điều kiện thẩm vấn người tham gia tố tụng tại phiên tòa, đánh giá chứng cứ và biểu quyết có tội hay không có tội theo nhận thức của mình đúng với tinh thần của nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" được quy định tại Điều 16 BLTTHS.
Các ngành Công an, VKS, Tòa án cần phối hợp tổ chức tập huấn những quy định về các BPNC để thống nhất thực hiện, phổ biến những vi phạm trong thực tiễn áp dụng để rút kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác, điều tra, truy tố, xét xử và phòng ngừa tích cực không để vi phạm xảy ra.
- Xây dựng cơ chế ưu đãi về chế độ, chính sách đối với đội ngũ tiến hành tố tụng
Chế độ, chính sách là các chế độ về lương, bảo hiểm, phúc lợi, y tế, an toàn lao động. Đây là những chế độ liên quan mật thiết với người lao động, là chế độ của Nhà nước giành cho người lao động đáng được hưởng. Chế độ, chính sách ở mỗi quốc gia không giống nhau. Ở Việt Nam, chế độ chính sách đối với người lao động nói chung, công chức nói riêng đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp chưa đủ sức tạo ra sự phát triển mở rộng và giữ chân được người tài làm việc trong cơ quan Nhà nước.
Áp dụng các BPNC trong điều tra vụ án hình sự là một công việc đặc biệt quan trọng, bởi nó liên quan đến sinh mệnh chính trị, đến quyền cơ bản của công dân, liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, những người làm công việc này thì ngoài tiền lương cần phải có chế độ đãi ngộ riêng. Hiện nay, Nhà nước có chế độ đãi ngộ riêng nhưng còn rất ít so với mức độ quan trọng của công việc. Có như vậy, sẽ làm tăng động lực, sự tâm huyết trong công việc, tận tâm tận lực và trách nhiệm với nghề hơn, hạn chế được những oan sai. Ngược lại, nếu không có một chế độ đãi ngộ thì mặc dù có trách nhiệm với công việc nhưng chưa cao, dễ dẫn tới làm việc hành chính, không có sự tâm huyết với nghề
nghiệp. Đây cũng là hạn chế làm giảm hiệu quả hoạt động áp dụng các BPNC trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Do vậy, nếu như Nhà nước quan tâm có chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng thì sẽ kích thích sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao ở mỗi con người.
- Tăng cường trang bị cơ sở vật chất cho cơ quan tiến hành tố tụng
Cơ sở vật chất là yếu tố hỗ trợ quan trọng để đạt hiệu quả công việc nhất định. Năng lực của con người có cao siêu đến mấy thì cũng cần phải có sự hỗ trợ của trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất. Trong công tác áp dụng các BPNC trong vụ án hình sự thì sự đầu tư đúng mức, phù hợp về cơ sở vật chất cũng là yếu tố phát huy sự sáng tạo, tính tích cực, tinh thần trách nhiệm và động lực làm việc cho cán bộ. Việc trang bị cơ sở vật chất theo hướng:
+ Xây dựng, cải tạo, sửa chữa các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trang bị những vật dụng cần thiết bảo đảm cho việc tạm giữ, tạm giam đúng quy định của pháp luật. Cần đầu tư cơ sở vật chất cho nhà tạm giữ, trại tạm giam bảo đảm sức chứa trung bình theo đầu người được quy định trong Quy chế về tạm giữ, tạm giam được ban hành theo Nghị định ngày 7/11/1998 của Chính phủ.
+ Lập quy định để giám thị trại tạm giam có điều kiện kiểm tra thời hạn tạm giam sắp hết để thông báo cho cơ quan nào đang thụ lý vụ án.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Nâng Cao Hiệu Quả Áp Dụng Biện Pháp Ngăn Chặn Đặt Tiền Hoặc Tài Sản Có Giá Trị Để Bảo Đảm
- Tăng Cường Công Tác Giải Thích, Hướng Dẫn Áp Dụng Pháp Luật, Kiểm Tra Hoạt Động Áp Dụng Pháp Luật Của Các Cơ Quan Tiến Hành Tố Tụng
- Tăng Cường Kiểm Tra Hoạt Động Áp Dụng Pháp Luật Của Cơ Quan Tiến Hành Tố Tụng
- Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm trong Tố tụng hình sự - 11
Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.
- Phát động phong trào quần chúng tham gia phòng chống tội phạm
Thực tế cho thấy quần chúng nhân dân đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện các hành vi phạm tội cũng như truy bắt tội phạm. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã không ngừng tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vậy nhiều hành vi phạm tội đã bị phát giác, nhiều đối tượng truy nã đã bị bắt giữ nhờ những tin báo và phát giác của nhân dân với cơ quan điều tra. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật trong quần chúng
nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt phải thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Quần chúng nhân dân nơi đối tượng sinh sống là người có những hiểu biết gần gũi với những người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cho nên họ có thể cung cấp cho cơ quan điều tra những thông tin chính xác về đối tượng, trên cơ sở đó để có quyết định đúng đắn. Mặt khác quần chúng nhân cũng có thể phát hiện việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nếu thấy có oan sai thì kiến nghị lên cơ quan có trách nhiệm về quá trình thực hiện giám sát đó giúp cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo đảm sự đúng đắn và cần thiết.
