặc trưng thơ Bùi Sim Sim. Nói chung, biểu tượng Đất và những biến thể của nó là một trong những biểu tượng mang nhiều lớp nghĩa, là biểu tượng có quan hệ về bản thể với mẫu gốc mang thiên tính nữ. Sử dụng biểu tượng Đất là đặc trưng trong thơ nữ đương đại.

3.3.2. Biểu tượng “Nước”

Cũng như Đất, biểu tượng Nước chứa trong nó mẫu gốc về thiên tính nữ, mát lành, dịu dàng và là nguồn cội của sự sinh sôi, nảy nở. Biểu tượng Nước với những biến thể của nó như: mưa, sóng, sông, biển… Trong thơ Vi Thùy Linh, Nước gắn liền với biểu tượng dòng sông thanh tẩy tâm hồn (Teressa), dòng sông là cuộc đời, là nguồn cội (Dòng sông không trở lại, Trùng Khánh), và cũng vẫn là dấu ấn Vi Thùy Linh, biểu tượng nước gắn liền với những khao khát giải phóng tình dục (Yêu cùng George Sand, Tình tự ca,Hãy mở ra nhiều ô cửa sổ…). Còn trong thơ Ly Hoàng Ly, biểu tượng Nước trước hết mang ý nghĩa tái sinh sự sống muôn loài, là nguồn sống (Hoa mưa, Giấc mơ…), Nước còn là sự đồng điệu cho tâm hồn người con gái, hòa thanh với tâm hồn, Nước tạo ra sóng nhạc, Nước tạo ra nghệ thuật (Mưa hát, Lễnh đễnh, Khi dòng sông hát, Mỏng mòng mong, Lô lô…). Với nhà thơ Bùi Sim Sim, Nước là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở, sự tươi trẻ, hồi sinh (Sắc xuân…) biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ trong tình yêu và thế giới nội tâm với nhiều cung bậc cảm xúc (Với biển chiều nay, Mưa ngâu tức cảm, Mưa buồn, Nhớ mẹ…), là hình ảnh của cuộc sống xã hội hiện đại với những suy tư, chiêm nghiệm (Vũ điệu đời thường, Góc chiều,Khúc biển…). Tóm lại, nước là khởi nguồn của sự sinh sôi, nảy nở; người phụ nữ có mối quan hệ bản thể với mẫu gốc Nước bởi cùng là biểu hiện của tính âm, Nước là nữ tính, mát lành, dịu dàng.Sử dụng biểu tượng Nước và tạo ra những biến thể của nó là một điểm riêng mang đặc trưng phái tính của thơ nữ đương đại.



3.3.3. Biểu tượng “Đêm”


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Đêm trong tín ngưỡng văn hóa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.Từ điển biểu tượng văn hóa thế giớiđã đưa ra các ý nghĩa của biểu tượng bóng đêm như sau: “Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm, vô thức giải phóng. Cũng như bất kì biểu tượng nào, đêm biểu thị tính hai mặt, mặt tối tăm, nơi đương lên men mọi chuyển biến, và mặt trù bị cho ban ngày, ở đó sẽ lóe ra ánh sáng của sự sống” [5, tr.298]. Đêm là biểu tượng cho bản tính của người phụ nữ với những bản tính, ẩn ức sâu kín. Theo kết quả khảo sát tấn số xuất hiện biểu tượng Đêm và biến thể của nó trong các tập thơ, chúng tôi nhận thấy: trong thơ của Vi Thùy Linh là 337 lần, 157/231 bài thơ, chiếm 67,9% (Khát: 82 lần, 34/38 bài; Linh: 46 lần, 25/41 bài; Đồng tử: 117 lần, 43/56 bài; ViLi in love: 26 lần, 15/29 bài; Phim đôi – tình tự chậm: 42 lần, 19/29 bài; ViLi in Paris: 24 lần, 21/38 bài). Trong các tập thơ của Ly Hoàng Ly, biểu tượng Đêm xuất hiện 213 lần, 41/76 bài, chiếm 53,9% (Cỏ trắng: 51 lần, 14/38 bài; Lô lô: 162 lần, 27/38 bài). Trong hai tập thơ của Bùi Sim Sim, biểu tượng Đêm và các biến thể của nó xuất hiện 24 lần, 13/63 bài, chiếm 20,6% (Thì thầm lá non: 6 lần, 6/29 bài; Giữa hai chiều quên nhớ: 18 lần, 7/34 bài). Từ kết quả khảo sát trên có thể thấy, biểu tượng Đêm xuất hiện rất nhiều trong thơ của ba nhà thơ nữ và trở thành biểu tượng mang nhiều tầng ý nghĩa.

