Các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay - 2

dân Trung Quốc, là những công trình khoa học đáng quý, có tác dụng gợi mở lớn để tác giả kế thừa và phát triển trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ của mình.

- Tình hình nghiên cứu ở Trung Quốc:


Vấn đề tăng thu nhập cho nông dân do tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển kinh tế xã hội đã thu hút được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như nhiều nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc.

Những thảo luận học thuật của Trung Quốc về vấn đề thu nhập của nông dân bắt đầu từ khoảng những năm 1993, 1994, và luôn là đề tài thu hút nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI, do Trung ương ĐCS Trung Quốc ngày càng coi trọng vấn đề thu nhập của nông dân, nó càng trở thành tiêu điểm nghiên cứu lí luận. Tổng quan các thảo luận học thuật này, chủ yếu tập trung vào các phương diện: Một là, hình thức biểu hiện chủ yếu của vấn đề thu nhập của nông dân; hai là, các nguyên nhân cơ bản tạo nên vấn đề thu nhập của nông dân; ba là, kiến nghị đối sách giải quyết vấn đề thu nhập của nông dân.

Về các hình thức biểu hiện chủ yếu của vấn đề thu nhập của nông dân, các học giả tập trung phân tích theo 2 hướng đó là thu nhập của nông dân tăng trưởng chậm chạp và tăng trưởng không ổn định như: Trương Húc Hồng trong bài “Hiện trạng thu nhập nông dân nước ta (Trung Quốc) và đối sách của nó” (2001) [33]; Cao Chí Anh, “Phân tích sự tăng trưởng không ổn định trong thu nhập thuần bình quân đầu người gia đình nông thôn” (2001) [28]; GS. Cốc Nguyên Dương, “Tình trạng “tam nông” Trung Quốc: Thành tựu, vấn đề và thách thức” (2007) [4]...

Về các nguyên nhân cơ bản tạo nên vấn đề thu nhập của nông dân, các tác giả Lưu Huệ, “Những suy nghĩ và kiến nghị về việc giải quyết vấn đề thu nhập của nông dân”(1999) [34]; Mã Hiểu Hà, “Đẩy nhanh điều chỉnh kết cấu nhị nguyên thành thị nông thôn, thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân” (2001)

[32]... cho rằng các nhân tố gây ra vấn đề thu nhập của nông dân đó là những sai lầm trong chính sách điều tiết vĩ mô cùng với những rào cản về chế độ như sự phân tách giữa thành thị và nông thôn, ảnh hưởng của thể chế kinh tế kế hoạch. Cũng đề cập đến các nguyên nhân khiến thu nhập của nông dân tăng chậm, hai tác giả Trương Vi Đông, “Phân tích nhân tố quyết định tăng trưởng thu nhập của nông dân” (1994) [31], Vương Vi Nông, “Con đường cơ bản để tăng thu nhập cho nông dân” (2000) [38] cho rằng vấn đề thu nhập của nông dân trên một chừng mực nhất định chịu sự quyết định của một số quy luật kinh tế cơ bản đó là: quy luật giá cả cung cầu thị trường và định luật Enghen, trong điều kiện kinh tế thị trường, giá cả nông sản do tình hình cung cầu quyết định, kinh tế phát triển, cung và cầu đều tăng, nếu sự tăng trưởng lượng cung vượt quá sự tăng trưởng lượng cầu thì sẽ làm cho giá cả giảm xuống, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân...

Để giải quyết vấn đề thu nhập của nông dân, các học giả cũng đưa ra các kiến nghị: đẩy nhanh chuyển dịch sức lao động như Trần Tích Văn, “Thử phân tích vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn mới” (2001) [45], Trương Hiểu Sơn, “Tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nông dân” (2001) [39]; thúc đẩy đô thị hoá như Châu Thành, “Quan sát thu nhập nông dân” (2001) [30], Khương Trường Vân, “Đô thị hoá và vấn đề “tam nông””(2003) [44]; giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân như Hàn Tuấn, “Suy nghĩ về vấn đề tăng thu nhập cho nông dân” (2001) [37]. “Điều tra báo cáo chính sách nông thôn Trung Quốc” (2007) của nhóm tác giả Hàn Tuấn, Tạ Dương, Từ Tiểu Thanh [37], nêu rò hiện nay Trung ương ĐCS Trung Quốc coi giải quyết vấn đề “tam nông” là trọng tâm trong trọng tâm công tác của Đảng, căn cứ theo yêu cầu trù tính chung phát triển thống nhất thành thị nông thôn, kinh tế xã hội, lấy “công nghiệp quay lại phục vụ nông nghiệp, thành thị lôi kéo nông thôn”, cùng với phương châm “cho nhiều, thu ít, làm sống động” đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy sản xuất lương thực, giảm nhẹ gánh nặng và tăng thu nhập cho nông dân, giúp cho nông nghiệp, nông

thôn có được những bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên hiện nay tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân Trung Quốc vẫn còn nhiều bất cập, cơ sở nông nghiệp còn lạc hậu, tăng trưởng thu nhập của nông dân còn chưa ổn định, tình trạng tăng trưởng nhưng không phát triển chưa được giải quyết triệt để, các chính sách trợ nông, huệ nông (hỗ trợ và ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân) còn chưa được chế độ hoá và qui phạm hoá, cơ chế hiệu quả lâu dài “công nghiệp quay lại phục vụ nông nghiệp, thành thị lôi kéo nông thôn” còn chưa được hình thành...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Ngoài ra, trên các trang web của Trung Quốc cũng có rất nhiều bài viết liên quan đến vấn đề tăng thu nhập cho nông dân, các học giả đều có những kiến nghị lên Đảng và Nhà nước Trung Quốc sớm giải quyết vấn đề tam nông nói chung, tăng thu nhập cho nông dân nói riêng, đồng thời họ cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện những kiến nghị đó.

Nhìn chung, xung quanh vấn đề tăng thu nhập cho nông dân, các công trình nghiên cứu khoa học đã khá đầy đủ về số lượng và nộng dung, đã phần nào cho thấy những nét khái quát và diễn biến cơ bản của quá trình tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay. Tuy nhiên chưa có một công trình mô tả, phân tích và đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống về các giải pháp tăng thu nhập của Trung Quốc sau 30 năm cải cách mở cửa.

Các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay - 2

3. Cách tiếp cận


Xuất phát từ thực trạng nghiên cứu về vấn đề “tăng thu nhập cho nông dân” nêu trên, Luận văn đưa ra cách tiếp cận riêng. Đó là tiếp cận theo cách đặt vấn đề thu nhập của người nông dân Trung Quốc trong tổng thể các chính sách giải quyết vấn đề “tam nông” của Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Đồng thời để bổ sung cho thiếu sót của những nghiên cứu trên, Luận văn sẽ phân tích đánh giá một cách hệ thống các giải pháp tăng thu nhập cho người nông

dân Trung Quốc tuần tự theo tiến trình thời gian từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa năm 1978 đến nay.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


- Tình hình thu nhập và các giải pháp tăng thu nhập cho người nông dân của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay. Trong đó nông dân được hiểu là những người có hộ khẩu ở nông thôn, bao gồm cả người nông dân làm công.

- Phạm vi nghiên cứu: là Trung Quốc đại lục, không bao gồm các vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao.

5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu


- Luận văn được nghiên cứu theo phương pháp thống kê, so sánh, qui nạp, diễn dịch, phân tích và tổng hợp tài liệu đã có.

- Nguồn tư liệu: Do điều kiện không cho phép đi thực tế, tiến hành điều tra khảo sát, vì thế nguồn tư liệu được sử dụng là các văn kiện của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Ngoài ra Luận văn cũng tham khảo và kế thừa những tài liệu từ sách, báo, tạp chí, một số trang web, báo điện tử của Việt Nam và Trung Quốc.

6. Bố cục đề tài


Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của Luận văn bao gồm 3 chương:

Chương 1: Đặc thù và sự cần thiết của vấn đề tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc

Chương 2: Một số giải pháp cơ bản thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc

Chương 3: Nhận xét về các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân

của Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam


CHƯƠNG 1: ĐẶC THÙ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VẤN ĐỀ TĂNG THU NHẬP CHO NÔNG DÂN Ở TRUNG QUỐC


1.1. Một số khái niệm và đặc thù vấn đề thu nhập của nông dân Trung Quốc

I.1.1. Một số khái niệm liên quan


Do thu nhập là nhân tố phản ánh toàn diện hoạt động kinh doanh sản xuất của nông dân, vì vậy, để phản ánh chính xác hoạt động kinh doanh sản xuất của nông dân, trong điều tra và phân tích,ở Trung Quốc người ta đưa ra tương đối nhiều khái niệm như: tổng thu nhập, thu nhập thuần, thu nhập tiền mặt, thu nhập hiện vật, thu nhập mang tính tài sản, thu nhập mang tính tiền lương, thu nhập mang tính chuyển dịch….

