Các Lễ Tiết Chính Trong Năm Của Làng Phương La Xưa


trường hợp một đời người phải hai lần làm lềnh. Người đến tuổi lềnh phải nuôi (cũng có thể mua ở chợ) một con lợn to (còn gọi là ông ỷ). Lợn lềnh được đo vòng cổ bằng thép, con nào có số đo lớn nhất được nhận giải thưởng của làng. Các cụ kể lại, có một năm, cụ Trần Đình Đoái mua con lợn lềnh to đến mức, con lợn đứng, người ngồi bên đây không nhìn thấy bên kia và cái răng nanh của lợn cũng rất dài. Răng ấy được cắm vào đầu gậy để đi mời làng và còn được giữ làm kỷ niệm mãi đến sau này. Lợn đem ra tế ở đình phải được mổ, lấy lá mỡ phủ lên toàn thân lợn tới tận gáy rồi mới rước ra đình trong cảnh tưng bừng trống khua, chèo mở. Tế lễ xong, lợn được xả ra, chia cho dân làng, sỏ để lại bổ ra chia cho những người có chức sắc. Ông trùm được phần tai, mũi; Hương trưởng, Phần thu được cẳng giò; còn lại cho Xã bán [Nguồn: Phỏng vấn của NCS (năm 2013)].

- Hội đồng kỳ mục là cơ quan quản lý làng, quyết định công việc của làng, như: chia và đấu thầu ruộng đất công, bán ngôi thứ… Cơ cấu thành viên của hội đồng này ở Phương La theo mô hình chung của làng Việt ở Bắc Bộ.

Một thời gian dài, làng Phương La là một khối thống nhất. Về sau, do mâu thuẫn trong sinh hoạt đình trung, làng phân thành hai khu, lấy đình Đông làm trung tâm: phía Đông Đình và phía Tây Đình. Mỗi khu là một “thôn”, có bộ máy điều hành như một hội đồng kỳ mục với các chức danh của nó. Đây là hiện tượng chia tách làng không phổ biến trên vùng châu thổ Bắc Bộ.

- Bộ máy chức dịch: trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Phương La cũng là một xã, có một bộ máy chức dịch thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, thu thuế, điều động binh dịch cho nhà nước phong kiến. Những người được gọi là lý dịch gồm lý trưởng, dưới là một phó lý. Ngoài ra, còn có các chức danh giúp việc là: hương trưởng, hương lão, hộ lại, chưởng bạ,...

- Phường hội: xưa, Phương La cũng có các tổ chức phường hội: hội Tư văn của những người có học, có chức; hội Tư võ của những người đi lính; hội Lão nhiêu của những người 60 tuổi trở lên v.v; ngoài ra, còn có các phường nghề, phường tiền nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.


Hệ thống ngôi thứ trong đình


Hệ thống ngôi thứ đình làng là một trong những khía cạnh nổi bật nhất của quan hệ xã hội ở làng xã thời phong kiến. Xã Hương La xưa (Phương La nay) cũng quy định các thứ hạng để căn cứ vào thứ hạng mà hưởng bổng lộc và thực hiện chức trách. Các thứ hạng nhất, nhì, ba, tư…phụ thuộc vào bằng cấp (học vị), phẩm hàm, chức tước và tuổi tác. Theo các bậc cao niên, đình trung thứ hạng của làng xưa, cơ bản như các làng Việt Bắc Bộ.

Ngoài ngôi thứ dành cho những người có tiêu chuẩn về bằng cấp (học vị), phẩm hàm, chức tước và tuổi tác, làng Mẹo còn có các ngôi thứ dành cho những người bỏ tiền ra mua như lý trưởng, phó lý, chùm, giám sự… Những người bỏ tiền mua chức nhằm mục đích để cố được cái danh trước dân làng và không phải đi phu phen, tạp dịch, tuần phong. Những chức mua này, ra làng cũng được chia các phần biếu: Trùm được chia đầu gà (hoặc má lợn); Lý trưởng được cẳng giò, phẩm oản; Giám sự được chia miếng bụng (miếng nây) lợn.

