Về Cách Thức Truyền Nghề Và Học Nghề


Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết phải có khu công nghiệp tập trung tạo điều kiện cho các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất yên tâm, ổn định sản xuất. Khu công nghiệp tập trung của Phương La ra đời đáp ứng nhu cầu đó của người dân.

Ban đầu, do một số cơ sở quá “bí‟‟ về chỗ đặt máy móc, nơi tập kết nguyên liệu, sản phẩm nên đã tự phát di chuyển ra vùng đất sản xuất nông nghiệp của gia đình hay người nhà; cứ như vậy, số người làm tiếp theo tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất đã cùng nhau đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện để họ mở rộng cơ sở sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Trước điều kiện nghề dệt ngày một phát triển mạnh, số các công ty, doanh nghiệp ngày một tăng, đòi hỏi về quy mô sản xuất ngày một lớn, các cấp chính quyền ở huyện Hưng Hà và xã Thái Phương đã quyết định xây dựng cụm công nghiệp tập trung tại Phương La và một số địa điểm khác của huyện Hưng Hà, như cụm công nghiệp Phúc Khánh, cụm công nghiệp Đồng Tu...

Các cấp chính chính quyền khuyến khích các cơ sở sản xuất vào khu công nghiệp vì có rất nhiều cái lợi: giúp người dân đỡ phải sống trong môi trường ngột ngạt, ô nhiễm; đường làng, ngõ xóm đỡ ách tắc.... ; các cơ quan chức trách dễ quản lý, điều hành và phát hiện, xử lý các sai phạm trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất nào cũng “vào” được cụm công nghiệp, bởi phải có lượng vốn nhất định, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của khu công nghiệp, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, cơ sở vật chất như đóng thuế, phí bảo vệ môi trường, quy định về an toàn lao động... Đặc biệt, việc phải phân chia lực lượng lao động vừa ở cơ sở tại nhà, vừa ở khu công nghiệp cũng gây khó khăn cho công tác quản lý của các chủ sản xuất. Nếu sản xuất ở khuôn viên tại gia đình, chủ cơ sở và người nhà còn tranh thủ vừa quản lý, đôn đốc công nhân vẫn làm được các công việc khác của gia đình như chăm con, nhắc nhở việc học hành, tranh thủ tiếp khách, không phải đi lại, rất tiện lợi... Hơn nữa, ra khu tập trung, công việc giao dịch, mua bán đôi khi khó tránh khỏi sự nhòm ngó, tò mò của hàng xóm, sợ lộ bí mật trong các công đoạn sản xuất của cơ sở mình.

Nghề dệt ở Phương La phát triển đã lấn át nghề nông. Đến nay, chỉ còn 7 - 8% số lao động ở làng không làm nghề dệt. Đó là những người không có sức lao động, hoặc là


cán bộ xã; một số người kinh doanh hay làm dịch vụ. Vào những năm trước 2000, còn một số gia đình làm nông nghiệp và nhận lại ruộng của các gia đình khác để làm rồi nộp thuế. Sau năm 2000, nghề dệt phát triển mạnh không còn ai ở làng nhận thêm ruộng để trồng cấy, ruộng của làng chủ yếu thuê người làng khác đến cấy và thường bị cấy sau các làng khác vì cấy xong làng mình, họ mới đi cấy thuê cho Phương La. Hiện nay, ruộng ở Phương La hầu như người dân cho các làng phụ cận cấy trồng thuê hoặc bỏ hoang. Ông Bùi Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết, “dân bỏ hoang ruộng nhiều lắm, chúng tôi chưa có cách nào để giải quyết hiệu quả vấn đề này’’. Đồng ruộng bây giờ không còn quan trọng với người dân nữa vì nó không mang lại thu nhập cao. Khác với các xã nghề Minh Tân và Nam Cao, thu nhập từ nghề chưa nhiều nên hai xã này, người dân vẫn sản xuất nông nghiệp, ruộng không bị bỏ hoang và thu nhập từ nông nghiệp vẫn duy trì được phần cơ bản đời sống của người dân.

