Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 2


Lên ngôi năm 980, Lê Hoàn xưng là Đại Hành Hoàng Đế (Lê Đại Hành) và hoàn thành sứ mệnh đánh bại quân Tống, giữ yên bờ cõi, mở ra thời kỳ được gọi là nhà Tiền Lê kéo dài tới năm 1009, sau cái chết của vị hoàng đế kế nhiệm của ông là Lê Long Đĩnh.

Được sự ủng hộ của nhiều người, Lý Công Uẩn tự xưng vua (Lý Thái Tổ) lập ra triều đại nhà Lý, dời kinh đô về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Triều Lý phát triển mạnh nhưng tới năm 1138, triều Lý bắt đầu suy yếu.

Đến năm 1226, thông qua một cuộc hôn nhân được dàn xếp và sự ép buộc nhường ngôi từ Lý Chiêu Hoàng cho chồng mình là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), nhà Trần được thành lập với một triều đại kéo dài 175 năm, qua 12 đời vua với nhiều thành tựu, đặc biệt là việc 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông.

Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, đất nước Đại Việt ổn định và phát triển hưng thịnh trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy vong. Trong bối cảnh đó, Hồ Quý Ly đoạt được ngôi báu, lập ra nhà Hồ năm 1400. Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó có việc đổi tiền đồng sang tiền giấy “thông bảo hội sao”. Tuy nhiên, không phải cuộc cải cách nào cũng được người dân ủng hộ. Những bất an trong nước đã tạo điều kiện cho việc xâm lược của nhà Minh năm 1406. Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, đất nước ta lại một lần nữa rơi vào tay phong kiến phương Bắc.

Trong thời gian này, nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm đã diễn ra nhưng không thành công. Đến năm 1427, cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi (Lam Sơn - Thanh Hóa) diễn ra từ (1418 đến - 1427), nhân dân ta mới giành được thắng lợi.

Đầu năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long), khôi phục tên nước Đại Việt, mở đầu triều đại nhà Lê (còn gọi là nhà hậu Lê để phân biệt với nhà tiền Lê của Lê Đại Hành trước kia). Nhà hậu Lê phát triển ổn định và đạt nhiều thành tựu lớn trong xây dựng đất nước.


Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu. Nhân cơ hội đó, năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua cho mình và lập nên nhà Mạc. Trước sự chống đối của các thế lực thân nhà Lê ở trong nước và âm mưu xâm lược từ bên ngoài, nhà Mạc đã phải quy phục nhà Minh. Một số quan lại cũ của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim giương cờ “Phù Lê diệt Mạc”, nổi dậy chống lại nhà Mạc và tôn con của Lê Chiêu Tông lên làm vua (Lê Trang Tông), đóng đô ở Thanh Hóa, tạo nên triều đình mới đối lập với nhà Mạc ở phía Bắc, khởi nguồn cuộc chiến Nam - Bắc triều kéo dài tới năm 1592 với sự sụp đổ của nhà Mạc.

Việc tranh giành quyền lực của các thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn trong lực lượng “phù Lê” đã làm nổ ra cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn năm 1627. Cuộc chiến này kéo dài bất phân thắng bại đến cuối năm 1672 với kết quả là hai bên phải giảng hòa và lấy sông Gianh làm ranh giới. Với sự kiện này, Đại Việt bị chia cắt thành hai “Đàng”. Đàng Ngoài tính từ bờ bắc sông Gianh trở ra Bắc, Đàng Trong từ bờ nam sông Gianh trở vào Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Vào những năm cuối của thế kỷ 18, chính quyền phong kiến ở cả hai Đàng đều đã suy yếu. Trải qua hàng trăm năm chia cắt, chiến tranh triền miên giữa hai Đàng đã làm cho đất nước điêu tàn, kiệt quệ, nhân dân đói khổ dẫn đến sự nổi dậy ở nhiều địa phương, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (Bình Định) năm 1771, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Với thắng lợi của mình, năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương, đóng ở thành Đồ Bàn (Bình Định). Trong những năm trị vì, nhà Tây Sơn vừa phải lo ổn định chính quyền, vừa phải lo bình định các cuộc nổi loạn của Nguyễn Ánh - một trong những hậu duệ của chính quyền nhà Nguyễn cũ.

Sau trận thắng quân Xiêm hỗ trợ Nguyễn Ánh giành lại ngôi báu tại Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, Nguyễn Huệ đã tiến đánh thành Phú Xuân do Đàng Ngoài nắm giữ và lấy danh nghĩa giúp vua Lê diệt chúa Trịnh, tiến đánh quân Trịnh ở Đàng Ngoài. Với thế tấn công, năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, lật đổ chúa Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê thưởng công cho Nguyễn Huệ bằng cách phong Nguyễn Huệ là Uy Quốc Công, nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn.

Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 2


Những mâu thuẫn và tranh giành quyền lực trong nội bộ triều đình phong kiến đã dẫn tới việc hoàng đế cuối cùng của nhà Lê là Lê Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh cầu cứu. Nhân cơ hội đó, năm 1788, nhà Thanh đem quân tiến vào nước ta với chiêu bài “tiêu diệt Tây Sơn, dựng lại nhà Lê”. Trước tình hình đó, Nguyễn Huệ lên ngôi ở Phú Xuân (Huế) năm 1788, lấy hiệu là Quang Trung rồi đem quân tiến ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh vào tháng giêng năm 1789. Nhà Tây Sơn bắt đầu tiến hành khôi phục đất nước với nhiều cải cách triệt để, giúp đất nước phát triển nhanh chóng. Nhưng từ sau năm 1792, khi Quang Trung đột ngột qua đời, đất nước rơi vào tình trạng bất ổn. Lợi dụng tình hình đó, cùng với sự giúp đỡ của ngoại bang, năm 1801, Nguyễn Ánh đã đánh đổ nhà Tây Sơn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam, mở ra triều đại nhà Nguyễn kéo dài cho tới năm 1945. Tuy có đạt được một số thành tựu nhưng trong bối cảnh khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam, cùng với tư tưởng thủ cựu, nhà Nguyễn đã không thể tạo ra được cơ sở cho việc phát triển mới mà còn để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp sau khi chúng nổ súng xâm lược nước ta năm 1858.

Ngay từ những ngày đầu bị xâm lược, các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước nổ ra ở khắp mọi nơi nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Đến năm 1930, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quần chúng nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và quân chiếm đóng Nhật, thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.


1.4. Nước Việt Nam thời kỳ 1945 - 1975


Nước Việt Nam non trẻ vừa mới ra đời lại phải đương đầu với các âm mưu xâm lược và can thiệp của Pháp và Mỹ, phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm sau đó.

Sự trở lại xâm lược của Pháp vào năm 1946 khiến toàn quân và dân ta một lần nữa phải đứng lên bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc kháng chiến 9 năm (1946 - 1954) của Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954. Theo Hiệp định này, đất nước tạm thời bị chia làm hai vùng lãnh thổ miền Bắc và miền Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và sẽ được thống nhất hai năm sau đó (1956) thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Miền Bắc Việt Nam vào thời kỳ này mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, với thủ đô là Hà Nội. Miền Nam mang tên Việt Nam Cộng hoà nằm dưới sự quản lý của chính quyền thân Pháp, rồi thân Mỹ đặt tại Sài Gòn.

Sau hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, đế quốc Mỹ thay thế vị trí của quân Pháp ở Việt Nam và dựng lên chính quyền tay sai với mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Vào thời kỳ này, ở miền Bắc, nhân dân ta tập trung vào xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất tổ quốc. Tuy mỗi miền có một nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng đều thực hiện một nhiệm vụ, một mục tiêu chung là chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, tạo điều kiện để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mùa xuân năm 1975, trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc và được sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới, các lực lượng vũ trang yêu nước Việt Nam đã thực hiện cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.


1.5. Nước Việt Nam từ sau năm 1975 tới nay

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở miền Nam và thực hiện thống nhất bộ máy quản lý Nhà nước. Chủ trương này đã được thực hiện bằng cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung ngày 25 tháng 4 năm 1976.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã họp tại Hà Nội, quyết định lấy tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chọn Hà Nội là thủ đô, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo thành công trên, ngày 18 tháng 12 năm 1980, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Đây là Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Những thắng lợi ban đầu trong quá trình xây dựng đất nước giúp cho Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.

Sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, đất nước bị tàn phá nặng nề. Từ năm 1975 đến năm 1986, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những hậu quả và tệ nạn xã hội do chiến tranh để lại, dòng người tị nạn, chiến tranh ở biên giới Tây Nam chống nạn diệt chủng Khme đỏ, chiến tranh ở biên giới phía Bắc, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, thêm vào đó thiên tai liên tiếp xảy ra ... đã đặt Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực hết mình để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Trên tinh thần đó, Đại hội IV (tháng 12 năm 1976) của Đảng đã đề ra kế hoạch 5 năm (1976 - 1980). Kế hoạch này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tiếp đó, những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1981 - 1985) được thực hiện đã khiến cho kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến và tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, những khó khăn, yếu kém vẫn còn nhiều. Một số mục tiêu kinh tế - xã hội cơ bản vẫn chưa thực hiện được. Những khó khăn trong thời kỳ này cùng với những yếu kém tồn tại đã đưa đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng.


Để khắc phục tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện nhằm vượt qua khó khăn, phát triển và từng bước hội nhập khu vực và quốc tế. Tại Đại hội VI, tháng 12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự kiểm điểm công tác lãnh đạo, khẳng định những mặt làm được, phân tích những sai lầm khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới kinh tế được đặt lên hàng đầu với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với việc tăng cường cơ sở pháp lý, đổi mới tổ chức Đảng và Nhà nước. Đường lối này tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và phát triển tại Đại hội VII (tháng 6 năm 1991), Đại hội VIII (tháng 6 năm 1996), Đại hội IX (tháng 4 năm 2001), Đại hội X (tháng 4 năm 2006) và Đại hội XI (tháng 3 năm 2011).