Với Vi Thùy Linh, các bài thơ có xuất hiện biểu tượng Đêm chiếm đến 67,9%. Đêm là thời gian sống dậy của những dục vọng yêu đương, Đêm gọi dậy những hoan lạc, Đêm là biểu tượng cho những khao khát bản năng (Chân dung, Ngày thường, Bờ của chích bông, Người đêm khuyết, Tỉnh giấc…), với Linh, Đêm được nâng lên thành một miền cảm xúc, trở thành cõi tình để nàng khao khát và say đắm (Van nài, Khoảng trống, Trên ngực anh…), có thể thấy trong thơ Linh, Đêm biến đổi đa dạng và khôn lường . Còn với Ly Hoàng Ly thì “hình tượng đêm xuất hiện trong thơ Ly như một tín hiệu thẩm mỹ. Đêm đã trở thành một thế giới nghệ thuật chứa đựng trong đó những dự

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 14


phóng của nhà thơ.Hay nói một cách siêu thực chính Ly là người gọi hồn cho đêm”[69].Trong 76 bài thơ của hai tập thơ có đến 41 bài thơ xuất hiện từ “đêm”, điều này đủ cho thấy sức “ám ảnh đêm” trong thơ Ly Hoàng Ly là rất lớn.Đêm là khoảng thời gian Ly Hoàng Ly đi tìm lại bản thể của chính mình, là tiếng gọi của tâm linh vô thức (Tiếng đàn đêm, Đêm trong vườn, Sóng đêm, Lô lô…), Đêm còn tồn tại như một sinh thể sống để chủ thể cảm nhận và khám phá (Ngoặc đơn trong đêm, Mưa hát, Ngựa đêmBắc Hà…), Đêm là không thời gian tâm lý, chất chứa sự thăng hoa của tình yêu với những khát vọng sâu kín của người con gái có ý thức rất cao về nữ quyền (Đêm là của chúng mình, Đêm chảy lên trời, Mở nút đêm…) đôi khi, đêm tồn tại như một ảo ảnh, như những mảnh vỡ của tâm hồn người thi sĩ và đầy ám ảnh (Cắt, Khúc đêm…). Có thể nhận thấy, biểu tượng Đêm xuất hiện nhiều và trở thành nét riêng trong thi pháp thơ Ly Hoàng Ly. Trong thơ Bùi Sim Sim, tuy biểu tượng Đêm không xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của chị (20,6%), nhưng Đêm vẫn mang ý nghĩa biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ. Với Bùi Sim Sim, Đêm là khoảng thời gian của những cảm xúc trong tâm hồn sống dậy mạnh mẽ, đó là nỗi khát khao giải phóng ẩn ức, là nỗi nhớ, là sự cô đơn, là sự hồi tưởng về quá khứ (Hà Nội - sau chuyến đi xa, Khúc đêm, Một chiều ngược gió, Bất ngờ đêm mất điện…); Đêm còn là không thời gian của những suy tư, trăn trở (Thơ đổi mùa, Không đề…). Có thể thấy rằng, Đêm là biểu tượng có quan hệ mật thiết với bản thể người phụ nữ, Đêm là không thời gian của những ẩn ức, khao khát trỗi dậy, là lúc người phụ nữ sống thật với bản năng của chính mình, Đêm là bản tính sâu xa của người nữ.

3.3.4. Biểu tượng phồn thực

Biểu tượng phồn thực trong thơ nữ là những biểu tượng về sự sinh sôi, nảy nở dồi dào. Các biểu tượng phồn thực xuất hiện trong thơ nữ trẻ đương đại nhằm thể hiện cái tôi phái tính với cá tính mạnh mẽ, thể hiện khát vọng cách tân thơ ca và khát khao tự do, giải phóng tình dục. Người phụ nữ với cái tôi phái tính luôn trân trọng giá trị của