Có thể nói, nghề dệt phát triển, đã tạo ra bước thay đổi quan trọng và căn bản đối với cơ cấu kinh tế của làng Phương La theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ chiếm ưu thế; nông nghiệp không còn giữ vai trò chủ đạo nữa (theo báo cáo của UBND xã Thái Phương, năm 2013, tổng giá trị thu nhập công nghiệp và xây dựng của làng Phương La đạt 179,443 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012). Đây là điểm khác biệt căn bản so với kết cấu kinh tế truyền thống. Nền công nghiệp truyền thống trong các làng xã được P. Gourou nhận xét nền công nghiệp rất vừa tầm với họ, một nền công nghiệp nhỏ bé, lãng phí nhân công và không có máy móc, với những phương tiện vô cùng đơn giản và đôi khi có một kỹ thuật rất tinh tế; một nền công nghiệp không hợp lý và phân bố không lô gíc, nhưng trung thành với truyền thống; một nền công nghiệp trong đó hiện lại chủ nghĩa biệt lập của làng xã; một nền công nghiệp ít có lãi, chỉ có thể giúp người nông dân đủ nuôi sống họ khỏi chết đói mà thôi. Tóm lại, đó là một nền công nghiệp nông dân, mang hai tính chất cơ bản là nhân công gia đình và công nghiệp nhân công, vì tất cả những người thợ thủ công trước hết và trên hết đều là nông dân, họ sẽ chỉ canh tác nông nghiệp nếu ruộng đất của họ có đủ; nông dân còn ở chỗ, nó chỉ được tiến hành trong làng xã, ở ngay trong gia đình [39, tr. 406].


Sự ra đời của các công ty, doanh nhiệp, đội ngũ giám đốc, các chủ cơ sở sản xuất cùng với việc hình thành cụm công nghiệp tập trung, trang bị máy móc hiện đại, đã tạo đà để các lao động thủ công thoát ly khỏi sản xuất nông nghiệp, gắn với sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, từ sau Đại hội VI (năm 1986), chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã là động lực để các công ty, xí nghiệp vươn lên đi tắt, đón đầu khoa học công nghệ, chuyên môn hóa quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Nó đã phá vỡ nền sản xuất nhỏ, manh mún, truyền thống; hình thành nền sản xuất hàng hóa, có sự cạnh tranh quyết liệt.

Sự hình thành cụm công nghiệp tập trung tại làng đã góp phần bảo đảm công ăn việc làm trực tiếp, tức thì cho một bộ phận lớn cư dân nông nghiệp hiện nay đang chịu sức ép rất lớn của sự mất đất nông nghiệp (đất bị thu hồi vào quy họach đô thị, giao thông) và sự gia tăng dân số góp phần ổn định chính trị ở nông thôn, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Mỗi ngày một làng nghề có thể giải quyết việc cho hàng ngàn lao động. Một số nông dân làm thuê đã được học nghề để trực tiếp làm ra sản phẩm. Một số khác làm phần ruộng của các hộ trong làng hoặc các việc khác như vận chuyển, nội trợ và tạp vụ tạo tiền đề cho lực lượng công nhân công nghiệp trong giai đoạn mới. Nó còn góp phần đào tạo ra một đội ngũ thợ thủ công - công nhân tiền công nghiệp, bổ sung cho lao động công nghiệp sau này.

Cụm công nghiệp tập trung ở Phương La góp phần giúp các cơ sở sản xuất tăng cường các thiết bị máy móc hiện đại, tạo ra được một lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài; tạo ra cơ sở kinh tế dồi dào để bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của các làng nghề; từ đó góp phần vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nói chung, văn hoá làng nghề nói riêng làm cho văn hoá trở thành mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng xã hội mới. Làng dệt Phương La, xã nghề Thái Phương xác định nghề là một mục tiêu trọng yếu của chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nghề, hộ nghề ở đây đã trở thành nguồn sống chính của người dân. Theo ông Bùi Văn Hà: “Việc xuất khẩu sản phẩm của làng Phương La đã đem lại thu nhập mỗi năm hàng


tỷ đồng cho các doanh nghiệp, các gia đình có máy dệt thu nhập không dưới 5.000.000đồng/máy/tháng/, công nhân dệt thuê mỗi tháng cũng thu nhập không dưới 3.000.000 đồng”. Số điện tiêu thụ trong làng dệt Phương La và khu công nghiệp của làng năm 2013 là 780.000 KWh, với số tiền nộp cho Công ty Điện lực là 108 tỷ đồng đã nói lên năng lực sản xuất của khu công nghiệp làng nghề Phương La [Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS (2013)].