Nhờ thực hiện đường lối này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như đời sống của nhân dân được cải thiện, dân chủ trong xã hội được phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở được củng cố, bộ máy nhà nước pháp quyền được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện; chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ.

II. Văn hóa Việt Nam

Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, đa dạng và được thể hiện qua: tổ chức xã hội, phong tục, lễ hội, ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật.

2.1. Tổ chức xã hội

Từ ngàn năm nay, hai đơn vị xã hội quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam là Làng (thôn) và Nước (quốc gia). Tục ngữ Việt Nam có câu "Làng đi đôi với nước", “Phép Vua thua lệ Làng”, với các biểu tượng đặc trưng của mỗi làng Việt là cổng làng, đình làng, cây đa, giếng nước ... Cùng với làng, quan hệ họ hàng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam với trọng tâm đặt vào gia tộc và sau đó là gia đình. Điều này thể hiện ở sự tồn tại của mô hình gia đình mở rộng gồm ba hay bốn thế hệ sống dưới một mái nhà, hiện vẫn còn rất phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam.


Tầm quan trọng của mối quan hệ họ hàng trong xã hội đã tạo ra một hệ thống phân cấp phức tạp các mối quan hệ. Mặc dù trong văn hóa Việt Nam, người ít tuổi phải tôn trọng và kính trọng người nhiều tuổi hơn nhưng nếu xét trong quan hệ họ hàng, người (mặc dù ít tuổi hơn) nhưng có vị trí cao hơn trong hệ thống phân cấp của gia đình, dòng họ được người (mặc dù lớn tuổi hơn) nhưng ở vị trí thấp hơn trong phân cấp gia đình, dòng họ tôn trọng như một người lớn tuổi hơn mình. Mối quan hệ và phân cấp đó sẽ tiếp tục kéo dài từ thế hệ này tới thế hệ khác. Vì vậy, việc một ông lão 60 tuổi phải cung kính với một thanh niên 25 tuổi như cung kính với bậc cha, chú mình không phải là chuyện lạ. Hệ thống phức tạp của các mối quan hệ được chuyển tải thông qua việc sử dụng rộng rãi của các đại từ khác nhau trong tiếng Việt. Xưng hô trong tiếng Việt đã trở thành một đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

2.2. Ngôn ngữ Việt Nam


Ngôn ngữ Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Các nhà dân tộc học đã chia các dân tộc ở Việt Nam thành 8 nhóm ngôn ngữ:

Nhóm Việt - Mường: gồm người Việt, người Mường, người Chứt, người Thổ.


Nhóm Tày - Thái: gồm người Tày, Thái, Nùng, Bố Y, Sán Chay, Lào, ...


Nhóm Dao - Hmông: gồm người Hmông, Dao, Pà Thẻn, ...


Nhóm Tạng - Miến: gồm người Hà Nhì, Lô Lô, Si La, La Hủ, ...


Nhóm Hán: gồm người Hoa, Sán Dìu, Ngái, ...


Nhóm Môn - Khmer: gồm người Khmer, Kháng, Hrê, Xơ Đăng, Ba Na, Khơ Mú, Cơ Ho, Mạ, Xinh Mun, ...

Nhóm Mã Lai - Đa đảo: gồm người Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai, Chu Ru, ...


Nhóm hỗn hợp Nam Á: gồm la Chí, La Ha, Pu Chéo, Cơ Lao, ...


Tiếng Việt thuộc về ngôn ngữ Việt - Mường, hiện nay là quốc ngữ, là ngôn ngữ hành chính chung của 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Mặc dù là ngôn ngữ chung của người Việt nhưng tiếng Việt có sự khác biệt về ngữ âm và từ vựng khi sử dụng ở các vùng miền khác nhau. Do vậy, phương ngữ tiếng Việt được phân chia làm nhiều vùng phương ngữ khác nhau từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Tiếng Việt hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu, tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu, có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và thỏa mãn yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử.


2.3. Tín ngưỡng


2.3.1. Tín ngưỡng sùng bái con người


Thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ người đã mất là một tục lệ lâu đời của người Việt và một số dân tộc khác. Họ tin rằng linh hồn của tổ tiên cũng ở bên cạnh con cháu và phù hộ cho họ. Chính vì vậy, gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Ngoài các ngày giỗ, tết, vào các ngày Mùng một và ngày Rằm (ngày đầu tiên và ngày 15 của các tháng Âm lịch), thắp hương trở thành hình thức thông báo với tổ tiên ông bà. Nói đến tục thờ cúng tổ tiên, người ta đều biết tới một ngày giỗ tổ chung của người Việt

- ngày giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 (Âm lịch) hàng năm.


Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người Việt còn thờ các vị thần gắn với đời sống tinh thần của họ. Người Việt thờ Thổ Công, Thành Hoàng, các vị anh hùng dân tộc ... Các vị thần đó là những vị thần cai quản gia đình, làng xã hoặc là những vị thần có công lớn với đất nước, với làng xã. Dân chúng thờ các vị thần này để tỏ lòng biết ơn và cầu mong các vị phù hộ cho mình.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/06/2023