Thợ Thủ Công - Thương Nhân, Nông Dân

Tứ phẩm


Tất cả các điều khoản quy định trên đều nhằm mục đích xác lập, khẳng định vai trò và uy thế thống trị của tầng lớp quan liêu, duy trì và củng cố quyền lợi đẳng cấp.

Nhưng cũng vì là đẳng cấp hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, quan lại - quý tộc Thăng Long đã lợi dụng nhiều thủ đoạn để bóc lột, cưỡng bức kinh tế đối với dân chúng kinh kỳ. Về nguyên tắc, quan lại tại kinh thành không được phép tham gia các hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, lệnh cấm đó của triều đình không được chấp hành triệt để. Một số quan lại đã tìm cách kiếm thêm tiền bạc bằng cách tiến hành những hoạt động kinh doanh lén lút, bất hợp pháp. Du khách người Anh W.Dampier nhận xét: "các quan rất dễ dàng trở nên con buôn khi có thể vớ được món lợi nào. Các quan mua những thứ gì lớn lao và đắt tiền, những thứ gì giá trị ít hơn, các quan đã có những phụ nữ thân tín, rất thạo nghề buôn bán, họ nhận một hay hai lô hàng để lấy một số lãi”.

Hiện tượng khá phổ biến ở Thăng Long bấy giờ là quan lại dùng gia nhân, thị vệ ra phố phường tìm kiếm của ngon vật lạ, cưỡng chiếm hoặc mua rẻ của dân. Để hạn chế việc này, triều đình đã nhiều lần ra lệnh ngăn cấm, bắt giam kẻ cậy quyền, thậm chí xử tội đồ. Năm Đức Long 6 (1634), triều đình có lệnh: “Các chợ và các cửa hàng ở trong kinh kỳ, mua bán giao dịch, để lưu thông hàng hoá và phương tiện sự nhật dụng. Từ nay về sau, các nhà quyền quý và các nha môn phải nghiêm cấm người nhà không được ăn hiếp tài vật của người ta ở ngoài chợ, để yên ổn lòng người. Ai trái lệnh này, thì cho phép viên Xá nhân được tra xét, cùng là người chứng kiến được chóc nã chính phạm cùng với đồ tang vật đem nộp, để xét thực, khép phạm nhân vào tội nặng” [16, 75]. Năm Phúc Thái 5 (1647), yêu cầu này tiếp tục được nhắc lại: "Chốn kinh kỳ là nơi văn vật, người ở các phố phường và người buôn bán, có hàng hoá đều tàng trữ ở các chợ, vậy phải cấm ngặt các nha môn, không được lấy tiền của các chợ trong kinh kỳ, để cho nhân dân đều được an cư lạc nghiệp". [16, 79]

- Nho sĩ: Thời Mạc và Lê - Trịnh, khoa cử vẫn là con đường xuất thân chủ yếu của Nho sĩ vào quan trường, giáo dục và khoa cử là phương thức quan trọng để nhà nước đào tạo và tuyển chọn một đội ngũ quan lại Nho sĩ - trí thức. Vì vậy, có thể nói giữa bộ máy quan lại tại Thăng Long và tầng lớp Nho sĩ luôn có mối quan hệ khăng khít.

Với vai trò trung tâm chính trị - văn hoá, Thăng Long trong các thế kỷ XVI

- XVIII tiếp tục là địa phương tập trung trí thức, Nho sĩ đông nhất cả nước.

Dù có nhiều biến động về chính trị nhưng nhà Mạc và Lê - Trịnh đều cố gắng duy trì chế độ khoa cử. Trừ một số năm gián đoạn, thông thường cứ 3 năm, tại kinh đô Thăng Long lại tổ chức các kỳ thi Hội, Đình. Những dịp này, sĩ tử - đa phần trong số họ là những người thuộc đẳng cấp bình dân thực thụ và từ các làng quê thuộc đủ mọi vùng trong nước đổ về kinh ứng thí, có khoa thi lên tới hàng vạn người. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số đó trúng tuyển. Số còn lại phần lớn đều tìm cách ở lại kinh thành trọ học, đợi khoa thi sau.

