những đặc điểm, đặc tính này có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội. Các tình tiết tăng nặng thuộc nhân thân người phạm tội bao gồm: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 1 Điều 48 BLHS); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c khoản 1 Điều 48 BLHS); Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm (điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS); Dùng thủ đoạn xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm (điểm o, khoản 1, Điều 48 BLHS); Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm (Điểm 0 khoản 1 điều 49 Bộ luật hình sự)
Nội dung các tình tiết tăng nặng TNHS thuộc nhân thân người phạm tội cụ thể như sau:
a) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp
Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung vào ngày 29/6/2009) quy định "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Phần chung (điểm b Khoản 1 Điều 48), tình tiết này cũng được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong 20 cấu thành tội phạm ở Phần các tội phạm. Đặc biệt Điều 3 BLHS 1999 quy định về "Nguyên tắc xử lý" trong đó có đoạn: "Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo GS.TSKH Lê Văn Cảm thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một dạng của chế định nhiều (đa) tội phạm và chế định này bao gồm các dạng sau: Phạm tội nhiều lần; phạm nhiều tội; tái phạm và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Theo đó, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là phạm tội nhiều lần, có tính chất liên tục và nhằm mục đích vụ lợi hay làm giàu bất chính mà hoạt động phạm tội đã trở thành hệ thống và tạo nên nguồn thu nhập
cơ bản hoặc nguồn sống chủ yếu của người phạm tội. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc và PGS.TS Võ Khánh Vinh thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp chỉ là một dạng đặc biệt của phạm tội nhiều lần và chế định nhiều tội phạm chỉ có ba hình thức biểu hiện là: phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Theo TS. Lê Văn Đệ thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp không phải là một dạng của chế định nhiều tội phạm, tác giả cho rằng chế định nhiều tội phạm có ba hình thức biểu hiện là: phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho bản thân. Bộ luật hình sự 1985 chưa coi trường hợp này là tình tiết tăng nặng TNHS hoặc là tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên qua thực tiễn xét xử thấy có một số tội phạm, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, nhất là đối với loại tội phạm về xâm phạm sở hữu, tội phạm kinh tế... và hành vi này cần phải bị trừng trị nghiêm minh để phòng, chống tội phạm. Như vậy, việc không quy định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp trong BLHS quả là một thiếu sót, bởi người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp xét dưới góc độ nhân thân người phạm tội là xấu hơn nhiều so với người phạm tội tái phạm thông thường. Tuy nhiên, qua 4 năm thi hành BLHS năm 1985, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng mới và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng đặt ra theo tinh thần mới. Thực tiễn xét xử có một số tội phạm, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập, nguồn sống chính của bản thân, nhất là đối với các tội phạm về kinh tế như tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả, hay các tội xâm phạm sở hữu như: tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản v.v... những hành vi này cần phải trừng trị nghiêm khắc để phòng ngừa tội phạm chung. Lần sửa đổi, bổ sung
BLHS vào ngày 28/12/1989 trong cấu thành tội phạm của 11 điều luật nhà làm luật quy định lại tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt; Lần sửa đổi, bổ sung BLHS ngày 12/8/1991, nhà làm luật tiếp tục quy định bổ sung tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ở 3 tội; Lần sửa đổi, bổ sung ngày 10/5/1997 quy định bổ sung tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết tăng nặng định khung ở 2 tội. Đến pháp điển hóa lần thứ hai, BLHS năm 1999 đã chính thức quy định tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 1 Điều 48 ở Phần chung BLHS và quy định tình tiết này là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ở 17 cấu thành tội phạm ở Phần các tội phạm. Ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật số 37/2009/QH12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 quy định 20 cấu thành tội phạm có tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung hình phạt.