1.2.3.3. Văn hóa tinh thần của làng Phương La


Việc cưới và việc tang


- Việc cưới: ngày trước, con cái trong nhà đến tuổi lấy vợ, lấy chồng đều do bố mẹ sắp đặt. Các bậc cha mẹ, ngay sau khi sinh con đã có ý định con cái mình sau này lớn lên sẽ lấy ai, rồi tự lượng sức mình, sắp đặt, thường thì cho con lấy ngay người trong làng: "Trâu ta ăn cỏ đồng ta", "con bá con dì tù tì lấy nhau" với kiểu kết hợp "gái hơn hai, trai hơn một"; hoặc bạn bè hứa gả cho nhau. Xưa, việc cưới quy định lệ nộp cheo và quy định rõ con gái lấy chồng nộp tiền cheo, rượu, trầu cau; con cả bao nhiêu; con thứ bao nhiêu. Người con gái của làng Phương La không được đi lấy chồng nơi khác vì sợ truyền nghề cho dân làng đó, chỉ có con trai được lấy người ngoài làng. Con rể chưa cưới phải sêu Tết bố mẹ vợ tương lai vào mùng năm tháng Năm, gồm một con ngỗng cùng năm cân đỗ xanh; dạm ngõ phải có một gà trống và năm đấu gạo nếp (mỗi đấu tương ứng tám lạng).


Lễ xin cưới: gồm một xâu thịt từ 01 đến 02kg, nhà trai nói chuyện xin cưới và đề nghị nhà gái thách cưới. Việc thách cưới của nhà gái còn tuỳ xem nhà trai có lo được mới thách. Nếu nhà trai nghèo thì tùy lo thế nào cũng được, có khi thách cưới chỉ đủ để nộp 7 đồng tiền cheo cho làng. Có đám thách cao quá, nhà trai bỏ cuộc, nhà gái nhận lễ rồi mà bỏ thì phải trả lại lễ.

Dẫn lễ: trước hôm cưới một vài ngày, nhà trai đội lễ đến nhà gái gọi là dẫn lễ. Thông qua việc dẫn lễ, mới rõ vai vế giàu nghèo trong làng; nhà giàu dẫn lễ bằng quần áo, vòng xuyến, hoa tai, nhẫn, rượu 10 chai, tiền 3 chục, cau hàng nghìn quả. Nhà nghèo chỉ tính lễ rồi cấn bằng tiền. Có đám nhà trai chưa nộp đủ lễ thách cưới, nhà gái chỉ mời xơi nước rồi bỏ xuống bếp chứ không phá lễ. Mà lễ chưa phá là việc chưa được chấp nhận thì không thể cưới được. Vì vậy, nhà trai phải về chạy cho đủ, có khi phải gá ruộng và bán các thứ mới đủ dẫn lễ.

Lễ cưới: Nhà trai tổ chức cưới cho con, họ hàng đến mừng rượu, chè... Nhà gái gả chồng cho con, họ hàng không mừng vật chất mà đưa dâu đến nhà trai để ăn cỗ. Lệ xưa, ở Phương La, nhà giàu cưới con, tổ chức ăn uống linh đình. Nhà gái dù nghèo nhưng vẫn thách cưới, yêu cầu nhà trai phải chuẩn bị 09 lễ. Lễ từ đường phải là thủ lợn, các lễ khác được căn cứ theo đời mà chuẩn bị: “nhị đời thì to, tam đời thì nhỏ hơn…” - “gần thì kết tràng hoa; xa thì chân giò, cẳng lợn; gần nữa thì cỗ soạn”. Nhà gái nghèo không lo được cỗ thì xin nhà trai năm mâm cỗ soạn để mời họ hàng, năm mâm cỗ này được nhà trai đội đến nhà gái vào ban đêm và nhà gái cũng phải tổ chức ăn đêm. Cỗ soạn gồm hai đĩa thịt luộc, hai đĩa thịt xào, một đĩa lòng, một bát su hào nấu với xương băm. Thông thường, lễ rước dâu được tổ chức ban ngày; nếu nhà trai nghèo thì lễ rước lại phải tổ chức vào ban đêm. Ngày trước thường cưới đêm, nhà gái đưa dâu xong về đến nhà, trời vẫn chưa sáng. Lễ cưới của người dân làng Phương La vô cùng rườm rà, phức tạp, đủ mọi nghi thức, từ lễ xe duyên, lễ mai mối, lễ dạm ngõ, lễ cưới, lại mặt, nộp cheo, thách cưới…