Đời sống nhân dân trong xã nói chung, các hộ làm nghề dệt không ngừng được nâng cao. Sản phẩm làm ra được xuất khẩu mở rộng sang cả thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc, Đức,… Hiện tại, số lao động tham gia nghề dệt (bao gồm cả may viền khăn, đóng gói,…), công nhân các doanh nghiệp, xí nghiệp và tổ hợp của nghề dệt đã lên tới 78.000 người.

Tốc độ tăng trưởng của các cụm công nghiệp năm sau cao hơn năm trước, đã phát huy được nội lực, thế mạnh của làng, xã, khơi nguồn thu hút nhân tài, vật lực, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, đổi mới trang thiết bị sản xuất, thúc đẩy làng nghề phát triển mạnh.

Việc phát triển các cụm công nghiệp, phát triển nghề không chỉ làm kinh tế của người dân giàu có lên mà thông qua đó, tư duy kinh tế của người Phương La thay đổi từ tư duy “trọng nông”, lấy lương thực làm đầu, an toàn lương thực “thóc đầy bồ”, cuộc sống “tự cung, tự cấp”, “an phận” sang tư duy “kinh tế hàng hóa, thị trường”, phấn đấu trở thành “ông chủ”, đời sống “thượng lưu”. Đây chính là những yếu tố góp phần tạo nên sự biến đổi của văn hóa; lối sống, nét tính cách của người Phương La.

Quy trình sản xuất mới với công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao đã mang lại cho người dân đời sống sung túc; đồng thời góp phần giải phóng sức lao động của người thợ, chuyển từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ ; từ tư duy lao động chậm chạp, đủng đỉnh sang lao động phải nhanh nhẹn, hoạt bát để kịp thời ứng xử với guồng dệt của máy móc. Quy trình sản xuất biến đổi nhưng các công đoạn dệt thành phẩm vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự tỷ mỉ, cần cù, sáng tạo trong công việc của đội ngũ những người thợ tài hoa. Vì vậy, con người làm nghề vẫn có đức tính cẩn thận, tỉ mẩn, cần cù và kiên nhẫn nhưng lại phải nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.


2.1.4. Về sản phẩm

Ngay từ năm 1990, người Phương La đã chuyển hướng chủ yếu dệt khăn các loại cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là hướng đi rất đúng đắn, vì thế đã giúp nghề và làng nghề Phương La ngày một phát triển vững mạnh. Sản phẩm của làng Mẹo chủ yếu xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đâu cũng có sản phẩm của người làng Mẹo. Mặt hàng đặc trưng chủ yếu nhất của làng Phương La là khăn mặt, khăn tắm, khăn ăn…với các kích cỡ khác nhau: loại 60cm x 1,2m (loại lớn nhất), 40cm x 20cm, 4cm x 25cm, khăn vuông 30cm x 30cm. Có loại được in hoa văn, để trắng, tùy thuộc vào yêu cầu của nơi tiêu thụ sản phẩm.

Tìm hiểu sản phẩm dệt của xã nghề Nam Cao, chúng tôi được biết, từ nhiều năm nay, Nam Cao vẫn duy trì một mặt hàng truyền thống là vải đũi. Xã nghề Minh Tân chủ yếu là dệt thuê cho làng Phương La nên sản phẩm phụ thuộc theo đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất ở Phương La; vì vậy, sản phẩm dệt ở đây cũng chính là khăn bông các loại.

