MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hải Phòng với hơn 125km chiều dài đường bờ biển được xác định là trung tâm đóng tàu khu vực phía Bắc, chiếm hơn nửa giá trị sản lượng của toàn nghành công nghiệp đóng tàu cả nước với 20 công ty đóng tàu lớn nhỏ. Ngành công nghiệp tàu thủy Hải Phòng phải đảm đương “sứ mệnh” vai trò đầu đàn, trọng yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn ngành. Vì vậy, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy rất chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp và các đơn vị thành viên thuộc khu vực Hải Phòng như Bạch Đằng, Sông Cấm, Phà Rừng, Nam Triệu... Đến nay, Hải Phòng đã trở thành trung tâm cơ khí đóng tàu của cả nước, nơi ra đời nhiều con tàu có trọng tải lớn, các sản phẩm thủy đặc chủng, chuyên dụng đòi hỏi kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu vận tải biển, quốc phòng, khai thác dầu khí... của các đơn vị trong và ngoài nước, tạo nên dấu ấn lớn trong sự nghiệp phát triển của ngành đóng tàu trong nước và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cảng.
Tuy nhiên, do sự tăng trưởng nóng của ngành mà đóng tàu Hải Phòng phải trả cái giá khá đắt cho sự phát triển của mình, thâm hụt vốn nhà nước hơn 5000 tỷ đồng. Riêng đối với mảng nhân lực, nợ lương khoảng 93 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 80 tỉ đồng [14].
Để dẫn đến tình trạng trên, có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan bên ngoài nhưng những nguyên nhân chủ quan nội tại là chủ yếu mà một trong những nguyên nhân chủ quan mang tính quyết định là do yếu tố con người. Có thể nêu một số vấn đề lớn trong công tác NL của ngành đóng tàu nói chung và đóng tàu Hải Phòng nói riêng trong thời gian qua như sau:
Một là, lãnh đạo ngành với chức năng đại diện trực tiếp Nhà nước đã có khuyết điểm, sai phạm trong tổ chức, quản lý, điều hành.
Hai là, trình độ nhân lực nói chung còn hạn chế về năng lực, một bộ phận không nhỏ nhân lực thiếu trách nhiệm, tùy tiện, cá nhân chủ nghĩa, không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật.
Ba là, một số cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương chưa thực hiện tốt và hiệu quả việc giám sát, kiểm tra và đánh giá đúng, kịp thời về hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện định hướng chiến lược cho ngành đóng tàu của Chính phủ.
Bốn là, còn nhiều thiếu sót, sai phạm, thiếu bài bản trong xây dựng và thực thi chiến lược nhân lực, đặc biệt là phát triển nhân lực. [14]
Có thể bạn quan tâm!
- Các giải pháp phát triển nhân lực cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng - 1
- Các Bài Báo Khoa Học Công Bố Tại Hội Thảo Khoa Học, Tạp Chí
- Đánh Giá Về Những Nghiên Cứu Trong Và Ngoài Nước
- Khái Quát Nhân Lực Trong Ngành Đóng Tàu
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
Sau tái cơ cấu, bước đầu các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng đã có những chuyển biến đáng kể như đã có doanh thu, đơn hàng, sản lượng… tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng đã bàn giao 56 tàu với giá trị đạt hơn 185 triệu USD, trong đó có 21 tàu xuất khẩu. Giá trị sản xuất ước đạt 4.312 tỉ đồng, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 5.731 tỉ đồng, trong đó đóng tàu đạt 3.195 tỉ đồng. Tổng số lao động có việc làm là 11.800 người [8].
Tính đến thời điểm này tại Hải Phòng hiện có 20 doanh nghiệp đóng tàu tuy nhiên chỉ có 05 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 15 doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng chờ thời cơ mới.
Hiện nay các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn đang nỗ lực vươn lên sau quá trình tái cơ cấu, thực hiện thu hẹp các hoạt động đầu tư dàn trải để tập trung chủ yếu vào hoạt động đóng tàu, sửa chữa tàu biển và phát triển công nghiệp phụ trợ. Trước tình hình đó, nhân lực ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng có rất nhiều xáo trộn. Số lượng lao động thất nghiệp lên tới hơn 8000 người [9].