Tại Thăng Long, ngoài hệ thống trường học các cấp địa phương, trường tư thục do các vị khoa bảng đã từ quan hoặc những vị ẩn nho phụ trách giảng dạy thì Nhà Thái học (Quốc Tử Giám) là trường Nho học cao cấp do nhà nước tổ chức. Thời Mạc và Lê - Trịnh, Quốc Tử Giám tiếp tục được tu sửa, mở mang nhiều lần. Theo quan chế từ thời Hồng Đức, đứng đầu Quốc Tử Giám, có nhiệm vụ "rèn tập sĩ tử, gây dựng nhân tài" là Tế Tửu (tòng tứ phẩm), Tư nghiệp (tòng ngũ phẩm), ngoài ra còn có Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Tại Quốc Tử Giám thường xuyên có khoảng 300 Giám sinh nội trú, họ được tuyển chọn chủ yếu từ các nguồn:

- Ân giám: Giám sinh do triều đình ban ân cho vào học tại nhà Quốc học.

Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 10

- Ấm giám: con em quan lại ở kinh đô, con quan văn từ tứ phẩm trở lên, quan vò từ nhị phẩm trở lên.

- Cử giám: sau khi đỗ Hương cống (Cử nhân) của kỳ thi Hương, chờ kỳ thi Hội được vào Quốc Tử Giám học tập.

- Cống sinh: giám sinh có quân công, được ưu tiên vào học.

Giám sinh Quốc Tử Giám được chia làm 3 cấp (gồm thượng xá sinh, trung xá sinh, hạ xá sinh), mỗi quý, theo từng xá - Giám sinh được nhà nước cấp học bổng và học phẩm (tiền, gạo, dầu đèn).

Việc học tập tại Quốc Tử Giám được quy định rất cụ thể. Năm Hồng Thuận 3 (1511), triều đình quy định như sau: "Các giám sinh, sinh đồ, nho sinh, cứ đến ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc áo mũ điểm mục đúng như phép. Phải tuân theo học quy, tập học nghiệp cho được thành tài giúp ích cho nước. Người nào cầu may bên cạnh, rong chơi đường xá, trễ bỏ việc học, thiếu điểm mục 1 lần thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu điểm mục 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu điểm mục 3 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho bộ Hình xét hỏi, thiếu điểm mục 5 lần thì bắt xung quân". [25, 60]

Tại Quốc Tử Giám, mỗi tháng, học quan ra một bài tiểu tập để đánh giá kết quả học tập của các Giáo sinh, vào bốn tháng trọng trong năm (tháng 2,5,8 và 11) học quan ra một bài đại tập. Ai thi bốn kỳ đại tập đều trúng tuyển thì được đi thi Hội nếu đúng vào năm có tổ chức thi, hoặc được Quốc Tử Giám bảo cử để bộ Lại tuyển dụng. Ngoài ra, đều đặn hàng tháng, vào hai ngày mồng một và ngày rằm, tại Quốc Tử Giám tổ chức bình văn, không chỉ giành cho Giám sinh mà còn thu hút đông đảo Nho sinh, sĩ tử đang trọ học chờ ngày ứng thí tại kinh thành đến nghe.

Nhiều phường gần Quốc Tử Giám cũng như ở Thăng Long đã trở thành nơi trọ học đông vui của Nho sinh như Bích Câu, Văn Chương, Phất Lộc...

