Nguyên Tắc Áp Dụng Hiệp Định Và Pháp Luật Thuế Việt Nam


Cùng với các thỏa thuận về hợp tác kinh tế, các Hiệp định đã ký cũng là một thành tố tích cực đóng góp vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tạo ra những điều kiện hấp dẫn hơn về môi trường làm ăn, đầu tư ở Việt Nam, thu hút vốn, công nghệ, lao động có trình độ, kinh nghiệm quản lý vào phát triển nền kinh tế nước ta.


Các Hiệp định đã định ra những nguyên tắc xác định đối tượng cư trú, cơ sở thường trú và xác định quyền đánh thuế của quốc gia theo những nguyên tắc này; phân chia quyền đánh thuế giữa nước cư trú và nước có nguồn thu nhập phát sinh (hay nước có tài sản trong trường hợp thuế tài sản) đối với từng loại thu nhập và tài sản cụ thể; quy định biện pháp tránh đánh thuế hai lần. Đồng thời, Hiệp định cũng có những quy định khác hỗ trợ cho việc thực hiện như quy định về các xí nghiệp liên kết nhằm hỗ trợ cho việc chống tình trạng chuyển giá để trốn thuế của các công ty có quan hệ liên kết trong một tập đoàn; quy định không phân biệt đối xử giữa một tổ chức, cá nhân cư trú hoặc mang quốc tịch của một nước ký kết với tổ chức, cá nhân khác tại nước kia về áp dụng thuế suất, phương pháp tính thuế, chế độ miễn, giảm, chế độ hạch toán chi phí, xác định thu nhập chịu thuế; quy định về thủ tục thoả thuận song phương để giải quyết các khiếu nại về thuế theo Hiệp định thông qua các hình thức trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến hai bên, đàm phán song phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền; quy định trao đổi thông tin về chính sách thuế cũng như quản lý thuế, liên quan đến các loại thuế qui định trong Hiệp định, các thông tin phục vụ việc xác định thu nhập chịu thuế của một đối tượng cư trú của một nước đang hoạt động kinh doanh tại nước kia; thông tin liên quan đến việc xác định thân phận cư trú của một đối tượng nộp thuế hay xác định cơ sở thường trú, cơ sở kinh doanh cố định tại một nước.


Dù có mục đích chính là tránh đánh thuế hai lần nhưng Hiệp định còn có những nội dung khác như ngăn ngừa trốn lậu thuế và phân biệt đối xử về thuế.


Tùy thuộc vào thỏa thuận mà tên gọi của Hiệp định có thể có sự khác biệt, ví dụ như: Hiệp định giữa Việt Nam và Bungari ký năm 1996 có tên là "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bungari về tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập" ; Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản ký năm 1995 có tên là "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần đối và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập"; Hiệp định giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức ký năm 1995 có tên là "Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa liên bang Đức về tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản". Thực tế, bằng các nội dung của mình, Hiệp định không những phân định thẩm quyền về đánh thuế của hai nước ký kết mà còn giải quyết các vấn đề khác như chống lẩn tránh nghĩa vụ thuế, không phân biệt đối xử về thuế, nên mặc dù có thể tên gọi của từng Hiệp định là khác nhau nhưng nội dung của các Hiệp định này về cơ bản là giống nhau.


Ngoài ra, tùy thuộc từng Hiệp định cụ thể mà có thể có hoặc không có Nghị định thư kèm theo, ví dụ như Hiệp định giữa Việt Nam và Hà Lan ký năm 1995, Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Điển ký năm 1994 có Nghị định thư kèm theo; Hiệp định giữa Việt Nam và Na Uy ký năm 1995, Hiệp định giữa Việt Nam và Ấn Độ ký năm 1994 không có Nghị định thư. Nghị định thư là bộ phận hợp thành của Hiệp định, bổ sung, làm rõ, thống nhất cách hiểu những nội dung được nêu trong Hiệp định.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.


Đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết thì việc đàm phán, ký, phê duyệt, công bố, lưu chiểu, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ hiệu lực và bãi bỏ Hiệp định được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Hiến pháp 1992 (được sửa đổi năm 2001) và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 và các văn bản có liên quan. Riêng đối với các Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần thì các quy định về hiệu lực có điểm đặc biệt, như Điều 27 Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký năm 1993 quy định về hiệu lực như sau: “ Mỗi nước ký kết sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản thông qua đường ngoại giao việc hoàn thành các thủ tục cần phải có theo luật của nước ký kết đó để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày sau khi có những trao đổi như vậy và ngay sau đó sẽ được áp dụng:

Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài - 3


a. Đối với các khoản thuế khấu trừ tại gốc đánh trên những khoản tiền được thanh toán hay được trù ra khỏi nước dó kể từ ngày 1 tháng 1 của năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực; và


b. Đối với những khoản thuế thu nhập khác trong thời gian chịu thuế bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 của năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực.”.


Như vậy, về lý thuyết thì Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm cả hai nước ký kết hoàn tất thủ tục phê duyệt theo pháp luật trong nước. Tuy nhiên, hiệu lực thực tế của nó chỉ bắt đầu từ đầu năm dương lịch tiếp theo năm dương lịch mà Hiệp định được ký. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc Hiệp định điều chỉnh các vấn đề về nghĩa vụ thuế nên hiệu lực về mặt thời gian của Hiệp định phải được xác định phù hợp với thời gian xác định nghĩa vụ thuế (kỳ tính thuế). Như vậy, Hiệp định chỉ có hiệu lực thực tế từ ngày 1/1 năm dương lịch liền kề tiếp theo năm ký Hiệp định.


Về chấm dứt hiệu lực của Hiệp định thì điều khoản "Kết thúc" của Hiệp định thường quy định: " Hiệp định này sẽ vẫn còn hiệu lực cho tới khi một nước ký kết tuyên bố kết thúc. Mỗi nước ký kết thông qua đường ngoại giao có thể kết thúc Hiệp định bằng cách gửi thông báo kết thúc Hiệp định ít nhất 6 tháng trước khi kết thúc bất kỳ năm dương lịch nào bắt đầu sau thời hạn 5 năm kẻ từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Trong trường hợp như vậy, Hiệp định sẽ hết hiệu lực thi hành." (Điều 29 Hiệp định giữa Việt Nam và Ucraina ký năm 1996). Như vậy, Hiệp định có hiệu lực tối thiểu là 5 năm và việc đề nghị một nước ký kết chấm dứt hiệu lực của Hiệp định phải được thông báo trước ngày 1/7 của năm bất kỳ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Quy định như vậy xuất phát từ mục đích đảm bảo tính ổn định cho môi trường kinh doanh của nước ký kết và liên quan đến thời gian để xác định đối tượng cư trú.


1.4. Phạm vi áp dụng của Hiệp định


Phạm vi áp dụng của Hiệp định (thường được quy định tại Điều 1 của Hiệp định) là đối tượng cư trú của Việt Nam hoặc của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hoặc đồng thời là đối tượng cư trú của cả Việt Nam và nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, ví dụ như Điều 1 Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy sỹ ký năm 1996 quy định: “Hiệp định này được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai nước ký kết”.


Về mặt lãnh thổ, từ "Việt Nam" dùng trong Hiệp định bao gồm toàn bộ lãnh thổ quốc gia Việt Nam, kể cả lãnh hải Việt Nam và mọi vùng ở ngoài gắn liền với lãnh hải Việt Nam mà theo luật pháp Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai


thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên.


1.5. Các loại thuế được Hiệp định điều chỉnh


Các loại thuế được Hiệp định điều chỉnh (thường được quy định tại Điều 2 của Hiệp định) là các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản (thuế đánh vào tài sản thực chất là thuế đánh vào thu nhập từ việc khai thác hoặc chuyển nhượng tài sản đó). Về bản chất là thuế đánh vào thu nhập nhưng ở từng nước khác nhau thì các loại thuế này có thể có tên gọi khác nhau nên các loại thuế này được mô tả cụ thể tại Hiệp định. Theo đó, các loại thuế này gồm tất cả các loại thuế thu trên tổng thu nhập, hoặc những phần của thu nhập, bao gồm các khoản thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng động sản hoặc bất động sản, các loại thuế đánh trên tổng số tiền lương hoặc tiền công do doanh nghiệp chi trả cũng như các loại thuế đánh trên phần giá trị tăng thêm của tài sản đều được coi là thuế đánh vào thu nhập và tài sản.