Bên cạnh đó, có thể thấy phát triển nhân lực (viết tắt PTNL) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bởi đây là nguồn lực duy nhất có thể sử dụng khai thác tốt nhất các nguồn lực còn lại như tài lực, vật lực và thông tin. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác sự PTNL trong các doanh nghiệp đóng tàu (viết tắt DNĐT) đòi hỏi phải thực hiện những hoạt động nghiên cứu, khảo sát từ sơ bộ đến chuyên sâu từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các chiến lược PTNL.
Thách thức đặt ra cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng phải cơ cấu nhân lực ra sao, PTNL như thế nào đang là vấn đề hóc búa mà các doanh nghiệp đóng tàu phải giải quyết để từng bước thoát ra khỏi khó khăn và phát triển bền vững. Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài: “Các giải pháp phát triển nhân lực cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng” làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là đưa ra các giải pháp PTNL cho ngành ĐT khu vực Hải Phòng.
Để thực hiện được mục đích nêu trên, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra bao gồm:
- Hệ thống hóa và đưa ra một số vấn đề lý luận cơ bản về PTNL riêng cho ngành ĐT;
- Nghiên cứu thực trạng PTNL ngành ĐT khu vực Hải Phòng
- Đề xuất một số giải pháp PTNL cho ngành ĐT khu vực Hải Phòng
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến PTNL ngành ĐT khu vực Hải Phòng.
Phạm vi nghiên cứu của luận án:
- Về hệ thống: Khu vực Hải Phòng hiện có 20 doanh nghiệp đóng tàu lớn nhỏ nên để nghiên cứu sâu nhằm tập trung làm rõ các vấn đề cần giải quyết, tác giả đã chọn một số các doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) có số lượng nhân lực và có tổng giá trị sản lượng lớn trong khu vực Hải Phòng đó là Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Bạch Đằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Phà Rừng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Nam Triệu.
- Về thời gian: các vấn đề được nghiên cứu trong luận án tập trung từ 2013 đến 2017. Đây là khoảng thời gian sau khi chính phủ ra quyết định tái cơ cấu và tái cấu trúc lại ngành đóng tàu được hơn một năm. Khi đó cơ cấu nhân lực trong ngành đóng tàu đã được cắt giảm đáng kể, không còn số liệu phát triển bong bóng như ở những năm 2007 đến 2009. Năm 2013 là thời điểm Chính phủ
quyết định kết thúc đợt tái cấu trúc ngành đóng tàu tuy nhiên vẫn tiếp tục tái cơ cấu ngành. Chính vì vậy, thời gian nghiên cứu này hoàn toàn phản ánh được thực trạng NL sau tái cấu trúc và tái cơ cấu ngành đóng tàu.
- Về nội dung nghiên cứu: tác giả thực hiện nghiên cứu thực trạng phát triển nhân lực về mặt số lượng và chất lượng cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng để từ đó đề ra các giải pháp PTNL cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1 Hướng tiếp cận
Về lí luận: Luận án tiếp cận trên góc độ quản trị kinh doanh từ phía các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng. Do vậy khung lí luận về PTNL cho ngành đóng tàu được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu khung lí luận chung về PTNL áp dụng cho các doanh nghiệp với đặc thù của doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng.
Về thực tiễn: Tác giả thực hiện khảo sát thực tiễn trực tiếp tại các doanh nghiệp đóng tàu thuộc khu vực Hải Phòng (các doanh nghiệp thuộc SBIC, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, các công ty liên doanh và một vài doanh nghiệp tư nhân); chọn một số doanh nghiệp điển hình để tiếp cận; thực hiện phỏng vấn qua bảng hỏi một số các nhà quản trị cấp cao, cấp trung gian và cấp cơ sở, các chuyên gia và các chuyên viên tại các doanh nghiệp cũng như phỏng vấn đội ngũ lao động làm việc tại các doanh nghiệp để có được cái nhìn tổng thể về PTNL và thực trạng PTNL tại các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng.
Thực trạng PTNL tại các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng được kiểm chứng dựa trên nền tảng khung lí luận về PTNL tại các doanh nghiệp nói chung để tìm ra những mặt được và chưa được từ đó đề xuất các giải pháp PTNL cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng.
4.2 Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp phân tích định tính kết hợp với phương pháp phân tích định lượng để nhìn nhận, phân tích, đánh giá thực trạng PTNL
trong các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng từ đó đề xuất các giải pháp PTNL cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng. Trên cơ sở phương pháp luận nêu trên, luận án sử dụng các phương pháp cụ thể như sau:
Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp : được sử dụng trong việc thu thập các dữ liệu thứ cấp từ các sách, báo, báo cáo, số liệu thống kê được xuất bản, các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong và ngoài nước.