Sản phẩm khăn của làng Phương La còn có những hoa văn trang trí khác nhau, có loại được in hai chữ “hạnh phúc”, “song hỷ”, hoặc có loại chỉ làm hoa văn viền xung quanh…, thể hiện sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm. Chất liệu để dệt khăn cũng có nhiều loại, mỗi loại có những ưu điểm khác nhau. Sản phẩm dệt từ sợi côttông hay bông dễ hút nước, xốp, nhẹ, êm và mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Có loại dệt sợi pha nilon, có ưu điểm nhanh khô, dễ giặt sạch, ít bị mốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau tạo ra sự phong phú về chủng loại. Ngoài ra, kỹ thuật dệt, đường nét, hoa văn, màu sắc… được chú trọng về tính thầm mỹ, do vậy sản phẩm ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn.

Mặc dù là sản xuất trên dây chuyền hiện đại, song mỗi sản phẩm làm ra đều kết tinh trí tuệ, sự sáng tạo của người thợ nên nó mang tâm hồn, cốt cách riêng. Sản phẩm chính là một giá trị văn hóa vật thể của làng nghề, dấu ấn văn hóa vẫn mang đượm màu sắc văn hóa Việt.


Phương La được người dân trong nước và thế giới biết đến nhiều hơn nhờ sản phẩm dệt của làng, như vậy kinh tế đã góp phần quảng bá giới thiệu các giá trị về văn hóa làng nghề và ngược lại, các giá trị văn hóa đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, phát triển địa phương một cách bền vững.

2.1.5. Về hình thức tiêu thụ sản phẩm


Kinh tế thị trường mở ra, người sản xuất được tự do sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ... vì thế, sản phẩm của làng dệt Phương La không còn phải tiêu thụ nhỏ lẻ, giấu diếm, lo chạy trốn thuế vụ như những năm trước đổi mới 1986. Những năm 80 - đầu 90 của thế kỷ XX, hàng vải các loại của làng dệt Phương La đã được công ty mỹ nghệ xuất khẩu của tỉnh Thái Bình nhập để xuất sang Nga và các nước Đông Âu.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề dệt làng Phương La đã có nhiều thay đổi, đổi mới công cụ sản xuất hiện đại, các loại hình sản phẩm cũng đa dạng hơn. Các ông chủ của thời kỳ đổi mới phát huy trí tuệ, đẩy mạnh sản xuất, ký kết hợp đồng với các tỉnh trong nước và các công ty nước ngoài để xuất khẩu hàng khăn các loại - một mặt hàng đặc trưng hiện nay của làng nghề dệt Phương La. Họ đã chủ động tự tìm đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn. Trước đây, nghề dệt trong nước xuất khẩu rất hạn chế, nhưng ngày nay với sự nhanh nhạy, thông minh, các doanh nghiệp làng nghề Phương La đã có thể xuất khẩu sang hàng chục nước ở châu Âu và châu Á. Khác với làng nghề Phương La, việc tiêu thụ sản phẩm của xã nghề Nam Cao đa số tiêu thụ trong nước và xuất khẩu số lượng không lớn sang thị trường các nước chưa phát triển như Lào, Campuchia nên lợi nhuận không cao, thu nhập của người làm nghề thấp. Xã nghề Minh Tân, chỉ có ba doanh nghiệp, còn lại các hộ chủ yếu dệt thuê cho Phương La nên lại không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, thu nhập của người dân cũng ổn định nhưng không cao.

Điểm khác biệt trong thu nhập của người thợ dệt thuê ở các doanh nghiệp của làng nghề Phương La là cứ ba tháng người thợ mới nhận lương một lần. Tức là,


mỗi quý người công nhân mới nhận lương một lần, giúp người thợ tích lũy được tiền để trang trải, lo toan những công việc lớn mà lại giảm được thời gian đi nhận lương. Theo báo cáo của UBND xã Thái Phương, bình quân thu nhập tính theo đầu người của làng dệt Phương La từ 26 triệu đồng/1người/năm vào năm 2014 (thực tế, thu nhập của người làng Phương La cao hơn gấp nhiều lần).

Biến đổi về tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người Phương La giúp đời sống nhân dân của làng, các hộ làm nghề dệt không ngừng được nâng cao. Sản phẩm xuất khẩu mở rộng sang cả thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan… Được tự do phát triển nghề, người Phương La không còn phải lo bán ”chui‟‟, họ tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng mối quan hệ giao lưu... Điều này giúp người Phương La thông thạo, am hiểu thị trường, quyết đoán, giỏi quan hệ,... Có điều kiện kinh tế, họ càng tăng cường được các mối quan hệ, khẳng định mình, dễ giao dịch, tạo được niềm tin trong làm ăn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền‟‟. Bên cạnh đó, họ có điều kiện để quan tâm, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, chăm lo đời sống tinh thần. Điều này, góp phần hình thành văn hóa tinh thần, lối sống của người Phương La.