Hiệp định công khai những loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản đang có hiệu lực ở cả hai nước ký kết vào thời điểm Hiệp định được ký kết. Do pháp luật thuế của mỗi nước có thể có sự thay đổi trong thời gian Hiệp định có hiệu lực nên danh mục các loại thuế được liệt kê ở Hiệp định không phải là cố định. Vì vậy, Hiệp định cũng quy định rằng Hiệp định cũng sẽ được áp dụng cho các loại thuế có tính chất tương tự hay về căn bản giống như loại thuế trên được ban hành sau ngày ký Hiệp định, các nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước ký kết sẽ thông báo cho nhau biết những thay đổi cơ bản trong pháp luật thuế của từng nước.


Các loại thuế của Việt Nam thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định hiện nay là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại các Hiệp


định ký kết trước đây, trong danh mục các loại thuế mà Việt Nam cam kết thực hiện tránh đánh thuế hai lần còn có thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhưng loại thuế này đã được bãi bỏ từ ngày 1/1/2004 theo quy định tại Thông tư số 26/2004/TT-BTC ngày 31/3/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp tái đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, " Từ ngày 1/1/2004, các khoản thu nhập hợp pháp mà các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài thu được do tham gia đầu tư vốn dưới bất kỳ hình thức nào theo qui định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, kể cả cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước và người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (bao gồm cả số thuế thu nhập đã được hoàn trả cho số thu nhập tái đầu tư và thu nhập do chuyển nhượng vốn, mua cổ phần), khi chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc giữ lại ngoài Việt Nam không phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (kể cả khoản lợi nhuận phát sinh trước ngày 31/12/2003)" (Điểm 1 Mục I Thông tư số 26/2004/TT-BTC).‌


1.6. Nguyên tắc áp dụng Hiệp định và pháp luật thuế Việt Nam


1.6.1. Áp dụng Hiệp định


Sự khác biệt giữa các quy định của Hiệp định và pháp luật thuế Việt Nam là không thể tránh khỏi. Theo quy định của Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 thì: "1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.


2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.


3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.". Phù hợp với quy định trên, các văn bản quy phạm pháp luật thuế của Việt Nam cũng đều quy định ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế khi có sự khác nhau giữa điều ước, như Điều 9 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định: "Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó" hoặc Điểm 1 Mục III Phần A Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Thông tư số 133/2004/TT-BTC) cũng quy định: " Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định tại Hiệp định và các quy định tại luật thuế trong nước thì sẽ áp dụng theo các quy định của Hiệp định". Như vậy, trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định tại Hiệp định và các quy định của pháp luật thuế trong nước thì áp dụng các quy định của Hiệp định.


1.6.2. Áp dụng pháp luật thuế Việt Nam


Mục đích chính của Hiệp định là tránh đánh thuế hai lần, qua đó làm giảm nghĩa vụ thuế cho các đối tượng nộp thuế. Chính vì vậy mà "Hiệp định không tạo ra các nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với luật thuế trong nước" (Điểm 2 Mục III Phần A Thông tư số 133/2004/TT-BTC). Về cơ bản, Hiệp định chỉ phân định quyền đánh thuế của các nước ký kết để tránh đánh thuế hai lần. Trên cơ sở quyền đánh thuế được phân định theo Hiệp định, các nước đánh thuế và thu thuế theo nội luật của nước mình. Tuy nhiên, trong trường hợp tại một Hiệp định quy định Việt Nam có quyền thu thuế đối với một loại thu nhập nào đó nhưng tại thời điểm áp dụng Hiệp định đối với một đối tượng cụ thể mà theo pháp luật thuế Việt Nam chưa có quy định thu thuế đối với loại thu nhập đó hoặc quy định thu mức thấp hơn so với Hiệp định thì áp dụng theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam. Như vậy, trường hợp có sự khác nhau giữa Hiệp định và pháp luật thuế Việt Nam và việc áp dụng pháp luật thuế Việt Nam có lợi hơn cho đối tượng nộp thuế thì áp dụng pháp luật thuế Việt Nam.


1.7. Không phân biệt đối xử


Với sự phân định quyền đánh thuế thì các quy định về tránh đánh thuế hai lần của Hiệp định mới chỉ giải quyết được việc đánh thuế trùng lặp của hai hệ thống thuế đối với thu nhập của một đối tượng. Việc đánh thuế cụ thể như thế nào (thủ tục, thuế suất) là do nội luật từng nước ký kết quy định. Để tránh phân biệt đối xử khi đối tượng cư trú của một nước ký kết thực hiện nghĩa vụ thuế theo nội luật của nước ký kết kia, Hiệp định có quy định về không phân biệt đối xử.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/10/2023