Phương pháp điều tra xã hội học: Thông qua việc sử dụng phiếu điều tra được xây dựng trên nền tảng lý luận về PTNL trong các doanh nghiệp đóng tàu, tác giả tiến hành điều tra thực trạng PTNL tại các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng thời gian vào quý II năm 2015.
Phương pháp phỏng vấn chuyên gia: Để có cái nhìn rõ hơn về PTNL trong các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng, tác giả đã tiến hành phỏng vấn, trao đổi ý kiến trực tiếp hoặc qua điện thoại với các chuyên gia trong lĩnh vực nhân lực: trưởng, phó phòng ban quản lý ở các doanh nghiệp; trưởng, phó phòng; cán bộ phụ trách nhân sự của các doanh nghiệp. Phương pháp này cung cấp các dữ liệu định tính.
Đối với dữ liệu sơ cấp, tác giả đã tiến hành điều tra nghiên cứu trên một tập mẫu rộng các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng. Điều tra, khảo sát được tiến hành trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ và nhân viên phụ trách nhân sự tại các doanh nghiệp, một số đại diện người lao động. Thời gian tiến hành khảo sát từ tháng 04 năm 2015 tới tháng 06 năm 2015. Số phiếu phát ra 550 phiếu và thu về 468 phiếu hợp lệ trên tổng số lao động trong 4 doanh nghiệp đóng tàu điển hình khu vực Hải Phòng đến hết quý II năm 2015 là 4603 người. Cụ thể:
Đối với đội ngũ lao động quản lý, nghiệp vụ: số lượng phiếu phát ra là 250 phiếu thu về 220 phiếu:
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của đội ngũ quản trị cấp cao phải dựa trên đánh giá chủ yếu của các nhà quản trị cấp trung (trưởng, phó các phòng, ban) và Hội đồng quản trị. Tổng số phiếu phát ra 50, thu về 42 (84%).
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của đội ngũ các nhà quản trị cấp trung phải dựa trên đánh giá chủ yếu của đội ngũ quản trị cấp cao và các nhân viên cấp dưới. Tổng số phiếu phát ra 50, thu về 43 (86%).
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của đội ngũ các nhà quản trị cấp cơ sở phải dựa trên đánh giá chủ yếu của đội ngũ quản trị cấp trung (trưởng, phó các phòng, ban và quản đốc các phân xưởng và đội ngũ công nhân). Tổng số phiếu phát ra 50, thu về 49 (98%).
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của lao động chuyên môn nghiệp vụ phải dựa trên đánh giá chủ yếu của các nhà quản trị cấp trung (trưởng, phó các phòng, ban). Tổng số phiếu phát ra 100, thu về 86 (86%).
Như vậy tổng số phiếu thu về: 220 phiếu (88%).
Đối với lao động sản suất số lượng phiếu phát ra 300 phiếu thu về 248 phiếu:
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của công nhân kĩ thuật (lao động trực tiếp sản xuất) phải dựa trên đánh giá chủ yếu của đội ngũ các nhà quản trị cấp trung ( quản đốc phân xưởng) và đội ngũ các nhà quản trị cấp cơ sở (tổ trưởng, nhóm trưởng). Tổng số phiếu phát ra 200, thu về 176 (88%).
- Để điều tra trắc nghiệm chất lượng của lao động phục vụ phải dựa trên đánh giá chủ yếu của đội ngũ quản trị cấp trung (quản đốc phân xưởng) và đội ngũ quản trị cấp cơ sở (tổ trưởng, nhóm trưởng). Tổng số phiếu phát ra 100, thu về 72 (72%).
Xử lý dữ liệu thứ cấp bằng phần mềm Excel, dữ liệu sơ cấp bằng phần mềm SPSS 20.0.