chính mình và trước hết là đề cao vẻ đẹp hình thể. Trong thơ Vi Thùy Linh, biểu tượng phồn thực xuất hiện nhiều hơn cả với những hình ảnh: (ngực), eo, mông, môi, đùi, lưỡi, da thịt, ngón tay, mùi cơ thể… Người con gái trong thơ Linh khi bước vào tình yêu là sự hiến dâng và sống dậy mãnh liệt của thân thể. Ý thức về vẻ đẹp hình thể của mình trong những phút giây thăng hoa, hoan lạc ấy không phải là một sự gợi dục đơn thuần mà nó là những biểu tượng phồn thực của văn hóa, hình ảnh được gợi lên không khô khan, thô thiển mà đầy nữ tính, duyên dáng. Với Ly Hoàng Ly, những biểu tượng phồn thực là vẻ đẹp của thân thể người phụ nữ cũng được chị nhắc đến một cách trân trọng (Mở nút đêm, Đêm và anh, Cô ta môi hồng…) thế nhưng đó đều là những biểu tượng phồn thực xuất hiện như một sự khao khát muốn được giải phóng chính mình ra khỏi những bế tắc, những bó buộc mà chưa được thỏa mãn. Bên cạnh những biểu tượng phồn thực khắc họa nét đẹp hình thể, Vi Thùy Linh cũng như Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim đều sử dụng rất nhiều biểu tượng hôn. Vi Thùy Linh xem hôn như một cách gọi mời , tỏ tình, dâng hiến (Hôn Anh, Hôn Việt Trì, Người dệt tầm gai, Chờ tháng tư, Dây đàn 50 vĩ cầm…).. Với nhà thơ Bùi Sim Sim, biểu tượng phồn thực được sử dụng nhiều đó là biểu tượng hôngắn với biểu tượng môi. Chị sử dụng những biểu tượng phồn thực không mạnh mẽ và quyết liệt thể hiện mình như Vi Thùy Linh mà nhẹ nhàng, dịu dàng đậm nữ tính; biểu tượng hôn hay môi thể hiện người con gái khi yêu luôn khao khát được yêu thương nhưng chỉ đòi hỏi nhẹ nhàng đầy duyên dáng (Quán vắng, Độc thoại, Có thực không, Tháng Giêng xanh, Điều ước, Không đề…). Nói chung, biểu tượng phồn thực được những nhà thơ nữ sử dụng thể hiện một cách rất rõ ràng tính chất phái tính với những thiên tính nữ trong tư duy thơ và thi pháp thơ của những nhà thơ nữ. Nó in dấu những đặc trưng riêng biệt và thể hiện tính nữ đậm nét trong thơ của Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim.

Có thể thấy, tư duy về giới khơi dậy nhiều giá trị sáng tạo cho thơ nữ đương đại; phái tính chi phối cách viết, cách nhìn nhận, tư duy, đặc biệt là việc tạo dựng hệ thống


biểu tượng trong thi ca. Các nhà thơ nữ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim đã tạo dựng lên một hệ thống biểu tượng có quan hệ về bản thể với mẫu gốc của mình, đó là nguyên mẫu hay mẫu gốc mang thiên tính nữ như các biểu tượng: Đất là mẫu tính biểu tượng cho người mẹ với đức tính dịu dàng và sự sinh sôi; Nước là nữ tính biểu tượng của sự dịu dàng, mát lành mang âm tính; Đêm là bản tính của người nữ bởi sự huyền bí, sâu xa. Hệ thống biểu tượng mang tính chất phồn thực là những biểu tượng liên quan đến thân thể người phụ nữ thể hiện sự khao khát bản năng người đàn bà, biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở dồi dào.Đôi khi, các nhà thơ vươn tới sự phá vỡ mẫu gốc, tạo ra những biến thể, xác lập ý nghĩa mới cho biểu tượng.

Tiểu kết chương 3


Trong thơ ca đương đại, những nhà thơ nữ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim luôn muốn được thể nghiệm và khẳng định mình bởi những thi pháp mới mẻ. Thứ nhất, họ thể nghiệm mình qua sự đổi mới thể thơ, từ việc sử dụng thể thơ tự do trong hầu hết các sáng tác, họ tìm đến thể thơ văn xuôi như một phương cách để khám phá chính mình; bên cạnh đó, lối trình diễn thơ cũng là một cách rất mới để truyền đạt thơ, kéo gần khoảng cách giữa nhà thơ và độc giả. Thứ hai, những nhà thơ nữ trẻ thể hiện cái tôi cá nhân độc đáo của mình qua giọng điệu đặc sắc, vừa mang âm hưởng thời đại vừa thể hiện cá tính sáng tạo. Thứ ba, việc sử dụng hệ thống các biểu tượng gắn với người phụ nữ như: Đất, Nước, Đêm và biểu tượng phồn thực trong thơ không chỉ thể hiện được ý thức nữ quyền sâu sắc và tư duy phái tính của các nhà thơ nữ, mà còn khẳng định được tài năng sáng tạo thơ ca của ba nhà thơ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim. Bên cạnh những yếu tố trên, những yếu tố về ngôn ngữ, kết cấu trong hình thức nghệ thuật cũng rất quan trọng giúp tạo nên thành công cho các tác phẩm thơ nữ đương đại Việt Nam.