2.1.6. Về cách thức truyền nghề và học nghề

Xưa, việc giữ gìn bí quyết nghề và truyền nghề chủ yếu được bảo lưu trong gia đình thì hiện nay phương thức truyền nghề đã “mở” hơn rất nhiều. Những bí quyết nghề nghiệp của riêng từng hộ gia đình vẫn được giữ gìn để cạnh tranh lành mạnh trên thương trường nhưng không còn quá khắt khe nữa. Trong gia đình, ai muốn học nghề đều được truyền dạy không phân biệt nam, nữ, dâu rể để thạo việc còn hướng dẫn, chỉ đạo thợ dệt thuê. Người đến dệt thuê, có lòng yêu nghề, tính cẩn thận cũng được truyền dạy tận tình, chu đáo. Người Phương La truyền nghề để cạnh tranh thợ có tay nghề cao để phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản phẩm đã ký kết với các nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, người Phương La truyền nghề chủ yếu cho người đã ở tuổi trung niên, vì đây là lực lượng chính trong sản xuất và thực hiện các công đoạn của nghề dệt. Đây cũng là đối tượng có đủ kinh nghiệm trong nghề, lại có trách nhiệm với công việc; thể hiện bằng kết quả xử lý phiếu điều tra ở Bảng 2.4.


Bảng 2.4: Nhóm đối tượng được gia đình truyền nghề

Đơn vị tính: %


Nhóm đối tượng

Hiện nay

Trước năm 1996

Lao động trẻ, thanh niên

5,7

18,6

Lao động là trung niên

58,7

35,5

Lao động là người già

0

2,2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.

Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 9

[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu phiếu điều tra (Phụ lục 7)].

Người làng nghề Phương La cũng như nhiều làng nghề cổ khác của Việt Nam, ở thời phong kiến là sự giấu nghề, không truyền nghề cho người làng khác hoặc có những bí quyết chỉ truyền trong gia đình chứ không truyền cho người trong họ, trong làng. Chính vì vậy, hạn hẹp trong cách suy nghĩ với tâm lý sợ mất nghề đã ảnh hưởng tới chất lượng và sự phát triển của nghề, của sản phẩm. Việc mua bán tùy theo sự thỏa thuận đôi bên cũng hạn chế không ít tới sự phát triển của nghề dệt và tính cạnh tranh trong làng nghề, nó kìm hãm không nhỏ tới giá trị thẩm mỹ, chất lượng của mặt hàng dệt được làm ra.

Thời kỳ đổi mới, để tạo được mặt hàng khăn xuất khẩu với giá thành hợp lý, mặt hàng đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và ký được hợp đồng với khách hàng, các doanh nghiệp của làng nghề có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhưng lành mạnh, bao gồm cả cạnh tranh về lao động. Do vậy, các “ông chủ‟‟ còn tăng cường truyền dạy nghề cho người lao động làm thuê.

Đối với người lao động, nếu cùng mặt hàng sản xuất mà được thanh toán tiền lương sòng phẳng, trả công cao, việc làm luôn đảm bảo, họ sẵn sàng làm cho doanh nghiệp, công ty đó hết tháng này sang tháng khác; nếu không, họ sẽ chuyển sang làm chỗ khác. Đây chính là sự chuyển biến tâm lý và ý thức cơ bản của người lao động ở làng nghề Phương La trong thời kỳ cơ chế kinh tế mới phát triển. Do ý thức được về năng lực sản xuất, về trình độ tay nghề, về hiệu quả chất lượng mặt hàng làm ra nên người lao động có quyền và tự do lựa chọn những công ty, doanh nghiệp, tổ hợp nào đem lại nhiều lợi ích cho họ mà không bị ràng buộc và phụ thuộc nhiều vào ông chủ.

Ngày đăng: 22/01/2024