- Tổng thu nhập: là tổng toàn bộ các nguồn thu nhập trong giai đoạn được điều tra, trong đó chưa bao gồm phần chi phí sản xuất và chi tiêu sinh hoạt. Phân chia theo tính chất nguồn thu nhập, tổng thu nhập bao gồm : thu nhập mang tính tiền lương (thu nhập từ tiền công lao động), tổng thu nhập kinh doanh gia đình, thu nhập mang tính tài sản và thu nhập mang tính chuyển dịch. Phân chia theo hình thức thu nhập, tổng thu nhập bao gồm 2 bộ phận: tổng thu nhập hiện vật và tổng thu nhập tiền mặt.

- Thu nhập thuần: khái niệm về thu nhập thuần được dùng đầu tiên trong thống kê “phân phối lợi tức kinh tế nông thôn” thời kỳ “công xã nhân dân”. Trong thống kê phân phối lợi tức, “thu nhập thuần” chỉ phần còn dư lại sau khi lấy tổng thu nhập kinh tế nông thôn trừ đi các khoản chi phí khác,

phần còn dư lại còn được gọi là “lợi tức”. “Thu nhập thuần” căn cứ theo các quy định có liên quan của nhà nước để phân chia cho nhà nước, tập thể và cá nhân. Phần phân phối cho cá nhân được gọi là “thu nhập cư dân nông thôn”, tức là phần dư lại sau khi lấy thu nhập thuần kinh tế nông thôn năm đó trừ đi phần thu thuế cho nhà nước và nộp lại cho tập thể. “Thu nhập thuần bình quân đầu người của nông dân” là bình quân thu nhập cư dân nông thôn trên tổng dân số nông thôn. Xét theo góc độ phân phối thu nhập, “thu nhập thuần bình quân đầu người của nông dân” chính là thu nhập lần đầu mà người nông dân có được [86].

Khái niệm “thu nhập thuần” trong thời kỳ đầu đồng nhất với khái niệm “phân phối lợi tức kinh tế nông thôn” trong thống kê, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN và sự điều chỉnh chính sách phân phối thu nhập, cách đánh giá chỉ tiêu “thu nhập thuần” cũng có sự điều chỉnh, chủ yếu bao gồm phần thu nhập tái phân phối. Hiện nay khái niệm “thu nhập thuần” là chỉ tổng thu nhập mà cư dân nông thôn thu được từ các kênh thu nhập trong năm đó, tương ứng với thu nhập có được sau khi lấy tổng nguồn thu trừ đi những khoản chi phí phát sinh. “Thu nhập thuần bình quân đầu người nông dân” là “thu nhập thuần nông dân” bình quân dân số nông thôn.

Cách tính “thu nhập thuần bình quân đầu người” là :


Thu nhập thuần bình quân đầu người = (Tổng thu nhập gia đình của dân nông thôn – Chi phí kinh doanh gia đình – Khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất – Tiền thuế và chi phí thuê khoán nộp lên trên – Trợ cấp theo điều tra)/ Nhân khẩu thường trú của gia đình cư dân nông thôn [86].

- Thu nhập mang tính tiền lương: là thu nhập mà hộ gia đình hoặc thành viên của hộ gia đình nông thôn thu được dựa vào việc bán sức lao động cho đơn vị hoặc cá nhân thuê lao động. Phân theo tính chất nguồn thu nhập chia thành thu nhập có được do lao động trong các tổ chức phi doanh nghiệp (như thu nhập của cán bộ, giáo viên), thu nhập có được do lao động trong các

xí nghiệp tại địa phương, thu nhập do làm thuê ở bên ngoài địa phương và thu nhập có được do lao động ở các đơn vị khác.