KẾT LUẬN

1.Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay, sự du nhập những trào lưu, những hình thức giải trí mới, sự giao thoa văn hóa toàn cầu đã khiến cho nhiều giá trị văn hóa thay đổi; cùng với đó, thơ ca cũng trở nên nhạt mờ dần trong đời sống xã hội. Tuy không còn giữ được vị trí quan trọng như trước kia bởi sự xâm lấn ồ ạt của rất nhiều những hình thức giải trí hiện đại, nhưng thơ ca vẫn giữ được sức sống mạnh mẽ và có sự vận động, thay đổi chính mình để phù hợp với nhu cầu của độc giả đương thời. Góp phần tích cực vào việc thay đổi bình diện thơ đương đại Việt Nam có sự xuất hiện của lớp nhà thơ trẻ, đặc biệt là một số gương mặt nhà thơ nữ. Những nhà thơ nữ đã thực sự gây ấn tượng với những cá tính sáng tạo đặc sắc được thể hiện qua nhiều yếu tố hình thức và nội dung trong những tác phẩm thơ trữ tình. Và ý thức về cái tôi cá nhân trữ tình càng được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa qua điểm nhìn và cách cảm nhận thế giới của giới nữ. Vì vậy, nghiên cứu về thơ nữ trẻ đương đại trên phương diện cái tôi trữ tình là một công việc cần thiết để khẳng định vị trí và sự đổi mới của thơ ca trong quá trình vận động của văn học Việt Nam hiện nay.

Qua quá trình tìm hiểu, phân tích và lý giải cái tôi trữ tình trong thơ nữ đương đại qua Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim, chúng tôi bước đầu khái quát những đặc trưng cơ bản của cái tôi trữ tình thơ nữ đương đại và phong cách nghệ thuật của ba nhà thơ nữ.

2. Thời kỳ đổi mới đất nước sau 1986 đã tạo điều kiện cho sự trở lại của cái tôi cá nhân trong thơ. Các nhà thơ nữ trẻ khát khao khẳng định cái tôi chủ quan với những độc đáo riêng biệt mang bản sắc cá thể. Mỗi nhà thơ cũng thể hiện khao khát sáng tạo, đổi mới thơ ca, bứt phá khỏi những khuôn khổ có sẵn. Ý thức cách tân, đổi mới thơ ca được những nhà thơ nữ trẻ thể hiện trên mọi phương diện từ nội dung đến hình thức


nghệ thuật trong thơ. Một đặc trưng nữa trong nội dung của thơ nữ đương đại là cái tôi mang đặc trưng giới. Họ bạo dạn phô bày vẻ đẹp nữ tính, lên tiếng cho sự bình đẳng giới, lên tiếng đòi quyền được yêu và chủ động trong tình yêu, đó là những cấp độ khác nhau của ý thức nữ quyền trong thơ nữ trẻ đương đại. Khác với văn học giai đoạn trước luôn đề cập đến những vấn đề lớn lao mang ý nghĩa quyết định vận mệnh dân tộc, văn học đương đại trở về với những vấn đề đời tư, thế sự. Cái tôi trữ tình trong thơ cũng trở về với bản thể, lên tiếng cho những khao khát tự do và giải phóng tình dục; với những nhà thơ nữ, họ thể hiện ước muốn giải phóng những ẩn ức tình dục một cách quyết liệt hơn mà không kém phần nữ tính. Cái tôi với nỗi buồn và sự cô đơn cũng là cảm xúc chủ đạo của thơ nữ đương đại. Bên cạnh việc phô bày chiều sâu nội cảm với những vấn đề rất riêng tư, thơ nữ đương đại còn trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm về những vấn đề thế sự, trực cảm về những vấn đề của xã hội hiện đại và chiêm nghiệm, triết lý về cuộc sống.

3. Sự cách tân gần như toàn diện của nội dung thơ ca đương đại dẫn đến những thay đổi đa dạng về hình thức của thơ nữ sau đổi mới 1986. Sự thay đổi, cách tân những yếu tố hình thức nghệ thuật tiêu biểu: thể thơ, giọng điệu, việc sử dụng những biểu tượng gắn với người phụ nữ trong thơ nữ đương đại đã góp phần tạo nên bộ mặt mới cho thơ ca đương đại. Những nhà thơ nữ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim luôn dứt khoát rũ bỏ khỏi những khuôn khổ cũ và quyết liệt, táo bạo đi tìm cho mình những cách thể hiện mới, những thi pháp mới mẻ. Không chỉ vậy, những yếu tố hình thức nghệ thuật được đổi mới và thể nghiệm khẳng định cá tính sáng tạo và cái tôi cá nhân độc đáo của mỗi nhà thơ; thể hiện ý thức nữ quyền của những nhà thơ nữ.

4. Sự đa dạng và phức tạp của cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ hiện nay đang là một biểu hiện của tinh thần hiện đại hóa. Với sự góp mặt của những nhà thơ nữ trẻ như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim, thơ ca đương đại Việt Nam được mở ra những hướng phát triển mới. Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ đã khẳng định: “Thơ ca

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí