Các nghiên cứu thực nghiệm trên đa phần sử dụng nghiên cứu định lượng theo phương pháp phân tích nhân tố khám phá, một số ít phân tích SEM và phân tích dữ liệu bảng. Hầu hết, động cơ tìm kiếm lợi thế chi phí có sự khác nhau về các nhân tố tác động ở các nghiên cứu khác nhau. Mặc dù có sự khác nhau, tuy nhiên các nhân tố này đều thể hiện động cơ tìm kiếm lợi thế chi phí cho doanh nghiệp. Tác giả có thể gộp lại các nhóm nhân tố từ động cơ tìm kiếm lợi thế chi phí ở trên thành 3 nhóm chính là: (1) tính khả dụng và chi phí sử dụng tài nguyên vật lý và nguồn nhân lực giá rẻ; (2) cơ sở hạ tầng; (3) môi trường đầu tư bao gồm chính sách thút và ưu đãi đầu tư, các quy định và hạn chế, sự ổn định chính trị…
Nhân tố tìm kiếm thị trường đa phần các tác giả đều thể hiện các biến đo lường tương đối đầy đủ và gần tương đồng nhau giữa các kết quả nghiên cứu.
Về cơ bản các nghiên cứu trên chia động cơ của nhà đầu tư thành 2 nhóm chính đó là động cơ tìm kiếm thị trường và tìm kiếm lợi thế chi phí. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực du lịch thì các nghiên cứu trên đa phần bỏ sót nhân tố tìm kiếm tài nguyên du lịch. Hầu hết các nghiên cứu trên chỉ mới đề cập về vị trí có khí hậu mát mẻ, có mặt bằng và chi phí thuê mặt bằng giá rẻ. Điều này thể hiện khiếm khuyết về động cơ tìm kiếm tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên đề cập đến nhóm môi trường đầu tư chưa đầy đủ biến đo lường. Các biến đo lường môi trường đầu tư chỉ mới đề cập đến các biến: (1) địa phương có sẵn mặt bằng đất đai; (2) chính quyền giải quyết công bằng; (3) các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt; (4) tính minh bạch tại địa phương tốt; (5) chi phí không chính thức. Các biến đo lường còn chưa đề cập hoặc mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu định tính đó là: (6) chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính; (7) mức độ cạnh tranh ở địa phương đó; (8) chi phí gia nhập thị trường.
Hơn nữa, các nghiên cứu thực nghiệm trước đây mới chỉ dừng lại ở việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến. Chưa chỉ rõ mối quan hệ giữa tính hấp dẫn của điểm đến đối với ý định đầu tư. Những khiếm khuyết này chính là cơ sở cho tác giả và các nghiên cứu tiếp theo hoàn thiện hơn.
2.4.2 Một số nghiên cứu thực nghiệm về tính hấp dẫn điểm đến trong việc thu hút nhà đầu tư du lịch theo lý thuyết động cơ đầu tư
Bảng 2.9: Tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm – động cơ đầu tư
Yếu tố tác động | Nghiên cứu | |
Tìm kiếm thị trường | Thị trường du lịch tiềm năng | Snyman và Saayman (2009); Polyzos và Minetos (2011); Yang và Fik (2011); Ussi và Wei (2011); Guillet và cộng sự (2011); Zhang và cộng sự (2012); Adam và Amuquandoh (2013); Villaverde và Maza (2015); Puciato (2016). |
Tìm kiếm sự hiệu quả | 1. Lao động và chi phí | Snyman và Saayman (2009); Ussi và Wei (2011); Zhang và cộng sự (2012); Adam và Amuquandoh (2013); Villaverde và Maza (2015); Puciato (2016) |
2. Cơ sở hạ tầng | Snyman và Saayman (2009); Polyzos và Minetos (2011); Ussi và Wei (2011); Adam và Amuquandoh (2013). | |
3. Luật pháp và các quy định | Yang và Fik (2011); Guillet và cộng sự (2011); Adam và Amuquandoh (2013); Zhang và cộng sự (2012); Puciato (2016); | |
4. Môi trường kinh doanh | Polyzos và Minetos (2011) | |
Tìm kiếm tài nguyên du lịch | 1. Tài nguyên tự nhiên (cảnh quan, động thực vật, bãi biển…) | Snyman và Saayman (2009); Polyzos và Minetos (2011); Ussi và Wei (2011); Adam và Amuquandoh (2013). |
2. Di sản văn hóa và các sự kiện lớn | Polyzos và Minetos (2011); Yang và Fik (2011); Guillet và cộng sự (2011); Zhang và cộng sự (2012); Puciato (2016); |
Có thể bạn quan tâm!
