quốc tế, tăng cường hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng sinh lời của mỗi ngân hàng là cách tốt nhất để giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển một cách bền vững.
Ở cấp độ ngân hàng, khả năng sinh lợi là kết quả của việc sử dụng tập hợp các tài sản vật chất và tài sản tài chính, tức là vốn kinh tế mà ngân hàng nắm giữ. Đó là khả năng ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận từ tất cả các hoạt động kinh doanh, có tính đến mức độ rủi ro.
Khả năng sinh lợi được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau như tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA), tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE),… Để nâng cao khả năng sinh lợi, các ngân hàng phải tạo ra nguồn thu nhập ngày càng tăng, tiết kiệm chi phí hoạt động tới mức hợp lý, đồng thời phải hạn chế được rủi ro, thất thoát thông qua các chính sách, biện pháp quản lý hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho mỗi ngân hàng cũng như toàn hệ thống ngân hàng.
1.1.2 Ý nghĩa:
Đối với ngân hàng
NHTMCP hay bất cứ một doanh nghiệp khác đều hoạt động với mục tiêu là tối đa hóa khả năng sinh lợi và tăng trưởng. Đối với ngân hàng, khả năng sinh lợi có ý nghĩa rất lớn, gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh, chỉ ra hướng phát triển của các ngân hàng. Bên cạnh đó, khả năng sinh lợi là cơ sở để ngân hàng ra các quyết định kinh doanh.
Một ngân hàng có khả năng sinh lợi cao sẽ tạo điều kiện nguồn vốn đa dạng và dồi dào, làm cơ sở cho việc tạo ra các tài sản có sinh lời. Bên cạnh đó nâng cao khả năng sinh lợi là điều kiện để các NHTMCP bảo toàn vốn, là điều kiện để các NHTMCP mở rộng thị trường cho vay, đầu tư vào việc đổi mới công nghệ thu hút khách hàng.
Có thể bạn quan tâm!
- Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam - 1
- Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam - 2
- Tốc Độ Tăng Trưởng Tổng Sản Phẩm Quốc Nội Thực Tế Hàng Năm (Real Gross Domestic Product - Rgdp)
- Tổng Kết Nghiên Cứu Thực Nghiệm Các Biến Và Mối Tương Quan Theo Lý Thuyết Giữa Các Biến Độc Lập Và Các Biến Phụ Thuộc
- Thực Trạng Khả Năng Sinh Lợi Tại Các Nhtmcp Việt Nam
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
Tuy nhiên, giữa khả năng sinh lợi và rủi ro có mối quan hệ đánh đổi, khả năng sinh lợi càng cao thì rủi ro càng cao. Vì vậy, các nhà quản trị ngân hàng phải
luôn phải cân bằng sự đánh đổi giữa rủi ro và khả năng sinh lợi khi phân tích các tỷ số đo lường khả năng sinh lợi đạt được và rủi ro phải chấp nhận của các NHTMCP.
Đối với nền kinh tế
Ngân hàng là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế, khả năng sinh lợi của ngân hàng là động lực, là đòn bẩy kinh tế của xã hội. Do vậy, nếu ngân hàng hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tài chính ổn định và luôn tăng trưởng, có khả năng sinh lợi cao sẽ là yếu tố làm cho khu vực tài chính được lành mạnh hóa, góp phần ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế.
Trong môi trường cạnh tranh quốc tế, nâng cao khả năng sinh lợi của mỗi ngân hàng là cách tốt nhất để giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển một cách bền vững, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển, tăng uy tín quốc gia.
1.1.3 Xác định khả năng sinh lợi
Để đo lường khả năng sinh lợi, các ngân hàng cần phải xem xét mức lợi nhuận, khả năng bù đắp chi phí cho những thất thoát xảy ra. Khả năng sinh lợi của ngân hàng thường được đo lường bằng các chỉ tiêu sau đây:
1.1.3.1 Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (Return on asset - ROA)
Tỷ số lợi nhuận trên tài sản là một tỷ số tài chính dùng để đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của ngân hàng. Chỉ tiêu này thể hiện tương quan giữa mức sinh lợi của ngân hàng so với tài sản của nó. ROA là tỷ lệ quan trọng nhất trong so sánh hiệu quả hoạt động của ngân hàng vì nó cho ta biết hiệu quả của ngân hàng trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời.