- Binh lính: Là giai đoạn diễn ra nhiều hoạt động quân sự, nhà Mạc, đặc biệt là nhà Lê - Trịnh - với tính chất của một nhà nước quân sự, thường xuyên phải tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại những lập đoàn phong kiến đối lập và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, vai trò của quân đội được đặc biệt coi trọng. Kinh thành Thăng Long là nơi xung yếu, luôn thường trực một lực lượng quân sự đông đảo. Theo ước đoán của Phan Đình Khuê, lực lượng quân đội đóng ở Thăng Long lúc này có khi lên đến khoảng 10 vạn lính. [47, 80], trong khi đó, khoảng niên hiệu Quang Hưng (1588 - 1600), "sau khi thu phục đất nước, duyệt tất cả các quân thuỷ, bộ (cả nước) cộng 12 vạn". [7, 13]

Cũng tại Thăng Long, ngoài số quân đồn trú đông đảo này, các cơ sở quân sự như doanh trại, giảng vò điện, giảng vò đường, bãi duyệt quân, thuyền chiến, kho súng, chuồng voi... cũng được thiết lập.

Đời Trung hưng, họ Trịnh đặc biệt tin cậy và coi trọng quân lính ở hai xứ Thanh - Nghệ. Đầu thời Lê - Trịnh, khi đặt quân túc vệ ở kinh thành chỉ lấy lính tam phủ thuộc Thanh Hoa (Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia) và 12 huyện thuộc Nghệ An (6 huyện ở phủ Đức Quang, 3 phủ Diễn Châu, Anh Đô, Hà Hoa mỗi phủ hai huyện) theo phép cứ 3 suất đinh tráng chọn 1 người.

Năm Vĩnh Thọ 3 (1660), khi định lại phép duyệt tuyển, "các phường ở Phụng Thiên thì cứ 100 người chỉ tuyển 20 người vào hạng quân" [7, 26]. Trừ lính Thanh - Nghệ gọi là nội binh, còn lại đều là ngoại binh, suốt thời kỳ đầu của nhà Lê - Trịnh, có hai cách tuyển lựa binh lính khác nhau, nội binh lưu ở kinh thành làm quân túc vệ, được tổ chức theo binh ngạch rò ràng. Còn ngoại binh để phòng thủ ở các địa phương, chỉ lấy người ở hai phủ và bốn nội trấn cho vào đội ngũ. Số còn lại thì chỉ ghi tên trong binh ngạch, có việc mới gọi ra, xong việc lại cho về làm ruộng, đóng vai trò như một lực lượng dự trữ.

Năm Cảnh Trị 2 (1664) khi định lại phép duyệt tuyển, ở Thanh - Nghệ 3 đinh lấy một, ở bốn trấn 5 đinh lấy 1. Năm Bảo Thái 2 (1721), Trịnh Cương định lại theo phép duyệt tuyển cũ, tổ chức lại ngoại binh, kén cả binh bốn trấn sung vào cùng binh ngạch với nội binh, đến năm sau (1722) quy định ở cả hai xứ Thanh - Nghệ và bốn trấn đều cứ 5 đinh lấy 1, binh ở hai xứ Thanh - Nghệ gọi là ưu binh, ở bốn trấn gọi là nhất binh, nhân đó mới đặt thêm sáu quân dinh để tổ chức cho quân lính mới tuyển lựa ở hai xứ và bốn trấn bên cạnh ngũ phủ.

Dù có thay đổi về phép tuyển binh nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, ưu binh Thanh - Nghệ với nhiệm vụ là quân túc vệ cho kinh thành luôn nhận được sự ưu đãi hơn hẳn so binh lính các địa phương. Họ được miễn mọi thứ thuế và lao dịch. Khẩu phần lương hàng năm của binh lính được trả bằng tiền chứ không cấp thóc như các triều đại trước. Riêng tiền lương của ưu binh ở kinh thành được cao hơn so với binh các trấn. Lính các doanh cơ đội ngoại binh khẩu phần hàng năm là 7 quan, trong khi lương lộc hàng năm của ưu binh tuỳ theo từng cơ, đội là từ 8 đến 15 quan [7, 31-32]. Năm Vĩnh Hựu 6 (1740), Trịnh Doanh còn tiếp tục tăng khẩu phần cho binh lính trong các dinh, cơ, đội, thuyền hầu phủ chúa, mỗi suất 2 quan tiền quý. [7, 35]