- Việc tang (việc hiếu): các phong tục tập quán của làng Phương La được ghi chép trong bản “Tục lệ xã Phương La” lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn


bản được lập vào ngày 22 tháng Năm năm Tự Đức thứ 34 (1881), gồm 19 Điều, trong đó có 13 Điều liên quan đến việc hiếu:

Việc hiếu quy định từ việc báo tang, làm nhà tạm đến việc bắc rạp, hộ tang của họ tộc, của giáp, lệ biếu giáp và mời đãi những người hộ tang, lễ tế thổ thần; tế yên vị; các tiết 100 ngày, rằm tháng bảy, giỗ đầu và giỗ mãn tang.

Theo các bậc cao niên, đám tang nhà bình dân; bố mẹ hoặc người nhà chết phải có lễ đòn song trình hàng giáp đến khiêng. Nếu gia chủ túng thiếu quá thì được nợ lại đến mùa mới phải trả. Nhà giàu thường tổ chức ăn uống linh đình ba ngày. Những đô tùy phải qua một lần thử thách: để một chồng tiền xu trên nắp quan tài, hoặc để chén nước trên đồng tiền, nếu đi không đổ sẽ được tham gia khiêng cữu và được thưởng tiền. Linh cữu của người mất được đặt dọc gian nhà. Đưa người mất ra đồng vào buổi sáng, những nhà bình dân thì không chọn giờ đưa. Người mất có thông gia thì thông gia đến viếng, lễ là một cơi trầu, nắm hương hoặc đối trướng. Trước đây, khi đào huyệt thì có thầy đi cắm hướng đất, rồi gia chủ mới cho người đào.

Các lễ tiết và hội làng

- Các lễ tiết trong năm của làng Phương La xưa, về cơ bản vẫn giống như ở bao làng quê khác vùng châu thổ Bắc Bộ, gồm:

+ Lễ tiết lớn nhất trong năm là Tết Nguyên Đán, còn gọi là Tết Cả;

+ Lễ tế vào ngày 4 tháng Tư tại đình làng - là ngày hóa của các vị thần;

+ Lễ hợp kỵ: Trong nội dung của văn bia Truy tự bi ký tại đình Phương La đề cập tới việc dân làng tổ chức lễ hợp kỵ, nghĩa là tiến hành tế lễ làm giỗ các vị hậu có công đức giúp làng vào cùng một ngày [111, tr.175];

+ Lễ Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng) diễn ra ở đình, chùa làng;

+ Lễ Khai hạ - mồng 1 tháng Tư (lễ cầu phúc trừ dịch bệnh);

+ Lễ rước: xưa kia tổ chức lễ rước các vị thần vào ngày 30 Tết;

+ Ngày Tết thanh minh: dân làng Phương La còn gọi là ngày dọn họ;


+ Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm);


+ Rằm tháng Bảy, còn gọi là “xá tội vong nhân”;


+ Rằm tháng Tám, Tết Trung thu có tục đón trăng phá cỗ…


+ Tết ông Công hay ngày tiễn đưa Táo quân về trời 23 tháng Chạp.