3.2.4. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan
Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn có sự phối hợp với nhau trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhất là đối với các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng đã phát huy tốt tác dụng của công tác điều tra, truy tố, xét xử góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy vậy nhiều vụ án chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Để việc áp dụng biện pháp ngăn chặn có hiệu quả cần có sự phối kết hợp, trao đổi của các cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện:
- Thực hiện tốt mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân; giữa Điều tra viên với trinh sát; giữa cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân - là những cơ quan tiếp nhận đối tượng truy nã; giữa cơ quan, tổ chức nơi làm việc trước đây của đối tượng truy nã với cơ quan chức năng... do người bắt được bàn giao nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết những vụ án đang thụ lý, thống nhất quan điểm về áp dụng hoặc thay đổi BPNC, khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử và thi hành án, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án, bắt triệt để đối tượng phạm tội, hạn chế đầu vào của đối tượng truy nã.
- Chỉ đạo, quán triệt các Thẩm phán trong đơn vị sau khi kết thúc việc xét xử vụ án hình sự phải khẩn trương hoàn thiện bản án, quyết định để tiến hành giao bản án. Đối với các trường hợp xét xử sơ thẩm, việc giao bản án hình sự sơ thẩm phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 229 BLTTHS và hướng dẫn tại tiểu mục 5 mục IV Nghị quyết số 04/2004/NQ- HĐTP ngày 05/11/2004 Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba Xét xử sơ thẩm của BLTTHS năm 2003 để trên cơ sở đó có căn cứ xác định ngày có hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm và ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác thi hành án theo quy định tại Điều 255 và 256 BLTTHS. Đối với các trường hợp xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn quy định tại Điều 254 của BLTTHS, bản án, quyết định phúc thẩm phải được gửi cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để ra quyết định thi hành án hoặc quyết định ủy thác thi hành án theo quy định tại Điều 256 BLTTHS.
- Chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát, thống kê các trường hợp cụ thể những người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án chưa ra quyết định thi hành án để ra ngay quyết định thi hành án đối với họ. Cần lưu ý là đối với trường hợp trong một vụ án hình sự có nhiều bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án mà trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị chỉ có một hoặc một số bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì phần của bản án hình sự sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật được thi hành. Tòa án cần căn cứ vào các quy định tại Điều 240 và điểm a khoản 1 Điều 255 BLTTHS để ra quyết định thi hành án đối với những người bị kết án đó.
- Rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt nhưng đã hết thời hạn được hoãn hoặc được tạm đình chỉ. Đối với trường hợp người bị kết án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 61 và 62 của BLHS và xét thấy cần tiếp tục cho họ được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Tòa án phải ra
quyết định tiếp về việc hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt đối với người bị kết án. Đối với trường hợp người bị kết án không có các điều kiện để được xem xét cho tiếp tục hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án đối với họ theo đúng quy định tại Điều 261, 262 của BLTTHS. CQĐT phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp áp dụng các BPNC chặt chẽ, đúng đối tượng, hạn chế đến mức thấp nhất đối tượng lợi dụng được tại ngoại để bỏ trốn.
- Trong quá trình điều tra, Điều tra viên cần phải xây dựng kế hoạch, chiến thuật điều tra khi tiến hành điều tra các vụ án để vừa bắt triệt để các đối tượng phạm tội vừa không để các đối tượng trốn, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án và ra QĐTN phải theo đúng quy định của BLTTHS. Giữa Điều tra viên và trinh sát phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều tra không để đối tượng có cơ hội trốn hoặc khi đối tượng bỏ trốn thì phải tổ chức truy bắt ngay. Mặt khác phải phối hợp và thống nhất với Viện Kiểm sát về các thủ tục truy tố như chưa cần tống đạt quyết định khởi tố mà chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam trước khi tống đạt các quyết định đối với những đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
- Lực lượng Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đồng thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và công dân tham gia phát hiện, tố giác, bắt giữ đối tượng phạm tội, góp phần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự.
Kết luận chương 3
Từ những vấn đề lý luận, thực tiễn tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Tố tụng hình sự nói chung, áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm nói riêng, đề tài đề mạnh dạn đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm trong tố tụng hình.
KẾT LUẬN
Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm của Bộ luật Tố tụng hình sự là biện pháp thể hiện sự tiến bộ, văn minh của hoạt động tố tụng góp phần làm giảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam, tránh những oan sai không đáng có nâng cao chất lượng phát hiện và xử lý các hành vi phạm tội, tạo niềm tin cho nhân dân vào chủ trương, chính sách phòng chống tội phạm của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế mà biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm cần được nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, rút ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hệ quả, chất lượng của hoạt động tố tụng hình sự.
Trên cơ sở phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin và các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể, cùng những tri thức cơ bản về luật học chúng tôi đã nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận của các biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm nói riêng, so sánh phân biệt giữa biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm với các biện pháp ngăn chặn khác, đưa ra được khái niệm, điều kiện, vị trí vai trò của đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm trong hoạt động tố tụng và trong quy định của Tố tụng hình sự... Những nội dung cơ bản này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là cơ sở để chúng tôi đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp này trong quá trình tiến hành tố tụng.
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá toàn diện tình hình thực trạng hoạt động áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm trong những năm gần đây, chúng tôi đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, khó khăn trở thành nguyên nhân hạn chế kết quả thực hiện công tác này và đưa ra những giải pháp.
Luận văn đã đưa ra những giải pháp cụ thể để góp phần nâng cao hiệu
áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm trong khi tiến hành hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, đây là một đề tài hoàn toàn mới và rộng, với phạm vi, khả năng và điều kiện nghiên cứu có hạn, luận văn chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Tác giả luận văn xin chân thành cảm ơn sự góp ý, phê bình của các thầy giáo, các nhà khoa học và các đồng nghiệp để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn luận văn thạc sĩ luật học.