Ngoài ra, ưu binh còn được cấp ruộng khẩu phần ở quê (Thanh - Nghệ) làm phụ lương. Năm Cảnh Hưng 2 (1741) ban dụ cấp ruộng công làm phụ lương cho ưu binh: “Nuôi binh cần cấp cho đủ, thi ơn cốt phải cho đều ...ưu binh hai xứ, cho cấp công điền và châu thổ ở bản quán để làm phụ lương...”. [7, 35] Nhưng vì kiện tụng về ruộng đất phức tạp, triều đình đã thu lại ruộng phụ lương trả cho dân bản xã cày cấy và nộp thuế ruộng công. Tiền thuế ruộng sẽ được trả làm phụ lương cho ưu binh. [7, 35]

Ưu binh còn được hưởng nhiều ưu đãi khác về chăm sóc sức khoẻ, cấp thuốc khi đau ốm. Từ năm Cảnh Trị 4 (1666) quy định lính nội binh được đặt y viện ở các hiệu quân tả hữu tiền hậu, thuốc công chứa ở quan giám tri, bệnh nhẹ do quan sở tại cấp thuốc chữa trị, bệnh nặng đến y viện thuộc hiệu mình xem mạch lấy thuốc. Binh lính từ 53 đến 60 tuổi hoặc chưa đến tuổi nhưng “đau ốm, tàn tật, không theo kịp hàng ngũ” thì được cho về. [7, 36]

Về việc cấp tuất, năm Thịnh Đức 3 (1665) định lệ tặng và tuất cho binh sĩ chết trận, Tùy theo chức vụ, binh lính được cấp từ 5 đến 20 mẫu quan điền và cho con người đó được miễn trừ việc lao dịch [16, 351]. Các quy định về việc tặng và tuất này tiếp tục còn có những sửa đổi, bổ sung các năm Vĩnh Khánh 4 (1732), Cảnh Hưng 5 (1744).

Ngoài ưu binh là lực chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành và bộ máy chính quyền trung ương đóng tại kinh đô, theo quy chế tổ chức quân đội, Thăng Long còn có một lực lượng dân binh, hương binh. Trong các nguồn thư tịch của thời kỳ này, dân binh, hương binh ở kinh thành ít được nhắc đến. Bước sang thế kỷ XVIII, có thể do tình hình xã hội ngày càng mất ổn định, nhu cầu đàn áp các cuộc khởi nghĩa, lực lượng này này mới được coi trọng, hương binh lúc này được tuyển mộ cả ở những huyện gần kinh thành, có nhiệm vụ phối hợp với quân chính quy trong việc bảo vệ an ninh khu vực Thăng Long. Sử biên niên nhắc đến việc năm 1742: “Tháng 8, điểm hương binh ở 11 huyện gần kinh kỳ. Lúc này tùy nơi giặc cướp lén lút nổi lên, chư quân chia đi đánh dẹp, ở kinh thành không còn mấy. Quân chấp chính xin quyền nghi chọn lính trong dân gần kinh kỳ, cứ năm đinh lấy

một, tha diêu dịch, theo phép chính binh cho luyện tập. Chia đóng đồn ở ngoài thành, để dự phòng việc bất ngờ xảy ra”. [8, 186]

Ngoài ra, Lịch triều hiến chương loại chí Đại Việt sử ký tục biên còn cho biết, thời Lê - Trịnh, Đàng Ngoài còn có thêm những đội quân "chí nguyện": “Trước đây, các đạo có việc đánh giặc, quân số ít, chỉ cho mộ trai tráng có sức khoẻ để tăng số quân gọi là quân chí nguyện” [7, 41], [8, 167]