Tỷ lệ ROA được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng chia cho tổng tài sản có bình quân của từng thời kỳ.
ROA =
Lợi nhuận ròng Tổng tài sản
1.1.3.2 Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on equity - ROE)
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường (Sehrish Gul, Faiza Irshad và Khalid Zaman (2011).
Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lời. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là tỷ lệ thu nhập ròng trên tổng vốn chủ sở hữu (Fraker, 2006). ROE được tính bằng công thức sau đây:
ROE =
Lợi nhuận ròng Tổng vốn chủ sở hữu
1.1.3.3 Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng (Return on capital employed - ROCE)
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng là chỉ số thể hiện khả năng thu lợi nhuận của ngân hàng dựa trên lượng vốn đã sử dụng (Fogelberg và Griffith, 2000).
ROCE được tính toán theo công thức:
ROCE =
Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) Vốn chủ sở hữu
Trong đó: Vốn sử dụng = Tổng tài sản – nợ ngắn hạn
1.1.3.4 Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (Net interest margin - NIM)
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần là yếu tố thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. NIM chỉ tính đến lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động của ngân hàng theo mức tài sản có sinh lời (Naceur and Goaied, 2001).
NIM được tính bằng công thức sau đây:
NIM =
Thu nhập lãi – Chi phí lãi Tổng Tài sản Có sinh lời
Trong đó, thu nhập lãi bao gồm các khoản thu nhập từ hoạt động cho vay và đầu tư chứng khoán. Chi phí lãi bao gồm chi phí trả lãi tiền gửi và nợ khác của ngân hàng. Tài sản có sinh lời là những tài sản mang lại lợi nhuận cho ngân hàng như cho vay khách hàng, các khoản đầu tư, cho vay liên ngân hàng, tiền gửi tại NHNN,…
Tỷ lệ NIM cao là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ngân hàng đang thành công trong việc quản lý tài sản và nợ. Ngược lại, NIM thấp sẽ cho thấy ngân hàng gặp khó khăn trong việc tạo lợi nhuận.
1.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi tại NHTM
Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng có thể được phân thành hai nhóm: các nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài. Các nhân tố bên trong là các nhân tố phụ thuộc vào các quyết định và các chính sách quản lý mang tính chủ quan của ngân hàng, như quy mô ngân hàng, vốn chủ sở hữu, tiền gửi của khách hàng, cho vay khách hàng, tính thanh khoản, nợ xấu và rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, khả năng sinh lợi của ngân hàng thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài ngân hàng như lạm phát, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế hàng năm, giá trị vốn hóa thị trường của tài sản và tỷ lệ lãi suất thực.
1.2.1 Các nhân tố bên trong ngân hàng
1.2.1.1 Quy mô ngân hàng (Bank size - SIZE)
Quy mô ngân hàng thường được sử dụng để nắm bắt các lợi thế kinh tế và tính phi kinh tế nhờ quy mô trong ngân hàng (Ayadi và Boujelbene). Với tính lợi thế kinh tế nhờ quy mô, các ngân hàng có quy mô tài sản lớn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi trong quá trình mở rộng phân phối sản phẩm, dịch vụ, tiết kiệm các chi phí trong giao dịch, từ đó có thể tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính phi kinh tế nhờ quy mô có thể xuất hiện khi quy mô ngân hàng quá lớn, việc quản trị khối tài sản này đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và tốn kém nhiều chi phí, từ đó sẽ
làm giảm lợi nhuận. Nếu lợi thế kinh tế nhờ quy mô có ý nghĩa thì mối quan hệ giữa quy mô ngân hàng và khả năng sinh lợi là tương quan dương (Goddard et al., 2004).