4.3 Thiết kế phiếu điều tra
Phiếu điều tra là công cụ chính được sử dụng trong luận án để thu thập các thông tin sơ cấp trong điều tra khảo sát. Trong phiếu điều tra, tác giả đã sử dụng cả hai hình thức là câu hỏi đóng và câu hỏi mở, các câu hỏi định tính và các câu hỏi định lượng, trong đó chủ yếu là các câu hỏi đóng. Cụ thể:
Câu hỏi đóng: là câu hỏi đã bao gồm các phương án trả lời và người trả lời chỉ chọn một trong số các câu trả lời có sẵn. Ví dụ: lựa chọn giữa các đáp án:
1-Hoàn toàn phù hợp, 2- Rất phù hợp, 3- Phù hợp, 4- Ít phù hợp, 5-Không phù hợp, hoặc 1- Rất quan trọng, 2- Quan trọng, 3- Không quan trọng, hoặc 1- Thường xuyên áp dụng, 2- Thỉnh thoảng áp dụng, 3- Chưa bao giờ áp dụng).
Câu hỏi mở: với loại câu hỏi này thì người trả lời có thể tự trả lời theo suy nghĩ và đánh giá của mình với các ý kiến và đề xuất.
Nguyên tắc xây dựng phiếu điều tra: phiếu điều tra được xây dựng trên nền tảng cơ sở lý luận về PTNL trong các DNĐT khu vực Hải Phòng đưa ra ở chương 2. Phiếu điều tra được thiết kế riêng cho lao động quản lý nghiệp vụ và lao động sản xuất. Những thông tin chung về DN như tên DN, địa chỉ, tên và chức vụ của người trả lời được đặt ở phần đầu của phiếu điều tra. Kết quả trả lời của các câu hỏi này cho biết DN hiểu thế nào là PTNL và đang thực hiện PTNL như thế nào về số lượng, chất lượng…
Quá trình thực hiện điều tra: thông qua phòng nhân sự của các DNĐT được lựa chọn, phiếu điều tra được gửi đi tới từng cá nhân. Kết quả thu về là 468 phiếu điều tra (phiếu điều tra sử dụng trong điều tra khảo sát được trình bày tại phụ lục 01,02).
5. Ý nghĩa khoa học và thực tế của luận án
Ý nghĩa khoa học: luận án hoàn thiện hệ thống lý luận PTNL ngành đóng tàu trên cơ sở khoa học. Thông qua số liệu khảo sát, thu thập luận án đánh giá một cách khoa học thực trạng công tác PTNL ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng từ đó đưa ra các giải pháp PTNL.
Ý nghĩa thực tiễn: các giải pháp được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác PTNL ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng và có thể áp dụng cho ngành đóng tàu ở các khu vực khác có mô hình tương tự.
6. Đóng góp khoa học mới của luận án
Về lý luận
Luận án đã phân tích và luận giải các khái niệm liên quan đến PTNL của các tác giả nổi tiếng để định hình nên khung lý luận về PTNL từ đó tác giả đưa ra khái niệm mới về nhân lực trong ngành đóng tàu và PTNL trong các doanh nghiệp đóng tàu.
Luận án đã xác lập mô hình, nội dung PTNL riêng cho ngành đóng tàu; xây dựng các tiêu chí PTNL cho ngành đóng tàu trên địa bàn một địa phương cấp tỉnh.
Về thực tiễn
1/ Từ kinh nghiệm PTNL của một số quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển và một vài doanh nghiệp đóng tàu trong và ngoài nước, luận án đã rút ra được những bài học có thể vận dụng để PTNL cho các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng.
2/ Bằng nguồn số liệu phong phú, sử dụng các phương pháp thu thập và xử lý số liệu thứ cấp và sơ cấp hiện đại, luận án làm rõ thực trạng PTNL tại một số đơn vị điển hình của ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng từ đó rút ra được những thành công, điểm mạnh, những thách thức, điểm yếu làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp PTNL.
3/ Điểm mới của luận án là đã tập trung đánh giá các nhân tố tác động đến PTNL cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng trong đó có yêu cầu đổi mới và tác động của hội nhập kinh tế Quốc tế.
4/ Trên cơ sở những nghiên cứu của luận án, trong phần giải pháp, luận án mạnh dạn nêu một số kiến nghị cần thiết cho các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp đóng tàu khu vực Hải Phòng nhằm PTNL cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng.
7. Kết cấu luận án
Kết cấu luận án bao gồm phần mở đầu, nội dung, kết luận, kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. Phần nội dung chia làm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Chương 2.Cơ sở lý luận về phát triển nhân lực cho ngành đóng tàu. Chương 3.Thực trạng phát triển nhân lực cho ngành đóng tàu khu vực Hải
Phòng.
Chương 4.Các giải pháp phát triển nhân lực cho ngành đóng tàu khu vực Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn 2045.