Chưa tính đến các đội hương binh và chí nguyện binh, chỉ riêng việc tập trung một số lượng lớn ưu binh tại kinh thành đã khiến cho việc quản lý đối tượng này gặp phải nhiều vấn đề phức tạp. Trừ những vò quan cao cấp, đại đa số quân lính còn lại đều xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhiều trong số họ còn là dân đinh, nông dân bị bắt lính theo chế độ binh dịch, không thiết tha với nghiệp binh. Bởi thế, việc binh lính đảo ngũ bỏ trốn hay mượn người thay thế diễn ra khá phổ biến. Cũng vì vậy, trong các hình phạt đối với binh lính, tội trốn lính thường bị xử phạt rất nặng. Năm Cảnh Trị 8 (1670), "định lệ ưu binh và nhất binh chí nguyện ở bốn trấn đã được cấp lộc ruộng và được miễn tiền quý mà lại vô cớ bỏ trốn thì cho quan bản quản khải bẩm lên, rồi cùng với trấn quan sai người nã bắt đích thân người ấy giải nộp, tra xét là thực thì xử chém để cho nghiêm phép quân" [7, 41]. Năm Bảo Thái 9 (1728) quy định nếu binh lính tự tiện mượn người thay thế sẽ bị xử phạt "60 trượng và vẫn sung vào đội ngũ, người thay thế cũng bị 30 trượng. Binh lính chưa đến niên hạn mà viện lấy khoán ước riêng để tự tiện bỏ về thì xử theo tội đồ". [7, 41]

Nhưng có lẽ những điều cấm trên không được chấp hành nghiêm, vì thế đến các năm Vĩnh Khánh 2 (1730), Cảnh Hưng 2 (1741), Cảnh Hưng 5 (1744) triều đình vẫn tiếp tục nhắc lại các chỉ lệnh về việc cấm bỏ trốn và thế lính. [7, 42 - 43]

Không chỉ trốn lính, binh lính thời Lê - Trịnh còn làm rất nhiều hành động làm mất trị an ở kinh thành. Cũng vì cậy có công lao trong việc phò giúp nhà Lê trung hưng, lại được hưởng nhiều đặc quyền ưu đãi nên ưu binh ngày càng tỏ ra "nhũng tệ, sơ xuất, kiêu lười", dần đi đến coi thường pháp luật, hành động càn rỡ, không đúng chức phận, gây nên nạn kiêu binh ngang ngược, đến triều đình cũng không quản lý, kiểm soát nổi. Trong hai thế kỷ XVII - XVIII, kiêu binh đã gây ra 4

cuộc chính biến vào các năm 1674, 1741, 1782, 1784 náo loạn kinh thành, khiến cho từ vua chúa, quan lại và dân chúng Thăng Long đều phải sợ hãi.

Hương binh, quân chí nguyện cũng diễn ra những trường hợp tương tự, quân chí nguyện được tuyển để tăng cường về số quân nhưng "phần nhiều là con em bọn vô lại ở làng xóm, cũng ứng mộ đến ở lân trong kinh kỳ, rủ nhau làm việc gian phi trộm cắp", cho nên năm 1740 triều đình phải ra lệnh "Cấm các lính mộ không được vào kinh kỳ.., từ nay chọn lính, biên vào sổ, cấp phát khẩu phần lương thực, các quân hiệu không được đem vào trong thành cho ở xen vào nhà của quân dân, ai trái lệnh thì phải tội". [8, 167]

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí từng đánh giá về việc dùng người, trong đó có hiệu quả của việc quản lý quân đội thời Lê: “Tôi từng xét nhà Lê dựng nên cơ nghiệp là nhờ sức mạnh của hai xứ, mà khi mất nước cũng bởi bọn kiêu binh tam phủ gây nên. Nhờ binh ấy mà lên, cũng nhờ binh ấy mà mất, đắc thất đã nêu gương rò rệt. Như vậy là vì nếu khéo cầm cương thì dẫu kẻ gian tham cũng dùng được, nếu lỏng tay cầm thì ngay quân túc vệ cũng chia lìa. Việc làm thành hay bại đều do ở đấy...”. [7, 6]

3.1.3 Thợ thủ công - thương nhân, nông dân

Thăng Long - Kẻ Chợ ba thế kỷ XVI - XVIII là giai đoạn phát triển hưng thịnh của nền kinh tế hàng hoá, thành phần chiếm đa số trong khối cư dân thuộc tầng lớp bình dân đô thị là những người thợ thủ công - thương nhân. Marini từng nhận xét phố phường ở Kẻ Chợ "đầy ắp những thợ thủ công và thương nhân”. [45, 111]

Xét trên phương diện quan hệ kinh tế - xã hội, một người thợ thủ công Thăng Long - Kẻ Chợ ngoài việc là thành viên của một cộng đồng thôn phường nơi họ đang sống, họ còn là thần dân của triều đình và chính quyền cai trị địa phương, có nghĩa vụ nộp thuế và thực hiện những nghĩa vụ khác.

Quản lý của nhà nước đối với bộ phận cư dân đô thị này thể hiện qua các chính sách, biện pháp quy định các nghĩa vụ của người thợ thủ công phải thực hiện đối với nhà nước.

Cũng như các địa phương trong cả nước, thợ thủ công và thương nhân tại kinh thành phải chịu các loại nghĩa vụ thuế, binh dịch và lao dịch, có thể ở làng

quê gốc hoặc ở các thôn phường sở tại. Tuy nhiên, mức thuế ở kinh thành được giảm nhẹ hơn. Năm 1724, theo lệnh của Trịnh Cương, "các phường trại trong kinh kỳ là nơi dân chúng ở gần kề ngay dưới kiệu của vua chúa, vậy tô phú của các nơi ấy đều nên châm chước, nới nhẹ để tỏ ra có sự (đối xử) phân biệt... Vậy thuế thân dung mỗi xuất đinh đóng 8 tiền (các nơi khác 1 quan 2 tiền) đóng làm làm 2 lần. Người đinh năm nào, nguyên tịch ở các trấn đã chịu thuế dung và thuế điệu ở bản quán rồi, thì đều được miễn đóng (ở kinh kỳ). Các hạng đất và các hạng dân đinh ở phường, phố mỗi người mỗi năm đóng 10 tiền thập văn”. [15, 76]. Còn lao dịch, "theo lệ cũ, chốn kinh thành từng dãy nhà hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cắm cờ tường, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc”. [11, 14]

Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, nếu những người thợ thủ công hay thương nhân cư trú tại những phường triều đình ban cho làm dân "tạo lệ" - thờ cúng thần thánh tại các đền, miếu như ba giáp của phường Hà Khẩu, trại Yên Lãng, Thủ Lệ, phường Quảng Bá... được miễn không chỉ thuế thân mà còn cả các chế độ binh dịch và lao dịch.

Một hình thức quản lý của nhà nước đối với thợ thủ công tại Thăng Long - tuy không mới - nhưng phát triển hơn nhiều về quy mô, số lượng so với các thời kỳ trước, đó là các cục bách tác, quan xưởng (xưởng đúc tiền, xưởng đóng thuyền, các công trường xây dựng của nhà nước...) và thông qua các tượng cục.

Việc tổ chức sản xuất thành các quan xưởng, cục bách tác, trong đó, những người thợ thủ công do triều đình trưng tập làm việc theo chế độ công tượng được xem là hình thức quản lý hiệu quả, vừa đáp ứng các nhu cầu về các sản phẩm cao cấp của triều đình, vừa cho phép kiểm soát được trực tiếp một bộ phận không nhỏ thợ thủ công tại Thăng Long - Kẻ Chợ.

Theo quy định, thợ thủ công làm việc trong các quan xưởng được miễn mọi nghĩa vụ thuế, binh dịch và lao dịch. Tuy nhiên, xét về bản chất, bản thân chế độ công tượng cũng là một loại lao dịch cưỡng bức mà các thần dân phải có nghĩa vụ đối với nhà nước.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/06/2022