Quy mô ngân hàng được tìm thấy có mối tương quan thuận với khả năng sinh lợi của ngân hàng trong nghiên cứu của Athanasoglou et al. (2006) và Adem Anbar (2011). Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Hassan và Bashir (2003); Sufian và Razali (2008) lại cho thấy mối tương quan nghịch giữa quy mô ngân hàng và khả năng sinh lợi.
1.2.1.2 Vốn chủ sở hữu (Capital - CA)
Vốn chủ sở hữu là lượng tiền mà ngân hàng phải có để hoạt động, là nguồn vốn riêng của ngân hàng do chủ sở hữu đóng góp và nó còn được tạo ra trong quá trình kinh doanh dưới dạng lợi nhuận giữ lại.
Bashr (2000), Abruand mendes (2002), Kosmidou et al. (2005), Alper và Anbar (2011) đã sử dụng biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu làm biến độc lập trong các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng, kết quả nghiên cứu cho thấy vốn chủ sở hữu có mối tương quan thuận với khả năng sinh lợi của ngân hàng.
Vốn chủ sở hữu là một yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Chỉ tiêu này giúp đánh giá được khả năng thanh toán của ngân hàng trong trường hợp ngân hàng gặp thua lỗ.
1.2.1.3 Tiền gửi của khách hàng (Deposits – DP)
Tiền gửi của khách hàng là nguồn huy động vốn chính của ngân hàng, vì vậy nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng (Gul et al., 2011). Do đây là nguồn vốn huy động chủ yếu nên thu hút càng nhiều thì ngân hàng thương mại càng có khả năng đạt lợi nhuận cao hơn vì có vốn mạnh ngân hàng dễ dàng đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay và mở rộng thêm các hoạt động sinh lời khác.
Tiền gửi của khách hàng được tìm thấy có mối tương quan thuận trong các nghiên cứu của Javaid et al. (2011), Alper và Anbar (2011).
1.2.1.4 Cho vay (LOAN)
Cho vay là một hoạt động giữ vai trò quan trọng, khoản mục cho vay thường chiếm tỷ lệ khá lớn trên tổng tài sản của ngân hàng, vì thế lợi nhuận đem lại từ cho vay là nguồn lợi nhuận chủ yếu cho ngân hàng. Các nghiệp vụ cho vay sẽ mang lại lợi nhuận cho ngân hàng từ thu nhập lãi vay. Tuy nhiên hầu hết rủi ro của ngân hàng đều nằm trong lĩnh vực cho vay khi tăng trưởng của hoạt động cho vay không đi cùng với việc kiểm soát chất lượng.
Burki và Niazi (2006); Gul, Irshad và Zaman (2011) đã công bố kết quả tương quan thuận giữa tỷ lệ cho vay khách hàng và khả năng sinh lợi của ngân hàng. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Alper và Anbar (2011); Syfari (2012) lại tìm thấy mối tương quan nghịch giữa tỷ lệ cho vay khách hàng và khả năng sinh lợi của ngân hàng.
1.2.1.5 Tính thanh khoản (Liquidity - LQD)
Tính thanh khoản của ngân hàng là khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Một ngân hàng có tính thanh khoản cao khi có nhiều tài sản thanh khoản hoặc có khả năng mở rộng nguồn vốn nhanh với chi phí thấp.
Trong hoạt động của ngân hàng thì việc duy trì thanh khoản là mục tiêu vô cùng quan trọng nếu rủi ro thanh khoản xảy ra có thể làm suy giảm lợi nhuận của ngân hàng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến phá sản. Ngân hàng có thể phải rơi vào tình thế chấp nhận cho vay một cách miễn cưỡng do phải huy động vốn với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay, từ đó làm giảm khả năng sinh lợi.
Demirguc-Kunt và Huizinga (2001), Kosmidou et al. (2004) đã tìm thấy mối tương quan thuận giữa tính thanh khoản và khả năng sinh lợi của ngân hàng. Kết
quả nghiên cứu cho thấy ngân hàng có tính thanh khoản cao hơn sẽ có khả năng sinh lợi cao hơn. Trong khi đó, ngược lại với kết quả nghiên cứu trên, Molyneux và Thorton (1992) kết luận rằng mối quan hệ giữa tính thanh khoản và khả năng sinh lợi là mối tương quan nghịch. Như vậy, mối tương quan giữa tính thanh khoản và khả năng sinh lợi của ngân hàng là khó xác định được.
1.2.1.6 Nợ xấu (Nonperforming loan - NPL)
“Một khoản vay được coi là nợ xấu khi quá hạn thanh toán gốc hoặc lãi 90 ngày hoặc hơn; khi các khoản lãi suất đã quá hạn 90 ngày hoặc hơn đã được vốn hóa, cơ cấu lại, hoặc trì hoãn theo thỏa thuận; khi các khoản thanh toán đến hạn dưới 90 ngày nhưng có thể nhận thấy các dấu hiệu rõ ràng cho thấy người vay sẽ không thể hoàn trả nợ đầy đủ (ví dụ khi người vay phá sản). Sau khi khoản vay được xếp vào danh mục nợ xấu, nó hoặc bất cứ khoản vay thay thế nào cũng nên được xếp vào danh mục nợ xấu cho tới thời điểm phải xóa nợ hoặc thu hồi được lãi và gốc của khoản vay thay thế.” (IMF’s Compilation Guide on Financial Soundness Indicators, 2004).
Vong và Hoi (2009), Ramadan, Kilani và Kaddumi (2011) đã sử dụng biến nợ xấu trong mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy nợ xấu có mối tương quan nghịch với khả năng sinh lợi của ngân hàng.
Nợ xấu có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, do đó cần được theo dõi quản lý chặt chẽ.
1.2.1.7 Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là khả năng không trả được nợ của người đi vay đối với người cho vay khi đến hạn phải thanh toán. Hoạt động cho vay là một trong những hoạt động chính của ngân hàng thương mại nên rủi ro tín dụng là một nhân tố quan trọng, đòi hỏi các ngân hàng phải có khả năng phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro
hiệu quả vì nếu ngân hàng chấp nhận nhiều khoản cho vay có rủi ro tín dụng cao thì ngân hàng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn. Điều này có thể làm giảm hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí có thể phá sản.
Athanasoglou et al. (2006), Valverde và Fernandez (2007) đã tìm thấy mối tương quan nghịch giữa rủi ro tín dụng và khả năng sinh lợi của ngân hàng trong các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng. Trong khi đó, trong nghiên cứu của Kosmidou et al. (2005) lại cho thấy rằng mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng và khả năng sinh lợi ngân hàng là mối tương quan thuận, tuy nhiên không có ý nghĩa. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng ngân hàng nên tập trung vào việc quản lý rủi ro tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng.
1.2.2 Các nhân tố bên ngoài ngân hàng
1.2.2.1 Lạm phát (Inflation - INF)
Lạm phát thể hiện sự thay đổi mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Lạm phát là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến chi phí và thu nhập của ngân hàng (Muhammad et al., 2013). Tỷ lệ lạm phát hàng năm đo lường tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tất cả hàng hóa và dịch vụ.
Những bằng chứng thực nghiệm trong nghiên cứu của Ayadi và Boujelbene (2012) đã chỉ ra rằng mối quan hệ giữa lạm phát và khả năng sinh lợi của ngân hàng là mối tương quan nghịch. Lạm phát gây ra sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô, làm cho rủi ro của ngân hàng tăng cao và khả năng sinh lợi của ngân hàng giảm xuống. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Gul, Irshad và Zaman (2011); Muhammad et al. (2013) lại cho thấy mối tương quan thuận giữa lạm phát và khả năng sinh lợi của ngân hàng. Từ những nghiên cứu trên có thể thấy tác động của lạm phát đến khả năng sinh lợi của ngân hàng có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.