- Tổng thu nhập kinh doanh gia đình: là thu nhập mà hộ gia đình ở nông thôn có được do việc tiến hành quản lý và lên kế hoạch sản xuất lấy gia đình làm đơn vị kinh doanh sản xuất. Thu nhập kinh doanh gia đình có thể chia thành thu nhập từ nông nghiệp, thu nhập lâm nghiệp, thu nhập từ ngành chăn nuôi… (tổng cộng phân thành 10 ngành nghề).

- Thu nhập mang tính tài sản: là thu nhập có được từ những động sản (như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán có giá trị…) và bất động sản (như nhà đất, xe cộ…). Nó bao gồm các khoản lợi tức, tiền cho thuê, tiền lãi từ việc nhượng lại quyền sử dụng tài sản; tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận có được từ việc kinh doanh tài sản.

- Thu nhập mang tính chuyển dịch: chỉ những hàng hoá, dịch vụ, tiền hoặc quyền sở hữu tài sản mà hộ gia đình và thành viên hộ gia đình nông thôn có được mà không cần bỏ ra bất cứ thứ gì tương ứng. Ví dụ như tiền lương hưu, tiền trợ cấp thất nghiệp, các khoản phúc lợi xã hội…

- Thu nhập tiền mặt: là thu nhập dưới hình thức tiền mặt của hộ gia định và thành viên của hộ gia đình trong khoảng thời gian được điều tra.

- Thu nhập hiện vật: chỉ tổng sản lượng các loại nông sản mà hộ gia đình nông dân sản xuất ra trong năm đó trừ đi phần đã bán ra, được tính theo giá nhất định.

- Thu nhập thuần kinh doanh gia đình: là thu nhập sau khi lấy tổng thu nhập kinh doanh gia đình.

Các khái niệm nêu trên được sử dụng nhiều trong chương 3 của Luận văn, đó là những chỉ số phản ánh sự thay đổi mức tăng trưởng thu nhập của nông dân, từ đó tác giả Luận văn sẽ đưa ra những nhận xét và đánh giá về những thay đổi đó.

1.1.2. Đặc thù vấn đề thu nhập của nông dân Trung Quốc


Vấn đề thu nhập của nông dân Trung Quốc có đặc thù riêng, khác so với phương Tây. Sở dĩ nói như vậy là do nông dân Trung Quốc là một quần thể có đặc thù khác với khái niệm nông dân của các quốc gia phương Tây. Trong nghiên cứu kinh tế học phương Tây, khái niệm về nông dân là một quần thể xã hội được cấu thành từ nhiều mối quan hệ lợi ích khác nhau, trong đó bao gồm người sở hữu ruộng đất (địa chủ), chủ nông trường, người nông dân làm thuê, người nông dân tự cấy cày trên ruộng đất của mình và người nông dân bán canh (tức là bên cạnh cấy cày trên ruộng đất của mình họ còn đi làm thuê) [40,29]. Nguồn thu nhập chủ yếu của họ vì vậy cũng không giống nhau. Trong đó, nguồn thu nhập chủ yếu của địa chủ là cho thuê ruộng đất, nguồn thu nhập chủ yếu của chủ nông trường đó là lợi nhuận kinh doanh, nguồn thu nhập chủ yếu của người làm thuê nông nghiệp đó là tiền lương, còn nguồn thu nhập của người nông dân tự canh và bán tự canh là tổ hợp của các nguồn thu nhập nói trên.

Chính vì nguồn thu nhập không giống nhau, dẫn đến những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập cũng không giống nhau. Nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của địa chủ là giá thành ruộng đất, mức lợi tức tiền vốn ruộng đất, mối quan hệ cung cầu ruộng đất, mức giá thuê ruộng đất trung bình tại địa phương và điều kiện khế ước thuê mướn ruộng đất giữa người sở hữu ruộng đất và chủ nông trường. Nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của chủ nông trường đó là giá thành chi phí của các yếu tố đầu tư (như tiền thuê mướn ruộng đất, tiền lãi vốn vay, tiền lương thuê lao động và giá cả các yếu tố đầu tư khác), sức sản xuất ruộng đất, hiệu quả của các yếu tố đầu tư, giá cả nông sản và kết cấu cạnh tranh thị trường v.v… Những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động nông nghiệp bao gồm giá thành sức lao động, mối quan hệ cung cầu sức lao động, mức tiền lương bình quân và điều kiện khế ước thuê mướn lao động. Ngoài ra những nhân tố

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/06/2022