- Giới Thiệu Chung Về Nghiên Cứu Chương 2: Cơ Sở Lý Thuyết Và Mô Hình Nghiên Cứu Chương 3: Thiết Kế Nghiên Cứu
- Các Nhân Tố Thuộc Lợi Thế Địa Điểm Thu Hút Đầu Tư
- Tổng Hợp Động Cơ Tìm Kiếm Sự Hiệu Quả - Lợi Thế Chi Phí Kí Hiệu Tên Biến Đo Lường Nguồn
- Nghiên Cứu Định Tính Dựa Vào Phương Pháp Thu Thập Dữ Liệu
- Phân Tích Nhân Tố Khẳng Định Cfa Để Kiểm Định Thang Đo
- Kết Quả Phát Triển Thang Đo Định Tính Về “Lợi Thế Tài Nguyên” Kí Hiệu Tên Biến Đo Lường Nguồn
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
Nguồn: Tác giả tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm trước đây
Về cơ bản lý thuyết động cơ đầu tư bổ sung thêm động cơ tìm kiếm tài nguyên du lịch là hoàn toàn phù hợp và đầy đủ hơn lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế. Lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế có đề cập đến việc tìm kiếm tài nguyên vật lý: các nguyên liệu thuốc lá, dầu, vàng, kim loại… tuy nhiên được xếp vào nhóm động cơ tìm
kiếm lợi thế chi phí. Lý thuyết động cơ đầu tư bổ sung thêm nhóm động cơ tìm kiếm tài nguyên, tuy nhiên với lĩnh vực đặc thù ngành du lịch – khách sạn thì bổ sung thêm nhân tố tài nguyên du lịch. Về cơ bản động cơ tìm kiếm tài nguyên du lịch ở các nghiên cứu trước đây có đề cập đến tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Các tài nguyên được đề cập cụ thể là: (1) vùng đất có bờ biển đẹp; (2) hệ sinh thái rừng và động vật độc đáo; (3) vùng đất có khí hậu trong lành; (4) các di sản văn hóa; (5) các sự kiện nổi bật.
Về động cơ tìm kiếm thị trường các tác giả về cơ bản có sự tương đồng nhau về kết quả nghiên cứu.
Về động cơ tìm kiếm sự hiệu quả ở trên có thể phân thành 3 nhóm chính tương tự như lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế là: (1) tính khả dụng và chi phí sử dụng tài nguyên vật lý và nguồn nhân lực giá rẻ; (2) cơ sở hạ tầng; (3) môi trường đầu tư bao gồm chính sách thút và ưu đãi đầu tư, các quy định và hạn chế, môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, các biến đo lường môi trường đầu tư là chưa đầy đủ và chỉ mới đề cập đến các biến: (1) địa phương có sẵn mặt bằng đất đai; (2) chính quyền giải quyết công bằng; (3) các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt; (4) tính minh bạch tại địa phương tốt; (5) chi phí không chính thức. Đây chính là khiếm khuyết cần hoàn thiện hơn cho các nghiên cứu tiếp theo. (Chi tiết các phân tích, đánh giá, so sánh các nghiên cứu về kết quả, phương pháp nghiên cứu, ưu nhược điểm xem phụ lục 1 và 2)
Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm về tính hấp dẫn của điểm đến chỉ mới chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn tổng thể của điểm đến đầu tư. Chưa chỉ ra mối quan hệ tiếp theo giữa thái độ về tính hấp dẫn tổng thể của điểm đến đầu tư đối với ý định đầu tư. Những khiếm khuyết này sẽ là tiền đề cho nghiên cứu của tác giả và các nghiên cứu khác hoàn thiện hơn.