Thực tiễn xét xử các vụ án khi áp dụng tình tiết tăng nặng “có tính chất chuyên nghiệp” cần vận dụng đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có đủ điều kiện: cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính... Cũng cần lưu ý, khái niệm chuyên nghiệp ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện để kiếm sống; và tùy từng
trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng đối với người phạm tội tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” hoặc là “phạm tội nhiều lần” bởi hai tình tiết trên giống nhau ở chỗ người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (hai lần trở lên), nhưng điểm khác nhau là: về khách thể của tội phạm, phạm tội nhiều lần là phạm tội từ hai lần trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều (hoặc tại cùng một khoản của điều) tương ứng trong Phần riêng BLHS do vậy các lần phạm tội đó người phạm tội chỉ xâm phạm một khách thể nhất định. Còn phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các lần phạm tội đó có thể xâm phạm các khách thể khác nhau (cùng một khách thể loại); Về động cơ, mục đích phạm tội người bị áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi phạm tội có động cơ, mục đích rõ ràng đó là phạm tội vì vụ lợi hoặc làm giàu bất chính, lấy việc phạm tội làm nghề sống chính hoặc lấy kết quả của việc phạm tội làm nghề sống chính. Còn người bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, động cơ mục đích, đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc khi áp dụng tình tiết này; về yếu tố lỗi của tội phạm được thực hiện, người bị áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thực hiện tội phạm chỉ với một hình thức lỗi là: lỗi cố ý vì họ phạm tội có động cơ và mục đích phạm tội. Còn người bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, họ thực hiện tội phạm với cùng một hình thức lỗi (lỗi cố ý hoặc cũng có thể là lỗi vô ý).
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm, Đặc Điểm Các Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự Thuộc Về Nhân Thân Người Phạm Tội
- Ý Nghĩa Của Các Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự Thuộc Về Nhân Thân Người Phạm Tội
- Các Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự Thuộc Về Nhân Thân Người Phạm Tội Trong Luật Hình Sự Một Số Nước Trên Thế Giới
- Những Qui Định Áp Dụng Các Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự Khi Quyết Định Hình Phạt
- Kết Quả Xét Xử Các Vụ Án Hình Sự Sơ Thẩm Và Số Bị Cáo Áp Dụng Tình Tiết Tăng Nặng Tnhs Của Tand Hai Cấp Tỉnh Hà Giang
- Nguyên Nhân Hạn Chế Của Tình Hình Áp Dụng Các Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự Thuộc Về Nhân Thân Người Phạm Tội Ở Hà Giang
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c khoản 1 Điều 48)
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công việc nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là tội phạm xảy ra là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn
đó thì họ khó có thể thực hiện việc phạm tội; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là có tình tiết tăng nặng này.
Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là tình tiết tăng nặng, đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX có quy định tình tiết "lợi dụng chức vụ cao để phạm tội", nhưng sau khi quy định tình tiết này, việc giải thích thế nào là "chức vụ cao" còn nhiều ý kiến khác nhau và thực tiễn xét xử đã không thể áp dụng tình tiết này trong các vụ án cụ thể. Bộ luật hình sự năm 1999, các nhà làm luật quy định tình tiết "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội" thay cho tình tiết "lợi dụng chức vụ cao để phạm tội" là hoàn toàn phù hợp, có cơ sở khoa học để giải thích và hướng dẫn áp dụng.
Tình tiết "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội" chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi nó không phải là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt đã được quy định trong cấu thành cụ thể. Trong một số điều luật, nhà làm luật đã quy định cụ thể dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội” là dấu hiệu định tội, Ví dụ như Tội Tham ô tài sản (Điều 278), tội Giả mạo trong công tác (Điều 284), tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật (Điều 297)... Tuy nhiên, dấu hiệu: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn không phải bao giờ cũng được nêu cụ thể trong điều luật mà nhiều trường hợp cần phải được hiểu trên tinh thần của điều luật, ví dụ trong các tội xâm phạm hoạt động tư pháp Điều 293, 294, 295, 296, 298, 299, 300 BLHS thì đương nhiên tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” đã là tình tiết định tội nên không được phép áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm
hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 48 BLHS để quyết định hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội.
c) Phạm tội nhiều lần (Điểm g khoản 1 điều 48 BLHS)
Phạm tội nhiều lần là người phạm tội thực hiện một tội phạm từ hai lần trở lên mà mỗi lần đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm và các lần phạm tội đó đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp phạm tội nhiều lần, người phạm tội có nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chỉ cấu thành một tội, xâm phạm cùng một khách thể trực tiếp và chưa được được đưa ra truy tố, xét xử. Ví dụ: Thủ quỹ cơ quan trên năm lần thực hiện biển thủ công quỹ để đi du lịch.
Nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, mỗi lần đó lại cấu thành một tội phạm khác nhau thì đó là phạm nhiều tội (không phải phạm tội nhiều lần). Phạm nhiều tội không phải tình tiết tăng nặng TNHS. Cả 2 trường hợp này đều phản ánh nhân thân người phạm tội, thể hiện tính coi thường pháp luật của người phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm nhiều tội thì người phạm tội phải chịu hình phạt đối với từng tội và sau đó chịu hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự.
Việc xác định một người “phạm tội nhiều lần” cần lưu ý:
- Nếu hành vi của người phạm tội đã bị xử lý, không kể bị xử lý bằng hình thức gì như đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần. Ví dụ: một người vi phạm quy định về giao thông đường bộ bị xử lý hành chính sau đó lại phạm tội vi phạm các quy định về giao thông đường bộ thì khi xét xử không coi là phạm tội nhiều lần.
- Trường hợp hành vi phạm tội đã được Viện kiểm sát miễn tố hoặc không truy tố cùng với tội được đưa ra xét xử, hoặc tách thành một vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.
Cũng cần phân biệt phạm tội nhiều lần với phạm tội liên tục ở chỗ: phạm tội liên tục là do một loạt hành vi phạm tội cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành, nhằm đạt tới mục đích phạm tội nhưng đó là tội phạm thống nhất, ví dụ A thường xuyên có các hành vi đối với C (là con của vợ) như: đánh đập, bắt nhịn đói, bắt làm việc nặng nhọc, xỉ nhục trước nhiều người, không cho đi học... dẫn đến C nhảy xuống sông tự tử.
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào số lần phạm tội của bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử và mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà mỗi lần bị can, bị cáo thực hiện.
Bộ luật hình sự 1999 quy định tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm g khoản 1 Điều 48 và là tình tiết định khung hình phạt tại 51 điều luật gồm khoản 3 Điều 112, 114; khoản 2 các điều 104, 111,
112, 113, 115, 116, 119, 121, 123, 125, 131, 142, 153, 154, 162, 164b, 169,
170, 170a, 171, 173, 176, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200, 201, 226b, 228,
251, 254, 255, 256, 257, 266, 267, 275, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284,
289, 290, 291.
d) Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Khoản 1, Điều 49 BLHS quy định: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. So với quy định tại khoản 1 điều 40 bộ luật hình sự 1985 thì đối tượng tái phạm được mở rộng hơn mở rộng hơn: BLHS 1985 quy định “đã bị phạt tù về tội do cố ý” thì BLHS 1999 chỉ quy định “đã bị kết án”, không phân biệt người phạm tội có bị phạt tù hay không, phạm tội cố ý hay vô ý; BLHS 1985 quy định “lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý” thì BLHS 1999 quy định “lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Như vậy, nếu lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý thì không bị coi là
tái phạm. Quy định này phù hợp với việc phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS 1999.
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết tái phạm phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà bị cáo đã bị xử phạt cũng như tội phạm mà bị cáo đang bị xét xử.
Tái phạm nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 điều 49 Bộ luật hình sự là các trường hợp sau:
“a, Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b, Đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
So sánh với quy định khoản 2 điều 40 Bộ luật hình sự 1985, thì khoản 2 điều 49 Bộ luật hình sự 1999 quy định chặt chẽ hơn: Nếu BLHS 1985 quy định “đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng” thì BLHS 1999 quy định “Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng...”; Nếu BLHS 1985 quy định “mà lại phạm tội nghiêm trọng” thì BLHS 1999 quy định “mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng”; BLHS 1985 quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc
tội nghiêm trọng” thì BLHS 1999 quy định “Đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
Như vậy, tái phạm nguy hiểm theo BLHS 1999 có đặc điểm sau:
- Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án.
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng.