Quyền đánh thuế của một quốc gia vào thu nhập của một đối tượng phát sinh trên cơ sở một trong hai hoặc cả hai yếu tố: sự cư trú và thu nhập.
Cư trú đối với cá nhân được xác định cơ sở một số tiêu thức như sự có mặt của cá nhân trên lãnh thổ một quốc gia trong một thời gian nhất định, sự gắn bó của cá nhân với một quốc gia căn cứ vào các mối quan hệ quốc tịch, nhà ở thường trú...; đối với doanh nghiệp thì yếu tố cư trú được xem xét căn cứ vào việc doanh nghiệp đó thành lập và hoạt động theo pháp luật nước nào.
Thu nhập là các khoản tiền thu được từ lợi nhuận kinh doanh, tiền lương, cho thuê tài sản, cổ tức....phát sinh trên lãnh thổ một quốc gia mà theo pháp luật thuế của quốc gia phát sinh thu nhập và/hoặc quốc gia mà cá nhân hoặc doanh nghiệp đó là đối tượng cư trú là thu nhập chịu thuế và bị đánh thuế. Việc đánh thuế vào các khoản thu nhập này không phụ thuộc vào nơi nhận và trả thu nhập (nơi nhận hoặc trả thu nhập có thể nằm ngoài lãnh thổ của một hoặc cả hai quốc gia mà đối tượng đó có nghĩa vụ thuế).
Xem xét yếu tố cư trú và thu nhập trong việc hình thành quan hệ thuế thì có các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Đối tượng cư trú của một nước và thu nhập phát sinh trên lãnh thổ nước đó. Trường hợp này quan hệ thuế hoàn toàn do luật thuế trong nước điều chỉnh.
Trường hợp 2: Đối tượng cư trú ở một nước nhưng không có thu nhập chịu thuế. Trường hợp này không phát sinh quan hệ thuế do không có đối tượng chịu thuế (khoản thu nhập bị đánh thuế).
Trường hợp 3: Đối tượng cư trú của nước một nước nhưng có thu nhập phát sinh trên lãnh thổ nước khác. Trường hợp này một đối tượng có nghĩa vụ thuế với cả nước cư trú và nước phát sinh thu nhập.
Trường hợp 4: Không phải đối tượng cư trú của một nước nhưng có thu nhập phát sinh trên lãnh thổ nước đó. Trường hợp này đối tượng có nghĩa vụ thuế với cả nước cư trú và nước phát sinh thu nhập.
Bên cạnh yếu tố cư trú và thu nhập thì còn cần xem xét đến yếu tố thời gian xác định nghĩa vụ thuế, đó là kỳ tính thuế. Kỳ tính thuế là khoảng thời gian để xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế. Có sự khác biệt về kỳ tính thuế giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú. Xuất phát từ tính không thường xuyên về nghĩa vụ thuế đối với đối tượng không cư trú mà kỳ tính thuế thu nhập đối với đối tượng này là từng lần phát sinh thu nhập chịu thuế. Kỳ tính thuế đối với thuế đánh vào các loại thu nhập có tính ổn định của đối tượng cư trú thường là năm dương lịch. Đối với các loại thu nhập có tính không thường xuyên của đối tượng cư trú, kỳ tính thuế cũng được xác định theo từng lần phát sinh. Điều 5 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam quy định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, đối với doanh nghiệp nước ngoài là từng lần phát sinh thu nhập. Điều 7 Luật thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam quy định kỳ tính thuế thu nhập thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú được xác định theo năm đối với các loại thu nhập có tính ổn định như thu nhập từ tiền lương, tiền công, tính theo từng lần phát sinh thu nhập đối với các loại thu nhập phát sinh không thường xuyên như thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng...; đối với cá nhân không cư trú thì kỳ tính thuế là từng lần phát sinh thu nhập. Quy định về kỳ tính thuế của Việt Nam là phù hợp và tương đồng với các quốc gia khác. Pháp luật thuế các nước khác như Cộng
hòa Pháp, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa... cũng quy định về kỳ tính thuế thu nhập tương tự như vừa nêu.
Một khoản thu nhập của một đối tượng nêu ở trường hợp 3 hoặc 4 được xem là bị đánh thuế hai lần khi nó bị cả hai nước đánh thuế trong cùng một kỳ tính thuế, tức là được tính vào thu nhập chịu thuế để tính toán số thuế phải nộp trong một kỳ tính thuế ở nước cư trú đối với các loại thu nhập thường xuyên, đồng thời cũng bị đánh thuế ở nước phát sinh thu nhập theo lần phát sinh thu nhập hoặc bị đánh thuế theo lần phát sinh thu nhập ở cả hai nước đối với các loại thu nhập không thường xuyên.
Qua xem xét 4 trường hợp nêu trên thì trường hợp 3 và 4 sẽ xảy ra tình trạng cả nước cư trú và nước có thu nhập phát sinh đều đánh thuế đối với một khoản thu nhập của một đối tượng, và kết quả là một khoản thu nhập của một đối tượng bị đánh thuế hai lần.
Tuy cả các điều ước quốc tế về tránh đánh thuế hai lần và các văn bản quy phạm pháp luật trong nước đều chưa nêu định nghĩa về đánh thuế hai lần (hoặc tránh đánh thuế hai lần), nhưng qua xem xét trường hợp 3 và 4 vừa nêu thì chúng ta có thể nhận thấy đánh thuế hai lần có những đặc điểm sau:
- Một khoản thu nhập của một đối tượng (cá nhân hoặc doanh nghiệp) trong một kỳ tính thuế cùng chịu sự điều tiết của hai sắc thuế tương tự ở hai nước khác nhau;
- Hai nước đều xác định một đối tượng (cá nhân hoặc doanh nghiệp) là đối tượng nộp thuế của nước mình;
Như vậy, đánh thuế hai lần là việc áp dụng hai sắc thuế tương tự tại hai quốc gia đánh vào một khoản thu nhập của một đối tượng trong cùng một kỳ tính thuế.
1.2. Xóa bỏ việc đánh thuế hai lần
1.2.1. Sự cần thiết xóa bỏ việc đánh thuế hai lần
Trong bối cảnh việc kinh doanh của các thể nhân, pháp nhân không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã mở rộng ra ngoài biên giới, có sự dịch chuyển các luồng vốn, công nghệ, các dòng đầu tư từ nơi có điều kiện kinh doanh kém thuận lợi đến nơi có cơ hội, điều kiện kinh doanh tốt hơn thì việc đánh thuế hai lần rõ ràng tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế quốc tế, ảnh hưởng không tốt đến giao lưu kinh tế quốc tế.
Chính vì vậy, cùng với tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, các quốc gia cũng nhận thấy sự cần thiết của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế. Sự hợp tác về thuế giữa các quốc gia không những chỉ diễn ra trong việc thống nhất cắt giảm thuế quan để thúc đẩy thương mại quốc tế mà còn cả trong việc cùng nhau xóa bỏ việc đánh thuế hai lần thông qua việc phân định thẩm quyền đánh thuế.
1.2.2. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Thực hiện việc hợp tác trong lĩnh vực xóa bỏ đánh thuế hai lần, thông thường, các quốc gia ký kết với nhau một Hiệp định song phương nhằm loại bỏ tình trạng đánh thuế hai lần và thường có tên gọi là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Việc đánh thuế hai lần chỉ xảy ra đối với các loại thuế đánh vào thu nhập hoặc tài sản (thực chất là thu nhập từ việc khai thác hoặc chuyển nhượng tài sản); không xảy ra việc đánh thuế hai lần đối với các sắc thuế khác, ví dụ như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt do các loại thuế này chỉ đánh vào hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia cụ thể hoặc thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ đánh vào hàng hóa khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Do đó, việc hợp tác giữa các nước để xóa bỏ tình trạng đánh thuế hai lần chỉ tập trung vào các loại thuế đánh vào thu nhập.
Thông qua Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hai nước ký kết căn cứ vào tính chất của các loại thu nhập để phân định quyền đánh thuế của mình như sau:
- Quyền đánh thuế đối với một số loại thu nhập được dành hoàn toàn cho một nước ký kết, nước ký kết kia có nghĩa vụ từ bỏ quyền đánh thuế đối với những loại thu nhập này. Như vậy, những khoản thu nhập thuộc loại này chỉ bị đánh thuế ở một nước;
- Đối với một số loại thu nhập, cả hai nước ký kết đều có quyền đánh thuế nhưng nước cư trú có nghĩa vụ công nhận và thực hiện khấu trừ số tiền thuế đã nộp ở nước có nguồn thu nhập số tiền thuế khi tính toán số thuế thu nhập phải nộp tại nước mình (nước cư trú). Với việc công nhận và cho khấu trừ số thuế đã nộp ở nước có nguồn thu nhập thì nước cư trú đã từ bỏ một phần quyền đánh thuế của mình, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế phải thực hiện ở nước cư trú giảm tương ứng với số tiền thuế được khấu trừ.
1.3. Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các
nước
Từ khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã đàm phán ký kết nhiều hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước. Tính đến tháng 4/2009, số Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (sau đây viết tắt là Hiệp định) mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và các vùng lãnh thổ là 58 hiệp định, trong đó có 47 hiệp định đã có hiệu lực và 11 hiệp định chưa có hiệu lực. Cụ thể như sau:
Tên nước | Ngày, địa điểm ký | Ngày có hiệu lực | |
01 | Ôxtrâylia | 13/10/1992 - Hà Nội | 30/12/1992 |
02 | Pháp | 10/02/1993 - Hà Nội | 01/7/1994 |
03 | Thái Lan | 23/12/1992 - Hà Nội | 29/12/1992 |
04 | Nga | 27/5/1993 - Hà Nội | 21/3/1996 |
05 | Thụy Điển | 24/3/1994 - Stockholm | 08/8/1994 |
06 | Hàn Quốc | 20/5/1994 - Hà Nội | 11/9/1994 |
07 | Anh | 09/4/1994 - Hà Nội | 15/12/1994 |
08 | Singapore | 02/3/1994 - Hà Nội | 09/9/1994 |
09 | Ân Độ | 07/9/1994 - Hà Nội | 02/02/1995 |
10 | Hung-ga-ri | 26/8/1994 - Budapest | 30/6/1995 |
11 | Ba Lan | 31/8/1994 - Vác-sa-va | 28/01/1995 |
12 | Hà Lan | 24/01/1995- Hague | 25/10/1995 |
13 | Trung Quốc | 17/5/1995 – Bắc Kinh | 18/10/1996 |
14 | Đan Mạch | 31/5/1995 - Copenhagen | 24/4/1996 |
15 | Na uy | 01/6/1995 - Oslo | 14/4/1996 |
Có thể bạn quan tâm!
- Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài - 1
- Nguyên Tắc Áp Dụng Hiệp Định Và Pháp Luật Thuế Việt Nam
- Những Quy Định Của Ðiều Này Sẽ Chỉ Áp Dụng Đối Với Các Loại Thuế Chịu Sự Điều Chỉnh Của Hiệp Định Này."(Điều 23 Hiệp Định Giữa Việt
- Các Biện Pháp Tránh Đánh Thuế Hai Lần Theo Pháp Luật Tránh Đánh Thuế Hai Lần Của Việt Nam
Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.
Tên nước | Ngày, địa điểm ký | Ngày có hiệu lực | |
16 | Nhật Bản | 24/10/1995 - Hà Nội | 31/12/1995 |
17 | Đức | 16/11/1995 - Hà Nội | 27/12/1996 |
18 | Rumani | 08/7/1995 - Hà Nội | 24/4/1996 |
19 | Ma-lai-xi-a | 07/9/1995 - KualaLumpur | 13/8/1996 |
20 | Lào | 14/01/1996 - Viên-chăn | 30/9/1996 |
21 | Bỉ | 28/02/1996 - Hà Nội | 25/6/1999 |
22 | Lúc-xăm-bua | 04/3/1996 - Hà Nội | 19/5/1998 |
23 | Udơbêkixtăng | 28/3/1996 - Hà Nội | 16/8/1996 |
24 | Ucraina | 08/4/1996 - Hà Nội | 22/11/1996 |
25 | Thuỵ Sĩ | 06/5/1996 - Hà Nội | 12/10/1997 |
26 | Mông Cổ | 09/5/1996 - Ulan Bator | 11/10/1996 |
27 | Bun-ga-ri | 24/5/1996 - Hà Nội | 04/10/1996 |
28 | Italia | 26/11/1996 - Hà Nội | 20/02/1999 |
29 | Bê-la-rút | 24/4/1997 - Hà Nội | 26/12/1997 |
30 | Séc | 23/5/1997 - Praha | 03/02/1998 |
31 | Ca-na-đa | 14/11/1997 - Hà Nội | 16/12/1998 |
32 | Inđônêxia | 22/12/1997 - Hà Nội | 10/02/1999 |
33 | Đài Bắc | 06/4/1998 - Hà Nội | 06/5/1998 |
34 | An-giê-ri | 06/12/1999 - An-giê | Chưa có hiệu lực |
35 | Mi-an-ma | 12/5/2000 - Yangon | 12/8/2003 |
36 | Phần Lan | 21/11/2001 - Hensinki | 26/12/2002 |
37 | Phi-líp-pin | 14/11/2001 - Manila | 29/9/2003 |
38 | Ai-xơ-len | 03/4/2002 - Hà Nội | 27/12/2002 |
39 | CHDCND Triều Tiên | 03/5/2002 - Bình | 12/8/2007 |
Tên nước | Ngày, địa điểm ký | Ngày có hiệu lực | |
Nhưỡng | |||
40 | Cu Ba | 26/10/2002 - La Havana | 26/6/2003 |
41 | Pa-kít-xtăng | 25/3/2004 - Islamabad | 04/02/2005 |
42 | Băng la đét | 22/3/2004 - Dhaka | 19/8/2005 |
43 | Tây Ban Nha | 07/3/2005 - Hà Nội | 22/12/2005 |
44 | Xây-sen | 04/10/2005 - Hà Nội | 07/7/2006 |
45 | Xri-Lan ca | 26/10/2005 - Hà Nội | 28/9/2006 |
46 | Ai-cập | 06/3/2006 - Cai-rô | Chưa có hiệu lực |
47 | Bru-nây | 16/8/2007 - Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bru-nây) | 01/01/2009 |
48 | Ai-len | 10/3/2008 - Dublin | Chưa có hiệu lực |
49 | Ô-man | 18/4/2008 - Hà Nội | Chưa có hiệu lực |
50 | Áo | 02/6/2008 - Viên | Chưa có hiệu lực |
51 | Xlô-va-ki-a | 27/10/2008 - Hà Nội | 29/07/2009 |
52 | Vê-nê-xu-ê-la | 20/11/2008 - Ca-ra-cát | 26/05/2009 |
53 | Ma-rốc | 24/11/2008 - Hà Nội | Chưa có hiệu lực |
54 | Hồng Kông | 16/12/2008 - Hà Nội | Chưa có hiệu lực |
55 | Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) | 16/02/2009 - Dubai | Chưa có hiệu lực |
56 | Ca-ta | 08/3/2009 - Đô ha | Chưa có hiệu lực |
57 | Cô-oét | 10/3/2009 - Cô-oét | Chưa có hiệu lực |
58 | Ix-ra-en | 04/8/2009 - Hà Nội | Chưa có hiệu lực |
(Nguồn: website Tổng cục Thuế - http://www.gdt.gov.vn)