2.5 Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
2.5.1 Mô hình nghiên cứu
Tựu trung lại, qua quá trình tổng quan các nghiên cứu trước đây, nhìn chung các nghiên cứu trước đây hầu hết đều sử dụng nghiên cứu định lượng đó là phân tích nhân tố khám phá, hồi quy OLS và sử dụng dữ liệu bảng. Về cơ sở lý thuyết hầu như các nghiên cứu về lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nói chung và cho ngành du lịch khách sạn nói riêng đa số đều sử dụng lý thuyết nền tảng là lý thuyết vị trí sản xuất quốc tế, một số ít có kết hợp thêm lý thuyết chiết trung. Hầu hết các nguyên cứu đều chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng gồm nhân tố kinh tế, thị trường tiềm năng, nhân tố tài nguyên, nhân tố cơ sở hạ tầng, lao động; nhân tố chính sách; nhân tố tài chính... Tóm lại, theo nghiên cứu
này, các nhà nghiên cứu tin rằng sự khích lệ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương khác (có thể ở trong hoặc ngoài quốc gia đó) có thể là do thị trường tại khu vực của họ không còn hấp dẫn nữa (Lu và cộng sự, 2011; Masron và cộng sự, 2010; Kayam, 2009; UNCTAD, 2006), chi phí kinh doanh cao (Masron và cộng sự, 2010; Kayam, 2009), tài nguyên ngày càng cạn kiệt hoặc khó tiếp cận (Masron và cộng sự, 2010; UNCTAD, 2006), cơ sở hạ tầng (Kayam, 2009), thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc đưa ra các hỗ trợ và chính sách (Lu và cộng sự, 2011; UNCTAD, 2006b; Masron và Shahbudin, 2010). Nhìn chung, đa phần các nhân tố này chưa được gom thành các nhóm động cơ thu hút nhà đầu tư đó là: động cơ tìm kiếm thị trường, động cơ tìm kiếm sự hiệu quả và động cơ tìm kiếm tài nguyên (Dunning 1988).
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây chỉ đưa ra được một số khía cạnh về môi trường đầu tư nhưng chưa đầy đủ. Vấn đề này đã được thể hiện trong nghiên cứu của Chính phủ Ontario (2009), sử dụng nghiên cứu định tính phát hiện ra, nhưng chưa được sử dụng trong nghiên cứu định lượng. Nhân tố này bao gồm các biến đo lường: tính cạnh tranh, sự công bằng trong pháp lý của chính quyền, phản ứng của chính quyền, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận tài nguyên và sử dụng tài nguyên, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện quy định nhà nước, chi phí không chính thức. Và các nhân tố này đã được sử dụng ở Việt Nam trong đo lường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Tuy nhiên, những nhân tố này chưa được đưa vào nghiên cứu trong mô hình đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến thu vốn đầu tư ở các lĩnh vực nói chung và du lịch nói riêng.
Về nhân tố “Tài nguyên” các tác giả trước đây chỉ đề cập đến “tài nguyên tự nhiên” mà chưa đề cập đến “tài nguyên văn hóa” trong du lịch. Tài nguyên du lịch hấp dẫn có thể chia thành 5 nhóm: (1) văn hoá (như viện bảo tàng, phòng trưng bày, nhà thờ, lâu đài...), (2) thiên nhiên (như các bãi biển, núi, hồ), (3) các sự kiện (lễ hội, thể thao), (4) giải trí ban ngày (như chèo thuyền, leo núi, trượt tuyết), và (5) giải trí buổi đêm (Buhalis, 2000; Brent Ritchie, 1984; Swarbrooke và Page, 2012).
Nghiên cứu của Dunning (1988) đã chỉ ra 3 động cơ để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vốn vào một quốc gia, một địa phương đó là: tìm kiếm thị trường, tìm kiếm tài nguyên, tìm kiếm sự hiệu quả. Chính vì điều này, nên trong nhóm nhân tố tính hấp dẫn của điểm đến du lịch thu hút các nhà đầu tư, tác giả cũng chia làm 3 nhóm nhân tố hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch gồm: Thị trường du lịch tiềm năng; Tài nguyên du lịch hấp dẫn và lợi thế chi phí và lợi nhuận cao.