Bảng 1.3: Các lễ tiết chính trong năm của làng Phương La xưa


TT

Lễ tiết

Ngày, tháng

Nơi tổ chức

1

Tết Nguyên Đán

1,2, 3/Giêng

Đình làng (đình Đông)

2

Rằm tháng Giêng

15/Giêng

Đình, chùa và các gia đình

3

Lễ tế

4/Giêng

Đình

4

Ngày thượng điền

1/ Hai

Đình

5

Lễ Khai hạ hay

1/Tư

Đình

6

Ngày hạ điền

4/Năm

Đình

7

Hội làng

20-25/Mười

Đình

8

Lễ rước

30 Tết

Đình

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.

Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 7

[Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS].


- Hội làng, hội tại đình làng Phương La xưa kia được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 25 tháng mười. Lễ hội với nhiều diễn xướng dân gian, trong đó có mô thức mô phỏng tục truyền nghề ươm tơ dệt lụa.

+ Phần lễ là các nghi thức thiêng liêng gồm: tế - lễ - rước, bày tỏ sự tôn vinh, thành kính của cộng đồng với các vị thần thánh được thờ. Ngoài ra, phần lễ còn mô tả công đức của các vị thần thánh. Hoạt động tế gồm: đọc văn tế, dâng hương hoa, dâng rượu, múa kiếm, hát văn có dàn nhạc bát âm - kim tiền hòa theo người hát. Phần lễ nghiêm trang, thành kính hướng tâm linh con người về cõi siêu nhiên để ghi lòng tạc dạ công đức của người xưa nhằm giữ trọn đạo nghĩa. Theo các tài liệu thu thập được ở làng Phương La, lễ tế trong hội làng vào ngày 20 đến ngày 23 tháng 10 hằng năm và được tổ chức rất long trọng. Một đoàn tế gồm 20 đến 25 người, khi vào làm lễ chính thức chỉ có 12 người. Chủ tế đi hài, mặc quần trắng, áo xanh, đội mũ xanh, có hai bồi tế đứng hai bên chủ tế. Trong bồi tế có một người là họa xướng, một người là thông xướng. Hai vị này phối hợp chỉ huy việc hành lễ.


+ Phần hội là phần vui chơi, giải trí đua tài của những người tham gia lễ hội. Thông qua các trò chơi dân gian mô phỏng lại những công việc của người dân trồng lúa nước, việc đánh bắt cá, truyền nghề, đánh giặc và thi thố tài năng trên các lĩnh vực của đời sống. Trong lễ hội còn tổ chức thi chọi gà, thi đấu gậy. Tại đình Phương La, thi tài quay tơ, dệt vải.

Tiểu kết


Trên cơ sở kế thừa lý luận của các học giả đi trước, Luận án đã phân tích và làm rõ thêm các khái niệm làng nghề, văn hóa làng nghề và biến đổi văn hóa làng nghề. Luận án xác định, làng nghề là các làng có phần đông cư dân sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề thủ công, có khi chỉ là một công đoạn của nghề, tạo ra các sản phẩm mang những nét riêng, thời gian làm nghề và thu nhập của nghề chiếm tỷ lệ lớn nhất so với các hoạt động kinh tế khác; hoạt động làm nghề có ảnh hưởng lớn đến các mặt khác của làng (kiến trúc làng xóm, nhà cửa, nhịp sống, phong tục tập quán...). Văn hóa làng nghề mà Luận án đề cập, không đơn thuần là số cộng giữa văn hóa làng và văn hóa nghề, mà là một dạng đặc thù, là một phức thể các yếu tố văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của làng nghề, giữa nghề và làng, giữa con người và các yếu tố ngoài con người, có quan hệ mật thiết, ràng buộc và tác động vào nhau..

Văn hóa làng nghề cũng như văn hóa làng, được cấu thành bởi văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của làng; các yếu tố đó có quan hệ mật thiết, ràng buộc và phụ thuộc nhau, trong đó nghề giữ vị trí trung tâm. Ngoài các yếu tố chung của văn hóa làng, văn hóa làng nghề có một số yếu tố đặc thù, như nhịp sống làng nghề, tâm lý và tính cách của người làng nghề… Song, văn hóa làng nghề là một chỉnh thể thống nhất, không thể phân chia. Việc phân chia một cách cơ học các thành tố trên nhằm giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về sự vận động, biến đổi của văn hóa làng nghề.

Phương La là một làng cổ được hình thành và phát triển vào cuối triều Lý, gắn với công lao khai ấp, mở làng, truyền cho dân nghề dệt của Trần Hoằng Nghị.


Ngoài họ Trần, còn các dòng họ Nguyễn, Đào, Phạm, Lê, Vũ, Đặng, Đỗ, Đoàn, Đinh cùng chung lưng đấu cật để gây dựng và phát triển làng. Về sau, có thêm họ Bùi và họ Ninh.

Xưa, Phương La nổi tiếng là vùng đất trù mật, với sản xuất nông nghiệp và nghề thủ công rất phát triển. Sản phẩm lụa của làng nổi tiếng khắp vùng, là sản phẩm tiến vua và đối ngoại khi bang giao với các nước làng giềng. Chợ và nghề dệt của làng Mẹo trong quá khứ là điểm khởi nguồn cho sự phát triển kinh tế của làng Phương La ngày nay. Người Phương La dựng nhà đơn giản, vật liệu chủ yếu là tre, nứa, gỗ. Họ sống tụ cư bên nhau, với lối sống thư thái, thanh bình, không bon chen. Phương La là một làng cổ mà ở đó còn lưu giữ được cả một quần thể di tích, công trình lịch sử văn hóa như Đình Đông, chùa Ứng Mão… Hội làng Phương La xưa có nhiều hoạt động phong phú, nơi tái hiện các nghi thức của cư dân lúa nước… Tóm lại, có một văn hóa làng nghề Phương La trên nền cảnh chung của văn hóa làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ.


Chương 2

NGHỀ DỆT VÀ VĂN HÓA VẬT CHẤT

CỦA LÀNG PHƯƠNG LA HIỆN NAY


2.1. Nghề dệt của làng Phương La hiện nay


Đối với các làng nghề, văn hóa mưu sinh thể hiện rõ nhất ở các khía cạnh liên quan đến làm nghề. Trong quá trình làm nghề, bên cạnh việc đầu tư kỹ thuật, người làng nghề luôn tính toán để làm sao đầu tư cho sản xuất ít mà lại thu lợi nhuận cao nhất, trong đó, việc tìm ra một sản phẩm còn bị thị trường “bỏ ngỏ” là rất quan trọng.

Người Phương La cũng vậy. Quá trình làm nghề hàng mấy trăm năm đã khiến người Phương La tốn biết bao công sức, trăn trở, tìm tòi và suy ngẫm, cải tiến, nâng cấp công cụ, tổ chức lại sản xuất, tìm ra các sản phẩm “đứng được” với thị trường. Có những lúc tưởng chừng đã “đổ bể”, song với lòng quyết tâm, người thợ Phương La lại gượng dậy, vượt lên. Chỉ tính từ sau hòa bình lập lại đến nay, trước tác động của các chính sách, của cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, người Phương La đã sáu lần cải tiến công cụ, thay đổi nguyên vật liệu, đổi mới tổ chức sản xuất, thay đổi loại hình và mẫu mã sản phẩm, để cuối cùng phát hiện một sản phẩm lại là mặt hàng phổ thông (khăn tắm, khăn mặt, khăn ăn, khăn lau), hầu như ai cũng có nhu cầu sử dụng; Nhà nước lại chưa quan tâm đến… Từ giữa những năm 90, sản phẩm khăn “đứng được” trên các loại thị trường, dệt khăn làng Phương La ngày càng được mở rộng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân nơi đây. Người Phương La là điển hình cho sự nhanh nhạy với thị trường. Đây cũng là biểu hiện cho sự thích ứng nhanh nhạy và hợp lý với sự chuyển biến của thời cuộc, tìm ra những cơ hội để mưu sinh trong làm nghề của người Phương La. Những thăng trầm, biến đổi của nghề dệt ở Phương La được khái quát ở Bảng 2.1.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024