Ngoài ra, vì đề tài chỉ nghiên cứu tính hấp dẫn của điểm đến du lịch thu hút các nhà đầu tư, cho nên nghiên cứu chỉ để cập đến lý thuyết vị trí sản xuất quốc tế và lợi
thế vị trí trong lý thuyết chiết trung của Dunning. Nghiên cứu thực nghiệm lý thuyết vị trí sản xuất quốc tế về du lịch và khách sạn đã chỉ ra: “thị trường tiềm năng; tài nguyên du lịch; yếu tố đầu vào chất lượng, chi phí thấp; cơ sở hạ tầng; chính sách thu hút đầu tư; sự ổn định về chính trị, xã hội, kinh tế là những nhân tố hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn và du lịch”.
Hơn nữa, các nghiên cứu thực nghiệm trước đây chỉ dừng lại ở việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư. Điều này là chưa đủ và chưa hoàn thiện, nghiên cứu của tác giả sẽ tiến sâu hơn 1 bước nữa đó là tìm ra mối quan hệ giữa thái độ của nhà đầu tư về tính hấp dẫn điểm đến và ý định đầu tư.
Nhận thức được khoảng trống nghiên cứu trước đây, đồng thời dựa trên cơ sở lý thuyết vị trí sản xuất quốc tế và những lý thuyết kể trên kết hợp với những nghiên cứu thực nghiệm kể trên, tác giả xin được đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
Thị trường du lịch tiềm năng
Lợi thế tài nguyên du lịch
Cơ sở hạ tầng du lịch
Thái độ về tính hấp dẫn tổng thể của điểm đến
du lịch
Môi trường đầu tư (PCI)
Lợi thế chi phí
Ý định đầu tư
Hình 2.3: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: tác giả đề xuất
2.5.2 Giả thuyết nghiên cứu
Theo lý thuyết vị trí sản xuất quốc tế thì các doanh nghiệp sẽ hướng đến nơi nào tạo ra được cho họ lợi thế chi phí, lợi thế thị trường tăng doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời theo Dunning (1988) động cơ tìm kiếm tài nguyên sẽ tạo ra lợi thế chi phí cho các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp du lịch có lợi thế tài nguyên sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư cảnh quan để thu hút khách, ngoài ra nó là lợi thế thu hút khách làm tăng doanh thu cho doanh nghiệp du lịch (Ussi và Wei, 2011; Guillet và cộng sự, 2011; Yang và Fik, 2011; Zhang và cộng sự, 2012; Drakulić Kovačević và cộng sự, 2017; Polyzos và Minetos, 2011). Vì vậy, giả thuyết đầu tiên được đặt ra là:
H1: Lợi thế tài nguyên du lịch có tác động cùng chiều đến tính hấp dẫn của đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch
Trên thực tế cơ sở hạ tầng du lịch góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí như chi phí vận chuyển, chi phí xây dựng, chi phí điện, nước, giải phóng mặt bằng… Ngoài ra cơ sở hạ tầng du lịch góp phần tạo thuận lợi cho du khách đến với doanh nghiệp thuận lợi hơn, từ đó góp phần giảm rào cản giữa doanh nghiệp du lịch và du khách (Endo, 2006; Johnson và Vanetti, 2005; Ussi và Wei, 2011; Assaf và cộng sự, 2015; Santos và cộng sự, 2016). Vì vậy, giả thuyết thứ hai được đặt ra là:
H2: Cơ sở hạ tầng du lịch có tác động cùng chiều đến tính hấp dẫn của đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch
Lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế và các nghiên cứu thực nghiệm về lý thuyết này trong lĩnh vực du lịch hầu hết đều chỉ ra quy mô thị trường, sự tăng trưởng của thị trường, nhu cầu khách tăng là có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của nhà đầu tư (Johnson và Vanetti, 2005; UNCTAD, 2007; Snyman và Saayman, 2009; Polyzos và Minetos, 2011; Li và cộng sự, 2018). Điều này cũng rất dễ hiểu vì thị trường du lịch tiềm năng sẽ là yếu tố tạo cho doanh nghiệp có sự chắc chắn hơn về lợi nhuận trong quyết định đầu tư. Vì vậy, giả thuyết thứ 3 được đề nghị là:
H3: Lợi thế kinh tế (thị trường du lịch tiềm năng) có tác động cùng chiều đến tính hấp dẫn của đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch
Trên thực tế địa phương có một môi trường đầu tư tốt sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí về thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, giảm chi phí tiếp cận thông tin, giảm chi phí đi lại, giảm chi phí không chính thức…Và ngược lại môi trường đầu tư xấu sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Endo (2006); UNCTAD (2006); Masron và Shahbudin (2010); Lu và cộng sự (2011); Adam và Amuquandoh (2013); Santos và cộng sự (2016) đã chứng minh “Chính sách và môi trường đầu tư” có ảnh hưởng cùng chiều đến sự thu hút nhà đầu tư. Vị vậy, giả thuyết thứ 4 được tác giả đặt ra là:
H4: Môi trường đầu tư có tác động cùng chiều đến tính hấp dẫn của đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch.
Lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế chỉ ra rằng doanh nghiệp sẽ lựa chọn địa điểm đầu tư nào mang lại lợi thế chi phí thấp cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp du lich (khách sạn, khu tham quan giải trí) cũng đều mong muốn tìm đến địa phương mang lại lợi thế chi phí thấp cho doanh nghiệp. Điều này góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (Dunning, 2002; Snyman
và Saayman, 2009; Assaf và cộng sự, 2015; Villaverde và Maza, 2015). Vì vậy, giả thuyết thứ 5 được tác giả đặt ra là:
H5: Lợi thế chi phí có tác động cùng chiều đến tính hấp dẫn của đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch.
Ajzen (1991); Ali (2011); Đinh Phi Hổ; Paramita và cộng sự (2018) đã chỉ ra thái độ của nhà đầu tư về tính hấp dẫn của điểm đến đầu tư có tác động cùng chiều đến ý định đầu tư. Vì vậy, tác giả đặt giả thuyết thứ 6 được tác giả đặt ra là:
H6: Tính hấp dẫn tổng thể điểm đến đầu tư có tác động cùng chiều đến ý định đầu tư du lịch.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 này tập trung chỉ ra được 3 lý thuyết chính có thể tương hỗ nhau giải thích cho tính hấp dẫn của điểm đến trong việc thu hút vốn đầu tư đó là: (1) lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế; (2) lý thuyết động cơ đầu tư. Hai lý thuyết này tương hỗ cho nhau trong việc xác định các nhân tố ảnh hưởng và phân nhóm các nhân tố ảnh hưởng theo nhóm động cơ đầu tư. Ngoài ra, lý thuyết hành vi dự định được dùng để xác định mối quan hệ giữa tính hấp dẫn điểm đến và ý định đầu tư. Đây là một trong những điểm mới và tiến bộ của nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước.
Ngoài nghiên cứu về cơ sở lý thuyết tác giả còn tổng hợp khoảng 50 nghiên cứu thực nghiệm có liên quan đến đề tài. Từ đó, dựa trên cơ sở lý thuyết ở trên để giải thích cho các nghiên cứu thực nghiệm này, đồng thời phân tích, tổng hợp, so sánh các nghiên cứu này để chỉ ra các khiếm khuyết mà các nghiên cứu thực nghiệm chưa đề cập đến để đề xuất cho phần nghiên cứu tiếp theo của tác giả.
Chương 3
THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến trong việc thu hút vốn
đầu tư tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
3.1 Khái quát chung
Dựa trên mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu đã được tác giả đề xuất ở phần tổng quan nghiên cứu, trong phần này nghiên cứu tập trung trình bày 2 vấn đề chính.
Một là, thiết kế quy trình nghiên cứu, phần này trình bày cách thức xây dựng thang đo, cách thức thu thập dữ liệu, xác định quy mô và kích cỡ mẫu, thiết kế nghiên cứu định lượng, thiết kế bảng câu hỏi, cách thức phân tích dữ liệu định lượng....
Hai là, kết quả phát triển thang đo trong đó thể hiện kết quả phát triển thang đo bằng phương pháp phỏng vấn sâu các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, quản lý sở kế hoạch đầu tư, trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch, nhà đầu tư lớn trên địa bàn. Trên cở sở đó, tiến hành phân tích, kiểm định thang đo này bằng nghiên cứu định lượng sơ bộ.
3.2 Quy trình nghiên cứu tính hấp dẫn của điểm đến trong việc thu hút vốn
đầu tư du lịch
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả tiến hành nghiên cứu theo 2 giai đoạn: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.